Một kế hoạch dài hơn một năm được thông báo để được chiêm bái thánh tích Phật giáo tại Ấn độ là một động lực vô hình cho tất cả Phật tử cố gắng tu học, tiết kiệm tài chính, chuẩn bị tinh thần và sức khoẻ với tất cả lòng thành của mình để thực hiện ước mơ đó vì hơn 2/3 các Phật tử trong đoàn cho biết “đây là cơ hội duy nhất để được về đất Phật” vì nguyên nhân tuổi tác, tài chính, thời gian và 1/3 còn lại nghỉ mình chưa đủ phước duyên này. Như hiểu được tâm nguyện chúng tôi, đức Phật đã gia hộ cho 3/3 = 36 thành viên được cấp Visa cho chuyến hành hương đến đất Phật Phật. Chúng tôi có chút lo lắng vì đa số thành viên đều lớn tuổi cho chuyến hành trình dài và đòi hỏi sức khỏe tốt nhưng suy nghỉ đó tan mất tự lức nào khi mọi người tập trung tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (lúc 18g30) với nụ cười luôn hiện trên môi và ánh mắt an lạc và làm thủ tục xuất lúc 23:45 ngày 16/02/2012. Hành trình về đất Phật được sự hướng dẫn của ĐĐ. Thích Nguyên Hạnh (Đức Trường) và Đạo tràng Pháp Hoa gồm: TT. Thích Lệ Đạt, ĐĐ. Thích Pháp Huệ, cô Hoa Huệ - Chúng trưởng chúng Quan Âm cùng 32 phật tử. Chuyến bay đáp xuống sân bay Kolkata lúc 4g sáng để làm thủ tục nhập cảnh vào Ấn độ, trải qua hơn 553km trên xe về Bồ để đạo tràng và cả đoàn rất hoan hỷ dùng cơm trưa trên xe để đến Bồ đề Đạo tràng lúc 14:00 ngày 17/02/2012.
Bồ đề đạo tràng
Chiều cùng ngày, đoàn hành hương như quên hết mệt mỏi để chuẩn bị y áo trang nghiêm vào đảnh lễ đức Phật tại Bồ đề đạo tràng là thánh địa liêng thiêng nhất của Tứ động tâm. Diện tích Bồ đề Đạo tràng khoảng 3 hecta gồm các thánh tích quan trọng như đại tháp Giác ngộ, Cây Bồ đề, Bảo tòa Kim Cang, bảy nơi đức Phật thiền tọa sau khi giác ngộ và các tháp nhỏ xung quanh. Nếu so sánh với các bảo tàng hay các địa danh lịch sử khác thì nơi đây không có sức hút đối với khách du lịch hoặc không có duyên lành với đức Phật nhưng đối với những người con Phật thì nơi đây hàm chứa cả một kho tàng trí tuệ của đạo giải thoát. Hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới không ai bảo ai đều giữ thanh tịnh trang nghiêm tuyệt đối và mỗi đoàn có những thời khóa tu tập riêng, có lẻ không có một đạo tràng nào có nhiều quốc tịch với tính tự giác cao và lòng chí thành cầu đạo như tại đây, nơi đây như một trường học lớn cho tất cả mọi người với nhiều phương pháp tu tập khác nhau và đâu đó có sự xuất hiện của các vị thánh tăng đang giáo hóa. Khi quỳ dưới tôn tượng thật hiền từ của Ngài trong tháp Đại giác và chiêm nghiệm lại những lời thuyết giảng của Thầy qua từng chứng tích, chúng tôi cảm nhận đức Phật thật gần gủi và chân thật hơn bao giờ hết và thật hạnh phúc khi được đến đây như lời dạy của ngài trong kinh điển: “Này các Tỳ Kheo, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ, người mà có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini, nơi Ta Đản sanh, đây là Bodhgaya nơi Ta Thành đạo, đây là Sarnath nơi Ta chuyển Pháp luân và đây là Kushinagar nơi Ta nhập Niết bàn.” và “Này các Thầy Tỳ Kheo, sau khi Ta diệt độ, những tân Tỷ Kheo đến và hỏi giáo lý nên nói với họ về 4 nơi này và khuyên họ hành hương đến chỗ đó sẽ giúp họ thanh tịnh được các việc làm và nghiệp cũ của họ”. Hai ngày tại đây, chúng tôi đã tìm được sự an lạc cho thân tâm và tiếp nhận đầy nguồn năng lượng tâm linh để tiếp chiêm bái các thánh tích khác
Đoàn hành hương tại Bồ Đề Đạo tràng
Khổ hạnh lâm
Cuộc sống cơ cực nghèo nàn tại đây và cái tên Khổ Hạnh Lâm càng khiến cho chúng tôi bùi ngùi xúc động hơn. Đức Phật đã trải qua 6 năm tu khổ hạnh để vượt lên tất cả sự khổ hạnh thời bấy giờ như Ngài mô tả trong kinh điển “Vì Ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể Ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của Ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn Ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Ðồng tử của Ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu Ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu Ta muốn sờ da bụng thì Ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu Ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì Ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu Ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay Ta”.
Thánh tích Sarnath - Vườn lộc uyển (Vườn nai)
Là thánh địa thứ 3 của Tứ động tâm, điểm nổi bật của thánh tích là tòa tháp Dhamek (tháp Chuyển Pháp Luân) uy nghi và to lớn là nơi đức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên cho năm anh em A Nhã Kiều Trần Như sau khi Ngài đi bộ trên 400 km từ Bồ đề Đạo tràng băng qua sông Hằng để thành lập Tăng đoàn đầu tiên trong Phật pháp và ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Buổi chiều tại vườn Lộc Uyển hôm đó thật thanh tịnh và dịu mát, thật hạnh phúc và duyên lành biết bao khi mọi người cùng quy tụ nơi đây cùng nghe lời tụng kinh của quý thầy và thiền hành tại nơi Ngài đã nói những lời pháp đầu tiên để phá tan màn đêm vô minh mở ra con đường giải thoát cho nhân loại.
Sông Hằng
Để được ngắm nhìn ánh sáng mặt trời đầu tiên trên sông Hằng, cả đoàn phải dậy thật sớm từ 5g sáng và đi bộ khoảng 1,5 km đến bờ sông, sau đó lên thuyền qua bờ bên kia với bờ cát trắng mịn trải rộng mênh mông, không khí trong lành và cái se se lạnh làm cho mọi sinh hoạt như chậm lại và thái niệm thời gian không còn tồn tại nữa. Tôi thấy mọi người như trẻ lại và không còn bất kỳ sự vướng bận lo toan nào nữa để cùng nhau đón tia nắng đầu tiên của buổi bình minh, vài nhóm đứng gần nhau để chóng lại cái lạnh, vài nhóm nhỏ chia sẻ về cảm xúc của mình ở các thánh tích, người đứng tỉnh lặng như đang thiền định và có một điểm chung dễ nhận thấy là những nụ cười hạnh phúc. Không để chúng tôi chờ lâu, tia nắng đầu tiên đã xuất hiện ở phái xa chân trời, tất cả chúng tôi cùng nhau hướng về phía mặt trời để đón nhận ánh sáng và hơi ấm đầu tiên. Khi di chuyển một chặng đường rất dài để chỉ đón mặt trời mọc, nghe có vẻ hơi trẻ con và không cần thiết nhưng nhưng mọi việc đều có cái lý của nó trên mọi chặng đường về đất Phật đều ẩn chứa một bài học nào đó mà ta phải tự cảm nhận, và chính nhờ bình minh trên sông Hằng giúp chúng tôi nhận ra hạnh phúc thật giản dị và gần gủi biết dường.
Núi Linh Thứu:
Nơi đức Phật đã thuyết những bộ kinh đại thừa quan trọng như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Vô Lượng Nghĩa… và giai thoại nổi tiếng của thiềng tôn Niêm hoa vi tiếu khi đức Phật đưa hoa sen lên và duy chỉ có ngài Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Trước khi đến được hương thất của Phật, chúng tôi đảnh lễ và chiêm bái hương thất của ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp, ngài A Nan, …. Hương thất đức Phật nằm phía sau núi có thể nhìn toàn cảnh núi rừng và đồng bằng mênh mông, có lẻ đây cũng là dụng ý của ngài để quan sát mọi sinh hoạt của dân chúng để thuyết giảng những thời pháp sinh động hơn và chúng đệ tử luôn được thấy ngài từ xa. Nhờ vậy, vua Tần Bà Sa La luôn hướng nhìn về nơi đó với tâm hoan hỷ và an lạc dù thân đang bị giam cầm bởi chính con ruột mình vua A Xà Thế.
Chúng con xin được về đây dâng lên tấm lòng thành và cầu mong trí tuệ của Ngài luôn dẫn dắt chúng con.
Hang Thất Diệp: nằm cách núi Linh Thứu 10km là nơi tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất của 500 vị A Lan Hán. Để đến được nơi hang Thất Diệp, đoàn phải trải qua mấy ngàn bậc tam cấp nhưng các cô lớn tuổi vẫn quyết tâm đi bộ mà không cần ngồi võng với ý niệm rất dễ thương “đã về nơi đất Phật thì phải cố gắng đi và phải đi bộ”. Một cô trong đoàn nói với chúng tối vừa đi vừa niệm phật nơi đây như nhập tâm hơn ngày thường rất nhiều, bước đi nhẹ nhàng thanh thoát hơn và không thấy mệt dù đang đi giữa cái nắng buổi trưa.
Câu Thi Na (Kushinagar): không khí trên xe có vẻ trầm lắng hơn mọi ngày khi đến Câu Thi Na. Chúng tôi chuẩn bị y phục trang nghiêm, một vòng hoa trên cổ, một nhành hoa trên tay và mọi người thành tâm niệm danh hiệu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tiến về tháp Niết Bàn là một tòa nhà màu trắng nổi bật trong không gian tỉnh mịch để viếng đấng Từ phụ. Bên trong tháp là tôn tượng của ngài đang nằm với gương mặt hiền từ, mắt nhắm và miệng mỉm cười như đang ngủ được đắp một y vàng và một y màu đỏ nhỏ hơn phía trên do đoàn hành hương trước dâng cúng. Sau đó, chúng tôi được thầy hướng dẫn đến hành lễ tại tháp Ramabhar - nơi trỳ tà kim thân Đức Phật, những lời kinh tụng xúc động lòng người về công hạnh và con đường hoằng pháp suốt 49 năm của Ngài, hình ảnh của Tăng đoàn quỳ xung quanh kim thân trong tác phẩm Đường Xư Mây Trắng như tái hiện trong tâm trí chúng tôi, và những câu hỏi của ngài A Nan trước khi phật nhập diệt khiến nhiều người không thể ngăn được dòng nước mắt thương tiếc đấng cha lành. Những cảm xúc trái ngược của mọi người tại Câu Thi Na khiến tôi có nhiều suy nghĩ vì có cô nói với tôi “cô thấy rất bình yên và an vui dù đây là nơi Phật nhập diệt vì cô cảm nhận đức Phật còn hiện hữu”, người lại nói “không biết tại sao nước mắt cứ chảy ra mà không kiềm được” và cũng có nhiều vị tỉnh lặng bên tháp Ramabhar. Dù lý do gì thì chúng tôi cũng tự nói với chính mình sẽ cố gắng tu học tinh tấn hơn nữa để báo đáp công ơn sâu nặng của ngài.
Quê nội thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) và Lâm Tỳ Ni (Lumbini): trên đường đến thành Ca Tỳ Lê Vệ, mọi người nói đùa với nhau là đang về quê nội. Có lẽ nhờ hai tiếng “quê nội” gần gủi và thân thương đó làm cho mọi người chú ý quan sát hơn trên suốt tuyến đường và không ngừng bình luận cảnh vật hai bên giống như những đứa trẻ lần đầu được về quê. Sáng tinh mơ dịu mát và không khí thật trong lành nhưng cảnh vật hoang tàn chỉ còn những nền gạch hoang phế khiến chúng tôi bùi ngùi xúc động vì thật khó tin đây là nơi đức Phật trải qua thời niên thiếu.
Rời thành Ca Tỳ La Vệ, đoàn hành hương với y áo trang nghiêm để chiêm bái thứ động tâm cuối cùng là Lâm Tỳ Ni nơi đản sanh của đức Phật. Khi bước vào trong khu vườn, cảm giác bùi ngùi xúc động buổi sáng tại thành Ca tỳ la vệ tự nhiên lùi dần để đón nhận niềm hoan hỷ để chào đón sự ra đời của đấng giác ngộ. Cùng ngồi nghe thuyết giảng dưới cây Bồ đề xanh tươi tỏa bóng che mát cho khách hành hương nằm cạnh hồ nước trong lành là nơi hoàng hậu Maya đã tắm trước khi hạ sanh thái tử, bên kia hồ là ngôi đền Maya Devi lưu lại những chứng tích quan trọng là dấu chân in trên đá đánh dấu được xác định là nên đức Phật đản sanh, và trụ đá cao 6m hiên ngang tồn tại qua thời gian. Một thời kinh dưới trụ đá vua A dục để chúng tôi cùng nhau hướng tâm thành tri ân đến đấng Từ phụ.
Tụng kinh tại trụ đá vua A Dục
Thánh tích quan trọng cuối cùng – Kỳ Viên Tịnh Xá: nơi đức Phật và Tăng đoàn trải qua 24 mùa an cư do ngài Cấp Cô Độc cúng dường cho đức Phật. Trước tiên, đoàn hành hương đến đảnh lễ dưới cây Bồ đề do chính ngài A Nanda trồng để những người hành hương như nhìn thấy đức Phật khi ngài không ở đây. Thật cảm động khi chứng kiến cảnh Tăng ni Phật tử các nước trìu mến đắp những tấm y vàng lên thân cây Bồ đề như đang đắp lên thân ngài, nhiều Phật tử quỳ trong tỉnh lặng như đang lắng nghe những lời thuyết giảng của đức Phật, có Phật tử thành kính nhẹ nhàng tưới nước lên gốc và thân cây để cây Bồ đề luôn tươi tốt như cầu mong Ngài luôn dìu dắt va gia hộ. Sau đó, đoàn hành hương đến viếng Hương thất của đức Phật với những nhánh hoa đã được Phật tử Sri Lanka trải khắp nền hương thất của ngài tự lúc nào, từng người trong đoàn sếp hàng trang nghiêm để vào đảnh lễ hương thất Ngài. Tuy Kỳ viên chỉ còn lại những nên gạch cũ kỹ nhưng nơi đây vẫn toát lên vẻ trang nghiêm thanh tịnh của Tăng đoàn ngày xưa.
Ngày cuối trên đất Ấn
Ngày cuối cùng trên đất Ấn thật nhiều cảm xúc, thấy lòng mình sao lưu luyến và thương thật nhiều mảnh đất khắc nghiệt với cái lạnh cái nóng khác thường, cái nghèo tận cùng, cảnh vật đìu hiu ở đây. Chúng tôi tự nghĩ, nếu nơi đây sạch đẹp và đầy những thú vui giải trí như các thành phố thì sẽ không còn những chuyến hành hương đầy ý nghĩa về tâm linh nữa. Mười hai ngày trên đất Ấn, 36 thành viên luôn cùng đồng hành trên một chuyến xe, cùng ăn, cùng sinh hoạt với nhau là môi trường tu tập để giúp mình quán sát những vui buồn, hờn giận trong tâm mình có phát khởi hay không và những suy nghĩ không tốt đó không có điều kiện để khởi lên. Mọi người đều cảm thấy an vui, nhớ những lúc cùng nhau ăn cơm hộp giữa đồng vắng, chia sẻ muối tiêu, nước tương kho quẹt, nấm kho khô, những đêm trò chuyện về đời sống tu học và những nụ cười dễ thương chào nhau buổi sáng. Chúng con xin tri ân đức Phật, quý thầy, tất cả thành viên đã cho chúng con cơ hội tìm lại phần nào con người tâm linh của mình, thấy gần gủi và thương đức Phật thật nhiều, thương các vị Tăng ni, thương những người đã và đang vì đạo pháp mà dấn thân. Đoàn trở về Việt Nam ngày 29/02/2012 (7/3 AL)
Những thành tựu khi đi hành hương về đất Phật
- Kiến thức: Tìm hiểu về các thánh tích cả yếu tố tâm linh và lịch sử để cảm nhận sâu sắc hơn lời dạy và hành trình của đức Phật qua từng thánh tích.
- Tâm hoan hỷ: Bỏ lại tất cả tâm thức nhớ nhà, giận hờn, buồn giận với ngoại cảnh xung quanh để dành hết tinh thần an lạc hoan hỷ đối đải với mọi người và chuyên tâm tu học
- Ăn uống: mỗi quốc gia đều có khẩu vị riêng (thường khó ăn), do đó mình có thể thực tập bỏ thói quen ăn uống dễ dàng thích nghi để đảm bảo đủ sức khỏe và tâm an suốt hành trình.