Home » , » Bản chất của đau khổ

Bản chất của đau khổ

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012 | 22:40


Đức Phật đưa ra bốn chân lý là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Mở đầu Phật dạy Khổ đế, cho nên nhiều người lầm tưởng đạo Phật là yếm thế vì cho rằng cuộc đời này là biển khổ. Nhưng thực chất của đạo Phật ở Diệt đế, tức Niết bàn. Tập đế là nguyên nhân đưa đến khổ đau và Đạo đế là phương pháp tu tập để thoát khỏi khổ đau, chứng Niết bàn an lạc. Vì vậy, đạo Phật là đạo dẫn đến sự an lạc, không phải khổ đau.

Đức Phật dạy rằng do vô minh, vọng kiến ngăn che, nên sanh các tánh ham muốn khác nhau mà tạo ra các tội sai biệt, mới bị khổ đau. Như vậy, khổ không có thực, nhưng do con người tạo ra. Khổ đau này ở đâu? Khổ đau có trong sinh tử, hay trên hiện tượng giới là thế giới sanh diệt, tức thế giới ảo mới có sanh diệt thì mới có khổ đau. Vì khổ đau là ảo, không thực, nên tùy theo tham vọng của từng người mà có khổ đau khác nhau.

Đức Phật tu đắc đạo, được an lạc hoàn toàn, tức Ngài trở về sống với thể tánh sáng suốt. Và từ thể tánh khởi lên mới có tư tưởng chơn như duyên khởi, tức từ bản thể sáng suốt khởi, cho nên tạo thành thế giới quan an lạc hoàn toàn là Niết bàn và Tịnh độ. Thế giới an lạc là Tịnh độ, tâm Phật là Niết bàn. Đức Phật nói rằng thế giới không khổ đau, mà hoàn toàn an lạc thanh tịnh; khi tâm chúng ta thanh tịnh thì thế giới an lạc. Vì tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, sẽ không khởi vọng kiến vô minh. Vọng kiến vô minh là thấy sai, chấp sai và hành động sai dẫn đến vô số tội lỗi, cho nên kết cuộc là khổ đau. Vì vô minh vọng kiến sanh ra khổ đau, nên Đức Phật đưa ra phương pháp thấp nhất cho loài người tu là 37 trợ đạo phẩm, gọi là Đạo đế, tức pháp tu diệt khổ từ thấp đến cao. Bước thứ nhất, Phật dạy muốn phá bỏ ảo giác này, chúng ta mượn đối tác với ảo giác để dứt trừ nó. Nghĩa là từ thế giới hiện tượng vật chất là Hữu, Phật đưa ra pháp Không để làm đối tác tu hành. Vì vậy, bước đầu Phật dạy chúng ta quán Không để thấy tất cả mọi hiện tượng trên cuộc đời này là Không, thì sẽ chấm dứt được khổ đau trong sinh tử. Vì nghĩ mọi thứ là có, là sung sướng, mới chạy theo ảo giác này, khiến cho ta phải bị hết khổ này đến khổ khác. Đức Phật ví như người khát nước trong sa mạc thấy nước, nhưng cái thấy đó chỉ là ảo giác, không phải nước thật, cho nên càng tiến sâu vào để lấy nước thì càng khát thêm mà thôi. Vì vậy, khổ đau phát xuất từ cái thấy có, mới khởi tâm ham muốn, để rồi phạm phải những tội lỗi khác nhau.

Từ thế giới sanh diệt quán Không để đối trị với Hữu, tức nhìn thế giới này là Không, nên vọng tâm không sanh, chúng ta có được cái ảo giác thứ hai là Niết bàn. Mặc dù Niết bàn này tuy không thực, chỉ là ảo giác, nhưng không làm chúng ta đau khổ như ảo giác sanh diệt. Vì vậy, người phát tâm tu hành đầu tiên phải thực tập pháp này. Thực chất cửa chùa gọi là Không môn. Thiền sư Thanh Từ nói Phật tử đứng trước cửa chùa, không chịu bước vô. Đừng hiểu lầm rằng tới chùa mà không chịu vô, lại đi trở ra. Ý Ngài muốn nói rằng đã đi thẳng vô chùa rồi, nhưng không vào được cửa Không, giải thoát của Phật. Họ vẫn đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, nhưng không hiểu Phật pháp, mà cứ chấp vào văn tự kinh, chấp vào tượng, là họ làm nô lệ vật chất của đạo Phật, trong khi không nô lệ vật chất thế gian.

Phật tử từ nhà đến chùa, trên đường đi, đầu óc nghĩ đủ thứ, bước vô chùa tâm trí lại tiếp tục lăng xăng, nói năng lăng xăng và hành động lăng xăng, là họ đã vào chùa, nhưng sống ngoài cửa Không. Với tâm đầy ắp những dữ kiện như vậy, nên quỳ trước tượng Phật mà khóc sướt mướt, kể lể đủ chuyện, là chưa vào chùa. Bước vào chùa, ta phải được giải thoát. Điển hình như Mã Thắng nhập cửa Không, tâm Ngài hoàn toàn trống không, không khởi bất cứ vọng niệm tham đắm. Thân tâm và hoàn cảnh hoàn toàn giải thoát như vậy, dù Ngài không sở hữu tài sản gì,  nhưng trưởng lão Xá Lợi Phất trông thấy liền được giải thoát theo. Quý vị làm thí nghiệm trên bước đường tu, sẽ nhận ra lý này. Riêng tôi, trong khoảng thời gian dài suốt 20 năm cầu đạo, đi từ vị trưởng lão này đến trưởng lão khác, nhìn thấy các Ngài, phiền não tự rơi rụng, không cần nói gì cả. Thầy và ta mỉm cười, im lặng vào cửa Không; đó là thực chất của đạo. Còn thầy nói hết lời, ta cũng không hết phiền não là những người trong sinh tử nói chuyện với người sinh tử.

Có vị dạy chúng ta đủ thứ, nhưng càng dạy thấy mình bị gò bó ràng buộc, không an lạc; còn không dạy mà mình an lạc. Câu chuyện giữa Ca Diếp với Đức Phật đưa hoa sen lên, Ca Diếp mỉm cười là bài pháp vô ngôn. Thực tế Phật có đưa hoa sen hay không và Ca Diếp có mỉm cười thật hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là chúng ta thấy Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời như hoa sen. Vì vậy, Phật được tiêu biểu bằng hoa sen, mà về sau, người ta lại chạm tượng Phật ngồi trên hoa sen và Đức Phật Di Đà ngồi trên hoa sen lớn như bánh xe; nhưng chúng ta hiểu như vậy không được, vì Phật được biểu tượng bằng hoa sen không dính nước, nở trong bùn mà bùn không làm ô nhiễm hoa sen được.

Hoa sen tỏa hương là gì? Nghĩa là sanh tử và Niết bàn là một; bùn cũng là hương, hương này do bùn mà tạo thành, còn không biết thì biến hương thành bùn. Ngày nay chúng ta dễ chứng minh điều này. Các loại hương mà chúng ta tổng hợp được là trích từ hoa mới có nước hoa, nhưng hoa hút phân và nước mà cho hương. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta bắt đầu nhận thức được thực chất của sự vật. Kinh Hoa Nghiêm nói quả Bồ đề thuộc về chúng sinh, vì không có chúng sinh, Bồ tát không thành Vô thượng Đẳng giác. Chúng ta nghĩ Bồ tát tìm đạo ở đâu? Phật dạy tìm ngay trong chúng sinh, hay kinh Duy Ma, Phật dạy tìm Phật đạo trong 64 dị kiến ngoại đạo, tức tìm trong vô minh, chấp trước, khổ đau của chúng sinh thấy có dị kiến ngoại đạo. Thật vậy, vì có vô minh, vọng kiến, nên tạo vô số tội lỗi, mới có khổ đau và đáp ứng khổ đau của quần chúng mới có dị kiến ngoại đạo sinh ra.

Đức Phật cho biết nếu Ngài nói ngay rằng chân lý không có khổ đau, thì người ta sẽ theo ngoại đạo. Vì vậy, Phật phải dùng phương tiện nói cuộc đời là khổ, tức nói như vậy cho người trong sinh tử. Ngoại đạo thì cứ khai thác cái khổ và tham vọng của chúng sinh. Họ nghe và theo mới đi sâu vào tội lỗi, như có người tham nghĩ cách kiếm tiền nhiều, mua đất, coi ngày mở cửa hàng, mới tìm đến thầy bói và thầy bói khai thác cái mảng tham lam này của chúng sinh. Nếu người có phước đời trước, may mắn được một chút, lại tiếp tục đến thầy bói nhờ lần thứ hai, thứ ba, chắc chắn sẽ thất bại. Thầy bói không bao giờ nói đúng quá ba lần, vì lúc cái phước của người tham lam chấp trước này cạn kiệt, nên họ phải khổ đau. Có thể nói mọi suy tính do vô minh khởi, thì vô minh này là ảo, nên tạo thành tội lỗi cũng là ảo. Vì vậy, Đức Phật dạy trong kinh Nguyên thủy rằng tất cả chúng ta tu đều có thể đạt được an lạc giải thoát. Đầu tiên Phật dạy thực tập pháp quán Tứ niệm xứ để dứt tham vọng, hết khổ đau, vì càng tham vọng thì càng khổ, hạn chế tham vọng thì ít khổ và không có tham vọng thì không khổ. Biết vạn vật vô thường, sinh diệt biến dị, nếu theo con đường này phải khổ, vì kết thúc của tất cả sự vật đều là Không. Cho nên, Phật dạy quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

Vì sự vật vô thường, nhưng muốn nó vĩnh viễn làm sao có được. Tất cả mọi việc là vô thường, biến đổi, nhưng người khôn thì đổi được, như Phật, Bồ tát chuyển đổi phân, nước, bùn thành  hương sen. Kinh Hoa Nghiêm gọi là chúng hoa, nghĩa là tất cả mọi người, ai cũng tốt được, cũng an lạc được, cũng có hương đặc thù; nhưng chúng ta không biết sử dụng cho tỏa hương, vì tham vọng và vô minh mà làm khổ đau cho mình và người.

Có một vị Tỳ kheo thưa với Phật rằng lúc chưa xuất gia, họ có tiền, có quyền; nhưng theo Phật tu, bỏ hết, nay lại thấy Phật dạy Bồ tát làm các việc công đức, thì họ không làm được nữa. Đương nhiên có quyền, có tiền thì mình làm người mỉm cười dễ, lấy an vui của người làm mình an vui là dễ. Cho người đói miếng bánh mì, họ mỉm cười, ta cũng sung sướng khi thấy họ vui. Vì vậy, người có quyền, có tiền hành Bồ tát đạo dễ; nhưng hết tiền, hết quyền vẫn làm được việc. Như Tỳ kheo M ã Thắng chỉ với tâm an lạc cũng làm cho người giải thoát.. Các bậc chân tu làm cho cuộc đời tốt đẹp bằng tâm an lạc của các Ngài. Chúng ta tu hành, từ bỏ đời sống vật chất, có thế giới tâm linh, từ bỏ khổ đau, có đời sống an lạc, mới làm cho người an lạc thật sự. Còn ta cho họ một ổ bánh mì, họ mỉm cười lúc đó thôi, vì sau đó, cái đói của họ cũng tăng lên mà chúng ta không thể giúp họ no mãi được. Vì vậy, kinh Niết Bàn nói rằng ta bố thí mà làm cho chúng sinh tăng thêm tham vọng là người bố thí tự chuốc họa vào thân, vì không thể tiếp tục đáp ứng tham vọng của họ, họ trở thành thù và giết ta. Còn ta bố thí cho họ và giúp họ hiểu đạo, được giải thoát, thì giải thoát của họ là giải thoát của ta.

Bỏ tục xuất gia là bỏ thế giới khổ đau, ta sống với thế giới Niết bàn an lạc, tác động cho người an lạc theo. Thật vậy, thực tế nếu chúng ta được tiếp cận với các bậc chân tu đức hạnh, họ sẽ ảnh hưởng tâm ta được an lạc. Bỏ thế giới vật chất, ta phải có thế giới tâm linh; còn bỏ vật chất mà không có tâm linh là mất hết. Trước có nhiều vật chất theo Phật tu hành, nhưng không nhập được cửa giải thoát là mất trắng. Phật tử đừng phạm sai lầm này. Ta bỏ gia đình và công việc, tìm đến tu Một ngày an lạc, nhưng không an lạc là mất trắng thì càng tu càng khổ.

Tu hành chúng ta được gì? Bồ tát biến đổi phân, nước, đất thành hương. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng ai phát tâm tu theo Phật cũng tỏa hương, nếu là công nhân thì là công nhân tiên tiến, nếu là học sinh là học sinh giỏi, nếu là lãnh đạo là người tài ba được mọi người yêu quý, v.v… Nói chung, làm việc theo tâm niệm của Bồ tát đều đạt kết quả tốt, giả sử làm một việc nhỏ nhất như lượm một cây gai bỏ giữa đường vứt vào thùng rác để người khác không giẫm phải, thì việc đó cũng có công đức. Còn ác ma thì đem đinh rải trên đường đi,  làm khổ mọi người. Bồ tát làm an lạc cho cuộc đời, trong khi ác ma làm cuộc đời đau khổ thêm.
Tất cả mọi người tự giải thoát cho mình và cho người, vì Niết bàn và khổ đau đều là ảo, do chúng ta tạo ra. Chúng ta không tạo nguyên nhân khổ, nhưng tạo con đường giải thoát, thì càng tu càng giải thoát, cho đến đạt được quả vị Phật. Bước đầu, Phật dạy thấp nhất phải suy nghĩ kỹ rằng thân này bất tịnh để chúng ta không khởi tâm tham ái, đoạn trừ tham dục. Đối với người nhiều tham đắm sắc, Phật dạy ra nghĩa địa, nhìn xác chết để thấy thân bất tịnh của ta và của đối tác, chúng ta liền sanh tâm ghê tởm, thì cắt được cái khổ của tham dục. Kinh Bát Đại Nhân Giác dạy rằng: “Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều. Dạt dào sanh tử bao nhiêu. Cũng vì tham dục mọi điều gây nên”.

Trên bước đường tu, nhìn lại dòng lịch sử dài của loài người, chúng ta bắt gặp được các vị Hiền thánh, Như Lai và bạo chúa, thì thấy Phật hạnh phúc nhất, rồi đến các vị Bồ tát, Hiền thánh, ẩn sĩ. Còn người đau khổ nhất là vua chúa, đau khổ thứ hai là các nhà kinh doanh và đau khổ thứ ba là các tiểu thương, thứ tư là các thợ thuyền. Và người không đau khổ là các thầy tu, vì tâm họ là Không, nhưng không phải vật chất Không. Chúng ta đừng hiểu lầm điều này. Tâm không tham đắm vật chất, mà phước báu họ có đầy đủ là thế giới vật chất có đủ, như Đức Phật Di Đà có vô lượng công đức ở thế giới Cực lạc, không thể đo lường được. Ngài trang nghiêm cuộc sống bằng công đức, không tham vọng. Có công đức và có trí tuệ mới từ Không tạo thành có.

Quá trình hành Bồ tát đạo của Phật Di Đà tạo được vô lượng công đức, ngày nay chúng ta gọi là sức người, sức của. Công đức đó là phước báu có nhiều của, nhưng nếu không có trí tuệ và không có người hợp tác, thì sự nghiệp cũng dễ mất. Sức người rất quan trọng và xây dựng được người tốt cho đến thành Hiền thánh là những người có năng lực cao tột, chắc chắn sẽ tạo thành xã hội tốt đẹp. Còn tập hợp toàn người xấu, xã hội phải xấu. Đầu tiên Phật Di Đà xây dựng An Dưỡng Quốc, không phải bỏ hết để không có gì. Tu không có gì để trắng tay là sai. Tuy “Bản lai vô nhất vật”, nhưng phải nhớ thêm rằng “Vô nhất vật trung vô tận tạng”; nghĩa là trong cái không có, nhưng công đức phải sanh mới thành kho vô tận. Người Việt chúng ta cũng có câu có đức mặc sức mà ăn là nghĩa này. Thực tế chúng ta thấy người có đức khi bị sa cơ thất thế cũng có người thương giúp đỡ họ. Phật Di Đà thành tựu như thị công đức trang nghiêm do hành Bồ tát đạo, do cứu nhân độ thế, mới có được vô lượng công đức. Người thủ đắc sự nghiệp vật chất là mối tranh chấp lớn của lòng tham, sẽ dẫn đến tai họa, khổ đau.

Đức Phật buông bỏ tất cả, nhưng Ngài tại thế, những cơ sở vật chất quan trọng nhất đều là của Phật, điển hình là vườn ngự uyển của vua Tần Bà Sa La trở thành Trúc Lâm tịnh xá của Phật, hoặc Kỳ Hoàn tịnh xá của Phật được lát vàng đổi đất. Và Phật Niết Bàn cả mấy ngàn năm mà ngôi chùa Phổ Quang này và tất cả ngôi chùa trên thế giới, ai cũng nghĩ là của Phật. Khối Phật ngọc đẹp nhất thế giới cũng khắc thành tượng Phật và Thái Lan có tượng Phật bằng 5 tấn vàng. Có thể khẳng định rằng Phật buông bỏ tất cả, nhưng công đức của Ngài lớn đến độ tồn tại từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau chắc chắn vẫn còn. Đó chính là chân Không diệu hữu.

Chúng sinh vì quá tham lam nên cánh cửa tâm linh bị bít kín mà chỉ mở toang cánh cửa đau khổ; nhưng nếu biết đóng cánh cửa vật chất, mở cánh cửa tâm linh thì công đức sẽ sinh ra rất nhiều.
Tóm lại, bản chất của khổ đau và Niết bàn là một. Nếu vô  minh khởi là sinh tử khổ đau. Chơn như khởi là Niết bàn, Cực lạc. Mong rằng tất cả Phật tử tu hành, từng bước tiến vào thế giới tâm linh cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com