Home » , » Phật thuyết Phật Y kinh (*)

Phật thuyết Phật Y kinh (*)

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012 | 20:43


                 
    LTS: Sức khỏe là nền tảng của mọi giá trị sống. Ngay từ thời cổ đại, việc chỉ ra những nguyên nhân gây bệnh cũng như cách sống tương ứng với môi trường để có được một thể lực cường tráng luôn là điều được Đức Phật chú trọng, chỉ bày. Tuy không gian sống hôm nay có nhiều điều thay đổi, thế nhưng những lời dạy của Đức Phật về việc bảo hộ sức khỏe vẫn ẩn chứa nhiều giá trị thiết thực nếu như mỗi chúng ta biết cách vận dụng. Đọc và suy gâm những lời dạy của Đức Phật từ nguyên văn giáo điển âu cũng là một việc làm tích cực cần có đối với người hậu học như chúng ta.
                                                                                               
     Trong thân thể con người vốn có bốn thứ bệnh. Một là bệnh do đất, hai là bệnh do nước, ba là bệnh do lửa, bốn là bệnh do gió. Khi yếu tố gió lấn lướt các yếu tố khác thì hơi thở dồn dập; lửa lấn lướt thì nhiệt lượng cơ thể tăng cao; nước trấn ap thì người lạnh như băng; đất tăng trưởng thì sức lực cường thạnh. Đó là nguyên nhân phát sinh ra bốn thứ bệnh. Từ bốn thứ bệnh này lại phát sinh ra bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh khác.
Yếu tố đất thuộc về thân, nước thuộc về miệng, lửa thuộc về mắt, gió thuộc về tai. Nếu lửa yếu (tức là nhiệt lượng cơ thể tụt xuống quá thấp - ND) mà khí lạnh lại tăng nhiều thì sinh ra bệnh mù mắt.
Trong ba tháng như tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba của mùa Xuân thời tiết rất lạnh(1). Tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu mùa Hạ thì gió nhiều. Tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín mùa Thu thì trời rất nóng. Tháng Mười, tháng Mười một, tháng Mười hai mùa Đông trời vừa gió vừa lạnh.
Vì sao mua Xuân thời tiết lại lạnh nhiều? Bởi mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh trưởng, khi vạn vật đều sinh trưởng thì khí lạnh thoát ra nhiều, do đó mà thời tiết rất lạnh. Còn mùa Hạ lại có gió nhiều là bởi vì vạn vật cây cỏ xum xuê, âm dương tụ họp cho nên gió nhiều. Đến mùa Thu thời tiết lại rất nóng là do vạn vật đều đã kết trái mãn mùa, tất cả đều khô héo, cho nên nóng nhiều. Còn mùa Đông vừa gió vừa lạnh là bởi vạn vật đều đã chết hết, nhiệt lượng đều đã tiêu tán hết cho nên tiết trời vừa gió vừa lạnh.
Các tháng Ba, Bốn, Năm, Sáu, Bảy nên nằm và nghỉ ngơi nhiều một chút. Vì sao? Vì gió nhiều, cơ thể dễ bị giải phóng năng lượng. Tháng Tám, Chín, Mười, Mười một, Mười hai, Giêng, Hai thì không nên nằm và nghỉ ngơi quá nhiều, bởi vì thời tiết bên ngoài lạnh, nên cơ thể có xu hướng co rút lại (do đó phải hoạt động nhiều để điều hòa - ND).
Ba tháng mùa Xuân thời tiết lạnh, vì vây không nên ăn giá đậu, mà nên ăn cơm, bơ sữa và những thức ăn có chứa nhiều nhiệt lượng. Ba tháng mùa Hạ có nhiều gió, không nên ăn khoai sọ, đậu, lúa mì; nên ăn cơm, nhũ lạc(2). Ba tháng mùa Thu trời nóng, không nên ăn cơm, bơ sữa; nên ăn cơm tấm, cám rang, gạo rang, mật, lúa nếp. Ba tháng mùa Đông thời tiết vừa có nhiều gió, vừa lạnh, âm dương hòa hợp, nên ăn cơm, hồ đậu, canh, bơ sữa.
Có lúc nghỉ ngơi khiến cho yếu tố gió lấn lướt các yếu tố khác, nhưng cũng có khi nó giảm. Có lúc nghỉ ngơi lại khiến yếu tố lửa tăng trưởng, nhưng cũng có lúc nó giảm; có khi lạnh tăng, có lúc giảm.
Nói chung, có mười nhân duyên khiến người bị bệnh. Một là, ngồi lâu không ăn cơm. Hai là ăn không điều độ. Ba là lo lắng, buồn rầu. Bốn là quá mệt mỏi, khổ cực. Năm là dâm dục quá độ. Sáu là nóng giận, sân si. Bảy là nín đại tiện. Tám là nín tiểu. Chín là nín thở. Mười là nín hạ phong. Từ mười nhân duyên này mà phát sinh ra bệnh tật.
  Thích Nguyên Hùng Việt dịch

(*) ĐẠI TẠNG KINH/ĐẠI CHÍNH TÂN TU, TẬP 17, N00793
(Hán dịch: Đời Ngô, Sa môn Thiên Trúc Trúc Luật Viêm và Chi Việt).
(1) Có lẽ thời tiết ở Ấn Độ thời Phật còn tại thế.
(2) Nhũ lạc: chất béo trong sữa.
 
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com