Home » , » Lược giải Kinh Pháp Hoa - Phẩm 3

Lược giải Kinh Pháp Hoa - Phẩm 3

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012 | 00:41



LƯỢC GII
KINH PHÁP HOA
Hòa Thượng Thích Trí Quảng

MỤC LỤC

Lời tựa
Lịch sử kinh Pháp Hoa
Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa
Phẩm 1:  Tựa
Phẩm 2:  Phương tiện
Phẩm 3:  Thí dụ
Phẩm 4:  Tín giải
Phẩm 5:  Dược thảo dụ
Phẩm 6:  Thọ ký
Phẩm 7:  Hoá thành dụ
Phẩm 10: Pháp sư
Phẩm 11: Hiện bảo tháp
Phẩm 13: Trì
Phẩm 14: An lạc hạnh
Phẩm 22: Đà la ni
Phẩm 25: Phổ Môn
Phẩm 28: Chúc Lụy



Phẩm 3
THÍ DỤ

I. LƯỢC VĂN KINH

Xá Lợi Phất vui mừng bạch Phật rằng : “Hôm nay con theo Phật nghe pháp, thấy các vị Bồ tát được thọ ký thành Phật. Trong khi chúng con lại không được, nên rất buồn, tự nghĩ rằng chúng con và Bồ tát đồng một pháp tánh. Tại sao Đức Như Lai lại dùng pháp Tiểu thừa dạy chúng con. Nay con mới biết Phật dùng phương tiện để dụ dẫn chúng con. Lúc mới nghe nói con sẽ thành Phật, con tự hỏi phải chăng ma giả Phật để não loạn tâm con ? Bây giờ, con đã hết nghi và tin chắc rằng con là Phật tử, từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật, con sẽ thành Phật”.
Phật cho Xá Lợi Phất biết xưa kia Ngài đã từng giáo hóa ông tiến đến quả vị Phật. Nhưng ông quên, tưởng rằng được diệt độ. Trong khi thực sự ông chưa đạt đến cứu cánh giải thoát. Để nhắc Xá Lợi Phất nhớ đến bổn nguyện xưa và đạo Bồ tát mà ông đã tu, Phật nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm. Và Ngài thọ ký cho Xá Lợi Phất trong vô lượng kiếp vị lai sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, nước tên Ly Cấu, kiếp tên Đại Bửu Trang Nghiêm. Đức Phật Hoa Quang thọ 12 tiểu kiếp. Đại chúng thấy Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, lòng rất vui mừng, dâng y và rải hoa cúng dường Phật.
Xá Lợi Phất liền thưa : “Trước kia, Phật dạy nếu lìa sanh già bệnh chết là đến Niết bàn. Hàng Thanh văn đã thực hành theo, ai cũng tưởng được Niết bàn rồi. Nay Phật lại đưa ra một pháp mới chưa từng nghe, cho rằng Niết bàn của chúng con chưa rốt ráo. Con e rằng hàng Thanh văn còn nhiều nghi ngờ. Cúi xin Đức Thế Tôn giải thích”.
Phật đáp rằng trước kia, tôi đã từng nói tất cả giáo pháp giảng dạy đều là phương tiện đưa đến Vô thượng chánh đẳng giác. Nhưng nay để nhắc lại cho hàng trí thức hiểu được, tôi dùng thí dụ sau. Có một người giàu có, tuổi lớn, có một căn nhà rộng nhưng lại mục nát và thú độc rất nhiều, lại thêm đang bị lửa cháy mà cửa ra thì chỉ có một cái nhỏ hẹp. Dù nguy hiểm trước mắt, các con của ông vẫn chơi giỡn, không sợ sệt và cũng không muốn chạy ra. Họ không biết lửa là gì, chết thiêu là gì. Ông liền dùng phương tiện nói với các con rằng : “Cha có đồ chơi đẹp lắm, nào là xe dê, xe hươu, xe trâu. Hãy mau ra đây, cha cho”. Các con nghe vậy kéo nhau ra khỏi nhà lửa, đến bên cha đòi đồ chơi. Ông liền cho các con một thứ xe lớn rất tốt đẹp.
Đến đây, Phật hỏi Xá Lợi Phất : “Ông trưởng giả hứa cho ba thứ xe, nhưng nay lại cho một thứ lớn tốt nhất. Như vậy ông có nói dối không ?”. Xá Lợi Phất thưa rằng dù ông trưởng giả chẳng cho một vật gì cũng không phạm tội nói dối, huống chi là cho thứ lớn tốt nhất. Việc hứa cho xe chỉ là phương tiện để cứu các con ông ra khỏi nhà lửa.
Phật khen “Đúng thế, Như Lai là cha của tất cả chúng sanh. Thấy chúng sanh khổ sở trong nhà lửa, mà cứ vui chơi không biết đang bị lửa đốt, chẳng sợ sệt, chẳng nhàm chán. Như Lai mới nghĩ phương cách cứu chúng. Như Lai dù đã ra khỏi thế gian, vẫn trở lại để cứu chúng sanh khỏi nạn lửa sanh già bệnh chết, lo buồn khổ não, ngu si, tối tăm, dạy cho chúng đạo Vô thượng chánh đẳng giác.
“Như Lai biết rõ không thể giảng trí tuệ cho chúng sanh đang bị thiêu đốt hiểu được. Ngài phải dùng phương tiện nói tam thừa : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Giống như ông nhà giàu cho các con mỗi người một xe lớn khi chúng ra khỏi nhà lửa. Như Lai cũng vậy, khi chúng sanh đã thoát khỏi khổ não của tam giới bằng cửa Thanh văn, Duyên giác hay là Bồ tát, Như Lai đều đem pháp Đại thừa, cho họ hưởng thú vui thiền định, giải thoát”.
Sau cùng, Phật căn dặn đừng nên nói kinh này cho hạng người phàm phu trí kém, ham mê ngũ dục, kiêu mạn, lười biếng, nhiều tự ái. Họ sẽ không tin, phỉ báng lời Phật dạy, phải chịu quả báo thật đáng sợ. Chỉ nên nói kinh này cho hạng người lợi căn, trí tuệ sáng suốt, học rộng nhớ dai, lòng mong cầu Phật đạo, lánh xa phàm phu bạn ác, giữ giới trong sạch, không giận, hiền dịu, hay thương xót mọi loài, thanh tịnh tu hành, chuyên thọ trì kinh Đại thừa v.v…

II. GIẢI THÍCH
Phật nói pháp phương tiện xong, hàng nhị thừa đều bàng hoàng. Trước kia Phật dạy pháp Tứ đế, họ đã chứng diệt đế Niết bàn. Nay Ngài lại khẳng định tất cả việc làm của Ngài đều là phương tiện, luôn cả sự hiện thân của Phật trên cuộc đời này cũng chỉ là phương tiện. Vậy tam thừa mà các vị này tu chứng được ra sao ? Hay nói cách khác, Niết bàn của họ là thực hay giả ? Nếu tất cả pháp Ngài dạy là phương tiện, thì Niết bàn của họ chắc chắn cũng giả. Ngoài ra, những người được dự vào dòng Thánh từ sơ quả đến tam quả, nghe nói pháp mình đang tu học là giả, cũng hoang mang.
Phần kết của phẩm Thí dụ nói rằng khi nghe kinh này, hàng thượng căn tin hiểu, hàng trung hạ khởi tâm nghi. Hàng thượng căn như Xá Lợi Phất nghe xong pháp chân thật, lãnh hội được ý thâm sâu của Phật, hết sức vui mừng. Từ trước đến nay, Xá Lợi Phất đã hằng suy tư, khao khát pháp mầu này.
Xá Lợi Phất theo Phật nghe pháp, là theo Đức Phật hiện thân trên cuộc đời, sống với Phật trong tình thầy trò. Nương theo phương tiện, lần hồi Ngài chứng đắc quả vị La hán, huệ nhãn được khai mở. Ngài thấy Phật không phải là một Sa môn tầm thường, ngày ngày mang bình bát đi khất thực, không phải là một Đức Phật hữu hình, tu pháp hữu vi; nhưng là Đức Phật siêu hình, thông đạt pháp vô vi và chung quanh có vô số Bồ tát ngày đêm thị tùng nghe pháp. Trong khi Xá Lợi Phất vẫn trụ mãi ở địa vị Thanh văn. Nhận chân được ngoài Đức Phật thị hiện ở thế giới phàm phu, còn có Đức Phật thường hằng bất biến trong thế giới Thật Báo trang nghiêm và thấy Bồ tát siêu hình được thọ ký. Ngài tự cảm nghĩ mình có thực là Phật tử hay không, có mất tri kiến Như Lai hay không, có thành Phật hay không ?
Phật nhận thấy Xá Lợi Phất trải qua một quá trình tu dưỡng, trọn ngày đêm luôn kinh hành tham thiền, suy nghĩ chín muồi, tiếp cận chân lý, Ngài mới khai ngộ và thuyết minh chân lý cho Xá Lợi Phất. Hàng tăng thượng mạn nghe Phật xác định các pháp trước chỉ là phương tiện, họ không thể chấp nhận và bỏ đi. Xá Lợi Phất và các Tỳ kheo khác ở lại, nhận lãnh yếu chỉ, vì họ đã đến gần chân lý, mường tượng thấy man mán chân ly mà Phật chỉ bày.
Xá Lợi Phất đại diện chúng hội nói lên liễu ngộ của Ngài. Từ nay mới biết mình không mất phần tri kiến Như Lai, thực là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật. Từ miệng Phật sanh ra, hay những hành giả khởi tu từ ngoài để tiến lần vào nội giới. Do nghe pháp, tâm hồn yên tĩnh, lấy pháp Phật làm sinh mệnh; Pháp thân nhờ đó hiển hiện, phát triển. Tuy Pháp thân còn bé nhỏ, nhưng không sống theo nghiệp hay vinh nhục của người đời. Mọi việc làm của hành giả không chống trái Như Lai, được Như Lai khai ngộ. Nghĩa là hành giả từ pháp hóa sanh.
Theo lộ trình Pháp Hoa, chúng ta cân nhắc xem mình có phải là Phật tử không. Việc làm, suy nghĩ, khởi niệm của chúng ta có đúng như Phật dạy trong kinh hay không ? Nếu chúng ta làm theo lịnh của cá nhân hay tham vọng, nhất định không phải là Phật tử. Riêng tôi, khi tụng kinh, kiểm chứng lại, tự thấy những lời nói và việc làm của tôi trước kia không sai trái với lời Phật dạy, mặc dù lúc đó tôi chưa hề đọc kinh. Tôi cảm nghĩ rằng nhờ túc nghiệp nhiều đời đã tu, nay gặp mưa pháp, căn lành tự phát.
Căn lành đã gieo trồng, Pháp thân lớn dần, làm bất cứ việc gì cũng không ra ngoài chánh pháp Như Lai. Đó là lộ trình Xá Lợi Phất trải qua 40 năm theo Phật nghe pháp phương tiện, nhưng tu pháp chân thật, Pháp thân được tăng trưởng. Và đến hội Pháp Hoa, Ngài thấy được chân lý, gọi là được pháp phần của Phật. Đọc ý này, gợi nhắc chúng ta tu hành, nếu không có Phật pháp phần nào, chỉ uổng phí cả cuộc đời, thật đáng buồn.
Vấn đề được pháp phần của Phật hay giống Phật thì theo kinh Pháp Hoa được giải thích khác. Trước đó, người nào mang hình thức xuất gia, cạo tóc đi khất thực, người đó giống Phật. Nay Phật xác định lại rằng nếu thông minh, sớm đắc đạo, làm lợi ích cuộc đời, hay đó là hình ảnh Bồ tát mới thực là con Ngài, giống Ngài, thay Ngài đi cứu khổ chúng sanh, không phải là người đói khổ nhờ người cứu giúp. Đến giai đoạn này, hình thức xuất gia và tại gia không quan trọng, chủ yếu phải giống Phật ở nhận thức và việc làm. Tất nhiên, tu luyện cho thành đức, thành tài phải trải qua vô số kiếp gian khổ, không đơn giản. Vì thế, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi hàng tăng thượng mạn không chấp nhận, bỏ đi.
Riêng Xá Lợi Phất nhận thấy Ngài cũng giống Phật, ít nhất cũng theo Phật nghe pháp 60 tiểu kiếp. Nay mới thông minh như vậy và tu đạt quả vị nhanh hơn các đệ tử khác. Phật cho biết từ muôn ức kiếp trước Ngài đã từng dạy kinh Pháp Hoa cho Xá Lợi Phất. Vì thế, nay vừa được nhắc lại, ông liền phát tâm ngay. Xá Lợi Phất thông hiểu được sinh mệnh tương tục miên viễn trên lộ trình Bồ tát đạo. Cứ mỗi kiếp tái sanh có thay đổi lần, cho đến khi Bồ tát hạnh viên mãn, ông cũng thành Phật đầy đủ 32 tướng tốt hiệu là Hoa Quang.
Đây là lần đầu tiên Phật thọ ký cho Thanh văn. Trước kia Bồ tát mới được thọ ký, đối với Thanh văn chỉ được ấn chứng thành A la hán. Quả vị A la hán mà Phật ấn chứng, được hiểu từng chặng đường khác nhau. La hán hiểu theo nghĩa ngoại đạo là người xứng đáng được cúng dường, nghĩa là lấy mức độ cúng dường để xác định tư cách La hán. Theo Phật, La hán không những là người xứng đáng cho trời người cúng dường, mà phần tu chứng bên trong quan trọng hơn. La hán không còn lầm lỗi, không có phiền não, đã hoàn tất việc tự lợi, không bị ràng buộc trong tam giới : Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, tâm được tự tại.
Phật thọ ký cho Thanh văn, chư Thiên rất ngạc nhiên, Thích Đề Hoàn Nhân tán thán như là việc chưa từng có. Lần đầu ông thấy Phật chuyển pháp Tứ đế mà ngoại đạo, ma Ba tuần không chuyển được. Nhưng nay còn tuyệt diệu hơn thế nữa, vì chuyện không bao giờ mong, lại được.
Quan niệm con vua làm vua, hay Bồ tát thành Phật là việc bình hường. Đến Pháp Hoa, Phật xác định ai tu cũng thành Phật, thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt đối. Bà la môn giáo thì áp đặt bốn giai cấp không thể nào thay đổi. Tuy mọi người đều có khả năng làm Phật, nhưng người đã phát tâm Bồ đề, có quá trình tu Bồ tát đạo, tất nhiên việc tu hành của họ trong hiện đời sẽ dễ dàng hơn, ít vấp ngã hơn. Vì thế, Phật dạy các Bồ tát phải tạo cho mình tư cách làm Phật trước. Chuẩn bị tư cách làm Phật đầy đủ mới quan trọng.
Ý thức điều này, từ nhỏ, tôi xuất gia tu hành không ham làm trụ trì hay pháp sư sớm. Chỉ ham học, nỗ lực tu hành phát triển nội chứng. Kết quả trên bước đường thuyết pháp lợi sanh ngày nay, tôi thành tựu nhờ quá trình 40 năm miệt mài rèn luyện khả năng theo kinh điển. Những bạn đồng hành với tôi thích làm pháp sư sớm, không có điều kiện để học, thường bị gãy đổ trong việc hành đạo.
Phật dạy chúng ta tu hành nội bí ngoại hiện. Ai đánh giá thế nào cũng được. Chúng ta lo một lòng chuyên cần nỗ lực tu dưỡng cho đủ tài đức, gặp cơ duyên sẵn sàng dấn thân phục vụ. Điều đáng ngại là khi cơ hội đến, chúng ta lại không có khả năng, không sẵn phương tiện để dùng.
Xá Lợi Phất được thọ ký, hàng trung căn và hạ căn nghi ngờ về pháp tu hành của họ. Xá Lợi Phất biết lòng nghi ấy, liền thỉnh Phật vì những người chưa giải thoát, giảng rõ phương tiện để họ đừng thối chuyển, tiếp tục tu hành. Phật mới nói thí dụ cho hàng trung căn hiểu được. Đây là thí dụ đầu tiên trong 9 dụ của kinh Pháp Hoa gọi là dụ nhà lửa và ba xe.
Chúng ta đừng lầm thí dụ với sự thật. Nếu không ẩn ý của Phật, chấp thí dụ là thật, cũng giống như người chấp ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng. Trong việc giáo hóa, phần lớn Phật dùng thí dụ để chúng ta nương theo đó, hiểu chân lý. Vì phàm phu không thể hiểu chân lý và chân lý cũng không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Kinh Pháp Hoa cao nhất trong kinh điển Đại thừa, Phật cũng xác định Ngài không chỉ thẳng chân lý được, phải dùng thí dụ.
Phật diễn tả chân lý qua hiện thực cuộc đời, nhắm vô sinh hoạt con người đưa ra thí dụ nhà lửa ba xe. Nhà lửa chỉ cho thế giới chúng ta đang sống, ba xe là giáo lý tam thừa của Phật dạy. Khi nào chúng ta còn sống ở Ta bà, pháp Phật vẫn còn tác động. Và chính tác động này luôn thay đổi, biến dịch, sanh trưởng, nhận thức chúng ta không bao giờ chấm dứt. Từ đó, trên bước đường tu, hiểu biết và cảm nhận của hành giả về thí dụ nhà lửa và ba xe cũng không cùng tận.
Dưới nhãn quan xuất thế, vũ trụ bao la, cho đến xã hội chúng ta đang sống, hay thu hẹp lại trong thân một con người, được hình dung như nhà lửa cũ mục nguy hiểm, không bền chắc. Thân con người trong đạo Phật thường được xem là một tiểu vũ trụ, có đầy đủ những gì của thế giới bên ngoài. Thật vậy, thân của chúng ta lúc mới sanh giống như cái nhà mới, đến 70, 80 tuổi nhà trở thành cũ mục. Tuổi càng lớn, nghiệp và phiền não càng đổ ra nhiều, những điều bất như ý tràn đầy trong “chúng ta”. “Chúng ta” này chỉ cho chơn tánh hay con người thực của chúng ta. Con người thực nằm trong thân tứ đại nhơ nhớp mà kinh gọi là viên minh châu. Ý thức được sự giả tạm không bình yên của nhà lửa tam giới, hành giả luôn mang ý niệm thoát ly tam giới.
Riêng tôi cũng vậy, tuy sống trên cuộc đời, trong tâm niệm hằng mong thoát ly tam giới, không có gì trên cuộc đời có khả năng hấp dẫn tôi. Từ ý thức nhìn đời muốn thoát ly, dẫn đến hành động tu tập để thoát ly, là giáo lý căn bản của đạo Phật. Chúng ta không thể nhìn khác. Nhưng thoát ly sanh tử rồi, sẽ có dạng tu tập khác của Bồ tát. Chúng ta đừng lẫn lộn người trần tục và Bồ tát giải thoát. Nếu chưa thoát ly sanh tử, chắc chắn không phải là Bồ tát.
Phẩm này diễn tả giáo lý thoát ly đưa người trần thế đau khổ ra khỏi nhà lửa tam giới đến Niết bàn. Và Niết bàn trong phẩm này gọi là bãi đất trống, ngã tư đường. Đến bãi đất trống, tư cách hành giả đổi khác, việc làm của hành giả cũng sẽ khác. Trái lại, đối với chúng ta còn trong sanh tử, Phật dạy chỉ có một cửa duy nhất để thoát ra là yểm ly sanh tử. Nghĩa là sanh tâm nhàm chán sanh tử, chúng ta mới chạy ra được.
Ý này trong kinh diễn tả bằng hình ảnh nhà của ông trưởng giả rộng lớn, chỉ có một cửa nhỏ để ra vào. Muốn vượt qua cửa nhỏ hẹp duy nhất, hành giả phải xả bỏ tất cả những gì liên hệ, cho đến một tâm niệm nhỏ nhất cũng không được lưu giữ. Hành giả phải thu dọn con người mình cho thật nhỏ. Tinh luyện đến mức tâm hồn phóng khoáng, cao thượng thật sự, đầy đủ trí năng, không còn gì ràng buộc, hành giả mới vượt ra ngoài sanh tử. Nói cách khác, hành giả quét sạch tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuồng, xiểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, v.v… Những thứ vô hình này đeo đẳng theo con người vô hình, đốt chết chơn tánh của hành giả. Cửa nhỏ hẹp gợi cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện Ca Diếp bít cửa động không cho A Nan vào kiết tập kinh điển lần thứ nhất ở Kỳ Xà Quật. A Nan ở bên ngoài tu tập, gỡ bỏ hoàn toàn phiền não. Đến nửa đêm đắc quả La hán, vượt qua được cửa sanh tử này mới vào động dự hội kiết tập.
Điều này ngụ ý rằng kinh điển của tam thừa giáo là kinh điển của người đã ra khỏi sanh tử. Muốn kiết tập được, phải có tư cách của con người ở ngoài sanh tử, ngoài nhà lửa tam giới.
Nhà lửa tiêu biểu cho sự thiêu đốt, mà ngọn lửa thiêu đốt chính là phiền não của con người. Trên bước đường tu, vứt bỏ được một phần phiền não nào, tầm nhìn hành giả lại đổi khác.
Căn bản của phiền não là lòng tham. Đức Phật dạy lòng tham đóng vai trò chủ động, tác hại tâm hồn chúng ta rất lớn. Tham tài, sắc, danh, lợi, ăn, ngủ, tham năm món này dẫn chúng ta đến chỗ chết. Tuy nhiên, gỡ bỏ sạch lòng tham không đơn giản. Có lúc lòng chúng ta hoàn toàn vắng lặng, tưởng chừng như đã lột sạch nó. Nhưng được một lúc, nó lại bộc khởi bám chặt lấy ta.
Quán sát lời Phật dạy, chúng ta thấy rõ cuộc sống vô nghĩa, nếu sống để chết. Tôi luôn nghĩ cái chết đến với tôi bất cứ lúc nào và nhìn thẳng vào cái chết xem cảm giác mình ra sao. Đọc kinh, tìm xem Phật diễn tả sau khi chết mình sẽ thế nào. Có ý thức chết rồi, trước tiên lòng tôi cảm thấy dễ dãi với mọi người và chọn cách tu cho mình.
Sống ở thế gian luôn suy nghĩ như vậy, chúng ta mới bắt đầu gỡ bỏ từng phần lòng tham để không bị lửa tham đốt cháy tâm hồn. Lửa bên ngoài đốt chết thân vật chất không sợ, vì sẽ có thân sau tốt hơn. Nhưng lửa tham đốt chết giới thân huệ mạng của chúng ta, thì có sống cũng như chết. Hay đó chỉ là người sống thừa, sống vô ích, trí tuệ không còn, lời nói không chính xác, không ai chấp nhận, lê thân tàn đến đâu, thiên hạ tránh xa.
Mỗi người chúng ta tùy thân phận riêng, nương theo pháp Phật, thoát ra khỏi nhà lửa tam giới : Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới chỉ cho ba tầng tâm thức của chúng ta. Dục giới hay cảnh dục ta có vì mang thân ngũ uẩn, chúng ta luôn bị sắc, thọ, tưởng, hành, thức bao vây bức ngặt nung nấu đốt cháy. Hạng thứ hai thuộc về Sắc giới, họ có thân nhưng dục nhiễm không tác dụng, không ham muốn vật đối trước mặt, nhưng ham muốn những cái đang biến chuyển trong tâm. Tuy sống trong am tranh hẩm hiu, vẫn tìm thấy an lành trong nếp sống thiền định do họ đặt ra. Đó là những người kẹt vô bốn trạng thái của tứ thiền thiên gồm 18 cõi của Sắc giới.
Hạng thứ ba chỉ còn thức thuộc tầng Vô sắc giới, kẹt trong tứ không thiên. Họ không sống với am tranh, không cần ăn uống, cảnh bên ngoài không có, chỉ sống với tâm thức tích lũy nhiều đời, nay ngồi yên nhập định, nó hiện lên.
Từ cuộc sống vật chất của cõi Dục đến cuộc sống tinh thần của Sắc giới và sống với ký ức của Vô sắc giới, ba cách sống này muôn đời đeo đẳng, nhận chìm mọi người trầm luân sanh tử trong tam giới. Đức Phật lặn lội trong tam giới, đi đủ ba đường này để giáo dưỡng dìu họ ra khỏi sanh tử, chỉ cho thấy chỗ tu chứng của họ chưa rốt ráo. Chúng ta không tu hành theo tâm trạng của những người trên, nên khó hiểu tam thừa giáo của Phật dạy cho họ.
Đối với hàng ngoại đạo bị vướng mắc trong pháp tu, nay theo Phật, được thoát ly sanh tử, đắc La hán, mới cảm nhận sâu sắc ơn tế độ của đức Thế Tôn thật vô cùng tận. Vì muốn cứu những người con ra khỏi nhà lửa, Phật phải nhắm vô yêu cầu, khả năng của chúng mà dạy dỗ, đưa ra giáo lý tam thừa. Trong kinh diễn tả hình ảnh ông trưởng giả có khả năng dùng mọi cách để đưa con ra khỏi nhà lửa, nhưng ông không làm như vậy.
Theo Giáo sư Kubota, Đức Phật cũng vậy, Ngài là bậc Chánh biến tri, chỉ làm những việc đáng làm. Ngài có thể cho ta thế giới của báu, có thể cứu chúng sanh. Nhưng cứu chúng ra khỏi nhà lửa tam giới, được an lành, để rồi chúng lại sống bê tha theo ngũ dục, cho đến phá sản cuộc đời, tạo thành nhà lửa thứ hai, rồi Ngài lại tiếp tục cứu nữa hay sao ?
Điều chính yếu là Phật uốn nắn, tạo điều kiện giúp chúng ta vươn lên, tự phát triển khả năng, giải phóng tâm hồn ta ra khỏi nhà lửa tam giới. Ngài không giáo dưỡng để nô lệ hóa tinh thần ta hay biến chúng ta thành người ăn hại. Thiết nghĩ, trên bước đường tự lực xây dựng cuộc sống giải thoát, hoàn cảnh khó khăn là thước đo niềm tin và nghị lực của chúng ta.
Giáo pháp tam thừa tác động cho ta tạo được thân giới đức và tuệ giác, thấy được cuộc sống thực trên nhân gian, nên không bị thiêu đốt và ra khỏi sanh tử. Giáo pháp này không phải để nói chơi. Không tu chỉ nói, chẳng được lợi ích gì mà còn chồng chất thêm phiền não. Ở trong sanh tử không có Phật, nhưng nương theo tam thừa giáo tu hành, thoát ly sanh tử, sẽ gặp Phật.
Kinh Pháp Hoa tóm tắt tất cả các kinh, rút gọn lại còn tam thừa là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Pháp Hoa Tối thượng thừa là lý tưởng chúng ta kính lễ, nhưng thực ra hàng ngày chúng ta tu tam thừa. Tam thừa giáo của kinh Pháp Hoa là tam thừa cộng học, nên theo tôi có lúc chúng ta tu Bồ tát đạo, có lúc tu Thanh văn, Duyên giác. Trường hợp cần pháp nào để đến cửa giải thoát, thì theo pháp đó, không nên cố định pháp nào. Đó là kinh nghiệm Xá Lợi Phất dạy chúng ta, khi không thực hành được pháp Đại thừa, chúng ta thu mình lại, ẩn tu hạnh Thanh văn.
Phật cho biết Ngài đã từng dạy đạo Bồ tát cho Xá Lợi Phất, nhưng ông quên, tự cho mình là Thanh Văn. Xá Lợi Phất ở 92 ức Phật quá khứ, Ngài vừa phát tâm bồ đề phát nguyện bố thí không tiếc thân mạng, móc mắt cho người. Nhưng kẻ thọ nhận đền đáp lại tấm lòng vị tha không tiếc thân mạng của Ngài bằng hành động liệng bỏ, chà đạp lên đôi mắt Ngài vừa cho. Trước ma chướng bất ngờ đánh mạnh vào tâm hồn chúng ta như vậy, phải chăng chúng ta chẳng còn cách nào khác hơn để tẩy sạch phiền não bằng cách mặc kệ cuộc đời, ngồi yên tu quán pháp KHÔNG của Thanh văn.
Trong thời sám hối, chúng ta thường đọc : “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhơn, thiên phước báo, Thanh văn, Duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị Bồ tát. Duy y tối thượng thừa, phát bồ đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề…”. Mỗi khi đối trước Phật phát nguyện câu này, tôi rất kinh sợ. Vì chúng ta nói không cần phước báu nhân thiên là sai. Thậm chí không cần cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thừa là ba phương tiện của Phật dạy chúng ta phải nương theo để ra khỏi nhà lửa thì hoàn toàn sai. Đối với Bồ tát đã ra khỏi nhà lửa tam giới, gặp Như Lai, mới đủ tư cách nói phước báo nhân thiên không có giá trị. Tam thừa giáo không nghĩa lý gì, vì các Ngài đã thoát khỏi sự chi phối của thân ngũ uẩn.
Khi còn lệ thuộc chặt chẽ với thân ngũ uẩn, nó vẫn là phương tiện chở chúng ta vượt sanh tử. Tam thừa giáo là thuyền bè đưa chúng ta qua bể khổ đến Niết bàn. Tuy nó là nhà tranh, nhưng bỏ nó với điều kiện ta có tòa lâu các, đã ra khỏi sanh tử. Nó giúp ta thành tựu đạo Vô thượng, nên chúng ta phải trở lại thân phận hèn mọn, không còn cách nào khác hơn là nương tam thừa giáo.
Đi vào tam thừa giáo, chúng ta phải nhịp nhàng trải qua các pháp tu. Tùy trường hợp, tùy người mà nhanh chậm có khác. Giờ trước tu đạo Bồ tát, niệm tâm sau tu Thanh văn cũng được. Tuy nhiên, cần phải nằm trọn trong tam thừa giáo, vì lạc ra ngoài tam thừa, sẽ đọa. Chỉ có tam thừa giáo đưa chúng ta thoát ly sanh tử, đạt trí tuệ Bát nhã, gặp được Đức Như Lai.
Trước tiên là Thanh văn thừa hay Tiểu thừa, tuy xe nhỏ, nhưng phải có nhân duyên căn lành mới có khả năng lên được. Thật vậy, tu theo Thanh văn thừa, chỉ mới thực chứng sơ quả đã là vấn đề không đơn giản. Phàm phu chúng ta muốn đạt đến trình độ tu chứng sơ thiền của Thanh văn cũng thật khó. Vì cuộc sống là một thực tại trong đó vật chất và tinh thần luôn hỗ tương tác động lẫn nhau, chúng ta khó tách rời. Làm thế nào tách con người tâm linh ra khỏi con người vật chất của chúng ta. Không cho cuộc sống vật chất ảnh hưởng tinh thần và ngược lại tinh thần không được chi phối vật chất, để chúng ta có một cuộc sống hoàn toàn độc lập. Có thể mường tượng như người ta giải phẫu để tách hai đứa bé sinh đôi dính nhau. Bắt đầu thực hiện pháp tu này, người ngoài thấy tôi tàn tạ. Riêng tôi, cảm thấy tinh thần thật sảng khoái, cảm nhận được tâm chứng ly sanh hỷ lạc của sơ thiền, nghĩa là có trạng thái tâm linh riêng, vật chất riêng.
Chứng được hỷ lạc ở sơ thiền, tất cả vui buồn vinh nhục, đói khát nóng lạnh không tác động đời sống tâm linh hành giả. Hành giả sống với trí, mở đầu cho việc phát triển Trí thân. Ở giai đoạn sơ thiền, trắc nghiệm biết được tâm chứng. Nhưng đến nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, chúng ta khó nhận biết. Với một thí dụ đơn giản về một phần nhỏ của pháp tu Thanh văn cũng đã chứng minh rằng chỉ có con của Phật trong tam giới mới có thể lên xe tam thừa. Nếu không phải là con của Phật, dù xe nhỏ cũng không lên được.
Theo Thanh văn thừa, trước tiên Phật dạy tứ Thánh đế. Người nào có khả năng nghe, tin và tu tứ Thánh đế, mới nương theo Thanh văn thừa ra khỏi sanh tử. Phật dạy rằng cuộc đời là bể khổ trầm luân. Xét cho cùng từ khi sanh đến lúc nhắm mắt lìa đời, tự nghĩ lại xem lúc nào ta sung sướng. Dù sung sướng cũng ngầm chứa nhân khổ bên trong. Chúng ta tin lời Phật dạy, tâm không ham muốn, không bị lửa phiền não đốt cháy.
Từ đó, Phật dạy phương pháp diệt khổ hay 37 Trợ đạo phẩm. Phải dùng 37 Trợ đạo phẩm làm phương tiện qua bể khổ, vì năm tụ phiền não đoạn cho hết để nhập Bát nhã rất khó. Bỏ 37 Trợ đạo phẩm, hành giả không bao giờ đoạn trừ phiền não được. Quan sát kỹ 37 Trợ đạo phẩm từng bước tu lên, diệt tận gốc tham ái, hành giả hết khổ, chứng được Niết bàn KHÔNG. KHÔNG là không ham muốn, sẵn sàng bỏ bất cứ cái gì của thế gian. Tuy hành giả vẫn hiện hữu ở thế gian, mà được coi là đã ra khỏi thế gian.
Điều này phần lớn người xuất gia hay lầm. Quá trình tu của Thanh văn muốn ra khỏi nhà tam giới, trước nhất phải ra khỏi nhà thế tục. Nghĩa là những gì người thế tục nói, làm, ưa thích, người xuất gia hoàn toàn không dính líu gọi là “tâm hình dị tục”. Tôi xuất gia, đầu tròn, tâm KHÔNG, đứng ở bờ giải thoát nhìn xuống bể khổ trần gian, thấy rõ chuyện thế gian quá khổ, nay cười mai khóc. Chúng ta không ham, tự cắt bỏ. Gạt bỏ lần đến dứt sạch là con đường tu của Thanh văn thừa, chứng được pháp KHÔNG.
Trong 37 Trợ đạo phẩm, khởi đầu hành giả tu Tứ niệm xứ để lìa tham dục, vì biết rõ tham dục là nhân của sanh tử luân hồi. Tứ niệm xứ hay bốn pháp quán, hành giả phải để tâm đừng cho lệch ra ngoài. Điều thứ nhất luôn tâm niệm thân bất tịnh, thân này là nhà lửa cũ mục chứa không biết bao nhiêu tội lỗi, là nghĩa địa từ khi sanh đến già chôn bao nhiêu là sanh linh và chất chồng oán thù. Chúng ta kiểm tra thấy rõ thân người bất tịnh về vật chất với những thứ đồ ô uế và bất tịnh cả về tinh thần với những nghiệp oan không giải được.
Tâm niệm như vậy, hành giả hạn chế lần, bớt ăn, không lo cung phụng bồi dưỡng thân nữa nhưng giữ nó cho khỏe mạnh, vì nó là chiếc thuyền đưa ta ra khỏi sanh tử. Tự tịnh hóa thân chúng ta, tội lỗi cũng theo đó được ngăn ngừa bớt, thù oán giảm. Ý thức nhàm chán thân bất tịnh là phương tiện giúp hành giả ra khỏi tam giới.
Điều thứ hai hành giả quán thọ là khổ. Trên bước đường tu, cần lưu ý rằng nhận lãnh của người thì phải lụy vì người. Nên hạn chế tối đa việc thọ nhận, sự giúp đỡ của người khác, về vật chất lẫn tinh thần để xe chúng ta nhẹ dễ đi. Vì đường hiểm sanh tử dài xa, việc khó chưa giải quyết còn nhiều. Hành giả phải lượng sức mà làm, sức yếu cưu mang người nhiều, không thể lên bờ giải thoát được. Tu với tâm niệm Tiểu thừa như vậy, có chết chúng ta cũng thấy nhẹ nhàng.
Điều thứ ba, hành giả quán tâm vô thường, tâm luôn thay đổi theo sự biến đổi của vật, của việc. Biết như vậy, chúng ta không buồn giận trước sự thay lòng đổi dạ của người, hết thương đến ghét. Sau cùng, hành giả quán pháp vô ngã. Mọi việc, mọi vật ở trong sanh diệt không có thực thể, do nhân duyên hợp mà thành, nhân duyên hết thì tan.
Quán thuần thục Tứ niệm xứ, tầm nhìn của hành giả đổi khác. Thấy rõ thân, tâm và pháp không bền chắc. Chỉ còn lại nghiệp tham đeo dính ta, nó là món mồi câu quyến rũ chúng ta, dấn thân vào, thân tàn ma dại ngay. Chúng ta vào sanh ra tử cũng vì nó, nên không dại gì không cắt bỏ. Hàng Thanh văn qua quá trình tu pháp Tứ niệm xứ thuần thục, đạt đến sơ quả, không vướng bận trần gian từ thân tâm đến hoàn cảnh.
Đoạn lòng tham rồi, hành giả tiếp tục kiểm tra lòng mình. Trước ta tham quá, tâm trí đen như khối mực. Nay an trụ pháp KHÔNG của Tứ niệm xứ, nhìn lại con người thực của chúng ta là gì ? Như trên đã nói, thân, tâm và pháp, cả ba đều không phải là “TA”, không phải là “con người thực của chúng ta”, thì những gì dính líu đến thân, tâm và pháp có tác dụng đến “TA” đâu mà phiền.
Ngài Huệ Tư thiền sư tu chứng pháp này, giảng phẩm An Lạc Hạnh của kinh Pháp Hoa, Ngài nói rằng khi bị người mắng, ta giận, khen thì ta thương. Thử nghĩ khen và mắng cái gì ? Trong lúc ta làm tốt hoặc hợp với họ thì họ khen. Nhưng khen là khen việc, không phải khen TA. Chúng ta lầm lẫn mới xem việc là TA. Theo Ngài Huệ Tư, cái thân người cũng là nghiệp, không phải TA. Thiên hạ mắng chửi là mắng chửi nghiệp, không phải mắng chửi TA. Nhờ họ mắng chửi, nghiệp ta bay mất, chơn tánh hiện ra.
Như vậy, hành giả cần phân biệt TA và nghiệp. Thấy rõ điều này, ai chửi để rước nghiệp, hành giả sẵn sàng cho ngay. Bỏ đi phần nghiệp, cái TA thực xuất hiện, đó là chân ngã. Chúng ta quý trọng, lo nuôi dưỡng con người thực bên trong cho phát triển. Mọi thay đổi giả dối, biến dịch bên ngoài, cứ mặc cho nó trôi theo dòng đời.
Kế tiếp, Phật dạy tu pháp Tứ chánh cần. Tứ chánh cần nghĩa là điều ác đã sanh, ta phải diệt trừ, điều ác chưa sanh không cho phát sanh, việc thiện đã làm, ta phải phát huy, việc thiện chưa làm phải cố gắng thực hiện.
Trên bước đường tu, chúng ta cần phân biệt thiện ác theo thế gian và thiện ác của xuất thế gian. Thiện ác theo thế gian được đo lường bằng phong tục tập quán từng nước, từng thời kỳ khác nhau. Làm những gì được luật pháp, xã hội chấp nhận là thiện, làm trái lại là ác. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khi chúng ta khởi niệm thương người, giúp người, sau đó người lại làm phiền, làm khổ ta. Bấy giờ, chúng ta bực tức, hỏi tại sao mình làm thiện lại thọ quả báo xấu. Vì thế, tu theo thiện ác thế gian, nay thiện mai ác, vừa lòng người này thì mất lòng người khác. Kết cuộc, cùng lắm chỉ được hưởng chút ít phước lạc thế gian. Còn phần nhiều gặp trớ trêu muôn mặt, chỉ chuốc lấy phiền muộn.
Từ đó, chúng ta thấy quan niệm thiện ác theo trần thế khác với thiện ác theo Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Đứng trên lập trường Thánh đạo của tam thừa giáo quan sát trần lao để nhận ra đâu là thiện hay ác. Và chỉ có pháp tu làm thiện, dứt ác theo chúng tam thừa, mới đưa hành giả ra khỏi sanh tử.
Phật dạy những gì làm chúng ta cảm thấy an lành trong tâm là thiện, những gì không bình ổn trong lòng là ác. Như vậy thiện của Thanh văn là chánh niệm, ác của Thanh văn là vọng tâm. Thiện ác không ở ngoài, mà chủ yếu trở về nội tâm. Ý thức như vậy, tôi cố gắng tu tập sửa đổi thiện ác trong lòng, hơn là tiếp xúc phân bua với người ngoài. Không cần đính chính, vì nói phải trái làm gì vô ích. Chúng ta cứ nhìn gương Đức Phật để theo. Khi Ngài tại thế, không bao giờ dành phần đúng, nhưng trên đời này ai dám nói Ngài sai lầm. Trong khi lục sư ngoại đạo chuyên tranh cãi hơn thua, cố dành phần phải và kết cuộc họ tồn tại được bao lâu. Điều này cho thấy rõ chỉ có nhân cách của chúng ta mới quyết định ta đúng hay sai, thiện hay ác.
Bảo vương tam muội dạy rằng khi gặp oan ức, hành giả không cần biện minh, huống chi là không oan ức. Người hiểu Phật đạo nỗ lực tu bề trong, không thấy mình oan. Vì thực tế chúng ta có hiện tướng nghiệp ác, nếu đời này không có thì đó là nghiệp của đời trước. Hành giả nương theo sự phát hiện nỗi oan ức mà tự diệt nghiệp bên trong, thành tâm đối trước Tam Bảo sám hối. Cần tìm thiện ác trong tâm, vì bên trong không thanh tịnh, lễ Phật cũng thành phá Phật, dù tu suốt đời cũng không có kết quả.
Chúng ta tinh tấn lễ sám mỗi ngày, bên ngoài nhìn thấy được. Nhưng chúng ta tự kiểm tra mình xem có thực lòng hay không, có quyết tâm diệt trừ phiền não hay lễ sám để người thấy mình tinh tấn ?
Pháp tu phương tiện bên ngoài giúp chúng ta có điều kiện tịnh hóa thân tâm. Khi tâm thanh tịnh, những thứ này không còn cần thiết lắm. Tôi ít lễ bái tụng niệm, thường chú trọng tu sửa bề trong, luôn kiểm tra bốn oai nghi và khẩu nghiệp. Làm thế nào cho dễ nhìn và an lành nhất, nói những gì người chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta phải để ý nếu nghiệp ác bên trong còn, dù có làm tốt cũng biến thành xấu, không được ơn còn mắc oán, vì trang bị tâm bằng nghiệp ác.
Đức Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như ở Lộc Uyển tu thiện ác trong yên lặng, nhìn vô không thấy các Ngài tu. Riêng dưới mắt Phật, các Ngài thực tu nên khi thành đạo, Phật tìm đến giáo hóa những vị này trước nhất. Các Ngài lo diệt phiền não trong tâm cho đến hoàn toàn trong sạch thuần thiện, không còn chút ác gợn trong lòng. Đối với các Ngài, thiện đồng nghĩa với sự an tĩnh của tâm hồn. Nhờ vậy sức tập trung tư tưởng cao hay luôn sống trong thiền định. Huệ sanh nhìn đời sáng hơn, thấy rõ cạm bẫy cuộc đời và bắt gặp con người thật của mình là Phật tri kiến hay tâm Bồ đề. Từ đó tu tập phát huy Phật tri kiến, không còn lỗi lầm trên cuộc đời, bỏ thân này chắc chắn được giải thoát.
Riêng tôi đạt đến thành quả ngày nay nhờ quá trình tu học, đọc kinh Phật không mệt mỏi, mang tam tạng Thánh điển vào lòng và nuôi lớn tâm Bồ đề. Nhìn đời qua lăng kính giáo điển của Phật, vì tự biết cái nhìn của mình chưa chính xác.
Trên bước đường gieo trồng hạt giống Bồ đề theo lời Phật dạy, chúng ta phát hiện, cải hóa thiện ác bên trong. Thấy rõ tịnh là thiện, động là ác. Chúng ta cố gắng giữ tâm như như bất động, để quan sát sự vật chính xác, dù phải đối diện với việc xảy ra như trời long đất lở.
Cuộc đời của tôi phần lớn ảnh hưởng đến đại chúng bằng tâm thanh tịnh. Ít khi tôi đặt vấn đề phải làm chuyện này chuyện khác. Vì theo tôi, càng làm càng động, càng động thì càng ác. Bớt việc làm để tâm hồn lắng yên, cắt bỏ phiền não, động niệm. Ít nhất thiện chưa sanh, thì ác cũng không có. Hành giả luôn ghi nhớ mình thực tu, bằng mọi cách giữ tâm hồn yên tĩnh trong pháp Như Lai.
Khi Phật tại thế, những người có căn lành nương theo pháp Tứ đế, không còn tham vọng thế gian, không bị phiền não chi phối. Tâm thanh thoát khế ngộ nguồn chơn, thấy tánh của mình, nhờ đó được giải thoát. Ý này được kinh ví như người con theo xe dê ra khỏi nhà lửa. Đó là trường hợp 1.200 La hán nương Thanh văn thừa tu, Phật đưa các Ngài ra khỏi sanh tử chứng Niết bàn.
Từ thiện ác của Thanh văn, nâng lên thiện ác của Duyên giác là quán nhân duyên. Quán sát nhân duyên thuần thục, có nghĩa là hành thiện đối với Duyên giác. Hàng Duyên giác là những người ở trong tam giới đã bố thí, cúng dường, siêng năng nghe pháp, trí tuệ đầy đủ, có hoàn cảnh sống cao, nhưng không bằng lòng với đời sống vật chất tầm thường. Các vị này khao khát sự hiểu biết về chân lý, Phật mới nói với họ pháp 12 nhân duyên, chỉ dạy quan sát vũ trụ từ hữu hình đến vô hình. Các Ngài thấy được cội nguồn của pháp, cùng với mối tương quan tương duyên tạo nên sự tồn tại giữa các pháp; nhận thấy rõ từ một vật nhỏ như con ong cái kiến cho đến vũ trụ hành tinh thay đổi không ngừng, vì vốn nó không có thực thể. Thậm chí đến thân của ta ngày hôm nay cũng không phải thân của ta ngày hôm qua. Nói cách khác, thấy rõ trạng thái biến chuyển của tâm thức chúng sanh hay sự sanh diệt các pháp theo quy trình của vòng mắc xích luân hồi.
Từ đó, Duyên giác dùng lửa chánh định đốt sạch, không còn vật nào dính líu đến họ và đắc quả vị Bích chi Phật, an trú Niết bàn giải thoát. Kinh ví như người con muốn cầu xe hươu ra khỏi nhà lửa.
Đến giai đoạn ba, tu tập Bồ tát đạo. Quan niệm thiện ác của Bồ tát thay đổi theo công hạnh tự hành hóa tha của các Ngài. Bồ tát không những chỉ cầu tự nhiên trí, vô sư trí, để thấy pháp như Bích chi Phật, mà còn mang chí lớn muốn đạt đến Phật trí, chuyển được vật tai hại thành lợi ích chúng sanh. Hàng Bồ tát với lòng từ bao la, mang đại nguyện cầu giác ngộ cho bản thân và dìu dắt người cùng đến bờ giác. Dưới nhãn quan Bồ tát, giáo hóa mọi người đồng giải thoát là thiện, không cứu độ người là ác. Vì vậy, Phật dạy Bồ tát tu sáu pháp ba la mật, dù làm tất cả việc thế gian, tâm vẫn an nhiên tự tại. Kinh tượng trưng bằng hình ảnh người cầu xe trâu ra khỏi nhà lửa.
Như vậy, hàng tam thừa : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát tu thiện ác phân minh rõ rệt. Nhưng tiến đến cách hành sử của Phật thì không còn thiện ác; vì thiện và ác là một, trong thiện có ác, trong ác có thiện. Đối với chúng sanh mê muội không biết sử dụng, thiện cũng thành ác. Nhưng với Đức Thế Tôn sáng suốt, ác biến thành thiện. Như trường hợp Vô Não dưới sự giáo hóa của Phật, từ một sát nhân trở thành bậc La hán. Trên tinh thần thiện ác là một của Phật thừa, kinh Duy Ma quán sát người ăn mày bằng với Đức Vô Nan Thắng Như Lai.
Nương theo tam thừa giáo, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát ra khỏi sanh tử. Trong kinh ví như trưởng giả cho các con đồ chơi báu đẹp để chúng thoát khỏi nhà lửa. Đức Phật cũng vậy, Ngài dùng phương tiện nói giáo lý tam thừa để hướng thiện chúng hội, không phải để tăng trưởng lòng tham của họ. Ngài nhận thấy tâm con người tràn đầy tham muốn, thù hận đốt cháy, lại bị hoàn cảnh xã hội bức ngặt bao vây. Sống trong môi trường đầy nhơ uế với tâm trí đảo điên như vậy, họ không biết gì khác ngoài lo sợ, nên phát sinh trên 62 phái ngoại đạo. Những pháp mê hoặc của tà giáo khiến họ dễ tin nhận hơn những việc bố thí, cúng dường, tịnh Phật quốc độ. Ngoài những người muốn chạy ra khỏi nhà lửa, cũng có những kẻ vẫn vui vẻ dạo chơi trong đó. Vì họ đã sống với ngũ dục từ vô thỉ kiếp, nên không thể bỏ được, giống như những đứa trẻ nghe cha nói nhà đang bị cháy mà không biết sợ.
Khởi đầu Phật nói Niết bàn hay diễn tả cảnh Cực Lạc để chuyển lòng ham thế tục thành lòng ham ưa giải thoát. Đó là phương tiện giúp Thanh văn thoát khỏi sanh tử, không phải cứu cánh. Nhưng Thanh văn lầm chấp là cứu cánh. Đức Phật tạo điều kiện cho Thanh văn tu, ứng với thế gian mà Ngài khai triển thành tam thừa. Ngài dạy pháp tu tập thể cho Thanh văn hay pháp tu cá nhân cho Duyên giác.
Tuy nhiên, dù là Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát đều phải an trụ pháp KHÔNG, để ra khỏi sanh tử, đến chỗ an toàn, tức đạt được trí Bát nhã. Tâm hoàn toàn tự tại giải thoát, mới nhìn thấy thế giới bao la của đức Như Lai.
Riêng chúng ta còn bị dây thừng của ba cõi sáu đường quấn chặt, chưa ra khỏi nhà lửa, phải nương theo bất cứ pháp phương tiện nào để tâm trống không, mới vào thế giới Phật được. Trụ ở trí Bát nhã, tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời còn hay mất, dưới mắt hành giả không quan trọng. Kể cả mạng sống cũng không tiếc, vì chuyện chính yếu hành giả phải thấy đạo. Khi chưa đến được khoảng đất trống mà nói pháp KHÔNG, chỉ là NGOAN KHÔNG. Chỉ có hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát mới vào được lý Bát nhã.
Những người theo Phật 40 năm, tu pháp KHÔNG, ra khỏi sanh tử, đến bãi đất trống ngã tư đường, gặp được Đức Thế Tôn. Khác với ngoại đạo tu pháp KHÔNG, quên hết rồi không được gì, cũng lẩn quẩn trong tam giới. Trong khi hàng Thanh văn tu hành, tâm nguội lạnh, quên tất cả. Nhưng vẫn còn đối tượng là Đức Phật để hướng tâm đến, nên đạt đến đỉnh cao của Bát nhã, các Ngài mới diện kiến Như Lai.
Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát là ba đường từ tam giới chạy ra, gặp nhau ở giao điểm tiếp nối bằng con đường thứ tư là Phật thừa. Đến đây chúng hội đã vượt ra định luật chi phối của ba cõi, huệ nhãn khai mở, lãnh ngộ được yếu chỉ. Đức Phật mới trao kinh Pháp Hoa, giao cho đại bạch ngưu xa. Ngồi trên đại bạch ngưu xa hay tu theo Phật thừa, nghĩa là phải sống với thực tế, giáo hóa tất cả người xung quanh bình yên giải thoát, hành giả mới có an lành vĩnh cửu. Khác với trước kia, trụ trong Niết bàn tam thừa, cảm nhận an lành thì chỉ là Niết bàn giả tạm.
Đức Phật dạy nếu rời bỏ thế gian để tìm Niết bàn, chẳng khác gì tìm lông rùa, sừng thỏ, không bao giờ có. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau cùng, khi thấy đệ tử đoạn sạch tham sân phiền não, Thế Tôn dạy họ trở lại cuộc đời với tinh thần từ bi, vị tha, vô ngã. Nghĩa là từ bỏ thế giới khổ, đến với Phật và đứng lập trường Phật, quán chiếu lại chúng sanh để cứu độ, là lộ trình Pháp Hoa.
Ở tư thế sạch nghiệp của Phật nhìn thấy chúng sanh khác với chúng sanh thấy chúng sanh. Chúng sanh thấy chúng sanh bằng nghiệp, nên luôn đối đầu nhau, nhìn nhau bằng tâm ganh ghét thù nghịch. Trái lại, bằng tâm hoàn toàn trong sạch, Phật thấy tất cả chúng sanh đều dễ thương. Ngài trải lòng từ đến tất cả muôn loài, tùy căn tánh hành nghiệp của chúng sanh mà Ngài giáo hóa. Với đôi mắt trí tuệ, Ngài thấy rõ khả năng của người, triệt để khai thác tiềm năng giúp họ thăng hoa. Như Phật quán sát Vô Não hay Ampaballi dù là sát nhân hay dâm nữ nhưng có căn tu, Ngài hóa giải những việc làm xấu ác của họ, dạy họ thành La hán. Điều này thể hiện tinh thần Phật dạy rằng không có người tốt người xấu. Nếu biết sử dụng đúng chỗ, tất cả trở thành tốt.
Ở trên Phật quả quán sát chúng sanh chính xác, theo đó Ngài khai triển khả năng, phát huy tánh sáng suốt của họ, đưa đến hình thành chúng tam thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát; nhưng sau cùng, Ngài quy về cứu cánh nhất Phật thừa. Nói cách khác, tam thừa là nhân, nhất thừa là quả.
Trong phẩm Thí dụ, Phật dạy cách tu để ra khỏi nhà lửa. Và từ ngoài nhà lửa, với tâm giải thoát nhìn ngược lại chúng sanh, đến giáo hóa chúng sanh. Vì vậy ở giai đoạn đầu của lộ trình tu tập, bằng tất cả khả năng, chúng ta phải phát triển nội tâm để sống trong nhà Phật pháp, lựa chọn pháp môn tu thích hợp trong 84.000 pháp môn.
Để vượt đường hiểm sanh tử, xin hành giả cứ thẳng đường mà đi. Đừng lo để tâm đến việc thiên hạ, đừng lo phê phán. Bao giờ chúng ta ra khỏi sanh tử gặp được Như Lai, lên đại bạch ngưu xa, hãy nhìn lại cuộc đời cũng không muộn. Lúc ấy, ta sẽ thấy tất cả đều dễ thương, mới tùy theo căn tánh hành nghiệp từng người mà giáo hóa. Bấy giờ, hành giả mới thực tiêu biểu cho mẫu người thay Phật cứu độ chúng sanh, qua lại trong tam giới tự tại và làm người khách quý mà mọi người mong chờ. Đó mới là Pháp Hoa chân thật, chỉ có đối với những hành giả đã ra khỏi sanh tử và là mục tiêu hiện hữu của Đức Phật trên cuộc đời này vậy.
Phật nhắc nhở chúng ta rằng kinh này chỉ nên trao cho những người có niềm tin tuyệt đối như Xá Lợi Phất. Nghe rồi tin hiểu thọ trì, lấy lời dạy của Phật trang nghiêm cho cuộc sống. Ngày nay, chúng ta có căn lành thọ trì được kinh Pháp Hoa, nhưng thường gặp tai biến trên bước đường tu. Chẳng qua nhiều đời trước, chúng ta đã phạm tội phá pháp, túc nghiệp có sẵn, nên đời này kết thành quả báo. Và kinh Pháp Hoa mà ta nghe trong sanh tử chắc chắn thuộc về ẩn mật Pháp Hoa nằm trong phần giáo pháp phương tiện mà thôi.
Tóm lại, từ một thế giới bao la diệu vợi, tràn đầy của báu, Đức Như Lai trở lại cảnh ô trược này. Không thể dùng ngôn ngữ phàm phu diễn tả pháp tịch diệt, Ngài dùng thần thông đưa chúng hội đi thăm suốt ba cõi chín đường. Nhưng mục tiêu của Ngài không chỉ phô diễn thần lực. Ngài muốn tất cả chúng sanh sử dụng được năng lực bất khả tư nghì như Ngài. Từ đó, Thế Tôn dùng mọi thí dụ, ngôn từ, đưa ra tam thừa giáo, diễn tả cho chúng hội hiểu pháp chân thật. Duy chỉ có bậc đại trí Xá Lợi Phất mới thâu nhận được yếu chỉ của Phật. Một lần nữa, Phật lại vì những đứa con ngu dại, vẽ ra cảnh nhà lửa tam giới hiểm nguy, đầy những ác quỷ, trùng độc, thú dữ, để nhắc nhở chúng ráng tránh khỏi hiểm họa ấy. Cảm nhận lòng từ bao la vô hạn của Đức Thế Tôn giáo hóa chúng sanh không biết mệt mỏi, chúng ta đem cả thân mạng này mà đảnh lễ Ngài.


Phẩm 1>>2>>3>>4>>5>>6>>7>>8>>9>>10>>11>>12>>13>>14
>>15>>16>>17>>18>>19>>20>>21>>22>>23>>24>>25>>26>>27>>28
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com