Bố thí là sự chia sẻ vật chất hoặc giúp
đỡ tinh thần cho người khác, nhưng pháp bố thí không phải chỉ đơn thuần là việc
làm từ thiện theo người thế gian, mà bố thí theo Phật dạy thể hiện ý nghĩa rất
quan trọng đối với người bố thí lẫn người nhận của bố thí. Vì vậy, bố thí là một
trong trong sáu pháp căn bản (Lục độ) mà hành giả tu Bồ tát hạnh cần thực hiện
trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh. Vì pháp tu dẫn đến quả vị
Phật, cho nên bố thí rất quan trọng được Đức Phật nhắc đến trước nhất trong pháp
Lục độ của hành giả tại gia và xuất gia.
Con người sống trên cuộc đời này luôn
bị lòng tham lam, ích kỷ ràng buộc tâm trí họ và thúc đẩy họ hành động sai lầm,
làm việc tội lỗi tác hại đến người khác và gây hại cho xã hội. Ngoài ra, lòng
tham lam, ích kỷ còn nuôi lớn cái ngã của con người, làm tăng trưởng tam độc:
tham, sân, si; cho nên từ đó càng làm cho người ta tiến sâu vào con đường tối
tăm, không thể phát huy đạo đức, không thể thăng hoa đời sống tâm linh. Chính vì
sự tác hại như vậy của lòng ích kỷ, tham lam, bố thí là pháp hành trước nhất có
khả năng giảm bớt cho đến xóa bỏ hẳn tánh ích kỷ, luôn gom về cho mình. Nhất là
hiện nay, nhân loại với 7 tỷ người, mà hơn hai phần ba dân chúng còn sống nghèo
khổ, cho nên việc thực hành bố thí theo Phật dạy rất cần thiết và có giá trị rất
cao.
Thật vậy, trước nhất, bố thí làm cho
người ta biết giảm bớt sự thụ hưởng riêng mình để nghĩ đến giúp đỡ cho người
khác. Ta có thể cho những gì mình có dư, hoặc cao hơn, cho những thứ mình đang
dùng, nhưng nếu để cho người dùng thì được ích lợi nhiều hơn. Khi thực hành bố
thí như vậy để xem ta có còn khởi lên lòng tham lam, bỏn xẻn, tiếc của hay
không. Thực tập nhiều lần việc san sẻ, bố thí sẽ khiến ta bớt ích kỷ, bớt được
cái ngã thu gom về cho mình. Và khi biết san sẻ cho người, ta đang tâp sự đi
theo con đường của Bồ tát, con đường luôn nghĩ đến mọi người, luôn vì mọi người.
Việc giúp đỡ người không nhất thiết là chia sẻ tiền bạc. Theo Phật dạy, giúp đỡ người có thể thực hiện dưới ba hình thức là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là giúp tiền bạc, thuốc men, thực phẩm, áo quần v.v… cho những người nghèo khó. Điều quan trọng là bố thí đúng lúc để cứu mạng sống cho người đang gặp nguy biến, như giúp nạn nhân động đất, sóng thần, bão lụt, hỏa hoạn, bệnh nặng …Và bố thí đúng đối tượng, tức giúp cho người gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng có ý chí phấn đấu để họ vượt khó, đi lên, như cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hoặc hỗ trợ đồng vốn cho người làm ăn lương thiện …
Ngoài ra, điều có ý nghĩa quan trọng
đối với tài thí đúng pháp là sự giúp đỡ tài vật chứa đựng lòng từ ái chân thật
của người bố thí, khiến cho người nhận được của bố thí không ỷ lại vào sự giúp
đỡ, mà họ càng nỗ lực hơn trong việc làm. Thật vậy, thực tế cho thấy các bậc
chân tu hoặc người có đức hạnh khi cho những món quà, tuy đơn giản nhưng đã gieo
được vào lòng người nhận những thiện căn, khiến họ cảm thấy vui vẻ, phấn chấn cố
gắng vượt khó, không còn buồn khổ, than trời trách đất, hoặc không còn lao vào
những việc làm tội lỗi. Được như vậy là nhờ bên trong món quà ban tặng, người
cho đã kèm thêm tâm từ bao la, tâm bi vô lượng, tâm hỷ vô cùng, tâm tinh tấn
vươn lên trong cuộc sống theo con đường lương thiện, đó chính là tài thí đúng
pháp.
Pháp thí là việc giảng dạy những lời
của Phật để cho người nhận ra đường chánh nẽo tà, hiểu đúng được chính mình và
mọi vật trên cuộc đời này, nhờ đó nuôi dưỡng cuộc sống đạo đức và thăng hoa trí
huệ. Ngoài việc giảng nói pháp Phật, những lời chỉ dạy cho người về kỹ thuật, về
học vấn, về nghề nghiệp, về cách sống tốt đẹp để họ tiến bộ trong công việc,
tăng trưởng hiểu biết và nhất là biết xử thế theo Phật dạy, có được cuộc sống an
lạc, giải thoát cho bản thân, lợi ích gia đình và cho xã hội, là đỉnh cao của
pháp thí.
Vô úy thí là người gặp hoàn cảnh bức
ngặt, rối loạn tinh thần, ta an ủi, khuyên dạy, chỉ cách tháo gỡ, , giúp họ bình
tâm trở lại, không còn lo sợ, buồn khổ và họ nhận ra việc phải làm, điều nên
tránh thì sẽ không phạm sai lầm. Thực tế chúng ta thấy những bậc chân tu đạo cao
đức trọng dễ dàng thể hiện pháp vô úy thí và là chổ nương tựa an ổn cho nhiều
người. Những người mắc bệnh tâm thần vì nhiều lý do khác nhau, hoặc những hiện
tượng khác, khi đến với bậc chân tu thì nhà sư chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng,
một câu chú nguyện, thậm chí một ánh mắt từ bi ban cho người bệnh, khiến họ
không còn khờ dại, tâm trí dần dần trở về trạng thái ổn định bình thường. Có thể
nói, vô úy thí đã hàm chí pháp thí của hành giả có đức hạnh, có đạo lực mới tạo
nên một tác dụng mãnh liệt, một cách nhẹ nhàng đơn giản. Bố thí đúng pháp và có
giá trị siêu tuyệt theo đạo Phật là như vậy.
Tóm lại, bố thí đúng pháp theo Phật
dạy, đem lại lợi ích cho chính người bố thí, loại bỏ được tánh ích kỷ, tham lam,
giảm bớt cái ngã và tăng trưởng lòng từ bi đối với mọi người. Ngoài ra, người
nhận được của bố thí đúng pháp sẽ tinh tấn vượt khó, sẽ thành công trong công
việc và nhất là họ sẽ làm công việc bố thí, dạy dỗ, giúp đỡ người khác như họ đã
từng được nhận trước kia. Người bố thí lẫn người nhận đều thăng hoa cuộc sống
đạo đức, tri thức đều thể hiện mẫu người lợi ích cho gia đình và cho xã hội; đó
là mô hình đúng đắn của bố thí theo Phật giáo./.
HT. Thích Trí Quảng