Tôi rất hoan hỷ khi thấy Tăng Ni ở huyện Long Thành đã tuân theo lời Phật dạy cấm túc an cư, đặc biệt là trong chúng hội đạo tràng này có chư Tăng và tu nữ chùa Phước Sơn theo truyền thống Nam tông chưa vào mùa Hạ cấm túc an cư, nhưng vẫn về đây tùy hỷ với việc nhập hạ của Tăng Ni Phật giáo Bắc tông để có những suy nghĩ chung về pháp Phật. Đây là điểm son đáng khích lệ cho sinh hoạt Phật giáo huyện nhà.
Phật dạy Tăng Ni thường hay gặp nhau vào ngày Bố tát để trao đổi với nhau những kinh nghiệm tu học và cảm thông với nhau những điều khó khăn chung trên bước đường tu. Vì vậy, nơi nào Tăng Ni còn hòa hợp tu học trong Chánh pháp thì Phật pháp còn hưng thạnh; nơi nào Tăng Ni không tập họp, không chia sẻ kinh nghiệm tu hành thì nơi đó Phật pháp sẽ bị suy yếu.
Lời dạy này của Đức Phật đã thể hiện rất rõ trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Sau thời vua A Dục đến thời vua Ca Nị Sắc Ca, các bộ phái phân lập và sinh hoạt khác nhau, nên không cảm thông với nhau, cuối cùng khích bác nhau, làm Phật tử mất niềm tin và Phật giáo Ấn không bị bên ngoài chống phá mà tự tiêu diệt. Điều này một phần chúng ta đổ lỗi cho Bà La Môn giáo, Hồi giáo; nhưng theo tôi, tại lỗi của chư Tăng thời bấy giờ không tuân thủ lời Phật dạy, không hòa hợp, không chia sẻ kinh nghiệm tu hành, nên Phật giáo Ấn mới bị hoại diệt.
Ngày nay, Ấn Độ muốn phục hồi Phật giáo phát triển trở lại như thời vua A Dục là điều rất khó. Kinh nghiệm cũng cho thấy Phật giáo Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn suy yếu là thời kỳ chư Tăng không hòa hợp, không đoàn kết, không bố tát, cũng như không cấm túc an cư. Và từ thời suy đồi đó cho đến Phong trào Chấn hưng Phật giáo, các Hòa thượng tiền bối đã nghĩ ngay đến việc chư Tăng phải học Phật pháp; vì trong thập niên 30, việc học Phật pháp và thực hành Chánh pháp gần như không có.
Người đứng đầu Phong trào Chấn hưng thời ấy là Hòa thượng Khánh Hòa. Ngài đã bán chùa Tuyên Linh để dùng số tiền đó thỉnh bộ Đại tạng kinh ở Nhật đem về chùa Linh Sơn cho Tăng chúng nghiên cứu, phiên dịch và giảng dạy. Hòa thượng nói rằng có chùa, có Tăng, nhưng không hiểu và không thực hành pháp Phật, coi như không có Phật giáo. Hòa thượng xây dựng phong trào học Phật, đương nhiên chính quyền Pháp không bằng lòng và còn gây nhiều khó khăn. Vì thế, Hòa thượng không giữ được chùa Linh Sơn để thực hiện mục tiêu của ngài. Hòa thượng trở về Trà Vinh thành lập trường Lưỡng Xuyên Phật học để đào tạo Tăng Ni hiểu biết và thể nghiệm được giáo lý trong cuộc sống. Với tâm huyết mở trường dạy Phật pháp như vậy, Hòa thượng đã đào tạo được một số Tăng Ni lỗi lạc, trong đó có ba vị nổi tiếng của miền Nam là cố Hòa thượng Thiện Hòa, cố Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Trí Tịnh. Ba vị Hòa thượng này được Hòa thượng Khánh Hòa gởi ra Huế học và học xong, các ngài trở về miền Nam, liền mở ba trường Phật học cũng nhằm mục tiêu đào tạo Tăng tài. Các vị Hòa thượng cũng rút kinh nghiệm từ quá khứ, e ngại ba trường Phật học khác nhau sẽ đi theo ba hướng khác nhau và sẽ dẫn đến tình trạng Phật giáo bị suy đồi. Vì thế, các ngài đã kết hợp ba trường Phật học này thành một trường tên là Phật học đường Nam Việt mở tại chùa Ấn Quang và tôi đã được đào tạo ở trường này. Nhờ sự giáo dưỡng của các ngài, suốt cuộc đời tôi từ đó đến nay, luôn gắn bó với Giáo hội, từ Giáo hội Tăng già Nam Việt, đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi tha thiết với vấn đề thống nhất và quan trọng nhất là thống nhất ý chí và hành động. Thật vậy, nhờ có thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí và hành động, nên Thượng tọa Bửu Chánh dù xuất thân từ hệ Nam tông, cũng đã theo học ở Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo). Nếu không có sinh hoạt thống nhất, Thượng tọa đã không vào đó học, thì làm sao chúng ta gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm tu học như ngày hôm nay. Và nếu tách biệt mình theo một hệ phái nào để càng tu càng cách biệt nhau thì không phải là chân lý, vì chân lý của Phật là một.
Thiết nghĩ vấn đề thống nhất rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển sinh hoạt của Phật giáo chúng ta. Chính Đức Phật cũng dạy rằng có nhiều pháp môn tu, nhưng hương vị giải thoát thì chỉ có một. Chúng ta tu hành chỉ có một Đức Giáo chủ là Đức Phật Thích Ca và cùng hưởng một vị giải thoát duy nhất. Từ năm 1982 đến nay, trải qua 25 năm chúng ta cùng sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tạo được nhiều thành quả tốt đẹp, với trên hai vạn ngôi chùa và bốn vạn Tăng Ni tu học. Về tổ chức và lãnh đạo, chúng ta đã thống nhất, nhưng về hành động và ý chí, đôi khi còn khiếm khuyết. Vì thế, việc tập chúng tu học là cần thiết để chúng ta có điều kiện gần gũi, hiểu nhau, cảm thông và hòa hợp nhau. Thiết nghĩ hỗ trợ nhau tu hành và cùng sinh hoạt trong ngôi nhà Phật pháp thật vô cùng lợi lạc và theo đó chúng ta nhận thấy được tinh ba của giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa là một, không khác, nhưng ở góc độ thực hành có sự khác biệt; vì trình độ khác, phong tục tập quán khác, nên nhận thức về giáo lý Phật tất nhiên cũng khác.
Riêng tôi, cũng đã học giáo lý Nikaya và kinh điển Đại thừa, nhận thấy rõ giáo lý Nguyên thủy gần với lịch sử của Đức Phật hơn giáo lý Đại thừa. Thật vậy, đệ tử Phật đã cố gắng gìn giữ giáo lý Nguyên thủy từ lần kiết tập thứ nhất đến nay đã hơn 2.000 năm mà sự thay đổi không nhiều, nên chúng ta thấy về hình thức như cách phục sức và đời sống của chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy gần với thời Đức Phật tại thế. Trong khi Phật giáo truyền lên phía Bắc Ấn Độ đã tiếp cận văn hóa của Trung Đông tràn qua, nên Phật giáo phát triển ở phía Bắc Ấn, hay Phật giáo Đại thừa đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của những nền văn minh lớn mạnh của Trung Đông thời ấy là văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Chính vì vậy mới dẫn đến sự nhận thức khác về giáo lý và tu hành khác, dù cái gốc Phật giáo là một. Có thể nói Phật giáo Nam tông hướng về thực tế cuộc sống nhiều hơn, còn Bắc tông Phật giáo thiên về tâm linh trừu tượng hơn, trong khi căn bản Phật pháp là một.
Căn bản Phật pháp theo hệ Nam tông hay Bắc tông đều công nhận Tam bảo Phật Pháp Tăng là chính. Phật là Bậc Thầy sáng suốt nhất, Pháp hay lời dạy của Phật là chân lý và đoàn thể tu sĩ hòa hợp thanh tịnh là Tăng. Từ khi Đức Phật thuyết pháp ở Lộc Uyển đã đưa ra pháp Tam quy, cho đến ngày nay, quy y Tam bảo vẫn là nguyên tắc cần thiết trước tiên của hàng đệ tử Phật dù tu theo pháp môn nào. Người tu nào không được chư Tăng chấp nhận, thì Phật cũng không chấp nhận, cho nên bằng mọi cách phải sống hòa hợp.
Chúng ta đọc luật có dạy nhiều điều hòa hợp rất hay, ngày nay áp dụng vẫn đúng. Thí dụ có Tỳ kheo phạm tội, nếu căn cứ theo luật Nguyên thủy phạm tội Ba la di, Phật ví như hòn đá bị bể làm hai không thể dính lại được, hoặc ví như cây dừa chặt ngọn thì không sống được, hay cây kim không còn lỗ thì không dùng được. Nếu phạm tội nhẹ hơn là phạm tội Tăng tàn thì cho sám hối để tâm thanh tịnh và cho cứu tội, phải có 20 vị làm Yết ma và cho 7 đêm Ý hỷ, để chúng ta thanh lọc tâm mình cho thanh tịnh và thật sự hoan hỷ với việc đại chúng luận tội mình.
Tôi tâm đắc pháp ý hỷ, tuy đơn giản nhưng rất quan trọng. Vì dù chúng ta đã sám hối và được cứu tội, nhưng vẫn còn tồn đọng trong lòng chúng ta một cái gì không vừa ý, chưa xả bỏ được sự ấm ức, nghĩa là tội tánh còn. Vì thế, cho thêm pháp ý hỷ để ta cởi mở tất cả những gì mà người phê phán và thật sự chấp nhận một cách hoan hỷ lỗi lầm của mình. Nhưng điều này không dễ thực hiện trên bước đường tu; bắt sám hối là đã giận rồi và cứu tội thì cũng chịu, nhưng trong lòng người có tội ít khi nào thấy tội mình, sự tức giận vẫn kích hoạt trong tâm, thì pháp ý hỷ chỉ làm trên hình thức, nên không thành tựu pháp, tất nhiên người đó không thanh tịnh, khó tiến tu.
Pháp ý hỷ quan trọng, nghĩa là con mắt của chư Tăng quan trọng, chư Tăng thấy mình có tội là mình có tội. Thật vậy, con mắt tập thể thấy được toàn thân toàn tâm ta, còn ta không thấy được ta. Nhận thức sâu sắc ý này, tôi thường lóng nghe những phê phán của Tăng chúng để tự sửa mình. Tự mình không thấy được lỗi của chính mình, nhờ chư Tăng thấy, chỉ giúp ta, sửa đổi xong, hết tội và cùng hòa hợp với huynh đệ tu hành, tất nhiên việc tiến tu sẽ tốt đẹp.
Từ pháp Ý hỷ, Đại thừa triển khai thành hạnh tùy hỷ, một trong mười hạnh lớn của Phổ Hiền Bồ tát. Hạnh tùy hỷ là chấp nhận việc của người khác dù không giống với mình. Trên bước đường tu, chúng ta cần có tâm tùy hỷ với người tu pháp môn khác; vì Phật dạy tất cả chúng sinh có căn tánh và nghiệp lực khác nhau, nên hoàn cảnh khác nhau thì họ phải tu khác nhau, không thể giống hệt nhau. Vì lý do đó mà theo tinh thần Đại thừa, ở Niết bàn hay Cực lạc mới giống nhau được, còn ở trần gian thì trăm sai ngàn khác, không có gì giống nhau dù hai thầy tu Nguyên thủy cũng chỉ giống được ở màu y, giống ở ngày ăn một bữa, giống đầu trần chân đất, giống ở không giữ tiền bạc, nghĩa là giống nhau về giới tướng; nhưng về tu chứng thì hoàn toàn khác nhau, vì có vị được kính trọng như A la hán, như Hiền nhân, có vị coi như bình thường dù tu suốt đời. Hình thức giống được, còn nghiệp lực, trí tuệ và công đức của mỗi người tu hoàn toàn khác nhau; đó là sự sai biệt tất yếu mà chúng ta nhận thấy trong đời sống tu hành.
Trên bước đường tu, tôi luôn coi con mắt của tập thể quan trọng, cho nên lóng nghe phê phán của tập thể và hành đạo theo quyết định chung của tập thể, gắn bó được với tập thể, mới thành tựu Tăng thân.
Như đã nói, Phật giáo Ấn Độ truyền bá về phương Nam và phát triển ở phương Bắc là bắt đầu có sự khác biệt. Phật giáo Nam tông giữ được sinh hoạt Nguyên thủy, vì truyền xuống phương Nam, Phật giáo không gặp nền văn minh lớn nào, nên Phật giáo luôn giữ vị trí số một. Điển hình là Phật giáo truyền sang Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn ở các quốc gia này; đó là điều vô cùng quý báu đáng giữ gìn và trân trọng. Tuy nhiên, trong những kỳ họp Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, tôi có điều kiện trao đổi với các vị lãnh đạo của những nước theo Nam tông mà Phật giáo là quốc giáo, các ngài cũng đồng tình với tôi ở điểm ngày nay Phật giáo muốn tồn tại đúng nghĩa phải nghĩ đến việc cảm thông và hòa hợp với các nền văn hóa, văn minh thế giới. Ở Thái Lan, Campuchia, v.v… Phật giáo chúng ta độc tôn, nhưng sang quốc gia khác, tất nhiên vị trí độc tôn không thể có được. Làm sao Phật giáo phát triển toàn cầu là hướng nhìn mới của các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới. Không nên rút vào ổ kén của chúng ta, phải nhận thức rộng để đưa ra phương cách phổ cập Phật giáo đến mọi người, mọi nơi. Và từ hướng nhận thức mới như vậy, nếu nhìn ngược lại lịch sử, chúng ta thấy rõ ràng nguyên nhân Phật giáo phân hóa và suy đồi. Chúng ta cũng biết rõ sau khi Phật Niết bàn, Phật giáo thiếu một vị lãnh đạo sáng suốt hoàn toàn như Đức Phật và lại có một số Tỳ kheo quan tâm đến hình thức hơn là thực chất tu hành. Hình thức này gần nhất là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc men thường được gọi là tứ sự. Tất nhiên hướng tâm đến tứ sự và tích lũy tứ sự là đã lạc hướng Phật dạy. Căn bản tu hành của Tỳ kheo là gì.
Tỳ kheo tu hành là vào cửa giải thoát của Phật: Không, Vô tác và Vô nguyện, dù tu theo Nam tông hay Bắc tông Phật giáo. Nếu rời pháp Không, là đã lạc đạo, cho nên Không môn hay Thiền môn rất quan trọng. Tất cả đệ tử Phật dù tu pháp môn nào cũng phải vào cửa Không, còn kẹt vật chất dù nhỏ như cây kim cũng không thể thâm nhập Niết bàn. Cửa giải thoát mà Đức Phật mở ra cho tất cả hành giả bước theo dấu chân Ngài là Không môn, xả bỏ tất cả, cho đến mạng sống chúng ta cũng không thấy quan trọng, mới được giải thoát. Vì pháp căn bản Phật dạy để vào đạo, trước nhất phải thực tập thuần thục Tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Tất cả các pháp là vô ngã, nghĩa là Không, tứ đại ngũ uẩn cho đến tất cả mọi việc trên cuộc đời kết cuộc dẫn đến khổ và không. Chúng ta tu hành từ bỏ nếp sống thế nhân, từ bỏ khổ để vào cửa Không, vào đời sống giải thoát. Vì vậy, vị tu sĩ nào không trụ pháp Không là đọa, dù theo Nam tông hay Bắc tông.
Thiền Tứ niệm xứ là cốt lõi của Phật giáo mà Sa môn phải thực tập cho được. Tôi áp dụng pháp này nên được an lạc xin chia sẻ với quý vị. Tôi thường suy nghĩ bốn việc theo Tứ niệm xứ quán. Một là quán sát thân mình và thân người bất tịnh, để chúng ta đoạn trừ tham ái; nhưng dứt tham ái rồi, chúng ta còn quán bất tịnh nữa hay không. Tỳ kheo chấp pháp thì lúc nào cũng nghĩ đến thân bất tịnh. Còn đối với người tu thể nghiệm được Tứ niệm xứ quán và thật sự đạt đến tu chứng pháp vô ngã thì thân này không tịnh, cũng không bất tịnh. Thử nghĩ thế nào tịnh, hay bất tịnh. Thức ăn trước khi ăn là tịnh, nhưng ăn xong thải ra cặn bã là bất tịnh. Tất cả các pháp do nhân duyên sanh, nên tịnh hay bất tịnh đều tùy thuộc ở nhân duyên. Thật tướng của các pháp là không tịnh, cũng không bất tịnh.
Vì vậy, bước thứ hai, chúng ta không quán các pháp bất tịnh, nhưng quán thật tướng của nó là không tịnh, không bất tịnh. Kết hợp như vầy thì thành tịnh; kết hợp như vầy thì thành bất tịnh. Phân không thể là thức ăn của con người, nhưng là chất bổ dưỡng cần thiết cho cây cỏ đơm hoa kết trái. Cũng vậy, thân này nhìn ở mặt nào thì nguy hiểm, nhưng đứng ở khía cạnh khác, nó giúp rất nhiều cho chúng ta tiến tu đến quả vị Vô thượng Bồ đề. Quán sát như vậy, tôi thấy thân người ví như hỏa tiễn để phóng vệ tinh bay vào vũ trụ. Biết sử dụng thân tứ đại ngũ uẩn để đưa con người tâm linh chúng ta vượt khỏi thế giới vật chất hữu hạn, thăng hoa đời sống nội tâm và thâm nhập thế giới vĩnh hằng bất tử. Còn chấp pháp, muôn đời đứng lại ở pháp Quán bất tịnh, không tiến thêm được, e rằng đó không phải là yếu nghĩa Phật muốn dạy.
Có nhận thức như vậy và xây dựng Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng theo chiều hướng phát triển tâm linh và phổ cập lợi lạc cho nhiều người cùng thăng hoa tri thức và đạo đức là con đường đúng đắn cho sự phát triển vững mạnh của Phật giáo mà tất cả chúng ta nỗ lực thực hiện. Trong mùa an cư, không thể trụ mãi ở thế giới vật chất, không thể đặt nặng tứ sự cúng dường; trái lại, chỉ nương vào phương tiện vật chất để vượt lên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh chúng ta bắt nguồn từ quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, cho đến thành tựu quán pháp vô ngã thì đời sống tâm linh chúng ta bừng sáng. An trụ “Không”, tất cả mọi việc chúng ta xả bỏ dễ dàng. Thí dụ quán tâm vô thường, chúng ta nghĩ như thế nào. Giả sử quý thầy thỉnh tôi thuyết pháp, nhưng chờ đợi mãi mà tôi không đến, quý vị không nên buồn giận, trách móc, mà nên quán ngay tâm vô thường là thường, sẽ cảm thấy an lạc liền. Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi người thất hứa, tôi không buồn; vì ngày hôm qua phải khác hôm nay, niệm trước khác với niệm sau. Hứng lên thì hứa là người thế gian; đối với chúng ta tất cả mọi việc đều không quan trọng, không chấp, vì mạng sống còn không giữ được, sống nay chết mai, thì lời hứa có gì quan trọng.
Thành tựu Tứ niệm xứ quán, chúng ta bắt đầu qua cánh cửa giải thoát của Phật. Trong nhà Thiền có bài kệ rất hay:
Không môn bất khẳng xuất
Đầu song giả đại si
Bá niên án cố chỉ
Hà nhựt xuất đầu thì
Cửa Không của Phật không chịu đi qua. Trăm năm ngồi đọc sách, nghiên cứu mà đời sống không được chút giải thoát nào, giống như con ong cứ húc đầu vô cửa sổ rồi rớt xuống mãi thì quả là “đại si”, không biết ngày nào “quay đầu lại”, chẳng bao giờ ra khỏi trần ai khổ lụy.
Muốn trở thành Hiền Thánh, cao Tăng, phải qua cửa Không, là bắt đầu đời sống tâm linh, không lệ thuộc vật chất. Ngài Thần Tú làm bài kệ:
Thân tợ Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật dị nhá trần ai.
Thân như cây Bồ đề, tâm như đài gương sáng; phải thường xuyên lau chùi gương cho sáng.
Nhưng Lục Tổ Huệ Năng dạy khác:
Bồ đề bản vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
Bồ đề tâm đâu phải là cây, nghĩ nó là cây để bón phân thì không đúng. Phát tâm cầu Bồ đề là phát tâm tu để trí tuệ phát sinh. Tâm gương chúng ta luôn sáng, không phải là cái gương vật chất bên ngoài bị phủ bụi mà lau chùi được.
Nhưng nếu Bồ đề không phải là cây thì bám vô đâu? Một vị Thiền sư khác giải thích rằng:
Bốn mùa hoa đều nở
Chẻ cây tìm hoa không thấy
Bắt đầu vào đời sống tâm linh, thấy được thật tướng của mọi vật là thấy trong cây có hoa, thấy hoa từ cây nở ra và cây lớn lên nhờ kết hợp nước và phân, nên hoa cũng từ nước và phân mà có. Nước là kết hợp của các nguyên tử đã có trong lòng đất, hoặc hơi nước kết tụ trong những đám mây tuôn xuống thành mưa. Như vậy, chúng ta thấy hoa không phải mới có trong cây, nhưng hoa đã có mầm sống từ lòng đất, từ trong không khí, từ những đám mây, hay nhìn đâu cũng có hoa. Người tu nhìn về thật tướng của các pháp như vậy, thâm nhập cửa Không, thì nhìn đâu cũng thấy giải thoát.
Theo tinh thần Đại thừa, sau khi Phật nhập diệt, hay vắng bóng trên cuộc đời, một số Tỳ kheo tăng thượng mạn nghĩ rằng họ không còn bị Phật khống chế nữa, sướng quá. Nói cách khác, sống với thầy cảm thấy phiền phức, nay không có thầy quản lý, thì không ngồi thiền, không công phu, tha hồ ngủ dậy trễ, không ai rầy la. Loại Tỳ kheo tăng thượng mạn như vậy là bỏ đi, không đáng kể.
Còn những Tỳ kheo chưa đắc đạo nương theo Phật, nương theo Tổ hay theo thầy thì mọi việc khó đều có các Ngài giải quyết. Khi Phật, Tổ, thầy không còn trên cuộc đời, chẳng biết ai cậy nhờ, chỉ còn cách tha thiết hướng tâm về các Ngài. Kinh Pháp Hoa có ví dụ ông lương y có nhiều con, họ cứ nghĩ cha mình giỏi, bệnh gì ông cũng chữa khỏi, nên họ không biết giữ gìn sức khỏe, không biết tự lo, sống hư hỏng. Con của Phật mà núp bóng Phật để sống cũng giống như những đứa con hư hỏng của ông lương y vậy. Ông lương y mới nói với những người con hư, gọi là cuồng tử, rằng ông có thuốc quý để đó, nay ông có việc phải đi xa; nếu ở nhà có bệnh, nên lấy thuốc uống sẽ khỏe mạnh. Điều này ngầm chỉ rằng Phật Niết bàn có di chúc rằng giáo pháp của Ngài còn thì giống như Phật còn tại thế. Trái lại, dù cho Phật tại thế, nhưng nếu không thực hành giáo pháp thì cũng không được gì. Phật không còn trên cuộc đời, chúng ta nỗ lực ứng dụng giáo pháp cũng đắc đạo, chứng quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Kinh Nguyên thủy chuyển sang kinh Đại thừa thể hiện tinh thần giáo pháp còn là Phật pháp còn bằng cách thực hành theo giáo pháp.
Kinh Pháp Hoa nói rằng các người con của ông lương y uống thuốc liền khỏe mạnh, thì thấy người cha trở về. Nghĩa là thực tập Thiền quán, khai mở được con đường tâm linh, thâm nhập được thế giới tâm linh bất sinh bất diệt, sẽ nhận thấy Phật vẫn hằng hữu, thấy Phật hiện hữu trong ta, xung quanh ta, Phật vẫn gia hộ ta. Trái lại, nếu không vào cánh cửa Không, sẽ ở mãi thế giới vật chất và cánh cửa thế giới tâm linh muôn đời lạnh lùng khép kín trước mặt ta.
Tuy nhiên, vì thế giới tâm linh khó kiểm soát được, nên chúng ta gặp không biết bao nhiêu ma chướng, không phải gặp Phật liền. Thật vậy, vào thế giới tâm linh, có nhiều tầng khác nhau. Đáng ngại nhất là đi vào thế giới tâm linh mà lạc qua thế giới ma là thế giới gần chúng ta nhất. Vào thiền, cẩn thận, vì dễ lạc vô ma cảnh. Riêng tôi, khi nhập thiền, biết lạc vào cảnh giới ma là phải xả thiền, không tiếp tục nữa. Thế giới ma người ta dễ tiếp cận, ngày nay gọi là nhà ngoại cảm hay những người đồng bóng cũng vào thế giới tâm linh, nhưng là thế giới của ma, họ thấy được ma hay bị ma dựa, cho họ nói những chuyện của ma, chuyện chất chứa trong lòng con ma, vì ma không có thân xác nên không nói được. Sở dĩ dễ lạc vào thế giới ma vì người còn nhiều nghiệp và phiền não, nên còn ở trong tần số đồng với ma.
Tôi chuyên lạy sám hối để sạch nghiệp; còn giữ nghiệp nào sẽ lạc vào thế giới tương ưng đó, như còn tham lam bực tức sẽ lọt vào thế giới A tu la, không thể vào thế giới Phật. Tổ Thiên Thai dạy rằng phải sám hối thật thanh tịnh, nghĩa là đến khi vào thiền mà thấy Phật và thế giới Phật là sám hối thanh tịnh tầng thứ nhất; nhưng đó vẫn còn là thế giới ma, ma này là ma tưởng tượng. Vì chúng ta ngồi yên tưởng tượng ra thế giới Phật thì thế giới Phật liền xuất hiện, thế giới Phật có là do sự hoang tưởng của chúng ta, không có mình tưởng thành có. Tôi đã có thời gian trải qua tình trạng này, nhìn đá, nhìn mây, nhìn sông, nhìn núi, v.v… cũng thấy Phật, mới đầu cảm thấy mừng, nhưng sau đó tự biết mình đã lạc vào thế giới ma hoang tưởng. Đi sang vòng thứ hai, kiểm chứng để biết, nếu vào thế giới Phật thực thì tâm an lạc, giải thoát, trí tuệ phát sinh, thấy việc không sai lầm, biết được nghiệp của người đến với mình. Và từ cái thấy đúng thực này phải hiện được tướng giải thoát, tức người phải quý trọng chúng ta thật sự, thì may ra mới chứng được Hiền vị. Còn chưa đến được vị trí này, tự biết còn là phàm Tăng, nghiệp Tăng, vì còn nhiều ham muốn, đòi hỏi, phải nỗ lực tu hành.
Trong mùa an cư, cầu mong tất cả Tăng Ni cố gắng khắc phục nghiệp và phiền não, từng bước thanh tịnh hóa thân tâm, mới thâm nhập được thế giới Phật, đạt được quả vị thấp nhất là Tu đà hoàn. Trên bước đường tu, theo Phật giáo Nam tông hay Bắc tông đều phải gặt hái được quả vị đầu tiên này để làm hành trang tiếp tục lộ trình Phật đạo.
HT.Thích Trí Quảng