Home » » Con đường hoằng pháp lợi sanh

Con đường hoằng pháp lợi sanh

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 02:11



Trên con đường hoằng hóa độ sinh, Phật giáo Đại thừa đã phát triển một cách nhanh chóng, vì chú trọng đến tính cách khế lý và khế cơ của giáo pháp. Tuy nhiên, để đạt được thành quả như vậy, đòi hỏi nhà tu hành phải đạt đến đỉnh cao của chân lý mới thấy biết đúng đắn về thực trạng của xã hội và đời sống của dân chúng ở nơi mà họ đang hành đạo.

Và thực tế đã chứng minh rõ rằng các vị Tăng lữ từ thời xa xưa trên bước đường truyền giáo, với sự am hiểu nhân tình thế thái, các ngài đã đáp ứng được yêu cầu về tình cảm, về tâm linh của quần chúng một cách tốt đẹp. Với tuệ giác, nhận biết nơi nào có nhân duyên, có thể làm đạo được, thì các ngài sẵn sàng dấn thân.

Trên tinh thần ấy, chúng ta thấy xuất hiện từ buổi giao thời những bậc cao tăng Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Á sang Việt Nam, truyền bá Phật pháp. Từ sự bén rễ và lớn mạnh của Phật giáo ở đất Giao Châu thuộc miền Bắc nước ta ở thời kỳ khởi nguồn, cho đến khi đất nước chúng ta được mở rộng đến khu vực miền Trung và vùng đất phương Nam, thì cuộc sống người dân đi khai hoang những vùng đất mới này hẳn nhiên còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt. Vì thế, quần chúng cần có chỗ nương tựa tinh thần, cần có người giúp họ an tâm sau những tháng ngày vật lộn với cuộc mưu sinh đầy gian khổ, lắm hiểm nguy ở những vùng hoang dã. Và đó chính là nhân duyên thúc đẩy các nhà sư  dấn thân vào vùng hiểm trở để an ủi, giúp đỡ những người di dân định cư, lập  nghiệp.

Đến thời kỳ đất Gia Định được mở mang, chúng ta cũng thấy sự hiện hữu của các nhà sư từ miền Trung đi vào, mà dấu ấn còn ghi đậm ở vùng Saigon - Gia Định. Bằng chứng cụ thể là sự hiện diện của những ngôi chùa do các ngài sáng lập, cũng như qua những truyền thuyết dân gian nói lên cuộc sống xả kỷ vị tha của các bậc chân tu, từ đó đã tạo nên mối quan hệ rất gần gũi với quần chúng và hài hòa trong đời sống thực tiễn của xã hội hơn là mang tính cách siêu hình.

Điển hình như ở Gia Định có câu chuyện nổi tiếng về nhà sư đánh hổ để cứu người; hay nhà sư khai hoang ở bưng Đỉa thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay. Theo truyền thuyết, có một nhà sư đến vùng sình lầy rất nhiều con đỉa nên gọi là bưng Đỉa. Không ai dám đi qua vùng đất này vì họ sợ những con đỉa hút máu người, mà họ hình dung ra loài yêu tinh. Nhưng nhà sư đã đến đó cất am tu hành một cách an lành, khiến một thời gian sau, dân chúng thấy vậy mới tìm đến sinh sống và lập làng, không còn hiện tượng ghê sợ kia nữa.

Có thể thấy rõ các nhà sư làm thuốc cứu người hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất nước chúng ta. Điều này cũng dễ hiểu, vì những vùng đất mới còn nhiều chướng khí, không ít bệnh tật chính là nơi có nhiều thắng duyên đối với các nhà sư hành Bồ tát đạo. Thật vậy, các bậc chân tu đắc đạo rất tinh thông dược liệu, nên phần nhiều đã sử dụng cây thuốc ở địa phương, hoặc được trồng trong vườn chùa để chữa bệnh, cứu người. Dân chúng được cứu giúp, khỏi bệnh, khỏe mạnh, sống an vui; đó chính là những hạt nhân tất yếu tạo nên mối thiện cảm sâu sắc của nhân dân đối với đạo Phật. Và cũng vì thế mà gần như chùa nào cũng phát xuất những câu chuyện về thành tích kỳ vĩ của các nhà sư đắc đạo.

Ngày nay, nhìn lại lịch sử phát triển của miền Nam, có thể khẳng định rằng sự đóng góp công sức của Phật giáo không nhỏ. Và vì thế, dân chúng miền Nam theo Phật giáo cũng là điều tất yếu, hầu như trong lòng mọi người ít nhiều đều cảm thấy đã thọ ơn các nhà sư từng che chở, cưu mang, dạy dỗ, cứu giúp họ trong cuộc sống đời thường ở nhiều lãnh vực khác nhau.

Ngoài ra, Phật giáo được kết hợp với truyền thống tín ngưỡng của dân gian, với phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thì Phật giáo càng gắn bó mật thiết với quần chúng hơn nữa. Thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa nhân dân và Phật giáo, tất cả các ngôi chùa cũng là nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà của người dân. Tình cảm sâu đậm này được truyền đạt qua câu thơ của Huyền Không gần như khắc ghi trong tâm khảm mọi người:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.

Thật vậy, khi ông bà, cha mẹ, hoặc người thân qua đời, người ta thường đem hài cốt hoặc di ảnh vào chùa thờ cúng; vì họ nghĩ rằng ở chốn già lam thanh tịnh, giải thoát, hằng ngày sớm hôm tiếng kinh câu kệ của các vị tu hành sẽ là niềm an ủi quý báu cho linh hồn người quá vãng và giúp hương linh được siêu sanh Tịnh độ.

Phật giáo đi sâu vào lòng người dân miền Nam, hòa nhập vào cuộc sống mọi người như hơi thở, như không khí. Điều này đã thể hiện rõ nét qua lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc có một số quan lại và dưới chế độ Diệm, ở miền Nam có một số tướng lãnh đã chối bỏ tư cách Phật tử để theo tôn giáo khác. Tuy nhiên, đến năm 1963, sau khi chế độ Diệm bị sụp đổ, những người tưởng chừng mất gốc gác đạo Phật từ lâu, họ đã trở về với Phật giáo. Có thể thấy dù hoàn cảnh đổi thay khiến họ thay đổi, nhưng trong lòng họ vẫn tin tưởng Trời Phật, vẫn quý mến các bậc chân tu, vẫn nhớ nghĩ đến truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên của gia đình.

Thiết nghĩ Phật giáo và nhân dân miền Nam đã gắn bó mật thiết với nhau một cách tự nhiên từ thuở sơ khai lập quốc cho đến ngày nay và mãi về sau, thời gian càng dài xa thì cây bồ đề càng lớn mạnh; mối tương quan tương duyên giữa nhân dân và Phật giáo càng thêm sâu sắc, giúp mọi người thăng hoa tri thức, đạo đức và phát triển một xã hội an vui, đầy tình người.

Hãy sống không có tham,
Với tâm không có sân,
Chánh niệm và nhất tâm,
Nội tâm khéo định tĩnh.
(Tăng Chi Bộ kinh I)
 HT. Thích Trí Quảng

Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com