Home » , » Gạn sạch phiền nảo nghiệp chướng trần lao

Gạn sạch phiền nảo nghiệp chướng trần lao

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012 | 01:42


                                  
            Hôm nay chúng tôi rất vui mừng được cung đón Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên là vị Đại Pháp sư thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Thế giới và cũng là kỷ niệm lần thứ 53 ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng trên cuộc đời. Sự lớn mạnh của đoàn thể Tăng già Khất sĩ Việt Nam trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện rõ nét sự hòa hợp ý chí và hành động của Phật giáo Việt Nam chúng ta. Với thành quả tốt đẹp này, chúng ta dâng lên cúng dường vị Tổ sư khai sáng hệ phái Khất sĩ. 


Kỷ niệm ngày lễ trọng đại này, thiết nghĩ không gì tốt đẹp hơn là ôn lại lời dạy của ngài để chúng ta ứng dụng trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp Như Lai. Riêng tôi, đối với hệ phái Khất sĩ, cảm thấy rất thân thương và gần gũi. Thật vậy, sinh hoạt hoằng pháp của tôi luôn gắn bó với các tịnh xá trong toàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Trên bước đường hoằng pháp, có lúc tôi không nghỉ ở chùa Bắc tông, nhưng đến tịnh xá Khất sĩ nghỉ ngơi; vì tôi muốn tìm hiểu những gì Đức Tổ sư đã truyền dạy được thực hành như thế nào. Từ đó, tôi nhận ra nhiều điểm cao quý của Đức Tổ sư có thể ứng dụng trong cuộc sống tu hành của chúng ta.

Trước nhất là Đức Tổ sư muốn làm sống lại nét đẹp của nếp sống phạm hạnh thanh tịnh của Đức Phật Thích Ca. Vì vậy, lúc còn sinh tiền, cuộc sống của Đức Tổ sư rất thanh đạm và ngài hoằng pháp độ sinh ở khắp mọi nơi, đã cảm hóa được nhiều người trên bước đường du hóa. Tôi gặp một vị  Khất sĩ mà tôi thân quen là Hòa thượng Từ Huệ, trước đây vị này thuộc Thiên Thai Thiền Giáo tông của Tổ Huệ Đăng. Ngài nói với tôi rằng khi diện kiến Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, tâm liền cảm thấy rất an lạc. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ, an lạc này là gì? Nếu không kể đến việc hành đạo của Đức Tổ sư trong kiếp quá khứ, chúng ta cũng thấy được rằng trong kiếp hiện tại, Đức Tổ sư đã nhận chân được yếu chỉ kinh mà Đức Phật đã dạy và ứng dụng trong cuộc sống tu hành của chính ngài, đạt được kết quả tốt đẹp.
Thật vậy, kết quả trước nhất chúng ta nhận thấy ở ngài là gạn sạch được phiền não, nghiệp chướng, trần lao; vì giáo pháp Phật có công năng tẩy rửa phiền não, nghiệp chướng và trần lao.

Đức Tổ sư thể nghiệm pháp Phật một cách sâu sắc vào cuộc sống tu hành, nên tự thân ngài đã trong sạch và tâm cũng trong sạch, đạo lực tự phát sáng, khiến cho người gần gũi cảm thấy an lạc. An lạc tỏa ra từ chính ngài thì người mới tiếp nhận được sự an lạc này, vì nơi thân tâm ngài không có phiền não, nghiệp chướng và trần lao. Nhận ra ý này, riêng tôi, đến nơi nào, không kể thuộc Bắc tông, Nam tông hay Khất sĩ, gặp các vị tu sĩ mà tôi thấy an lành, tự biết mình đã gặp được vị chân tu đạo hạnh, tâm họ đã thanh tịnh nên tác động tâm mình thanh tịnh theo. Thực tế cho thấy có những vị tôn túc không học rộng, nhưng có gia trì tu tập, đạt được thành quả rất lớn. 

Kế tiếp, tôi may mắn gặp vị trưởng lão khác của Khất sĩ là ngài Giác Chánh rất đáng kính phục. Ngài có sở đắc rất đặc biệt, khó tìm thấy trong thời hiện tại. Có thể nói ngài là vị hành đầu đà đệ nhất trong thế kỷ XX. Ngài thành tựu một hạnh rất đặc biệt là suốt đời chỉ ngồi, không nằm. Quán sát chiều sâu, tôi cảm giác ngài là bậc cao tăng, thường nhân không thể làm được như ngài. Trong luật có nói đến ngài Hiếp Tôn Giả mà lịch sử ghi nhận là một bậc Thánh Tăng suốt đời không nằm. Chúng ta cần học tập nhiều ở các vị này và còn nhiều vị pháp sư khác cũng có sức cảm hóa quần chúng rất mãnh liệt.

Hôm nay về thăm tịnh xá Ngọc Cẩm, tôi  nhớ có lần thăm viếng các trường hạ miền Trung, đã ghé vào tịnh xá này và gặp Hòa thượng Giác Tràng. Mặc dù Hòa thượng chào hỏi bình dị, nhưng tôi tiếp nhận được từ tâm ngài sự an lành khiến tôi cảm nhận như là pháp lữ đồng hành thân thiết trên bước đường hoằng pháp của mình. Vì vậy, tôi đã hứa khi nào xây dựng xong tịnh xá này, tôi sẽ dành thì giờ ra đây thuyết pháp. Đến khi sắp tổ chức lễ khánh thành tịnh xá, ngài đã đến Ấn Quang nhắc lại lời tôi hứa năm nào. Dù tôi rất bận nhiều việc ở thành phố, nhưng cũng nhận lời sẽ thuyết giảng nhân ngày khánh thành tịnh xá. Tuy nhiên, đến giờ chót, vì không mua được vé máy bay, nên tôi nhờ Hòa thượng Giác Toàn chuyển lời không thể đi được. May mắn sao trong đoàn của Hòa thượng Giác Toàn, có người bỏ vé, nên tôi mới ra đây chiều nay và ngày mai phải quay về thành phố. Nhân duyên thù thắng này khiến tôi liên tưởng đến tất cả việc làm hiện tại của chúng ta đều có sự liên quan mật thiết đến kiếp quá khứ và vẫn còn tiếp nối trong tương lai.

Trở lại cốt lõi mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang muốn dạy chúng ta, khi tiếp xúc với pháp lữ Bắc tông, Nam tông hay Khất sĩ, tâm chúng ta được an lành là biết vị này đã có quá trình tu gạn lọc được một phần phiền não. Ứng dụng tinh thần của Đức Tổ sư, từng bước cắt bỏ được phiền não, tâm ta sẽ thanh tịnh lần. Cắt bỏ một phần phiền não thì một phần Pháp thân chúng ta hiện ra; cho nên mọi người thấy Pháp thân thanh tịnh của ta, họ cảm thấy an lạc và cũng phát tâm Bồ đề như ta, liền tạo thành Pháp thân thứ hai, tức đây là quyến thuộc Bồ đề của ta. Và Pháp thân gặp Pháp thân thì công đức từ đây sinh ra. Thật vậy, trên bước đường cầu đạo, gặp được bậc chân tu đạo hạnh, Pháp thân chúng ta dễ dàng lớn lên, niềm tin chúng ta được vững mạnh thêm và tu hành đạt được thành quả tốt đẹp nhiều hơn. Được như vậy là Pháp thân chúng ta tăng trưởng thay cho phiền não.

Ngoài phần gạn bỏ được phiền não, Đức Tổ sư còn dạy thêm phần nghiệp chướng cũng rất quan trọng. Vì chỉ mới phá được một phần phiền não, phiền não chưa hết, nên nghiệp chướng cũng còn. Nghiệp chướng do chúng ta tạo từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay hiện hữu trong ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta. Bình tâm quán sát sẽ thấy rõ ba nghiệp thân khẩu ý hàm chứa nghiệp chướng bên trong. 

Về khẩu nghiệp, nếu là ác nghiệp thì nói ra lời gì, người cũng không tin, không nghe, không ưa thích, không bằng lòng, phản đối. Phải tự biết đây là nghiệp chướng nhiều đời của chúng ta, cho nên người mới phản ứng như thế với chúng ta. Ý thức điều này, người tu không chấp nhận nghiệp là mình; tu sai thì chấp nghiệp là mình. Gặp cao tăng, phiền não ta hết và tu nhẹ nhàng; nhưng gặp người không bằng lòng, phiền não ta nổi dậy thì nghiệp chướng sanh theo và ngược lại, nghiệp sanh thì tác động cho phiền não nhiều thêm. Phiền não và nghiệp luôn tác động hỗ tương.

Thực tu, nghe Đức Tổ sư Huệ Tư dạy rằng người tu không bao giờ lấy nghiệp làm thân, chỉ lấy pháp làm thân. Người coi nghiệp thân quan trọng sẽ bị đọa lạc; người coi Pháp thân quan trọng sẽ an trụ Niết bàn. Lấy pháp làm thân sẽ từ bỏ được nghiệp, lấy nghiệp làm thân sẽ không có pháp.

Cần biết rằng tuy được một phần Pháp thân, nhưng để nghiệp tác động thì phiền não sẽ phát sinh liền, công phu tu tập sẽ mất ngay. Tu hai mươi năm, nhưng gặp việc không vừa lòng, nổi sân si là để cho nghiệp tác động, phiền não nhân đó nổi dậy thì Pháp thân tiêu mất. Vì vậy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy đừng lấy nghiệp làm thân. Người chống ta, ta nghĩ họ chống cái nghiệp của ta, không phải chống ta. Ta là pháp, không phải là nghiệp. Nếu chấp thân này là ta, thì khi thân này bị đánh đập, hủy nhục, tự ái sinh ra, phiền não sẽ nổi lên. Nhưng khéo tu, thấy thân này không phải của ta, nhưng là nghiệp của ta, nên người chống phá là họ giúp ta đoạn trừ nghiệp. Những người cùng đi với Đức Tổ sư thuật lại rằng khi Đức Tổ sư Minh Đăng Quang bị bắt, ngài rất thanh thản, không lo âu, không buồn phiền, không tức giận như người đời. Vì Đức Tổ sư đã nhận ra thân này không phải là ta, thân này là nghiệp của ta; cho nên thân này mất là nghiệp mất, nhưng Pháp thân ngài vẫn còn tồn tại. Vì thế mà 53 năm sau khi ngài bỏ huyễn thân, chúng ta còn tập họp tưởng niệm Pháp thân ngài và nói rằng Đức Tổ sư chưa vào Niết bàn, ngài vẫn đang hiện hữu trước mặt chúng ta nghĩa là Pháp thân của ngài hằng hữu, không phải nghiệp thân.
Thân tứ đại của mọi người đều do nghiệp mà có. Nghiệp thì có thiện nghiệp và ác nghiệp. Đức Phật Thích Ca mang thân tứ đại, nhưng là thân phước báo, thân đức hạnh, nên Ngài sinh trong dòng họ cao quý, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có sức mạnh phi thường, thông minh tuyệt đỉnh, được mọi người quý trọng. Nơi thân Phật tỏa sáng thiện nghiệp trọn lành khiến người phát tâm, kính trọng, quy ngưỡng. Chúng ta cũng mang thân nghiệp, nhưng là ác nghiệp, nên thân xấu xí, hôi dơ, bệnh hoạn. Cả hai đều là nghiệp, nhưng thiện nghiệp còn phải bỏ, huống chi là ác nghiệp. Chính Đức Phật có thân cao sang mà Ngài còn từ bỏ, trong khi chúng ta mang thân ác nghiệp bị thiên hạ khinh dễ, đánh mắng, tiếc gì nó. 

Ngài Huệ Tư đại thiền sư ngộ được yếu chỉ kinh Pháp Hoa, dạy rằng người đánh ta là đánh nghiệp thân ta, ta thầm cám ơn họ đã làm cho nghiệp ta mau hết. Không nhận nghiệp làm thân, nhưng lấy pháp làm thân thì pháp sẽ tồn tại vĩnh viễn từ hiện tại đến tận vị lai. Điển hình là Đức Phật Thích Ca thành tựu Pháp thân vô cùng, cho nên Ngài Niết bàn đã hơn 25 thế kỷ mà giáo pháp vẫn hằng hữu và trên khắp năm châu bốn biển, mỗi năm cả nhân loại đều hướng tâm về Phật và tổ chức mừng Lễ Phật đản rất long trọng. Cũng vậy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng 53 năm mà chúng ta vẫn tôn thờ, luôn nhớ nghĩ đến ngài, tu học theo ngài. 

Phát hiện được Pháp thân của Đức Phật, của Tổ sư đã truyền trao, chúng ta nỗ lực thực hiện cho được giáo pháp của các Ngài. Chúng ta xóa một phần nghiệp và người cũng giúp chúng ta xóa nghiệp; vì thế, tất cả mọi người, oán cũng như thân, đều là ân nhân trợ lực cho ta trưởng thành trên bước đường tu, giúp chúng ta làm lớn Pháp thân mình.
Thân nghiệp mất, để tồn tại Pháp thân, thể hiện qua câu nói của Trí Giả đại sư: Hoa lạc liên thành, nghĩa là hoa rụng để gương sen tồn tại và gương sen tồn tại để nuôi lớn những hạt sen, rồi trở thành những cây sen nở nhiều hoa sen kế tiếp tỏa hương cho đời. Thực tế như Đức Phật, hay các vị Tổ sư tu hành đắc đạo un đúc cho các đại đệ tử có đầy đủ đạo hạnh và trí tuệ trong sáng làm lợi lạc cho đời. Các Ngài Niết bàn, nhưng giáo pháp lớn mạnh, nhiều tinh xá được xây dựng, nhiều danh Tăng xuất hiện hoằng pháp độ sinh. 

Thân nghiệp có thiện và ác, khẩu nghiệp cũng vậy. Người mang khẩu nghiệp ác là nói bịa đặt, nói lời hung ác, nói lời gây chia rẽ, nói đâm thọc; với bốn ác khẩu này từ quá khứ mang đến đời hiện tại, thì nói lời gì người cũng không tin, không chấp nhận. Nếu bị như vậy, phải tự nhận ra khẩu nghiệp mình ác xấu, không thanh tịnh, thì cách chuyển hóa ác nghiệp này tốt nhất là ít nói và siêng niệm Phật. Mở miệng là niệm Phật, lấy niệm Phật thay cho lời nói. Hòa thượng Thiện Hòa nổi tiếng ít nói, nhưng có nhiều đệ tử; họ tìm đến ngài không phải để nghe Hòa thượng thuyết pháp, mà để học theo khẩu nghiệp thanh tịnh. Sửa đổi ác khẩu, bằng cách ít nói, cho đến nói đúng chánh pháp và nói cho người an lạc.

Chuyển đổi được thân nghiệp và khẩu nghiệp, chúng ta phát hiện ý nghiệp bên trong. Phiền não xóa rồi, nhưng ý nghiệp còn thì phiền não sẽ tiếp tục nổi dậy. Vì vậy, cần xóa ý nghiệp. Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng trong ba nghiệp thân khẩu ý, ý nghiệp khó tu nhất. Giữ gìn thân nghiệp, có thể không đánh người, không sát hại và giữ gìn khẩu nghiệp, không nói sai quấy, không nói hung dữ; nhưng ý nghiệp tự trong lòng nổi dậy, khó ngăn chận. Vì vậy, khi phát hiện mình sai lầm thì ý đã khởi lên rồi, nên thường ví tâm như con khỉ, hay con ngựa luôn chạy rong, kìm giữ ý nghiệp khó vô cùng. Cần phải có sức tập trung Thiền quán lâu ngày, chú mục vào một điểm nào để cột tâm lại, không cho ý nghiệp sinh khởi. Ý nghiệp và phiền não luôn gắn kết chặt chẽ với nhau.

 Ý nghiệp gồm có tham lam, bực tức và quyết đoán sai lầm (tham, sân, si). Nhiều người nghĩ rằng họ luôn đúng, không sai; thấy đúng, nhưng kỳ thật là sai, sai ở ba đời nhân quả. Vì vậy, nhiều Phật tử thường than phiền rằng những người không tu nhưng không hiểu tại sao cuộc đời  luôn gặp điều tốt đẹp, may mắn. Còn mình tu trần thân mà sao khổ hoài.
Theo Phật dạy, người được hưởng phước hôm nay, vì họ đã tạo nhân tốt ở quá khứ. Tu tạo ở kiếp quá khứ thì hưởng quả trong hiện tại và tu hành trong hiện tại, quả sẽ đến trong tương lai. Có nhân quả đồng thời thì tạo nhân gì sẽ có quả tương ưng xảy ra liền. Nhưng cũng có nhân quả dị thời là những việc làm bây giờ mà vài kiếp sau mới bị trả quả. Điển hình như Ngộ Đạt quốc sư giết lầm Triệu Thố. Phải trải qua chín kiếp tái sinh từ đời Hán đến đời Đường, quả báo mới tới với Ngộ Đạt và Triệu Thố mới báo thù được. Nhân quả hiện tiền tuy có, nhưng ít thấy. Phần lớn những việc phải cuối đời mới bị quả báo, cho đến phải trải qua nhiều đời, quả mới đến. Vì vậy, phán đoán đúng một sự việc theo ba đời nhân quả để rời bỏ được vô minh là điều rất khó.

Phá phiền não xong, chúng ta kiểm tra lại thân khẩu ý nghiệp của mình bằng cách xem những người liên hệ xử sự như thế nào với mình để biết được nghiệp mình còn hay hết. Tôi luôn kiểm tra việc này. Gặp người thường đối xử tốt mà một hôm họ không tốt với tôi nữa, tôi biết trong thời gian gần đây tôi đã làm điều gì khiến cho người không vừa lòng. Hoặc có người bạn luôn tranh chấp, hại ta, nhưng đột nhiên họ tốt với ta, thì tự biết ta đã làm được điều thiện nào đó khiến họ thay đổi thái độ. Quan sát cách đối xử của người mà biết được thân khẩu ý nghiệp của chúng ta thanh tịnh đến mức nào.

 Thanh tịnh một phần phiền não, thì một phần Pháp thân hiện. Thanh tịnh một phần nghiệp, thì một phần Pháp thân thứ hai của chúng ta hiện. Như vậy, thanh tịnh được nghiệp và phiền não là được hai phần Pháp thân; bấy giờ, người thấy ta, nghe ta nói sẽ phát tâm Bồ đề. Và còn phần cuối cùng là trần lao. Trần lao là sinh trên cuộc đời, chúng ta phải chịu quy luật vô thường chi phối, không thể khác. Dù đắc đạo, làm Tổ, nghiệp và phiền não đã hết, nhưng trần lao còn; vì còn hiện hữu trên cuộc đời dứt khoát trần lao còn tác động. Chỉ khi nào cắt bỏ trần lao, tức không hiện hữu trên cuộc đời, Pháp thân chúng ta mới hiện ra đầy đủ. Nói cách khác, Pháp thân thành tựu hoàn toàn với điều kiện phải vắng bóng trên cuộc đời.

Khi đi thăm Hòa thượng Giác Trang (giáo phẩm hệ phái Khất sĩ, Thành viên HĐCM GHPGVN) mà tôi rất kính trọng, thấy ngài nằm thoi thóp trên giường bệnh, tôi cảm thấy rất đau lòng. Tôi đứng yên lặng, quán tưởng và niệm Phật. Rõ ràng vì mang thân tứ đại nên phải chịu cảnh này, không thể khác; dù có tốt thực, nhưng còn thân mạng là còn phải gánh chịu sự hoành hành của thân xác. Khi hết thân mạng và sống với tâm thì không bị bất cứ điều gì chi phối, mà kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới, mới hiện đầy đủ ba phần Pháp thân. Và từ Pháp thân hoàn hảo như vậy mới hiện Báo thân và Ứng hóa thân, bấy giờ tái sinh bất cứ nơi nào để tiếp tục hành Bồ tát đạo, đều được an lành, không bị chướng duyên tác hại, thành tựu quả vị Như Lai.

Trên bước đường tu hành, vượt qua những kiếp nạn và thành tựu Pháp thân, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tuy chưa được như Phật, nhưng sự hiện hữu trang nghiêm của quý vị hôm nay chứng tỏ rằng Đức Tổ sư đã được ít nhất một phần trong ba phần Pháp thân. Học theo ngài, để từng bước chúng ta hoàn thiện Pháp thân của chính mình, xóa được phiền não, nghiệp chướng và trần lao. Được như vậy, Phật giáo sẽ phát triển tốt đẹp, làm lợi ích cho nhiều người. 

Và kỷ niệm lần thứ 53 ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng trên cuộc đời và khánh thành tịnh xá Ngọc Cẩm, chúng tôi cầu nguyện cho Tăng Ni, Phật tử thực hiện được hoài bão của Đức Tổ sư trao cho là y bát chân truyền. Và chư tôn đức tiếp nối được sứ mệnh hoằng truyền Chánh pháp theo dấu chân Đức Tổ sư thì xem như ngài vẫn luôn hiện hữu bên cạnh tất cả chúng ta.  (Bài giảng tại tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An, ngày 11-3-2007)
  HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com