Home » , » Xuân Nhâm Ngọ

Xuân Nhâm Ngọ

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012 | 20:26


Bước sang mùa Xuân năm Nhâm Ngọ, tự nhiên gợi tôi liên tưởng đến tiểu Bạch long. Đó là một con rồng biến thành con ngựa trắng để đưa ngài Huyền Trang đi sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Kể từ khi ngài Huyền Trang phát tâm đi thỉnh kinh, Ngài đã luôn gặp khó khăn. Từ khởi điểm, có thể nói Ngài đã dấn thân trên con đường cát bụi gió mưa bằng con người trần tục cùng với những phương tiện vật chất mang theo bên mình. Nhưng từng bước chân tiến lần đến kho tàng Pháp bảo, Ngài lần lượt bỏ lại phía sau tâm hồn trần tục của mình và kể từ đó, Ngài mới trở thành người thoát tục thực sự và có đời sống hành đạo đúng nghĩa.


Thật vậy, khi những phương tiện vật chất của vua Đường ban cho Ngài để sử dụng trên đường đi thỉnh kinh hoàn toàn mất hết, thì đời sống tâm linh của Ngài mới phát triển được. Đầu tiên, ngài Huyền Trang cảm hóa được Tôn Ngộ Không. Nhân vật này tiêu biểu cho chơn tâm lưu lộ, nên Ngài đặt tên đệ tử là Ngộ Không, nghĩa là nhận ra ý nghĩa tánh Không trong đạo Phật. Từ tánh Không đó mới xuất hiện được con người giác ngộ, mà kinh Lăng Nghiêm diễn tả là “Không sanh đại giác trung”. Hình ảnh Tôn Ngộ Không kề cận bên ngài Huyền Trang trên đường đi thỉnh kinh có thể hiểu rằng từ khi ngộ tánh Không, ngài Huyền Trang mới có người bạn đồng hành giúp đỡ trong suốt đoạn đường thỉnh kinh là Ngộ Không.

Và trên đường đi, Ngài đã gặp một tai nạn, con ngựa đen mà Ngài cỡi đã bị tiểu Bạch long nuốt mất. Nhưng Ngài không khuất phục trước tình huống xấu. Nhờ tâm linh ngộ được tánh Không mà Huyền Trang đã chiến thắng Long vương tam thái tử và biến tam thái tử (là tiểu Bạch long) thành con ngựa trắng để đưa Ngài tiếp tục đoạn đường khó khăn còn lại. Ngựa trắng từ rồng con hóa thân ngoan ngoãn chở Huyền Trang ngược xuôi qua nghìn dặm sơn khê đã thể hiện ý nghĩa rằng Ngài đã thành công trong việc chinh phục và biến đổi sự chống đối thành phương tiện hành đạo cho Ngài.

Ngựa đen được Huyền Trang biến thành ngựa trắng tiêu biểu cho sạch nghiệp. Tâm không và nghiệp sạch thì từ đây, Huyền Trang mới thực sự đi được con đường tâm linh đến chùa Đại Lôi Âm, Tây Trúc thỉnh kinh và nhất là thỉnh được bộ kinh bạch tự, tức nắm bắt được chân lý. Nhưng người trần lao nghiệp chướng ở Đông độ làm thế nào nghe và hiểu được chân lý mà Huyền Trang đã nắm bắt. Vì vậy, Bồ tát Di Lặc nhắc rằng ở Đông độ không thể đọc kinh không văn tự. Ngài Huyền Trang phải nhờ A Nan đổi thành kinh văn tự để mang về Đông độ. Điều này nói lên ý nghĩa từ chân thật hiện ra phương tiện. Ngộ tánh chứng chân thật, nhưng không thể phổ biến điều chân thật cho người hiểu, nên phải dùng phương tiện. Từ chân lý không có văn tự phải diễn dịch thành ngữ ngôn văn tự, thể hiện bằng cuộc sống bình thường gần gũi với người ở trên cuộc đời để giáo hóa họ. Chân lý hiện hữu ở Tây Thiên, Đại Lôi Âm, nhưng trở về Đông độ chỉ cho xã hội loài người thì phải dùng văn tự để diễn tả cho người hiểu.

Và trải qua hàng ngàn năm, những bộ kinh viết trên giấy trắng mực đen đã được người người truyền cho nhau. Cho đến ngày nay, chúng ta tiếp nhận được giáo pháp của Đức Phật lưu truyền thì phải hiểu đó là phương tiện của Phật, không phải pháp chân thật. Những gì chân thật hay chân lý không nói được, người nào chứng thì chỉ có họ tự biết, kinh thường ví như chỉ người uống nước mới biết được mùi vị của nó, người ngoại cuộc không thể biết. Những gì biết và hiểu được đều nằm trong phương tiện.
Người biết nương phương tiện của Phật để tu hành, từng bước mới xóa được nghiệp của mình. Và muốn xóa nghiệp, điều quan trọng là phải nhận ra tánh Không của vạn pháp, nghĩa là tất cả pháp không thực, còn chấp pháp thực hữu sẽ khổ suốt đời.

Nhận ra tánh Không của muôn sự, muôn vật, nghiệp mình mới sạch, ba nghiệp thân khẩu ý liền thanh tịnh. Và nghiệp thanh tịnh thì chơn tánh của mình hiện ra.

Như vậy, nương pháp phương tiện của Phật để tu hành, nhưng phải chứng được pháp chân thật. Nói cách khác là mượn phương tiện Phật để hóa giải  nghiệp chướng trần lao của chính mình mới thực là tu. Những người tu không kết quả là do sai phạm căn bản này. Ví dụ Phật dạy tu giới định huệ. Trước tiên, phải giữ giới. Nhưng cần hiểu rằng thực chất người đạt được giới thể thanh tịnh là do chứng pháp Không, tức thân khẩu ý thanh tịnh. Cốt lõi từ Không trong tâm nên hiện ra lời nói và hành động không tham, không giận, không vì quyền lợi gì cả. Lời nói và việc làm được như vậy là tu giới. Vì vậy, bước ban đầu người tu không giữ được giới vô tham, vô sân, vô si thì họ tu cách nào cũng sanh trần lao nghiệp chướng.

Đoạn trừ tham sân si trong tâm, không khởi niệm gì như ngài Huyền Trang chỉ quyết một lòng đi đến Tây Trúc cầu pháp tối thượng, bỏ mặc mọi thứ, kể cả mạng sống cũng không màng, nên tâm Ngài hoàn toàn thanh tịnh, mới nhận ra được tánh Không. Người tu chân chánh luôn từ bỏ thực sự của cải, danh vọng, quyền lợi... thậm chí ý niệm tham sống sợ chết cũng không còn, nên họ đắc đạo dễ dàng.

Vì vậy, trên bước đường tu hành, chúng ta nương theo giới luật để hết tham sân si, tức giới đã rửa sạch tâm mình, mới tiến trên đường đạo được. Giới định huệ chưa có mà vào đời hành Bồ tát đạo thì liền biến pháp Bồ tát thành việc thế gian, không thể đắc đạo. Thí dụ ta chưa hết tham sân si mà giáo hóa người. Họ không nghe lời thì ta buồn phiền, tức giận là bị đọa. Pháp phương tiện của Phật nhằm rửa sạch lòng trần, giúp tâm ta thành thanh tịnh, ngộ được tánh Không và dùng tánh Không đó để cảm hóa người. Lúc ấy, ta có làm gì cũng biến thành bạch nghiệp.

Với kinh nghiệm tu hành như vậy, ngài Huyền Trang trở về Đông độ viết bộ Thành Duy thức luận triển khai về sự chuyển hóa tâm thức của con người. Bước ban đầu, Ngài dạy chuyển A lại da thức trở thành bạch tịnh thức là thức hoàn toàn trong sạch, nghiệp chướng bên trong không còn. Có bạch tịnh thức rồi thì liền lúc đó tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) trở thành sở tác trí hay phương tiện giáo hóa chúng sanh. Trước kia chúng ta thấy người hay việc không vừa ý thì sanh tâm bực bội, nhưng nay nhờ  ngũ thức này mà thấy được căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh đúng như thật, nên không còn khởi niệm ưa ghét, mới giáo hóa được.

Thật vậy, cũng thân xác đó, nhưng nay là thân phước đức, miệng nói lời đạo đức và ý trong sạch theo Phật. Đó là sự chuyển đổi vọng thức thành phương tiện trí  và ý thức trở thành diệu quan sát trí, thấy được căn tánh hành nghiệp chúng sanh. Cao hơn nữa, thấy được các loài bình đẳng trên chơn như môn, nên biến thức chấp ngã chấp pháp thành bình đẳng tánh trí. Và cuối cùng, bạch tịnh thức thanh tịnh, nên Bồ tát huân tu được tất cả công đức lành, tạo thành đại viên cảnh trí, tức pháp giới tạng thân. Muôn sự muôn vật đều hiện rõ trong đại viên cảnh trí và Bồ tát tùy theo đó mà giáo hóa, nên không có sai lầm. Đó là tầm giáo hóa bao la vô tận của Đức Phật, nên tuy không thấy Ngài giáo hóa mà thực sự đã giáo hóa được vô số chúng sanh trong pháp giới.

Bước sang mùa Xuân Nhâm Ngọ, tôi mong ước Tăng Ni Phật tử ngộ được tánh Không, chuyển đổi tàng thức ô nhiễm thành bạch tịnh thức, cỡi được ngựa trắng và tiếp nhận được vô tự chân kinh của Đức Phật để tu hành, giáo hóa chúng sanh, đền trả được công ơn cao dày của Đức Phật và pháp giới chúng sanh.
HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com