Home » , » Báo hiếu theo kinh Vu Lan

Báo hiếu theo kinh Vu Lan

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012 | 01:50



Theo truyền thống, dân tộc Việt Nam thường thờ cúng ông bà tổ tiên của mình và quan niệm rằng ông bà tổ tiên sau khi chết không mất, mà trở về với cội nguồn, nghĩa là linh hồn từ đâu sanh ra thì chết trở về nơi đó.

Như vậy dân tộc chúng ta từ xưa đã hình dung ra hai loại hình thế giới, thế giới âm và thế giới dương. Người sống ở thế giới dương và người chết ở thế giới âm, mà dân gian thường nói rằng sinh ký tử quy. Vì vậy, truyền thống của nhân dân Việt Nam là kính trọng ông bà cha mẹ đang hiện hữu và kính trọng cả ông bà cha mẹ đã qua đời. Ðối với cha mẹ còn trên cuộc đời, phải hết lòng hiếu dưỡng, chăm sóc; không làm như vậy là bất hiếu. Và đối với người thân đã quá vãng, phải phụng thờ, giữ trai giới để cầu nguyện cho vong linh trở về cội nguồn.

Nhờ tinh thần hiếu đễ như vậy, nên khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, người dân Việt đã tiếp thu đạo Phật một cách nhanh chóng. Ðức Phật đã dạy rằng không có tội nào lớn hơn tội bất hiếu và không có phước nào lớn hơn là hiếu hạnh. Có sự đồng cảm với tinh thần Phật dạy về hạnh hiếu mà chủ yếu được ghi trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân, nhưng người dân Việt Nam lại cảm nhận sâu sắc kinh Vu Lan Bồn hơn.
Thật vậy, như trên đã nói, nhân dân ta thấm nhuần truyền thống báo hiếu, nên khi tiếp thu câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Vu Lan, đã dễ dàng đồng cảm. Vì thế, kinh Vu Lan được phổ biến rộng rãi và thường được tụng hơn, đặc biệt là trong mùa Vu lan.
Nương theo kinh Vu Lan mới có mùa Vu lan. Ðức Phật dạy rằng muốn cứu cha mẹ có tội, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng thanh tịnh; nhưng phải tổ chức đúng mùa An cư của chư Tăng, hay đó chính là mùa Vu lan. Vì trong mùa này, chư Tăng cấm túc an cư, tập trung tu hành, nên định lực mạnh, mới tác động được thế giới của người chết. Trong kinh Vu Lan ghi rõ rằng Ðức Phật đã dạy Mục Kiền Liên cúng dường những người như sau: “… Hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tòng, hoặc người đặng lục thông tấn phát, và những hàng Duyên giác, Thanh văn, hoặc chư Bồ tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh, đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dày chánh định chơn tâm…”.
Ðó chính là những người chân tu để ngài Mục Kiền Liên hay chúng ta cúng dường. Chính những người tu hành phải đạt được trình độ tu chứng như vậy thì việc cầu nguyện mới có hiệu quả. Và nhất là phải đúng mùa tu, tức mùa An cư hay mùa Vu lan, mới có được sự tu chứng này. Vì ngày thường, chư Tăng phải lo nhiều Phật sự khác, khó tập trung cao, khó có định lực mạnh để cảm hóa linh hồn của người đã khuất
Ngoài ra, nhớ nghĩ đến những vong hồn không may mắn, người ta thường tổ chức cầu siêụ. Nhất là nước Việt Nam chúng ta thường bị các nước khác xâm chiếm và cai trị khắc nghiệt. Vì thế, có nhiều người phải chết trong uất hận, được gọi là cửu hoạnh theo kinh Dược Sư. Người tu theo đạo Phật cũng trang trải tình thương đối với những người không may mắn phải chết vì chiến tranh, vì thiên tai, vì tai nạn xe cộ, v.v… Từ đó mà có thêm việc cúng chẩn tế cô hồn từ ngày 15 đến 30 tháng 7. Ngày 30 tháng 7 cũng chính là ngày vía Ðức Ðịa Tạng, một vị Bồ tát có nguyện lớn là thường vào địa ngục để cứu chúng sanh ra khỏi cảnh giới khổ đau cùng cực ấy
Thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo, hướng đến những linh hồn không may mắn, người dân Việt Nam thường tổ chức đàn chẩn tế cô hồn. Người ta tin tưởng rằng trong ngày lễ này, nương nhờ thần lực gia trì của chư Tăng thanh tịnh, linh hồn của những người chết vất vưỡng ngoài đường, hay những linh hồn từ địa ngục mới thoát ra, nói chung là các loài cô hồn hoạnh tử đều được hết khổ, được no đủ, được an vui.
Mùa Vu lan, chúng ta báo hiếu theo tinh thần Phật dạy, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, cha mẹ hiện tiền hay đã khuất bóng, cũng cầu cho những oan hồn bất hạnh. Ðương nhiên chúng ta phải nhớ đến những người đang gánh chịu mảnh đời rất nhiều cơ cực, khó khăn.
Tôi kêu gọi Tăng Ni, Phật tử mở đàn chẩn tế cầu siêu cho người quá vãng thì cũng cần giúp đỡ đồng bào nghèo khổ, kém may mắn trên mọi miền đất nước. Làm được như vậy mới thể hiện trọn vẹn sự báo hiếu của hàng đệ tử Phật hiện hữu trên thế gian này chỉ nhằm mang đến an vui, lợi lạc cho mọi người
HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com