Home » , » Hiến dâng hạnh phúc

Hiến dâng hạnh phúc

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012 | 00:13



       Quý Phật tử đã trải qua 19 khóa tu, từng bước đi sâu vào việc tu học giáo lý của Đức Phật, mỗi hành giả ít nhiều gặt hái được những thành quả lợi lạc cho bản thân và dùng thành quả này để hiến dâng cho cuộc đời.

Riêng tôi cảm nhận hình ảnh cuộc đời theo bước chân của chư vị Bồ tát:

Bồ tát đi vào đời
Sen nở khắp muôn nơi
Trang nghiêm cho cuộc sống
Ôi thật đẹp tuyệt vời.

Chư vị Bồ tát đi vào đời chỉ nhằm mang an vui cho mọi người và chúng ta học theo hạnh nguyện của Đức Phật cùng chư vị Bồ tát, tất cả những gì tốt đẹp mà chúng ta đạt được, cũng sẽ đem hiến dâng cho cuộc đời. Đó chính là bài pháp chúng ta cần học hiểu và thực tập cho thành tựu.

Cuộc sống của thế nhân thường cho chúng ta thấy rằng con người vốn ích kỷ tham lam, chỉ muốn riêng mình được hạnh phúc mà thôi; thậm chí nhiều người còn giành giựt, cướp đoạt hạnh phúc của người khác. Nhưng qua thực tế cuộc sống, chúng ta lại thấy con người phải gánh chịu đau khổ nhiều hơn là hưởng được hạnh phúc.

Đức Phật nhận thấy tất cả hữu tình chúng sinh mong muốn hạnh phúc, nhưng không bao giờ có được, hoặc chỉ có được hạnh phúc nhỏ nhoi tạm bợ mà thôi, vì sau cái vui luôn luôn là cái khổ, tức nghiệp tăng trưởng. Ngài thương xót nên đã chỉ dạy chúng ta con đường đi đến Cực lạc hay Niết bàn là thế giới an vui thật sự, hạnh phúc tột cùng.

Con đường của Phật và chư vị Bồ tát, Thánh hiền đi đến an lạc vĩnh hằng là con đường đi ngược dòng sinh tử, tức từ biển khổ trở về nguồn tâm, mà đi ngược dòng tất nhiên không dễ dàng. Còn từ tình cảm tham vọng, chúng ta đi về biển khổ chắc chắn dễ hơn. Thật vậy, con người hưởng hết phước lạc thì rơi xuống nga quỷ, súc sinh là rơi vào biển khổ. Có ai thỏa mãn được niềm vui suốt đời, mọi người cố gắng phấn đấu để tìm hạnh phúc, nhưng rồi đánh mất hạnh phúc của loài người cho đến tiêu mất hạnh phúc của các loài, nên trôi từ nguồn tình ra biển khổ.

Vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng con người từ biển khổ đi về nguồn tâm trong suốt thanh tịnh, nhưng vô minh vọng động nổi dậy, gọi là vô minh nghiệp chướng sinh ra nên đi lầm vào đời để nhận lấy cuộc sống khổ đau; cứ như vậy mà trầm luân đau khổ trong sáu nẻo luân hồi, không thoát ra được. Theo Phật, chúng ta tu hành lội ngược dòng đời, cuộc sống vật chất tuy đạm bạc, nhìn bề ngoài người ta tưởng rằng chúng ta khổ, nhưng thật sự trong lòng chúng ta rất vui. Đọc lịch sử của Đức Phật chúng ta thấy Ngài nói rằng con đường xuất gia hành đạo của Đức Phật mọi người thấy gai góc, hiểm nguy, nhưng Ngài thấy rất huy hoàng. Thấy huy hoàng, thấy an lạc thì mới tiến tu được. 

Tôi thường nhắc quý Phật tử đến đạo tràng này tu để được an lạc, không phải để tăng nghiệp chướng trần lao. Tu hành muốn giải thoát phải cắt bỏ tham vọng, tháo gỡ nghiệp, cái nào bỏ được, chúng ta bỏ liền; vì càng tạo nghiệp thì càng bị đọa sâu. Tu một ngày an lạc, bỏ ăn ngon mặc đẹp, không tốn kém tiền bạc, không nô lệ vật chất, cảm nhận được cuộc sống nhẹ nhàng an vui. Và chúng tôi hướng dẫn quý vị sống với pháp thực, thiền thực, tức chuyển hóa nội tâm để nghiệp giảm bớt, được an lạc. Khi có được hạnh phúc, có tâm an lạc thật sự, chúng ta mang an lạc về trao cho người thân trong gia đình, tặng cho xã hội. Người nhìn thấy nụ cười an lạc của chúng ta khiến họ vui theo. Vì vậy, có một người tu thành Phật, hoặc về Niết bàn, hay sinh ở thế giới Cực lạc thì chính người đó mang hạnh phúc đến cho những người hữu duyên. Cũng giống như chúng ta nghe có một người thân thi đỗ làm quan, ta thấy vui; tuy họ không mang hạnh phúc cho, nhưng ta được hạnh phúc.

Đức Phật luôn mang an lạc đến cho mọi người. Vì thế, chúng ta cũng tập theo Phật, trong khi sám hối, nguyện rằng: Như chư Phật hồi hướng cho chúng sinh, chúng con cũng hồi hướng như vậy. Hồi hướng hay hiến dâng có cùng một ý nghĩa. Hồi hướng cho chúng sinh là trao cho chúng sinh. Ta an lạc rồi, không đòi hỏi người khác phải làm gì cho mình, mà còn trao cho ho niềm an lạc mình có được nhờ thực tập pháp Phật. Tất cả mọi người được an lạc, chắc chắn thế giới này trở thành Cực lạc. Nỗ lực của chúng ta trên bước đường tu chính là làm cho tâm mình được an lạc.

Đối với người tâm bất an, hoàn cảnh bất an, cuộc đời bất an, Đức Phật dạy chúng ta phải làm cho họ an và đó cũng là mục tiêu mà Đức Phật hiện hữu trên thế gian này. Tâm con người không an, tại sao? Tâm không an do phiền não quấy rầy.  Đức Phât dạy rằng phiền não chỉ là ảo giác, không thực. Nếu chúng ta tu hành đắc đạo, phiền não sẽ mất, ví như mặt trời lên thì bóng tối tự mất. Đắc đạo nghĩa là dùng ánh sáng trí tuệ diệt trừ phiền não đen tối. Phiền não chính yếu là tham, giận và si mê. Tu hành tất yếu phải cắt bỏ ba thứ phiền não này vì biết rõ nó làm chúng ta đau khổ. Trong cuộc đời tu hành, khi lòng tham nổi dậy, tôi nghĩ đây là nguyên nhân của khổ, nên tôi tự cắt bỏ liền. Vì vậy, không bao giờ tôi làm theo ý muốn, vì biết cái muốn sẽ dẫn đến quả khổ. Cắt bỏ lòng tham, muốn giàu sang, muốn sung sướng, muốn được kính trọng chúng ta cắt hết và cuối cùng cái muốn sống cũng không cần, sống chêt chúng ta coi bình thường, cho đến không còn ham muốn nào nữa thì hết khổ.

Bước vào cửa Phật là cửa Không, tức phải cắt bỏ tất cả sở hữu trên cuộc đời; còn một sở hữu gì thì không vào cửa Phật được, dù tu bất cứ pháp nào. Và sở hữu cuối cùng của chúng ta là mạng sống mà còn muốn giữ thì quỷ thần và các loài cũng đe dọa mạng sống chúng ta. 

Đầu tiên, chúng ta xả bỏ tất cả những gì không thể giữ được; vì bỏ trước thì không khổ, còn tham vọng, cố giữ, nhưng không giữ được lại làm chúng ta khổ vô cùng. Ví dụ nhà bị tịch thu, đất đai bị quy hoạch; ta buông bỏ trước sẽ ít khổ. Chúng ta tin lời Đức Phật dạy rằng y báo tùy thuộc chánh báo. Chánh báo là con người, y báo là sở hữu, là hoàn cảnh của con người. Cũng người đó, nếu phước báo lớn nhờ tu hành thì hoàn cảnh sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mua thêm được nhà đất. Nhưng nếu lòng tham nhiều, không dám bố thí, cúng dường thì của cải cũng bị mất vì phước mất. 

Người đang có của cải, bỗng nhiên tất cả sở hữu trở thành mây khói, rõ ràng vật chất là ảo ảnh cuộc đời. Đức Phật dạy các Tỳ kheo tìm chân hạnh phúc, giữ những gì giữ được. Trong kinh Phap Hoa, Đức Phật dạy các bậc trí quán sát những gì đem theo được sau khi chết thì nên tích cực tu hành; còn những thứ khác không giữ được, nên buông bỏ cho tâm nhẹ nhàng. Những cái không mang theo được là nhà cửa, tiền bạc, đất đai, v.v... Người biết đạo, trước khi chết, thường giải quyết tất cả những phước báo thế gian không đem theo được bằng cách bố thí, cúng dường, mang tặng cho người và nhận được niềm vui từ việc làm tốt đẹp này, rồi mang niềm vui đó mà ra đi, lên Niết bàn hay về thế giới Cực lạc.

Đức Phật dạy chúng ta tu hành phải có nhận thức đúng như thật để có được hạnh phúc ngay lúc đó. Có người nói con khổ mà thấy thầy, con nhẹ nhàng, nghĩa là tôi đã trao tặng hạnh phúc cho người, vì tôi có hạnh phúc do Phật ban cho và tôi cho lại người khác.

Vậy, người tu vướng mắc với sở hữu vật chất nên khổ vô cùng mà lại vào địa ngục. Tu trong cửa Không, an lạc nhẹ nhàng và vào Niết bàn. Đức Phật dạy rằng vào kho báu có mắt có tay mới thấy và lấy được của báu. Chúng ta vào cửa Không rồi, nhưng có lấy được của báu hay không?

Chư Phật và chư Bồ tát thì trí tuệ và phước đức lớn lao vô cùng, còn thân phận chúng ta là phàm phu nghèo đói vẫn nghèo đói. Chúng ta vào kho báu tuy có mắt nhìn thấy, nhưng vì không có tay nên cũng không lấy được của báu. Cũng như các Phật tử vào giảng đường này nghe pháp mà vẫn không được an lạc. 

Phải nối cánh tay với Bồ tát, nghĩa là hành Bồ tát đạo và chính cánh tay này mới lấy được của báu. Bồ tát Quán Âm nhờ thành tựu 12 điều nguyện độ chúng sinh mới được kính trọng; nói cách khác, nhờ hai cánh tay làm những việc độ sinh như vậy, mà Bồ tát có được vô số của báu. Thanh văn tu hành thấy bằng mắt, tức hiểu giáo lý sâu xa, nhưng vẫn mang tinh thần vị kỷ, nghĩ đến giải thoát riêng mình, không làm lợi ích cho số đông, ví như người không có tay cũng không thể lấy được của  báu.

Trên bước đường hành đạo, tôi nhận ra điều quý giá nhất là được người thương mến, quý trọng và người quý mến vì mình làm việc lợi lạc cho họ. Vì vậy, nỗ lực tu là nỗ lực làm việc cho số đông, làm đẹp cho cuộc đời; đó chính là ý nghĩa hiến dâng hạnh phúc cho đời. Thực tế cuộc sống cho thấy người ghét ta vì ta tranh giành quyền lợi với họ, anh em ghét nhau vì tranh gia tai của cha mẹ. Người thương ta vì ta giúp đỡ họ.

Đức Phật dạy Bồ tát muốn được chúng sinh thương, nên làm ba việc : tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí dễ nhất là bố thí vật chất, người đói nghèo, mình mang tiền của giúp đỡ, họ phải thương; nhưng nên cẩn thận, bố thí để người thương, đôi khi họ không thương mà lại giận ta. Mới phát tâm, Đức Phật dạy ta bố thí những gì ta không dùng, trong khi người xấu thì gom cất cho hư, rồi bỏ. Bước thứ hai, những cái chúng ta cần, nhưng người cần hơn, sử dụng lợi ích hơn ta, ta sẵn sàng chia sẻ. Bước thứ ba, giúp đỡ người quên mình là lợi tha vô ngã. Mình cũng cần, họ cũng cần, mình hy sinh, hiến dâng hạnh phúc cho họ, chắc chắn họ sẽ quý mình hơn.

Pháp thứ hai Bồ tát thực hành là pháp thí, những gì chúng ta hiểu biết sẵn sàng chỉ dạy cho người. Người tham lam ích kỷ thì dấu nghề. Đức Phật truyền trao tất cả tri kiến cho mọi người, không cất giữ cái gì cho riêng Ngài. Các vị Thiền sư nối gót Phật, từ Ấn Độ sang Trung Hoa, đến Việt  Nam, các Ngài luôn được dân chúng kính trọng; vì đến đâu các Ngài cũng truyền dạy rất nhiều ngành nghề cho họ có được cuộc sống no cơm ấm áo, cho đến chỉ dạy cách sống thăng hoa đạo đức, tâm linh cho những người có căn lành. Pháp thứ ba là Bồ tát luôn xả thân che chở cứu giúp chúng sinh, thậm chí hy sinh cả thân mạng cho tổ quốc, bảo vệ mạng sống của nhân dân được bình yên. 

Hành Bồ tát đạo, cho người của cải, hiểu biết và bình an, nghĩa là đã hiến dâng hạnh phúc cho cuộc đời. Bồ tát vào đời như thế thì sen nở tỏa hương khắp muôn nơi. Bồ tát đến đâu đều được mọi người thương quý, chùa cao Phật lớn theo đó được hình thành, giúp cho mọi người phát tâm tu theo, tạo thành cuộc sống an lạc hạnh phúc ngay tại nhân gian này. Đó chính là tinh thần hiến dâng hạnh phúc cao nhất.

Tôi mong rằng quý Phật tử nỗ lực thực hiện những giáo pháp đã được giảng dạy để mỗi hành giả đều xây dựng được cuộc sống an lạc hạnh phúc cho chính mình, cho người thân trong gia đình và cho cả cộng đồng xã hội cùng thăng hoa.

HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com