LƯỢC GIẢI
KINH PHÁP HOA
Hòa Thượng Thích Trí Quảng
MỤC LỤC
Lời tựa
Lịch sử kinh Pháp Hoa
Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa
Phẩm 1: Tựa
Phẩm 2: Phương tiện
Phẩm 3: Thí dụ
Phẩm 4: Tín giải
Phẩm 5: Dược thảo dụ
Phẩm 6: Thọ ký
Phẩm 7: Hoá thành dụ
Phẩm 8&9 : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký
Phẩm 10: Pháp sư
Phẩm 11: Hiện bảo tháp
Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
Phẩm 13: Trì
Phẩm 14: An lạc hạnh
Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất
Phẩm 16: Như Lai thọ lượng
Phẩm 17: Phân biệt công đức
Phẩm 18: Tùy hỷ công đức
Phẩm 19: Pháp sư công sức
Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát
Phẩm 21: Như Lai thần lực
Phẩm 22: Đà la ni
Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự
Phẩm 24: Diệu Âm Bồ tát
Phẩm 25: Phổ Môn
Phẩm 26: Diệu Trang Nghiêm Vương bổn sự
Phẩm 27: Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát
Phẩm 28: Chúc Lụy
|
Phẩm 5
DƯỢC THẢO DỤ
I. LƯỢC VĂN KINH
Đức Phật khen ngợi Ma Ha Ca Diếp và các đại đệ tử đã khéo nói công đức chân thật của Đức Như Lai. Ngài cho biết dù trải qua vô lượng ức kiếp cũng không thể kể hết công đức của Như Lai. Đức Phật biết rõ các pháp, biết rõ thâm tâm chúng sanh. Mặc dù biết rõ thật tướng, Ngài dùng phương tiện nói pháp. Pháp Phật tuy khác nhau nhưng đều đưa chúng sanh đến nhứt thiết chủng trí.
Thí dụ như một trận mưa đổ xuống, các loài cây cỏ dù lớn hay nhỏ đều tùy sức nó mà hấp thụ nước khác nhau. Tuy cùng ở trên mặt đất, cùng thấm nước mưa, cây cỏ đều đơm hoa kết trái sai khác.
Phật xuất hiện trên đời, nói pháp như vầng mây lớn tuôn nước mưa xuống bao phủ chúng sanh. Giống như cây cỏ, mọi người tùy sức tiếp thu giáo pháp bình đẳng đều được lợi lạc. Pháp Phật còn được ví như ánh sáng mặt trời, mặt trăng bình đẳng chiếu đến mọi nơi làm lợi ích chúng sanh, tùy theo yêu cầu mà thấy sai khác. Ví như một người thợ làm đồ gốm dùng một thứ đất sét, tùy nhu cầu của người tiêu dùng mà chế tạo ra những vật dụng khác nhau.
Cũng vậy, giáo pháp của Phật chỉ có một thừa, vì chúng sanh có căn tánh khác nhau, nên Ngài nói hai hoặc ba thừa sai khác. Tuy sai khác, mà chỉ có một Niết bàn. Và Phật đưa ra thí dụ một người bị mù từ lúc mới sanh. Dù nói thế nào anh cũng không tin hình dáng, màu sắc, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, các vật… May thay có một ông thầy thuốc thương hại anh mù và nghĩ ra cách chữa trị cho anh. Ông biết trên núi có bốn thứ cỏ thuốc trị được bệnh mù : loại có mùi vị và màu sắc, loại chữa được các bệnh, loại trừ các thuốc độc và loại làm cho an lạc trong mọi hoàn cảnh. Ông liền lên núi lấy về cho anh. Uống xong người mù sáng mắt, thấy được ngoại cảnh và việc xảy ra ở chung quanh anh. Bấy giờ anh tự cho mình là người sáng suốt trên đời, không còn ai hơn.
Lúc ấy một vị tiên chứng được ngũ nhãn đến nói với anh : “Không nên tự mãn, vì anh chưa biết được nhiều. Ngồi ở trong nhà, không thấy bên ngoài, không thể biết người khác thương hay ghét anh. Anh cũng không thể nghe được âm thanh, tiếng người, tiếng vật khi anh không ở gần nó. Được nuôi dưỡng ở trong thai mẹ mà anh không nhớ chút gì về bào thai ấy, như thế anh đừng cho tối là sáng”.
Khi nghe tiên nhân nói xong, anh mới vội hỏi : “Thưa Ngài, tôi phải làm gì để được trí tuệ thấy biết tất cả ?”. Tiên nhân đáp : “Anh hãy sống nơi thanh vắng, suy tư các pháp và dẹp bỏ dục vọng xấu xa. Khi nào đắc định, anh sẽ thấy biết tất cả”. Làm theo lời tiên nhân, anh được ngũ nhãn, anh mới hiểu rằng trước kia anh quả thật là mù, dù đôi mắt đã sáng.
Đức Phật lại bảo Ca Diếp thí dụ Ngài nói cần hiểu rằng mù từ khi mới sanh ra, chỉ cho chúng sanh trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không biết pháp chân thật, chất chứa dục vọng xấu xa. Họ mù vì những quan niệm danh, sắc, làm cho đau khổ triền miên. Ngũ nhãn của tiên ông thấy biết sáng suốt chỉ cho Bồ tát làm việc giác ngộ chúng sanh. Vị đại lương y là Đức Như Lai, bốn thứ cỏ thuốc là Không, vô tướng, vô nguyện và Niết bàn.
Thanh văn, Duyên giác giống như người mù vừa mới sáng mắt, vừa mới thoát khỏi sanh tử luân hồi, vừa mới ra khỏi ngục tù tam giới, nên nghĩ như vậy đã hoàn tất rồi. Tuy nhiên, thấy biết của hàng nhị thừa không phải toàn vẹn như Phật. Ngài mới dạy họ tri kiến Như Lai.
II. GIẢI THÍCH
Trong phẩm Tín giải, các đệ tử biểu lộ tâm trạng quyết chí tu hành thoát ly sanh tử. Giống như gã cùng tử quản lý gia tài của Đức Phật, không có ý niệm thâm lạm dù bằng một bữa ăn, nên được Đức Phật tặng cho đại bạch ngưu xa nhất thừa, bỗng nhiên thành giàu có.
Đức Phật e ngại hàng nhị thừa Thanh văn sẽ hiểu lầm Ngài là người phú chúc gia tài, là người ban phước giáng họa. Ngài mới đưa ra phẩm Dược Thảo dụ kế tiếp gợi lên vai trò dẫn đường của Ngài. Ngài không bao giờ cho và không có gì để cho, chỉ đưa ra phương thức giúp mọi người ra khỏi sanh tử. Phẩm này là hạt nhân tư tưởng cho đại chúng tự mình vươn lên cùng đi với Đức Đạo sư đến bảo sở, sẽ được nói rõ hơn trong phẩm Hóa thành dụ.
Trong phẩm Dược Thảo dụ, Đức Phật ví Đức Như Lai xuất hiện trên cuộc đời như vầng mây lớn tuôn mưa xuống. Tất cả cây lớn nhỏ tùy sức hấp thụ nước khác nhau. Ý này trong bản kinh Pháp Hoa chữ Hán của Ngài Cưu Ma La Thập và bản chữ Phạn giống nhau. Tuy nhiên bản chữ Phạn, ngoài phần thí dụ ba cỏ hai cây để chỉ cho sinh hoạt mọi loài trên thế gian, còn có thêm phần thí dụ bốn thứ cỏ thuốc tiêu biểu cho pháp Phật đưa mọi người ra khỏi sanh tử, dụ ánh sáng mặt trời, dụ người thợ làm đồ gốm và dụ người mù từ thuở nhỏ được lương y chữa lành bằng bốn thứ cỏ thuốc.
Nếu căn cứ vào tên phẩm Dược Thảo dụ, chúng ta cũng suy đoán được bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập thiếu sót, vì không có phần nói về thuốc thì không thể gọi là Dược Thảo được.
Đức Phật ví sự hiện hữu của Ngài trên cuộc đời như vầng mây trùm khắp không gian. Một trận mưa xuống, tuy rơi xuống bình đẳng nhưng cây cỏ tùy loại lớn nhỏ hấp thụ nhiều ít khác nhau. Cũng vậy, đức Phật nói pháp không phân biệt thượng, trung, hạ. Vì căn tánh chúng sanh không đồng, nên thấy có sai khác. Sự thật chỉ có duy nhất Phật thừa.
Thuyết thứ nhất cho rằng dụ ba cỏ hai cây tượng trưng cho ngũ thừa. Cỏ nhỏ gồm người, Trời, A tu la. Cỏ bực trung là hạng Thanh văn, Duyên Giác. Cỏ bực thượng là hàng Bồ tát trong nhân gian. Cây nhỏ tiêu biểu cho tất cả Bồ tát trong thế giới Thật Báo của chư Phật và cây lớn là Bồ tát tùng địa dũng xuất ở thế giới Thường Tịch Quang.
Loại cỏ nhỏ khi ta ngắt sạch, nhưng củ còn nằm trong lòng đất, gặp mưa xuống vẫn lên, là cỏ đáng sợ nhất. Tuy ta phiền muộn khó chịu với nó, nhưng đối với đại lương y biết sử dụng chính phiền não đó để chữa bệnh cho ta. Cỏ nhỏ được ví cho trời, người, A tu la thay hình đổi dạng không ngừng. Có phước sanh lên trời hưởng lạc, tâm hồn vui vẻ, thân thể khỏe mạnh, có bạn trung thành, có kho báu dùng không hết và được sự hiểu biết hơn người. Nhưng thiên đường này không an toàn, bị tham lam ghét ganh gieo mầm chiến tranh. Vì vậy họ ước mơ có Đức Phật ra đời để giải tỏa khó khăn. Sự ước mơ này giống như chỉ có cụm mây nhỏ, không đủ điều kiện để mưa xuống; nói cách khác không đủ điều kiện cho Đức Phật xuất thế.
Ngoài chư Thiên, còn có hàng A tu la là quỷ thần. Dù phước báo lớn, nhưng thân tâm không yên vì tràn đầy sân hận, luôn dùng sức mạnh đe dọa chinh phục người khác, cuối cùng sức mạnh đó trở thành đe dọa chính họ. Khi có khủng hoảng cùng cực, hàng A tu la mơ ước Đức Phật xuất hiện mang tình thương đến, ngõ hầu xoa dịu không khí căng thẳng hiếu sát sắp bùng nổ. Ý niệm thiện của A tu la khởi lên liền có một vầng mây lành nổi trên hư không.
Hạng cỏ nhỏ thứ ba là loài người chúng ta bị chư Thiên và A tu la chi phối. Ta sợ cả hai, nên ước mơ Đức Phật xuất hiện che chở. Khi mong ước như vậy, vầng mây thứ ba xuất hiện hay sự mong cầu có một Đức Phật trong loài người.
Kế tiếp cầu nguyện cho Đức Phật ra đời lan rộng đến hàng chân nhân đang trụ thiền định mà vẫn không bình ổn với sự lan tràn đe dọa của ba loại cỏ nhỏ. Tức thì xuất hiện vầng mây thứ tư của hàng đạo sĩ.
Sau cùng những nhà nhân bản đầu tư của cải, sức lực, trí tuệ để xây dựng thế giới an lành cho mọi người, nhưng sức người có giới hạn. Hoặc theo đuổi mục tiêu một thời gian cảm thấy việc làm của họ như xây lâu đài trên cát, họ sanh ra chán nản và ước mơ một đấng Toàn năng xuất hiện để lãnh đạo. Từ đó, vầng mây thứ năm hiện lên.
Năm hạng người này ước mơ, cầu nguyện thì nhân duyên đầy đủ, tạo thành một trận mưa lớn làm tươi mát mọi người. Mưa tiêu biểu cho tâm từ của Đức Phật, Ngài hiện hữu trên cuộc đời đáp ứng đúng lòng mong cầu của cả năm hạng người nói trên.
Thật vậy, các vua đang đánh nhau, Đức Phật đến thuyết pháp giải hòa, những người chưa được độ làm cho được độ, người chưa an làm cho an. Ba hạng Trời, người, A tu la, tuy còn sanh tử luân hồi, nhưng Đức Phật ra đời, họ cũng bình ổn, cầu phước báu được phước báu, mong an vui được an vui. A tu la tạm ngừng đánh nhau hưởng sự an lạc thái bình. Chư thiên thì được hưởng phước lạc lâu dài.
Ba loại cỏ nhỏ trên nhân gian tùy sức hấp thụ sai biệt, tiếp thu giáo pháp khác nhau. Tuy nhiên, đều chung một gốc phát xuất từ nơi tâm từ bi của Đức Phật. Cỏ bực trung tiêu biểu cho hàng Thanh văn, Duyên giác không màng phú quý lợi danh, chỉ cầu ra khỏi sanh tử. Họ cố gắng tu mọi pháp khổ cực vẫn không bao giờ thoát được ngục tù tam giới. Nay nương theo Phật nghe pháp, tu chứng Niết bàn, thoát ly sanh tử dễ dàng, như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…
Hạng người sau cùng, cầu lợi ích cho chúng sanh là Bồ tát trong nhân gian như nhóm Bạt Đà Bà La Bồ tát v.v… Mọi suy tư và việc làm của họ chỉ mong đem phước lạc đến cho mọi người. Tuy nhiên, họ không có đủ khả năng dìu dắt người khác. Nương theo trí tuệ và sự chỉ đạo của Đức Phật, những Bồ tát trong nhân gian thực hiện nhiều việc lợi ích cho chúng sanh dễ dàng hơn tự làm một mình, là cỏ bực thượng.
Mưa xuống, năm hạng Trời, người, A tu la, Thanh văn, Duyên giác đều ân triêm pháp vũ, hưởng lạc giống nhau.
Còn hai hạng người ví như cây nhỏ và cây lớn, tuy không cần Đức Phật ra đời vẫn được lợi ích. Cây nhỏ tiêu biểu cho tất cả Bồ tát trong thế giới Thật Báo của chư Phật. Khi Đức Phật ra đời, những vị này cùng theo làm việc dưới sự chỉ dạy của Ngài. Sau đó, trở lại an trú cảnh giới Niết bàn.
Trong hội Pháp Hoa có đến nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha Bồ tát mười phương tới dự. Các Ngài hành đạo không mỏi mệt dưới sự hộ niệm của Đức Phật. Các Bồ tát xuất thế gian lúc thị hiện trên cuộc đời, mang thân phàm phu, khiến mọi người lầm tưởng là chúng sanh. Ví như cây nhỏ khi còn bé, thấy giống và lẫn lộn với cỏ. Nhưng gặp mưa, cây này vượt lên thành cây lớn, trong khi cỏ muôn đời vẫn là cỏ.
Cây lớn tượng trưng cho Bồ tát tùng địa dũng xuất ở thế giới Thường tịch quang, thị tùng của Pháp thân Phật. Chính các Bồ tát hành đạo ở mười phương cũng không biết sự hiện hữu của các vị Bồ tát này. Đến khi Đức Phật nói pháp chân thật ở hội Pháp Hoa, các Ngài mới xuất hiện. Và Đức Phật dùng thần lực phú chúc cho các Ngài giữ tạng bí yếu Như Lai tồn tại mãi trên thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
Tuy mưa xuống cứu khổ nhân gian nhưng hai hạng Bồ tát ở Tịnh độ vẫn hưởng lợi ích. Vì Phật ra đời, các Ngài có cơ hội hành đạo và tăng trưởng công đức lành. Tâm Đức Phật bình đẳng chan hòa tất cả loài. Tùy khả năng mà các loài hưởng vị không giống nhau, tựu trung, tất cả đều thỏa lòng mong muốn.
Thuyết thứ hai cho rằng trong sáu đường sanh tử, ba cỏ hai cây chỉ cho nhơn đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, không kể chư thiên. Ba cỏ hai cây tượng trưng cho năm hạng người đến với Đức Phật.
Loại thứ nhất đến với Phật, được giao cho quản lý gia tài mà không thâm lạm chút xíu gì. Đó là hàng Thanh văn hay mẫu người tốt trên cuộc đời không còn tham vọng, chỉ nghĩ đến sống thế nào cho đẹp, được ví như là cỏ nhỏ.
Hạng thứ hai gọi là Duyên giác có phước báu, trí tuệ mang chí cầu tiến, muốn tìm hiểu xem cuộc sống con người là gì, trước khi mang thân này ta như thế nào và sau khi chết ta ra sao. Hạng người này sẵn sàng đánh đổi thân mạng để được pháp thù thắng, được ví như cỏ bực trung.
Hạng người thứ ba là Bồ tát cũng có chí thù thắng. Họ nhìn thấy người chung quanh đau khổ không thể ngồi yên được, phải nghĩ cách cứu khổ.
Cả ba hạng người trên đều là cỏ, ở trong sanh tử không vươn lên được. Vì vậy tam thừa giáo mà Đức Phật dạy cho Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát học trên thế gian để xóa bỏ đau khổ, thực sự cũng không quan trọng; vì cuối cùng không ra khỏi sanh tử được thì đều kết thúc giống nhau bằng cái chết.
Tuy nhiên, có hạng bất tử Đức Phật ví như hai thứ cây. Loại cây thứ nhất chỉ cho Bồ tát mười phương thị tùng Báo thân Phật như Bồ tát Văn Thù, Quan Âm, Dược Vương… Các Ngài đến với Đức Phật bằng độ cảm tâm. Tùy yêu cầu và mục tiêu, các Ngài xuất hiện khắp nơi, ra đi để lại trong lòng người biết bao kính trọng, tiếc thương. Tuy hàng Bồ tát mười phương đóng vai trò quan trọng đã ở ngoài sanh tử mà Đức Phật vẫn còn xem như cây nhỏ.
Chỉ hàng Bồ tát tùng địa dũng xuất đến phẩm thứ 15 xuất hiện mới được Đức Phật xác định giống như cây lớn. Các Bồ tát tùng địa dũng xuất ở ngay cõi Ta bà, mà Bồ tát Văn Thù và Di Lặc hành đạo khắp mười phương cũng không biết các Ngài là ai. Hình ảnh cây cỏ lớn nhỏ gợi cho chúng ta thấy tất cả những gì nằm trong sanh diệt đều phải chịu quy luật của sanh diệt dù là Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát. Riêng hàng Bồ tát vượt ngoài sanh tử là Bồ tát vô sở đắc, hiện hữu ngay trong cuộc đời, ngay trong tâm người ở khắp mọi nơi, lớn không gì bằng và nhỏ cũng không ai thấy, mới thực sự là Bồ tát lớn.
Ba cỏ hai cây nhờ hấp thụ nước, trở thành lớn mạnh. Nghĩa là chúng ta ở nhân gian nương tam thừa giáo tu, trở thành người giải thoát, hiểu biết, làm lợi lạc cho đời. Đồng thời nhờ đức Phật xuất hiện, hai hạng Bồ tát bất tử cũng có điều kiện làm Phật sự.
Tóm lại, cả hai lối kiến giải ý nghĩa của ba cỏ hai cây đều đặt trên căn bản từ nhỏ đến lớn, tu theo Phật đều thành Phật. Vì nghiệp lực trình độ mỗi người mà có pháp khác nhau, rồi cuối cùng nương theo pháp sai biệt để đi đến pháp chân thật. Giống như trong cảnh giới Pháp Hoa, Phật phóng quang cho thấy mọi người đều hiểu biết giống nhau, mọi loài thông nhau đến độ không thấy Long Nữ hình rồng.
Đức Phật giới thiệu cho đại chúng việc hành đạo của họ bằng hình ảnh ba cỏ hai cây, còn Ngài là Thích Ca Mâu Ni xuất hiện như vầng mây lớn. Vầng mây lớn này theo yêu cầu của ba cỏ hai cây mà có. Hay nói cách khác, Đức Phật phát xuất từ hiện thực cuộc sống của chúng ta, tâm từ của Ngài khởi lên vì có tâm đau khổ của chúng sanh. Giữa vầng mây lớn và ba cỏ hai cây, giữa vầng mây và bể cả, có sự liên hệ chặt chẽ. Nước bốc hơi thành mây, hay Phật đáp ứng yêu cầu cứu khổ chúng sanh mà hiện thân trên cuộc đời, cũng như sen mọc trong bùn, không thể mọc nơi ghềnh đá. Tùy loại hình và khả năng từng loài tiếp thu giáo pháp lợi ích khác nhau. Đó là ý nghĩa thứ nhất của thí dụ mưa rơi.
Ngoài ra, để hiểu thí dụ mưa rơi cao hơn một nấc, thấy rằng hơi nước bốc lên là mây, nhưng rơi xuống là nước. Điều này nhằm chỉ trên mặt sanh diệt có hai thứ : mây và nước. Nhưng cả hai cùng ở một thể thống nhất, thăng hoa lên thì thành Phật, mà rớt xuống thành chúng sanh; nói lên pháp nhất thừa của Pháp Hoa, không có Phật riêng và chúng sanh riêng. Chúng sanh và Phật là một.
Đức Phật xác định đến giai đoạn này, hàng đệ tử A la hán mới đủ tuệ nhãn để Ngài nói sự thật rằng gia tài của họ có sẵn trong tay, không phải Phật cho. Ngài không đem cái gì khác mới lạ áp đặt vô cho họ. Ngài chỉ dạy đệ tử phương cách sống và khai thác gia tài sẵn có, để trở thành người trí thức, đạo đức cứu độ chúng sanh.
Khi Đức Phật nói không có tam thừa, Ca Diếp hỏi thêm tại sao Đức Phật lại lập tam thừa. Họ có chứng quả tam thừa thực sự, được những công đức và đã là Thầy trong thiên hạ. Đức Phật liền đưa ra thí dụ mặt trời.
Ánh sáng mặt trời chiếu xuống, tiêu biểu cho trí tuệ của Đức Phật. Khi mặt trời chiếu xuống không phân biệt vật tốt xấu, người thông minh hay ngu dốt, kẻ sang hay người hèn. Pháp Phật cũng vậy, dù giải thích các pháp theo muôn ngàn cách khác nhau, mọi người tiếp nhận đều đăng Thánh vị. Từ người tối tăm không thuộc nổi hai chữ như Bàn Đặc, cho đến Xá Lợi Phất thông minh bậc nhất cũng được chứng quả giải thoát giống nhau.
Đức Phật ví Ngài xuất hiện trên cuộc đời này như mặt trời mọc phương Đông, lặn về phương Tây. Từ lúc bắt đầu mọc đến khi lặn đều hữu ích cho tất cả mọi loài.
Ý nghĩa Như Lai xuất hiện trên cuộc đời như ánh sáng mặt trời được Ngài Hiền Thủ giải thích rằng khi Đức Phật thành Vô thượng giác, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm ví như mặt trời mới mọc từ thấp lên cao gọi là nhật xuất tiên chiếu, chiếu thẳng về thế giới Thật Báo. Chỉ có Bồ tát đại trí tiếp thu được và trở về trợ hóa cho Đức Phật.
Khi mặt trời lên đỉnh cao nhất, chiếu đến tất cả muôn loài, chỉ cho thời gian Đức Phật rời Bồ đề đạo tràng đến Lộc Uyển và bắt đầu đi du hóa khắp nơi. Tùy người, tùy chỗ, Ngài nói các pháp không đồng.
Giáo pháp khác nhau mà Đức Phật giảng dạy trong suốt 49 năm là giáo lý phương tiện tam thừa nói với người trần thế. Khi thì Ngài xỏ kim cho bà lão, khi thì rửa chân cho sư bị hủi… Nói chung, những gì Phật làm cho con người, ghi nhận kiết tập được, đều thuộc giáo pháp phương tiện dành cho ba hạng cỏ. Còn giáo pháp Hoa Nghiêm loài người không hiểu, không chấp nhận được, dành cho Bồ tát vi trần ở ngoài sanh tử.
Đến lúc ánh sáng mặt trời phổ cập đến mọi nơi, gọi là nhật thăng phổ chiếu, chiếu tận hang cùng ngõ hẻm, biểu hiện cho tất cả thành phần xã hội, kể cả những người xấu dở cũng đến với Đức Phật. Bấy giờ chúng ta thấy Phật giáo rất thạnh, nhưng trong thạnh, đã có mầm mống suy vi. Vì Tăng đoàn ở Vương Xá, thực chất tu hành khác xa ở thời Lộc Uyển. Ở Lộc Uyển chỉ có năm Tỳ kheo, nhưng năm người này hoàn toàn thanh tịnh. Trong khi 12.000 Tỳ kheo ở Vương Xá vừa nghe Đức Phật giảng nói chân lý Pháp Hoa, phải tự nỗ lực tu hành Bồ tát đạo, không thể nương tựa Phật mãi, thì có đến 5000 người liền bỏ đi.
Lúc mặt trời xế phương Tây, chỉ cho thời Bát Nhã. Và đến hội Pháp Hoa, Ngài Hiền Thủ gọi là nhật một hoàn chiếu, ánh sáng ở phương Tây chiếu ngược đỉnh cao về phương Đông. Lần này Bồ tát tùng địa dũng xuất xuất hiện, khác với thời Hoa Nghiêm có Bồ tát mười phương xuất hiện, ví như cây nhỏ. Chỉ đến hội Pháp Hoa mới giới thiệu cây lớn là Bồ tát tùng địa dũng xuất ở ngay nhân gian, ở khắp mọi nơi, ở trong lòng người. Thật là bất tư nghì.
Theo tôi, chúng ta nên nhìn Phật đạo dưới lăng kính Pháp Hoa mà Đức Phật giới thiệu nó tồn tại ở dạng Bồ tát tùng địa dũng xuất, không thấy bằng mắt, không dùng trí phàm suy tư hiểu được, mới nuôi dưỡng mạng mạch của đạo Phật mãnh liệt và lâu dài. Nếu Phật giáo chỉ đánh dấu bằng sinh hoạt đơn giản của con người trần gian, chắc chắn đạo Phật không tồn tại đến ngày nay.
Thật vậy, dù có bao nhiêu trường dạy Phật giáo, bao nhiêu nhà truyền giáo, nhưng học trên văn tự ngữ ngôn, giáo điều, đều trở thành số không, khi phần thực chất của tôn giáo tiềm ẩn bên trong không có. Chính phần nội lực tu chứng ảnh hưởng cho đời mới thực sự cần thiết.
Trên thực tế, chúng ta thấy các vị Tổ sư tỏa sáng chánh pháp trong cuộc sống của các Ngài. Am tranh các Ngài ở trở thành cảnh sống kỳ diệu, thu hút mọi người đến tu học, tuy đời sống vật chất hẩm hiu cực khổ. Ngược lại, ngày nay nhiều chùa cao Phật lớn cũng chỉ là di tích lịch sử văn hóa, không còn là cơ sở tín ngưỡng; vì thiếu người tu hành xây dựng phần tâm linh.
Tiếp theo, Đức Phật lại cụ thể hóa bằng thí dụ người thợ làm đồ gốm. Đức Phật ví sự hiện hữu của Ngài như một người thợ làm đồ gốm dùng một thứ đất sét, nhưng tùy nhu cầu người đặt hàng tạo nên đủ loại cần dùng. Như cần lợp nhà thì đất biến thành ngói, cần bình đựng nước thì đất sẽ dùng chế tạo bình, thậm chí đến biến làm đồ đựng phẩn uế… Nghĩa là từ loài thấp nhất trong địa ngục cho đến Bồ tát đều nương nhờ pháp vũ của Phật mà được lợi lạc. Ai tu pháp gì cũng chứng được Nhứt thiết chủng trí. Đối với tất cả pháp được tự tại, thấy được mối tương quan các pháp, biết được tất cả pháp, tùy nhu cầu chế tạo mọi vật không còn chướng ngại. Pháp nhất thừa là pháp làm cho tất cả trở thành con người toàn diện như Phật.
Thực hiện được mục tiêu này mới thấy rõ phiền não là Bồ đề, sanh tử là Niết bàn. Và đến hội Pháp Hoa, Đức Phật mới nói Tịnh độ và Ta Bà chỉ là một. Đức Phật ở thế giới này tu tập thành Vô thượng giác và chúng sanh cũng từ thân con người sống trong thế giới này mà tiến tu. Bỏ thân người ở thế giới Ta bà để đi tìm giác ngộ giải thoát chỉ luống công vô ích.
Đức Phật ở bên cạnh chúng ta hộ niệm dìu dắt, nhưng chúng ta không thấy Ngài; vì chúng ta là những người mù bị vô minh che lấp. Hàng ngoại đạo tranh luận nhau, cũng chỉ là người mù trong tam giới. Bấy giờ có một vị lương y đi tìm bốn thứ cỏ thuốc hòa hợp với nhau cho người mù đắp mắt và uống, mắt liền sáng ra.
Vị lương y tượng trưng cho Đức Phật. Ngài biến chế thuốc trị những bệnh căn có từ nhiều đời. Thuốc này là pháp tu cho Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Trước kia, Ngài nói dụ ba xe, nhưng chúng hội không hiểu vì thực tế họ đang bệnh. Nay nhờ sử dụng bốn thứ thuốc Tứ diệu đế liền sáng mắt, huệ nhãn sanh ra, thấy sự vật dưới dạng nguyên thể của nó, chứng đắc quả vị La hán.
Nhưng nếu bằng lòng với pháp chứng đắc và an trú Niết bàn, không chịu tiến lên, Đức Phật phải phá pháp Tiểu thừa, để quy về Đại thừa. Bằng cách Ngài hiển thần lực chư Phật, tạo những diệu dụng ngoài tầm hiểu biết của Thanh văn, Duyên giác nhằm gợi ý cho họ phát tâm Bồ đề.
Bước sang giai đoạn hai, hành Bồ tát đạo, xả thân vào đời, thể nhập tất cả pháp của Bồ tát, các Ngài mới thấy chính xác và chứng pháp nhãn. Quan sát bằng pháp nhãn vẫn thấy pháp và tâm tách rời riêng biệt. Tiến đến giai đoạn chứng được Phật huệ, tất cả pháp đều dung thông và kết hợp với tâm nên pháp và tâm chỉ là một.
Dụ mưa rơi để ba cỏ hai cây tăng trưởng sức sống, nói lên lòng từ bi của Đức Phật. Và dụ ánh sáng mặt trời chỉ cho trí tuệ của Đức Phật. Hai phần này kết hợp lại, vẽ ra cho chúng ta hình dung được Báo thân Phật. Dụ thợ làm đồ gốm và lương y tìm cỏ thuốc tiêu biểu cho sự kết hợp sanh thân và Pháp thân thường trú bất sanh bất diệt.
Với đầy đủ bốn thí dụ này, chúng ta dễ dàng nhận lãnh được ý nghĩa của phẩm Dược Thảo dụ hơn là chỉ nêu thí dụ ba cỏ hai cây như trong bản kinh Pháp Hoa của Ngài Cưu Ma La Thập. Khi đức Phật giảng đến đây, bốn trưởng lão tỏ ngộ được yếu chỉ của Phật và phát tâm tu hạnh Bồ tát, được tuần tự thọ ký thành Phật trong phẩm kế tiếp. Các Ngài không thể an trụ quả vị Thanh văn và ôm giữ mãi chiếc bình nhỏ bé đã biến chế, mà phải trở thành người biến chế được mọi sở cầu sở nguyện của chúng sanh trong mười phương như chư Phật đã làm vậy.