Home » , » Ý nghĩa Phật Đản PL. 2550 – 2006

Ý nghĩa Phật Đản PL. 2550 – 2006

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 02:05



Năm nay, Đại lễ Phật đản bừng lên sức sống hân hoan mãnh liệt khi Liên Hiệp Quốc đã kết hợp với khoảng 80 thành viên thuộc 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là Thái Lan, Australia, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Mỹ, Anh, Pháp và Việt Nam để tổ chức mừng Ngày Phật đản của Liên Hiệp Quốc. Đại lễ Phật đản sẽ được diễn ra từ ngày 7-5 đến ngày 10-5-2006 tại Trung tâm Buddhamonthon, Bangkok, với sự tham dự của khoảng 30.000 Tăng Ni và Phật tử, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo khắp thế giới.


Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng rất hân hoan tham dự với tư cách là thành viên trong Ban Tổ chức Ngày Phật đản của Liên Hiệp Quốc. Trong đại lễ này, có các sinh hoạt tôn giáo và học thuật như các buổi hội đàm quốc tế về Phật giáo, các cuộc triển lãm văn hóa Phật giáo và chương trình văn nghệ Phật giáo của các quốc gia tham dự, v.v... Là nước chủ nhà đảm nhận tổ chức một Đại lễ Phật đản mang tầm vóc quốc tế như thế, cho nên Hoàng gia Thái Lan đã sử dụng số tiền khá lớn, đến hai triệu rưỡi Mỹ kim để cuộc Đại lễ Phật đản được trang nghiêm long trọng tương xứng với ý nghĩa và vai trò của Phật giáo trong thời hiện đại. Thật vậy, ngày lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc nói lên vai trò cần thiết của đạo Phật ngày nay, cũng như phương cách sống hòa hợp, phát triển, an lạc, hạnh phúc, hòa bình mà Đức Phật chúng ta đã chỉ dạy, vẫn mãi mãi có giá trị thiết thực vô cùng cho cộng đồng nhân loại trên trái đất này.


Riêng đối với đất nước Việt Nam, Phật giáo đã thấm sâu vào lòng dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều lãnh vực hoạt động của đất nước trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Và những tinh ba của đạo Phật đã chỉ đạo cho các vua quan nước Việt một thời dựng nước, giữ nước thật tốt đẹp, đem lại hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc cho muôn dân. Đặc biệt là tinh thần Bồ tát đạo với hạnh xả kỷ vị tha đã soi sáng cho hàng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam từ nghìn xưa cho đến tận ngày nay, tiến bước trên con đường xoa dịu khổ đau và mang an lạc, hiểu biết, hạnh phúc đến cho mọi người.

Bước theo dấu chân Phật, với tầm nhìn sáng suốt mà kinh điển thường diễn tả là tri kiến như thật, chúng ta nhận chân được rằng Đức Phật vẫn hiện hữu ngời sáng trong chính cuộc sống của chúng ta, trong tư duy và trong việc làm của mọi người đang nối gót theo Phật trên khắp năm châu bốn biển.

Hồi tưởng lại cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni. Đó là một trong những thị hiện sanh thân của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời này, mà chúng ta quen gọi là Đức Phật sinh diệt. Vì cuộc sống ở thế gian chịu sự chi phối của quy luật sinh diệt, cho nên Đức Phật tất yếu mang thân hữu hạn của con người sinh diệt như một phương tiện để có thể giáo hóa chúng sinh trong thế giới sinh diệt. Nhưng mục tiêu chính yếu của Đức Phật khi hiện hữu ở thế giới sinh diệt này là nhằm chỉ cho chúng ta thấy biết thế giới vĩnh hằng bất tử và hướng dẫn chúng ta phương cách sống trong thế giới vĩnh hằng bất tử. Theo Phật, thế giới vĩnh hằng bất tử ấy không phải ở tận phương trời xa lạ, xa xăm nào, mà đó chính là sự hiện hữu của Phật pháp trong chính cuộc sống của con người.

Vâng, quả đúng như tinh thần Phật dạy, giáo pháp của Ngài tồn tại mãi mãi trong dòng chảy vô tận của cuộc sống con người. Sanh thân Phật tuy đã vắng bóng trên cuộc đời, tức Phật sinh diệt đã nhập diệt, nhưng Pháp thân Phật từ đó bắt đầu phát triển, thế giới vĩnh hằng bắt đầu mở rộng, để giúp hàng đệ tử Phật có tầm nhìn hướng đến con người vĩnh hằng bất tử của Đức Phật. Và kỳ diệu thay, con người bất tử vĩnh hằng của Đức Phật, tức là Pháp thân Phật cứ lớn dần mãi theo năm tháng; thời gian càng lâu xa, Pháp thân Phật càng trở nên vĩ đại.

Tinh ba này được kinh Pháp Hoa diễn tả là "Thế gian tướng thường trụ”, nghĩa là Phật thường sống trong thế gian, Phật thường hiện hữu trong nếp nghĩ, nếp sống của con người là chính yếu. Cốt lõi này cũng được nhắc lại trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16, Đức Phật khẳng định rằng Ngài ở thế giới này thành Phật với tên là Thích Ca Mâu Ni, nhưng khi Ngài giáo hóa ở quốc độ khác thì ngài có tên khác. Ý này gợi cho chúng ta nhận thức được tính chất “Vô sanh hiện sanh” của Đức Phật; nói cách khác, con người vĩnh hằng bất tử của Phật là một, nhưng Ngài xuất hiện dưới nhiều sanh thân khác nhau ở những thế giới khác nhau với tên khác nhau. Đó là Phật ứng hóa thọ sanh thân để khơi mở cho mọi người nhận ra tính vĩnh hằng bất tử  của Phật, cũng như nhận ra tính vĩnh hằng bất tử ấy tiềm ẩn trong chính mỗi người chúng ta.

Theo Phật dạy, chúng ta cũng có tính vĩnh hằng bất tử như Phật, nhưng vì chúng ta chưa phát triển được tính vĩnh hằng bất tử ấy một cách trọn vẹn như Phật và chúng ta cũng chưa sử dụng được tính chân thật vĩnh hằng ấy giống như Phật. Trong khi Đức Phật đã phát huy hoàn toàn  tính vĩnh hằng bất tử của Ngài, tức Pháp thân Phật đã thành tựu trọn vẹn và Ngài đã điều động được, sử dụng được Pháp thân ấy một cách hoàn toàn tự tại trên bước đường giáo hóa độ sinh.

Có thể khẳng định rằng sanh thân của Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn, nhưng ngày nay, chúng ta thấy khắp năm châu bốn biển, nơi nào cũng có sự hiện hữu của Pháp thân Phật, chịu sự tác động của Pháp thân Phật; nghĩa là có vô số kinh sách lưu truyền những lời vàng ngọc của Phật, vô số người diễn giải tư tưởng siêu tuyệt của Phật, vô số người quy ngưỡng Phật, vô số người phát tâm sống theo giáo pháp Phật, phát huy được tri thức và đạo đức, vô số tổ chức tự nguyện dấn thân thực hiện những việc làm lợi ích, tốt đẹp cho đời theo tinh thần từ bi Phật dạy… Trong tâm trí của mỗi người đệ tử đi theo dấu chân Phật luôn được thắp sáng bởi ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, được thể hiện thành những lời nói, những việc làm mang an vui, hạnh phúc, hòa bình cho cuộc đời này. Tất cả những thành quả tốt đẹp của hàng hàng lớp lớp đệ tử Phật trên khắp năm châu đã tạo thành hình ảnh Pháp thân Phật bao la, kỳ , vượt thời gian và không gian trong thế giới sinh diệt này.

 Nhận ra sức sống vĩnh hằng bất tử của đạo Phật, thấy được sự hiện hữu vững mạnh của Phật trong lòng nhân loại cùng những thành quả xác thực đầy giá trị thực hiện bởi hàng đệ tử Phật ở khắp mọi nơi, cho nên Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Ngày Đản sinh của Đức Phật một cách trọng thể và hướng đến quốc tế hóa và lễ hội hóa ngày Phật đản.

 Riêng giới Phật giáo Việt Nam, hàng xuất gia cũng như tại gia đã được thừa hưởng sự nghiệp vô cùng quý báu của các bậc tiền nhân, cần nỗ lực phát huy tri thức và đạo đức, thể hiện Pháp thân Phật vững mạnh hơn nữa. Pháp thân Phật lớn mạnh trong mỗi người đệ tử Phật chính là yếu tố cần thiết giúp cho chúng ta và cho mọi người sớm nhận ra con người chân thật vĩnh hằng bất tử của chính mình; đồng thời giữ mãi cho ngọn đèn Chánh pháp ngời sáng trên thế gian, để từ đó xây dựng được thế giới Cực Lạc ngay trên trái đất này cũng giống như thế giới lý tưởng trong kinh điển là Niết bàn hay Tịnh độ ở mười phương. Thành quả này xin dâng lên cúng dường Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật trong mùa Phật đản Phật lịch 2550 - 2006.

 HT. Thích Trí Quảng

Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com