Home » , , » Lược giải Kinh Duy Ma Cật - Phẩm 10

Lược giải Kinh Duy Ma Cật - Phẩm 10

Written By Triệu Hoàng Tình - Chuyên gia nhân hiệu on Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012 | 04:10


Lược Gii  Kinh Duy Ma
Dịch-giả HT Thích Trí Quảng

PL. 2543 – 1999
---o0o---

Mục Lục


PHẨM 10
 PHẬT HƯƠNG TÍCH

I. LƯỢC VĂN KINH
Bỗng nhiên, Xá Lợi Phất khởi tâm nghĩ rằng giờ ăn gần đến, các Bồ tát sẽ thọ thực nơi đâu. Duy Ma Cật biết được tâm niệm của Xá Lợi Phất liền bảo nếu muốn ăn hãy chờ giây lát.
 Và Duy Ma nhập chánh định, dùng thần thông hiện bày cho đại chúng thấy thế giới Phật tên Chúng Hương và Phật Hương Tích cùng các Bồ tát đang ngồi ăn.



 Duy Ma hỏi các Bồ tát “Người nào có thể lên nước Chúng Hương thỉnh cơm của Phật Hương Tích được ?”. Các Bồ tát đều lặng thinh. Duy Ma rầy mọi người không biết hổ thẹn hay sao ? Văn Thù đáp lời Duy Ma rằng không nên khinh người chưa học.
Sau đó, Duy Ma ở trước chúng hội hóa ra một vị Bồ tát và bảo vị hóa Bồ tát này hãy qua nước Chúng Hương xin cho Duy Ma phần cơm thừa để làm Phật sự.
 Vị hóa Bồ tát đến trước Phật Hương Tích lập y lời Duy Ma dặn. Bồ tát ở nước Chúng Hương nhìn thấy vị hóa Bồ tát, đều ngợi khen và muốn đến cõi Ta bà để cúng dường Phật Thích Ca và ra mắt Duy Ma Cật cùng các hàng Bồ tát.
Khi hóa Bồ tát đã lãnh bát cơm, Ngài cùng với 900 vạn Bồ tát thừa thần lực của Phật và Duy Ma Cật trong khoảnh khắc về đến nhà của Duy Ma và được Duy Ma hóa ra 900 vạn tòa sư tử cho Bồ tát ngồi.
Bấy giờ Duy Ma hỏi các Bồ tát của nước Chúng Hương rằng Phật Hương Tích giáo hóa chúng sanh như thế nào ? Các Ngài trả lời Ðức Phật ở đó chỉ dùng các mùi hương làm cho người thanh tịnh đắc đạo.
 Bồ tát của nước Chúng Hương hỏi lại Duy Ma rằng ở Ta bà, Ðức Phật Thích Ca nói pháp như thế nào. Các Ngài hết sức kinh ngạc và cũng rất thán phục khi nghe Duy Ma cho biết mọi tội lỗi và hình phạt mà Ðức Phật Thích Ca phải răn dạy chúng sanh ở Ta bà.
Duy Ma dạy thêm Bồ tát của nước Chúng Hương rằng Bồ tát ở Ta bà lợi ích cho chúng sanh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp tu hành ở cõi khác. Vì cõi Ta bà có mười điều lành mà các Tịnh độ khác không có : 1/ Dùng bố thí để độ kẻ nghèo. 2/ Dùng tịnh giới để độ người phá giới. 3/ Dùng nhẫn nhục để độ kẻ giận dữ. 4/ Dùng tinh tấn để độ kẻ lười biếng. 5/ Dùng Thiền định để độ kẻ tán loạn. 6/ Dùng trí tuệ để độ kẻ ngu si. 7/ Nói pháp để độ kẻ bị tám nạn. 8/ Dùng pháp Ðại thừa để độ kẻ ưa pháp Tiểu thừa. 9/ Dùng pháp lành để cứu người không đức. 10/ Dùng bốn nhiếp để thành tựu chúng sanh.
Và theo Duy Ma, Bồ tát thành tựu tám pháp ở Ta bà không lầm lỗi, sẽ được sanh về cõi Tịnh độ : 1/ Lợi ích chúng sanh mà không mong đền đáp. 2/ Chịu mọi điều khổ thế cho chúng sanh. 3/ Bao nhiêu công đức thành tựu đều hồi hướng cho chúng sanh. 4/ Có lòng bình đẳng đối với chúng sanh, đối với Bồ tát xem như Phật. 5/ Những kinh chưa nghe, nghe không nghi. 6/ Không chống trái với hàng Thanh văn. 7/ Không tật đố với người được cúng dường, không khoe lợi lạc của mình. 8/ Thường xét lỗi mình không nói lỗi người.
Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi nói pháp này xong, đại chúng Trời người đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng giác, 10.000 Bồ tát chứng được vô sanh pháp nhẫn.
II. GIẢI THÍCH
Vấn đề diễn tả trong phẩm Phật Hương Tích thuộc thần thông biến hóa. Nếu chỉ hiểu theo tín ngưỡng, chúng ta khó chấp nhận thần thoại này.
 Tuy nhiên, điều chắc chắn chúng ta cần lưu ý rằng Phật giáo là đạo của trí tuệ, đạo đi ngược lại với thần quyền. Vì vậy, câu chuyện nêu lên trong phẩm này theo tôi hàm chứa ý nghĩa sâu xa bên trong buộc người nghe phải suy nghĩ. Và tôi xem phần chân lý mà Ðức Phật đã thể nghiệm được mới thực sự quan trọng.
Trong phần cuối của phẩm trước, Văn Thù tán thán sự lặng thinh của Duy Ma là tuyệt diệu gợi cho chúng ta ý tưởng vô tác diệu lực của Duy Ma. Tuy Ngài không làm, nhưng tác động đến muôn loài ở độ cao nhất, không còn dùng ngôn ngữ giảng giải được.
Tuy nhiên, hạng Thanh văn đối trước sự yên lặng này lại khởi tâm chán nản. Lúc trước, an trụ trong pháp bất tư nghì giải thoát, thể nhập chân lý bất nhị của Bồ tát, các Ngài quên đi nhu cầu bức bách của thân tứ đại, quên đói. Nhưng nay không tiếp tục an trú trạng thái tịch tĩnh, rớt trở lại thực tế của con người bình thường, cảm thấy chán nản, thấy đói. 
Xá Lợi Phất đại diện cho hàng Thanh văn khởi tâm nghĩ giờ ăn gần đến, các Bồ tát sẽ thọ thực nơi đâu. Hay nói cách khác, đó là thực tế chứng tỏ hàng xuất gia không giải thoát; nhiều khi tu lâu, quên nghĩa giải thoát của Phật dạy.
 Xá Lợi Phất thị hiện chưa giải thoát để nhắc nhở những ai còn vướng mắc trong căn trần thức. Duy Ma biết tâm niệm Xá Lợi Phất liền hỏi Ngài đến đây cầu pháp hay cầu thực. Ðiểm này cảnh tỉnh người tu không được nghĩ đến thức ăn. Lần này Duy Ma giải quyết vấn đề ăn cho chúng ta.
Ðối với người tu, tất nhiên ăn để sống, không phải sống để ăn. Nhưng theo tôi, chúng ta cần đặt lại vấn đề ăn là gì ?
Theo cái thấy biết bình thường, ăn là bỏ vô miệng nhai và nuốt xuống bao tử. Tuy nhiên, quan sát kỹ hành động ăn, chúng ta thấy rõ nó là các pháp nằm trong vòng luân chuyển.
Thật vậy, trong hành động ăn có diễn tiến từ vật này xuyên qua vật khác, để sanh ra vật mới. Nó giống như ta đưa nguyên liệu vào máy và cho ra sản phẩm.  Ăn cũng vậy, chúng ta đưa nguyên liệu thức ăn vào nhà máy cơ thể, cho chúng ta sự sống. Như vậy rõ ràng vấn đề ăn là sự biến chuyển.
Theo Thiền sư phân tích thân này không phải là TA, mà là sự vật luân chuyển. Thức ăn và không khí ngày hôm nay thủ tiêu thức ăn và không khí ngày hôm qua. Thức ăn và không khí luôn luân chuyển, chúng ta nhận nó làm TA, chẳng khác nào chụp mồi bắt bóng để đời đời kiếp kiếp ở trong ngục tù tam giới.
Vì thế hành giả đang ở pháp bất nhị thanh tịnh giải thoát, rớt trở lại thực tế nghĩ đến ăn, chấp nhận ăn là TA, thì vô số tội sanh ra.
 Phẩm Bất nhị nhằm kiểm lại, xác minh rằng vật không phải TA. TA là chơn tánh giải thoát và từ chơn tánh giải thoát khởi niệm ăn, vấn đề đặt ra.
 Duy Ma nhắc quan niệm sai lầm về vấn đề ăn của chúng sanh, mở màn cho cái nhìn của người tu thấy sự vật luân chuyển và đời sống tâm linh, hai vấn đề này khác nhau. Ðối với người xuất gia, đời sống tâm linh quan trọng cần thiết hơn, còn sự vật mặc cho nó luân chuyển.
Tâm vắng lặng như Duy Ma, vật dù luân chuyển bên ngoài, thì ý niệm cũng thành không. Vì vậy khởi lên ý niệm ăn, liền rớt vô sanh diệt và Duy Ma lợi dụng cái ăn sanh diệt này giải thích cho thấy người tu có cái ăn khác với phàm phu.
Hàng La hán không cần ăn như chúng ta. Nhưng chưa đắc quả, còn mang thân phàm, vấn đề ăn quan trọng. Nó đè nặng chúng ta, không ăn không chịu được. Thuở bé tu hành, tôi cũng bị chuyện ăn làm khó dễ. Suốt đêm dày vò mình cồn cào bao tử, muốn ăn ngọ, nhưng vượt được không đơn giản.
Xá Lợi Phất không ở trong tâm trạng này, nhưng đại diện cho người chưa đắc đạo đặt vấn đề cho chúng ta suy nghĩ. Theo thông lệ phải đi khất thực. Khi nghe Phật Thích Ca dạy Văn Thù đến thăm Duy Ma, các Thanh văn nghĩ hai thượng thủ gặp nhau chắc có pháp gì hay. Họ cùng đến nhà Duy Ma, quên mất việc khất thực, vì cầu pháp nên quên chuyện ăn.
Thông thường đến nhà cư sĩ, thấy nhà cao cửa rộng, vườn chơi đẹp, không thiếu gì như Tu Bồ Ðề đã từng đến nhà Duy Ma khất thực những lần trước. Nhưng lần này nhà Duy Ma trống, chỉ có một giường nằm. Xá Lợi Phất khởi niệm không có gì ăn là chuyện bình thường.
Trên bước đường tu, tôi cũng có lần khởi niệm giống vậy. Ðọc kinh Duy Ma, nhận ra được khởi niệm như thế có tội, tôi cảm thấy sợ. Ðiều này chúng ta thường vấp phải,  tức sai lầm làm chúng ta xa rời đạo giải thoát.
 Theo Phật, mục tiêu chính của người tu là giải thoát, cởi bỏ những gì ràng buộc chúng ta. Những cái gần chúng ta nhất, dễ nắm bắt, dễ cởi bỏ là ăn, mặc, ở. Tuy thấy nó gắn liền với ta mật thiết, nhưng thật sự từ bỏ nó không khó.
Thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm, khi ẩn khi hiện, chúng ta khó điều chỉnh, khó bỏ hơn. Chẳng hạn đang ngồi yên, vụt có gì hiện lên trong đầu và chúng ta bắt đầu suy nghĩ theo nó. Khoảng 5, 10 phút tỉnh lại, chúng ta nhận biết mình đã bị nó kéo khỏi tâm thanh tịnh.
Thật tu thấy rõ vấn đề điều chỉnh tâm không đơn giản. Ðói, không ăn dễ. Ngồi yên, không suy nghĩ là việc khó, khó đoạn Thức uẩn.
Khi tu còn cảm thấy muốn ăn, thèm ăn, phải tự biết xấu hổ, vì mình còn ở mức thấp nhất trong pháp Phật. Vấn đề tầm thường nhất, dễ nhất chúng ta không vượt nổi, làm sao qua được những khó khăn khác.
 Duy Ma chỉnh Xá Lợi Phất tu giải thoát không được khởi niệm ăn. Nếu trụ pháp thanh tịnh, hành giả sẽ thâm nhập Thật Báo trang nghiêm Tịnh độ có nhiều món để ăn. Kinh diễn tả rằng Duy Ma bảo Xá Lợi Phất nếu muốn ăn hãy chờ giây lát sẽ có bữa ăn chưa từng có.
Theo tôi ý “muốn ăn có ăn” mà Duy Ma nói khiến chúng ta dễ hiểu lầm với cái muốn của thế gian. Ở đây vấn đề diễn dịch kinh điển gặp nhiều vướng mắc ngôn từ, nên diễn tả không trung thực lắm.
Kinh Pháp Hoa dạy người tụng Pháp Hoa muốn gì được đó. Nhưng kinh cũng nói người tụng Pháp Hoa không còn muốn nữa. Chúng ta phải kết hợp hai điều này để hiểu. Không muốn mới thâm nhập pháp  bất nhị. Ý này diễn tả A la hán vào được pháp bất nhị, nhận được nhiều thức ăn thượng diệu.
Ðức Phật dạy đầu tiên chúng ta có pháp hỷ thực. Món ăn chính của người tu là pháp, tinh thần chúng ta ăn pháp hay sống với pháp. Pháp luôn luôn sanh diệt, nên người tu quán pháp sanh diệt mà sống.
Hành giả quán pháp sanh diệt, hiểu và vận dụng được pháp sanh diệt, không còn lệ thuộc nó, trở thành chủ của pháp. Ðức Phật khác chúng ta ở điểm đó. Thực tế Phật ăn tất cả pháp giới, mà không phạm tội gì. Trong khi chúng ta chỉ khởi niệm ăn, đã thành tội.
Ðức Phật đứng ở lập trường giải thoát nuốt tất cả pháp giới, nói khác vận dụng được pháp giới, biến pháp giới thành Pháp thân Ngài. Kinh diễn tả các loài sanh diệt đang sống trong thường trú Pháp thân của Thích Ca Như Lai, là thức ăn của Như Lai hay một phần thân Như Lai.
Theo kinh nghiệm tu hành, tôi nhận thấy khi đang suy nghĩ, tập trung thân tâm sống với pháp Phật, tôi thường quên ăn, không có cảm giác đói. Không có cảm giác đói không phải của xác thân nhưng của tinh thần. Con người tinh thần không đói. Như vậy, chúng ta thấy rõ đói của người tinh thần và đói của người vật chất.
Ðối với người tu, món ăn tinh thần quan trọng. Cần nuôi lớn con người tinh thần bằng pháp. Và tiến sâu vào Thiền định, sinh hoạt trong trạng thái nội tâm có món ăn thứ hai là Thiền thực.
Thiền là bản tâm thanh tịnh. Sự vật bên ngoài luôn biến đổi, nhưng tâm hành giả vẫn lắng yên, không biến đối. Tâm no đủ, không đói, nhưng sự thật thân có đói. Bấy giờ, hành giả quán chiếu được thân là vật sanh diệt, tùy theo yêu cầu sanh diệt mà tồn tại. Trong khi tâm luôn no đủ sáng suốt, quét sạch tham vọng của Thức. Vô minh không còn, thì yêu cầu của cơ thể không nhiều như chúng ta tưởng.
Yêu cầu của cơ thể nhỏ, nếu bản tâm thanh tịnh. Ðiều này thể hiện rõ qua đời sống của các Thiền sư ngộ đạo. Các Ngài chỉ ăn đơn sơ mà vẫn sống khỏe.
Thân không có khả năng đòi hỏi nữa, hành giả chỉ cung cấp những thứ cần thiết cho thân tồn tại. Biết cách cung cấp đúng chính xác, chu kỳ tồn tại của thân càng kéo dài hơn, nghĩa là tuổi thọ tăng và khỏe mạnh.
Ngược lại, tham vọng của chúng ta quá lớn, nó sẽ làm chu kỳ sanh diệt của thân rút ngắn lại. Chúng ta nghĩ bồi dưỡng để nó khỏe hơn. Nhưng cung cấp cho nó thật nhiều, để rồi nó thải ra những độc tố vật chất và tâm hồn làm cho thân bệnh, tâm khủng hoảng. Chẳng hạn có những loại thuốc hóa chất dùng chữa bệnh, nhưng chữa được bệnh này nó lại gây ra bệnh khác nặng hơn. Thậm chí có những sản phẩm giúp con người sống tiện nghi hơn, đỡ phí sức, tăng tuổi thọ. Nhưng giải quyết việc này xong, lại gặp khủng hoảng ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe con người, làm phát sinh những bệnh mới nữa. Nói chung, tất cả tồn tại khổ đau khó giải quyết vì văn minh của chúng ta là vô minh.
Hành giả trong lúc tu tập Thiền quán có thể vẫn ăn, nhưng không ăn bằng miệng. Hành giả ăn bằng sự hấp thụ tự nhiên của cơ thể. Giữa ta và vật xung quanh có sự hấp thụ lẫn nhau mà cộng tồn, tôi coi đó là môi trường đạo.
Duy Ma nhắc Xá Lợi Phất những liên hệ của chúng ta để tồn tại bằng cách vận dụng tâm thế nào hấp thụ sự vật vào cơ thể. Hành giả ăn như vậy không mất gì của người thế gian là cách ăn của người đắc đạo.
 Vì vậy, bậc La hán có thức ăn thượng diệu gồm thức ăn bên ngoài là pháp và thức ăn bên trong là Thiền. Pháp thực và Thiền thực chỉ đệ tử Phật mới có, hàng ngoại đạo hoàn toàn tuyệt phần.
Trên con đường giải thoát Phật dạy, hành giả trải qua tám chặng đường giải thoát. Chặng đường thứ nhất, thân Tỳ kheo già bệnh, nhưng tâm thanh thản. Sắc thân còn cần nhu cầu, nhưng tâm hồn không đòi hỏi gì, đạt giải thoát một.
Riêng tôi, trên bước đường tu ở giai đoạn một, cũng tìm thấy giải thoát trong cơ thể bệnh hoạn ốm yếu. Tôi thường nghĩ thân này chết đi cũng chẳng tiếc thương, chỉ ráng giữ cho tâm hồn giải thoát.
 Tuy nhiên, giải thoát một tạm bợ, vì thật có đói, có bệnh nhưng đời sống nội tâm cao, nên quên đói quên bệnh. Bên trong giải thoát mà thực tế bên ngoài không giải thoát.
Ngoài ra, hành giả muốn đạt giải thoát như vậy, thường sử dụng thân quá sức. Vì thế, khi tâm chứng giải thoát thì thân hư hoại. Các La hán đắc đạo thường bỏ thân này, nhập Niết bàn là vậy.
 Tuy nhiên, qua giải thoát hai, thân tâm phải tồn tại, tâm hồn giải thoát nằm trong cơ thể khỏe mạnh, không phải ở trong cơ thể bệnh hoạn.
Thân tâm đều hợp nhất, thân giải thoát tâm thanh tịnh hay kết hợp bản thể và hiện tượng, tạo thành Trung đạo đệ nhất nghĩa.
 Ðứng ở vị trí giải thoát hai, dùng trí tuệ quán chiếu trở lại phần vật chất ngay trong cơ thể chúng ta, xem cái gì cần chúng ta cấp dưỡng. Mỗi ngày cơ thể cần bao nhiêu chất béo, bao nhiêu chất đường..., không cần chúng ta loại bỏ. Ðiều chỉnh được sẽ thấy quả thật cơ thể chúng ta không đòi hỏi quá đáng. Ðiểm này Phật dạy là tri túc.
 Theo tôi, bằng bản tâm thanh tịnh, chúng ta cảm nhận được yêu cầu thực sự của cơ thể. Không bác sĩ nào hiểu ta hơn ta, nếu tâm chúng ta tập trung và kiểm soát được nó. Chúng ta điều động vật ngay trong thân dễ hơn, vì nó thuộc sở hữu của ta.
 Khi thân tâm hành giả giải thoát, chắc chắn đó là mẫu người dễ thương ảnh hưởng cho người giải thoát theo. Lúc ấy, hành giả đạt được giải thoát ba của mẫu người đã nhập pháp bất nhị. Ðó cũng là hành giả Pháp Hoa đến đâu nơi đó an vui, cách 500 do tuần không có tai nạn.
 Từ giải thoát ba tiến xa hơn, hành giả chứng sơ Thiền, nhị Thiền, tam Thiền, tứ Thiền, đạt giải thoát bốn hoàn toàn tự tại. Tuy ở trạng thái Thiền định, nhưng tác động cho thân thoát ly nóng, lạnh, đói, khát. Dần tiến đến đỉnh cao là giải thoát của Như Lai tác động cho cả xã hội và pháp giới. Ðó là trạng thái giải thoát mà Phật dạy đệ tử .
Xá Lợi Phất khởi niệm ăn. Duy Ma bảo đừng nghĩ đến ăn, người tu nghĩ như vậy không tốt. Không nghĩ sẽ thâm nhập nghĩa giải thoát thì tha hồ ăn. Kinh ghi là chờ giây lát sẽ cho ăn.
Duy Ma bắt đầu nhập định, mở cánh cửa cho chúng hội đạo tràng thấy thế giới hoàn toàn đổi khác, thấy sáng ra xa vời đến điểm cao nhất là nước Chúng Hương. Ở đó, có Phật Hương Tích và  Bồ tát đang tập trung nghe pháp, có đàn việt dâng cúng Phật và Bồ tát.
Duy Ma tiêu biểu bản tâm thanh tịnh giải thoát mới có Thiền thực. Ngài làm thí nghiệm bằng cách nhập định. Duy Ma tập trung tư tưởng nhập định tác động cho chúng hội nhìn thấy thế giới Chúng Hương, nghĩa là Ngài trắc nghiệm cho chúng ta thấy rằng lực của hành giả đã đạt giải thoát ba là bản thân giải thoát và người chung quanh giải thoát theo.
Trước kia chúng ta mở tung sáu cửa giác quan để tiếp xúc với bên ngoài, nên ngoại duyên kéo hết sức lực của chúng ta. Nay tập trung, đóng nó lại, sức sống không hao hụt ra ngoài. Lúc ấy, thức ăn của người tu là tâm hồn bình ổn, không bị sự vật bên ngoài chi phối, trí trở thành sáng suốt.
 Bằng bản tâm thanh tịnh rọi qua giáo lý, đi ngược dòng về quá khứ, tìm về nguyên thủy. Kinh diễn tả là đi ngược về phương trên, tìm thấy nước Chúng Hương. Nghĩa là tìm những gì cao đẹp có trước chúng ta, tìm thấy hằng hà chư Phật, mỗi Phật có cách sống, cách giáo hóa chúng sanh. Hành giả góp nhặt những gì Phật quá khứ làm để học và sống theo. Ðó là món ăn thượng diệu.
Câu chuyện mở đầu này mang tính chất triết học, mượn chuyện thần thoại để diễn tả sự phát triển tri thức. Từ một con người thường mở rộng tầm nhìn để thấy thế giới Chúng Hương, tạo điều kiện cho người khác cùng thấy. Ðó là việc làm của Bồ tát. Duy Ma thể hiện ý nghĩa mỗi người đứng ở hoàn cảnh riêng của chính mình mà đi lên, hội ngộ với Phật Thích Ca.
Duy Ma từ vị trí con người ở thế giới Ta bà nhìn lên thế giới Chúng Hương huy hoàng. Tôi cũng vậy, ý thức sâu sắc tám muôn bốn ngàn pháp môn tu của Phật nhằm ứng vào mọi trình độ, mọi hoàn cảnh. Chúng ta bước vào Phật đạo đúng đắn nhất bằng hoàn cảnh của mình, đi từ điểm phát xuất của riêng mình dần tiến đến chân lý. Ðừng dại khờ chạy theo hoàn cảnh của người, rời bỏ vị trí của mình, không bao giờ đắc đạo.
Duy Ma mở ra cho chúng hội chiêm ngưỡng một chân trời hoàn thiện hoàn mỹ xong, Ngài liền hỏi ai có khả năng lên nước Chúng Hương nhận thức ăn. Mọi người lặng thinh không trả lời.
Duy Ma bảo chúng hội rằng Phật Thích Ca là đấng Năng Nhân, làm được tất cả lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta mang danh đệ tử Phật, kể cả đại đệ tử lại không thâm nhập được thế giới Chúng Hương, có cảm thấy hổ thẹn chăng ?
Bấy giờ, Văn Thù đỡ lời chúng Tăng, nhắc nhở Duy Ma không nên khinh người. Sự thực, Ngài không khinh người, vì đã an trú ở bản tâm thanh tịnh hoàn toàn, không còn lầm lỗi. Câu trả lời của Văn Thù chỉ nhằm gợi nhắc chúng ta trên bước đường tu phải tự sửa thân tâm mình. Ðừng để lòng kiêu mạn bộc phát, vì dù ta có giỏi mấy, nhưng khinh người vẫn phạm tội.
Vấn đề Duy Ma gợi ra thể hiện trong cuộc sống thật của đệ tử Phật, giải quyết việc ăn cũng không được. Họ hướng tâm đến việc cao cả, nhưng trở về thực tế đơn giản, kiếm một bữa ăn không có, là việc vô lý. Tôi lúc nhỏ tu hay suy nghĩ muốn làm nhiều việc lớn. Nhưng nhìn lại thân phận mình, hiểu lời Duy Ma dạy rõ hơn, từ đó tôi quen tánh không còn ham muốn nữa. Ðiều gì xảy ra trước mặt phải giải quyết tốt nhất, trở lại hoàn cảnh riêng mà tu.
Tôi khởi đầu vào Phật đạo với tư cách một cậu học trò nghèo ở nhà quê. Con đường tôi đi thật nhiều gian lao khó khăn. Tuy nhiên, biết nương hoàn cảnh của mình, tự phấn đấu, chẳng thích đua đòi, chỉ biết an bần thủ đạo, chuyên mặc đồ tang bỏ, tránh xa chuyện hơn thua lặt vặt. Tôi dồn tất cả tâm sức vào việc phát triển tri thức. Ngày qua ngày, tầm nhìn thực tế đúng đắn dần, từng bước thăng hoa trên con đường giải thoát. Ngược lại, những người bạn tôi ôm ấp hoài bão, nhưng không thực hiện nổi. Thời gian trôi qua tuổi đời chồng chất thêm. Chuyện nhỏ suốt mấy chục năm không làm, chuyện lớn cũng không thành, để phí cả cuộc đời.
Chúng ta cần quan tâm suy nghĩ nếu ý hướng thượng quá cao, trong khi thực tế cuộc sống không có gì. Không khéo chúng ta trở thành người vô dụng, cuối cùng phải nhờ Duy Ma xin cơm cho ăn.
Kế đến, Duy Ma hiện ra một Bồ tát đầy đủ uy đức và Ngài dặn Bồ tát biến hóa này lên gặp Ðức Phật Hương Tích xin cho Duy Ma một phần cơm thừa để làm Phật sự.
 Vị hóa Bồ tát nếu hiểu theo ngày nay là chúng ta có trí khôn sẽ làm được tất cả, sử dụng trí khôn con người biến vật chất thành phương tiện.
 Hoặc hiểu theo nghĩa thứ hai, hành giả dùng bản tâm thanh tịnh kết hợp sự vật dưới dạng bản thể để khởi lên hiện tượng. Pháp thân Bồ tát ở dạng thể đến Ta bà, dùng tâm chuyển vật mà hình thành một sắc thân y như người Ta bà để sống với họ, gọi là ứng hóa thọ sanh thân.
Bồ tát biến hóa theo tia sáng bay đến nước Chúng Hương đảnh lễ Phật và nói đúng lời Duy Ma dặn, không khác. Ðọc đến đây chúng ta dễ lạc vào con đường thần thoại. Ðiểm này theo kiến giải của giáo sư Nomura, ngày xưa có thể hiểu và giải thích dưới dạng thần quyền như vậy. Ngày nay là thời đại khoa học kỹ thuật, nếu hiểu theo tinh thần hiện đại dễ chấp nhận hơn.
Ðối với ông, một hóa Bồ tát do Duy Ma tập trung tư tưởng biến hóa ra và lập y lời Duy Ma khiến ông có cảm giác như đó là một người máy robot do con người tạo nên. Người máy làm việc thế cho ta và chỉ có người máy hay nói khác máy điện tử ghi nhận mới lập y lời, không khác. Người thật chỉ lập lại đúng ý, không thể y lời được.
Cũng vậy, Duy Ma tập trung tư tưởng vào Thiền định để khám phá ra một cái gì khả dĩ thay cho sức người. Ở đây được diễn tả dưới hình thức Duy Ma đưa hóa Bồ tát lên nước Chúng Hương và làm cho chúng hội cùng thấy được nước Chúng Hương.
Phát huy thần lực của Bồ tát bằng cách theo ánh sáng bay lên hư không. Hiểu theo khoa học tương tự như sự vận chuyển bằng làn sóng điện có khả năng chuyển tải phổ cập đến mọi nơi đồng nhau, không khác.
Bồ tát ở thế giới Chúng Hương nghe tên thế giới Ta bà khởi tâm muốn xuống xem thử Ta bà thế nào. Và Phật Hương Tích dặn các Ngài xuống Ta bà phải nhớ đừng hiện thân y như nước Chúng Hương và đừng tỏa mùi hương. Muốn tồn tại thích nghi với chúng sanh Ta bà, các Ngài cũng phải thu hình lại, mang thân tứ đại hữu hạn như người ở Ta bà.
 Hành Bồ tát đạo chúng ta phải ghi nhớ lời Phật Hương Tích dạy cũng đồng nghĩa với lời đức Thích Ca dạy chúng ta tu đồng sự nhiếp trong tứ nhiếp pháp. Bước chân giáo hóa đến nơi nào, ta phải sống y như mọi người, hài hòa với họ. Vì sống khác biệt dễ tạo thế đối lập, khó an toàn giải thoát.
Thế giới Ta bà được giới thiệu cho Bồ tát ở thế giới Chúng Hương và ngược lại cảnh giới Chúng Hương được mở rộng cho Bồ tát Ta bà. Ðiều này gợi cho chúng ta ý niệm mỗi Ðức Phật hiện thân sinh hoạt trong một môi trường khác nhau, nên sự giáo hóa hành đạo tất nhiên phải khác nhau. Hai chúng Bồ tát của Ta bà và Chúng Hương gặp gỡ nhau mới làm sáng tỏ được pháp môn bất nhị.
Khi hóa Bồ tát đã lãnh bát cơm xong cùng với 900 vạn Bồ tát thừa thần lực của Phật và của Duy Ma trong khoảnh khắc về đến nhà Duy Ma. Lúc ấy Duy Ma Cật hóa ra 900 vạn tòa sư tử cho các Bồ tát ngồi.
Nếu hình dung nhà Duy Ma với một diện tích hữu hạn, làm thế nào dung chứa được trăm vạn tòa sư tử cho các Bồ tát. Ðiểm này đối với người có thế giới quan do tu chứng, dễ cảm nhận. Hoặc người có đời sống tâm linh mới hiểu được cái không cùng tận, vô giới hạn. Ngược lại, đứng trên lãnh vực của đời sống hiện thực rất giới hạn, khó thâm nhập cảnh giới tâm chứng này.
Thật vậy, thế giới tâm linh tuy nhỏ, nhưng nhiếp thu bao trọn được vật lớn. Cả vũ trụ nằm gọn trong đơn vị nhỏ nhất là tri thức, thì không còn gì mà nó không dung chứa được. Vì  tri thức của chúng ta mở rộng đến đâu, muôn vật theo đó tự hiện.
Mọi diễn biến do thần lực Bồ tát phát huy tạo thành cảnh giới bất tư nghì. Hiểu theo thời đại ngày nay, tương tự như tất cả hình ảnh của một thành phố Matcơva hoặc cả trái đất hay mặt trăng thu gọn vào một cái vô hình qua vệ tinh viễn thông, lại chui gọn vào Tivi dễ dàng.
Tôi cảm nghĩ nó tương tự như thế giới bao la của ta trong Thiền định. Trong vệ tinh, chúng ta không biết thế nào, nhưng nó mang hình ảnh cả thế giới hay hành tinh đưa vào làn sóng điện nhỏ đưa thẳng về đây cho chúng ta thấy. Và thế giới được khuếch đại rộng lớn tùy theo màn ảnh Tivi, màn ảnh Tivi của chúng ta 12 inches, chúng ta có thế giới rộng 12 inches, màn ảnh 21 inches thế giới biến thành 21 inches v.v...
Tác động tinh thần của chúng ta cũng vậy và có phần linh hoạt gấp bội lần. Duy Ma thể hiện được tác động tinh thần này gọi là phát huy thần lực, tạo thành cảnh giới bất tư nghì, một cảnh giới chỉ hiện ra cho những vị Bồ tát nào đã thể nghiệm sự tâm chứng. Tùy trình độ tu chứng của Bồ tát mà cảnh giới chư Phật mười phương mở ra hay khép lại, giống như có Tivi hình mới hiện.
Sau khi mang chúng hội vào thế giới hiện thực Ta bà, Duy Ma hỏi các Bồ tát của thế giới Chúng Hương rằng Phật Hương Tích giáo hóa chúng sanh như thế nào ?
Các Ngài trả lời thật đơn giản : Tâm những người ở thế giới Chúng Hương thuần thiện, không làm việc ác, không phạm sai lầm. Tùy độ cảm giữa Bồ tát và Phật mà đắc đạo, chỉ ngồi gốc cây nghe mùi hương tỏa ra cũng được giải thoát.
 Câu trả lời của Bồ tát Hương Tích gợi nhắc chúng ta nhớ lại hình ảnh Phật Thích Ca xưa kia thành đạo dưới cây bồ đề. Bồ đề là trí giác, nghĩa là hành giả sống trong ánh sáng chân lý của Phật. An trú trong pháp Phật cảm nhận mùi hương lạ, hương đạo hạnh, hương trí tuệ, hương giải thoát của Ngài. Hành giả thưởng thức mùi hương đó hay sống với pháp Phật lâu ngày được giải thoát.
Ðức Phật Hương Tích không cần giáo hóa bằng ngôn ngữ. Mọi người tự thăng hoa theo trình độ tu chứng của Bồ tát đạo. Nói cách khác, Phật Thích Ca Niết bàn không thuyết pháp. Nhưng hành giả thâm nhập Thiền định, tìm ra vô số ý nghĩa của Phật Pháp thân thường trú.
Bồ tát Chúng Hương học được với Phật Pháp thân, cảm được tác động của Pháp thân Phật mà giải thoát. Ðiểm này cũng dễ hiểu khi chúng ta thấy trên thế giới ngày nay tùy từng nơi có cách giáo dục khác nhau. Ở thế giới văn minh có hình thức giáo dưỡng theo văn minh. Ở nước lạc hậu, phương cách giáo dục tất nhiên có phần yếu kém.
Và Bồ tát của thế giới Chúng Hương hỏi lại Duy Ma ở Ta bà, Ðức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh như thế nào ?
 Duy Ma trả lời ở Ta bà, đối với chúng sanh ngang ngược bướng bỉnh, Phật Thích Ca phải nói rõ mọi tội lỗi và hình phạt quả báo tương ưng, nhằm chặn đứng tâm ác của họ.
Các Bồ tát này cảm thấy kinh ngạc với các pháp môn không giải thoát mà các Ngài chưa hề nghe. Vì ở thế giới Chúng Hương thuần thiện, nhờ ảnh hưởng mùi hương ngộ đạo, tên tội ác và địa ngục còn không có, huống là có tội ác thật. Ðức Phật Hương Tích giáo hóa không giống Phật Thích Ca. Ngài lặng thinh tác động cho chúng nhân thể nhập chân lý. Trong khi Phật Thích Ca phải đi, phải nói, phải ngăn, nghĩa là dùng mọi phương cách để điều phục chúng Ta bà.
 Từ điểm khác biệt này, Phật Thích Ca khai mở cho chúng ta hình dung thế giới thánh thiện chỉ đạo cho thế giới xấu ác. Ngài thuyết minh rằng thế giới Ta bà có sáu đường sanh tử, không phải có một đường duy nhất tiến đến Phật đạo. Bồ tát ở nước Phật Hương Tích, Pháp thân tiến triển lần, không cần trải qua sáu đường sanh tử như ở Ta bà.
Quá trình Phật Thích Ca thuyết pháp trong tứ sanh lục đạo gợi chúng ta ý nghĩ tìm Pháp thân thường trú trong cuộc sống thực tế hay từ tầm thường này vượt lên thành phi thường là Phật và từ phi thường trở lại giáo hóa chúng sanh.
Ðức Phật đưa ra sáu mẫu sống ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, Trời, người, để chúng ta tự chọn. Ðó là phương cách Phật giáo hóa chúng sanh, không làm mất lòng chúng sanh. Ngài đưa ra mô hình sống, làm theo hay không là quyền của họ, không phải quyền của Ngài.
Ngày nay, trên bước đường hành đạo của người xuất gia hoặc Phật tử giáo dục con cái cũng vậy, chúng ta cần lưu tâm điều này. Chúng ta hết lòng dạy, nó không nghe. Cứ để nó phạm tội, rơi vô địa ngục, mới ăn năn phát tâm. Ðức Phật cũng xác định có những chúng sanh phải để cho đọa địa ngục mới giáo hóa được. Khi chúng quyết tâm sửa đổi, chúng ta mới cứu được. Kinh Pháp Hoa gọi đó là những đứa con mất bản tâm, không chịu uống thuốc đại lương dược, nhằm chỉ cho pháp Phật giáo hóa trong tứ sanh lục đạo.
 Bồ tát Chúng Hương nghe ớn xương sống, nhưng chúng ta nghe bình thường, chẳng ngán sợ gì. Duy Ma cho biết chúng sanh thế giới Ta bà cang cường, Bồ tát Chúng Hương sợ muốn bỏ về liền, ngầm chỉ các vị La hán đắc đạo muốn nhập Niết bàn theo Phật. Phật đâu con đó, vì ở đây nguy hiểm quá.
Bồ tát Chúng Hương hay La hán sống trong pháp Phật cảm thấy an lành bao nhiêu, ra đời phiền lụy bấy nhiêu. Các vị này vội vàng từ giã Ta bà trở về trụ xứ gấp. Duy Ma dạy các Ngài hãy ở lại đây, tuy khó nhưng tu một ngày bằng ở thế giới Chúng Hương tu vô số kiếp.
 Theo Duy Ma, ở Ta bà mới có điều kiện cho hành giả tu sáu pháp ba la mật, đạt cứu cánh Vô thượng đẳng giác.
Thật vậy, ở thế giới Chúng Hương, không có ai nghèo dốt, dở để chúng ta tu pháp bố thí. Họ chỉ nghe mùi hương đắc đạo. Các Bồ tát đó giỏi hơn mình, làm sao thuyết pháp dạy họ, trong lúc ở Ta bà vô số người cần chúng ta.
Riêng tôi, có lúc muốn về Hương Tích ở, nhưng suy nghĩ thấy không tìm được việc làm nào nơi đó, ở đây dù dở cũng làm được.
 Ðối với pháp tu trì giới để độ phá giới, trên cuộc đời có bao nhiêu điều xấu cám dỗ, chúng ta mới luyện được tâm thanh tịnh, sống với nhiễm ô tội lỗi mà vẫn trong sạch. Người không tiếp xúc cuộc đời khi bước vào đời thành dở dở ương ương; nên Phật dạy Niết bàn của A la hán là hóa thành tạm thời, ở đó muôn đời làm Thanh văn sống nhờ Phật Hương Tích. Ngược lại, ở Ta bà tạo dựng Niết bàn, thành Phật là Niết bàn thật.
Về pháp tu tinh tấn, ở Ta bà có nhiều việc cho chúng ta làm. Nếu thật tâm tu hành muốn tạo công đức, ai cũng có khả năng làm, dù dở. Lên Hương Tích, ta có bằng ai mà làm.
 Pháp tu nhẫn nhục cũng vậy. Chúng sanh cang cường, chúng ta mới nhẫn nhục. Ở Hương Tích, chẳng ai gây, ai làm phiền để nhẫn.
 Bước khởi đầu, chúng ta tập luyện tánh không nghe, không thấy để bớt khổ tâm. Luyện quen tánh này, chúng ta trở lại sống trong thế giới chúng sanh hung dữ kỳ khôi, tiếp xúc sinh hoạt với nó mới thấy rõ mình còn nhiều nhược điểm. Cứ như thế chúng ta đi tới, khắc phục lần cũng tốt. Ðạt đến nhẫn nhục ba la mật, tâm hồn hoàn toàn không giao động. Chúng sanh có xô, chúng ta cũng không ngã, không lùi lại. Tâm vững vàng kiên cố y như  Duy Ma mới thành tựu pháp Thiền định.
 Ðó là ý nghĩa tu hành ở thế giới Ta bà được công đức vô lượng. Duy Ma cho biết Ngài từ nước Diệu Hỷ qua Ta bà để thành tựu sáu pháp ba la mật.
Duy Ma đem cơm Hương Tích từ thế giới Chúng Hương về thế giới Ta bà. Ðiều này cho chúng ta suy nghĩ thế giới Chúng Hương ở đâu và Ðức Phật Hương Tích là ai? Có phải là thế giới thật và Phật thật hay không ?
Theo tôi, Ðức Phật Hương Tích không phải là một vị Phật nào khác lạ đối với chúng ta. Ngài chính là Phật Thích Ca được hình thành dưới một dạng khác. Và thế giới của Phật Hương Tích là thế giới Ta bà, hai thế giới này thông với nhau thành một cảnh.
Thật vậy, cùng một Ðức Phật nhưng sinh hoạt giáo hóa trong hai cảnh giới, xuất hiện dưới hai dạng thân khác nhau. Ðức Phật Hương Tích giáo hóa dưới dạng Pháp thân ở thế giới giải thoát Niết bàn tịch diệt phi diệt. Tuy không còn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng ảnh hưởng của Ngài đối với từng thế hệ nối tiếp đến ngày nay vẫn còn tác động thật sâu rộng. Và một Ðức Phật Thích Ca sinh hoạt với tư cách một sanh thân tứ đại của con người Ta bà hiện hữu trên nhân gian, mang lợi lạc an vui cho chúng hữu tình.
Hành trình của Duy Ma từ thế giới Ta bà bay bổng về thế giới Chúng Hương xin cơm, mở ra cho chúng ta quan sát hai thế giới riêng biệt. Ngài dẫn chúng ta từ thế giới Ta bà khổ đau đi vào thế giới không khổ đau. Và từ cảnh giới không khổ đau là cốt lõi của Duy Ma hội nhập trở lại đời sống khổ đau.
Hay đó là hình ảnh Ðức Phật Thích Ca kiên trì lặn lội giáo hóa dọc sông Hằng, tích lũy đầy đủ công đức trở thành Phật Hương Tích. Và từ chánh báo là Phật Hương Tích tạo thành y báo mang tên thế giới Chúng Hương, một thế giới chứa nhóm tất cả mùi hương và chỉ giáo hóa bằng mùi hương.
Mùi hương này không phải là hương trần bên ngoài cảm nhận được bằng khứu giác. Hương này thuộc năm phần tâm hương gồm giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Ðức Phật thường ca ngợi loại tâm hương có khả năng bay ngược gió, một thứ hương mà tất cả người tu hành đều tìm cầu. Tìm được hương này, chúng ta hội ngộ Ðức Phật Hương Tích hay diện kiến được Báo Thân viên mãn của Phật Thích Ca.
Trong năm phần tâm hương mà Ðức Phật để lại trọn vẹn cho chúng ta, trước nhất là hương giới đức hay sự trong sạch thuần khiết của Ngài từ tâm hồn cho đến những việc làm đạo đức.
Dõi theo việc làm cao quý của Phật lưu lại cho đời, chúng ta thấy những hành vi thánh thiện này đã kết thành hương đạo đức đốt lên từ Ấn Ðộ. Hương tỏa ra khắp mọi nơi và bay đến Việt Nam, tạo thành một sự chỉ đạo tốt đẹp hài hòa với tình yêu quê hương dân tộc.
Ngày nay, khi mang danh đệ tử Phật, nhưng không thể hiện được hương giới đức lợi lạc cho đời, chúng ta có cảm thấy hổ thẹn chăng ?
Trang bị đầy đủ định hương và huệ hương, Ðức Phật Thích Ca giáo hóa mọi nơi, nhưng không có gì có thể làm giao động Ngài. Ở mọi hoàn cảnh, ta đều thấy Ngài toát ra hương giải thoát, từ suy tư, lời nói cho đến việc làm đều thanh cao giải thoát. Cuối cùng, Ngài đạt đến giải thoát tri kiến hương, mọi vấn đề không còn tồn đọng trong óc, trong tâm Ngài.
Năm phần tâm hương tiêu biểu cho sự thành tựu trên nhân gian mà Phật Thích Ca tích lũy được. Từ một Ðức Phật Năng Nhân đổi thành Ðức Phật chứa nhóm muôn vàn công đức. Và chính việc làm kiểu mẫu, lợi lạc cho chúng hữu tình còn lưu lại đến ngày nay, mới tạo thành thường trú Pháp thân Phật tồn tại mãi với chúng sanh ở Ta bà.
Tương tự như vậy, năm phần tâm hương của Duy Ma đốt lên tại thế giới Ta bà, hiện thành năm phần Pháp thân thường trú ở thế gian thuyết pháp. Hương giới đức của Duy Ma tỏa ra cho thành Tỳ Da Ly, không ai không kính phục. Bấy giờ, Duy Ma thể hiện định hương và huệ hương bằng cách tập trung cao độ, nhìn thấy chân lý, hiểu biết vượt bình thường là hiểu biết về Ðức Phật Hương Tích và thế giới Chúng Hương.
 Chúng nghĩa là tất cả, hương là năm phần tâm hương triển khai thành tất cả gì tốt đẹp trên cuộc đời. Thành tựu mọi an vui lợi lạc cho đời, Duy Ma vẫn an trụ giải thoát. Ngài không vướng mắc sở tri chướng nào, thể hiện giải thoát tri kiến hương.
Năm phần tâm hương mà Duy Ma đốt lên ở Ta bà hay cốt lõi chánh pháp của Ðức Phật mà Ngài rút ra mang cho chúng ta, giúp chúng ta thấy pháp mình học và cốt lõi khác nhau.
Pháp chúng ta học trên ngôn ngữ văn tự, trong khi cốt lõi lìa ngữ ngôn, gọi là Thiền ngữ. Người tu chấp ngôn ngữ, không bao giờ giải thoát. Vì thế Thiền tông chủ trương tìm về trực cảm giữa hành giả và Phật, truyền thừa qua tâm. Tâm hành giả thông với tâm Phật quá khứ, biến quá khứ và hiện tại nhập làm một.
Thiền tông tìm cốt tủy đạo Phật thể hiện vào cuộc sống con người. Kinh Duy Ma diễn tả bằng hình ảnh mang bát cơm từ Phật Hương Tích về Ta bà. Thâm nhập Thiền, cảm được Phật quá khứ, thấy được lẽ sống của Phật. Và từ Thiền định mang tinh ba đó trở lại cuộc đời, trang trải cho mọi người, không bao giờ hết hay cơm Hương Tích ăn không hết.
Quan sát cơm Phật, chúng ta thấy gì ? Ðức Phật không để lại cho đệ tử tài sản nào. Người đời thì để lại đủ thứ của cải, sự nghiệp cho con cháu.
Phật Niết bàn như chim bay lưng trời không để lại dấu vết. Ngài bình thản rời thế gian, chẳng để lại chút gì, nhưng sự thật những gì Ngài đã tặng cho đời, quả thật là quá lớn. Người xuất gia theo Phật chỉ có một bát ba y.
Bát Phật truyền cho đệ tử là cái bát không, không có cơm, khi thọ giới chúng ta nhận cái bát không. Nhưng từ thời Phật đến nay, trải qua mấy ngàn năm, không có vị Tăng nào đói. Rõ ràng chúng ta thấy cơm Phật nhằm chỉ cho cốt tủy của giáo pháp Phật.
Chư Tăng theo đúng cốt tủy Phật dạy, tu hành phát tâm Ðại thừa thì một người ăn, vô số người ăn cho đến nhiều thế hệ về sau không ăn hết.
 Tuy nhiên, thực tế có những nhà sư đói rách, chúng ta cần xét xem tại sao như vậy. Theo Duy Ma, vì chưa phát tâm Ðại thừa nên ăn cơm Phật vô, bụng chướng lên. Nghĩa là mặc áo Phật, mang hình tướng đệ tử Phật, nhưng đức hạnh và trí tuệ không giống Phật. Tâm hồn nhỏ hẹp ăn cơm Ðại thừa vô, nứt bụng chết, pháp này tự hại ta.
 Duy Ma nhắc Xá Lợi Phất hay nhắc chúng ta muốn ăn cơm Hương Tích phải phát tâm Ðại thừa. Tôi lúc mới xuất gia, rất sợ điều này. Vì xuất gia thọ giới là ăn cơm Hương Tích, tu lơ mơ coi chừng chết. Khi ăn cơm Phật, mặc áo Phật, chúng ta tầm thường hèn mọn, làm cho người khinh chê ghét bỏ; chúng ta tự chết thôi.
Tôi ý thức sâu sắc pháp này, chứng nghiệm nó trên bước đường tu. Khi chưa phát tâm Ðại thừa, chưa hết lòng hiến trọn thân cho đạo, chưa quyết tâm đạt Vô thượng đẳng giác, còn nghĩ đến quyền lợi, tôi gặp nhiều vấn đề khó khăn. Ðối với tôi, điều mong cầu cứ tránh xa, điều không thích cứ bám chặt. Tôi thấy rõ ăn cơm Phật không dễ. Trải qua thời gian dài, tôi bệnh liên miên.
Tuy nhiên, đến khi tỉnh ngộ, hiểu được kinh Duy Ma, thay đổi tâm mình, bắt đầu phát tâm Ðại thừa thì cuộc sống của tôi hoàn toàn đổi khác. Ý thức được khi đi tu mạng sống mình thuộc Phật pháp, thuộc đại chúng. Ðại chúng quyết định điều gì, mình làm điều đó, Phật pháp muốn gì ta làm theo, không tiếc thân mạng. Từ đó tôi khỏe lần, ít bệnh, dù làm việc nhiều hơn. Ðó là sự thật trong cuộc đời tu của tôi. Tôi tự nghĩ không biết tại sao mình đạt được thành quả như vậy.
 Ðạo hạnh theo quá trình tu tự lớn dần, trong kinh diễn tả rằng ăn cơm Hương Tích lỗ chân lông có mùi hương, nhằm diễn tả suy nghĩ, việc làm của chúng ta đúng với cốt lõi của Phật dạy là vấn đề quan trọng của người xuất gia. Nếu không thâm nhập tinh ba Phật pháp, ăn cơm này, chúng ta khổ, vì bị xã hội gán cho tiếng ăn bám.
 Ngoài bát của Phật, người xuất gia còn có y là mảnh vải vá. Nhưng từ thời Phật tại thế đến nay, có bao nhiêu người tu chân chánh, cũng không bao giờ thiếu y. Thiếu vì không phát tâm Ðại thừa, không làm đúng di chúc Phật, không đến với Phật xin cơm ăn. Chỉ ăn cơm trần thế lâu ngày thành lú lẫn. Thiền tông khơi dậy ý này để chúng ta tỏa rộng sức sống đạo pháp trên cuộc đời.
Cơm dư của Phật Hương Tích, Duy Ma sai hóa Bồ tát xin về cho đại chúng ăn vẫn không hết. Phật Hương Tích tiêu biểu cho Pháp thân Phật Thích Ca. Năm phần Pháp thân hay tất cả những việc làm cao thượng của Phật trên cuộc đời và tam tạng kinh điển lưu truyền tiêu biểu cho cơm thừa.
_ Cơm Hương Tích đượm mùi Thiền vị. Bản tâm thanh tịnh mới thể nhập được Thiền vị. Duy Ma là mẫu người thể hiện trọn vẹn bản tâm thanh tịnh, chỉ có Duy Ma mới lấy được cơm Hương Tích. Cơm này chứa pháp vị lạ thường. Một người ăn no rồi cho người khác ăn cũng no và phát triển Pháp thân họ. Có bao nhiêu người ăn một bát cơm cũng không hết. Ðiển hình như Duy Ma tận hưởng được cơm Thiền, tu đắc đạo và tỏa ra ảnh hưởng cho đại chúng ở thành Tỳ Da Ly. Họ tiếp nhận đều đạt giải thoát.
Thực tế cho thấy từ khi Phật Niết bàn, giáo pháp Ngài để lại được từng thế hệ tiếp thu. Mọi người thăng hoa, giải thoát, ra khỏi nhà lửa sanh tử mà mỗi ngày bát cơm Hương Tích không bị vơi sụt. Bát cơm ấy lại càng lớn rộng thêm, luôn luôn cung cấp đầy đủ cho người cầu đạo.
Riêng tôi, trên bước đường hành đạo, tuy gặp thật nhiều chông gai khó khăn, vẫn an lành nhờ hưởng chút hương thừa của Ðức Phật, ân triêm pháp nhũ làm chất đề hồ tươi nhuận cho giới thân huệ mạng của mình. Ðó là phần cảm nhận của riêng tôi. Còn mỗi người tùy theo sự tâm chứng riêng, tiến thẳng lên thế giới Chúng Hương. Quý vị tự lấy hương công đức về trang nghiêm thân tâm, tinh tấn dũng mãnh bước theo con đường của Ðức Phật đi, làm lợi ích cho chúng hữu tình.

--- o0o ---
Phẩm 1>>2>>3>>4>>5>>6>>7>>8>>9>>10>>11>>12>>13>>14
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com