(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 80 tại chùa Phổ
Quang)
(Giác Ngộ) - Thoạt nghe chủ đề này, một số người có cảm
giác như gần đời hơn đạo, mà tinh thần Đại thừa gọi là Phật pháp bất ly thế
gian giác. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này vì lợi ích cho số đông, vì an
lạc cho chư Thiên và loài người; đó cũng là điều mà Phật tử cần phấn đấu thực
hiện cho được. Vì vậy, chủ trương của chúng ta là không tách rời thế gian, thì
những gì thế gian có, chúng ta nhìn thẳng vào thực tại đó mà lý giải theo Phật,
nghĩa là đem đạo vào đời.
Khi Đức Phật xuất hiện
trên cuộc đời cũng vậy, đã có 92 tổ chức ngoại đạo và Phật đã kết hợp được
những tôn giáo này để giúp họ có cái nhìn chính xác và tốt đẹp nhất. Thử nghĩ
ngày nay chúng ta kế thừa sự nghiệp của Đức Phật, thì phải làm gì và tại sao
phải đặt vấn đề nối vòng tay lớn.
Chúng ta đã biết ngày
xưa các học thuyết và tôn giáo ra đời luôn chống đối lẫn nhau cho đến sát hại
nhau. Lịch sử đã cho thấy các tôn giáo nhân danh Thánh để dẫn đến Thánh chiến
và các học thuyết đều có những tư tưởng dị biệt đến mức không thể chấp nhận
nhau. Trong tình trạng hỗn độn về tư tưởng và tôn giáo như vậy, mới có một
hướng mới chủ trương kết hợp những người không cố chấp, không định kiến hợp tác
với nhau. Cho nên trong thập niên 70 các nhà tôn giáo thế giới có tinh thần hòa
hợp mới vận động thành lập tổ chức tôn giáo vì hòa bình cho nhân loại và đại
hội đã được diễn ra vào năm 1970 tại Kyoto. Lúc đó, tôi được tham dự đại hội
này với tư cách là quan sát viên và cố Hòa Thượng Thiện Minh là Trưởng đoàn của
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thời đó. Vì các nhà tôn giáo muốn dẹp bỏ
các định kiến và có tinh thần cảm thông, hòa hợp, cùng nhau tìm cái hay, cái
đúng, cái lợi ích để chia sẻ cho nhau, vạch ra hướng đi lợi lạc cho cộng đồng
nhân loại và mọi người cùng thăng hoa.
Ảnh
minh họa
Ở Việt Nam, sinh hoạt
của gia đình Phật tử cũng có sinh hoạt riêng, nhưng khi kết thúc luôn đặt vấn
đề nối vòng tay lớn. Mỗi tông phái của chúng ta, hay mỗi chùa cũng có sinh hoạt
riêng, còn giống nhau hoàn toàn thì không thể được; vì chỉ với hai người đã có
hai việc khác nhau, nói chi là một tập thể có nhiều người. Ngay như một người
mà lúc chưa đắc đạo thì việc làm cũng khác với lúc đắc đạo. Vì vậy, Đức Phật
dạy trong Kinh Pháp Hoa rằng: chỉ có các Đức Phật Thế Tôn mới giống nhau từ hảo
tướng cho đến suy nghĩ và hành động; vì các Ngài đã thấy rõ chân lý và sống với
chân lý, nên chỉ có chân lý mới là một, còn hình thức và cuộc sống thì phải đa
dạng và tất nhiên chúng ta cần phải tôn trọng sự đa dạng này.
Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam năm 1981 cũng chủ trương tinh thần nối vòng tay lớn, tức thống nhất ý
chí, thống nhất tổ chức và thống nhất hành động, nhưng các pháp môn tu biệt
truyền đúng với Chánh pháp đều phải tôn trọng, ai cũng có quyền suy nghĩ và
hành động riêng, miễn là không làm hại cho Đời và Đạo.
Khóa tu “một ngày an
lạc” của chúng ta cũng theo tinh thần nối vòng tay lớn, tức mỗi người có sinh
hoạt riêng, nhưng một tuần chúng ta tập hợp một lần vào ngày Chủ nhật để được
chia sẻ sở đắc, sở chứng của các giảng sư. Nếu không làm như vậy là tự cô lập
mình, tức thấy mình đúng, người khác sai, gọi là tinh thần cố chấp, tự thu hẹp
mình lại đến không còn chỗ đứng.
Cần mở rộng vòng tay
chúng ta, nhưng bằng cách nào? Kinh Pháp Hoa dạy về ý nghĩa của Kinh Vô Lượng
Nghĩa. Tại sao có vô lượng nghĩa. Vì trình độ khác nhau, nên việc làm cũng phải
khác. Tu theo Vô Lượng Nghĩa kinh nghĩa là chúng ta phải công nhận suy nghĩ và
việc làm của tất cả những người xung quanh, miễn là không trái với Chánh pháp
và không trái với lợi ích của xã hội.
Giáo lý của Phật là
một, vì chư Phật đều hiểu giống nhau; nhưng Bồ tát thì đa hạnh, mỗi người làm
một việc theo hạnh nguyện và hiểu biết của riêng họ. Vì vậy, các Bồ tát Tùng
Địa Dũng Xuất cũng có bốn vị thượng thủ tiêu biểu cho bốn việc khác nhau. Vị
thứ nhất chuyên tìm việc khó để làm mà không ai có khả năng gánh vác, đó là Bồ
tát Thượng Hạnh. Vì trải qua nhiều đời làm được việc khó nhưng Bồ tát Thượng
Hạnh không hưởng quyền lợi, mà để dành quyền lợi cho người khác, cho
nên Ngài thành công dễ dàng và có số đệ tử đông đến sáu vạn hằng hà sa. Vị
thứ hai là Vô Biên Hạnh Bồ tát thì giờ nào việc đó, không cần phải việc khó;
cho nên Ngài làm đúng lúc, đúng chỗ. Đức Phật Thích Ca đã thể hiện tinh thần vô
biên hạnh.
Thật vậy, trên bước
đường giáo hóa độ sanh, Ngài đã xỏ kim cho bà già bên vệ đường. A Nan nói rằng
Phật là Thầy của Trời người mà tại sao làm việc nhỏ như vậy. Đức Phật dạy rằng
ở đây không giúp người này thì không còn việc gì làm, cứ tìm việc khó thì chưa
chắc có để làm. Bồ tát phải đa năng, việc nào cũng biết và cũng làm được. Vị Bồ
tát Vô Biên Hạnh rất gần với Đức Quan Âm. Quan Âm có 32 ứng hiện thân để tùy
theo hoàn cảnh, tùy theo yêu cầu của con người mà Ngài hiện ra đáp ứng; vì vậy,
không đáp ứng được lợi lạc cho người thì Ngài không xuất hiện.
Chư Phật giống nhau về
suy nghĩ và việc làm, nhưng Bồ tát thì đa hạnh, vì suy nghĩ khác và khả năng
cũng khác. Còn hàng nhị thừa Thanh Văn, Duyên Giác thì sao?
Hàng Duyên Giác luôn
quán sát lý duyên sinh để thấy ta từ đâu đến đây và chết thì đi về đâu. Và
Duyên Giác thành tựu cách quán thấy nhân duyên như vậy là thấy Pháp và thấy
Pháp là thấy Phật. Vì vậy, Duyên Giác không thấy giống Phật, không thấy giống
Bồ tát.
Đối với cách thấy này
của Duyên Giác, Bồ tát gọi là cái thấy của hàng nhị thừa, tức thấy theo vô minh
duyên khởi. Còn Bồ tát thì thấy theo Pháp tánh duyên khởi. Nghĩa là Duyên Giác
thấy vô minh sanh ra muôn vật, trong khi Bồ tát thấy từ chơn như sanh ra tất cả
các Pháp, gọi là Chơn Như Duyên Khởi, hay Pháp Tánh Duyên Khởi. Và thấy theo Bồ
tát như vậy thì tất cả mọi hiện tượng xã hội đều là thiên đường, là Cực Lạc, là
Niết Bàn; vì thiên đường, Cực Lạc hay Niết Bàn đều ở trong tâm ta. Hễ hướng tâm
về Niết Bàn thì Niết Bàn hiện hữu; còn hướng tâm về khổ đau thì khổ đau có mặt.
Đó cũng chính là cái thấy đa dạng. Riêng tôi, tu Pháp Hoa, nhìn xuống thấy ai
cũng tốt, cho nên ở trần gian tôi thấy cũng như đang sống ở Niết Bàn; nhưng nếu
vô minh khởi lên một niệm là tôi sẽ rớt xuống trần gian.
Nối vòng tay lớn là
chúng ta thấy được tất cả mọi người, mà gần nhất là những người chúng ta quen
biết, họ là người có túc phước nhân duyên với ta. Cũng như những người ngồi
trước mặt tôi đây đều có nhân duyên căn lành với tôi từ kiếp trước rồi, nên
hiện đời mới gặp gỡ nhau và chia sẻ hiểu biết cho nhau. Họ đều có căn lành lớn
hay nhỏ, nhưng chúng ta phải thấy dược căn lành đó và làm cho căn lành của họ
lớn lên, thì họ cũng tốt với chúng ta.
Có một số thầy nói với
tôi coi chừng cô Phật tử này, vì họ không tốt; nhưng tôi thấy họ tốt và cũng
không phải coi chừng gì cả. Còn người cân nhắc coi chừng thì dễ bị sa hầm sụp
hố; vì thấy xung quanh toàn là người xấu, nên dè dặt, nhưng cuối cùng cũng gặp
người xấu. Thể hiện ý này, Phật dạy Bồ tát Địa Tạng vào địa ngục nên nhìn chúng
sinh ở mặt tốt, dù cái tốt đó có nhỏ bằng hột cải và chỉ quan hệ ở mặt tốt này
thôi sẽ tác động cho tâm họ tốt theo và từ tâm tốt đó sẽ khiến họ hành động
tốt.
Muốn nối vòng tay lớn,
phải nhìn mặt tốt của nhau hơn là chăm chăm vào cái xấu của người và chúng ta
kết nối với nhau qua mặt tốt, chứ đừng lợi dụng. Thực tế cho thấy hai tổ chức
muốn lợi dụng nhau thì sớm muộn gì cả hai cũng sẽ tan rã. Đạo Phật chỉ kết hợp
mọi người với nhau ở mặt tốt, còn mặt xấu là của riêng họ. Nếu họ tốt lên được
thì cả hai cùng thăng hoa. Còn nếu họ không kết hợp được với cái tốt của chúng
ta thì họ phải sụp đổ. Vì vậy, khi chúng ta kết hợp với nhau là kết hợp mặt
tốt, tức đến với người, Phật dạy chúng ta phải biết họ nghĩ gì, muốn gì, làm gì
và chúng ta có thể giúp họ được gì thì làm việc đó thôi; việc khác chúng ta
không cần biết đến. Không giúp được người thì mình không tới, giúp được thì nên
sẵn lòng.
Đoàn
sinh Gia đình Phật tử kết dây thân ái
Thực hiện tinh thần
nối vòng tay lớn, chúng ta tìm đến người để giúp, không phải để nhờ vả; dù có
nhờ vả được thì điều này cũng không bền lâu. Tìm giúp là hạnh của Bồ tát, nhờ
đó lần lần chúng ta sẽ có bạn tốt. Điều này rất quan trọng mà Đức Phật đã thiết
thân thể nghiệm. Ngài cho biết từ vô lượng kiếp đã hết lòng hành Bồ tát đạo
không có chỗ nào mà Ngài không xả thân cứu giúp người. Vì vậy, lập trường của
Phật là thấy chúng sinh bị vô minh ngăn che, nên sống khổ đau, Ngài mới chỉ
cách tháo gỡ để có cuộc sống an lạc. Cho nên những người có nhân duyên theo
Phật tu hành đều được giải thoát, an vui.
Muốn nối vòng tay kết
thân với người, chúng ta đừng nghĩ lợi dụng người; còn nghĩ lợi dụng, họ sẽ
không tới và cũng không bao giờ được tốt đẹp. Trong đạo tràng chúng ta tu một
ngày an lạc, những người tới đây đều nhằm mục tiêu nghe quý thầy chia sẻ kinh
nghiệm sống an lạc và tu học theo Phật. Quý thầy cũng muốn tháo gỡ những vấn đề
tồn đọng cho Phật tử được thảnh thơi. Phật tử có yêu cầu như vậy và giảng sư
cũng đáp ứng được điều đó; còn không đáp ứng được thì Phật tử ra về. Tuy nhiên,
khóa tu của chúng ta mỗi ngày một đông chứng tỏ đội ngũ giảng sư đã đáp ứng
được yêu cầu tu học của Phật tử.
Ngoài ra, khi chúng
tôi tổ chức khóa tu, người tới tu cũng muốn tạo điều kiện cho người khác tu,
nên thay vì ăn cơm trưa đóng 10.000đ, thì họ cúng 50.000đ hay 100.000đ để bù
đắp cho những người khác không cúng cũng được ăn. Vì thế, mỗi kỳ tu, việc thanh
toán chi phí cho cơm nước đều có dư, thể hiện tinh thần nhiều người đến tu có
đóng góp nhiều hơn để tạo điều kiện cho người khác tu. Hoặc có người nhận thấy
âm thanh nghe chưa được rõ cũng phát tâm xin cúng dường dàn máy tốt. Đó là sự
khéo tu Bồ tát đạo, luôn muốn tạo điều kiện tốt cho người khác tu học, chứ
không phải lợi dụng. Hạnh Bồ tát này làm cho đạo tràng chúng ta tốt thêm, đó
cũng là cách chúng ta mở rộng vòng tay.
Hòa Thượng Minh Chơn
nói mở rộng vòng tay chúng ta bằng tinh thần Phật dạy, nghĩa là phải có bốn tâm
vô lượng của Phật mới mở rộng được vòng tay bao dung được tất cả mọi người vào
lòng. Trước nhất, quý vị phải có từ tâm. Từ tâm này là chúng ta phải an trước;
chưa an mà mở rộng vòng tay là người chạy. Từ tâm chúng ta chưa có thì mở tiệc,
họ cũng không dám ăn, vì nghĩ chúng ta lợi dụng họ.
Phải đem tâm từ của
Phật vào lòng mình trước, thì lòng mình an vui thể hiện ra nét mặt; cho nên họ
tìm mình là tìm sự an vui. Khi lòng tôi vui, Phật tử nói thấy thầy, con vui.
Lòng chúng ta không vui, lời nói của chúng ta tốt, họ cũng cảm thấy nặng nề.
Tâm an vui này không
phải chúng ta tự có được, nhưng phải nỗ lực dụng công tu hành để có định và
trong các loại định của Phật, có Từ tâm định là tâm chúng ta an vui thật sự khi
chúng ta định được. Thực tế cho thấy thiền sư lúc nào cũng như mỉm cười; nhưng
nếu họ rơi vào tà định thì tùy theo định mà chúng ta thấy con mắt của họ đáng
sợ.
Vào định của Phật,
lòng chúng ta được an vui, cho nên niềm vui đó hiện ra trong ánh mắt và hiện
lên khuôn mặt của chúng ta. Và có định này, chúng ta mới ban vui được. Còn
người tội lỗi muốn xóa bỏ tội lỗi, mới mở kho bố thí, tặng quà; nhưng chúng ta
thấy họ thì sợ, vì trong món ăn của họ gói ghém cả tội lỗi khiến cho người nhận
ăn trúng trái cấm. Mình đã tội lỗi, lại nhận thêm tội lỗi của người; nghĩa là
nghiệp của họ đem trút cho mình, trong lúc mình chưa có từ tâm mà lại nhận thêm
nghiệp ác này, không giải quyết nổi.
Vì thế, muốn nối vòng
tay phải tu cho được Từ tâm Tam muội. Đức Phật Thích Ca nói rằng Bồ tát Di Lặc
trải qua vô lượng kiếp từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cho đến ngày nay,
Ngài chỉ thực hiện một việc duy nhất là tu Từ Tâm và Ngài đã đạt được Từ Tâm
Tam Muội; cho nên ai thấy Ngài cũng được an vui.
Nếu Từ Tâm chúng ta
chưa có, nhưng bắt chước Quán Âm đi cứu khổ, giống như một số Phật tử nghe có
bão lụt thiên tai thì phát tâm đi cứu trợ. Nhưng đến nơi, gặp người khổ tham
lam, hung dữ thì bực tức, về nói rằng không đi nữa.
Hạnh cứu khổ mà Bồ tát
Quán Âm làm là việc khó; vì con người càng khổ thì càng hung dữ, càng tham lam.
Người xưa cũng nói bần khổ đa oán, hoạnh kiết ác duyên, nghĩa là người nghèo
khổ thì họ dễ giận, dễ buồn, dễ tự ái. Vì vậy, tiếp xúc với họ, tâm chúng ta
phải hoàn toàn trong sạch, ít nhất chưa kính trọng họ được thì chúng ta cũng
phải thương họ. Có người nói với tôi rằng cho họ quà, nhưng họ giận mình. Tôi
bảo như vậy thì phải coi lại thái độ của mình có phải là người ban ơn hay
không. Còn cho mà xem thường họ, họ tự ái, giận là đúng rồi. Nếu chúng ta có
tâm bình đẳng và thương người thật sự, thậm chí Phật dạy phải sử dụng vô duyên
đại từ bi tâm mới cứu khổ được. Tu chưa đến nơi, mà đi cứu người thì bản thân
mình cũng sẽ khổ; đó là điều không nên.
Tóm lại, để nối vòng
tay lớn, tức thể hiện tinh thần đoàn kết và xây dựng, chúng ta cần cảm thông
với nhau, nhìn nhau ở mặt tích cực và chung sức chung lòng với nhau trong mọi
việc làm tốt đẹp để giúp cho mình và mọi người cùng xây dựng được cuộc sống an
vui, giải thoát, cùng thăng hoa phước đức trí tuệ cho đến ngày thành tựu quả vị
Vô Thượng Bồ Đề.
HT Thích Trí Quảng