LƯỢC GIẢI
KINH HOA NGHIÊM
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Mục Lục
Mục Lục Chi tiết
Lời tựa
CHƯƠNG I- Lịch sử kinh Hoa Nghiêm
CHƯƠNG II- Quan niệm về Ðức Phật theo kinh Hoa Nghiêm
CHƯƠNG III - Ý nghĩa đề kinh Hoa Nghiêm
CHƯƠNG IV - Bồ tát đạo
CHƯƠNG V - Phẩm Nhập pháp giới
|
---o0o---
CHƯƠNG IV
BỒ TÁT ÐẠO
Kinh Hoa Nghiêm được phiên dịch ra chữ Hán có 3 bản : Tứ thập Hoa Nghiêm gồm 40 quyển, lục thập Hoa Nghiêm gồm 60 quyển và bát thập Hoa Nghiêm gồm 80 quyển. Theo tôi, dù là bộ nào, trọng tâm của kinh Hoa Nghiêm vẫn ở 3 phần chính. Phần đầu là tánh khởi hay Như Lai xuất hiện làm chúng ta hình dung được Ðức Phật. Ðức Phật của kinh Hoa Nghiêm không có mô hình cố định, nhưng đó là sức sống của muôn loài, muôn vật trong vũ trụ, không có gì không phải là Phật. Nghĩa lý này đã được triển khai trong phần trước. Phần quan trọng thứ hai của kinh Hoa Nghiêm nói về Bồ tát đạo.
Kinh Hoa Nghiêm vẽ ra lộ trình Bồ tát trải qua 52 chặng đường tu chứng : thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, từng bước tiến tu lên.
I - BỒ TÁT THẬP TÍN
Chặng đường thứ nhất của Bồ tát đạo là phát tâm hay tín tâm. Kinh Pháp Hoa gọi là căn lành, vì có căn lành mới tin được, người không có căn lành, dù chúng ta nói gì, họ cũng không nghe. Từ căn lành khởi lên tín tâm.
Thực tế cho thấy người tu được đều có một cái gì man mác trong lòng, đó là căn lành. Vì vậy, từ thuở nhỏ chưa thấy chùa bao giờ, nhưng sau gặp giáo lý Phật, họ tự phát tâm mạnh, cảm thấy thân thương, gần gũi lạ thường.
Ðiều này thể hiện rõ nét trong cuộc sống của người tu vì phát bồ đề tâm, khác với người bất hạnh đi tu, hay tu vì miếng ăn, vì quyền lợi. Vì bồ đề tâm đi tu, tức đã có trồng căn lành với Phật, họ sanh tín tâm một cách dũng mãnh, xả bỏ dễ dàng tài sản, thân mạng. Từ xưa đến nay, người thật lòng cầu đạo không hề nghĩ đến ăn mặc, phải traùi hơn thua, hiện tướng giải thoát thật dễ thương. Họ luôn luôn nhường quyền lợi cho người và gánh vác việc cực khổ, có thể vào rừng sâu hay lên núi cao cầu đạo.
Ðức Phật đắc đạo cũng vì phát bồ đề tâm cầu đạo. Chúng ta không thấy được điều này, nhưng khi Ngài thành Phật rồi, chúng ta mới biết. Bản thân tôi cũng vậy, cái tôi cầu người xung quanh không biết, nhưng thành quả của tôi có thì người mới biết nhân lành tôi gieo trồng.
Vì vậy, người thành nên đạo nghiệp đều phải có quá trình hành đạo và việc hành đạo này đều tùy thuộc vào bồ đề tâm; tất yếu họ phải có sự hy sinh đánh đổi. Còn người khác thì là đà dưới mặt đất, kinh ví như cỏ, chỉ caàu cơm ăn áo mặc, suốt đời tu cũng ở trong nhân gian. Cầu Vô thượng bồ đề tu, mỗi ngày phải kết thành quả khác.
Tại sao chúng ta phát bồ đề tâm ? Chắc chắn tín tâm sanh ra không đơn giản. Phải gặp Phật, tức gặp được đấng trọn lành nương theo tu dễ lắm. Ta có căn lành rồi và gặp Phật là phát tâm liền.
Nhưng ta chưa gặp Phật, mà phát tâm bồ đề và gặp được Thánh Tăng thì cuộc đời cũng thay đổi. Gặp Thánh Tăng, lòng chúng ta an ổn liền, như Huệ Khả cầu đạo khắp nơi, nghe nhiều cũng đã chán nản mệt mỏi. Chỉ gặp Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma chưa nói gì, lòng Ngài đã an.
Có thể khẳng định muốn phát bồ đề tâm phải gặp Phật hay Bồ tát, Thánh Tăng thì hình ảnh thánh thiện của các Ngài bắt đầu đập vào tim óc ta, sẽ dẫn chúng ta đi suốt cuộc đời và nhiều đời sau nữa trên đường Thánh đạo.
Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là sơ phát tâm thủy thành chánh giác, nghĩa là bắt đầu tưø đó, chúng ta thành Phật, tức có một ông Phật trong tâm ta rồi và dùng đức hạnh nuôi lớn tâm ta.
Mới vào đạo phải ăn chất đề hồ, không thể ăn thứ khác. Nương được bậc chân tu cao đức, niềm tin chúng ta lớn dần. Traùi lại, gặp thầy tà, bạn ác, bồ đề tâm chúng ta sẽ chết. Thật vậy, nếu thấy bạn đồng tu đủ thứ xấu ác, người lớn thì mệt mỏi, bịnh hoạn, chúng ta sẽ chán nản, bỏ cuộc.
Riêng tôi, nhìn thấy xá lợi của Hòa thượng Thiện Hoa, cảm nhận đó là kết tinh của những tháng ngày quyết lòng phụng sự đạo mà tôi đã ký thác tình cảm với Ngài. Chính bậc thầy đức hạnh ấy sẽ nuôi lớn bồ đề tâm chúng ta. Không có vị chân tu làm chứng tín, sao tu được, vì phát tâm dễ, nhưng nuôi được tâm này mới khó. Sống thọ, làm nhiều việc lợi ích cho đạo, mãn duyên thì an nhiên thị tịch. Con đường tu của vị Thầy làm biểu tượng cho chúng ta theo là như vậy.
Phật tại thế, phát bồ đề tâm ở Phật, Thánh Tăng dễ dàng, nên ở thời đó, nhiều người được an lành, đắc đạo. Thời kỳ chúng ta không có Phật hay không có người tiêu biểu cho Pháp thân Phật, làm sao chúng ta phát tâm được ?
Vì vậy, người phaùt tâm được ở đời này phải biết là nhờ căn lành lớn. Các bậc chân tu đều cho biết họ sống bình thường như mọi người, nhưng tự nhiên có ý thức tu hành, nhàm chán thế gian. Có thể nói nhiều đời trước chúng ta đã tu và căn lành đời trước mới tác động cho chúng ta phát tâm bồ đề được.
Tìm được thiện tri thức hay Linh Sơn cốt nhục, dù họ không cùng quốc tịch với ta, ta vẫn cảm nhận họ là bạn đồng hành. Ta và họ hiểu nhau, thân thương vơùi nhau, tin tưởng, kính trọng nhau một cách kỳ diệu. Linh sơn cốt nhục, tức bạn chơn linh, chơn tánh, đồng ý nguyện cầu vô thượng bồ đề như ta. Giữa ta và họ tác động qua lại, giúp đỡ nhau. Ðiều này rất cần cho việc hành đạo, thăng hoa tri thức, đạo đức; không hiểu nhau, chỉ làm bạn dắt nhau lên quả đường !
Từ chơn tánh hiện thân đại sĩ,
Giữa hồng trần chẳng nhiễm bụi trần.
Từ chơn tánh hiện lên cuộc đời, họ là đại sĩ, Bồ tát lớn, taát nhiên không quan tâm đến tầm thường của thế gian. Tuy sống trên cuộc đời, nhưng họ thường trú ở chơn tâm, vượt qua hàng rào thức uẩn, tức những nghĩ tưởng lăng xăng mà kinh thường gọi là tâm viên ý mã. Kết bạn với những người như vậy, chúng ta dễ tiến tu.
Với tín tâm phát xuất từ chơn tánh, gặp Phật ở chơn tánh và được Phật gia bị, họ thường nghĩ đến Phật, trí tự sáng ra, tạo thành thế giới quan, theo đó sống giữa cõi hồng trần mà không bị mọi người tác động quấy rầy. Thật vậy, thâm nhập và an trú trong thế giới thanh tịnh tuyệt vời, buông bỏ tất cả nhẹ nhàng, người có nói gì, làm gì họ cũng không để tâm đến. Ðược an vui hạnh phúc trong pháp maàu, thì bước ra cuộc đời, gió bụi còn làm gì được họ, đó là thế giới của Hoa Nghiêm. Còn sống bình thường ngày ba bữa, nghe chỗ có tranh chấp thì vội chạy đến góp ý là thế giới của chúng sanh quay cuồng trong sanh tử.
Tu đến đây, niềm tin không lay chuyển, dù là cư sĩ hay tu sĩ, làm mọi việc đều vì đạo. Hành Bồ tát đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, lấy niềm tin làm chuẩn. Ðức Phật dạy niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức lành. Ðứng về mặt quan hệ giữa con người với nhau trong đoàn thể, trong xã hội, người mà không được ai tin, chắc chắn không làm được gì. Ðối với người Nhật, chữ tín rất quan trọng, người thất tín coi như bỏ đi. Tượng Tỳ Lô Giá Na bằng đồng thật vĩ đại ở Nhật Bản, do Thánh Vũ thiên hoàng đề xướng đúc vào thế kỷ thứ 9, là biểu thị của niềm tin theo tinh thần Hoa Nghiêm, lấy lời Phật dạy làm lẽ sống. Nhờ niềm tin, chúng ta mới trở thành tốt, thăng hoa cuộc sống từ địa vị phàm phu tiến đến Phật quả.
Riêng tôi, nếu không tin Phật thì giờ này chẳng thể tồn tại. Nhờ niềm tin tuyệt đối mới dám xả thân hành đạo, vượt qua mọi gian nguy. Tôi thường nghĩ chỉ cần Phật biết và chứng minh công đức, nên không sợ, không tiếc gì cả. Những người thiếu đức tin thì khó có thể đi xa, gặp cám dỗ, đe dọa, họ thay đổi liền, tất nhiên luẩn quẩn trong sanh tử, chỉ lấy khôn dại của cuộc đời để lừa dối nhau.
Bước đường tu của chúng ta trong giai đoạn thập tín nhằm xây dựng niềm tin mình cho vững chắc ở Tam bảo. Phát tâm bồ đề và trụ thập tín, làm sao gắn liền niềm tin tuyệt đối với Phật, sống chết với đạo và truyền niềm tin vững mạnh ấy cho người. Thiết nghĩ nếu chúng ta chưa tin trọn vẹn vào giáo pháp Phật, làm sao chúng ta có thể dạy người tin Phật. Tôi trầm mình sống trong giáo nghĩa Ðại thừa, tin tuyệt đối, không gì có thể làm thay đổi; từ đó, từng bước sống với áo nghĩa kinh. Chúng ta thọ giới Ðại thừa cũng thọ từ niềm tin vững chắc. Chúng ta tin chắc chắn giới thể thanh tịnh. Người thọ giới tướng, nhưng không tin kiên định, một lúc họ phá giới. Trái laïi, với lòng tin kiên cố, dù ta phải gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần phiền não cũng rơi rụng, kết cuộc ta cũng là con Phật, thủy chung với Phật. Không có niềm tin vững chắc như vậy, dù có làm gì chăng nữa, chẳng qua chỉ là lừa dối nhau.
Ngoài ra, tôi thường tâm niệm cuộc đời là quán trọ. Tranh thủ làm việc tốt rồi về với Phật. Việc càng khó tôi càng thích thú, tự nghĩ đó là dịp may để chứng tỏ tấm lòng của tôi đối với Phật. Giả sử ta bỏ mạng nửa chừng, tất cả đều chấm dứt, nhưng ta tin anh linh trong sáng còn tồn tại, sẽ đưa ta đến với Phật hoặc làm hành trang tốt đẹp hơn cho kiếp lai sanh. Tin chắc như vậy, ta nỗ lực hành Bồ tát đạo để tâm hồn trong sáng, càng làm tâm càng sáng.
Ði theo lộ trình Hoa Nghiêm, chúng ta tin Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và tin chúng ta sống theo lời Phật dạy, cũng sẽ đạt quả vị Phật như Ngài.
Ngoài ra, chúng ta tin rằng nếu sống đúng chánh pháp, thì Như Lai sẽ khiến người tốt đến làm bạn đồng học. Theo Bồ tát đạo, chúng ta không tu một mình, phải có Bồ tát quyến thuộc là những người tốt, Bồ tát mười phương nhiếp trì, các Ngài cảm đức mà đến với chúng ta. Vì vậy, chúng ta quyết tâm tu, không sợ đơn độc, có Bồ tát hộ niệm và Hộ pháp long thiên che chở.
Ðây là điểm khác biệt với chủ trương chỉ tin tự lực, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta đi tắt, ta chưa phát huệ, không phải là Bích Chi Phật, chưa thấu triệt tứ Thánh đế, không phải A la hán, nhưng muốn phát bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, phải lấy niềm tin làm chính, tin vào tha lực. Ta không có trí tuệ, không quán được sanh khởi, vận haønh của các pháp, nên không giải quyết việc được.
Tuy nhiên, vì là việc của Phật, ta làm cho Phật, nên trở thành dễ dàng. Nếu việc thực sự là của Phật thì chư Tăng hoan hỷ, Phật tử nhiệt tình đóng góp, còn việc của riêng ta thì ta phải tự lo.
Thật vậy, theo kinh nghiệm hành đạo của riêng tôi, các khóa đào tạo giảng sư ở cả hai miền Nam, Bắc vừa qua thành tựu viên mãn. Tôi tự nghĩ việc này hoàn toàn vượt ngoài khả năng, nhưng tôi tin ở lực Phật gia bị để tôi có thể thừa hành công việc cho Ngài.
Cảm nhận như vậy, tôi làm trong niềm thanh thản. Mọi việc tổ chức, tiền bạc, giáo sư, Tăng Ni học hành ... đều do Phật quyết định, thời tiết nhân duyên đeán thì việc phải thành. Vì là việc của Phật, nên Ngài tác động cho đàn việt phát tâm hiến cúng, các vị tôn đức, những nhà trí thức có học vị, cũng phát tâm tham gia. Tôi không có gì, ngoài niềm tin vững chắc nơi Phật.
Thiển nghĩ người tu Ðại thừa phải trụ pháp Không, ta không có gì, ta phải thay Phật giữ Như Lai tạng. Nói cách khác, chúng ta làm tôi cho Phật, đừng khởi niệm tham, dù chỉ một đồng xu cũng thọ quả báo. Tất cả đều của Phaät, ta đóng góp phần mình là hành Bồ tát đạo.
Theo lộ trình Hoa Nghiêm, hành Bồ tát đạo mà không có trí tuệ, không đức hạnh và vượt ba a tăng kỳ kiếp, nhưng làm được việc nhờ phát tâm bồ đề, tin ở Phật. Phật không gia bị, chắc chắn không làm được gì.
Riêng tôi, không bằng ai, xuất thân từ tu sĩ nghèo, nhưng Phật lực gia bị tạo thắng duyên cho tôi làm đạo. Chưa chứng Duyên giác quả, mà thành tựu việc, nhờ Phật huệ soi sáng, tự nhieân ứng xử đúng trong từng tình huống khác nhau. Qua những chứng nghiệm tự thân ấy, tôi càng tin vững ở sự liên hệ chặt chẽ giữa ta và Phật, các Ngài hộ niệm cho ta và Bồ tát mười phương giúp đỡ, cũng như Hộ pháp thiện thần hộ trì cho người truyền bá chánh pháp sau khi Phật diệt độ.
Hành đạo với niềm tin sâu sắc ấy, trải qua tất cả thử thách của cuộc đời, tiêu biểu bằng con số 10, 10 lần chúng ta vượt khó, để khẳng định niềm tin kiên cố của chúng ta trên đường tiến tu Bồ tát đạo, gọi là thập tín.
II - BỒ TÁT THẬP TRỤ
Sau khi xây dựng được niềm tin kiên cố của thập tín, đến giai đoạn hai là thập trụ gồm có 10 cấp bậc khác nhau, từ thấp lên cao.
1- SƠ PHÁT TÂM TRỤ
Bậc thứ nhất của Bồ tát thập trụ là sơ phát tâm trụ, tức quyết lòng hướng đến Vô thượng đẳng giác. Ðường đi đến Vô thượng đẳng giác gai góc, nhưng phải hướng tâm mạnh ở đó, trụ vững không thay đổi. Các vị Tổ sư thường nhắc chúng ta giữ tâm ban đầu là tâm này. Dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn trụ vững chắc ở bồ đề tâm.
Thuở mới tu, tôi vô chùa thấy thực tế cuộc sống không giống như người ta đồn. Thần thông biến hóa đâu không thấy, chỉ thấy toàn là cực khổ, 3 giờ khuya phải thức, ăn uống đạm bạc, làm việc thật nhiều. Trên bước đường tu, vượt qua thử thách lớn này, chúng ta mới được bất tư nghì khác.
2- NHỊ ÐỊA TRỤ
Trước kia, ta chưa phát tâm bồ đề, ăn miếng trả miếng. Nay tu theo Hoa Nghiêm, lập hạnh Bồ tát, tiến sang bước thứ hai, ta khởi tâm thương xót chúng sanh, không giận, kể cả người gây khó khăn, hại ta. Không khởi tâm thương chúng sanh mà cầu bồ đề là đọa địa ngục.
Chúng sanh gây khó khăn, ta coi họ là người ơn, đó là trụ vững ở địa thứ nhì, oán nó thì không tu được. Tôi làm đạo, bước đầu thấy người gây khó khăn cũng giận, muốn đánh trả. Nhưng nhận ra ý Phật dạy, tập thay đổi lần, nghĩ rằng nhờ họ không làm, ta có việc làm. Nhờ họ chống phá, ta nổi tiếng.
Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng nhờ có người dữ, người lành mới nên. Không có thử thaùch, ta dễ trở thành tăng thượng mạn, được tâng bốc, ta mau rớt xuống chín tầng địa ngục.
Ở hiền vị thứ nhất, giai đoạn một, chúng ta hướng về Vô thượng bồ đề. Bước sang giai đoạn hai, thương người đánh phá ta, tức hướng tình thương đến chúng sanh.
3- TU HÀNH TRỤ
Những gì Phật dạy trong kinh điển phải gắn liền vào đời ta, rời bỏ pháp Phật, chắc chắn rớt vào ma sự. Trên tinh thần đó, chúng ta phải luôn an trụ tam giải thoát môn, nghĩa là làm gì cũng được, nhưng đừng đánh mất áo tu, bản chất thầy tu, nhất định ở trong cửa giải thoát là Không môn, không phải phiền não môn. Hoàn cảnh xã hội thế nào cũng không tác động cho ta phiền não.
Ðầu tiên học giáo lý, nhưng không bị vướng mắc giáo lý. Học Phật pháp để chúng ta thâm nhập Không môn hay Thiền môn, sống với chơn tâm, không sanh vọng tâm tham đắm. Cần phải trụ tâm vì tự biết ở trong sanh tử, phiền não đảo điên luôn bao vây làm khổ chúng ta. Có lúc niềm tin chúng ta vững vàng, kiên cố, nhưng cũng có lúc cảm giác mình lao đao trong bể khổ.
Ở giai đoạn thập trụ, dù sóng bủa ba đào thế nào, cũng cố nâng tâm mình lên, trụ pháp Không; nghĩa là, vượt ngoài ngũ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quan trọng là hành uẩn và thức uẩn, hai uẩn này thường đua nhau hành hạ chúng ta.
Thức uẩn cho chúng ta suy nghĩ, phân biệt, tính toán, nhưng hiểu biết ấy thường thúc bách chúng ta, phiền não nhân đây nổi dậy liên tục. Trên bước đường tu tôi hay cân nhắc điều này, Tống Nhân Tông gọi là ba trù lãng khởi, tức sóng to, gió lớn trên cuộc đời luôn dồi dập tâm thức chúng ta. Hành uẩn là âm mưu chống đối do thức chỉ đạo. Biết và hành trong tâm luôn gây nhức nhối cho ta.
Khi nào vượt trên thức uẩn, hành uẩn, chúng ta không hiểu biết và đối phó theo kiểu người đời. Thả nổi thì mới đằng Không được. Ba trù lãng khởi như vậy, nhưng chúng ta nổi lên mặt nước thì không bao giờ bị vở thuyền. Chống lại sức nước thì phải vở thuyền, nhưng chịu xuôi theo dòng thì nước cuốn trôi, đưa vào biển khổ. Phải nâng mình trên ngọn soùng thức uẩn và hành uẩn. Chúng ta có ngũ uẩn, biết tất cả, nhưng không sử dụng khôn dại của người đời. Khi bị đẩy, kéo, người khác không vững tâm nên vở thuyền, hoàn tục, trôi mất; trong khi ta nhờ trụ tâm, tin vững neân trụ vững, mới tồn tại và thăng hoa được.
Trụ tâm vững trong Phật pháp, nhưng sống trong cuộc đời làm mọi việc là tùy duyên; đó là tâm niệm của người đi theo lộ trình Hoa Nghiêm :
Tùy thuận thế duyên vô quái ngại
Niết bàn sanh tử đẳng không hoa.
Ngược lại, chúng ta cố chấp một điều gì, sẽ bị cuộc đời đập chết liền. Thật vậy :
Diệt trừ phiền não trùng Tăng bịnh
Xu hướng chân như tổng thị tà.
Nghĩa là lo diệt trừ phiền não, nhưng không hết là bệnh của thầy tu. Càng diệt, nó càng nổi dậy. Tuy nhiên, không diệt nó, mà hướng về chân như, không dính líu gì đến cuộc đời, thì cũng rớt vô không tưởng.
Vì vậy, cần phải theo lập trường "Tùy thuận thế duyên vô quái ngại", gặp công nhân, nông dân, trí thức, học sinh ..., ta đứng ở vị trí của họ mà nói chuyện, cảm thông. Tinh thần này cũng được tiêu biểu trong kinh Duy Ma. Duy Ma là tâm trống không, nhưng đối với cuộc đời, không có việc tốt nào mà không có Ngài tham dự.
Trên đường hành đạo, tôi cảm nhận sâu sắc ý nghĩa này. Tôi tồn tại đến ngày nay nhờ tham gia tất cả phong trào, từ công tác từ thiện của quận cho đến thành phố hoặc sinh hoạt với Viện khoa học xã hội, không từ chối việc gì, nhưng tôi vẫn là tôi.
Tất cả mọi việc đối với tôi đều tùy duyên, chỉ là hoa đốm trong hư không, còn cái thật bên trong, ai biết được tôi là gì, chỉ có Phật biết. Khi trụ được tâm, ta làm việc cảm thấy thú vị lạ. Người không biết được ta, nghĩa là không biết tâm trụ pháp của ta. Các Bồ tát trụ tâm, sống với tâm, họ hiểu nhau dễ dàng, ở gần nhau thì thanh tịnh hoà hợp, cách xa nhau thì vẫn cảm thông, hộ niệm cho nhau.
Thiết nghĩ trụ trong pháp Phật với niềm tin kiên định sẽ cảm nhận những điều kỳ diệu, khó giải thích được cho người ngoài cuộc hiểu. Ðó là pháp giới của Hoa Nghiêm, bước chân vào rồi, thật thú vị vô cùng, không gì có thể đánh đổi được.
Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là Phật thăng Tu Di đảnh sơn, ở cung trời Ðao Lợi, ngồi trong Diệu Pháp đường nói về sự phát tâm của Bồ tát và sự an lành của các Ngài trên bước đường hành đạo.
Tôi quan sát thấy rõ ý của Phật dạy. Quả thật cuộc đời đầy sóng gió, nhưng các bậc cao Tăng lướt sóng gió, cứu chúng sanh không chút nhọc nhằn và các Ngài cũng hoàn toàn an ổn, không bị cuộc đời quấy rầy.
Còn đối với chúng ta, hành đạo thật vất vả, nhưng thành quả chẳng được là bao. Thậm chí có người vừa hành Bồ tát đạo vừa giận, vừa khóc. Nếu làm một cách khổ cực, nhưng chỉ chuốc lấy quả báo không tốt dồn dập đến, phải tự biết thực sự chúng ta phá pháp, mà lầm tưởng là mình lo cho đạo.
Thăng Tu Di đảnh sơn, nghĩa là Phật dạy chúng ta vượt qua ngũ ấm thân, vui buồn vinh nhục của cuộc đời đối với chúng ta vô nghĩa, mới bước vào nhà thậm thâm vi diệu, thiên ma không vô được, thì chắc chắn người đời còn cách xa.
Ðến đây, mở cánh cửa cho Bồ tát tu hành, theo đó thân thọ hình có khổ đau, nhưng tâm không đau khổ. Sớm muộn gì thì ai cũng phải già, bệnh, chết, nhưng bằng mọi cách chúng ta không để cho tâm bị chi phối.
Dùng tâm thức thăng Tu Di đảnh sơn và thâm nhập Diệu Pháp đường nghe Phật thuyết pháp. Phật là Phật huệ và pháp là pháp âm hiện bày trong tam thế gian, tức bài pháp sống. Lúc ấy, chúng ta không lập y lời Phật, nhưng dùng trí tuệ quán sát sự sống của người, vật, thấy rõ tình cảm, phước báo, nghiệp chướng của chúng sanh và ta tùy theo đó mà nói pháp tương ưng. Ðó mới thực sự là chân thật pháp.
Theo Ðại thừa, hành Bồ tát đạo, mỗi người làm một việc khác nhau, công việc ở mỗi nơi cũng khác nhau, có bao nhiêu công tác thì có bấy nhiêu Bồ tát xuất hiện giúp cho Phật pháp tồn tại. Việc tu hành của chúng ta là làm thế nào đúng thời, đúng chỗ, đúng người, đúng việc thì mới thành công.
Vào Diệu Pháp đường, nghe pháp âm do Phật huệ thuyết, thấy được tương quan, tương duyên tồn tại của con người và muôn loài. Ý thức như vậy, chúng ta giúp nhau thăng hoa, tạo thành thế hỗ tương sinh tồn, khác với cạnh tranh sinh tồn giết hại nhau để sống. Tất cả nương nhau cùng phát triển, cho đến cỏ cây hoa lá cũng trang nghiêm làm đẹp cuộc đời. Tu theo Hoa Nghiêm, nhìn thấy cái đẹp của muôn loài, cái đáng kính trọng của mọi người, chúng ta dễ sanh tâm hoan hỷ.
Lên Tu Di đảnh sơn, thâm nhập Diệu Pháp đường, Phaät mới dạy pháp thập trụ. Chắc chắn Phật không ngồi dạy như chúng ta, nhưng có thể hiểu sống trong Diệu pháp đường rồi, niềm tin chúng ta vững chắc, khác với sự tin tưởng của người bình thường. Vì vậy, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, tâm ta vẫn an trụ Phật pháp.
Chúng ta tự kiểm xem có trụ pháp, vui với pháp hay không ? Nếu sống được với pháp Phật, chúng ta quan sát trần thế thấy tất cả đều mang an vui cho chính ta. Không trụ tâm trong Phật pháp mà hành Bồ tát đạo thì mọi việc đều trở thành ma sự, phải thọ quả báo.
Trên bước đường tu, nhiều người tốt, nhưng vì tâm chưa an trụ pháp Ðại thừa, hành Bồ tát đạo gặp chống phá, tâm họ cũng thay đổi theo, buồn vui, sân hận và đọa. Thật vậy, kết quả tu hành theo kinh ghi thì quá lớn, nhưng vì chúng ta không trụ pháp Ðại thừa, nên Phật không hộ niệm, Bồ tát không gia bị và chư Thiên không bảo vệ, dẫn đến thực tế không được lợi lạc gì, khiến cho niềm tin sụp đổ, rớt xuống cuộc sống tầm thường vô nghĩa, cuối cùng chán nản cũng bỏ tu.
Theo kinh nghiệm hành đạo của riêng tôi, trụ vững chắc pháp Ðại thừa, hành Bồ tát đạo thì phải có những điều bất tư nghì đến với chúng ta. Trước tiên, gặp hoàn cảnh khó khăn dùng trí bình thường không giải quyết được; dùng trực giác, không theo suy nghĩ, không theo sách vở, lại dễ dàng thành công. Ðó là vô sư trí, tự nhiên trí hay Phật lực gia bị cho ta có nhận thức sáng suốt, quyết định đúng, hy sinh cao và đạt kết quả tốt đẹp, có bạn tốt đến hợp tác, giúp đỡ ta. Ở chỗ hiểm nguy, chúng ta vẫn an lành, nhờ có Hộ pháp che chở trong vô hình vaø trên thực tế được người có quyền thế, thậm chí người đối nghịch cũng giúp ta thoát nạn.
4- SANH QUÝ TRỤ
Vì an trụ Không môn, huệ bắt đầu sanh, thấy được sự thật của cuộc đời, tức thấy được nhân duyên sở sanh pháp. Pháp này khi tu nhị thừa, thuộc về Duyên giác thừa.
Ta trụ được trong pháp Phật, không cần để ý bên ngoài, sự vật không để trong lòng, nhưng từng bước thấy biết sáng hơn, việc tốt đẹp tự động tìm đến ta, thể hiện tinh thần chơn không diệu hữu.
5- PHƯƠNG TIỆN CỤ TÚC TRỤ
Tất cả Phật sự tự nhiên thành tựu, giả sử cần chùa, cần đệ tử, thì những thứ này có đủ. Không cần thì không có, không gì vướng bận tâm, ta vẫn an trụ pháp Không. Mọi việc đều là phương tiện hành đạo, chúng tự thành, không cần giữ gìn, quản lý, vẫn không mất mát, hư hao.
Vua Tống Nhân Tông ca ngợi việc làm của thầy tu hoàn toàn thanh thản, tốt đẹp tự nhiên, không trái ý : Bang bang như ý, chủng chủng hiện thành.
6- CHÁNH TÂM TRỤ
Trên bước đường tu, đương nhiên có ác ma song hành với chúng ta, tác động của chúng không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, vượt qua được thử thách này, chứng được chánh tâm trụ thì mặc tình cho ngoại đạo nói đủ điều, chúng ta càng vững tâm ở Phật đạo hơn nữa. Trái lại, không thành tựu pháp này, nghe người khuyên lơn một lúc, ta sẽ thay đổi theo họ.
Có chánh tâm trụ, ta thấy đó là nhờ ngoại đạo bày vẽ đủ thứ, từ trong rừng rậm tà kiến ấy mà ta nhận chân được chánh đạo.
7- BẤT THỐI TRỤ
Ở các giai đoạn trước, Bồ tát phát triển được tự thân là nhờ Phật lực, Bồ tát lực gia bị. Nay, đạt đến vị trí bất thối, có Phật hay không, vẫn tu, Bồ tát đã chuyển sang phần tự lực đứng vững. Không thầy cũng tu, không bổn đạo cũng vẫn trang nghiêm, tuy ở nơi vắng vẻ một mình, nhưng vẫn đầy đủ oai nghi. Ðức hạnh thể hiện trong cuoäc sống của Bồ tát, không phải giả dối, có người nhìn thấy mới trang nghiêm.
8- ÐỒNG CHƠN TRỤ
Nhờ đạt bất thối trụ, có được pháp thứ 8 là sống thanh thản nhẹ nhàng, nhưng đức hạnh của Bồ tát không ai sánh bằng. Thật vậy, vì đồng chơn trụ, mọi việc làm phát xuất từ chơn tánh thanh tịnh, không giữ lời, giữ ý mà lời nói và ý tứ vẫn thanh tịnh, tác động cho người an vui.
Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của Bồ tát như ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, đi đứng đều toát lên sự thanh cao, ai thấy cũng kính trọng. Nói cho dễ hiểu, từ trong lòng Bồ tát hoàn toàn trong sạch, nên hiện ra bên ngoài việc gì cũng tốt. Khác với người làm bộ, giữ gìn bề ngoài, nhưng trong tâm không thanh tịnh, chỉ có thể đè nén xấu dở lúc bình thường, đến lúc ngủ, thì nó tự động bung ra, không giữ được.
9- PHÁP VƯƠNG TỬ TRỤ
Pháp vương tử là con của Phật. Ðạt được tư cách này, không thấy họ tu, nhưng được nhiều người kính trọng, làm được nhiều Phật sự lớn lao. Vị trí của họ cao tột, hơn hẳn mọi người, được kinh ví như con của vua, thì dù còn nằm nôi cũng là hoàng tử hơn cả các quan đại thần đầu bạc.
10- QUÁN ÐẢNH TRỤ
Boà tát ở quả vị này, có năng lực thay thế Phật, được Phật thọ ký thay Ngài tuyên dương chánh pháp.
Ðó là 10 thứ bậc của Bồ tát thập trụ tu chứng Hiền vị.
III - BỒ TÁT THẬP HẠNH
Trên bước đường hành Bồ tát đạo, ở giai đoạn thập trụ thì đặt nặng vấn đề thiền định, tức giữ tâm đứng yên, an trụ vững chắc ở Phật pháp. Tiếp xúc với đời, nghe thấy đủ thứ việc, nhưng tâm không được giao động, không bị cuộc đời lôi kéo. Giữ tâm toát, mai kia còn hành Bồ tát đạo được, nhưng cố làm cho được việc mà mất tâm là đọa.
Riêng tôi, sẵn sàng bỏ tất cả để không bị hư tâm, còn cố gắng giữ đủ thứ, chẳng những không giữ được mà còn mất mạng và tệ hơn nữa, mất luôn giới thân huệ mạng là vốn quý báu nhất của người tu, thì quả thật chua xót.
Khi Bồ tát thành tựu pháp thập trụ, Ðức Phật dạy thập hạnh là chánh hạnh của Bồ tát. Từng bước Bồ tát nâng tâm thức để quan sát bề trái của cuộc đời, biết được tâm lượng chúng sanh, tùy theo đó mà hành động, làm lợi ích cho người.
Bồ tát phải bước chân vào đời, chạm trán với thực tế, mới kiểm được tâm chúng ta. Vì lý thuyết rất đẹp, nhưng thử áp dụng 10 hạnh như Phật dạy trong cuộc sống đời thường. Ðụng chạm với đủ hạng người, đủ loại việc mà tâm không giao động và chỉ nuôi tâm giúp đỡ người cùng thăng hoa.
Tôi tâm đắc nhất pháp này, trong cuộc sống dù họ đối xử thế nào, ta cũng tìm được điều tốt của họ, tâm chúng ta mới an lành, mới tiến tu được. Còn buồn giận, không tu được.
Hoàn tất pháp thập tín, thập trụ ở cung trời Ðao Lợi, tiến sang giai đoạn ba của Bồ taùt đạo là thập hạnh. Ðức Phật nói pháp này ở cung Trời Dạ Ma. Chúng ta phải hiểu đó là pháp dành cho những người có phước đức, trí tuệ.
Ðương nhiên, hàng phàm phu không thể nghe, hiểu, tin và không thực hành được. Hàng nhị thừa cũng vậy. Những người phước đức đầy đủ mới sanh ở cõi Thiên, còn ở nhân gian là phước đức không đủ.
Nếu phước đức đầy đủ, chúng ta sanh ở cõi trời và phát tâm đại bi trở lại nhân gian cứu đời. Lúc ấy, mang thân người, nhưng trang bị phước đức của thiên thượng, làm công việc cứu nhân độ thế của Bồ tát được.
1- Bố thí : Trong thập hạnh của Bồ tát, hạnh bố thí đứng đầu. Ðây là pháp của Bồ tát phát xuất từ tâm định tĩnh (vì đã thành tựu pháp thập trụ), có suy nghĩ, cân nhắc tại sao bố thí, bố thí cho ai và hậu quả ra sao.
Người đáng được bố thí thì Bồ tát sẵn sàng bố thí cả thân mạng, không phải chỉ cho tài sản. Nhưng bố thí như vậy để laøm gì, Bồ tát thấy ngay hậu quả bằng tâm định tĩnh, nghĩa là việc làm của Bồ tát có mục tiêu rõ ràng.
Chúng ta thường nghe nói bố thí không cầu danh lợi, cho mà không chấp, không nghĩ. Ðiều này chúng ta đừng hiểu lầm. Tại sao không chấp, không nghĩ ? Theo tôi, Bồ tát bố thí không cần suy nghĩ vì có trực giác, biết quá rõ như biết trái xoài trong lòng bàn tay, còn cần suy nghĩ gì . Thấy người đáng độ, đáng giúp thì Bồ tát làm rồi, biết roài, suy nghĩ chi nữa.
Người đến xin, Bồ tát biết trước họ đến xin gì, tại sao xin và Bồ tát chờ họ đến để cho. Không suy nghĩ, không biết, để bị người lừa gạt, thì không phải là pháp bố thí của Bồ tát. Hành Bồ tát đạo mà không có trí tuệ là Bồ tát nhập ám, hành động theo người ngu thì không thể có kết quả tốt. Không phải dốc cả sự nghiệp để bố thí rồi trắng tay, nghèo khổ, sanh oán hận.
Ngoài ra, Bồ tát đủ trí khôn để thấy trực tiếp cho có lợi hay qua trung gian cho có lợi hơn. Có việc Bồ tát phải tự làm, giao cho người sẽ thất bại.
Theo Nhật Liên dạy, muốn giáo hóa độ sanh, chúng ta phải phân ra 4 điều : nói với ai, lúc nào, ở đâu và nhằm mục tiêu gì. Giải được 4 việc này xong, mới làm, không phải lúc nào, chỗ nào cũng cho, ai cũng cho thì làm sao có đủ của để cho.
Bồ tát bố thí nhằm mục tiêu đưa người đến Vô thượng Bồ đề. Quả bồ đề này thuộc chúng sanh, không cưu mang giúp họ, ta không thành Phật, không làm cho họ giỏi, ta không thành thầy. Bồ tát phải xây dựng, giáo dưỡng người mới lên ngôi vị Vô thượng đẳng giác, vì đồ chúng của Phật phải có đầy đủ Thanh văn, Bồ taùt.
Bồ tát hành đạo tìm người có duyên để độ, độ một người cũng được, nhưng đã độ ai là người đó phải nên Hiền thánh. Mục tiêu thành tựu chúng sanh đối với Bồ tát là điều dứt khoát. Thấp nhất là chấp gối, đỡ người đứng dậy để họ có thể giáp mặt với đời, không phải cho rồi không cần suy nghĩ.
Tại sao Phật dạy cho không suy nghĩ ? Vì nếu cho rồi nghĩ họ phải biết ơn, trả ơn ta, nhưng họ không như vậy, ta lại sanh tâm thù nghịch. Ðối với người này, Phật dạy họ bỏ đi, đừng nghĩ, vì ngu quá, lỡ dại, nhắc lại chi cho người cười thêm.
Ông bà ta thường nói giúp ngặt, không giúp nghèo, vì ai cũng có khó khăn nhứt định trong một giai đoạn nào đó, thí dụ như cần giúp người bị thiên tai. Về đời sống lâu dài thì họ phải tự vươn lên, không thể biến họ thành người ăn hại suốt đời chờ bố thí.
Người Trung Hoa có câu : Khát thời nhứt tích chi cam lồ, nghĩa là khi khát nước, thì một tách nước lạnh cũng quý giá như là nước cam lồ. Chúng ta bố thí đúng lúc, lúc ngặt cứu nhau, thể hiện ý nghĩa cứu nhân độ thế của Phật dạy. Ta tìm người có nhân duyên là họ có ngặt và ta có khả năng cho; kẻ cần, người có, hai cái ráp lại ăn khớp. Nhưng người đồng tu cùng chùa mà lười biếng, một đồng cũng không thí. Người không cùng huyết thống, nhưng họ cần thì ta giúp cho họ phát triển.
Tu bố thí đặt căn bản trên trí tuệ chỉ đạo, nhưng ta chưa đủ sáng suốt, chưa định tâm, phải nương Phật, nương kinh điển. Phật chỉ đạo ta giúp đúng người, đúng chỗ, đúng lúc thì xây dựng được bao nhiêu chúng sanh, họ đều nên người.
Ðối với thực tế xã hội ngày nay, chúng ta hiểu và ứng dụng pháp bố thí ra sao ? Tôi ngại nhất việc Tăng Ni học từ chương, phân tích đủ 12 bộ kinh, nhưng kinh không dính líu gì đến cuộc sống của quý vị, không san sẽ gì cho xã hội, thì cũng đành bị xếp qua moät bên.
Ðể tránh tình trạng chúng ta sai lầm, làm cho giáo lý Phật trở thành tụt hậu, không lợi lạc cho sự thăng hoa của con người, Ngài Nhật Liên dạy rằng giáo lý phải thích hợp với quốc độ, thời gian và căn cơ, trình độ của người.
Trình độ của người ngày nay chắc chắn khác với con người ở 2000 năm trước và mỗi nước đều có sinh hoạt văn hóa, phong tục khác nhau. Vì vậy, pháp Phật du nhập vào nước nào cũng uyển chuyển thích hợp lợi lạc với nơi đó. Có thể nói phần lý bên trong không thay đổi, nhưng phần giáo bên ngoài thay đổi, ngôn từ diễn tả Phật pháp cùng hình thức sinh hoạt tu tập khác nhau, nhưng tinh ba giáo điển vẫn là một.
Thể hiện tinh thần này, trong sinh hoạt hiện tại theo người Nhật thì Bồ tát phải thực hiện 3 việc khi tu hạnh bố thí. Trước nhất, hành Bồ tát đạo phải nâng cuộc sống cho người, vì chẳng những không làm người khổ, mà chúng ta còn có trách nhiệm giúp họ được an lạc.
Theo kiến giải của Phật giáo Nhật, tài thí được hiểu thực tế nhất là giải quyết công ăn việc làm cho người. Người theo ta bị nghèo khổ thêm, chắc chắn đó không phải là mô hình của Phật dạy.
Thể hiện việc nâng cao đời sống kinh tế của người dân theo yêu cầu của xã hội đang sống, xưa kia Phật giáo Nhật phát triển về nông thôn. Các Thiền sư đến vùng xa cất am tranh, sống ở nơi đó để giúp đỡ người dân địa phương. Nhà sư dạy họ trồng cây thuốc và hoa màu, nhờ phương pháp canh tác tốt, họ thu hoạch được nhiều. Từ việc tạo ra của cải, lợi lạc cho người dân mà các nhà sư được vua chúa và dân chúng thương quý. Chùa chiền được dựng lên theo cảm tình tốt đẹp ấy và dần dần Phật giáo đi sâu vào quần chúng, trở thành một phần đời sống của họ.
Ðến khi Minh Trị Thiên hoàng duy tân nước Nhật. Với tình trạng đô thị hóa, sinh hoạt Phật giáo đã được thay đổi theo nếp sống của thành thị. Ở thôn quê đất rộng, chùa lớn. Nhưng ở thành phố, tấc đất tấc vàng và phải làm việc liên tục thì cất chùa cao lớn mà không sinh hoạt thường xuyên, đóng cửa hoài, trở thành lãng phí.
Vì vậy, Phật giáo phải sinh hoạt thích nghi theo hướng phát triển mới của dân chúng ở đô thị. Dân thường tập họp sống ở chung cư, nên các hội đoàn Phật giáo thành lập ở mỗi chung cư một niệm Phật đường, chỉ rộng độ một hay hai gian phòng dùng thờ Phật, để dân nơi đó đến sinh hoạt tôn giáo. Vì theo họ, đạo Phật lấy con người làm chính, không phải lấy chùa làm chính.
Nhà truyền giáo gần gũi cũng thấy nguyện vọng chính đáng của người dân đô thị. Họ có nếp sống bộn rộn, không có nhiều thì giờ để tham thiền, tụng niệm, hành hương. Với hoàn cảnh như vậy, nhà lãnh đạo Phật giáo tạo điều kiện thuận tiện cho dân tập trung ngay tại chung cư đang sống, rút tỉa những tinh yếu của Phật pháp đặt vào thời kinh ngắn gọn cho họ tụng niệm và nghỉ sớm để mai còn có sức khỏe đi làm.
Theo tinh thần Pháp Hoa, Phật dạy hoặc ở điện đường, tăng phường hay nhà dân, hoặc ở đồng trống, ngả ba đường, nơi nào có người trì kinh Pháp Hoa, chỗ có đó Phật. Nhờ vậy, ai cũng tu được; chúng ta phải thấy rõ và đáp ứng yêu cầu giúp cho người thăng hoa, đừng bắt buộc họ lệ thuộc vô bất cứ điều gì, làm khổ thân tâm họ.
Ngày nay, tổ chức Tân hưng Phật giáo Nhật thể hiện tinh thần tài thí bằng cách lập xí nghiệp, giải quyết đời sống cho Phật tử. Ðó là cách gắn bó thiết thực nhất giữa tín đồ và Phật giáo. Làm như vậy, giới Phật giáo ít nhất cũng thực hiện được việc mang lại no cơm ấm áo cho tín đồ, chưa nghĩ đến việc lớn lao là cứu giúp tất cả chúng sanh.
Việc thứ hai là giải quyết vấn đề học hành, vì đạo Phật là đạo trí tuệ. Phật giáo Nhật mở trường từ mẫu giáo đến Ðại học, để đào tạo người có tri thức. Và họ cũng nhắm đến đào tạo thực dụng, bố trí người tốt nghiệp vào làm việc tại xí nghiệp của Phật giáo, giúp cho người có cuộc sốngï phát trieån. Theo họ, điều đó thể hiện tinh thần pháp thí. Tất nhiên, ngày nay xã hội được hiện đại hóa, công nghiệp hóa, việc đào tạo không thể thiếu phần khoa học kỹ thuật. Người theo ta có công ăn việc làm, có thu nhập cao, phát triển được kiến thức, thì ai mà không theo.
Sau cùng, thể hiện tinh thần vô úy thí, giới Phật giáo Nhật thường tham chính. Lịch sử Nhật cho thấy có Hòa thượng làm Thủ Tướng, hoặc Bộ trưởng, là việc bình thường. Vì có tham gia vào guồng máy chính quyền mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của giới Phật giáo.
Ðiều này dễ hiểu, trên thực tế người nắm được kinh tế, văn hóa, chính trị thì quyết định được tất cả. Ðiển hình như Phật giáo Lý Trần mạnh, rõ ràng vì đã chủ động trong lãnh vực chính trị, văn hóa.
Nếu chúng ta từ bỏ sức mạnh này, để cho người ác xấu nắm lấy, thì họ đàn áp, gây khó khăn và ta cúi đầu nhịn chịu hay sao ? Người có trí tuệ theo Phaät chắc chắn không làm như vậy.
Oâng Ishibashi là Viện trưởng Ðại học Rissho, Tokyo, nơi tôi theo học. Ông tham chính, làm nghị sĩ Quốc Hội và tiến lên làm Thủ Tướng Nhật. Nhờ vậy, ông giải quyết được bao nhiêu việc của Phật giáo. Có thể nói đó là hình thức cứu nhân độ thế ở mức độ cao nhất. Trên nền tảng ấy, mới dễ dàng thực hiện được tinh thần vô úy thí.
Bồ tát dưới khoác áo thầy tu hay cư sĩ thành tựu pháp bố thí theo hình thức trên, đương nhiên giúp cho Phật giáo tồn tại vững mạnh. Khi chúng ta còn nghèo đói, kém cỏi, phải nhờ vã người. Nhưng đủ tư cách thăng Tu Di sơn, bằng với Trời Ðế Thích, ra hành đạo sẵn có trí tuệ, của báu, thế lực mà khoâng có đối tác, làm sao thi thố tài năng được.
Thật vậy, có chạm trán với việc khó của cuộc đời mới biết trí khôn của ta đến đâu, có đối diện với kẻ ngang bướng, mới thấy năng lực của ta, có người xin, chúng ta mới có dịp cho, để bớt lòng tham lam bỏn xẻn. Nhưng thực hành pháp bố thí, che chở cũng nhằm nâng người lên thành quyến thuộc, bạn đồng hành với ta.
Tu thập hạnh, Bồ tát mới tập sự làm thử, vừa tự tu, vừa giúp người, cho đến hàng thập địa mới đạt được ba la mật.
Trong khi tu hạnh bố thí, Bồ tát phải luyện tâm hoan hỷ. Làm sao người hoan hỷ với ta và ta hoan hỷ với người, với việc. Tuy nhiên, ta cứu giúp mà người vẫn hại và nói xấu, ta cũng phải hoan hỷ. Vì hạnh Bồ tát là hạnh lợi tha, nhằm mục tiêu cứu giúp người, không vì quyền lợi riêng, nên vô ngã hoàn toàn.
Phật dạy không có chúng sanh, Bồ tát không thành Vô thượng đẳng giác. Ta không nghĩ chúng sanh gây khó khăn, phải thấy nhờ họ ta mới có cơ hội hành Bồ tát đạo được. Trên tinh thần ấy, dù gặp hoàn cảnh nào trong cuộc sống, chúng ta cũng tha thứ cho người vô tình hay cố ý gây khó khăn với ta, vì không hoan hỷ, không thể tu Bồ tát đạo.
Bồ tát thể hiện hạnh hoan hỷ đối với lục thú tứ sanh, lòng không buồn phiền, không chấp nhứt việc gì. Sẵn sàng hoan hỷ đối với người đổ việc xấu cho ta và hơn thế nữa, làm cho chúng sanh đang khổ đau trong chốn tam đồ thấy Bồ tát thì quên khổ và được an vui liền. Ðối với Bồ tát, mô hình kiểu mẫu phải đạt được là : "Kỳ hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát bồ đề tâm, vĩnh xuất luân hồi khoå...".
Noi theo gương Bồ tát, chúng ta phải tự thấy mình có lỗi lớn khi chưa làm cho người phát tâm bồ đề và lại còn làm cho người phiền não. Ý thức như vậy, chúng ta cần thành tâm sám hối cho sạch nghiệp ác. Bồ tát sạch nghiệp khi tu Thanh văn, Duyên giác và đắc La hán, mới phát bồ đề tâm hành Bồ tát đạo, việc độ sanh của các Ngài dễ dàng và không gặp chướng ngại. Chúng ta chưa đắc La hán, hành Bồ tát đạo, mang ác nghiệp đến với người, tất nhiên phải gặp tai họa.
2- Trì giới : Pháp tu thứ hai của Bồ tát là trì giới. Kinh Hoa nghiêm lấy thập thiện giới làm chính để giúp cho ba nghiệp thanh tịnh. Trong ba nghiệp, chủ yếu là ý nghiệp, vì ý nghiệp thanh tịnh thì hai nghiệp thân và khẩu cũng thanh tịnh theo.
Theo Bồ tát đạo, quan trọng ở giới tâm, tự ta quyết định làm gì để tâm mình thanh tịnh. Tu theo hình thức, chấp giới điều, tưởng tốt, nhưng tâm cứ bực tức, buồn phiền, tham nhiễm, vẫn đọa.
Thân nghiệp thanh tịnh, đối với tôi quan trọng nhất là thân không tật bịnh, vì bịnh thì nghiệp dễ sanh. Làm sao ta có thân khỏe mạnh, ngoại hình dễ coi thì người dễ nghe theo.Thân khỏe mạnh vì không tạo sát nghiệp, ngoại hình dễ coi là nhờ đoạn trừ dâm dục và không trộm cắp, lừa đảo. Ðược như vậy, người tin ta. Khẩu nghiệp thanh tịnh thì giọng nói êm tai, mát lòng. Giọng nói cộc cằn, nói láo, nói đâm thọc thuộc ác khẩu, không thanh tịnh.
Ý nghiệp thanh tịnh là người thiểu dục, tri túc, nhìn sự vật chính xác, thấy rõ từ nhân đến quả, không tham, lòng bực tức, buồn phiền không có.
Ta có nhiều tướng xấu, tự biết nghiệp của chúng ta, caàn siêng năng tu để giải nghiệp ngay trong đời này hay kiếp sau mới giải được.
Tu pháp bố thí để có thêm bạn, nhưng bạn nhiều mà giới không thanh tịnh thì giao tiếp nhiều, làm chúng ta khổ, không tu được. Ba nghiệp thanh tịnh mới tiếp Tăng độ chúng được, vì người buồn khổ, thấy ta dễ thương, lòng họ tự hết khổ .
Tiến xa hơn nữa, Bồ tát trì giới thanh tịnh, có đức hạnh, nghĩa là tâm niệm và việc làm luôn lợi ích cho mình, cho người trong hiện tại cũng như tương lai. Bồ tát hiện hữu nơi nào phải nâng cao đời sống vật chất và phát huy đời sống tinh thần cho người.
Làm cho đời sống kinh tế kiệt quệ và bày ra việc mê tín làm tinh thần của người lụn bại, không phải Bồ tát đạo. Trên nền tảng ấy, hành Bồ tát đạo, chúng ta chỉ đến chỗ nào cần ta giúp. Khi người không cần, nhất định ta không đến. Lịch sử cho thấy Phật pháp suy đồi vì chúng Tăng cần chúng sanh. Phật pháp hưng thạnh khi chúng sanh cần Bồ tát che chở.
Ðức hạnh của Bồ tát thể hiện bằng cách không làm những gì mọi người không bằng lòng và chỉ làm những việc lợi ích cho người. Không phải chấp chặt giới điều 1, 2, 3... Bồ tát đến với chúng sanh để phục vụ họ, không vì quyền lợi riêng mình. Tuy nhiên, theo tôi, việc nào cũng có phản ứng phụ, nghĩa là chúng ta làm vui lòng người này, chắc chắn sẽ mất lòng người khác. Ít khi nào ta làm vui được cả hai phía.
Hành đạo, chúng ta phải cân nhắc coi việc giúp người này, họ được lợi gì và làm thiệt hại cho người khác việc gì. Thí dụ như Ðức Phật trong tiền kiếp hành Bồ tát đạo, Ngài đã giết tên cướp để cứu 500 thương buôn. Chắc chắn Ngài đã gây oán thù với nó. Nhưng đối với Ðức Phật, Ngài chấp nhận như vậy để cứu mạng đến 500 người và về sau, họ tái sanh lại là Phú Lâu Na và 500 La hán, xuất gia theo Phật, hết lòng với Ngài vì đã thọ ơn cứu độ này. Còn linh hồn tên cướp oán hận Phật, luôn theo đuổi Ngài, tìm sai quấy của Phật để trả thù. Nhưng trải qua nhiều đời theo dõi Phật, tên cướp chỉ thấy Ngài làm việc thánh thiện, nên sau cùng cũng giải được oan nghiệp này.
Bồ tát luôn cân nhắc, không bao giờ làm tổn hại chúng sanh. Bất đắc dĩ phải hy sinh một người để làm lợi cho số đông. Và tất nhiên món nợ này, Bồ tát sẽ trả. Phải có dũng lực như vậy mới hành Bồ tát đạo được. Thể hiện tinh thần lợi lạc cho mọi người, Bồ tát có thể làm vua, làm tướng..., tạo phước đức nhiều nhưng hại ít, không việc nào mà không phải trả giá. Còn kẻ thấp chí bạc tài, việc gì cũng sợ, không dám làm.
Thể hiện rõ nét tinh thần vì đại nghĩa là Phật giáo Lý Trần. Nếu các Ngài không dấn thân đánh đuổi giặc thì chúng tàn sát hết dân ta còn gì. Các Ngài sẵn sàng chịu quả báo để cứu nhân dân an lành. Không có sự hy sinh cao cả ấy, chúng ta không có trang sử vàng son của Phật giáo.
3- Nhẫn nhục: Hành Bồ tát đạo, phải có đức kiên nhẫn, vì làm có mục tiêu, không phải bạ đâu làm đó. Nhắm đến mục tiêu thành Phật và cứu nhân độ thế, chúng ta kiên trì độ người. Tôi hạ quyết tâm độ người nào, dùng mọi cách theo Phật dạy, nay không được, mai cũng không được thì hẹn đến kiếp sau hay nhiều kiếp nữa cũng phải độ được.
Thiếu đức tánh kiên nhẫn, độ đươïc một phần rồi chúng ta chán nản, bỏ nửa chừng thì công lao xây dựng coi như mất trắng. Hoặc dại khờ để họ đổ trút tội lỗi lên ta, không nhịn nổi nữa và phản ứng xấu thì còn tệ hại hơn.
Thiết nghĩ độ một người không đơn giản và nhất là đối với chúng sanh cang cường ở thế giới ngũ trược này, ta phải có vô số phương tiện để nhịn chịu. Tôi có kinh nghiệm độ sanh. Nay chưa hiểu, nên họ chống phá, mai kia họ hiểu thì thương kính ta. Chống nhiều thì sẽ hiểu nhiều, miễn chúng ta đừng sai.
Tôi tâm đắc nhất pháp Phật dạy về nhẫn lực. Hoàn cảnh nào, mình cũng ung dung tự tại, vui vẻ với người. Người nhiều sân hận, ham muốn rồi thối chí, nhưng ta quyết không như vậy. Người chống tôi mãnh liệt, mà nay họ thương, chỉ vì họ hiểu lầm, nghe người khác nói xấu. Qua quá trình hành đạo, họ thấy được sức kiên nhẫn của chúng ta, suy nghĩ lại thấy ta tốt. Chúng ta phải chấp nhận, chờ đến lúc họ hiểu đúng.
Khi Ðại hội thống nhất Phật giáo cả nước, không ít những tiếng xấu ác đổ lên người tu hành có tâm huyết với đạo pháp. Nhưng với thực tế trải qua gần 20 năm, thành quả của việc Tăng Ni Phật tử tu học tốt đẹp đã là minh chứng hiển nhiên cho việc làm đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta.
Theo tôi, chỉ sợ mình sai trái, không sợ người hiểu sai. Hiểu sai thì hiểu lại, càng thương mình hơn. Chúng ta nhịn chịu để sau độ họ, không phải nhịn để họ gõ đầu chơi. Phật dạy Bồ tát phải lập chí kiên trì giữ đạo, nguyện độ chúng sanh, không thay đổi.
4- Tinh tấn: Bồ tát lập hạnh siêng năng, không sợ khó, khổ, chỉ sợ ta không đủ tài đức. Riêng tôi, gặp việc khó càng vui, chỉ cầu Phật hộ niệm cho đủ sức khỏe để làm. Rèn luyện được đức tính này, chúng ta càng vững niềm tin ở Phật hơn nữa. Nhờ có hành, mà phần tín và trụ vững chắc thêm. Vì càng noã lực làm, chúng ta càng gần đạo và nhận được lực bất tư nghì của Phật pháp.
Bồ tát khác nhị thừa ở điểm ý chí không khuất phục, dấn thân vào gian khổ. Nêu cao tinh thần này là hạnh nguyện của Ngài A Nan : nguyện là người đi tiên phong vào đời ngũ trược ác thế, còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì Ngài sẽ không bước lên quả vị Vô thượng giác.
Tôi nhắc nhở Tăng Ni sinh rằng khi ra trường nhận lãnh công việc khó thì có nhiều điều thú vị lắm. Việc dễ ai cũng dành, tôi buông tay. Việc khó thì ít người làm, mà ta gánh vác, chắc chắn sẽ được nhiều người thương và ủng hộ.
Theo dấu chân Phật, chúng ta cần luyện đức tánh kiên nhẫn của Bồ tát, chỉ nghĩ đến quyền lợi chung, quên mình, làm Phật sự không biết mệt mỏi như trong Sám Quy mạng mà chúng ta thường công phu buổi khuya : Thừa sự thập phương chư Phật vô hữu bì lao...
5 - Thiền định: Ðức tánh quan trọng trên lộ trình hành Bồ tát đạo là tâm yên tĩnh. Làm nhiều việc, nhưng không cho tâm giao động. Mới khởi tu, ngồi yên thì tâm yên. Tuy nhiên, phải tiến xa hơn, đi vân thủy, nghĩa là lặn lội vào đời mà tâm vẫn lắng yên như trong thiền định. Ðó là pháp hành của Bồ tát, tìm yên tĩnh trong công việc. Làm không mệt mỏi, không nghỉ, nhưng tâm yên như Thiền sư trụ định. Làm nhiều, bực tức nhiều, giao động liên tục, không phải Bồ tát. Nhị thừa thì phải ngồi yên, tâm mới lắng yên.
6- Trí tuệ: Bồ tát cứu đời nhưng tâm không bị cuộc đời chi phối, đạt được đức tính thứ sáu là trí sáng suốt. Bỉnh tĩnh và sáng suốt là hai đức tính quan trọng nhất của Bồ tát trên đường hành Bồ tát đạo. Sáng suốt cao nhất theo Phật dạy đạt được từ việc thực hành văn, tư, tu, tức học tập giáo pháp, suy tư trong thiền định và đi vào đời giúp người.
Hàng nhị thừa thấy biết do đọc sách, suy niệm, đó là hiểu biết trên lý thuyết. Bồ tát tiến hơn nữa, không chỉ biết theo sách vở, nhưng phát triển tu huệ bằng cách đi thẳng vào đời, giáp mặt với đời, lóng nghe quần chúng để biết yêu cầu, nguyện vọng, năng lực và hành nghiệp của người. Có biết rõ như vậy, mới tùy theo đó, giúp họ trưởng thành, phát triển trí tuệ, được sáng suốt, lợi ích ngay trong cuộc sống.
Có thể hiểu theo ngày nay, chúng ta trang bị huệ học của Bồ tát nghĩa là chúng ta nắm vững tất cả hiểu biết, văn minh của nhân loại gồm có khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Như vậy, những gì chúng ta nói phải được người trí thức công nhận. Thời nay mà nói núi Tu Di có trời Ðế Thích thì khó có người nghe. Núi Tu Di ở đâu, nhà cửa ra sao ? Việc bình thường hay văn minh khoa học mà con người biết, nhưng chúng ta không biết, thì làm thế nào thuyết phục được người tin rằng ta biết rõ chuyện trên trời.
Ðức Phật trước khi tu, Ngài nắm vững văn minh thời đó và đắc đạo, hiểu biết của Ngài hơn gấp 10 lần, người phải tin theo. Từ thực tế cuộc sống, Phật dạy cách hành xử đúng đắn và từ bình thường này, Ngài nâng người lên trình độ phi thường, chắc chắn người phải tin.
Thực tế chúng ta nắm vững và xa hơn, biết những việc mà khoa học không lý giải nổi, thì may ra họ tin. Huệ của Bồ tát phải thích hợp đúng với hoàn cảnh. Ðiều này chúng ta thấy rõ Phật giáo thịnh haønh là khi nhà truyền giáo nắm bắt được tình hình xã hội, chủ động được sự vận hành của nó. Ngày nay làm đạo, khi người không nghe, phải tự biết chúng ta đã đi lệch hướng, cần phải chấn chỉnh lại.
Trong 6 pháp ba la mật, trí tuệ là chính, kinh Hoa Nghiêm gọi là Vô thượng Bồ đề, không có gì mà Bồ tát không biết. Phật khác người thường là nhờ có trí tuệ chỉ đạo ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Người tu theo dấu chân Phật, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Chưa có huệ mà hành Bồ tát đạo, phải nương với người có trí tuệ, vì làm sai, nguy hiểm, thà không làm còn hơn làm sai.
Tôi làm việc gì cũng suy nghĩ cân nhắc, khi chưa biết rõ, tôi không giúp vì kết thân với người ác, tội lỗi, ta dễ bị lây nhiễm. Có bạn xấu thương ta, nhưng cũng hại ta không ít.
Thiền định và trí tuệ, ngày nay gọi là bình tĩnh và sáng suốt, luôn song hành. Tu định, không trí là tà định. Tu trí, thiếu định là phiền não trí. Ðó là hai đức tánh căn bản trên đường hành Bồ tát đạo. Ðối với tôi, nếu không bình tĩnh và thiếu nhận thức chính xác thì tôi ngưng việc. Vì không sáng suốt, người xúi bậy, dễ nghe theo. Còn nóng nảy, dễ bị người khích tiết làm bậy, thọ quả báo. Thiết nghĩ làm việc thành công phải luôn luôn chủ động. Nhưng muốn vậy, phải sáng suốt, nắm rõ vấn đề, nếu không dễ biến thành bị động, ta lệ thuộc người.
Trong 6 pháp ba la mật, tôi chuû trương đi ngược, tức phải có trí tuệ và bình tĩnh mới bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn đạt kết quả tốt. Bình tĩnh, sáng suốt, cộng thêm ba nghiệp thanh tịnh, cùng một số quyến thuộc giỏi tốt, hành Bồ tát đạo nhất định thành coâng.
Ngoài phần lục độ ba la mật, kinh Hoa Nghiêm triển khai thêm 4 pháp : phương tiện, nguyện, lực, trí, thành 10 hạnh.
7- Phương tiện: Trên đường hành Bồ tát đạo, có tiếp cận với đời, mới thấy mặt yếu của ta. Tuy nhiên, thất bại hôm nay là kinh nghiệm giúp chúng ta thành công mai sau, nên không nản chí, không bỏ cuộc. Nhờ vậy, chúng ta đã học được phương tiện hành đạo.
Thật vậy, có lúc chúng ta tưởng nhận thức đúng, nhưng khi bắt tay vào việc, mới nhận ra còn bao nhiêu vấn đề chưa biết hoặc biết sai. Có chạm trán với thực tế thấy được nhược điểm của mình và khắc phục mặt yếu này, phát huy cho thành mạnh toàn diện; đó là tu theo Bồ tát đạo. Trên bước đường tiến đến quả vị toàn giác, mỗi Bồ tát làm được một số việc khác nhau, gọi là Bồ tát đa hạnh. Chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn tất cả việc thánh thiện.
8 – Nguyện: Vì còn nhiều việc chưa biết, chưa làm được, nhiều chúng sanh chưa độ được, Bồ tát phải rèn luyện đức tánh thứ 8 là nguyện độ tận chúng sanh để hoàn thiện tư cách của người cứu nhân độ thế.
9-10- Lực và Trí: Hành Bồ tát đạo đòi hỏi Bồ tát dứt điểm việc trong tầm tay và việc ngoài khả năng cũng thấy rõ, để đến năm sau, nhiều năm sau nữa, thậm chí phải đến kiếp sau mới làm được. Chắc chắn không thể một bước giải quyết được tất cả. Nhiều khi chúng ta tham, nghĩ rằng làm được tất cả, đến khi không thành công thì ta hối hận, đau khổ.
Riêng tôi, thấy việc cần làm, nhưng thấy thời cơ chưa đến, tôi cũng sẵn sàng gác lại, chờ có điều kiện sẽ thực hiện. Hành Bồ tát đạo, phải biết tiến thoaùi, không nên sốt ruột, không nhất định phải làm ngay.
Ý này được Trí Giả đại sư ví như hoa sen trong hồ, có hoa đã nở thơm ngát hương, có hoa còn búp, có hoa vừa lú lên mặt nước, có cái còn kẹt trong bùn, cần phải nuôi nó. Hành đạo thấy người căn cơ thuần thục, ta độ, chưa thuần, phải chờ dù là nhiều kiếp. Quan sát Bồ tát mười phương làm việc, tự so sánh ta với người, thấy việc nào ta chưa thực hiện thì hạ quyết tâm theo gót các Ngài vàø cuối cùng giải quyết tốt đẹp mọi việc, độ được tất cả chúng sanh
Ở giai đoạn thập hạnh, Bồ tát luyện được tâm vững, đã trụ đại định, có sức kiên nhẫn chịu đựng. Ví như con rùa khi bị tấn công, nó thu mình trong vỏ từ 1 đến 2 ngày, thậm chí cả năm, không ăn vẫn sống được. Chờ rình mãi mà rùa vẫn không ló đầu ra, không bắt được, nên địch thủ phải bỏ đi.
Bồ tát trụ ở thập hạnh cũng vậy, có đức kiên trì, chờ cơ hội làm được mới làm. Nhân duyên chưa đến, vẫn nằm yên, chịu đựng. Ác ma đi rồi thì tiếp tục hành đạo.
Ngoài ra, đặc điểm của rùa là có khả năng sống ở dưới nước và trên đất liền. Bồ tát cũng vậy, sống trong thế giới loài người, nhưng cũng ở thiền định. Hành đạo đối tác với chúng sanh ở trần thế, thấy Bồ tát giống mọi người, nhưng tâm họ ở Niết bàn, không phiền muộn, khổ đau.
Bồ tát thập hạnh lăn xả vào đời làm việc nhiều, từ đây bắt đầu có tích lũy phước đức; tốt hơn là làm ít, hưởng nhiều, thì không thể dài lâu. Thực tế, người đồng tu với tôi từ thuở nhỏ, đối với công tác của chúng, của chùa hay của Giáo hội, họ thường lờ đi, trong khi vẫn hưởng quyeàn lợi. Nhưng đến lúc hết phước, họ phải đọa. Người ở lâu trong đạo phần lớn bước đầu đều chịu đựng gian khổ, nhờ đó, tích lũy được công đức.
Tỳ kheo nỗ lực tu hành, người nhìn thấy đạo hạnh của ta mà cung kính cúng dươøng. Ta tiếp nhận, hưởng hết phước này, nhưng cứ tưởng là còn, buộc họ phải cung kính, đòi hỏi đủ thứ, mà họ lại xem thường, không đáp ứng cho ta nữa, thì phiền não nổi dậy, trở thành nghiệp chướng Tăng.
Thời gian hành Bồ tát đạo trải qua thập trụ, thập hạnh cho đến thập hồi hướng, lúc nào Bồ tát cũng phải nương Phật để hành đạo, không phải tự ý làm. Nhưng Phật trong kinh Hoa nghiêm khác với Phật theo nguyên thủy.
Theo tinh thần nguyên thủy, Ðức Phật là con người bằng xương thịt, tu đắc đạo và thành Phật. Người may mắn sanh cùng thời với Ngài, được nghe Ngài giảng dạy và theo đó tu hành, được an lành hoàn toàn, không bị quả báo xấu. Ở đời sau, khi caùc vị Tổ sư gặp khó khăn, không giải quyết được, thường tự trách mình gặp một trong tám nạn. Nói cách khác, không có người sáng suốt lãnh đạo, dễ phạm sai trái và phải thọ quả báo liên tục. Theo Phật, gặp Phật chắc chắn dễ tu.
Theo quan niệm của Phật giáo quyền thừa, tuy Ðức Phật nhập diệt, nhưng nương theo Thánh giáo và công đức của Ngài để lại, chúng ta vẫn tin được, tu được. Ðiều này thực tế cho thấy có việc lớn lao, tốn kém mà bản thân người tu không làm được, thí dụ như xây chùa thờ Phật. Tuy nhiên, việc này thành tựu dễ dàng nhờ người hằng tâm, hằng sản tin tưởng ở việc xây chùa có phước, họ đem của cải, công sức đầu tư vô.
Hoặc ta là người tầm thường, nhưng mặc áo Phật, ở nhà Phật, vị trí chúng ta hoàn toàn thay đổi. Ðó là nhờ công đức của Phật quá lớn bao phủ cho người tu thọ hưởng. Và hơn thế nữa, trí tuệ chúng ta được phát triển là nhờ giáo lý Phật hướng dẫn.
Từ đó, quyền thừa tin Phật là tin công đức và trí tuệ của Phật không mất. Ta quy y với Phật là Phật Báo thân, tức phước đức, trí tuệ thân.
Tiến lên kinh Hoa Nghiêm, nhìn Phật là nhìn thẳng vào cuộc đời, khẳng định rằng không có gì không phải là Phật mới là Phật. Ngày nay ta thường diễn tả ý này là học quần chúng để lãnh đạo quần chúng. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm dạy quả bồ đề thuộc chúng sanh. Từ đó, hành đạo mà khoâng thấy khả năng, yêu cầu của người, tự áp đặt ý của mình, làm sao người nghe theo.
Theo Hoa Nghiêm, mọi người đều là Phật. Nhưng nếu ta thấy Phật trong họ, thì họ là Phật, thấy ác ma thì họ là ác ma. Xấu tốt cũng là hoï, dùng tâm xấu thấy họ là ma, phải biết lòng ta là ác ma. Nhưng lòng chúng ta là Phật, tức ta thấy đối tác của ta nghĩ gì, muốn gì, để đáp ứng, giúp đỡ họ, thì họ quý trọng ta. Thỏa mãn yêu cầu của một người, người đoù kính trọng ta, giúp 10 người thì được 10 người kính trọng.
Khi tu thập trụ, thập hạnh thì nương Phật để làm, nghĩa là nương theo 3 điều sau :
1- Khi có Phật xuất hiện hay có người thông minh, đức hạnh thì nương theo.
2- Nhìn về Phật nghĩa là ta theo học với người có đức hạnh và trí tuệ. Và chúng ta ý thức rõ rằng "Nhân vô thập toàn", mỗi người có điểm đặc sắc riêng, ta học cái hay của họ thôi, tức có lựa chọn. Còn cái dở, không thích, ta bỏ, không bàn đến. Gom tất cả điều tốt của người để biến thành cái tốt của mình là thái độ học Phật. Học được 10 cái tốt, ta có 10 cái tốt, không phê phán.
3- Ta học tâm tư nguyện vọng của quần chúng, tùy theo yêu cầu mà giải quyết. Muốn độ người bình dân hay giới trí thức hoặc chánh khách, ta phải làm cách nào tương ưng với họ.
Mọi người đều có hiểu biết ở lãnh vực riêng và đều có công đức. Nhưng theo Hoa nghiêm muốn thành Phật phải có tri thức toàn diện, giải quyết được toàn bộ.
Trên bước đường hành Bồ tát đạo, ở giai đoạn thập trụ thì đặt nặng vấn đề thiền định, tức giữ tâm đứng yên. Và từ đó quan sát bề trái cuộc đời, tâm lượng chúng sanh, rồi tùy theo đó mà hành động.
Có thể nói tu thập hạnh nương Phật để làm, thực tế là nương uy tín của Thầy, làm đạo với danh nghĩa của Thầy, không phải danh nghĩa của riêng ta.
Cần cân nhắc kỹ ý này trên bươùc đường tu, vì nhiều khi chúng ta nương Thầy làm được việc, sau đó lại rớt vô tình trạng xem thường Thầy. Quán Ðảnh đã phạm sai lầm này, là bài học chúng ta cần ghi nhớ. Quán Ðảnh viết lời bạt trong tác phẩm của Thiên Thai Trí Giả đại sư rằng : Không có Quán Ðảnh thì Thiên Thai không trọn công đức.
Nói như vậy, Quán Ðảnh đã phạm tội ngã mạn rất nặng, nên bị đọa, không còn được ai kính nễ. Dù sự thật, công đức của Quán Ðảnh biên soạn tất cả sách vở cho Ngài Thiên Thai, làm thật vất vả suốt cuộc đời, mà chỉ nói một câu thiếu khiêm tốn là trắng tay, bị thiên hạ khinh ghét, chẳng được gì.
Việc làm của Bồ tát thập hạnh thuộc phần hành thâm Bát Nhã ba la mật. Bồ tát đi trên lộ trình Hoa Nghiêm ở dạng tu tâm, nên phần sở hành và tác động của các pháp thập tín, thập trụ và cả thập hạnh, không thể thấy biết bằng tri thức bình thường của ngũ uẩn thân.
Thật vậy, vì là pháp hành bên trong, không ai thấy và kiểm soát để biết được. Khi chúng ta sử dụng được pháp hành bên trong, tự nhiên tác động được qua tâm chúng sanh.
Trên tinh thần ấy, người tu thập hạnh theo Hoa Nghiêm, ngồi yên một chỗ, không thấy họ làm gì, nhưng tâm đến với mọi loài, ảnh hưởng không thể lường được. Từ đó, chúng sanh từ từ tìm đến, kính trọng quy ngưỡng. Ðiển hình như Ðức Phật ở Bồ đề đạo tràng, không cử thân động niệm, nhưng không chúng sanh nào mà Ngài không độ, đó là pháp hành của tâm.
Giữa Phật với Phật hay với Bồ tát hoặc giữa Bồ tát với chúng sanh liên hệ với nhau qua tâm, không cần nói. Theo nghĩa lý ấy, tôi cảm nhận rằng lực Như Lai tới khiến tôi xuất gia, học đạo, thuyết pháp, không thể làm khác. Nhận được sức gia bị của Như Lai, tôi thuyết pháp không mệt, không chán.
Tác động của tâm rất kỳ diệu. Các bạn thử dùng tâm đại bi đến với người thân, người oán, với tất cả chúng sanh, sẽ thấy người tự động đến với bạn. Khi vận dụng tâm tốt của ta đối với người thân, họ quý trọng ta hơn; tâm tốt đến với người thù, họ bớt ghét ta, cho đến không còn oán nữa và vận dụng tâm thánh thiện tới tất cả chúng sanh, kể cả loài vô tình, thì chuùng cũng thể hiện tình cảm thân thiện với ta.
Trên nền tảng hành sử tâm, người tu Hoa Nghiêm cố tìm cho được mối quan hệ giữa ta và vũ trụ. Chúng ta không tu một cái gì xa lạ, không chấp chặt vào pháp nào, nhưng theo Hoa Nghiêm là tu trong sự sống của chúng ta, trong sự lớn lên của muôn vật chung quanh ta là chính.
Nếu không nhận ra điều này, nghĩ cái gì xa xôi thì hỏng, không bao giờ đạt keát quả. Kinh Pháp Hoa gọi sai lầm này là mất bản tâm, Tổ quở là xả thực tế, nhận không hoa.
Kinh Hoa Nghiêm lấy tâm làm chính, phát huy tâm mình ngang qua tâm muôn vật, để cuối cùng hiểu được và điều động được muôn vật, thì chúng ta thành Phật.
Tâm thanh tịnh thường hằng của chúng ta là Phật và dùng tâm này duyên qua sự vật hay chúng sanh, tạo nên phần thứ ba là Phật. Vì vậy, theo Hoa Nghiêm, tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt, 3 cái này là 1. Nghĩa là khi tâm chúng ta ngang qua chúng sanh, làm họ phát tâm bồ đề, tạo thành thế giới, gọi là pháp giới của kinh Hoa Nghiêm dưới sự điều động của Tỳ Lô Giá Na.
Trên nền tảng ấy, người tu Hoa Nghiêm thaáy tâm trí từ từ sáng lên, là do Tỳ Lô Giá Na biến chiếu hội nhập. Nhờ Phật hội nhập, dưới mắt ta, sự vật bên ngoài trở thành dễ thương và loài vật, cỏ cây được ta duyên đến đều hướng về ta bằng tình thân.
Thật tu, dễ nhận ra pháp này. Thử một hôm, trải tâm thương yêu con vật, chúng ta thấy nó mừng rỡ, quyến luyến với chúng ta ngay. Thể nghiệm pháp này, sẽ hiểu được tâm từ bi của Ðức Phật tác động sâu xa khiến nai dâng hoa, khỉ cúng trái. Chẳng những con người hay loài thú, mà cả cỏ cây, hoa lá cũng vậy. Nếu các bạn đã từng trồng cây, săn sóc, ký thác tâm tình cho cây, nhận ra cây tăng sức sống rõ ràng. Giữa ta và chúng tất yếu có mối tương quan.
Tôi cũng đã thử pháp này. Tôi có trồng cây mai trước thất Hoà thượng ở chùa Huê Nghiêm. Làm việc tại Aán Quang, tôi ít về chùa Huê Nghiêm. Có điều lạ là hàng năm, tôi thường về Huê Nghiêm vào 25 Âl trước Teát, thì cây nở hoa vào đúng lúc đó. Nhưng khi tôi bận không về ngày 25, thì nó chờ mùng 3 Tết tôi về, mới nở hoa. Có lần tôi về mùng 7 Tết, thì nó nở đúng ngày đó.
Kinh Hoa Nghiêm muốn dạy ta nhận ra mối tương quan cần thiết ấy và sống với liên hệ hỗ tương ấy. Ðối với người hay thú vật, chúng ta tạo tình cảm tương quan dễ, nhưng luôn cả với cỏ cây cũng vậy; dù chưa đắc đạo, ta và thiên nhiên cũng hài hoà được.
Không tu theo hướng này, chúng ta ở chùa mà lúc nào cũng bực bội vì tham vọng phát khởi. Tham vọng dâng lên, thì Phật huệ tự biến mất. Bấy giờ, không có gì trên cuộc đời này làm cho chúng ta bằng lòng được. Ở chùa nhỏ thì muốn được chùa lớn, muốn gần người giỏi, sang giàu, thế lực để nhờ vả, nhưng cái muốn chẳng bao giờ đến, còn cái đang sống thì không bao giờ bằng lòng. Vì vậy sanh ra sân si, mắng nhiếc người này, xỉ vả người kia, địa ngục ở ngay trước mắt.
Trái lại, tâm thanh thản, dù sống đạm bạc, ngồi gốc cây mà ta và vật hoà đồng, tạo thành cảnh giới an lạc. Ðó là tinh thần Hoa Nghiêm muốn nhắc nhở chúng ta dẹp tham vọng, tâm sẽ lắng yên, Phật mới gia bị được.