Đậu đen vừa là thực phẩm vừa là vị thuốc quý, có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể, làm đẹp nhan sắc...
Theo y dược học hiện đại, đậu đen có chứa albumin, sinh tố A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin... Theo đông y, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ thận, bổ huyết, chữa được cước khí, bồi bổ cơ thể, làm đẹp nhan sắc...
Bổ thận, mạnh lưng gối
Nhiều cổ thư còn ghi lại tác dụng của đậu đen trong bảo vệ sức khỏe. Sách Bản thảo Đường tân tụ nói rằng đậu đen chữa được thủy thũng. Sách Bản thảo Thập di nói rằng đậu đen còn chữa được chứng phong tê, ôn bổ, nếu ăn lâu ngày thì đẹp nhan sắc. Sách Bản thảo Cương mục cho rằng nước đậu đen có thể bổ thận, giải được độc của các dược liệu bổ thận như hà thủ ô, ba kích...
Phụ nữ sau khi sinh nên dùng đậu đen hầm với gà ác là món ăn bổ huyết. Những người thận yếu với các triệu chứng hay đau mỏi lưng gối, răng khô, tóc rụng, xuất tinh sớm, di mộng tinh, dương sự kém sút, trí nhớ giảm, hay quên, khó ngủ... có thể dùng 100 g đậu đen với một cặp chân gà ta, ninh nhừ, nêm vừa ăn... Bài thuốc này có tác dụng bổ thận, mạnh lưng gối. Tùy thể trạng mà ăn nhiều hay ít trong mỗi lần.
Suy giảm thị lực, teo thần kinh thị, đục thủy tinh thể... có nguyên nhân can thận âm hư. Người bị bệnh này có thể dùng đậu đen và vừng đen sao thơm, tán bột, thêm chút đường. Khi ăn có thể đổ nước sôi hoặc nấu chè ăn.
Người mắc chứng nhức đầu do can thận âm hư, hư hỏa bốc lên làm mặt đỏ phừng, mắt đỏ, hay cáu giận... có thể dùng đậu đen 50 g, lá dâu bánh tẻ một nắm nhỏ nấu nước uống hằng ngày sẽ thấy đỡ.
Bạn muốn giữ gìn nhan sắc để trẻ lâu, cũng nên chú ý bổ thận. Đông y cho rằng thận là nguồn gốc của sinh khí. Nếu muốn trường thọ, đẹp lão cũng nên dùng đậu đen lượng nhỏ hằng ngày.
Hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh
Nhiều năm trước, tôi có một bệnh nhân xơ gan cổ trướng. Nhìn cái bụng trướng to mà không đi tiểu được nhiều của bệnh nhân, tôi ra chỉ định một bài thuốc nam đơn giản từ nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh, chỉ có hai vị thuốc đơn giản là một nắm đậu đen và chút cỏ tranh, đem nấu chín, ăn cái uống nước mỗi ngày. Ấy vậy mà bệnh nhân đi tiểu được nhiều, bụng đỡ căng trướng. Người bệnh viêm gan mãn, xơ gan, viêm gan truyền nhiễm cũng nên ăn chè đậu đen để giải độc cho gan.
Ngày nay, chứng trúng phong (đột quỵ não - tai biến mạch máu não) cũng làm cho nhiều bệnh nhân tử vong và tàn phế. Một kinh nghiệm nhỏ trong cấp cứu trúng phong có thể làm được ngay tại gia đình là cho người bệnh uống một chút rượu đậu đen (30 ml). Cách chế rượu cũng khá đơn giản bằng cách dùng 100 g đậu đen xanh lòng sao cháy (như rang cà phê). Sau khi sao xong trải một tờ báo xuống sàn nhà, đổ đậu đen lên, đến khi nguội đem đậu đen ngâm với nửa lít rượu.
Phụ nữ bị động thai đau bụng, chỉ cần lấy 50 g đậu đen, sắc lấy nước, pha thêm chút rượu vang uống là yên.
Cao huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, nhưng nếu biết kết hợp y thực trị cũng hạn chế được phần nào. Lấy 30 – 50 g đậu đen, 10 g hoa đại, 3 g hoa hòe, chút đường phèn, nấu nước uống thay nước hằng ngày rất tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới đang lo ngại căn bệnh tiểu đường trở thành đại dịch ở thế kỷ 21. Bài thuốc đơn giản sau chỉ với 30 g đậu đen, 20 g củ mài và chút mật ong (5-10 g), ninh nhừ ăn hằng ngày cũng giúp người bệnh ổn định đường huyết.
Nguồn xaluan online
Nguồn xaluan online