Theo lịch sử, Ðức Phật Thích Ca xuất thân là
Thái tử, sống trong cảnh quyền uy nhung lụa, nhưng thường băn khoăn về kiếp
sống trầm luân khổ đau của con người. Ngài từ bỏ nếp sống xa hoa vật chất để đi
tìm con đường giải thoát sanh tử cho mình và mọi người. Trải qua 5 năm tìm đạo,
6 năm khổ hạnh chốn rừng già và 49 ngày tư duy dưới cội bồ đề, Ngài đã chứng
quả Vô thượng Chánh đẳng giác.
Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Ðức Phật trước tiên đến độ 5 anh em Kiều
Trần Như, lập thành mô hình Tam bảo đầu tiên của Phật giáo. Với thời gian, giáo
đoàn dưới sự hướng dẫn của Ðức Phật đã phát triển, lên đến 12.000 Tỳ kheo và
6.000 Tỳ kheo ni cùng nhiều cư sĩ, từ vua chúa cho đến thường dân đều quy
ngưỡng theo Phật. Ðến năm Ngài 80 tuổi, thân tứ đại cũng hoại diệt như mọi
người, kết thúc một đời giáo hóa độ sanh. Tuy nhiên, cách đánh giá sự nghiệp
của Ðức Phật một cách giản đơn như vậy không được chấp nhận ở thời kỳ Phật giáo
phát triển. Ðể xác định tư cách siêu phàm của Ðức Phật, nhiều quan niệm khác
nhau kiến giải về Ngài đã được hình thành theo hướng nhìn về chiều sâu tâm
linh.
Trước kia, người ta nghĩ rằng Ngài xuất hiện trên cuộc đời này, bỏ ngôi vua đi
tu, ngồi cội bồ đề thành Phật; tức quan niệm Ngài vừa mới tu thành Phật. Nhưng
nay, theo tinh thần Phật giáo phát triển, Ðức Phật đã trải qua nhiều kiếp hành
Bồ Tát đạo, tích lũy đạo hạnh và tri thức, nên hiện đời mới kết thành quả Vô
thượng Ðẳng giác. Kinh Bổn Sanh, Bổn Sự cũng nhằm nói lên quá trình tu Bồ Tát
hạnh của Phật.
Trên nền tảng ấy, dưới lăng kính Ðại thừa Phật giáo, Ðức Phật hiện hữu cao quý
và trường tồn chính là vì Ngài đã thành tựu Báo thân. Nghĩa là Ðức Phật không
chỉ có nếp sống đơn thuần như một con người bình thường, nhưng cuộc đời Ngài là
kết tinh của phước đức, trí tuệ và việc làm siêu việt. Ngài đã thành công trong
việc giáo hóa là do đức hạnh và tri thức của Ngài đã tác động cho người thăng
hoa thánh thiện.
Từ căn bản nhận thức về Báo thân Phật hay thân phước đức, trí tuệ, kinh Hoa
Nghiêm triển khai thêm, đưa ra quan niệm về Tỳ Lô Giá Na Pháp thân. Phật Tỳ Lô
Giá Na tiêu biểu cho ánh sáng tuệ giác, có khả năng truyền thông khắp pháp
giới, truyền đến tâm thức của tất cả chúng sanh mà không hề chướng ngại. Khi Tỳ
Lô Giá Na Pháp thân chi phối đến đâu, chúng sanh tiếp nhận thì phát Bồ đề tâm
tu hành, ai cũng thành Phật. Với lý giải ấy, Phật không còn mang hình thức nào
cố định, không có một cái gì không phải là Phật mới là Phật.
Lý giải Pháp thân Tỳ Lô Giá Na biến chiếu, thể hiện vô tất cả loại hình. Từ
loài người cho đến loài thú, kể cả cây cỏ, đều là Phật. Quan niệm một Ðức Phật
như thế quá bao la, khó nắm bắt.
Từ đó, chuyển sang kinh Pháp Hoa, đưa ra quan niệm kết hợp Pháp thân Phật của
Hoa Nghiêm với Báo thân Phật, để hình thành một Ðức Phật thường trú, hiện hữu ở
dạng thức gọi là thế gian thường trụ Tam bảo.
Lý Hoa Nghiêm mà không có giải thích bổ sung của Pháp Hoa thì dễ làm chúng ta
lầm tưởng Pháp thân Tỳ Lô Giá Na biến chiếu bàng bạc, vô ảnh vô hình.
Nhưng kinh Pháp Hoa đã kéo ý niệm ấy trở lại thực tế; theo đó, Tỳ Lô Giá Na
Pháp thân cũng phát xuất từ tứ đại ngũ uẩn thân. Vì Ðức Phật cũng tu tập từ
sanh thân tứ đại mà tạo thành Tỳ Lô Giá Na Pháp thân, và Ngài sử dụng Pháp thân
ấy để tác động ngược lại chúng sanh.
Nói khác, Ngài hiện hữu trên cuộc đời này, bên trong thân tứ đại hàm chứa một
Báo thân viên mãn. Nghĩa là cuộc sống của Ðức Phật tỏa sáng lòng từ bao la, đức
hạnh cao quý, hiểu biết siêu quần, thể hiện thành những việc làm cứu đời, lợi
ích cho người. Nhờ đó, chúng sanh mới hướng về Ngài và phát tâm tiến bước theo
con đường giải thoát của Phật vạch ra.
Ðức Phật dùng Báo thân viên mãn đầy đủ phước đức trí tuệ để làm hạt nhân tạo
thành Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na Pháp thân hay ánh sáng trí tuệ
rọi vào các pháp, điều động các pháp thành phương tiện giáo hóa của Như Lai,
chuyển hóa xã hội đương thời.
Ta chưa thành Phật vì không có Báo thân viên mãn, tức chưa đầy đủ phước đức trí
tuệ, nên Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật của ta không có tác dụng, gọi là Như Lai
tại triền.
Vì vậy, theo tinh thần Pháp Hoa, việc quan trọng trên bước đường tu là phải
nuôi lớn Báo thân Phật của chính chúng ta, tức nỗ lực tu hành phát triển hiểu
biết, đạo hạnh giống như Phật, bằng với Phật.
Thấm nhuần sâu sắc tinh thần này, Nhật Liên thánh nhân được nhân dân Nhật kính
trọng như Thượng Hạnh Bồ Tát, là một trong bốn vị Bồ Tát tùng địa dũng xuất của
kinh Pháp Hoa. Ngài đả phá cực mạnh những ai tu hành mà chỉ lo cầu khẩn ông
Phật bên ngoài. Vì càng chạy theo tìm kiếm cái gì ở ngoài ta, thì càng làm cho
Phật bên trong ta ốm o, gầy mòn. Ngài đưa ra hình ảnh chim trong lồng lắng nghe
tiếng chim bên ngoài hót mà nó hình dung ra bầu trời bao la, tự do, tươi mát.
Chúng ta ví như chim trong lồng, gia công tu tập theo dấu chân Phật, để đánh
thức được Phật tâm bên trong của chúng ta mới là việc chính yếu phải thực hiện.
Thiết nghĩ, mặc dù có Phật lực gia bị cho ta trên bước đường vượt 500 do tuần
đường hiểm, nhưng điều cốt lõi là chúng ta nương theo lực của Phật để cải tạo
thân tâm ta, thăng tiến lên địa vị hiền thánh, không phải núp bóng Phật để Ngài
che chở cho ta mãi mãi. Chẳng thể có sự chở che của bất cứ vị Thánh nào lại
dành cho những con người ăn bám, giúp đỡ những tâm hồn hèn mọn.
Với tinh thần huân tu để thành tựu thân thanh tịnh, hòa hợp, trang nghiêm bằng
phước đức, trí tuệ ở ngay trên cuộc đời này, thể hiện rõ nét ý nghĩa thường trụ
Tam bảo hiện hữu đầy đủ trong mỗi con người chúng ta.
Tóm lại, trên lộ trình Pháp Hoa, trở về với chính mình, tiến tu ngõ hầu phát
huy đạo hạnh, tri thức, việc làm vô ngã vị tha, lợi lạc cho người. Theo thời
gian tu học, hành Bồ Tát đạo, đến khi nào thân tâm chúng ta cũng kết tinh bằng
phước trí vẹn toàn, viên mãn hạnh lợi tha như Ðức Phật, thì chúng ta chính là
Phật vậy.
HT Thích Trí Quảng