Chùa tọa lạc ở số 299B đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.8874257.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông Ngôi chùa Huê Nghiêm 2 phát xuất từ Tổ đình Huê Nghiêm ở Thủ Đức. Tổ đình Huê Nghiêm do bậc danh Tăng là Tổ Thiệt Thuỵ Tánh Tường khai sáng cách nay trên 300 năm. Trong những vị Tổ kế nghiệp,nơi đây đã từng một thời vang danh với công đức giáo hoá của Tổ Huệ Lưu. Hòa thượng Thích Trí Quảng là tôn sư xuất thân từ Tổ đình Huê Nghiêm.
Chùa Huê Nghiêm 2
Đất chùa ngày nay do Hòa thượng Thích Hồng Tín tạo mãi cho tổ đình Huê Nghiêm, Thủ Đức từ năm 1899. Trước đây, phần đất này dùng để sản xuất lúa gạo cho tổ đình. Sau năm 1975, Hòa thượng Thích Trí Quảng, trưởng tử của Hòa thượng Thích Trí Đức, cố viện chủ tổ đình Huê Nghiêm, đã cho dựng thảo am, rồi xây chùa Huê Nghiêm 2 để tăng chúng và Phật tử có chỗ nghỉ ngơi, tu học. Năm 1998, chùa Huê Nghiêm 2 được chính thức công nhận.
Trên một diện tích khoảng 2 ha, tiếp nối sự nghiệp của chư vị Tổ sư và để báo đáp công ơn muôn một của Thầy Tổ, Hòa thượng tôn sư đang cho xây dựng lại toàn bộ Ngôi chùa Huê Nghiêm 2 mang nét đẹp thanh nhã.
Ngôi chánh điện tôn trí chư Phật, Bồ tát bằng gỗ quý: Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Di Lặc.
Báo Giác Ngộ số 50 ngày 10 – 01 – 2001 cho biết, ở mỗi khoảng sân, góc vườn, hồ sen, ao cá... đều được Hòa thượng trụ trì đặt tên của từng vị Bồ tát, Thánh Tăng có danh hiệu trong kinh Pháp Hoa. Hàng tháng, nơi đây có hai ngày chủ nhật dành cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa chuyên tu. Ngày 27 – 5 – 2000, Thượng tọa Thích Giác Hoằng đã phát tâm hỷ cúng cho chùa 3 viên Xá lợi của đức Bổn sư và hai vị Thánh Tăng Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất.
Tượng Bồ Tát Quan Âm tại Chùa Huê Nghiêm 2
Đặc biệt, ở sân trước chùa có tôn trí pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 12m (tượng cao 8m, đài cao 4m) bằng đá hoa cương nguyên khối nặng 60 tấn do Hòa thượng Thích Tịnh Từ, viện chủ chùa Kim Sơn (Mỹ) cúng dường năm 2003.
Ngôi chùa Huê Nghiêm 2, một ngôi đại tự bậc nhất Việt Nam chính là bổn bộ của đạo tràng Pháp Hoa. Nơi đây, nhiều Tăng Ni và hàng ngàn Phật tử thường đến thọ trì, đọc tụng Kinh Pháp Hoa và tiếp nhận Pháp âm của Hòa thượng tôn sư.
Ngôi chùa ngày nay thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trong nước, ngoài nước đến chiêm bái.
Đạo Tràng Pháp Hoa