Đức Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Ngài tìm ra giá trị thực của cuộc sống, nhưng Ngài không thể truyền trao giá trị thực đó cho mọi người vì tất cả mọi người còn đang kẹt trong sinh tử và khổ đau, nên không thể nhận được ý nghĩa của Niết bàn. Vì vậy, Đức Phật nghĩ đến diệt độ, nghĩa là sống với Niết bàn của Ngài; nhưng bấy giờ Ngài được mười phương Phật và Phạm Thiên thỉnh thuyết pháp. Đức Phật mới đến Lộc Uyển chuyển pháp luân, giảng bốn chân lý, trong đó có hai phần nói về thế giới khổ đau và hai phần nói về an lạc của Niết bàn. Có thể nói rằng những điều Phật giảng ở Lộc Uyển chưa phải là pháp chân thật, dù chúng ta gọi đó là tứ Thánh đế, hay bốn chân lý, vì theo tinh thần Đại thừa, Phật dạy rằng chân lý không thể nói được, mà những gì nói được chỉ là pháp phương tiện, không phải là chân lý. Thật vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng; nghĩa là chỉ có Phật mới hiểu được thật tướng các pháp và giá trị của Niết bàn, còn hàng Bồ tát, Thanh văn, Bích chi Phật cũng chưa hiểu được giá trị thực của Niết bàn.
Hôm nay chúng ta bàn về giá trị thực của Niết bàn, thì chúng ta nghĩ rằng mình không thể hiểu được điều này, vì có uống nước mới biết nước nóng hay lạnh đến mức độ nào. Niết bàn của chư Phật chỉ có Phật mới biết, còn chúng ta không hiểu được; nhưng từng bước thực tập pháp Phật, thì từ địa ngục đến quả vị La hán, chúng ta cũng nhận được giá trị của Niết bàn và giá trị này của Niết bàn là giá trị mà chúng ta nhận được từng phần, chứ không phải là chân lý, không phải là giá trị thực. Vì khi Phật chuyển pháp luân ở Lộc Uyển, Ngài muốn chúng ta nhận ra cuộc sống con người trong sinh tử là khổ đau và Ngài chỉ ra con đường đưa đến khổ đau; cho nên khi Phật triển khai khổ đau, tất cả mọi người đều nhận ra cuộc sống này quả là khổ đau. Tại sao chúng ta khổ đau. Chúng ta biết rõ khi mang thân tứ đại và có tâm ham muốn, chắc chắn kết thành quả khổ đau, mà ham muốn không bao giờ thỏa mãn, nên khổ đau luôn đi theo sau. Phật dạy muốn hết khổ đau, phải cắt bỏ ham muốn, bỏ được một phần ham muốn thì bớt được một phần khổ đau và bỏ tất cả ham muốn thì hết tất cả khổ đau. Điều này chúng ta thực tập được. Thuở tôi là Sa di hầu cận Hòa thượng Thiện Hoa, Ngài nói một câu đơn giản mà trải qua hơn 50 năm, tôi còn nhớ đến ngày nay. Ngài nói rằng phúc đức thay cho người cô độc, họ không bị phiền não thế tục quấy rầy; trong khi lúc đó cuộc sống ở chùa Ấn Quang khổ nhất so với các chùa khác; vì chùa rất nghèo, cả tháng, chúng tôi chưa được một lần ăn đậu hủ nước tương, chỉ ăn nước muối. Tuy đời sống vật chất thiếu thốn, nhưng trong hoàn cảnh vật chất khổ, Hòa thượng tìm được sự an lạc, đó là một phần Niết bàn, vì không bị phiền não thế tục quấy rầy là không ham muốn ăn, ăn gì cũng xong. Đối với ba việc là ăn, mặc, ở, chúng tôi sống đơn giản nhất, trong một phòng nhỏ, chúng tôi ở năm, sáu người cũng được và hành trang không có gì, chỉ lượm một thùng đựng sửa mà người ta vứt bỏ để chứa quần áo rách. Tôi có một người bạn học mà gia đình tương đối khá, nên được ba mẹ may cho bộ đồ sạch đẹp, khi giặt xong, thầy này phơi đồ phải ngồi canh chừng, sợ mất; còn tôi có bộ đồ rách, tôi không phải bận tâm coi chừng. Giá trị hạnh phúc mà Hòa thượng nói là không phải bận tâm được Phật diễn tả rằng quý thầy có phước hơn người chủ đồn điền, vì các thầy không có con bò để mất, nên không có nỗi khổ của người mất của. Vì vậy, Phật dạy rằng việc truy cầu là khổ. Thấy người có, chúng ta cố gắng cho mình có khiến ta phải khổ, nhưng được rồi phải giữ gìn còn khổ hơn và khi bị lấy mất lại càng khổ hơn. Vì vậy, giá trị Niết bàn của thế gian nằm ở chỗ đó, nhưng người ta hiểu lầm nghĩ rằng đạo Phật sợ khổ, nên bỏ hết, không có gì.
Khi chúng ta chết rồi và ở dạng trung ấm thân, tìm được thân vật chất để gá vô cũng khổ, nhưng có được thân người thì lại có một trăm thứ bệnh khổ, rồi mất thân người thì tiếc cũng khổ và tìm được thân khác cũng khổ; đó là cái khổ của vòng sinh tử luân hồi của tất cả chúng sinh, hết khổ này đến khổ khác, khổ này làm nhân cho khổ khác sinh ra. Vì vậy, Phật dạy chúng ta tìm nguyên nhân của sinh tử và diệt được nhân này rồi thì cái quả sinh tử không có, chúng ta sẽ không có cái khổ của quả sinh tử. Đức Phật triển khai pháp này, dạy năm anh em Kiều Trần Như đắc đạo với pháp Tứ niệm xứ quán. Chúng ta đang đau khổ, tu quán Tứ niệm xứ thì hết khổ liền; nhưng cái khổ này không thực, bởi không để tâm nên không khổ. Kinh nghiệm tôi thấy rõ ngoài đời có biết bao nhiêu việc khổ đau, nhưng người tu ở chùa không biết gì cả, nên không khổ. Pháp tu này kinh Pháp Hoa gọi là trụ Hóa thành Không, đóng kín sáu giác quan, khổ này chấm dứt. Khổ vì cái biết của mình, nên không biết thì không khổ. Ví dụ ta có người thương nhất, họ chết mà chúng ta biết thì khổ lắm, nhưng nếu chúng ta không biết họ chết, chúng ta sẽ không khổ, nên nói Niết bàn này không thực. Vì vậy, Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng vì người sợ sanh già bệnh chết, Phật nói Niết bàn; còn người có trí tuệ, Phật dạy quán nhân duyên; đối với người có năng lực, Phật hướng dẫn tu Bồ tát đạo. Cho nên Phật khai ra tam thừa. Tứ thánh đế chỉ là chân lý trong cuộc sống của con người, đừng nên lầm điều này. Phật nói cái biết của Ngài như lá trong rừng, cái Phật chứng Ngài không nói được. Những gì Ngài nói được chỉ là phương tiện.
Phật dạy Tứ niệm xứ quán chấm dứt khổ đau về tâm, nhờ bỏ quên nói, bỏ nó một bên, không bận tâm nên không khổ. Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, đó là bốn tiêu đề mà Phật bảo người tu phải suy nghĩ để ta từ bỏ cuộc đời, nghĩa là từ bỏ tâm chấp trước. Vì tâm vô thường, nên việc xảy ra chúng ta coi là tất yếu, không bận lòng. Còn người hứa rồi thay đổi, chúng ta chấp vào lời hứa đó mà khổ. Phật dạy rằng tâm vô thường, lúc trước người thương, nên muốn cho chúng ta ăn, nhưng nay họ hết thương không cho mình là việc bình thường. Hoặc lúc trước họ thương vì chúng ta có phước, nay họ ghét là nghiệp của ta. Vì vậy, kiểm tra vọng tâm chúng ta luôn luôn thay đổi, thì thân cũng thay đổi và hoàn cảnh cũng thay đổi theo. Khi tâm chúng ta tốt, tướng tốt theo đó hiện ra và hoàn cảnh cũng tốt theo. Cho nên, trên bước đường tu, tôi xem hoàn cảnh mình thế nào mà biết được thân của mình và căn cứ vào thân mà biết được tâm mình.
Thanh văn tu Tứ niệm xứ quán thì chấm dứt được khổ đau, vì tâm chúng ta không nghĩ đến, không biết, nên không khổ, đó là chấm dứt cái khổ ngay nơi tâm mình thôi, còn hoàn cảnh bên ngoài cũng tiếp tục khổ và thân cũng bệnh cũng khổ. Phật dạy người tu khác người đời ở chỗ đó. Người đời chạy theo vật chất nên vật đổi thì tâm họ cũng thay đổi. Người tu không chạy theo vật, nên vật đổi, tâm họ cũng không đổi. Người đời thân chưa thọ hình, nhưng tâm đã khổ. Câu chuyện vua Ba Tư Nặc thử người em của ông, nói lên cái lý này. Vua bảo người em rằng cho ông này làm vua bảy ngày, muốn gì cũng được hưởng, nhưng sau bảy ngày sẽ bị xử tử hình. Bấy giờ, người em không còn ý thức hưởng thú vui nào cả, vì tâm ông luôn bị ám ảnh rằng chỉ còn sống một tuần và cái ý thức sẽ chết khiến cho ông khổ đau mặc dù chưa thọ hình. Phật dạy Sa môn nên thấy cuộc đời như vậy, để không sanh vọng tâm tham đắm. Người thật tu luôn quán tưởng điều này. Lúc mới vào chùa, tôi học bài kệ:
Thị nhựt dĩ quá
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc.
Nghĩa là người tu nghĩ một ngày trôi qua, mạng sống ta giảm lần ví như con cá sống trong nước, mà nước một ngày một cạn thêm, đến khi hết nước là cá phải chết. Có gì mà vui đâu. Ta cứ nghĩ sắp chết thì có ý chí vươn lên, tìm đường thoát.
Còn người tu thân thọ hình, tức đời sống vật chất thiếu thốn nhất, chỗ ở cũng không có, ăn mặc cũng đơn sơ. Cuộc sống tu hành như vậy tuy khổ, nhưng tâm người tu không thọ là không khổ, tức tâm họ trụ trong Niết bàn của tiểu thừa, không lệ thuộc vật chất. Hoặc chúng ta bị đau, nhưng không có cảm giác đau, bị đói nhưng không cảm giác đói, nghĩa là thân thọ khổ, nhưng tâm không thọ khổ. Trên cuộc đời này, chúng ta thấy có nhiều người giàu, có địa vị, tuy đời sống vật chất dư thừa, nhưng tinh thần họ rất khổ là khổ tâm. Người thế gian rơi vô tình trạng này. Phật tử tập sống chiết trung, tức không sống được như Sa môn, nhưng cũng không sống như người thế tục, để có Trung đạo, có được Niết bàn, tuy chưa phải của Phật.
Thực tế chúng ta làm được là người tu thực tập trên cái tâm của chúng ta để cắt bỏ khổ đau của thế gian, để vào Niết bàn từng phần của Bồ tát. Nghĩa là sự an lạc của chúng ta là sống không truy cầu, tức sống với những gì chúng ta có, đó là Niết bàn thực của chúng ta. Ví dụ trưa nay tu hành, chúng ta có được một phần cơm đạm bạc vẫn thấy an lạc. Còn sống thế tục thì ở đây ăn mà tâm nghĩ đến nhà hàng thì nuốt thức ăn không vô. Tu một ngày an lạc thì giá trị của một ngày an lạc là chúng ta có thức ăn để không đói, tâm chúng ta được thanh thản; giá trị của Niết bàn trong một ngày tu là như vậy. Tôi nhớ câu chuyện ông vua ăn mầm đá. Vua ra lệnh rằng nếu có người nào tìm được món ăn ngon nhất cho ông thì vua sẽ chia một nửa giang sơn. Một nhà sư đến nói rằng có món ăn đặc biệt là mầm đá. Ông đem đá nấu cho nhừ để dâng vua ăn, vua chờ đến trưa, đói quá, lúc đó nhà sư mới lấy một vắt cơm với muối trong bát cơm khất thực dâng cho vua ăn. Vua ăn khen ngon quá, xin thêm một miếng cơm nữa. Giá trị của Niết bàn là ở đó.
Phật tử tu Một ngày an lạc, nhưng sợ đói, nên ăn no trước và đem theo đồ ăn, vừa nghe pháp vừa ăn, thì chắc chắn trưa ăn cơm không còn ngon. Chúng ta có cái gì thì hưởng cái đó, không truy cầu, nhất là không truy cầu những gì không thực tế để đừng khổ. Hãy dừng tâm truy cầu vượt xa thực tế. Tôi thấy rất nhiều người sa cơ thất thế cho đến tự tử, vì truy cầu quá lớn dễ đưa đến phá sản. Sống với thực tế chúng ta có, sẽ tìm được an lạc là Niết bàn. Phật dạy rằng ai cũng có Niết bàn, nếu chúng ta biết tu sẽ được an lạc. Nếu ta dừng lại một phần tham vọng thì sẽ chứng được một phần Niết bàn, cho đến ngày hết tham vọng, thành Phật, ngồi Bồ đề đạo tràng phá ma quân, Phật gọi là hàng phục tứ ma, chủ yếu là ngũ ấm ma gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm điều kiện này không chi phối được Phật, Ngài hoàn toàn vắng lặng, trụ trong tịch diệt tướng, tất cả tham vọng dứt trừ, tâm hoàn toàn yên tĩnh vì tâm đặt ngoài vật. Như vậy, trên bước đường tu, thực tập đầu tiên, chúng ta quên vật bên ngoài, cho đến quên cả thân mình. Được như vậy, Hòa thượng Thiện Hoa mới nói phước đức thay cho người cô độc; vì Ngài quên thân Ngài có, mới không bị người chung quanh quấy rầy. Có thể khẳng định rằng trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có Niết bàn, nhưng chúng ta không nhận ra nó, không thấy giá trị của nó để sống. Vì vậy, chúng ta tu Một ngày an lạc đúng nghĩa sẽ có một ngày Niết bàn và thực tập pháp cao hơn sẽ có các Niết bàn khác và mỗi người thực tập một cách khác nhau.
Vua Tịnh Phạn tội nghiệp thái tử Sĩ Đạt Ta đi khất thực bữa đói bữa no, nên thấy cuộc đời Ngài quá khổ. Nhưng Sa môn Cồ Đàm thấy Ngài bỏ lại phía sau tất cả thế tục quấy rầy, mà Tịnh phạn vương đâu có tâm an ổn, yên tĩnh như Sa môn Cồ Đàm để nhận ra được điều này. Tâm Phật hoàn toàn yên tĩnh, đó là giá trị của Niết bàn. Phật dấn thân trên con đường cát bụi là thân Ngài như vậy, nhưng tâm Ngài bao la bao trùm cả trời đất, mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhập Pháp giới; nói cách khác, tất cả hữu tình và vô tình chúng sinh đều hướng về Phật.
Quả vị mà chúng ta thực tập được phần nào sẽ thấy được an lạc phần đó và đó là giá trị của Niết bàn. Đến khi tâm bao hàm cả vạn vật, tức vạn vật ở trong tâm và khi đó tâm phát được từ tâm tác động đến chúng sinh hữu duyên được an lạc theo. Khi tâm chúng ta nghĩ đến Phật, gặp được từ tâm của Phật, nên có được nguồn vui thầm kín. Thật vậy, tôi ngồi yên, bắt gặp được từ tâm Phật cho tôi nguồn vui kỳ diệu là giá trị của Niết bàn hiện hữu lúc đó, tức tâm Niết bàn của Phật tác động ta, cho ta nguồn vui. Tôi khám phá tại sao Đức Phật cũng là người, nhưng Ngài cảm hóa được tất cả mọi người, người thân, thậm chí cả người thù vẫn cảm hóa được, đó là thấy giá trị tu chứng, tức Niết bàn của Phật.
Bước đầu, Phật cảm hóa ba anh em Ca Diếp là một việc khó làm, vì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là quốc sư của Bình Sa vương; nhưng ông vua này dâng cúng thượng uyển Trúc Lâm cho Phật. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp đau khổ vô cùng, vì nghĩ ông có công đóng góp cho triều đình, đáng lẽ vua phải ban cho ông, tại sao lại cúng dường cho Phật là tu sĩ lang thang. Điều đó cho thấy ông này tu lâu, nhưng tâm vẫn kẹt truy cầu vật chất, nên đau khổ; nhưng ông gặp tâm bao dung của Phật quá lớn bao luôn cả ông, nên tâm ông cựa quậy gì cũng nằm trong tâm từ của Phật. Phật muốn ban an vui cho ông, nên đến tu viện để cho ông nguồn vui. Nguồn vui của Phật đến với Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp làm ông phát tâm, thì 500 đồ chúng của ông cũng theo Phật. Tôi hành đạo nhận ra lý này, gặp một vị tu hành có công đức lớn, chúng ta nhận được nguồn vui của họ, còn tới với người gian dối, chúng ta sẽ nhận được sự gian dối. Khi tâm chúng ta lắng yên sẽ không bị mắc lầm.
Đạo Phật chính là sự truyền tâm, mà về sau Thiền tông triển khai lý này. Phật truyền tâm cho Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, rồi đến 3 anh em Ca Diếp và đến 500 đồ chúng của ông; cho nên nhứt thời mà Phật có 1000 đệ tử đắc quả vị A la hán, hưởng được Niết bàn của Phật ban cho. Cũng như ta gặp một vị chân tu là được sự an lạc của vị này cho ta. Điển hình là vua Trần Thái Tôn gặp Phù Vân khiến cho tâm đau khổ của vua trở thành tâm an lạc. Vì vậy, hưởng được giá trị của Niết bàn, nhưng Niết bàn này của Phật, của Tăng cho, không phải của ta tu chứng, nên nó có rồi mất. Biết như vậy, nhận được Niết bàn hay an lạc rồi, phải phát huy cái riêng của mình và Niết bàn của chúng ta thể nghiệm được mới là thật.
Căn bản phiền não của ta là tham và giận. Người nhiều ham muốn dễ bực tức là người đau khổ nhất, dù là vua. Nhưng người dù nghèo, mà ít ham muốn và không bực tức thì họ đến gần Niết bàn. Sa môn không có tài sản và không ham muốn, nên không khổ. Ta bực tức vì chấp ngã. Kinh nghiệm tôi thấy người ít chấp thì ít khổ. Nếu quý vị còn nghèo, dốt, dở, ai khinh khi mình dễ chấp nhận. Còn người có học một chút, có một chút khả năng dễ bực tức. Tôi thấy đa số người trí thức dễ giận, dễ bực và giới văn nghệ sĩ cũng dễ nóng giận. Thí dụ tổ chức một đêm văn nghệ, người sắp xếp chương trình rất khổ trong việc ai hát trước ai hát sau. Người ca sĩ nổi tiếng thì nói tôi thế này mà bắt hát sau, hát lót đường, vì họ có vị trí nhất định nên dễ bực. Người tập sự hát thì hát trước sau gì cũng được, vì cho họ hát là được rồi. Khi có địa vị rất dễ nổi giận. Vì vậy, trên bước đường tu, từng bước phát triển, cố gắng loại bỏ tánh bực tức và ham muốn. Ít bực tức, không ham muốn dù giàu có và có thế lực.
Giá trị của Niết bàn của chúng ta là người mới tu Một ngày an lạc đã có. Còn Niết bàn của các Thánh nhân chúng ta chưa vô được, nên chưa cảm được. Các Bồ tát lang thang trong sáu nẻo luân hồi, thì các A la hán không thấy, không hiểu được giá trị của việc cứu nhân độ thế của Bồ tát. Bồ tát cứu được một người là có một Niết bàn. Các vị Thánh La hán trụ Niết bàn có an lạc, còn Quan Âm Bồ tát có cứu người thì Ngài có Niết bàn, không cứu người không có Niết bàn. Một ngày Bồ tát cứu độ được bao nhiêu người là giá trị của Niết bàn ở đó.
Đến quả vị Như Lai không cần cứu chúng sinh, nhưng thật sự cứu được tất cả chúng sinh. Thể hiện lý này, Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên cuộc đời này hay không, Ngài vẫn độ tận chúng sinh. Thật vậy, ngày nay, hàng ngàn người tu hành, nương được tâm an lạc của Phật, đó là của Niết bàn của Phật cho. Chúng ta chỉ nghĩ đến Phật là được an lạc. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, biết bao nhiêu người nghĩ đến Phật là được Niết bàn; đó là Niết bàn cao nhất, Phật không cứu mà cứu, khác với Niết bàn của Bồ tát có cứu độ người mới có Niết bàn, cũng khác với Niết bàn của Thanh văn là trụ tâm, không làm. Còn Niết bàn của chúng ta là làm được việc tốt phần nào thì có Niết bàn phần đó. Mong rằng tất cả quý vị đều có Niết bàn, không đến khóa tu Một ngày an lạc thì thấy tiếc nuối, đó là thấy được giá trị của Niết bàn ở khóa tu Một ngày an lạc.
HT.Thích Trí Quảng