Ngũ căn ngũ lực

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012 | 22:18




Nhiều người chỉ lo học, nhưng ít tu, nghĩa là ít thực hành pháp Phật dạy, cho nên không đạt được kết quả tốt. Ngoài ra, trên bước đường tu, không biết vị trí của mình và không biết ứng dụng giáo pháp thích hợp với hoàn cảnh mình, nên cũng không có kết quả. Thật vậy, người xuất gia về hình thức giống nhau, nhưng phước đức và trí tuệ của mỗi người không đồng nhau, tức điểm xuất phát khác nhau. Phải nhận ra điều này, mới ứng dụng được giáo pháp đúng đắn.


Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần và Tứ như ý túc là 12 pháp căn bản trước nhất Phật dạy cho hàng phàm phu đi vào cửa Hiền Thánh. Đôi khi chúng ta cho rằng pháp này thấp, rồi bỏ qua để tìm kiếm những pháp cao hơn là điều sai lầm. Riêng tôi, thấy những người đốt giai đoạn, tiến tu vượt bậc, trở thành Tổ, tôi không dám bắt chước làm theo, vì tự xét lại bản thân mình không đủ khả năng như vậy.

Ba pháp vừa nói, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc của Phật chỉ dạy để giúp chúng ta chuyển từ phàm phu sang Thánh vị. Vì thế, thành tựu được ba pháp này mới là người xuất gia thật sự. Pháp đầu tiên Phật dạy là Không quán, tất cả đều là không đối với người xuất gia. Đức Phật xưa kia cũng đã xả bỏ tất cả vật chất và chư vị Tổ sư nối gót theo Phật cũng thể hiện hạnh xả ly. Điển hình như Tổ Thiên Thai ở Bà Rịa đã cảm tác rằng:

Tá thạch vi tường thục thức lão Tăng cùng đáo để
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.

Lấy vách đá làm tường, lấy gió làm quạt, Ngài đi đến chỗ “cùng đáo để” nghĩa là chỗ không còn gì bám víu trên cuộc đời; nói cách khác, Ngài đã mở được cánh cửa Không, mới thấy được ý nghĩa đích thực của giải thoát trong đạo Phật. Và Ngài đã xả ly tất cả, nên lòng rỗng rang, được thêm chữ Tĩnh, mới có niềm vui vô bờ bến (lạc vô cương).

Qua hai cánh cửa Không và Tĩnh rồi, bước qua cửa thứ ba là Tứ như ý túc. Khi tâm hoàn toàn yên tĩnh, sẽ nhận ra cái tâm của mình hay tìm được ông chủ của ngôi nhà ngũ ấm. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cứ chấp cái nhà mà quên ông chủ, chỉ lo chăm sóc cái thân hoại diệt này mà quên mất cái tâm chân thật của mình. Ngũ uẩn thân phải chết, nhưng tâm này còn, nên phải chuẩn bị cho nó thật tốt. Tôi làm tất cả mọi việc tốt đẹp là để chuẩn bị cho đời sau được làm Bồ đề quyến thuộc của người tu, để sách tấn nhau trên bước đường giác ngộ, giải thoát. Còn cái nhà mục nát này thì sớm muộn gì cũng phải bỏ thôi. Tuy nhiên, có điều kỳ diệu, tôi ít quan tâm đến đời sống vật chất, nhưng ít bệnh hoạn. Quan tâm của tôi là quyến thuộc Bồ đề. Vì thế, ngày nào còn sức khỏe, tôi cố gắng thăm viếng, sách tấn các bạn đồng hành, đồng sự, để đời này chúng ta cùng thăng tiến đạo Bồ đề và đời sau cùng nhau tiếp tục làm đạo:

Đời này chí những đời sau
Chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình.

Tâm chúng ta yên tĩnh rồi và tìm được ông chủ của chính mình, thì nhận ra ông chủ này rất tự tại và đa năng, làm được tất cả việc khó. Vậy mà tại sao chúng ta lại không sống với ông chủ này. Một số vị nói rằng bận giữ chùa, không đi an cư được. Không nên để tâm dính cứng vô chùa như vậy, không nên tự ràng buộc mình như thế, “Cảnh tự triền nhi tự phược” thì tu suốt đời, không vào được cánh cửa đạo, rất uổng phí.

Vào Thiền, xả được tất cả những mối bận tâm vướng mắc, chân tâm chúng ta xuất hiện và chính chân tâm này mới tự tại, mà kinh Pháp Hoa diễn tả rằng các vị A la hán tâm tự tại. Thân tứ đại ngũ uẩn không tự tại được, vì còn lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ. Tu hành nên tập luyện cho tâm tự tại, khi làm việc phục vụ mọi người, chúng ta hết lòng tận lực; nhưng cuối ngày, ngưng công việc, phải tập trung vài tiếng để cho tâm hoàn toàn tự tại. Nếu có điều kiện, có thể thực hiện pháp này từ ba ngày đến bảy ngày, hoặc 21 ngày, để tâm không vướng mắc bất cứ điều gì. Trong sinh hoạt hàng ngày, điều căn bản là không để tâm đến ăn uống, ngủ nghỉ; đến giờ ăn thì ăn và không nghĩ đến thức ăn ngon hay dở. Đơn giản là ăn để sống, tâm chúng ta cột vô thức ăn, tất nhiên không được giải thoát. Tập cho tâm được tự tại trong sáu trường hợp: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn và thuyết pháp. Đi tự động, đi không tính toan, là đi Thiền hành.

Tu tập được tâm tự tại, tâm giải thoát và vận dụng được tâm giải thoát vào cuộc sống là đạt được như ý túc. Khởi tham vọng thì tâm không được như ý. Thân không sống mãi được, nhưng tâm có thể trẻ mãi. Phát hiện được chân tâm và rời vọng thức thì tuổi già nhưng không cảm thấy già, là tâm tự tại. Người tu thân bệnh, tâm không bệnh; thân già, tâm không già.

Muốn giữ được tâm tự tại, phải tập xả. Ngài Hương Hải Thiền sư diễn tả ý nghĩa của sự xả bỏ, không vướng mắc qua hình ảnh con chim bay trên bầu trời:

Nhạn quá trường không ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô vi tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm

Con chim bay ngang qua hồ nước, bóng của nó in trên mặt nước; nhưng chim bay qua rồi, mặt nước không còn lưu giữ hình ảnh của nó. Tâm người tu cũng như thế, làm mọi việc ích lợi cho cuộc đời, nhưng không có gì bám víu trong tâm, gọi là tâm gương. Tâm hoàn toàn trong sáng vì đã xả ly tất cả, còn giữ lại bất cứ thứ gì cũng đều khổ.
Thành tựu ba việc: Không, tĩnh và xả là đi vào Hiền vị, sẽ tỏa ra đạo lực cảm hóa được người. Người tìm đến gặp ta, họ được an lạc. Có những vị tu hành rất kỹ, nhưng quá chấp, không ai dám gần gũi.

Xả bỏ tất cả những gì của trần thế, tâm chúng ta hoàn toàn trong sáng, tiến sang cửa thứ tư là trồng căn lành, hay tu Ngũ căn, Ngũ lực. Phải xả được thì căn lành của chúng ta mới hiện ra và từ đây mới thật tu. Ở ba giai đoạn trước chỉ là mượn hình thức xuất gia và sử dụng phương tiện lạy Phật, tụng niệm, kinh hành để chuyên chở ba chữ Không, Tĩnh và Xả. Xả rồi, việc trần ai không còn bị vướng mắc, bụi trần không bám thì căn lành của chúng ta mới bắt đầu xuất hiện. Chúng ta không đắc đạo vì không xả được, tâm còn nghĩ này nghĩ nọ, không cách nào Phật pháp hiện ra được. Vì thế, xả hết, chúng ta giải thoát; đó mới chính là con người thật của chúng ta, còn gọi là tâm chân như, hay Phật tánh.
Thành tựu pháp Xả trọn vẹn, tâm chân như hiện lên mà kinh điển thường diễn tả là chân như duyên khởi. Thiền gọi là kiến tánh khởi tu, kinh Đại thừa gọi là căn lành bộc phát. Thật vậy, tất cả mọi việc trần lao không còn tác động, cánh cửa trần ai đóng lại, cánh cửa giải thoát mới rộng mở. Ý này nhà Thiền thường nói là sơn cùng thủy tận. Cùng lộ, bít đường, cửa giải thoát mới mở cho chúng ta đi vào bằng chân tâm, bằng Phật tánh.
Từ tâm chân như duyên khởi, hay từ kiến tánh khởi tu, thì không tu trên phương tiện nữa, nhưng tu trên thể tánh. Vì thế, mặc dù trên thực tế cuộc sống, còn sinh hoạt như mọi người, còn ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng những việc đó hoàn toàn là phụ, họ không quan tâm đến nữa. Trong câu chuyện mà chúng ta đều biết, Ngọc Lam tu trên chân tánh, nhưng Ngọc Lâm không biết, nên chê trách Ngọc Lam “Sư huynh ăn rồi, ngủ hoài, không làm gì”. Còn ông thầy thì biết rõ, mới nói rằng ông có một học trò rưỡi; nghĩa là Ngọc Lâm chỉ có hình thức tu bề ngoài, tức chỉ tu một nửa, còn Ngọc Lam tu trên chân tánh, tu trong giấc ngủ, nói đúng hơn là dùng Thiền thay cho ngủ, cho nên ông ngồi im, nhưng đã hoạt động dưới dạng tâm. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả ý này là nhập Pháp giới, đi vào tận cùng thế giới tâm và giáo hóa bằng tâm.
Vì kiến tánh khởi tu, thì Phật, tâm và chúng sinh tuy hình thức có ba, nhưng đến giai đoạn này, ba đã trở thành một. Thí dụ dễ hiểu, tôi và sư Giác Sĩ, xét về thân vật chất là hai người khác nhau, sống xa nhau, nhưng cảm thông trên tâm, thì tôi và sư là một. Ngược lại, hai người sống gần nhau, mà tâm trí, suy nghĩ hoàn toàn khác nhau gọi là “đồng sàng dị mộng”. Tu hành đạt đến kiến tánh khởi tu, sẽ giáo hóa chúng sinh bằng tâm, kinh gọi là tâm chuyển pháp. Bấy giờ, an trụ Thiền định, đi vào Pháp giới thì “trục loại tùy hình”, nghĩa là có bao nhiêu chúng sinh ở mọi dạng hình, hành giả đều giáo hóa được và cần nói rõ rằng đó là sự giáo hóa trong Thiền định, nhưng mới thực là đạo. Còn dùng ngôn ngữ để giáo hóa chỉ là phương tiện mà thôi.

Từ bỏ thế giới vật chất, đi vào Thiền định sống với nội tâm sẽ nhận ra những điều đặc biệt mà Phật dạy rằng trong Thiền định, muốn gì được đó (Dục tam ma địa như ý túc). Thật vậy, tâm rất tự tại, trong tâm thức chúng ta muốn chiêm bái chùa nào thì chùa đó hiện ra, muốn có chùa lớn cỡ nào cũng được, v.v... Thí dụ tôi đang ở đây, nhưng nghĩ đến chùa Tổng Trì ở Nhật, tôi liền tiếp cận được Thiền sư Thiên Chơn ở đó; dĩ nhiên là giao tiếp bằng tâm. Hoặc Hòa thượng Thiện Hào viên tịch đã chín năm, nhưng tâm thức ta vẫn gặp được ngài. Đây là thế giới siêu hình, không phải thế giới vật chất. Vì vậy, bốn điều như ý (Dục như ý túc, cần như ý túc, tâm như ý túc và xả như ý túc) có dễ dàng trong Thiền định; còn trong thực tế cuộc sống, ham muốn theo thế gian thì muốn nhiều khổ nhiều, hay có đủ thứ vật chất như ý muốn mà vẫn mất như không.

Vào thế giới tâm linh mới có bốn điều kỳ diệu. Hơn thế nữa, Phật dạy các vị Bồ tát thâm nhập Hoa Tạng thế giới còn có trùng trùng điều như ý, chứ không phải chỉ có bốn. Đạt được Tứ như ý túc trong Thiền định, mới phát triển căn lành chúng ta. Đến đây nhận ra được điều Phật dạy rằng con người có năng lực thật kỳ vĩ, đó là ngũ căn. Nếu không phát hiện và không sử dụng được năm căn lành này, quả là uổng phí. Ngũ căn, hay năm điều cần phát triển: tín, tấn, niệm, định và huệ để chúng ta trở thành vạn năng như Đức Phật. Phật đã phát huy trọn vẹn năm căn lành này.

Căn lành xuất hiện, chúng ta sẽ đối diện với Phật. Căn lành chưa được khơi dậy, ta và Phật còn cách ly, thì ta và người đối mặt nhau. Thí dụ đơn giản như tôi đang hiện diện trước quý sư và quay lưng với Phật; nhưng khi tôi trở về chùa, các sư không còn trước mặt tôi nữa; lúc ấy, nếu tôi sống với tâm chân như, Phật liền xuất hiện trước mặt. Thiết nghĩ các vị cao tăng, những bậc chân sư đi hành đạo khắp nơi, giữa các ngài và Phật chắc chắn có sự gần gũi mật thiết. Thiếu mối tương quan sâu xa với Phật, chúng ta không bao giờ dám dấn thân hành đạo.

Riêng tôi, trên bước đường tu, giáp mặt với Phật để nghe Phật dạy và đặt trọn niềm tin nơi Phật, từ đó bên cạnh luôn có Phật và làm việc cho Phật, tôi cảm thấy an ổn vô cùng. Tôi thường nghĩ rằng nếu bây giờ có Phật ở đây, Ngài sẽ dạy điều gì. Không phải lặp lại y khuôn những việc của các trưởng lão hàng ngàn năm trước. Đối với năm anh em Kiều Trần Như đã đắc quả vị A la hán, Phật mới bảo mỗi vị đi một phương hành đạo; nhưng với các Tỳ kheo chưa đắc đạo mà bắt chước đi mỗi người một hướng, thì rõ ràng có người bị ngoại đạo hại, có người bị cọp bắt.

Căn lành trước nhất là niềm tin (Tín) rất quan trọng; cần cân nhắc đừng để rơi vào mê tín hay cuồng tín. Nếu mê tín, sẽ bị người lợi dụng niềm tin để dẫn ta đi vào đường tà, nguy hiểm. Người có căn lành, niềm tin của họ hoàn toàn khác với người không có căn lành. Không có căn lành, niềm tin thường được thúc đẩy bởi tham vọng. Thí dụ người mê tín muốn điều gì đó, ham muốn này phát xuất từ lòng tham, khiến họ mờ mắt, mới nhờ thầy bói, thầy bùa. Những ông thầy tà liền khai thác ham muốn ấy, bày vẽ đủ kiểu, làm cho người này tan gia bại sản, khổ đau.
Đối với chúng ta, có niềm tin là chánh tín phát xuất từ Thiền định; cho nên cách nhìn của chúng ta sáng hơn. Vì vậy, kinh Hoa Nghiêm dạy rằng niềm tin sinh ra tất cả công đức. Không tin, luôn nghi ngờ và lo sợ, sẽ chẳng làm được gì. Người có căn lành đặt niềm tin vào năm điều: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin nhân quả.

Tu hành theo Phật mà không tin Tam bảo thì làm sao tiến tu được. Trước hết và trên hết, chúng ta đặt trọn niềm tin ở Đức Phật và giáo pháp của Ngài đã truyền trao. Tuy nhiên, Đức Phật lịch sử đã cách chúng ta hơn 2.500 năm; vì thế, việc cảm được Phật, hiểu được Phật rất khó và ứng dụng pháp Phật có kết quả hoàn toàn lại khó hơn.
Kinh Pháp Hoa dạy rằng Phật thực là Phật tâm không vào Niết bàn, nhưng không phải ai cũng thấy Phật. Phật luôn hằng hữu, nhưng giữa ta và Phật muốn thông được với nhau, phải phá bỏ bức màn ngăn cách là ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma, tử ma. Thật vậy, trên bước đường tu, ta thường bị người không đắc đạo tác động. Họ dạy ta những điều sai lầm và lấy cái sai đó tự ràng buộc, làm khổ mình. Vì thế, cần tìm thầy hiền bạn tốt gần gũi, học hỏi; đừng đến với thầy tà bạn xấu, họ làm ta dao động thêm. Ngoài ra, phiền não trong lòng chúng ta có sẵn, nên khi bị tác động, phiền não liền nổi dậy, tâm ta không yên được thì không thể thấy Phật được. Các vị Tổ sư thường ví tâm như mặt nước sông hồ, nếu trong suốt và phẳng lặng, trăng mới in bóng lên được. Tâm chúng ta cũng vậy, không phiền não, Phật sẽ xuất hiện nơi tâm ta, ta và Phật không có khoảng cách. Đó là thấy Phật bằng tâm, tâm thanh tịnh, Phật hiện; tâm vọng động, Phật biến mất.

Trong khoảng thời gian này, ta tìm học Phật lịch sử qua trung gian thầy, Tổ của chúng ta; nhưng chúng ta tìm Phật thật qua thực tập Thiền quán. Nhờ Thiền quán, chúng ta cắt bỏ lần phiền não và thiên ma, nên tâm lần lắng yên, thì mức độ thấy Phật của chúng ta rõ ràng hơn. Có giáo sư ví dụ tâm chúng ta như cái tivi. Khi tâm chúng ta đầy đủ ngũ ấm ma, phiền não ma, ngoại ma, giống như màn hình tivi bị nhiễu sóng, chỉ thấy toàn là hột lấm tấm, không có hình ảnh và âm thanh ồn ào, không nghe được tiếng nói. Nhưng nếu chúng ta phá được một phần phiền não, sẽ nghe được âm thanh, nhưng không rõ và thấy được hình ảnh, nhưng hình cũng bị giựt. Đó là ví dụ về cái thấy Phật lờ mờ bằng niềm tin, không thấy bằng mắt. Ta tin có Phật, nhưng không biết Phật ở đâu. Ta tu được, vì tin Phật đang gia hộ cho mình. Do sự tu tập, điều chỉnh thân tâm của chúng ta, hạn chế được phiền não và ngũ ấm ma, nên thấy Phật lờ mờ bằng niềm tin, thì bắt đầu bắt được làn sóng của Phật. Từ đó, nỗ lực Thiền định công phu, điều chỉnh cho làn sóng tâm đúng với tần số của Phật, ta sẽ nghe được Phật, thấy được Phật.

Như vậy, từ bắt đầu thấy Phật bằng niềm tin, cảm được Phật và đi sâu vào Thiền định, thấy Phật bằng tâm. Khi tâm thanh tịnh, tâm ta và Phật ngang nhau, thấy Phật trong Thiền định và xả định, thì Phật biến mất, nhưng niềm tin Phật luôn hộ niệm vẫn sống động trong ta. Niềm tin Phật xuất phát từ Thiền định như thế chính là căn lành. Còn người không thấy được Phật bằng niềm tin, cũng như không Thiền định công phu để thấy Phật thực, dễ rơi vào mê tín, hoặc chỉ tu một thời gian, sinh ra chán nản, xa đạo lần cho đến không tu nữa.

Cần khẳng định rằng người có niềm tin ở Phật và vào định, thấy Phật thì khi ra định, chắc chắn họ sẽ xử sự tốt và rất tinh tấn trên bước đường tu. Vì vào Thiền định, họ thấy Phật, tiếp nhận được sự an lành tuyệt vời, cho nên cuộc đời này đối với họ chỉ là chốn tạm bợ. Họ hiện hữu trên cuộc đời, để trải nghiệm Bồ tát hạnh, làm những điều tốt lành cho mọi người, không mong cầu gì cho bản thân mình, nên hoàn thành mục tiêu rồi, nhẹ nhàng ra đi, để lại sự tiếc thương và lòng quý mến của mọi người dành cho họ. Những người không có chỗ đi, không có chốn về, không nhận ra Phật và thế giới Phật, mới phải ở đây bám vào thế giới này, hơn thua tranh giành để sống. Ví như quý vị có tịnh xá tốt đẹp hơn nơi này thì sau ba tháng an cư, làm mọi việc thật tốt xong, sẽ về tịnh xá của mình, không có gì thắc mắc. Còn người cố bám trụ vào đây, sẽ gây ra nhiều việc rắc rối. Thế giới Thường Tịch Quang của Phật dĩ nhiên tốt đẹp vô cùng so với thế giới phương tiện mà chúng ta đang sống. Vì thế, vào Thiền định, hành giả tu trong thế giới Phật tốt hơn thế giới này quá nhiều và tiếp nhận được vô số điều hoàn mỹ. Xả Thiền, rời thế giới Phật, hành giả trở lại cuộc đời này, chia sẻ công đức đã nhận được từ Phật cho mọi người, là mắt sáng cho đời, là bóng mát cho người nương tựa, khiến Trời người phát tâm cúng dường là thế. Ngược lại, tu hành không đạt kết quả tốt, vì không sống trong Thiền định, không vào thế giới Phật, bản thân dày đặc phiền não, không tự cởi trói cho mình, còn giúp được ai. Thực tế cho thấy, những đạo tràng mà đại chúng tu hành không nghiêm túc, thường có nhiều tranh chấp xảy ra; trái lại, đạo tràng thanh tịnh, người tu có đức hạnh sẽ đóng góp được nhiều cho đạo.

Với niềm tin Đức Phật là bậc sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn và tận cùng nguồn tâm, chúng ta tiếp cận được với Phật, thì theo sự cảm tâm đó mà chúng ta hành đạo. Đức Phật đã thành tựu trọn vẹn những giáo pháp mà Ngài chỉ dạy và chư vị Tổ sư cũng đã thể nghiệm được tinh ba của pháp Phật; vì thế chúng ta tin rằng từng bước, cũng có thể tu tạo hạnh đức như các Ngài.

Ngoài việc tin tuyệt đối ở Phật, ở giáo pháp của Ngài dạy, niềm tin vào Tăng bảo là đoàn thể hòa hợp, thanh tịnh cũng rất cần thiết. Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn thể Tăng già, suốt cuộc đời tu hành của tôi luôn gắn liền với Giáo hội, từ Giáo hội Tăng già Nam Việt trước kia, cho đến Giáo hội Phật giáo Thống nhất và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Không có Giáo hội, một mình tôi không thể làm được. Từ niềm tin vào Giáo hội, mới dành mọi công sức và trí tuệ cho việc chung của tập thể đến quên mình là đạt vô ngã vị tha. Trên bước đường hành đạo, gặp việc phiền toái, có lúc khởi tâm muốn bỏ, nhưng nhớ lại bỏ nửa chừng là mình mất trắng, tôi cố gắng kham nhẫn để duy trì nếp sống lý tưởng mà mình đã theo đuổi từ bao đời bao kiếp.

Khi đặt niềm tin ở tập thể, chúng ta nỗ lực xây dựng tập thể cho tốt đẹp hơn. Tâm trí và đạo lực đầu tư cho tập thể nhiều, tất yếu chúng ta cũng nhận được niềm an lạc vô biên trong ngôi nhà Chánh pháp. Không tin ở tập thể, học xong thích xây dựng am cốc ở riêng là người không có căn lành. Tam bảo đã nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành rồi, cần dấn thân phục vụ đại chúng, lo cho lớp đàn em sau này; đó chính là căn lành rất quan trọng.

Điều thứ tư mà chúng ta đặt trọn niềm tin là trì giới. Trên bước đường tu, giữ giới thanh tịnh một cách tự nhiên, không phải bị ép buộc, bất đắc dĩ. Vì giới luật đã là sự sống cần thiết cho chính mình và được tuân thủ lâu ngày, nên trở thành đức hạnh của chúng ta. Thiếu căn lành này, không thể nào tiến tu được. Chỉ có đạo đức do trì giới thanh tịnh mới cảm hóa được người. Còn xảo trí, đa mưu không phải là người tu.

Và căn lành thứ năm của phần tín căn là xả bỏ. Ai cố ý hay vô tình xúc phạm, mình cũng bỏ qua. Nhờ hạnh hỷ xả, chúng ta sống với đại chúng nhẹ nhàng. Cố chấp, ghim trong lòng lâu ngày, hiện ra nét mặt dễ sợ và dễ trở thành trầm cảm. Phật dạy chúng ta tâm hỷ xả là một trong Tứ vô lượng tâm mà người tu phải trang bị cho được. Trên tinh thần này, giáo lý Nguyên thủy cũng dạy lục niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên. Trong tâm trí cần nuôi lớn sáu niệm này. Người lúc nào cũng niệm xả thì chạm trán với vấn đề gì, họ cũng tươi cười được. Cho đến người ta chọc tức mình mà vui, tôi nghĩ mình có thể cho họ nguồn vui đó cũng được, có gì phải sợ. Thực tế cho thấy người có tâm hồn hỷ xả thường có nhiều bạn.

Với niềm tin chân chánh và thanh tịnh thật sự vào năm điều như trên, hay vào lục niệm, chúng ta kết hợp Thiền định công phu và lễ Phật, tụng niệm kinh điển, có được nếp sống an lành, khiến chúng ta siêng năng tu tập và giúp đỡ mọi người. Quán sát năng lực của mình và yêu cầu của người, thấy đúng đắn và hướng dẫn người được lợi lạc. Nhờ đó, hành Bồ tát đạo không biết mệt mỏi, chán nản, mới phát huy được căn lành thứ hai, Tinh tấn.

Người tu, nhưng thiếu căn lành này, ít dám dấn thân, vì sợ khó, sợ khổ, sợ nghèo đói, sợ nguy hiểm; không dám tiến bước trên con đường phạm hạnh, huống chi là dấn thân trên con đường tâm linh. Với căn lành tinh tấn, chúng ta quyết tâm tu, nhiệt tình làm mọi việc tốt cho đạo, đẹp cho đời và vượt qua được cạm bẫy trên con đường hiểm sinh tử. Thật vậy, theo kinh nghiệm của riêng tôi, nếu thiếu căn lành tinh tấn, gặp khó sẽ dễ bỏ cuộc. Năm 1963, chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo, một số bạn đồng tu với tôi hoàn tục, vì sợ nguy hiểm. Năm 1975 cũng vậy, số người bỏ tu cũng khá nhiều. Tôi nghĩ mình đã chọn con đường theo Phật, con đường vinh quang nhất và tự thấy những thời kỳ khó khăn vừa nói là cơ hội ngàn vàng để đóng góp cho đạo. Nếu thiếu căn lành tinh tấn, tránh né những việc khó, chắc chắn điều tốt không đến được với chúng ta và khó đi xa trên con đường đạo.

Căn lành thứ ba là Niệm, tức đương niệm, hay chánh niệm, nghĩa là giờ nào việc đó. Kết hợp được thời gian và không gian để phán xét, tâm chúng ta gắn liền với việc đang làm; bây giờ và ở đây, ta nên làm gì là chánh niệm. Thất niệm thì ở đây mà nghĩ đến chỗ khác, nghĩ việc chưa đến hay nghĩ việc đã qua đều vô ích.
Ba căn lành: niềm tin, tinh tấn và chánh niệm là thềm thang giúp chúng ta tu tạo hai căn lành sau cùng là định và huệ. Và nhất là sử dụng được định lực, tức chánh niệm “bây giờ và ở đây”, thì càng dễ dàng phát huy định và huệ hơn nữa. Tâm tập trung cao độ là định, tạo nên sức mạnh của tâm đầu tư cho việc nào thì việc đó trở nên tốt đẹp, vì nhận chân rõ ngọn nguồn của sự việc là huệ. Người Nhật khai thác triệt để lực tập trung vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống đời thường, mà họ thường gọi là “đạo”, như hoa đạo, kiếm đạo, thư đạo, trà đạo, v.v… Cắm hoa với tâm định tĩnh, tạo thành lọ hoa có hồn, khiến người ngắm hoa cũng cảm thấy nhẹ nhàng theo.

Định và huệ mới thật là mạng sống của người xuất gia. Người xuất gia không có tâm trí rối bời, không loạn tưởng, không vọng niệm, không chao đảo. Người xuất gia luôn bình tĩnh, tập trung và nhìn sự vật chính xác. Muốn gìn giữ định và huệ của chúng ta, phải kết hợp được ba căn lành, niệm, định và huệ để giải quyết ngay việc hiện tại một cách tốt nhất.
Có định và huệ, chúng ta sống hướng nội gọi là Thiền và hướng ngoại gọi là quán. Đó là hai mặt của cuộc đời người tu, nhìn ra để giáo hóa chúng sinh và nhìn vào nội tâm, trụ tâm để nuôi lớn phước đức và trí tuệ làm tư lương cho chúng ta trên bước đường tự hành hóa tha. Cần điều chỉnh việc tu hành cho cân bằng để đạt được kết quả tốt, khi nào chúng ta làm việc cho người và khi nào trang bị cho chính mình. Theo kinh nghiệm riêng tôi, sau khi làm việc vất vả, tôi thường dành thời gian thư giãn và tỉnh giác để điều hòa cơ thể trở lại trạng thái bình thường và tâm lý an ổn, phục hồi nguyên khí của mình. Từ sự an lạc của thân tâm mới có thể cảm hóa được người.

Có niềm tin chân chánh ở Tam bảo, siêng năng lạy Phật và Thiền định, sống với chánh niệm, tạo được lực tập trung và hiểu biết chuẩn xác, kết thành quả định và huệ là thành tựu được năm căn lành.

Căn lành có năm phần: tín, tấn, niệm, định, huệ; nhưng dồn lại, chúng ta lấy chữ Huệ làm sinh mạng của mình; vì đến đây chúng ta mới bước vào cửa giải thoát của Phật, vào hàng Dự lưu. Khi đã thâm nhập vào dòng thác trí tuệ của Phật, cuộc đời mình chỉ có trí tuệ là trên hết. Tôi nhường tất cả mọi thứ, nhưng không nhường hiểu biết; chưa biết, còn phải học. Tôi xả bỏ tất cả, nhưng không xả bỏ tâm Bồ đề. Phải giữ tâm Bồ đề kiên cố để làm hạt nhân thành Phật sau này. Mất Bồ đề tâm là mất trí tuệ, mất trí tuệ là mất tất cả. Theo Phật, huệ mạng của chúng ta quý nhất; không có huệ mạng, cuộc đời tu không có ý nghĩa. Nương vào thân tứ đại để tu chứng huệ mạng, phát triển giới thân mới là thực tu.
Chúng ta phát hiện và sử dụng năm căn lành này để phát huy tự thân và để giáo hóa chúng sinh. Nói cách khác, khéo vận dụng năm căn lành để tạo thành lực dụng hay tăng cường đạo lực, có được ngũ lực. Muốn được như vậy, tất yếu phải nhận ra năm căn và đặt trên bệ phóng của năm căn lành, mới phát huy được năm lực. Năm lực cũng gồm có tín, tấn, niệm, định và huệ.

Căn lành là phước báo vô lậu chỉ tu tạo được khi tâm hồn yên tĩnh trong Thiền định, khác với phước báo hữu lậu của thế gian. Kinh Pháp Hoa dạy phải trồng căn lành ở các Đức Phật. Không có căn lành mà muốn tu thành Phật, không khác gì muốn nấu cát thành cơm. Phải tu trên căn lành, trên tâm chân như, trên Phật tánh và từ nền tảng này, phát triển căn lành thành sức mạnh, gọi là ngũ lực. Đức Phật Đại Thông Trí Thắng phá ma quân, đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác rồi, Ngài phải ngồi ở cội bồ đề thêm mười tiểu kiếp nữa để chuyển hóa căn lành thành lực dụng mới bắt đầu đi giáo hóa.

Tu trên tâm chân như, trên Phật tánh thì hành pháp vô tác và từ vô tác mới sinh ra diệu lực. Ngũ căn thuộc về vô tác và ngũ lực thuộc diệu lực. Khi phát hiện được căn lành và sống với căn lành, nhưng chưa tác động được cho người. Đến khi phát huy được căn lành, mới ảnh hưởng cho người phát tâm Bồ đề. Như vậy, tu bằng căn lành và giáo hóa bằng diệu lực. Hòa thượng Trí Tịnh dạy chúng ta nên tăng cường đạo lực, tức diệu lực, mà diệu lực có được từ pháp xuất thế vô lậu, không phải từ việc lành dữ của thế gian.

Chúng ta may mắn có được bậc chân tu lãnh đạo là Hòa thượng Trí Tịnh. Ngài trụ trong thiền thất, không làm bên ngoài, nhưng thật sự hoạt động trong tâm, nên ngài trở thành biểu tượng được quý kính, thể hiện rõ nét tinh thần vô tác diệu lực. Những vị tôn túc không hoạt động, mà mọi người kính nể, chúng ta nên học theo hạnh đức của các ngài. Người làm nhiều thì được thương là bình thường. Hoặc không làm thì không được thương là củi mục than nguội. Hoặc làm nhiều nhưng không ai quý thì nên xét lại việc làm ấy.

Đọc kinh Hoa Nghiêm, tôi nhận ra cốt lõi của vô tác diệu lực mà kinh diễn tả là ngộ Tỳ Lô tánh, hiện Tỳ Lô thân và ứng Tỳ Lô dụng. Đó là ba thân của Phật Tỳ Lô Giá Na. Tỳ Lô tánh là Phật tánh, Tỳ Lô thân là Pháp thân và Tỳ Lô dụng là vô tác diệu lực của Phật. Ngộ được Tỳ Lô tánh, tức biết được năng lực của tánh thì sử dụng được một cách trọn vẹn, gọi là ứng Tỳ Lô dụng. Tánh thì bất biến, còn dụng thì thiên biến vạn hóa, tức vạn năng. Nghĩa là từ cái nhìn chính xác về tánh và sử dụng được sức mạnh của tánh hoàn toàn tốt đẹp là kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả một cách khác về ngũ căn, ngũ lực. Đồng thời, kinh Hoa Nghiêm cũng đã triển khai căn lành ấy của con người mà Thiện Tài đồng tử là mẫu người điển hình phát huy được căn lành, tạo thành đạo lực vô song, mới thâm nhập được Hoa tạng thế giới. Nhờ đó, Thiện Tài mới đến tham học được với những hành giả, mỗi vị tiêu biểu cho một khía cạnh tuyệt mỹ của đạo lực. Mỗi vị xuất hiện dưới dạng hình khác nhau, từ các vị Đại Bồ tát, cho đến hàng xuất gia phạm hạnh Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc hàng cư sĩ quốc vương, đại thần, trưởng giả, thậm chí có cả đồng nam, đồng nữ, hay ngoại đạo, hoặc chư Thiên, chư thần trong khắp Pháp giới. Ngày nay, người tu hành không đạt kết quả tốt đẹp, chỉ vì thiếu đạo lực, tức thiếu sức mạnh tâm linh, nên tầm nhìn và quyết đoán không chính xác, phạm sai lầm, làm thế nào cảm hóa được người.

Tóm lại, trên bước đường tu, phát hiện được căn lành và nuôi lớn căn lành, phát huy thành lực dụng là thành tựu pháp ngũ căn, ngũ lực trong 37 trợ đạo phẩm. Từ đó, chúng ta lấy huệ làm mạng, mới có được mạng vô cùng và lấy giới đức làm thân, mới có thân vô hạn. Đời sống người tu tỏa sáng nét đẹp thanh cao của tâm không chấp trước, tâm yên tĩnh, tâm trong sáng. Mong rằng trong mùa an cư, quý vị đều sống được với những tâm cao quý này và trở về trụ xứ, sử dụng đạo tâm, đạo lực ấy để phát huy đạo pháp, làm lợi lạc cho mọi người.

HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com