Home » , , » Lược giải Kinh Duy Ma Cật - Phẩm 5

Lược giải Kinh Duy Ma Cật - Phẩm 5

Written By Triệu Hoàng Tình - Chuyên gia nhân hiệu on Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012 | 03:58


Lược Gii  Kinh Duy Ma
Dịch-giả HT Thích Trí Quảng

PL. 2543 – 1999
---o0o---

Mục Lục


PHẨM 5
VĂN THÙ SƯ LỢI THĂM BỆNH

I. LƯỢC VĂN KINH
Ðức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi đến thăm bệnh Duy Ma. Văn Thù bạch Phật : “Bạch Thế Tôn, bực thượng nhân kia khó bề đối đáp. Vì ông ấy thâm đạt thật tướng, trí tuệ vô ngại, biện tài thông suốt, thâm nhập kho tạng bí mật của chư Phật, thần thông tự tại, v.v... Tuy thế, con xin vâng lời Phật dạy đến thăm bệnh ông”.
Lúc ấy, trong đại chúng, các hàng Bồ tát và đại đệ tử, Ðế Thích, Phạm Thiên đều nghĩ rằng hôm nay Văn Thù và Duy Ma sẽ nói pháp mầu. Tức thời 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn và trăm ngàn Thiên nhân, đều muốn đi theo.



Văn Thù cùng đại chúng đi vào thành Tỳ Da Ly. Lúc ấy, trưởng giả Duy Ma Cật thầm nghĩ rằng Văn Thù và đại chúng sắp đến viếng thăm. Ngài liền dùng sức thần thông làm cho nhà trống rỗng, không có vật gì cũng không có thị giả. Chỉ có một chiếc giường để Ngài nằm.
Khi Văn Thù vào nhà, Duy Ma chào rằng : “Ngài Văn Thù mới đến, tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy”.
Văn Thù trả lời : “Phải đấy, nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi. Vì sao ? Ðến không từ đâu đến, đi không đến nơi đâu. Hễ có thấy tức là không thấy. Thôi việc ấy hãy để đó. Cư sĩ bệnh có chịu nổi không ? Bệnh có bớt không ? Thế Tôn ân cần hỏi thăm Ngài. Bệnh của cư sĩ do đâu mà sanh, sanh đã bao lâu, phải thế nào mới mạnh”
Duy Ma đáp : “Từ nơi si mà có ái, bệnh tôi sanh. Vì chúng sanh bệnh, nên tôi bệnh. Nếu chúng sanh không bệnh, thì bệnh tôi lành. Vì sao ?
“ Bồ tát vì chúng sanh mà vào đường sanh tử. Hễ có sanh tử thì có bệnh. Nếu chúng sanh khỏi bệnh, Bồ tát không có bệnh. Ví như trưởng giả chỉ có một người con. Khi người con bệnh, thì cha mẹ cũng bệnh. Nếu bệnh của con lành, cha mẹ cũng mạnh. Bồ tát cũng thế đối với chúng sanh, thương mến như con, nên chúng sanh bệnh, Bồ tát bệnh. Bồ tát có bệnh là do lòng đại bi”.
Văn Thù Sư Lợi hỏi : “Nhà này vì sao trống không và không có thị giả ?”.
Duy Ma đáp : “Cõi nước của chư Phật đều KHÔNG”
- Lấy gì làm KHÔNG ?
- Lấy KHÔNG làm KHÔNG.
- Ðã KHÔNG cần gì phải KHÔNG ?
- Vì không phân biệt, nên KHÔNG.
- KHÔNG phải tìm nơi đâu ?
- Phải tìm trong 62 kiến chấp.
- 62 kiến chấp phải tìm nơi đâu ?
- Phải tìm trong các pháp giải thoát của chư Phật.
- Pháp giải thoát của chư Phật tìm nơi đâu ?
- Phải tìm nơi tâm hạnh của tất cả chúng sanh.
Ngài lại hỏi “Vì sao không có thị giả ?”. Duy Ma đáp “Tất cả chúng ma và ngoại đạo đều là thị giả của tôi”.
Văn Thù hỏi : “Bệnh của cư sĩ tướng trạng thế nào ?”. Duy Ma đáp : “Bệnh của tôi không hình, không tướng, không thể thấy”.
- Bệnh ấy hiệp với thân hay tâm ?
- Không hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa. Không hiệp với tâm, vì tâm như huyễn.
- Ðịa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại, trong bốn đại bệnh thuộc về đại nào ?
- Bệnh không phải bốn đại ấy, cũng không lìa bốn đại ấy. Bệnh của chúng sanh từ tứ đại mà khởi, vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh.
Văn Thù hỏi tiếp Duy Ma : “Bồ tát không bệnh an ủi Bồ tát có bệnh thế nào ?”.
Duy Ma đáp : “Nói thân vô thường, nhưng không nhàm chán thân. Nói thân khổ, nhưng không thích Niết bàn. Nói thân vô ngã, nhưng khuyên dìu dắt chúng sanh. Nói thân không tịch, nhưng đừng tịch diệt. Lấy bệnh mình mà thương bệnh người. Phải biết cái khổ vô số kiếp trước. Phải nghĩ sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, v.v...”
Văn Thù hỏi : “Bồ tát có bệnh phải điều phục tâm mình như thế nào ?”.
Duy Ma đáp : “Bồ tát có bệnh phải nghĩ rằng bệnh đều từ phiền não, điên đảo vọng tưởng đời trước sanh ra, là pháp không thật có, lấy ai chịu bệnh đó. Vì sao ? Vì tứ đại hòa hợp giả gọi là thân. Tứ đại không chủ, thân cũng không ngã. Lại nữa, bệnh này khởi ra do chấp ngã. Nên nghĩ rằng thân này do các pháp hiệp thành v.v...
“Bồ tát có bệnh nên nghĩ thêm rằng bệnh của ta không phải thật, không phải có. Bệnh của chúng sanh cũng vậy.
”Khi quán sát như thế, đối với chúng sanh, nếu có khởi lòng đại bi ái kiến, thì phải bỏ ngay. Vì sao ? Bồ tát phải dứt trừ khách trần phiền não mà khởi đại bi. Còn đại bi ái kiến đối với sanh tử có tâm nhàm chán. Nếu lìa được ái kiến, thì không có tâm nhàm chán. Sanh ra nơi nào, không bị ái kiến che đậy, không còn bị sự ràng buộc. Lại nói pháp cởi mở sự ràng buộc cho chúng sanh.
“Vì thế Bồ tát không nên khởi những sự ràng buộc. Sao gọi là ràng buộc ? Sao gọi là giải thoát ? Tham đắm nơi Thiền vị là Bồ tát bị ràng buộc. Dùng phương tiện thọ sanh là Bồ tát được giải thoát. Không có phương tiện huệ thì buộc. Có phương tiện huệ thì giải.
“Sao gọi là không có phương tiện huệ thì buộc? Bồ tát dùng ái kiến trang nghiêm Phật độ thành tựu chúng sanh. Ở trong pháp KHÔNG, vô tướng, vô tác mà điều phục lấy mình, đó là không có phương tiện huệ thì buộc.  Bồ tát trụ nơi phiền não, tham dục, sân hận, tà kiến v.v... mà trồng các cội công đức, hồi hướng Vô thượng chánh đẳng giác, đó là không có huệ phương tiện thì buộc.
Sao gọi là có huệ phương tiện thì giải ? Bồ tát không dùng ái kiến trang nghiêm Phật độ, thành tựu chúng sanh. Ở trong pháp KHÔNG, vô tướng, vô tác mà điều phục lấy mình, không nhàm chán mệt mỏi, đó là có phương tiện huệ thì giải. Bồ Tát lìa phiền não, tham dục, sân hận, tà kiến v.v... mà vun trồng các cội công đức, hồi hướng Vô thượng chánh đẳng giác, đó là có huệ phương tiện thì giải.
Ngài Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát có bệnh phải quán sát các pháp như thế. Ngoài ra, quán thân vô thường, khổ, không, vô ngã, đó là huệ. Dù thân có bệnh, vẫn ở trong sanh tử làm lợi ích cho chúng sanh không nhàm mỏi, đó là phương tiện.
Cũng quán thân không rời bệnh, bệnh chẳng rời thân. Bệnh này, thân này không phải mới, không phải cũ, đó là huệ. Dù thân có bệnh mà không nhàm chán trọn diệt độ, đó là phương tiện v.v...
Ngài Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát có bệnh nên điều phục tâm mình như thế. Bồ tát không nên trụ nơi tâm điều phục hay không điều phục. Lìa hai pháp ấy là hạnh Bồ tát.
 Ở trong sanh tử mà không bị nhiễm ô, ở nơi Niết bàn mà không diệt độ, là hạnh Bồ tát. Không phải hạnh phàm phu, không phải hạnh Hiền Thánh là hạnh Bồ tát. Không phải hạnh nhơ, không phải hạnh sạch là hạnh Bồ tát.
 Quán mười hai duyên khởi mà vào các tà kiến, nhiếp độ chúng sanh mà không mê đắm chấp trước, tuy quán KHÔNG mà gieo trồng các cội công đức,  là hạnh Bồ Tát.
Dù thực hành vô tướng mà cứu độ chúng sanh, dù thực hành vô tác mà quyền hiện thọ thân là hạnh Bồ tát. Dù thực hành sáu pháp ba la mật mà biết khắp các tâm, tâm sở của chúng sanh là hạnh Bồ tát.
Dù thực hành bảy pháp giác chi mà phân biệt rõ rệt trí tuệ của Phật là hạnh Bồ tát. Dù thực hành tám pháp chánh đạo mà ưa tu vô lượng Phật đạo là hạnh Bồ tát. Dù tùy theo tướng hoàn toàn thanh tịnh của các pháp mà ứng hiện thân là hạnh Bồ tát. Dù chứng được quả Phật, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn mà không bỏ đạo Bồ tát là hạnh Bồ tát v.v...
Khi Duy Ma Cật nói xong, đại chúng đi theo Ngài Văn Thù Sư Lợi, trong đó có 8.000 vị Thiên tử đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng giác.

II. GIẢI THÍCH
Kinh Duy Ma tiêu biểu cho sự kết hợp giữa lý trí thực tiễn và sinh hoạt tôn giáo gọi là bất nhị pháp môn. Nhờ đó, ứng dụng giáo lý Phật vào cuộc đời, không hề chống trái. Ðó là mô hình trí thức tín ngưỡng rất quan trọng. Thật vậy, chúng ta không thể hoàn toàn thuần suy lý. Ý này trong kinh Pháp Hoa gọi là tín giải.
Kinh Duy Ma mở đầu với kiến giải rằng nhờ có hiểu biết, sanh ra niềm tin. Và từ niềm tin tác dụng cho sự phát triển hiểu biết. Tu dưới dạng này được xem như bước trên con đường Pháp Hoa.
Theo tôi, kinh Duy Ma thuộc một trong ngũ chủng Pháp Hoa hay là một dạng khác của kinh Pháp Hoa.
Chúng ta quan sát, thấy có ba hạng người. Hạng thứ nhất tuy thông thạo giáo lý, nhưng không có niềm tin, không có cuộc sống giải thoát như họ thường giảng dạy. Phật ví họ như người có mắt vào Bảo sở, nhưng không có tay, nên không lấy được của báu. Nghĩa là giáo pháp không tươi nhuận cho cuộc sống, họ không hưởng được chút Phật pháp nào cả.
Hạng người thứ hai thuộc loại tu mò, có niềm tin mà không có tri thức. Giống như người có tay mà không có mắt, vào bảo sở, mò mẫm, bốc trúng cái nào, lấy cái đó. Ý này tiêu biểu cho Bồ tát tu hành có sở đắc riêng, bằng niềm tin thấy đạo và chỉ hưởng được hương vị giải thoát theo sở đắc của mình. Vì vậy đắc đạo, đắc pháp của tam thừa không giống nhau.
Hạng thứ ba vừa có mắt vừa có tay, tùy ý lựa chọn của báu trong Bảo sở, tiêu biểu cho hàng Bồ tát vô sở đắc hay Bồ tát của kinh Duy Ma vừa có niềm tin vừa có trí tuệ.
 Kinh Duy Ma tuần tự triển khai cho chúng ta thấy sự kết hợp khéo léo, đầy đủ giữa tri thức và đạo đức của Bồ tát vô sở đắc.
Từ phẩm 1 đến phẩm 4 giới thiệu bối cảnh có  Phật và đệ tử Ngài là Thanh văn và Bồ tát. Thanh văn và Bồ tát được xếp vô phương tiện hay quyền thừa. Các tông phái tranh luận về vấn đề này và đưa đến hai lập trường trái ngược nhau.
Theo Ngài Từ AÂn, tam thừa là thật, nhất thừa là quyền. Ngược lại, Trí Giả cho nhất thừa là thật, tam thừa là quyền.
Kinh Duy Ma xác định Thanh văn và Bồ tát sở đắc thuộc tam thừa giáo, đều không đạt được chân lý, chỉ hiểu được một phần, nên việc làm còn giới hạn.
Vì vậy, đến phẩm này, Văn Thù Sư Lợi đăng tràng để chỉ ý nghĩa Bồ tát vô sở đắc hay nhất thừa tiêu biểu cho hiểu biết toàn diện. Từ đây mới ứng dụng giáo lý vào đời có kết quả, mới giải quyết được vấn đề bệnh hay nghiệp chúng sanh. Ðó là vấn đề tồn đọng bức thiết, nằm ngoài tầm tay của chúng tam thừa.
Thanh văn hướng về giải thoát, ly trần. Bồ tát sở đắc của tam thừa tuy vào đời, nhưng việc rắc rối của cuộc đời không giải quyết được.
 Duy Ma tiêu biểu cho cuộc đời. Hay nói chung, chúng sanh, chúng sanh nghiệp, và chúng sanh phiền não là ba việc tồn tại phải giải quyết xong mới đưa người tới cứu cánh Niết bàn. Các phương thuốc Phật trao cho Thanh văn và Bồ tát trong tam thừa mà họ đã từng sử dụng có kết quả, đắc đạo và giải tỏa nghi ngờ, khai ngộ cho chúng sanh.
 Nhưng đối với bệnh của Duy Ma là bệnh trầm kha, họ phải chịu thua. Ðiều này gợi cho hành giả ý thức rằng có việc chúng ta làm được, có việc không làm nổi. Có người độ được, nhưng có người ta nói một lời họ cũng không nghe.
Pháp tam thừa của Phật khai ra ở đây tiêu biểu bằng 1.200 La hán và các Bồ tát quyền thừa. Nói rõ hơn, 14 vị đệ tử được Phật sai đến thăm Duy Ma (4 Bồ tát và 10 Thanh văn) chạm trán với Duy Ma phải chấp nhận sự thất bại. Ðiều này nhằm ám chỉ giáo lý Phật để lại, chúng ta vận dụng vào đời không có kết quả. Trên bước đường hoằng truyền chánh pháp, phải vấp ngã nhiều lần, vì hiểu biết của chúng ta còn quá non kém.
 Con số 1.200 gợi chúng ta liên tưởng đến 12 xứ (6 căn, 6 trần) kết hợp với 100 pháp (10 giới x 10 như thị), 100 pháp x 12 = 1.200 là nhận thức của A la hán về các pháp trên cuộc đời.
 Ðối với những người sử dụng căn trần sẽ có 1.200 La hán tương ưng giáo hóa. Mỗi vị giáo hóa một cách trong phạm vi chuyên môn của mình đều hạng nhất.
 Nhưng những vị này không chữa được bệnh của Duy Ma vì bệnh Duy Ma quá nặng. Theo Ngài Long Thọ,ï phải dùng chất độc mới cứu được. Các Thanh văn và Bồ tát tam thừa không có loại thuốc này.
Sử dụng chất độc nghĩa là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế của Long Thọ Bồ tát. Vấn đề này chúng ta thường hay sai lầm, khi phân chia các pháp làm hai phần rõ rệt : Niết bàn và sanh tử.
 Ðiều này dễ khi chia trắng ra trắng, đen ra đen. Nhưng ở Trung đạo, đen cũng là trắng, mà trắng cũng là đen. Nói cách khác, hành giả phải giải thoát ngay trong sanh tử  là vấn đề không đơn giản.
Thật vậy, khởi tu, nghe nói pháp của Bồ tát mau thành tựu quả vị Phật, ai cũng ham thích. Nhưng khi va chạm thực tế cuộc đời, không tự giải quyết được, đành bỏ cuộc. Theo pháp môn bất nhị hay Phật thừa, nhất thừa phải giải thoát ngay trên cuộc đời.
 Chúng Thanh văn, Bồ tát trong tam thừa không làm nổi. Vì các Ngài một chân bước vào sanh tử, một chân vướng ở Niết bàn. Bồ tát tam thừa tự hành hóa tha là Bồ tát nhỏ, chưa liễu thoát, đi vào trần thế không được.
 Chỉ có Bồ tát nhất thừa dạo chơi trong sanh tử tự tại. Vì các Ngài đứng ở lập trường vô trước vô phược, không trước sanh tử, không trụ Niết bàn, hoàn toàn giải thoát. Niết bàn và sanh tử đối với các Ngài là một.
Ðức Phật lựa 10 đệ tử đại diện 1.200 La hán tiêu biểu cho căn trần tiếp xúc, để giải quyết những việc thực tế của con người, thì Thanh văn làm được.
Nhưng đòi hỏi của Duy Ma không phải ở điểm căn trần chấp đối. Hay nói cách khác, giáo lý Tiểu thừa không giải quyết được, giáo lý quyền Ðại thừa cũng không giải quyết được. Chỉ có giáo lý thật Ðại thừa mới có tác dụng.
Giáo lý Tiểu thừa sử dụng trong thời chánh pháp, người nghe chấp nhận. Ðiều này tương đối không khó.
Tiến lên giáo lý quyền Ðại thừa trong thời tượng pháp, khi chúng sanh lòng hay thay đổi và mất niềm tin, thì phải dùng mọi cách lý luận cho họ chấp nhận là thời A Tỳ Ðạt Ma có các bộ phái ra đời. Tuy nhiên nó chỉ có giá trị ở thời đó.
Và đến giáo lý thuần Ðại thừa trong thời mạt pháp thuộc thời đại văn minh. Nhiều người học cao, lý luận vững, bảo họ cúi đầu tin nghe không thể được. Ðến đây đòi hỏi người sử dụng thuốc phải có tài, vì sai một chút là chết.
Theo Trung đạo đệ nhất nghĩa đế của Long Thọ Bồ tát phải giải thoát ngay trên cuộc đời. Ðó là liều thuốc công phạt bệnh hiểm nghèo hay nhất trong thời mạt pháp vậy.
 Sự thật lịch sử đã chứng minh điều này. Phật giáo Ðại thừa ở Nhật Bản hay Việt Nam với các nhà sư dấn thân xả kỷ, tạo cho các Ngài phong cách giải thoát. Giải thoát trong danh dự, không phải giải thoát bằng cách trốn nghĩa vụ. Các Ngài làm lợi lạc cho đời hưởng, nhưng ai dám phủ nhận Vạn Hạnh, Trần Nhân Tôn không giải thoát.
Chính những vị này phất ngọn cờ Ðại thừa đầu tiên cho Phật giáo. Không có đôi tay và khối óc của các Ngài đóng góp hữu ích cho đất nước, Phật giáo chúng ta không có ngày nay.
Vì vậy, người làm được công việc kết hợp đạo và đời dung thông, không dễ tìm. Ở thời mạt pháp chỉ cần có một người xứng đáng một người, như pháp sư Ngô Chân Lưu ở thời Ðinh hay Vạn Hạnh ở thời Lý. Và trong kinh Duy Ma chỉ có Văn Thù mới giải quyết việc mà người thường làm không nổi.
Duy Ma khởi niệm Phật không thương xót ông bệnh, thì Phật liền biết. Và Văn Thù nhận lời Phật dạy đến thăm Duy Ma, Duy Ma cũng liền biết. Nghĩa là khi hành giả đau khổ, với lòng chí thành hướng về Phật cầu nguyện, Phật chứng biết. Và Ngài cho người đến giải nghiệp và phiền não, trưởng dưỡng bồ đề tâm cho hành giả.
 Ðó là kinh nghiệm tu hành của tôi, gặp vấn đề nan giải, cảm thấy không vượt qua được. Tôi nhất tâm cầu nguyện, thì bất ngờ có thiện tri thức và minh sư đến với tôi, giải quyết mọi việc nhẹ nhàng. Tôi cảm nghĩ như Phật sai Bồ tát trợ duyên cho tôi làm đạo.
Trên bước đường tu hành, tôi gặp thiện tri thức cả hai mặt tốt và xấu. Ðối với người tốt, tôi cám ơn đã đành. Nhưng đối với người xấu ác, tôi thầm cám ơn nhiều hơn, chính nhờ họ mà tôi thấy đạo.
Nghịch cảnh xảy ra, hãy kiểm tâm xem ta sanh khởi niệm gì, tham sân si phiền não còn không. Lúc gặp thuận duyên, chúng ta có khởi tâm kiêu mạn hay không.
 Ðời tôi thường gặp nghịch cảnh nhiều, nên tôi giàu kinh nghiệm trên bước đường tu. Người đến, ta nhìn mặt, nghe giọng nói, thấy dáng đi, biết họ thuộc hạng nào. Thủ đoạn của cuộc đời, chúng ta thấy biết, vì đã có gặp rồi. Ðối với tôi, nghịch cảnh là duyên mà Ðức Phật bố trí để tạo điều kiện cho tôi làm đạo, trưởng thành trong thế giới Ta bà. Nếu không được như vậy, chắc chắn chúng sanh sẽ quay ta, không còn lối thoát.
 Khi lòng thành được Phật chứng minh và gia hộ, chỉ có ta biết. Tôi có cảm giác Ðức Phật ví như đài truyền hình và Bồ tát hành đạo giống như máy truyền hình. Từ làn sóng điện của đài chuyển hình về Tivi, chỗ nào có Tivi chỗ đó có hình.
Việc tu hành của chúng ta cũng vậy. Khi bồ đề tâm hướng về Phật, tùy niềm tin đối với Phật, chúng ta nhận được cảm ứng riêng. Ðó là sự liên hệ vô hình, nhưng thật sâu xa mật thiết, khó diễn tả bằng ngôn ngữ.
Chúng ta tự chứng biết, đừng nói cho người khác. Vì nói ra, họ cũng không biết và không làm được. Chỉ bạch với Thầy của chúng ta để được ấn chứng, như Ðạt Ma ấn chứng cho Thần Quang, Hoằng Nhẫn ấn chứng cho Huệ Năng, là hai người tự biết tự thông với nhau mà thôi.
Trên bước đường tu hành, cố gắng phát triển mối liên hệ sâu xa giữa ta và Phật. Còn chuyện hơn thua bàn tán chung quanh, xin đừng quan tâm.
Bốn phẩm đầu của kinh dọn đường để chúng ta bước vào phẩm chính, tham dự cuộc đối thoại giữa Văn Thù và Duy Ma.
Ở phẩm 1 và 2, Phật dạy đệ tử nên sống và làm thế nào để hình thành Tịnh độ của Bồ tát. Trụ ở Tịnh độ được an lành và trở lại thực tế cuộc đời, sống không an, là câu hỏi đặt ra cho hành giả. Vì sống không dính líu cuộc đời, không phải đệ tử Phật. Nhưng vào đời làm mất bản tâm, cũng không được. Tâm hành giả phải luôn an trú giải thoát ở Tịnh độ. Dù góp mặt với đời, làm mọi việc, nhưng tâm vẫn không giao động. Phải nhớ dấn thân vào đời cứu khổ chúng sanh là phương tiện và thường trú chân thân mới thực là cứu cánh của hành giả.
Phẩm 3 nói về chúng xuất gia nhận thức Tịnh độ sai lầm, chỉ thuần đóng vai thú tịch Thanh văn. Phẩm 4 chỉ rõ chúng Bồ tát tại gia và xuất gia sử dụng phương tiện sai lầm.
 Sau khi phê phán sai lầm của Thanh văn và Bồ tát, tất yếu phải mở cánh cửa đúng cho mọi người đi vào, bằng cách giới thiệu hai nhân vật Văn Thù và Duy Ma. Cả hai vị này thể hiện mô hình hành đạo đúng pháp ở Ta bà.
 Văn Thù tiêu biểu cho đại trí hay ngũ trí nghiêm thân. Ðối với thế gian trí, chúng sanh nghĩ thế nào, muốn gì, Văn Thù cũng bắt gặp để đối trị. Nói chung, trần gian có bao nhiêu bệnh trạng, Văn Thù đều chữa lành.
Ðối với trí Thanh văn giải thoát trong Thiền định, Văn Thù cũng ứng theo đó dạy họ. Cho đến trí của Bích chi Phật, của Bồ tát, của Như Lai, Văn Thù đều thông đạt. Vì vậy trong kinh Pháp Hoa xác định Văn Thù tuy là Bồ tát, nhưng từng làm thầy ba đời các Ðức Phật. Nghĩa là Phật quá khứ, Phật mười phương, Phật vị lai đều do phát triển trí tuệ, thành nhất thiết chủng trí đạt đến quả vị Phật.
 Bồ tát Văn Thù là nhân vật tiêu biểu cho trí tuệ, hoàn toàn vô hình, không phải người thật. Nói cách khác, Văn Thù chính là trí tuệ của đức Thích Tôn.
Phật nhập diệt, nhưng trí của Ngài để lại, giáo đoàn sử dụng rời rạc, méo mó, không có kết quả. Phải mượn hình ảnh Văn Thù để nói lên thật trí của Phật toàn thiện, toàn bích mới giải quyết được khó khăn gút mắc tồn tại.
Dưới mắt Văn Thù, Ngài đã thấy rõ hoạt động của Duy Ma, thấy rõ Duy Ma là người ai cũng nể sợ, khó bề đối đáp với ông. Với ngũ trí nghiêm thân, Ngài quan sát năm trường hợp Duy Ma hành động đều xuất sắc.
 Về phương diện thế gian, Duy Ma nhận thức trên tất cả. Ở mặt suy lý, tức lý giải của Thanh văn, ông cũng trội hơn. Và đối với Bích chi Phật, ông cũng vượt hẳn. So với việc làm của Bồ tát, ông cũng đầy đủ hơn. Sau cùng, Văn Thù quán sát thế giới Phật cũng thấy Duy Ma hiện hữu ở đó.
Nói chung, năm loại thế giới phàm phu, hay  qua năm chặng đường tu hành, Duy Ma đều không phạm một sai lầm nào, dù là rất nhỏ. Làm thế nào chỉ trích Duy Ma được. Ðiều này nhắc chúng ta mỗi khi bắt tay vào việc, phải suy nghĩ rồi hãy hành động.
Văn Thù là hiện thân của trí tuệ chín chắn, suy nghĩ, quán sát tất cả việc làm của Duy Ma không có kẽ hở để phê phán. Nhưng Ngài phụng mệnh sự ủy thác của Phật, đến vấn an Duy Ma. Ðiểm này quan trọng, gợi cho chúng ta nhận thức hai ý.
Ý thứ nhất, việc khó, nhưng Phật ra lịnh, chúng ta không từ chối. Nghĩa là nương Phật huệ mà hiện hữu trên cuộc đời, sẽ không cảm thấy sợ,ï vì Phật phải có trách nhiệm bảo hộ.
Ý thứ hai cao hơn, Phật mang ý nghĩa sáng suốt. Ðứng ở lập trường sáng suốt giác ngộ hay nương vào trí tuệ đến với đời, hiện hữu bất cứ nơi nào tùy nghi giải quyết, đều thành công.
Ðứng lập trường Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát như 14 đệ tử tiêu biểu không dám đến thăm Duy Ma. Nghĩa là từ khước xuất hiện trên cuộc đời, để nói lên vấn đề tu hành sống với công thức sẽ thất bại, vì lịch sử không bao giờ tái diễn giống nhau.
Vì vậy, nương tuệ giác Phật vào đời, tuy gặp nhiều khó khăn hay 84 ngàn phiền não trần lao, hành giả dùng tuệ giác rọi vô từng phiền não trần lao, biết rõ nó và vận dụng được, nên không sợ.
Bồ tát vào đời giáo hóa chúng sanh giải quyết mọi gút mắc, phải luôn luôn trang bị tuệ giác. Rời tuệ giác, tu Bồ tát đạo trở thành Bồ tát có trước có phược, bị ràng buộc đủ cách, khó vượt khỏi lưới ma. Vì công thức có sẵn, ai cũng biết thì ma dư biết, thừa sức để phá. Bồ tát phải biết rõ những gì người không biết, mới hành đạo bình ổn ở Ta bà.
Văn Thù tin tưởng sự hiểu biết của Ngài kết hợp với hiểu biết của Duy Ma, sẽ mang lại lợi ích cho chúng hội đạo tràng trên bước đường tu. Ngài không khởi tâm hơn thua đến để thắng Duy Ma hay Duy Ma sẽ thắng Ngài. Không ai thắng ai trong sự phô diễn đối đáp này.
Sự thật  Văn Thù và Duy Ma tiêu biểu cho hai mẫu người đã đạt tới bản tâm thanh tịnh và trí tuệ tuyệt luân, khỏi cần phải nói. Nói thì bất giác vô minh nổi lên, ý thức bắt đầu sanh ra, rớt qua sanh tử, không còn đúng nữa.
Văn Thù gặp Duy Ma trên chân lý. Ðáng lẽ không còn gì để nói, phải kết thúc bộ kinh Duy Ma ở đây. Nhưng thực tế khi Văn Thù nhận lời thăm bệnh Duy Ma, 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn, trăm ngàn thiên, nhân liền đi theo. Họ nghĩ rằng hai Bồ tát thượng thủ sắp gặp nhau, chắc chắn vấn đề chân lý sẽ diễn ra.
 Vì những người đi theo mà Văn Thù phải nói.  Vì vậy, từ phẩm 6 trở đi, tôi xác định Văn Thù không thật nói cho Duy Ma. Ngài thật nói cho hàng Thanh văn, Bồ tát, trời người đi theo nghe. Cũng có nghĩa là Văn Thù và Duy Ma đối đáp tạo thành cảnh, giúp cho đại chúng hiểu về Ðức Phật, nhận thức về chân lý của Ngài.
Văn Thù là bậc đại trí, nhưng chúng ta đọc từ đây về sau, hầu hết Văn Thù hỏi và Duy Ma trả lời. Lúc nhỏ, tôi thắc mắc Văn Thù thăm Duy Ma.Văn Thù hỏi và Duy Ma trả lời thông suốt thì Duy Ma còn cần gì Văn Thù nữa.
 Văn Thù mà phải hỏi Duy Ma và Duy Ma lại trả lời trôi chảy cho Văn Thù làm tôi cảm thấy hơi buồn, vì nghĩ rằng giới xuất gia thua người tại gia. Tuy nhiên lớn lên, hiểu lý kinh, tôi thấy thương cả Văn Thù và Duy Ma.
 Hai Ngài là biểu tượng cho chúng ta quan sát. Không có hai Ngài, chúng ta mãi đi theo lối mòn cũ. Phật giáo phát triển cũng nhờ sự tồn tại của chân đế và tục đế để chúng ta quan sát và phát triển tư duy.
Tôi suy nghĩ thấy Văn Thù hỏi, Duy Ma trả lời mới thật hay và đúng nghĩa. Thật vậy, đạo Bồ tát lấy hạnh làm chính. Nghĩa là chúng ta phải hiểu pháp qua hành động. Nếu chỉ hiểu ở mặt suy lý thuộc về triết lý suông, không lợi ích gì.
Hiểu cuộc đời qua hành động, tiêu biểu bằng nhân vật Duy Ma là con người sống thật. Còn Văn Thù là trí chỉ gợi lên phương hướng. Nương theo trí mà hành động, chúng ta mới hiểu thật.
Vì vậy, Văn Thù đến gợi ý và Duy Ma tự trả lời. Hay giáo pháp mà Phật đưa cho chúng ta là trí. Nương theo giáo lý để vận dụng vào cuộc sống là chúng ta tự trả lời. Không ai trả lời thế.
 Giáo lý chung, nhưng mọi người tùy thực tiễn tu hành trả lời khác nhau. Ở đây mượn Duy Ma trả lời cho phù hợp giáo lý. Hay có thể hiểu Phật là Ðạo sư, còn đến Bảo sở hay không tùy ở ta ứng dụng giáo lý đúng hay sai. Vì vậy, đệ tử Phật bình đẳng trên chân lý, trong khi thực tế lại khác, có người đắc La hán, có người ở Niết bàn, có người tăng thượng mạn.
Văn Thù thăm Duy Ma, đặt vấn đề cho Duy Ma giải thích. Duy Ma là người sống thật, ông phải trả lời phương cách tiếp thu, vận dụng, sống với giáo lý như thế nào. Văn Thù không nói thay Duy Ma được.
Ðể Văn Thù gợi ý, Duy Ma trả lời, nhằm mục đích lý giải cho Tỳ kheo, Bồ tát, chư Thiên hiểu được. Còn hai vị này đứng trên lập trường giải thoát của Bồ tát để tạo điều kiện cho mọi người ý thức về chân lý hay hướng về chân lý, nói lên chân lý của Phật Thích Ca chỉ tìm thấy được ngay trên cuộc đời này.
Duy Ma tiêu biểu cho tịnh tâm, nên Văn Thù chưa đến mà ông đã cảm nhận được. Ông dọn tất cả đồ dạc trong phòng, dời mọi người đi, chỉ còn lại phòng trống không.
Duy Ma đang bệnh mà dọn phòng trống được. Nếu hiểu đơn giản  theo văn kinh như vậy, thật thà quá. Phần lớn kinh Ðại thừa đưa ra câu chuyện gì đều hàm chứa ẩn ý bên trong. Chúng ta cần suy nghĩ sâu xa hơn.
Theo tôi, nếu có ông già bệnh cần dọn phòng trống, chờ Văn Thù đến. Tôi có cảm giác ông già này không bệnh chút nào. Nếu nói bệnh, đây là thị hiện bệnh tức đóng kịch, giả bệnh, không phải thật. Ðối với người thật thà, cần thấy Duy Ma bệnh, nên Duy Ma hiện bệnh.
 Tuy nhiên, dưới mắt Văn Thù và Như Lai, Duy Ma không hề bệnh. Ngài khỏe lắm, về sau chúng ta sẽ thấy trong phẩm kế, Duy Ma khuân tòa sư tử từ thế giới Tu Di Tướng đem về phòng Ngài được.
 Duy Ma muốn bệnh là bệnh. Vấn đề này trong cuộc sống tu hành của tôi cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Khi có người mời tôi làm việc gì, tôi thấy không nên làm, không muốn làm, tôi cáo bệnh. Nói bệnh thì mặt tôi tự xanh ra. Bệnh này tự tạo nên, cần bệnh thì bệnh.
Từ điểm này, tôi hiểu thêm vấn đề thị hiện của Bồ tát Quan AÂm. Ngài đóng đến 32 vai trên cuộc đời, hành đạo hoàn toàn tự tại.
 Khi Phật tại thế có 92 thứ đạo tranh chấp, nhân tâm ly tán. Ðó là bệnh của con người, bệnh của xã hội. Ðức Phật tiêu biểu cho vị đại lương y, biết rõ căn bệnh trầm trọng của mọi người. Ngài chỉ cho họ thấy sai lầm dẫn đến đau khổ và đưa ra con đường giải thoát. Người có nhân duyên nghe theo tu hành, đều hết bệnh.
 Riêng chúng ta ngày nay, trên bước đường tu, nhận được hộ niệm của Phật mà kinh diễn tả là Duy Ma được Văn Thù đến thăm tự nhiên hết bệnh.
Cuộc đời tu của tôi có nhiều lúc bệnh tưởng không qua khỏi. Nhưng đột nhiên, thoạt nhận được lực vô hình, tôi cảm thấy mạnh từ thể xác đến tinh thần một cách kỳ diệu. Kết quả này giúp tôi thấu hiểu hơn về ý nghĩa Phật là đại lương y hộ niệm chữa bệnh cho chúng ta.
 Tuy nhiên, nếu vấn đề này hiểu theo quan niệm thông thường là nhờ ý chí chúng ta cao, nên quên bệnh quên khổ. Theo tôi, không phải chỉ có ý chí một chiều. Ý chí cao chưa đủ, nếu không có đối tượng để nâng ý chí lên.
Cùng tột đau khổ phải có đối tượng để vươn lên,  nghĩa là ý chí chúng ta hướng về Phật, sẽ bắt gặp tình thương bao la của Ngài tỏa xuống, tạo thành sự tương giao tăng thêm sức sống cho chúng ta tu hành, vượt khó khăn.
Khi Văn Thù khởi niệm thăm Duy Ma, phòng Duy Ma thành trống không. Duy Ma làm phòng trống hay phòng Ngài bỗng nhiên trống ? Hai vấn đề này chúng ta không hiểu được cái nào đúng. Vì không có bản dịch chính chữ Phạn. Tuy nhiên, đó là hai việc quan trọng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Theo tôi, người nào bước vào thế giới tâm linh tu hành, dễ cảm nhận vấn đề này hơn. Thật vậy, có những việc thành tựu, cho rằng nhờ chúng ta làm, thì không đúng. Nhưng nói tự nhiên chứng, cũng không đúng. Thí dụ như có người suốt cuộc đời cố gắng diệt phiền não. Càng nỗ lực tu, phiền não càng phát triển, công phu tu quả thật mờ mịt. Bỗng nhiên một hôm, nhìn thấy hoa rơi hoát nhiên đại ngộ. Nếu nhớ nghĩ lại gia công tu của mình trước kia, thật quá vô lý.
Thiền triệt để khai thác “Cái bỗng nhiên được” hay hoát nhiên đại ngộ, mà kinh diễn tả là tự nhiên phòng trống.
 Ðối với tôi, vấn đề này được hiểu dưới dạng hoàn toàn khác. Duy Ma không làm phòng trống được, cũng không phải tự nhiên phòng trống. Cần nhớ rằng căn bản Phật dạy là mọi việc trên cuộc đời không nằm ngoài lý nhân duyên. Thấy rõ nhân duyên là thấy pháp. Không phải tự nhiên cũng không phải gia công. Nhưng bỏ gia công, cái tự nhiên cũng không có. Quan trọng ở điểm nhân duyên.
 Nhân duyên hội ngộ là trí Văn Thù gặp bản tâm thanh tịnh Duy Ma, thì phiền não trần lao đột nhiên rơi rụng, diễn tả bằng hình ảnh phòng Duy Ma trống trơn.
 Ngoài ra, nhà Duy Ma trống rỗng, không có vật gì, cũng có thể lý giải rằng theo Văn Thù có năm loại thế giới, thì Duy Ma an trụ thế giới tâm của Bồ tát vô sở đắc. Vì Duy Ma là tâm. Khi để tâm nghĩ đến vật thì nó tồn tại, có đủ. Nhưng nhiếp tâm loại bỏ, tất cả sẽ trở thành KHÔNG hoàn toàn.
Một Thiền sư diễn tả thế giới này bằng câu :
            “Có thời có tự mảy lông.
            Không thì cả thế gian này đều không”.
Ðối với người ham ưa năm món dục, Duy Ma hiện làm người giàu có, thông minh, đức hạnh làm biểu tượng cho họ phấn đấu phát triển. Nhưng khi muốn phá tâm sở đắc của Bồ tát, Duy Ma phải hiện KHÔNG.
Duy Ma mở đầu với Văn Thù bằng câu : Văn Thù Sư Lợi mới đến. Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy. Nghĩa là đến dưới dạng Bát Nhã, thấy dưới dạng Bát Nhã. Không đến và không thấy dưới dạng căn trần thức.
 Khi tâm đạt đến trạng thái KHÔNG của Bát Nhã quán sát được chân tánh không có sai biệt, Phật và chúng sanh đồng một thể :
“Từ chơn tánh chúng sanh là một
Suốt tam thừa chư Phật chẳng hai
Ấy từ bổn nguyện nguyên khai
Huyền KHÔNG về tại lòng người lắng an”
Thật vậy, Văn Thù là tuệ giác. Ngài không phải là vật hữu hình, nên không thể thấy Văn Thù bằng tướng đến. Tuệ giác chúng ta đột nhiên sanh, chúng ta không thấy nó từ đâu đến, nhưng có nó. Ðó là trạng thái tu chứng hay trí tuệ phát sanh. Kinh cụ thể bằng hành động Văn Thù đến thăm Duy Ma. Tuy nhiên, sợ chúng ta lầm Văn Thù và Duy Ma là con người thật đến thăm nhau, nên nhắc chúng ta không có tướng đến mà đến.
Văn Thù và Duy Ma thăm nhau để diễn tả bản tâm thanh tịnh và tuệ giác vô thượng nhập lại, hình thành một Ðức Phật đắc đạo trên cuộc đời. Giữa tâm thanh tịnh và trí sáng suốt gặp nhau bất tức bất ly. Vì trí không phải là tâm, nhưng trí cũng không rời tâm mà có. Vì vậy, nói tướng không đến mà đến.
Trên bước đường tu, Duy Ma nhắc chúng ta đừng suy nghĩ kỹ, sẽ tìm trí không được. Suy nghĩ nhiều chỉ đưa ta đến vọng thức, vì suy nghĩ phát hiện của chúng ta không có đối tượng. Nó phát xuất từ A lại da thức, khiến chúng ta rơi vô ảo giác.
Tâm thanh tịnh và trí sáng suốt, cả hai không có đến và đi, được Ngài Trí Giả ví như trăng thật không chìm đáy nước và nước cũng không lên trăng. Cảm ứng đạo giao giữa ta và Phật, hay tâm chơn như bừng sáng, trí tuệ phát sanh, ví như mặt nước phẳng lặng thì bóng trăng hiện vào.
 Ðến đây kinh Duy Ma mở ra cho chúng ta ý niệm về Ðức Phật siêu hình. Ngài hoàn toàn siêu hình, nhưng không rời thực tế. Vì Ngài đã thể hiện trọn vẹn bằng việc làm lợi lạc chúng hữu tình trong 80 năm trụ thế.
Ngoài ra, nói “có đến, có đi”, thì khi nói thời gian trôi qua, ý nghĩa theo đó cũng không còn. Vì thế, tướng đến và đi không tồn tại. Những điều chúng ta suy nghĩ tiếp tục trôi như dòng thác về quá khứ, không tồn tại. Tuy nhiên, trên thực tế, Duy Ma và Văn Thù vẫn hiện hữu. Các Ngài tồn tại trong cái không tồn tại. Do đó, không có gặp mà thật là gặp, vì tất cả pháp đều tồn tại trong nhân duyên sanh diệt. Văn Thù và Duy Ma đều sống trong lẽ sống này, nên các Ngài hiểu rõ.
 Chúng sanh tuy cũng đang hiện hữu trong thật pháp như vậy, nhưng vì chấp vào ngôn từ, vướng mắc trong vọng tưởng điên đảo, không hiểu được chân thật của cuộc sống. Cái tồn tại đáng sống thì chúng ta đánh mất. Vì thế, chúng ta tưởng tượng để sống thì quá vô lý. Và hàng Thanh văn an trú pháp Không suông, lại càng vô lý hơn.
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Ý này được Duy Ma diễn tả với Văn Thù trên lập trường Bát Nhã : Như Lai hiện hữu, tồn tại trong cái không tồn tại. Cũng vậy, Duy Ma và Văn Thù hiện hữu miên viễn, tồn tại trong thực hữu gọi là Chơn không Diệu hữu.
Ðối với các pháp, Bồ tát thấy Không, tức thấy nó không thật có. Bồ tát Thanh Lương Nguyệt thường dạo chơi trong “cái Không”, hay nói khác, Ngài làm mọi việc, mà chẳng hề bị dính mắc chút nào, vì nó giống như trò chơi, không có thật. Sự hành đạo nhẹ nhàng, thanh thản của Bồ tát khiến cho người được thanh thản, nên thường ví lực của Bồ tát như ánh sáng mát dịu của mặt trăng
Pháp KHÔNG của Bồ tát, “Không tướng gặp mà gặp, không tướng đến mà đến”, mở ra thế giới vô hình cho chúng ta suy gẫm.
Về phần vật chất có đến và đi. Nhưng trên thực tế cuộc đời có nhiều người không đến, chúng ta vẫn cảm thấy như họ ở bên cạnh đối thoại với chúng ta. Trái lại, có người kề cận, chúng ta vẫn không thấy hiện hữu của họ. Nói cách khác, hành động và suy tư giống nhau thì không gần cũng thân thiện.
 Thật vậy, khi hành giả lắng yên tâm hồn, hình dung công hạnh của Bồ tát, đức độ của Như Lai và sống với hạnh đức ấy là hành giả đang gặp gỡ các Ngài trong tâm linh. Ðặc biệt Diệu hữu của Chơn không là “Chúng sanh tâm cấu tịnh, Bồ tát ảnh hiện trung”. Nghĩa là tâm chúng sanh thanh tịnh hay nhiễm ô đều có Bồ tát hiện hữu, tuy không thấy được nhưng là thật hữu. Trí tuệ của Ðức Phật cho đến ngày nay vẫn là kim chỉ nam soi đường cho chúng ta qua hơn 2.000 năm cũng chính là nằm trong lý này, lý “không có mà có”.
Chúng sanh thường quan niệm phải có dưới hình thức này hay hình thức kia, nhưng họ vẫn thất bại khổ đau đời đời. Trong khi Bồ tát thấy được chân thật tướng các pháp, nên lúc nào cũng thấy chính xác, thấy như thật, dẫn đến làm cũng đúng như thật là Như Lai.
Như Lai nghĩa là như như bất động. Bản chất tồn tại thật hữu này không thay đổi. Bước sang tinh thần Pháp Hoa gọi là thế gian tướng thường trụ, nghĩa là bao giờ còn con người, thì đạo Phật còn ở thế gian. Pháp đó ảnh hiện vào thế gian tướng để thành một vị  Phật trên cuộc đời.
Trước khi Văn Thù đến thăm Duy Ma, nhà Duy Ma có đủ thứ. Ðiều này tiêu biểu cho sự sinh hoạt của chúng ta trên cuộc đời. Với sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra biết bao mê lầm chấp trước.
Nhưng đến khi Văn Thù bằng lòng tới thăm Duy Ma, nhà Duy Ma hoàn toàn trống không. Nghĩa là tia sáng từ tâm ta bừng lên hoát nhiên đại ngộ. Trong lòng tự sáng ra, mà Phật thường ví mặt trời mọc bóng tối tự tan. Và Thiền sư Việt Nam diễn tả ý này bằng câu
       Tâm địa nhược không huệ nhật tự chiếu.
Ðiểm này chịu ảnh hưởng của kinh Duy Ma. Sự gặp gỡ giữa Văn Thù và Duy Ma nói lên yếu chỉ của Thiền, ánh sáng trí tuệ bừng lên, bóng tối vô minh liền tan biến.
Nhà trống không và không có người tiêu biểu cho ánh sáng trí tuệ rọi vào tâm, nghiệp và phiền não liền dứt sạch. Bấy giờ, tâm Duy Ma trống là tâm chấp trước không còn. Bản tâm hoàn toàn thanh tịnh thì ngã và ngã sở làm gì có. Nếu có nhà cửa, đồ vật và người thân là vì có nghiệp. Nhìn dưới dạng bản tâm thanh tịnh, thì những liên hệ này tuyệt nhiên không còn. Ðiều này dễ cảm nhận đối với người tu.
Có những phút giây, tâm chúng ta hướng về Phật một cách mãnh liệt, mọi trần duyên tự dứt. Niềm tin và độ cảm của hành giả nghĩ về Phật quá cao, nên nhận được Phật huệ rọi xuống hay ánh sáng Văn Thù chiếu đến.
 Hành giả tiếp nhận trí Văn Thù và thể hiện trí ấy trong công việc. Sự nghiệp, quyền lợi, hay ngoại cảnh không còn dính líu gì đến hành giả. Hay đó là căn phòng trống không.
Ý nghĩa KHÔNG này không thể hiểu theo nghĩa thông thường là có hay không trong tương đối pháp. Cũng không phải KHÔNG trong tuyệt đối pháp.
Tại sao KHÔNG ? Vì tự nhiên KHÔNG vậy. Trên thực tế tu hành, ta đạt giải thoát, tự nhiên đạt đến trạng thái KHÔNG. Hành giả không phải cắt đứt một cái gì để được KHÔNG. Vì nếu “còn cắt để được”, hành giả còn ở trong vòng đối đãi của pháp tương đối.
 Trên thực tế nhà Duy Ma có trống không hay không là công việc của nhà khảo cứu lịch sử. Triết lý KHÔNG ở đây nhằm chỉ cho bản tâm thanh tịnh.
Nhờ ánh sáng Văn Thù rọi vào tâm hay gặp minh sư, phiền não nhiễm ô tự mất. Lúc ấy, nhà cửa đất đai sự nghiệp chỉ là những gì ràng buộc hành giả trên cuộc đời. Vì vậy, hành giả không còn có ý niệm chấp trước, nhưng phước lạc vẫn thường nhiên.
Duy Ma buông tất cả, nhưng không mất mát gì. Duy Ma vẫn là Duy Ma. Lòng ham muốn không còn, mà sự vật vẫn tồn tại, vẫn an vui hạnh phúc.
Trí Giả ví ngũ ấm như ngôi nhà. Nhà ngũ ấm bao che chúng ta suốt ngàn năm làm chúng ta mờ mịt trong sanh tử. Cuộc sống chúng ta luẩn quẩn trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nó giam hãm chúng ta với nhận thức không bao giờ rời nổi đối tượng chung quanh.
Nhà Duy Ma ở là ngôi nhà ngũ uẩn đó. Nhưng Văn Thù đến thăm hay trí tuệ bừng lên, nhà tối ngàn năm tự sáng. Ngài nhìn thấy rõ tất cả hiện tượng trong trời đất nói chung, trong ngũ ấm nói riêng.
Tâm Duy Ma thanh tịnh tiếp nhận trí Văn Thù rọi đến, nhà Duy Ma đột nhiên biến thành KHÔNG, thọ tưởng hành thức không còn tác dụng Ngài. Tâm Duy Ma bây giờ đang tiếp cận chân lý bắt gặp trí Văn Thù. Tâm và trí kết hợp với nhau, tạo thành nhà ngũ uẩn của Duy Ma trống không, tức ý thức trần gian hoàn toàn buông bỏ.
 Duy Ma nhờ tuệ giác Văn Thù rọi xuống, ngũ uẩn tan mất, phiền não trần lao không còn. Và biến ngũ uẩn hữu lậu của Duy Ma thành ngũ uẩn vô lậu hay năm phần Pháp thân : giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Năm phần Pháp thân ấy làm lợi ích chúng hữu tình. Giải thoát mà không lợi ích cho đời không phải là giải thoát theo Phật.
 Ðứng trên lập trường trí Văn Thù hay Bát Nhã ba la mật nhìn trở lại thân ngũ uẩn, thấy ngũ uẩn giai KHÔNG. Nghĩa là ngũ uẩn tan mất, không còn. Ngũ uẩn là bóng tối, nhưng mặt trời huệ rọi đến, bóng tối tự mất; mặt trời lặn bóng tối hiện ra. Chúng ta thấy có mất, có hiện. Nhưng cả hai : bóng tối và ánh sáng ở dạng thể không có mất và hiện. Ánh sáng và bóng tối đồng một thể.
Vì vậy, thân ngũ uẩn giống nhau, nhưng tùy cách sử dụng sanh ra lợi hay hại. Người có trí tuệ sử dụng Bát Nhã hay được tuệ giác Phật soi rọi, nhận được ngũ uẩn là KHÔNG, thấy cái thực, cái không thực. Từ đó, tâm không còn tham vọng, khổ ách cũng tiêu tan. Ngược lại, sử dụng vô minh thì ngũ uẩn sẽ ràng buộc chúng ta không cùng.
Kinh Bát Nhã dạy “Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Ý này được kinh Duy Ma diễn tả đơn giản là Văn Thù đến, nhà Duy Ma thành trống không. Tâm người ngộ phải đạt đến trạng thái KHÔNG này thì sự vật trên cuộc đời  diễn tiến khác lạ. Những điều hành giả tưởng khó giải quyết, lại được tự động giải quyết tốt đẹp ngoài sức mình. Ðó là Bát Nhã giải quyết, là ý nghĩa hiện thân của Văn Thù trên cuộc đời.
Trở lại lịch sử của Ðức Phật để chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của KHÔNG, hay tinh thần mặt trời mọc bóng tối tự tan.
Khi chưa thành Phật, trí tuệ chưa rọi tới, tâm địa chưa hoàn toàn không, Ngài chỉ là Sa môn Cù Ðàm. Nhưng sau đêm mùng 8 tháng chạp, Ngài thành Phật, trí tuệ bừng sáng. Ở đây diễn tả bằng hành động Văn Thù đến thăm Duy Ma, tiêu biểu cho tâm trí kết hợp với nhau mới thành Phật. Ðức Phật là người kết hợp khéo léo con tim và khối óc. Tim và óc được thể hiện bằng hình ảnh Văn Thù và Duy Ma.
Duy Ma và Văn Thù còn có nghĩa là sự kết hợp giữa chân đế và tục đế. Chân đế gồm những người tu hạnh viễn ly, xa rời trần cấu, không tiếp xúc cuộc đời để tâm hồn thanh tịnh. Tục đế thuộc về người thế tục.
Duy Ma và Văn Thù kết hợp được chân đế và tục đế hay gọi là nhị đế dung thông mới thấy được thật tướng các pháp. Vì đi về trần tục, hành giả xa rời chân đạo. Nhưng chỉ thuần bước trên chân đạo, rời bỏ thực tế, hành giả lạc vào ảo giác. Thông thường tu, hành giả hay lạc vào một trong hai thiên kiến này.
Kết hợp giữa Văn Thù và Duy Ma gợi cho hành giả chân lý cuộc sống là con đường Trung đạo của Bồ tát kết hợp giữa thế tục và Thánh đạo hoặc kết hợp Tăng và tục.
Ðạo Phật tồn tại trong tư thế tứ chúng đồng tu luôn hỗ tương nhau. Duy Ma thể hiện người kiểu mẫu của hàng tại gia và Văn Thù là kiểu mẫu của xuất gia. Nếu đạo Phật không có những cư sĩ cự phách, khó truyền bá rộng rãi được và chỉ đóng khung trong chùa, không lợi ích cho ai. Ngược lại, người tín tâm nhiều, nhưng không được chư Tăng có trí tuệ chỉ đạo, dễ rớt vào mê tín.
Nhờ Văn Thù giải thích, mọi người hiểu được ý nghĩa Như Lai là Pháp thân thường trú, là tồn tại thật hữu của sự vật ở trong cái không tồn tại. Sự thật chúng ta đang hiện hữu, tâm trí chúng ta còn đây. Nhưng mỗi niệm trôi qua, tri thức và đạo đức của chúng ta trưởng thành thêm. Sống và an trú trong tri thức và đạo đức thăng hoa này là tồn tại miên viễn của chúng ta nằm trên dòng sanh diệt không tồn tại của thế gian pháp.
Văn Thù hỏi Duy Ma tại sao nhà trống không ? Duy Ma trả lời cõi nước chư Phật mười phương cũng trống không. Ðiểm này muốn hiểu được, ta trở lại câu trong kinh Kim Cang : “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Nếu hành giả là người thế gian có nhận thức của người thế gian, không phải là nhận thức của Phật hay Bồ tát. Nhưng khi đổi nhận thức của người thường thành nhận thức của Phật, Bồ tát, hay nói khác hành giả phải nâng tri thức mình lên, sẽ thấy khác.
 Trước kia là người nhìn đời với đôi mắt khát vọng, thấy gì cũng ham mê, lòng không bao giờ thỏa mãn, nên dễ rớt qua bất mãn. KHÔNG của một con người tuyệt vọng ôm cả một khối ham muốn. Nhưng thực tế không nắm bắt được gì, đành buông xuôi tay. Ðó là KHÔNG của thế gian. Ðối với họ, “Tôi không muốn gì, nghĩa là tôi không được gì”. Tâm hồn tràn đầy tham vọng, nhưng không có gì.
Chúng ta tu hành, dứt khoát bỏ cái KHÔNG này và bỏ cái KHÔNG mà kinh Pháp Hoa gọi là “bần cùng không phước huệ”. Nhiều người hiểu lầm nghĩa KHÔNG, cho rằng xuất gia không có gì, trở thành người ăn xin là sai. Phật và đệ tử Thánh chúng không phải là người ăn xin.
 Nếu chúng ta tu để giữ cái KHÔNG sai lầm này, thà nên giữ cái CÓ của thế gian còn tốt hơn. Vì từ “Có của thế gian” để chúng ta đổi thành “Có của xuất thế gian” hay chuyển phước hữu lậu thành vô tận thánh tài theo Phật dạy.
Khi hành giả biết sống với tri thức, tham vọng theo đó giảm lần và say mê học đạo. Nhờ đó, tham vọng vật chất tự tiêu mòn theo sự phát triển tri thức của hành giả. Cách nhìn đời của hành giả cũng đổi khác hơn khi còn tham vọng.
Hành giả nhìn sáng lần, thấy gần đúng với sự thật và quay trở lại quán sát sẽ thấy những cái vô lý trước của ta. Và nâng cấp lên thấy KHÔNG theo La hán. Lúc ấy, ở trạng thái sơ tâm hay đạt giải thoát một, hành giả có nghe, nhưng không quan tâm. Pháp trần không tác động, được giải thoát, không còn gì vướng mắc trong lòng.
Trên bước đường tu, hành giả bỏ tất cả quyền lợi để xem vấn đề có tồn đọng trong lòng không. Ðiển hình như Ca Diếp là người giàu nhất Ma Kiệt Ðà. Theo Phật, ông bỏ toàn bộ sự nghiệp để thanh lọc thân tâm, khi ngủ đường khi ngủ gốc cây trong rừng. Tất cả những mâu thuẫn với quyền lợi trước kia được dùng để trắc nghiệm, thử xem tâm có còn ham muốn những thứ này hay không.
 Tam muội đầu tiên chứng được là KHÔNG, không bị trần cảnh làm giao động, hành giả từng bước phát triển thế giới KHÔNG, thấy KHÔNG của Tu đà hoàn khác với KHÔNG của A la hán.
 Ở trong cái KHÔNG của Tu đà hoàn, vật không tác động hành giả, nhưng chưa phải hoàn toàn thoát ra khỏi sự chi phối của trần cảnh. Hành giả phải vượt qua bốn bức tường sắt hay bốn thế giới Thiền định mới đạt tới thế giới KHÔNG của A la hán. Cuộc đời hoàn toàn không còn tác dụng, giống như Thánh Ðề Bà quán pháp KHÔNG thuần thục đến độ tên Bà La Môn đâm Ngài chết. Ngài vẫn thản nhiên mở y đưa cho hắn mặc, để đi trốn.
Chúng sanh thấy CÓ, Thanh văn thấy KHÔNG. Duy Ma và Văn Thù dung hợp giữa CÓ và KHÔNG này. Ðiều quan trọng của đạo Phật là hành giả phải biết, phải thấy ta và thế giới của ta. Tuy không bị vật tác động, nhưng hành giả phải biết rõ các pháp. Nếu không, chúng ta trở thành người vô tri hay sao.
Cái thấy theo Phật là cái thấy của Duy Ma khi được trí Văn Thù rọi vào, tức tâm người cầu đạo bừng sáng, thấy sự vật đúng như thật. Bồ tát theo Phật tu nhằm đạt đến Phật nhãn. Tuy tất cả là KHÔNG đối với Bồ tát, nhưng vẫn hiện hữu đầy phước lạc ở thế gian. Nếu nói KHÔNG là không có, thì hoàn toàn sai. Nhưng trở về bản tâm thanh tịnh, thì tất cả vẫn là KHÔNG.
Giai đoạn một, KHÔNG của La hán là KHÔNG suông. Giai đoạn hai, Tam muội KHÔNG của Bồ tát phải giải quyết khổ đau cho chúng sanh. Giải bệnh cho chúng sanh xong, Bồ tát cũng hết bệnh. Ví như trưởng giả có một người con. Vì con bệnh, nên ông bệnh.
Và giai đoạn ba, Tam muội KHÔNG của Như Lai không có gì trên đời có thể tác động Như Lai. Tuy nhiên, Ngài vẫn thấy biết mọi diễn biến của cuộc đời và điều động  nó một cách tự tại. Từ đó mới khởi tâm đại bi sanh lại trên nhân gian.
Vì vậy, Duy Ma bác bỏ quan niệm  cho rằng Phật có đầy đủ sức khỏe, trí thông minh để tạo sự nghiệp, mà Ngài từ bỏ cuộc sống đế vương để đi xin ăn. Nếu tu tất cánh KHÔNG bằng cách như vậy, ta không nên theo, vì chẳng lợi ích gì.
KHÔNG là không chấp trước phiền não. Ðạt đến trạng thái tu chứng này, mười phương thế giới Phật đều KHÔNG.
Theo Duy Ma, tâm đạt đến trạng thái tịnh thì thế giới Ngài phải tịnh. Tịnh ở đây là KHÔNG. Kinh Ðại thừa thường diễn tả thế giới mười phương đều do công đức mà hình thành, mà hiện hữu. Vì nhờ công đức mới hiện hữu, nên thế giới này phải không thực. Công đức mất, thế giới mất.
 Còn thế giới của chúng ta như thế nào là tùy theo nghiệp. Thiện nghiệp có, người sẽ mang hạnh phúc đến cho ta. Thiện nghiệp hết, người sẽ mang hạnh phúc ra đi. Như vậy trần gian tốt xấu đến với ta là tùy nghiệp. Và thế giới của mười phương Phật là tùy công đức và nguyện lực của các Ngài mà hiện. Nghĩa là vì lý do nào đó mà hiện có hay biến mất.
Vì thế, dưới mắt Duy Ma thấy trống không, trước có, liền mất, nên về thời gian thấy KHÔNG. Ba thời : quá khứ, hiện tại và vị lai là cái gì không nắm bắt được. Về không gian, mọi vật do nhân duyên mà thành, nhân duyên tan mọi vật tự mất. Con người chúng ta xuất hiện do tổng hợp nhân duyên. Vì vậy, có rồi không, không rồi có. Những người hôm qua không có mặt, mà hôm nay nghe tiếng họ khóc chào đời.
 Ðối với Duy Ma, trần gian là KHÔNG, thế giới chư Phật mười phương cũng KHÔNG. Cái KHÔNG này được Huệ Năng diễn tả là “Bản lai vô nhất vật”. Trên thể tánh, tất cả đều an trụ pháp KHÔNG, không có một sở hữu nào.
 Nhưng một Thiền sư khác ngộ cái “Vô nhất vật” của Huệ Năng, lại thấy rằng “Vô nhất vật trung vô tận tạng”. Tuy không có vật nào, nhưng kho tàng quý báu của Huệ Năng để lại dùng đến ngàn năm cũng không hết. Không phải một người hưởng, mà cả Thiền tông Ðông độ đều nương vào đó mà thăng hoa.
“Vô nhất vật” của Huệ Năng trở thành “Vô tận tạng”. Hay nói cách khác “Vô tận tạng” chính là pháp KHÔNG của Phật chứng. Ngài tu, bỏ tất cả. Nhưng đến nay hơn 25 thế kỷ, mọi người vẫn tự nhận là đệ tử Ngài, tôn thờ kính ngưỡng Ngài và đang bước theo lộ trình của Ngài. Ðiều này biểu hiện rõ nét tinh thần “Vô nhất vật trung vô tận tạng”, hay chân tinh thần của nghĩa KHÔNG theo Ðức Phật.
Duy Ma đưa ra ý niệm thế giới chư Phật mười phương cũng trống không để phá bỏ ý niệm của hàng Thanh văn thường nghĩ có một Tịnh độ là thế giới thật hữu của người tu pháp KHÔNG. Theo đó, họ sống thì tu ở nhân gian, chết vào Niết bàn hay sanh Tịnh độ.
Tuy nhiên, sợ đồ chúng hiểu lầm rằng nếu không có Niết bàn, không có thế giới Phật, chúng ta tu làm gì. Duy Ma trả lời sự thật thế giới đều trống không. Nhưng từ KHÔNG hiện có, từ có về KHÔNG. Ðó là tự tại thần lực của chư Phật, trí tuệ của Như Lai.
 Khi Phật thấy chân lý, nghĩa là thấy được sự vật như thật, biết được công thức cấu tạo thế giới, Ngài sẽ tạo dựng theo ý muốn. Thí dụ, ở phương Tây có thế giới an lành của Phật A Di Ðà, ở phương Ðông có thế giới thanh tịnh của Phật Dược Sư.
Trở về kinh Lăng Nghiêm diễn tả bằng câu : “Không sanh đại giác trung, như hải hữu nhất âu phát hữu lậu vi trần quốc giai y không sở sanh, v.v...” .Tất cả quốc độ đều nương nơi KHÔNG mà tồn tại, KHÔNG nương nơi trí giác mà hình thành. Vì vậy, muốn có thế giới thì có, muốn KHÔNG tất cả sẽ thành KHÔNG.
Ðiều trước tiên, hành giả phải đạt tới cứu cánh KHÔNG và từ KHÔNG mới hiện có. Khi trang bị được cái thấy như thật theo Duy Ma, thì CÓ và KHÔNG bất tức bất ly. Nói KHÔNG không được, nói CÓ cũng không phải. Không phải nó, nhưng bỏ nó cũng không phải. Mười phương thế giới Phật đều KHÔNG với điều kiện tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh và từ KHÔNG này hiện có. Một Thiền sư Việt Nam thể hiện ý này qua câu “ Tri không, không giác hữu”, cái hữu sau cùng là diệu hữu, là phước lạc chân thật vĩnh cửu của người đắc đạo.
Và Duy Ma dạy tiếp khi chúng ta tu hành quán tất cả pháp đều KHÔNG nhưng không được rời bỏ chúng sanh. Ý muốn ám chỉ hàng Thanh văn thấy KHÔNG, họ không chịu làm gì. Trong khi Bồ tát tuy thấy KHÔNG, mà việc làm của Bồ tát vẫn không thay đổi. Ðó là lộ trình tu Duy Ma vạch ra từ tục đế bước sang chân đế và từ chân đế phải trở về Trung đạo đế của Bồ tát.
Văn Thù hỏi Duy Ma tại sao nhà trống không. Ngài trả lời vì thấy KHÔNG, nên xác định KHÔNG. Còn chúng ta thấy không phải là KHÔNG, nên không nói KHÔNG được; bởi chúng ta thấy theo nghiệp và Duy Ma thấy theo bản tâm thanh tịnh.
Văn Thù hỏi thêm nếu nói KHÔNG  lấy gì để làm KHÔNG. Duy Ma trả lời lấy KHÔNG làm KHÔNG.
Văn Thù hỏi có phải suy nghĩ chín chắn mới hiểu được nghĩa KHÔNG này chăng ? Duy Ma đáp nếu suy nghĩ thật nhiều, thì nó không phải là KHÔNG nữa. Bỏ suy nghĩ để đạt tới KHÔNG thì không hiểu. Nhưng suy nghĩ để đạt cái KHÔNG cũng không hiểu.
 Văn Thù nói như vậy KHÔNG này tìm ở đâu ra ? Duy Ma bảo tìm trong 62 dị kiến ngoại đạo mà ra. Trong thời Ðức Phật tại thế, hàng ngoại đạo giải thích thế giới bằng mọi cách, tổng kết là 62 dị kiến, sau tăng lên 92 học thuyết thấy khác nhau.
 Ðứng trên lập trường giải thoát của chư Phật để quan sát dị kiến ngoại đạo mới thấy KHÔNG. Còn đứng ở lập trường chúng sanh quan sát, ta cũng rớt qua ngoại đạo. Tất cả 62 học thuyết vì không giống nhau nên trở thành phá nhau, không còn cái nào đứng vững. Vì vậy ta quan sát thấy cái HỮU này biến thành KHÔNG. Với cặp mắt trí tuệ, ta thấy tất cả lý luận cuối cùng thành hý luận. Vì cái HỮU này nhiều đến mức sum la vạn tượng, không còn kẽ hở. Lý luận này phá lý luận khác, tất cả phá nhau để tồn tại. Học thuyết này có thì học thuyết kia có, cái này sanh thì cái kia sanh. Vì vậy lấy dị kiến ngoại đạo mà thấy pháp KHÔNG là đứng trên lập trường giải thoát của chư Phật để thấy pháp KHÔNG.
Văn Thù hỏi làm thế nào đứng trên lập trường giải thoát của chư Phật mà quan sát ngoại đạo, trong khi mình không là Phật thì nhất định quan sát ngoại đạo, không thấy giải thoát được.
 Duy Ma trả lời đứng trên lập trường đau khổ của chúng sanh mà thấy được giải thoát của chư Phật. Thật vậy, vì đau khổ triền phược, chúng ta mới hình dung được giải thoát của Ðức Phật. Phật là con người như tất cả mọi người và Ngài bắt đầu quan sát thấy chúng sanh đau khổ. Ngài tìm ra phương pháp diệt khổ và ứng dụng pháp này, đạt tới tịch tĩnh hoàn toàn, nghĩa là an trụ pháp KHÔNG. Thế giới chư Phật chính là thế giới KHÔNG.
Văn Thù hỏi thêm tại sao thế giới Phật KHÔNG, mà ta thấy thế giới Ngài bằng bảy báu. Thế giới KHÔNG này đã được giảng ở trên, KHÔNG này không phải hoàn toàn KHÔNG. Vì ý niệm hoàn toàn không có gì là rơi vào đoạn kiến, chúng ta chẳng tu cho phí công. Tất cả thế giới Phật bằng bảy báu do công đức trang nghiêm, trong khi thế giới chúng sanh hình thành bằng nghiệp.
Văn Thù hỏi Duy Ma tại sao trong nhà không có thị giả. Duy Ma trả lời Thiên ma ngoại đạo là những người thân cận của Ngài. Ngoại đạo là người không cùng suy nghĩ, không cùng giáo chủ với ta. Thiên ma là những người hại ta trên bước đường tu hành.
 Duy Ma chọn Thiên ma, ngoại đạo làm pháp lữ, làm đối tượng tu hành, thể hiện tư tưởng trái ngược từ trước. Ðức Phật dạy khi sơ tâm vào đạo phải thân cận người trí, người hiền. Vì giao du với người ác, tánh ác của ta dễ sanh và tăng trưởng. Nếu ta ở trình độ thấp nên áp dụng công thức này. Nhưng trường hợp Duy Ma khác hơn hàng sơ tâm.
Ðối với người chọn đường tu Bồ tát đạo, tâm thanh tịnh chỉ gặp bạn tốt hoàn toàn, là điều không thích thú. Vì chung sống với người sẵn sàng tùy thuận, trí giác của ta không sanh. Ta mất đối tượng tu hành, gọi là vô ma khảo bất thành đại đạo.
Muốn thật tu Ðại thừa, phải tìm đối tượng. Chính vì hiện hữu của chúng sanh đau khổ, Phật mới khám phá được Niết bàn, nghĩa là tìm Niết bàn trong sanh tử.
Tu giáp mặt với cuộc đời muôn hình vạn trạng, trí hành giả rọi vào muôn hình vạn trạng đó mà sanh ra phương tiện huệ để giáo hóa chúng sanh. Nhờ đối tượng, hành giả luyện được thân tâm. Ví như bác sĩ giỏi, không chữa bệnh ngặt nghèo, không có điều kiện phát triển tài năng; Bồ tát tu hành cũng vậy, muốn điêu luyện tài đức, cần có đối tượng.
 Và đối tượng quan trọng nhất ở đây là Thiên ma, ngoại đạo có đủ điều kiện sẵn sàng hại hành giả. Khi hành giả sống chung với những người ác độc nhất, quyền thế nhất trên thế gian mà họ không hại được. Họ giở thủ đoạn nào, hành giả cũng có phương tiện huệ chống đỡ. Sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, tài năng mới bộc phát, hành giả vượt qua được an toàn, mới thực sự thành Phật. Vì vậy, Duy Ma tán thán người tu ở Ta bà một ngày được công đức bằng trăm ngàn muôn ức kiếp tu ở cõi khác.
Ở cõi Tịnh Ðộ, ý thức đối phó hoàn toàn biến mất. Sống trong tịnh lạc, nên không biết gì. Bồ tát muốn tu phương tiện huệ,ä phải đến Ta bà. Chính Duy Ma từ thế giới Diệu Hỷ phải qua thế giới Ta bà tu.
Trong phẩm trước, Trì Thế Bồ tát ngồi Thiền, bị Thiên ma phá. Duy Ma tới thuyết pháp, biến họ thành Bồ tát và cho trở về thế giới ma. Ðối với ma, ông coi là pháp lữ.
Nhờ có đối tượng ác cang cường, hành giả  chuyển họ từ ác xấu thành tốt, thì công ơn tế độ mới tích tụ thành công đức. Nhờ có ngoại đạo, hành giả sanh chánh kiến. Có những lý luận lẩn thẩn, hành giả mới tìm được hiểu biết chân thật. Hành giả gặp ngoại đạo giảng giải đủ cách, từ đó so sánh những lời họ nói và tìm ra cái đúng sau cùng là chân lý. Chân lý này phát hiện từ trong cái phi chân lý.
Trên bước đường tu, chung sống với đối tượng Thiên ma, ngoại đạo ác xấu tệ hại này, từng bước hành giả cảnh giác và suy tư. Nhờ vậy trí giác phát sanh, chứng được chân lý. Ngược lại, sống trong môi trường thuận tiện dễ dãi, dễ thành hư đốn hay ngờ nghệch. Chánh kiến nảy sanh từ đối diện với tà kiến ngoại đạo, làm phát triển trí tuệ, tài năng, đạo đức của hành giả. Những thành tựu tốt đẹp đạt được là pháp KHÔNG tương đối. Vì có cái hữu, hành giả khám phá ra cái KHÔNG, vì có sanh tử, hành giả thấy Niết bàn.
Hành giả đứng trên lập trường KHÔNG, đạt được Niết bàn là nhờ tinh luyện con người thành thuần thiện. Nếu không nghiên cứu kỹ, mà phê phán Ðại thừa cái gì cũng quy về KHÔNG nhằm mục tiêu xóa tội ác, là sai lầm.
 Ý nghĩa KHÔNG của Ðại thừa không phải là gần tốt xa xấu. Pháp KHÔNG ở giai đoạn một nhằm luyện hành giả thành thánh thiện. Nhưng đạt đến mức thuần thiện rồi, Duy Ma dạy nếu tiếp tục an trú trong thuần thiện hành giả cũng kẹt, không kẹt sanh tử nhưng nay kẹt Niết bàn. Vì vậy, mục tiêu của Phật làm ta xa rời lòng chấp để được giải thoát. Không đắm sanh tử, nhưng không trước Niết bàn, ở trong sanh tử cũng là Niết bàn.
Pháp KHÔNG sau cùng có công năng chuyển thành toàn thiện. Lúc ấy, Thiên ma ngoại đạo đối với tâm tịnh Duy Ma, cũng thành pháp lữ.
 Nếu hành giả an trụ thiện ác phân minh, sẽ nguy hiểm lắm. Ta nói họ ác và xa lánh, thì đầu tiên họ trở thành đối tượng ta phải đối phó, cộng thêm ý niệm ác sanh ra trong tâm mà ta phải đấu tranh với chính ta. Dùng trí quán sát cuộc đời, thấy rõ thế lực thiện chẳng được bao nhiêu, người ác tất nhiên là nhiều quá.
Quán thấy như vậy, hành giả biết rõ việc an trú trong môi trường thiện ác phân minh không đúng. Hơn nữa, Phật dạy tánh hằng hữu không có. Tất cả tùy thuộc nhân duyên sanh. Vì thế, nay là bạn, mai thành thù. Cứ bạn thù, thù bạn tiếp nối, biến đổi không dừng trên dòng sanh tử luân hồi ở Ta bà.
 Phật dạy tốt hay xấu của người tùy thuộc hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta. Ý thức điều này, chúng ta an trụ pháp KHÔNG một, đừng để dị kiến ác niệm sanh. Và ở pháp KHÔNG thứ hai, phải tranh thủ và chuyển hoán người. Ðến khi tất cả đều trở thành toàn thiện, mới đạt đến mục tiêu của Bồ tát Ðại thừa. Bước theo đúng lộ trình này, hành giả sử dụng được Thiên ma ngoại đạo làm pháp lữ giống như Duy Ma.
Ðến đây, Văn Thù hướng câu chuyện sang thực tế. Văn Thù hỏi thăm Duy Ma bệnh lâu chưa, bệnh do nguyên nhân nào. Câu chuyện đối đáp giữa Văn Thù và Duy Ma khiến hàng Thanh văn và Bồ tát phát tâm đi theo cảm thấy lạc lõng. Trước khi đi, các Ngài hy vọng hai cự phách này sẽ phô diễn những gì ngoạn mục, bất khả tư nghì. Nhưng đến đây, chỉ nghe câu hỏi và trả lời bình thường, không hay, sanh ra chán.
Theo kinh nghiệm bản thân tu hành gợi cho tôi hiểu ý này. Lúc còn bé tôi nghe kể chuyện thần tiên huyền bí, thích đi tu. Ðến khi vô chùa, cảm thấy chán nản, vì niềm khao khát tìm đạo lý của tôi không hề được cuộc sống ở chùa đáp ứng. Tôi đọc những câu liễn cổ không hiểu, hỏi các Thầy chẳng ai giải thích được. Nhưng ngược lại, gặp giáo sư của thế gian giải thích, phân tích giúp tôi hiểu rõ.
Ở đây, Xá Lợi Phất khởi niệm chán nản, tương ưng với tâm trạng tôi thuở xưa. Khi chưa tu, chúng ta thường lý tưởng hóa cuộc sống tu hành. Ðến lúc chạm thực tế, gặp bao nhiêu chuyện ở chùa không thua gì thế gian.
 Chúng ta có thể kết luận ý này nói lên tâm trạng khắc khoải của người xuất gia học đạo chán nản trước sự suy đồi của Phật giáo. Lý tưởng đẹp biết bao, nhưng thực tế phũ phàng đáng chán.
 Từ ý thức chán này, Mật tông ra đời sử dụng thần thông biến hóa để giải quyết yêu cầu mà thế hệ Phật giáo đương thời không đáp ứng nổi.
 Tuy nhiên, từ thực tế phũ phàng đi sâu vào đời để tìm chân lý, gợi cho chúng ta đừng tưởng chân lý là cái gì xa xăm không vói bắt được. Chân lý Phật dạy là chân lý nằm trong cuộc sống và giác ngộ ngay trong cuộc đời.
Chúng ta hồi tưởng lại khi Phật đi du hóa lúc nào cũng có chúng Tỳ kheo bên cạnh. Các Ngài theo Phật trên vạn nẻo đường đời, đến đâu gặp vấn đề gì,  Phật giải thích, chỉ rõ nhận thức, ứng xử đúng đắn theo từng trường hợp. Giáo lý Phật là vậy, chân lý là thế đó.
 Ðối đáp giữa Văn Thù và Duy Ma nói lên chân lý mà chúng ta tìm ngoài cuộc đời không bao giờ có. Phật thường ví bỏ thực tế tìm chân lý như tìm lông rùa sừng thỏ. Tôi chán nản vì hướng ngoại tìm chân lý nơi xa xăm, trong khi tinh thần Duy Ma chủ trương hướng nội.
Câu trả lời của Duy Ma với Văn Thù về vấn đề Ngài bệnh gì, vì sao bệnh, hay Bồ tát không bệnh phải an ủi Bồ tát bệnh như thế nào. Tất cả ý này đã gom toàn bộ giáo điển của Phật và xác định lại cho đúng.
Chúng ta nghĩ thế nào về Văn Thù và Duy Ma?  Theo tôi, nếu đọc kinh bằng cả tâm hồn, cả cuộc sống  mới nhận ra thế giới an lạc. Ðọc bằng ngôn ngữ suông thì kinh chẳng có gì hay.
Câu đối đáp giữa Văn Thù và Duy Ma về vấn đề bệnh nghe qua bên ngoài rất bình thường. Nhưng đứng trên tinh thần Ðại thừa vất bỏ những gì cặn bã, không cho phép chúng ta hiểu đơn giản y như từng chữ.
 Theo tôi, khi đắc đạo trí Văn Thù bừng sáng. Lúc ấy, ở vị trí đắc đạo, tức nhận thức mới, quán sát lại thân chúng ta và hoàn cảnh đang sống.
 Chưa đắc đạo, hành giả bệnh. Ðắc đạo rồi, vẫn bệnh nhưng thấy bệnh này khác hoàn toàn. Từ đó, Duy Ma nhìn lại chính Ngài, nhìn lại cuộc đời với tư cách đắc đạo. Ngài nở nụ cười hàm tiếu và trả lời cho Văn Thù biết rằng vì chúng sanh bệnh, Ngài bệnh.
Nói cách khác, dưới kiến giải Ðại thừa, Bồ tát đắc đạo thấy lại bản nguyện của mình hay muốn diễn tả Ðức Phật Thích Ca thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, quán sát nhân sanh mà bắt đầu cuộc hành trình giáo hóa. 
Duy Ma cho biết bệnh của Ngài không phải do tứ đại bất hòa mà sanh. Vìø chúng sanh bệnh, nên Ngài bệnh. Chúng sanh bệnh hay nghiệp tập khởi từ si ái. Si là vô minh thuộc về chi thứ nhất trong mười hai nhân duyên : vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh ưu bi khổ não.
 Duy Ma rút gọn mười hai nhân duyên còn ba là vô minh sanh ái kiến và từ ái kiến thọ sanh. Giải theo mười hai nhân duyên, chúng ta có đủ hai phần sắc và tâm tức căn trần có sai lầm mới thọ sanh và chịu đau khổ. Khổ này Duy Ma gọi là bệnh, thân bệnh và tâm bệnh. Chúng sanh trên cuộc đời rên la than khóc vì bệnh ngu si và ham muốn không hợp tình hợp lý. Do tư duy không đúng đắn, nhận thức sai lầm dẫn đến ý chí sai và hành động sai là nguồn gốc phát xuất bệnh và khổ vậy.
Từ vô minh khởi lên ái mà thọ sanh là nghĩa thứ nhất của vấn đề chúng ta “sanh” trên cuộc đời. Nghĩa thứ hai của “sanh” để chỉ phiền não sanh, trong một niệm tâm chúng ta có rất nhiều sanh diệt. Con người sanh diệt trong tạng tâm khó thấy hơn con người vật chất sanh diệt. Người tu Thiền mới kiểm chứng được trạng thái sanh diệt của tâm và điều chỉnh tâm để chứng Niết bàn.
  Chúng sanh từ si ái mà sanh. Riêng Duy Ma không phải do si ái sanh, nhưng vì chúng sanh nên Duy Ma sanh, chúng sanh diệt thì Duy Ma diệt. Giữa Duy Ma và chúng sanh gắn bó chặt chẽ và Ngài mang tâm nguyện đại bi. Ví như người con duy nhất lao đầu vào chỗ chết, người mẹ quá thương cũng lao theo.
 Ðức Phật xuất hiện trên cuộc đời mang ý nghĩa đó. Vì có chúng sanh, Phật hiện sanh. Ðây là “hiện” chớ không phải “sanh”. Vì chúng sanh bệnh, Duy Ma thị hiện bệnh, không phải bệnh thật.
 Duy Ma thị hiện bệnh để có cảm niệm về bệnh, về nghiệp, về phiền não... Tất cả những gì của cuộc đời thì Duy Ma mang vào đầy đủ, nhưng Ngài khác với chúng sanh ở điểm có Văn Thù tới thăm. Nghĩa là Ngài có trí tuệ, kiểm chứng được trạng thái tâm bệnh là phiền não. Lấy tâm bệnh của Ngài mà hiểu  được tâm bệnh chúng sanh và chữa trị được cho họ. Ðó là cách thuyết pháp giáo hóa của Phật, của Duy Ma.
Không bệnh, hiện bệnh, nghĩa là người bệnh biết mình bệnh, khác với chúng sanh không biết bệnh. Duy Ma nói rằng Ngài cũng có đủ những thứ như chúng ta. Nhưng nhờ tự gạt bỏ những nguyên nhân sầu khổ, Ngài được giải thoát.
Sự thật tất cả chúng sanh đều có khả năng ở Niết bàn. Nhưng tồn tại của chúng sanh trên cuộc đời vì nghiệp vô minh, tham ái. Nếu không phát xuất từ vô minh tham ái, chúng ta không hiện hữu trên thế gian. Chúng ta sanh trên cuộc đời này mang thiện nghiệp hay ác nghiệp đời trước. Vì vậy, vấn đề ta phải giải quyết là tồn tại của nghiệp.
 Ý thức được mọi việc đều tùy nghiệp sanh, hành giả không còn khó chịu với những gì không hợp lý. Vì sự thật quan sát kỹ thấy nghiệp chúng sanh, thì không có gì không hợp lý trên cuộc đời này.
Thật vậy, chúng sanh hiện hữu do nghiệp. Cha con, chồng vợ, bạn bè đều gắn chặt bằng liên hệ nghiệp. Theo Phật, đó là thế giới tồn tại trong tương quan tương duyên nghiệp. Muốn xóa những cái hành giả cho rằng không hợp lý, trước tiên phải xóa nghiệp.
A la hán đoạn nghiệp. Mọi việc trên cuộc đời không dính líu gì đến họ, nên tồn tại không có, gọi là cứu cánh Niết bàn. Kinh Duy Ma e ngại nhất cách đoạn nghiệp theo mô hình này, đả phá cứu cánh Niết bàn của A la hán để đưa tất cả về Bồ tát đạo.
Duy Ma đưa ra cách tu sai của Thanh văn và Bồ tát. Tu theo Thanh văn mà không thành A la hán, tu Bồ tát đạo mà không thành Phật, hoặc có người làm bao nhiêu việc tốt nhưng cuộc đời thật hẩm hiu đau khổ, chết trong uất hận. Chắc chắn đó không phải là con đường của Phật vẽ ra cho chúng ta.
 Thanh văn khởi tu nhìn cuộc đời khổ, sanh ý niệm buông bỏ, không muốn dẵm chân lên, tự cách ly, trở thành trụ định La hán, ví như than nguội củi mục không còn tác dụng.
Thanh văn chứng được ba pháp KHÔNG, vô tác, vô nguyện là ba cửa giải thoát để đi vào cuộc đời. 1/ Không quan tâm mọi vật của đời, 2/ Không làm mọi việc trên đời, 3/ Không ước mơ gì ở cuộc đời.
Vì không dính líu đến cuộc đời, hành giả giải thoát, kết thành quả báo tự cô lập hóa mình. Tu theo Thanh văn đạo như vậy hoàn toàn trái với pháp Phật.
Ngài dạy Thanh văn phải trải qua ba giai đoạn:  nghe, suy nghĩ và làm theo Phật. Kinh Pháp Hoa nói các vị Thanh văn vừa nghe Phật dạy vội ôm lấy ba giải thoát môn này mà sống, tự biến họ thành sỏi đá. Họ muốn phát tâm bồ đề cũng không được. Tâm ví như đất, hột giống bồ đề hay cỏ phiền não từ tâm sanh ra. Chúng ta không muốn cho cỏ mọc, đem trám xi măng bít lại. Cỏ không lên được, thì hột giống bồ đề cũng chẳng cách nào nảy mầm.
 Kinh Duy Ma gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh  hành giả trụ KHÔNG, vô tác, vô nguyện. Từ bản tâm thanh tịnh Phật tương ưng với tâm trụ định của La hán, hai tâm này thông nhau hiểu nhau, khiến hành giả thức tỉnh, rời bỏ Niết bàn của La hán, tiếp tục Bồ tát đạo.
Ngoài sai lầm của Thanh văn, Duy Ma cũng đưa ra pháp tu sai của Bồ tát. Duy Ma nhắc chúng ta tu hành không đắc đạo, vì đứng ở lập trường tham sân phiền não hay si ái và  phát xuất từ gốc vô minh. Khi chưa có trực tâm, thâm tâm, bồ đề tâm, mà trồng căn lành, là trồng căn lành trên tham sân phiền não. Vì thế, bồ đề không phát được, mà cỏ phiền não cứ mọc lên, càng tu càng khổ.
Thật vậy, trên mảnh đất tâm của chúng ta đầy đủ cỏ dại phiền não. Vì hàng ngày chúng ta chỉ sống với căn trần thức, đương nhiên thức sanh, không muốn nó cũng tự sanh, cố gắng ngăn chặn phiền não nó cũng bộc phát dễ dàng.
 Như vậy, hành giả phải đứng ở lập trường nào tu để xác định tư cách Bồ tát là vấn đề quan trọng. Theo Duy Ma, muốn hành Bồ tát đạo, phải có phương tiện huệ. Phương tiện huệ nghĩa là hành giả làm việc gì thì biết được hậu quả của nó. Không biết hậu quả mà phát tâm làm, là rơi vào vô minh. Sản sanh từ cha vô minh, mẹ phiền não hợp thành chúng sanh, không thể là Bồ tát.
Biết và làm theo hiểu biết đúng của chúng ta. Tuy nhiên, nói như vậy, chúng ta lại hiểu lầm rằng biết cái gì tốt thì làm, không tốt không làm. Cách hiểu như thế không phải là phương tiện huệ, chỉ là huệ một chiều.
Bồ tát không có phương tiện huệ thấy chân lý thế nào, cứ thuyết y như vậy, Bồ tát trở thành tự ràng buộc mình. Thực tế chứng minh điều này, tôi chứng kiến những người hiểu biết đúng và nhất định chết với sở đắc của mình. Hạng người chấp pháp này, Duy Ma gọi là Bồ tát không có phương tiện huệ. Cái ta thấy đúng là chân lý, cứ để yên đó mang về trình cho Phật. Còn muốn giáo hóa chúng sanh phải theo gương Ðức Phật.
 Bằng Phật huệ, Phật thấy nhất Phật thừa mới là pháp chân thật, nhưng Ngài phải khai phương tiện huệ. Tùy theo căn tánh chúng sanh, Ngài nói trăm vạn pháp môn, quy lại là tam thừa để điều hợp thế gian. Ðó là cách hành đạo của Bồ tát có phương tiện huệ.
Bồ tát không phương tiện huệ đứng trên lập trường “Thức” phân biệt thuyết minh, không thể nào giải thoát. Càng nói nhiều càng bị ràng buộc.
Biết bằng thức hay bằng cái khôn của cuộc đời, Phật xếp vào hạng phiền não trí, không lợi ích còn nguy hiểm. Vì biết này do phân biệt mà ra, có từ đối tượng. Ðối tượng của mắt là sắc trần, của tai là thanh trần, cho đến đối tượng vô minh là tâm điên đảo thuộc ý thức.
 Vì thế, pháp trần không có thật, nhưng đã từng tiếp xúc nhiều kiếp, nhiều năm tồn tại trong A lại da thức. Nếu cố chấp những thứ này, chắc chắn không đúng. Càng suy nghĩ tính toán, càng sai lầm, đến mức xã hội không dung được chúng ta. Nghĩa là chúng ta đã đi vào đời bằng cái khôn của con người, khác với cái khôn của Thánh nhân.
Trên bước đường tu, ý thức nó là huyễn ảo, không chân thật, tôi hạn chế tối đa hiểu biết theo “Thức”. Vì càng phát triển nó mạnh, trực giác chúng ta càng yếu, cánh cửa chân lý càng đóng kín hơn.
Thuở nhỏ lập trường tu xuất thế của tôi là :
Trú tại Linh Sơn văn diểu ngữ
Bất tùng thành thị thính nhơn ngôn.
Tôi thích ở núi nghe tiếng chim, sống với muông thú hơn là sống với loài người. Tôi sợ cái khôn của con người dùng để tạo muôn ngàn tội lỗi, sát hại các loài và giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Cái dại của loài thú so với cái khôn của loài người còn dễ thương hơn nhiều.
Tuy nhiên sau đó, tôi được một Thầy khai ngộ rằng “Chú nghe tiếng người được, mà còn sống với họ không được. Làm thế nào giáo hóa loài thú, khi chú không thể nghe được chúng và không thể nói cho chúng nghe”. Từ đó, tôi bắt đầu nhớ đến câu Phật dạy con người tối linh trong các sinh vật. Tôi suy nghĩ, phát triển những điểm nào tốt của con người được Phật ca ngợi và từ bỏ những gì xấu xa đáng ghê sợ của con người mà Phật quở trách.
 Khi tâm yên tĩnh, trực giác bắt đầu sanh, hành giả kiểm chứng được cơ thể mình và những vật xung quanh. Kiểm chứng như vậy chính xác hơn là biết bằng “Thức”.
 Phật dạy chúng ta đặt căn bản trên trực giác, trên trí tuệ hành đạo. Tùy tâm thanh tịnh đến mức nào, cảm nhận đến đó. Dựa trên “Thức” chỉ dẫn chúng ta vào mê hồn trận, tội lỗi không lối thoát, làm chúng ta đau khổ.
Vì căn trần thức không phải là chân lý, nên hạt bồ đề không thể gieo vô căn trần thức. Chỉ gieo được trên chân tâm là cái gì sâu xa trong đáy lòng chúng ta, vượt ngoài suy nghĩ thông thường của con người.
Theo kinh nghiệm tu của tôi, khi mới vào đạo, chúng ta gặp toàn khó chịu đến độ không còn mảnh đất dung thân, tất nhiên phải hoàn tục.
Tuy nhiên, đối với hành giả đi theo bước chân Duy Ma, không tu bằng tâm chán đời hay tâm phân biệt đạo đời. Nhưng tu vì thúc đẩy sâu xa phát xuất tận tâm hồn, nên chúng ta thấy Phật đạo không gai góc khổ sở, mà thấy rực rỡ huy hoàng. Vì thấy khác người, nên dù phiền não nổi dậy, chúng ta vẫn coi như không có. Hay xem đó là phương tiện giúp chúng ta thăng hoa trên bước đường trưởng dưỡng thiện căn.
Trong giai đoạn này, bồ đề còn lẫn lộn với cỏ dại. Nhưng với thời gian, bồ đề vượt cao hơn cỏ. Nghĩa là trải qua quá trình thanh lọc thân tâm, chúng ta có sinh hoạt khác với trước.
Thuở bé tôi tu, vào bếp nhìn thấy các bà sân si dữ quá. Tôi bình tĩnh quan sát từng bà, thấy cách đối xử của họ đối với tôi như thế nào, phản ứng mình ra sao, tánh mình thế nào.
Quán sát như vậy, tôi thấy người xấu ác thật sự là thiện tri thức của tôi. Nhờ họ,  thấy được mình thật phát tâm bồ đề hay phát tâm phiền não. Phát tâm phiền não tu thì người giận, mình giận lại, người đánh, mình đánh lại.
 Khi biết phản ứng của chúng ta như thế là sai từ căn bản, nên dứt bỏ liền. Phải lắng tâm, kiểm chứng xem bồ đề tâm chúng ta ở chỗ nào. Tất nhiên bồ đề tâm không thể là cái giận, cái buồn.
Chúng ta thầm cám ơn họ, vì nhờ anh tôi phát hiện, gạn bỏ phiền não, nuôi lớn bồ đề. Tâm bồ đề càng vươn cao, nhận thức càng đúng chánh pháp, thấy rõ tốt xấu, phải trái. Từ đó không cần triệt tiêu phiền não, nhưng phiền não chẳng còn tồn đọng. Ðó là lộ trình tu ở dạng bồ đề tâm. Và Duy Ma nhắc nhở hành giả từ vị trí này nhìn thấy chúng sanh khổ mới phát tâm đại bi cứu độ. Tu như vậy, mới đi đúng đạo Bồ tát.
Thật vậy, Bồ tát là người hết nghiệp, an trú pháp KHÔNG, tự tại giải thoát. Nhưng vì lòng đại bi thấy mê lầm khổ đau vô lý của chúng sanh, khởi tâm thương mà sanh lại. Thương chúng sanh, thì phải lãnh lấy nghiệp chúng sanh. Muốn cứu người, thì mang nghiệp của họ, hay ít nhất lãnh một phần tai họa trút lên cho ta. Vì vậy, phước không đủ che chúng sanh, chúng ta cũng chết chìm theo. Bồ tát phải cân nhắc xem sức mình có đủ cứu người hay không.
Tại sao Bồ tát phải gánh lấy nghiệp chúng sanh? Theo Duy Ma, vì Bồ tát quán sát thấy phước đức của các Ngài lớn, trang trải được nghiệp chúng sanh. Chúng sanh không gánh nổi nghiệp, nên Bồ tát gánh thế. Nghĩa là vì  tâm đại bi nhận chịu sanh thân, nhận chịu đau khổ như tất cả chúng sanh. Nhưng khác ở điểm chúng sanh vì nghiệp thọ sanh. Bồ tát vì nguyện thọ sanh để giải nghiệp cho họ, để khai đạo, là mục tiêu chính của Bồ tát. Nếu không có Bồ tát, mê mờ chấp trước của chúng sanh không xóa được.
Vì lòng đại bi sanh lại, nhập cuộc với chúng sanh, phải có thân tứ đại ngũ uẩn. Mang vào thân tứ đại, chấp nhận tứ đại là TA thì có khổ của tứ đại. Phải chịu sự chi phối của định luật hàn nhiệt cơ khát, phải có bệnh, là điều tất yếu. Ðó là bệnh từ tâm đại bi của Bồ tát mà sanh ra.
 Trước khi sanh trên cuộc đời, Bồ tát Duy Ma là Tịnh Danh hay bản tâm thịnh sống với Phật Vô Ðộng. Bệnh từ tâm đại bi thôi thúc Ngài rời bỏ thế giới thánh thiện Diệu Hỷ đi vào Ta bà giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên, khác với phàm phu, Duy Ma sống với dạng tâm giải thoát và vào đời cũng ở dạng tâm giải thoát.
Khi bắt đầu thọ sanh thân, vấn đề tứ đại ngũ uẩn liền đặt ra. Ví như chúng ta sống trong chùa an lành, nhìn ra cuộc đời thấy nhiều chuyện đau thương nên từ giã chùa ra đời phục vụ chúng sanh để cúng dường Phật. Nhưng lăn lóc với đời mà không bị trầy xước, không đơn giản.
 Bồ tát từ chỗ không bệnh, vì thọ thân tứ đại ngũ uẩn, phải bệnh. Bệnh là Bồ tát sanh thân, không bệnh là Bồ tát Pháp thân, tức Ta bà kham nhẫn độ, ứng hóa thọ sanh thân. Bồ tát có sanh thân và hiện thân đồng sự, đồng cảnh, đồng nghiệp để giáo hóa.
Bồ tát bệnh và Bồ tát không bệnh hay sanh thân Bồ tát và Pháp thân Bồ tát vẽ ra cho chúng ta thấy trạng thái vô hình và hữu hình. Giữa vô hình và hữu hình tiếp xúc nhau như thế nào ?
 Khi học kinh, nhìn thấy Phật hướng dẫn các Tỳ kheo đi khắp nơi, thật đơn giản; nhưng bên trong tiềm tàng cả một cái gì không đơn giản chút nào. Phần đạo lực vô hình của Phật tiếp sức cho chúng Tăng hữu hình, để nuôi sống mạng mạch Phật giáo tồn tại đến ngày nay, mới thực sự quan trọng.
 Bồ tát thọ sanh thân có đầy đủ vui buồn vinh nhục như tất cả mọi người, nhưng phải được lực vô hình an ủi sách tấn. Từ đó, mở ra cánh cửa tịnh lạc kỳ diệu cho các Ngài bước tới. Vì vậy, tu hành mà thiếu niềm tin nơi Phật, nơi pháp lữ, chúng ta khó đi trọn đường đạo. Nhờ niềm tin, chúng ta thường có cảm giác các Bồ tát pháp lữ luôn đồng hành, sẵn sàng trợ giúp công việc Phật sự của chúng ta.
Thế giới Niết bàn không có nghiệp, phiền não và bệnh. Nhưng sanh lại phải chấp nhận điều kiện bệnh của Ta bà. Ở thế giới bản thể không có sanh thân, thế giới ta mới có thân.
 Mang thân thì phải bệnh, bệnh này là bệnh nghiệp. Duy Ma giải có thân phải bệnh là nghiệp hiện tại, còn túc nghiệp quá khứ thì Bồ tát không có. Những cảm nhận đau đớn thông thường của sanh thân, Bồ tát cũng phải chịu như mọi người. Nhưng nghiệp nội tại căn bản của chúng sanh, Bồ tát không có. Vì bản tâm hoàn toàn thanh tịnh, chỉ có ngoại chướng.
 Vì vậy, thân thọ khổ, mà tâm không khổ là điểm khác biệt chính giữa Bồ tát và chúng sanh. Bồ tát sanh trên cuộc đời giống y mọi người. Tuy nhiên, khác ở điểm  nếp nghĩ, tư duy, hành động, cách sống, cách tu của Bồ tát đời đời và bất cứ nơi nào cũng là biểu tượng kiểu mẫu cho chúng sanh nương theo tu hành, là mô phạm đầy đủ trí tuệ và đạo đức để mang an vui lợi lạc cho mọi người.
 Tóm lại, bệnh khởi từ đại bi nên sống trong bệnh mà giải thoát. Vì vậy, chúng sanh hết bệnh thì Bồ tát lành là lộ trình tu của Bồ tát.
Bồ tát Văn Thù không bệnh, nên không biết đi thăm bệnh phải nói thế nào với người bệnh, mới hỏi Duy Ma là người có bệnh, tức đã có kinh nghiệm. Ðiểm này làm ta suy nghĩ muốn hiểu vấn đề cặn kẽ  phải va chạm thực tế.
Bồ tát không bệnh là Bồ tát chưa nhập ấm ở dạng chơn tâm, không hiểu được cuộc sống. Không bệnh mà diễn tả bệnh sẽ không chính xác. Có bệnh mới cảm được bệnh thế nào và nghĩ ra cách chữa bệnh. Chữa bệnh cho ta rồi mới nghĩ ra cách chữa bệnh cho người được.
Văn Thù gặp Duy Ma để cho tám ngàn Bồ tát đi theo suy nghĩ, làm duyên cho các Bồ tát đồng hạnh với Văn Thù cân nhắc hai vấn đề :
1. Bồ tát không bệnh phải an ủi Bồ tát bệnh thế nào.
2. Bồ tát có bệnh phải chữa bằng cách nào.
Duy Ma nhắc Văn Thù đến thăm Bồ tát có bệnh nên nói thân là vô thường.
 Kinh Ðại thừa và Tiểu thừa đều nói thân vô thường. Nhưng ý niệm Tiểu thừa dạy thân vô thường, nên ta nhàm chán nó mà tìm đến hằng hữu là thường.
Trái lại, Duy Ma dặn Văn Thù nói thân vô thường, nhưng xin đừng nhàm chán, vì thân này rất cần. Bồ tát phải nhớ rằng mình không vì nghiệp thọ thân, mà vì nguyện. Thân này là công cụ của Bồ tát để giáo hóa chúng sanh.
Bồ tát Duy Ma ở thế giới Diệu Hỷ không giáo hóa chúng sanh cõi Ta bà được, nên phải mang thân Ta Bà trước đã. Vì vậy, thăm Thanh văn thì nói thân vô thường phải hướng về Niết bàn Tịnh độ để thấy được chơn không.
Tuy nhiên, thăm Bồ tát, xin nói thân vô thường nhưng đừng nhàm chán, vì bỏ thân không làm được lợi ích gì cả. Thông thường, Bồ tát ở Tịnh độ muốn giáo hóa chúng sanh. Ðến khi bước vào Ta bà thấy khổ lại chùng lòng, muốn quay về Tịnh độ. Do đó, phải có Bồ tát vô hình nhắc Bồ tát thọ sanh thân.
Sanh thân của Bồ tát có thiện căn công đức, ví như máy truyền hình, có máy mới bắt được hình. Xin đừng đập vỡ máy, hình không truyền xuống nhân gian được. Cũng vậy, độc nhất có Bồ tát nghe được tiếng nói của Bồ tát, mới thể hiện được việc làm của Phật và Bồ tát trên nhân gian. Nhờ đó, chúng nhân phát tâm vô thượng và hình thành thế giới chúng sanh như thế giới Phật.
 Duy Ma bảo Văn Thù phải nhắc nhở Bồ tát đừng bỏ sanh thân. Tuy sanh thân vô thường, có sanh có diệt. Nhưng phải lợi dụng nó để chữa bệnh cho chúng sanh.
Ðiều này Duy Ma đã thực hiện. Từ khi xuất hiện cho đến lúc từ giã cuộc đời, Ngài đã làm việc đáng làm, không người nào không thọ ơn tế độ của Duy Ma, không ai không cảm mến Ngài. Thân này quan trọng nếu biết vận dụng nó thành thân công đức.
 Ðứng trên lập trường Bồ tát, thân là phương tiện rất lớn. Tuy thân vô thường, nhưng đừng nhàm chán. Ý niệm này làm đảo lộn lời Phật dạy Thanh văn trước kia rằng thân vô thường, ta đừng nhận nó, vì có thân có khổ.
Trái lại, dưới kiến giải của Bồ tát, có khổ mới nên thân. Ðây là câu nói của Ỷ Lan thứ phi. Bà về triều đình, phải đối phó thật nhiều khó khăn với những người quyền thế dòng dõi trâm anh. Nhưng với cái nhìn sáng suốt thấy rõ từng người, từng hoàn cảnh, bà không giải quyết bằng sức mạnh hay quyền thế. Mọi việc đều êm thắm tốt đẹp, khi bà được vua giao quyền nhiếp chính trong lúc ông đi đánh giặc ở Chiêm Thành. Chính hoàn cảnh khó khăn đã un đúc cho bà vận dụng được cái khổ mà làm an vui cho người, thành tựu biết bao điều lợi ích cho dân tộc.
Ðiều thứ hai, Duy Ma nhắc Bồ tát Văn Thù khuyên Bồ tát có bệnh rằng đời là khổ.
 Bồ tát thọ sanh thân chịu khổ, nhưng không đòi hỏi vật chất mà chỉ cần có pháp lữ đồng hành. Duy Ma nói với Văn Thù phải đúng như pháp mà an ủi cảm thông nỗi khổ của đồng bạn đã dấn thân làm việc cực nhọc. Nếu không có sự cảm thông, Bồ tát sẽ dễ sanh tâm đơn côi, chán nản muốn nhập Niết bàn.
Riêng tôi, trên bước đường hành đạo, tôi thường tâm niệm rằng không ai hiểu được mình, thì có Phật hiểu.
Nhân có sanh thân khổ đau, lại sống trên thế gian đủ thứ khổ, Bồ tát nên vận dụng cái khổ để cứu người, làm thay cho Bồ tát không có sanh thân. Vì vậy, Bồ Tát Văn Thù dạy họ đừng có ý nghĩ nhập Niết bàn. Ðây là phần truyền đạt của Bồ tát vô hình cho Bồ tát sanh thân, cũng là một trong mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ tát xin Phật đừng vào Niết bàn. Dù chúng sanh có cang cường đến đâu chăng nữa, Ngài hãy ở lại cuộc đời với chúng con.
Ðiều thứ ba : Duy Ma dạy khi thăm bệnh Bồ tát, nói cho họ biết tất cả pháp đều KHÔNG.
Khi hành giả nâng trình độ, thì thấy thế giới này KHÔNG, không có gì thật tồn tại. Một ngày bao nhiêu chúng hữu tình đi về cõi chết và cũng trong một ngày bao nhiêu chúng hữu tình xuất hiện trên cuộc đời.
Nhìn xa thêm, chúng sanh nói vật chất có thật, nhưng Bồ tát nâng tầm nhìn đến độ thấy tất cánh KHÔNG. Nếu dùng đôi mắt trí tuệ hay mắt khoa học quan sát thì có gì không phải là KHÔNG đâu. Cho đến một nguyên tử nhỏ nhất cũng là vật rỗng, huống chi tất cả pháp trên thế gian. Những khối lượng vật chất do các nguyên tử kết hợp thành, mà nguyên tử đều rỗng không. Sự thật có một điện tử chính và nhiều điện tử phụ chạy chung quanh làm cho nguyên tử tồn tại.
Trong kinh Bát Nhã, Bồ tát Quan AÂm quan sát ngũ uẩn giai KHÔNG, sắc chất, cảm thọ, suy tư, hiểu biết đều là KHÔNG. Tất cả người và tất cả những gì trên cuộc đời đều là KHÔNG. Chắc chắn ta chỉ có một cái là cái KHÔNG. Không ai giữ được gì, khi lìa bỏ thân này.
Bồ tát giống Thanh văn thấy tất cả việc trên cuộc đời đều hoàn KHÔNG. Nhưng Duy Ma nhắc họ rằng tất cả đều trở về KHÔNG, thấy pháp là giả, không bền chắc. Nhưng đừng từ bỏ hạnh Bồ tát, đừng bỏ chúng sanh.
Khi chưa thành Phật, ta dễ vướng mắc vào ý niệm rằng làm việc gì phải có lợi ích cho hiện tại và tương lai, ta mới hăng hái làm. Làm để hoàn không, chẳng ai muốn làm nữa. Duy Ma nói với Văn Thù khuyên họ tuy cuối cùng việc hoàn KHÔNG, nhưng đừng từ bỏ Bồ tát hạnh.
Thấy KHÔNG để ta không tham đắm thế gian. Tất cả vọng tưởng ham muốn thế gian mất trong lòng ta. Nhưng từ chữ KHÔNG này, sanh ra cái có, nên bảo Bồ tát đừng bỏ Bồ tát hạnh.
Trong lúc Bồ tát nhập ấm chưa hiểu cái Có nằm trong cái KHÔNG, thường rớt vô một trong hai : CÓ hoặc KHÔNG. Nói có để tham chấp là cái nhìn của thế gian, còn nhị thừa Thanh văn chấp KHÔNG để từ bỏ. Cả hai đều sai lầm.
Thật ra nghĩa KHÔNG quá rộng. Cả cuộc đời chúng ta chưa chắc đã chứng nghiệm đủ. Nhận chân được nghĩa KHÔNG để hành giả từ bỏ tâm chấp trước, vọng tưởng điên đảo. Từ bỏ được tâm này, tâm chơn như mới hiện ra.
 Bồ tát Văn Thù thể hiện hoàn toàn nghĩa KHÔNG này. Trong cái KHÔNG vẫn hiện hữu cái CÓ mới thực sự là KHÔNG. Thật vậy, Văn Thù tiêu biểu cho trí giác, trí giác thì vô hình, không phải sanh thân nhưng vẫn hiện hữu. KHÔNG là không có quái ngại, không khổ ách, tâm hoàn toàn giải thoát; TA vẫn là TA ở dạng chơn ngã.
 Ngược lại, lầm tưởng KHÔNG rồi từ bỏ Bồ tát hạnh, là bỏ hành vi tạo tác tốt. Tư tưởng chúng ta chuyển biến không dừng nên chỉ cần đổi suy tư trở thành Bồ tát hạnh. Nhờ dòng tri thức vẫn diễn biến bình thường, liên tục, mới giữ lại hạt nhân Bồ tát hạnh. Nếu bỏ Bồ tát hạnh, chắc chắn chúng ta sẽ rớt qua phàm phu. Ngày nào còn hiện hữu, hành giả làm hết khả năng cống hiến cho cuộc đời.
Thấy KHÔNG để không ham, chỉ làm cho người hưởng. Ở trong địa vị, hoàn cảnh nào cũng đem hết khả năng phục vụ chúng sanh, dân tộc.
Không phải thấy vô thường, khổ, không, vô ngã mà buông xuôi hai tay chờ chết, phí phạm cả sanh thân quý giá. Nhắm mắt, đưa chân, mặc con tạo xoay vần, không làm, không phải nghĩa KHÔNG của đạo Phật.
 Bồ tát không bệnh khuyên Bồ tát bệnh một cách sai lầm, họ sẽ nhập Niết bàn ngay. Về điểm này, tôi nhận thấy quý Thầy thường khuyên người khổ đi tu.
 Theo tôi, khi họ khổ, chúng ta khuyến khích giúp họ phát triển lên. Không nên cho họ xuất gia để mang cả bể khổ vào chùa. Ðiều cần thiết muốn xuất gia phải có nhân duyên căn lành. Không phải nghèo đói bệnh tật xuất gia như đa số thường lầm.
Bồ tát thấy KHÔNG nhưng hiện hữu trở thành cần thiết. Chính Ðức Phật khác La hán ở điểm này, Ngài lưu nhục thân hành đạo ở Ta bà đến 49 năm.
Từ góc độ KHÔNG, Bồ tát thấy các pháp luôn biến hóa. Các Ngài lợi dụng biến hóa của các pháp mà chuyển đổi nó trở thành tùy thuận. Còn chúng sanh thì đau khổ vì bị pháp biến hóa chi phối.
Pháp KHÔNG là không có thật thể, luôn biến đổi không dừng. Bồ tát quán pháp KHÔNG bằng cách sử dụng biến đổi này, gạn lọc chuyển xấu thành tốt. Từ đó, Bồ tát luyện pháp KHÔNG, xả thân lăn lóc trên cuộc đời cứu nhân độ thế, giúp cho chúng sanh đồng thành Phật. Ðó là Bồ tát thương nhân gian sanh lại hay Bồ tát Thích Ca thực sự giải thoát vì thương nhân gian sanh lại.
 Vì vậy tu chứng pháp KHÔNG của Bồ tát phải giải quyết tất cả tồn tại của nhân gian. Bồ tát thấy chúng sanh khổ phải cứu, thấy Ta bà ô trược phải làm cho nó thanh tịnh như thế giới Phật.
Vì vậy tịnh Phật quốc độ và giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm. Ngày nay là bồi đắp cho xã hội chúng ta đang sống, nâng tri thức và đời sống của mọi người, xây dựng phát triển cho xã hội văn minh giàu đẹp. Và chúng sanh bướng bỉnh, ta phải giáo hóa họ thành thuần thục, hữu ích cho xã hội.
Tuy thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp văn minh mà chúng ta hưởng ngày nay, là kết tinh của hàng ngàn triệu năm trước, được từng thế hệ dày công xây đắp. Ðó là ý chính của Duy Ma dặn Văn Thù đừng quên nhắc Bồ tát sanh thân làm thế nào biến Ta bà thành Tịnh độ như thế giới Diệu Hỷ của Phật Vô Ðộng.
Trở lại thực tế, chúng ta tu Ðại thừa nhưng thường quán pháp KHÔNG của Tiểu thừa. Từ đó, bỏ tục xuất gia, không quan tâm đến cuộc đời. Tu một khoảng thời gian, trở thành ốm bệnh, cho đến khi chết là chấm dứt cuộc đời; chúng ta được gì ? Tu như vậy chẳng khác gì đưa Phật pháp vào chỗ diệt vong,
Phật pháp còn tồn tại ngày nay và riêng tôi làm pháp sư, là nhờ các bậc Thầy Tổ đã dày công đào tạo. Chúng ta có bổn phận tiếp tục giáo dưỡng, xây dựng cho thế hệ kế tiếp. Tinh thần Ðại thừa xây dựng trên căn bản nhân duyên quán, quan sát các pháp sanh diệt thế nào, tùy theo đó xây dựng mô hình người đệ tử Phật tốt đẹp nhất. Bồi đắp cho thế hệ mai sau, dồn tình thương cho nhân loại, làm sáng đẹp cho đời, chúng ta tồn tại mãi mãi với con người.
Ðiều thứ tư : Duy Ma nhắc Bồ Tát sanh thân rằng các pháp đều vô ngã.
Chúng ta thường nghĩ đến ngã và ngã sở, nghĩa là luôn nghĩ đến ta và sở hữu chung quanh ta. Lúc nào cũng phải bảo vệ những thứ đó, trở thành đối kháng với người. Bồ tát sanh thân quán sát lại tứ đại ngũ uẩn có phải là mình không?
 Tứ đại ngũ uẩn là tổ hợp vật chất và tinh thần. Nếu lấy cái tổ hợp này và những liên hệ xung quanh tự xem là TA, sẽ khổ với cái TA đó; vì thấy nó có thật, nhưng cuối cùng cũng phải chết, cũng hoàn không. Vì vậy, Phật dạy pháp vô ngã để phá chấp ngã ấy.
Phật dạy Thanh văn rằng con người do nhân duyên giả hợp mà thành. Nhân duyên ly tán con người không còn. Tuy nhiên, Duy Ma nhắc thêm khi Ngài sanh trên thế gian, thấy được bản chất thật của thân là vô ngã, không giữ được; nhưng Ngài không từ bỏ thân này. Vì nhận chân được thân này là phương tiện tốt nhất cho chúng ta thăng hoa trên lộ trình Bồ tát đạo và cùng dẫn dắt người đồng phát triển lợi lạc giải thoát.
Văn Thù tiêu biểu cho trí, không có thân vật chất hay thân ngũ uẩn. Bồ tát Pháp thân như Văn Thù không thọ sanh thân, nên không biết mọi việc biến chuyển của ngũ uẩn.
 Thật vậy, sinh hoạt của Bồ tát Pháp thân chỉ liên hệ với thế giới Phật, nên không cảm nhận được mọi sinh hoạt thế gian, không tế độ được. Hay nói đơn giản hơn, người chết nói chuyện với người sống rất khó.
 Bồ tát muốn giáo hóa chúng sanh phải ứng hóa thọ sanh thân. Khi nhập ấm hay mang sanh thân, bên ngoài Bồ tát giống y chúng sanh, nhưng cốt lõi bên trong hay thần thức hoàn toàn khác.
Bồ tát nhập ấm có thân phải có bệnh và Văn Thù hỏi làm thế nào chữa bệnh của Bồ tát. Theo Duy Ma, bệnh của Bồ tát là do tâm đại bi mà bệnh.
Chính Ðức Phật vì lòng đại bi mà sanh trên cuộc đời này. Khi chưa thành đạo, Ngài vẫn là con người phải chịu đựng tất cả những gì xảy đến cho sắc thân người. Nhưng có sự khác biệt bên trong là không ai thương chúng sanh hơn  Phật. Ngài trải tâm từ với tất cả muôn loài. Vì thương chúng sanh nên mới cưu mang chúng và Ngài trở thành chúng sanh như các chúng sanh khác.
Thọ sanh thân rồi, Phật quan sát về thân và những liên hệ xung quanh Ngài, xem Ngài là gì và thế giới xung quanh là gì. Chính nhờ Phật mang thân người, Ngài mới quan sát được con người, xã hội của con người và thế giới con người. Trong thân người, Ngài thấy được ba tụ điểm chính : ngũ ấm, chúng sanh và quốc độ. Theo Phật, chúng sanh và quốc độ cũng đều phát xuất từ ngũ ấm mà ra.
Vì có thân nên có ngã và ngã sở mới có bệnh. Có ngã và ngã sở thì tánh pháp giới mới thu hẹp lại trong con người ta. Từ hiểu biết bao la, ta thu hẹp lại thành ngũ uẩn thân con người, nên Văn Thù bảo có bệnh.
 Lúc trước sống với chân tánh, ta thông suốt các pháp dễ dàng. Nay cuộc hạn trong thân con người, hiểu biết của ta chỉ giới hạn trong sáu căn tiếp xúc với sáu trần là cái biết hạn hẹp trong phạm vi con người, làm mất đi sự linh hoạt của chân tánh. Ta đã rời bỏ pháp giới bao la để về sống trong hữu hạn của thân, nên phải chịu sự ràng buộc của thân, phải khổ vì nó.
Tuy nhiên, đối với Bồ tát, có khổ mới nên thân. Các Ngài lấy khổ làm đối tượng để quan sát tu hành. Và khi thoát khỏi cảnh khổ thế gian, thì  trở lại cứu độ chúng sanh. Duy Ma mới nhắc rằng tuy khổ, nhưng Bồ tát đừng vào Niết bàn.
Phật cũng bước theo lộ trình này. Khi còn là thái tử, mối suy tư của Ngài về ta là gì và thế giới chung quanh ta là gì. Tiền đề này được thái tử đặt ra để dấn thân. Qua quá trình trắc nghiệm bằng suy tư, việc làm trong năm năm tìm đạo, sáu năm tu khổ hạnh, Ngài đã tìm đến các đạo sĩ hay chân tu.
Tuy không ai giải đáp được, nhưng nhờ những nhận thức sai lầm của họ, Ngài rút ra nhận thức chính xác, kiểm chứng được tâm con người và hoàn cảnh con người gọi là đắc đạo.
 Trước khi đắc đạo, dù cố gắng tu học đến đâu Ngài cũng chỉ là Sa môn Cù Ðàm. Nhưng đến mùng 8 tháng chạp, Ngài vụt thành Phật khám phá ra quy luật cấu tạo, điều động con người và vũ trụ. Từ đây về sau, tuy vẫn mang thân người mà không giống con người của Sa môn Cù Ðàm trước kia. Ngài đã  có nếp sống giải thoát và ảnh hưởng cho người giải thoát theo, thể hiện trọn vẹn tư cách của Phật.
Lộ trình tu của Phật rõ rệt. Giai đoạn đầu, tu hành đắc đạo và giai đoạn hai mới giáo hóa chúng sanh, nhưng không có chúng sanh nào bị Phật giáo hóa mới thật là giáo hóa.
 Trong 49 năm hành đạo, tâm Phật giải thoát hoàn toàn, khác hẳn tâm khắc khoải tha thiết lúc đi tìm đạo. Lúc đó, chỉ có năm anh em  Kiều Trần Như mà Ngài cũng không độ được. Ðến khi thành đạo rồi, Ngài sống thản nhiên bình dị, không tha thiết giáo hóa mà vẫn hành đạo một cách tự tại, gọi là vô trước vô phược.
 Ngược lại, Bồ tát giáo hóa chúng sanh còn có trước có phược, không phải là Bồ tát hạnh. Thông thường, Bồ tát hành đạo có mục tiêu, nên bị mục tiêu ràng buộc dễ sanh phiền muộn. Có chấp trước và bị ràng buộc mà nghĩ cởi trói cho người, chắc chắn lạc vào sai lầm.
 Phật dạy tâm đại bi của chúng ta khởi đầu phát xuất từ Pháp thân hoàn toàn trong sạch. Nhưng thọ ngũ ấm rồi, thì những gì chúng sanh lãnh chịu, ta cũng có đủ. Chúng sanh có ái kiến ta có ái kiến và ái kiến này cộng với tâm đại bi thành đại bi ái kiến. Nghĩa là tâm đại bi với đầy chấp trước, triền phược, phiền não.
Khi thương chúng sanh, Duy Ma dạy chúng ta rằng tâm đại bi thuần, thì tâm đó là của Bồ tát Pháp Thân. Nhưng tâm đại bi có ái kiến, thì thuộc về Bồ tát sanh thân. Lìa ái kiến, ta xây dựng cho người trưởng thành, nhưng người đó không chi phối được ta.
Phật xa rời ái kiến, nên giáo hóa tất cả chúng sanh mà không bị chúng sanh làm phiền muộn. Duy Ma nhắc nhở chúng ta cẩn thận kẻo rớt vào ái kiến.
Quán sát xem nếu phát xuất từ tâm chân như, ta rất bình thản trước mọi việc mà vẫn ảnh hưởng cho chúng sanh.
Phát xuất từ ái kiến đại bi thì trở thành hữu hạn, vì nó làm ta phiền não, khởi bệnh. Lúc ban sơ ta cũng thương người và giúp người. Khi họ không còn làm vừa lòng, ta không thương họ được nữa. Lúc ấy, ái kiến đại bi chỉ còn lại ái kiến.
 Nói chung, tình cảm phát xuất từ nhìn, nghe, phân biệt, cố chấp..., rút gọn là ái kiến. Khi chưa mang ngũ ấm thân, chỉ có đại bi. Nhưng có ngũ uẩn, ta cõng thêm ái kiến.
Hành Bồ tát đạo phải bỏ ái kiến, chỉ giữ đại bi nghĩa là từ Bồ tát sanh thân trở lại dạng Bồ tát Pháp thân của mình. Ðạt đến trạng thái này, hành giả không còn thấy khổ trên cuộc đời. Hành giả chỉ thuần tâm đại bi, mà còn được lợi là có thân tứ đại. Nó giúp hành giả đi khắp nơi làm lợi lạc chúng hữu tình.
 Nhờ Bồ tát vô hình nhắc, Bồ tát thọ sanh thân mới biết mình có hai phần ái kiến và đại bi. Gạn lọc ái kiến để có thuần đại bi là quá trình tu thanh lọc thân tâm, dứt bỏ phiền não.
Bồ tát Hộ Minh hay Sĩ Ðạt Ta hiện hữu trên cuộc đời có ái kiến như mọi người. Nhưng qua 6 năm, cắt bỏ hoàn toàn phần bệnh ái kiến, Ngài thành đạo. Từ đó, Phật dùng thân tứ đại ngũ uẩn làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Khi tại thế, uy đức của Ngài ảnh hưởng rộng đến xã hội đương thời và Ngài Niết bàn vẫn còn chỉ đạo cho nhân loại.
Bồ tát trên nhân gian có bệnh được Bồ tát không bệnh đến an ủi. Hai Bồ tát nói chuyện với nhau cho chúng ta thấy ý nghĩa thứ nhất là cuộc đối thoại giữa hai người ở hai thế giới giải thoát và khổ đau.
Văn Thù tiêu biểu cho giới xuất gia và Duy Ma tiêu biểu cho người tại gia. Người xuất gia không dính líu cuộc đời, không thể tồn tại và Phật pháp cũng không sống còn được. Tương quan giữa xuất gia và tại gia ví như cá và nước. Người thế tục gánh nặng cung cấp thực phẩm cho hàng xuất gia và sản xuất ra những đồng tử khỏe mạnh, thông minh, đạo đức, đem hiến dâng cho giới xuất gia. Nhờ đó mới có được cao Tăng.
 Khi họ thấy khó, nản lòng, chúng ta phải vỗ về an ủi, nuôi tinh thần vì đạo cho họ. Người xuất gia phải thấy nguồn hộ đạo quan trọng như vậy, mà bồi đắp cho cư sĩ vững niềm tin vì đạo, thì Phật pháp mới trường tồn.
Văn Thù thăm bệnh Duy Ma nói lên mối quan hệ giữa tại gia và xuất gia. Giới xuất gia mang trí tuệ rọi sáng cuộc đời, giúp đời thăng hoa, làm cho hàng cư sĩ thấy ánh sáng tình thương và trí tuệ của đạo Phật mà sanh tâm hộ đạo.
Ngoài nghĩa trên, Văn Thù vấn an Duy Ma để nói lên sự liên hệ vô hình tuy không thấy bằng mắt, bằng suy nghĩ bình thường nhưng là sự thật. Thiếu niềm tin này, hành giả không tu được. Chúng ta quán sát kỹ thấy người tu nữa vời, vì thiếu quan hệ với Phật. Sống trong thế giới tôn giáo, chúng ta thường cảm nhận Phật chứng biết cho lòng chí thành của chúng ta trên bước đường hành đạo. Nói cách khác, đó là quan hệ giữa Bồ tát Pháp thân và sanh thân qua dạng đồng thể, mới bắt gặp được.
 Nghĩa thứ ba của cuộc đối thoại giữa Văn Thù và Duy Ma đưa trở về thực tại là Văn Thù và Duy Ma đều nằm gọn trong Phật Thích Ca.
Bồ tát không bệnh, không ai khác hơn là Bồ tát Thích Ca đã xuất hiện trên cuộc đời, là người trong sanh tử xa rời sanh tử chứng Niết bàn, là người đã dạy chúng ta pháp giải thoát.
Và ở Ta bà, Văn Thù đến nhắc chúng ta cách chữa bệnh để được giải thoát không ai khác, mà cũng chính là Thích Ca. Văn Thù là Thích Ca, Thích Ca là Văn Thù. Không có một Văn Thù riêng khác.
Thật vậy, chúng ta thấy rõ Phật nói về việc của Ngài. Nhưng chúng ta cứ lầm tưởng Ngài nói về Văn Thù hay Duy Ma ở nơi xa xôi nào. Phật mượn hai nhân vật vô hình để diễn tả việc tu hành của Ngài. Khi chưa thành Phật, Ngài là người đau khổ trên trần gian như mọi người.
 Nhưng Ngài từ bỏ quyền lợi thế gian đi tìm chân lý, được diễn tả bằng hình ảnh Duy Ma hướng tâm nghĩ đến Phật và được Phật đáp ứng bằng cách sai Văn Thù đến thăm. Cũng vậy, Ðức Thích Ca ngồi ở Bồ đề đạo tràng tư  duy Thiền định, hướng tâm về chân lý. Tuệ giác vô lậu sanh ra hay trí vô lậu đến thăm Ngài, mọi khổ ách đều tan.
Ðến đậy, Ngài định vào Niết bàn. Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng mười phương Phật hiện ra tiếng Phạm an ủi Ngài và cõi Trời thỉnh Phật thuyết pháp. Phật chuyển pháp luân thành lập Tam Bảo ở Lộc Uyển. Ngài vì năm anh em Kiều Trần Như nói pháp tứ thánh đế và sau đó vì các Bồ tát nói sáu pháp ba la mật.
Ðiểm này cũng đồng với Văn Thù nói pháp trong kinh Duy Ma vì 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn và trăm ngàn chư Thiên đi theo.
 Và tiến xa hơn, chúng ta thấy rõ ý muốn diễn tả Ðức Phật Thích Ca qua ba câu trả lời của Duy Ma về ba vấn đề : nguyên nhân Duy Ma bệnh, Ngài bệnh bao lâu và có cách gì để chữa trị, hay đó là ba vấn đề chính của Phật Thích Ca ở Ta bà.
 Kinh mượn Duy Ma để diễn tả ý tưởng sau khi Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, vì thương nhân gian, Ngài phải chấp nhận cái khổ của con người. Ngài trở lại cuộc đời, sử dụng phương tiện trí lực, khai ra tam thừa giáo độ chúng sanh.
 Duy Ma hội nhập vào đời, giới nào cũng được Ngài tiếp xúc giáo hóa, ắt hẳn không ai khác hơn là hình ảnh Ðức Thích Ca lặn lội dọc bờ sông Hằng suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh. Ngài không bỏ sót một ai, tiếp độ từ hàng vua chúa cho đến bà già ăn mày.
Theo tôi, Duy Ma tiêu biểu cho thật trí của Phật. Duy Ma là dạng sanh thân của Phật và Văn Thù diễn tả Pháp thân Phật. Sanh thân và Pháp thân này tạo muôn ngàn công đức ở thế gian, làm thành Báo thân Phật. Ðó là kiến giải của kinh điển Ðại thừa diễn tả Ðức Phật qua ba nhân vật : Thích Ca, Duy Ma và Văn Thù. Nhưng thật sự chỉ là một Ðức Phật Thích Ca được hiểu dưới ba dạng khác nhau.
Ðức Phật khai phương tiện, mượn hai nhân vật Văn Thù và Duy Ma hay kết hợp giữa trí chân thật và trí phương tiện để đưa ra 84 ngàn pháp tu.
 Toàn bộ giáo lý Phật được triển khai san sát nhau giữa trí phương tiện và trí chân thật. Nếu chỉ giữ phương tiện làm gốc, không có chân thật, hành giả lao vào đời một lúc sẽ đọa. Ngược lại, chỉ ôm chặt trí chân thật mà không sử dụng được phương tiện, không thể làm lợi ích cho đời. Ðức Phật mang lợi lạc cho mọi người, tâm hồn Ngài vẫn an nhiên trong sáng.
Theo giáo sư Nomura, Văn Thù và Duy Ma lý luận với nhau không có kẽ hở để nhét cọng tóc. Nói cách khác, giáo lý Phật và phương tiện của Ngài ăn rập với nhau san sát. Những gì Phật dạy, thì các nhà nghiên cứu thấy là bình thường. Nhưng phải khẳng định rằng bình thường này dính liền với chân lý hay chân lý và bình thường là một thể, không tách rời được, không thể nhét cọng tóc được.
Chân thật trí và phương tiện trí thể hiện trong con người Phật. Ngài nói trăm vạn pháp môn khác nhau, nhưng đối với chân lý, chúng vẫn không chống đối, mâu thuẫn nhau. Trong 49 năm, Phật thuyết pháp giáo hóa không sai lầm. Ai đến với Ngài, đều được giải thoát. Dù gặp một lần, cúng một bông hay đưa một tay chào Ngài, cũng là hạt nhân để thành Vô thượng chánh đẳng giác. Và đến nay, chúng ta vẫn còn an trú giải thoát trong pháp Phật.
Lộ trình tự chữa bệnh cho mình và người của Duy Ma cũng vậy. Ngài diễn tả cách khác, bằng một nhân vật khác để chúng ta dễ hiểu.
Sự thật Duy Ma là Bồ tát Hộ Minh và khi thọ sanh thân cũng có ái kiến. Nhưng khác chúng sanh, Ngài có thêm đại bi. Và cuối cùng dốc tâm tu, thành đạo hay trí Văn Thù sanh ra, thấy rõ muôn sự muôn vật, mang lợi lạc cho cả thành Tỳ Da Ly.
Với phương thuốc chữa bệnh mà Phật đã chứng nghiệm là sáu pháp ba la mật, bốn vô lượng tâm, 37 trợ đạo phẩm, Bồ tát nương theo đó để chữa cho chính mình, điều chỉnh tâm thành tốt, loại bỏ được ái kiến.
Hàng thượng căn có cơ thể khỏe, tâm hồn trong sáng, trí tuệ tuyệt vời, bản tâm thanh tịnh hoàn toàn, hoàn cảnh sống tốt kèm theo tâm đại bi bao phủ muôn loài. Trên cuộc đời này duy chỉ hiện hữu một thái tử Sĩ Ðạt Ta đầy đủ những đặc tính tuyệt hảo này. Ngài chỉ cần xóa tan ái kiến liền thành bậc Vô thượng chánh đẳng giác ngay tức khắc.
Hàng trung căn có cấu trúc cơ thể phức tạp hơn, phiền muộn hơn, phải áp dụng nhân duyên quán, đi vào ngách quyền thừa, thâm nhập thế giới Bát Nhã, thấy tất cả vật ở thế gian là KHÔNG. Bồ tát Long Thọ trải qua lộ trình này, đạt được tâm vô trước vô phược. Thấy không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thì không còn chấp vào đâu. Nếu có chấp là chấp KHÔNG và xóa KHÔNG này, cũng nhập Bồ tát đạo.
Hạng thấp nữa, không đủ khả năng quán nhân duyên, tâm ái kiến dày đặc. Lúc nào lòng cũng nặng trĩu chuyện hơn thua, thương ghét. Hạng này hoàn toàn là chúng sanh nên phải hạ một nấc, tu Thanh văn thừa, tìm xem trong 37 trợ đạo phẩm, pháp nào thích hợp thì dùng chữa bệnh ái kiến.
 Nếu không qua cửa này mà cứ tiếp tục phát triển ái kiến. Nghĩa là cứ phát huy tình thương nhân loại, trong khi tham sân nghiệp chướng vẫn đầy rẫy, là tu sai pháp, lạc vào con đường mất tâm đại bi giữ lại ái kiến. Như vậy, chẳng khác nào khi tu phát khởi tâm cứu khổ chúng sanh, rồi sau lại rớt vào địa ngục.
Ngày nay, cũng khởi tu từ ngũ ấm thân, chúng ta từng bước suy tư xem Phật nghĩ gì, làm gì để tự kiểm tra mình. Chúng ta điều chỉnh, gạn lọc thân tâm bằng 37 trợ đạo phẩm, 12 nhân duyên, 6 pháp ba la mật để ra khỏi nhà lửa sanh tử.
 Khi hoàn toàn giải thoát, đầy đủ tâm đại bi thuần thục, không gợn chút bọt ái kiến, mới có thể chữa bệnh cho người thăng hoa trên lộ trình giác ngộ.

--- o0o ---

Phẩm 1>>2>>3>>4>>5>>6>>7>>8>>9>>10>>11>>12>>13>>14
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com