Home » , » Chuyện Quốc vương Gandhàra (Tiền thân Gandhàra)

Chuyện Quốc vương Gandhàra (Tiền thân Gandhàra)

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012 | 20:29


                           Làng phố, vũ công mười sáu ngàn...,
Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, liên hệ giới điều về việc “tích trữ dược liệu”. Tuy nhiên, hoàn cảnh chuyện này đã xảy ra ở Vương Xá.


Khi Tỷ kheo Pilindiyavaccha đến cung vua để giải thoát gia đình người giữ ngự viên, ông dùng thần thông lực biến cung vua thành tòa nhà bằng vàng, quần chúng hoan hỷ đến tặng ông năm thứ dược liệu. Ông đem phân phát khắp Tăng chúng. Do đó Tăng chúng có nhiều dược liệu và khi nhận được các dược liệu, họ chứa đầy các chai, hũ, bình, túi... và cất để dành. Dân chúng thấy vậy thì thầm bảo nhau: “Các Tỷ kheo tham lam kia đang tích trữ đồ đạc trong tinh xá”.
Bậc Đạo Sư nghe vậy liền công bố giới điều:
- Bất cứ dược liệu trị bệnh nào khi nhận được, phải được dùng trong vòng bảy ngày.
Và bảo:
- Này các Tỷ kheo, các bậc trí nhân thuở xưa, trước khi Đức Phật ra đời, dẫu xuất gia theo ngoại đạo và chỉ giữ Ngũ giới, cũng đã khiển trách những ai tích trữ muối và đường cho ngày hôm sau; còn các ông ngày nay dẫu đã được xuất gia theo giáo pháp giải thoát, lại tích trữ đồ đạc đến hai ba ngày ư?
Và Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa Bồ tát là vương tử của xứ Gandhàra. Khi vua cha băng hà, ngài lên ngôi vua trị nước chân chánh. Đồng thời ở vùng Trung thổ, tại vương quốc Videha, có vị vua mệnh danh Videha cai trị. Hai quốc vương này chưa hề gặp nhau, nhưng lại là thân hữu và tin cậy lẫn nhau.
Thời ấy, loài người trường thọ: đời sống dài ba mươi ngàn năm. Một hôm, vào ngày trai giới trăng tròn, vua Gandhàra đã phát nguyện giữ giới và ngự trên bảo tọa giữa ngai vàng dành cho ngài, nhìn ra một cửa sổ rộng mở ở góc hướng Đông, ngài ngồi thuyết giảng cho quần thần về bản chất giáo lý. Lúc ấy, thần Ràhu (La Hầu: Vua các thần A tu la) đã che hết mặt trăng tròn đầy đang tỏa sáng cả bầu trời. Ánh trăng biến mất. Triều thần không thấy ánh trăng, liền tâu vua rằng thần Ràhu đã chụp lấy mặt trăng.
Vua quan sát mặt trăng, nghĩ thầm: “Mặt trăng đã mất ánh sáng vì bị một biến động bên ngoài làm hỏng. Nay triều thần chính là mối phiền lụy của ta. Ta không nên để mất ánh sáng như mặt trăng bị thần Ràhu chụp lấy. Ta muốn rời quốc độ như mặt trăng chiếu trên bầu trời trong sáng và trở thành ẩn sĩ. Tại sao ta lại giáo giới người khác? Ta muốn ra đi, từ giã thân quyến, thần dân và giáo giới bản thân ta mà thôi: điều ấy mới thích hợp với ta”. Vì vậy ngài phán:
- Các khanh cứ làm gì tùy ý.
Rồi ngài trao quốc độ cho triều thần. Khi ngài đã từ bỏ vương quốc ở hai xứ Kashmir và Gandhàra, ngài sống đời tu hành. Khi chứng đắc các Thắng trí, ngài an cư mùa mưa ở vùng Tuyết Sơn, chuyên tâm vào sự an lạc của Thiền định.
Khi hỏi thăm các thương nhân, vua Videha bảo:
- Hiền hữu của ta có được khang an chăng?
Và được tin ngài đã ra đi đời sống tu hành, vua suy nghĩ: “Hiền hữu ta đã xuất gia tu tập, ta còn phải làm gì với quốc độ này?”.
Vì thế ngài thoái vị ở kinh thành Mithilà dài bảy dặm, và vương quốc Videha rộng ba trăm dặm gồm mười sáu ngàn làng với các cửa hiệu đầy hàng hóa, mười sáu ngàn nữ vũ công, rồi cũng không nghĩ đến các hoàng tử và công chúa, vua lên vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành. Tại đó ngài chỉ sống bằng quả rừng trong đời độc cư thanh tịnh. Cả hai vị vua an tịnh độc cư như vậy, sau đó gặp nhau, nhưng không nhận ra nhau; tuy thế hai vị vẫn sống cùng nhau trong cảnh đời an tịnh với tình thân hữu.
Ẩn sĩ xứ Videha phục vụ ẩn sĩ xứ Gandhàra. Vào một đêm đầy trăng, trong lúc hai vị ngồi dưới gốc cây đàm luận đạo lý, thần Ràhu che khuất mặt trăng đang sáng tỏa khắp bầu trời.
Ẩn sĩ xứ Videha nhìn lên, hỏi:
- Tại sao ánh trăng bị mất?
Và khi thấy trăng bị thần Ràhu chụp, vị ấy hỏi:
- Bạch Tôn sư, tại sao nó che khuất mặt trăng làm cho tối tăm vậy?
- Này đồ đệ, đó là do duyên quấy nhiễu mặt trăng tên gọi Ràhu, nó ngăn cản mặt trăng chiếu sáng. Chính ta khi thấy mặt trăng bị thần Ràhu che khuất, đã suy nghĩ: “Mặt trăng sáng trở nên tối vì bị quấy nhiễu từ bên ngoài. Nay quốc độ là mối phiền nhiễu đối với ta, ta muốn theo đời tu hành để quốc độ không làm ta đen tối như thần Ràhu làm tối mặt trăng kia. Như vậy, lấy chuyện mặt trăng bị thần Ràhu che khuất làm chủ đề của ta, ta từ giã vương quốc và sống đời tu hành”.
- Bạch Tôn sư, thế ngài là cựu vương nước Gandhàra ư?
- Chính phải.
- Bạch Tôn sư, chính đệ tử là cựu vương Videha, trong quốc độ Videha và kinh thành Mithila, dù chúng ta chưa từng thấy nhau, chúng ta chẳng phải đã làm bạn với nhau đó sao?
- Thế chủ đề của Hiền hữu là gì?
- Đệ tử nghe Tôn sư đã xuất gia tu tập nên suy nghĩ: “Chắc chắn ngài đã tìm thấy lợi ích của nếp sống ấy, đệ tử xem ngài là chủ đề của mình, nên từ giã quốc độ và xuất gia”.
Từ đấy trở đi, hai vị trở nên hết sức thân thiết, quý mến nhau và chỉ sống bằng quả rừng. Sau một thời gian an trú tại đó, hai vị từ Tuyết Sơn đi xuống tìm muối và giấm, dần dần đến một làng ở biên địa.
Dân chúng hoan hỷ vì phong cách hai vị, đã cúng dường và khi nhận được lời hứa, họ dựng thảo am để hai vị trú ban đêm và ở cả trong rừng nữa, rồi mời hai vị ở lại đó; bên vệ đường họ còn dựng một phòng ăn ở một nơi đẹp có nước chảy.
Sau khi đi khất thực từ làng biên địa, hai vị ngồi dùng món ăn trong thảo am kia rồi trở về chỗ cư trú của mình. Dân chúng cúng dướng thực phẩm có hôm để muối lên một ngọn lá rồi đem đến cho hai vị, hôm khác lại đem thức ăn không có muối.
Một hôm họ cúng dường hai vị rất nhiều muối trong một cái rổ bằng lá. Ẩn sĩ xứ Videha lấy muối đem vừa đủ phần Bồ tát lúc dùng thức ăn, và cũng lấy phần vừa đủ cho mình, sau đó cất phần còn lại trong rổ lá đặt vào một cuộn cỏ, tự nhủ: “Cái này sẽ có ích cho ngày không có muối”.
Rồi một hôm nhận được thức ăn không có muối, ẩn sĩ xứ Videha đem món khất thực đến ẩn sĩ Gandhàra, lấy muối trong cuộn cỏ ấy ra và bảo:
- Bạch Tôn sư, hãy lấy muối.
- Dân chúng hôm nay không cho ta muối, vậy đồ đệ lấy đâu ra muối?
- Bạch Tôn sư, hôm kia dân chúng cho nhiều muối, nên đệ tử cất phần dư và bảo: “Cái này sẽ có ích cho ngày không muối”.
Bồ tát liền quở trách vị này, bảo:
- Này kẻ ngu si kia, ông đã từ bỏ vương quốc Videha rộng ba trăm dặm, đã xuất gia tu hành và chứng đạt tâm ly dục, nay ông lại khởi lòng ham thích muối và đường!
Khuyến giáo như vậy xong, ngài ngâm vần kệ đầu:
1. Phố xá, thôn trang mười sáu ngàn,
    Ông từ bỏ hết mọi giàu sang,
    Kho tàng của cải nhiều vô tận,
    Nay tích trữ gì đấy phải chăng?

Ẩn sĩ Videha bị khiển trách như vậy, không kham nhẫn lời khiển trách mà trở nên lạnh lùng bảo:
- Bạch Tôn sư, ngài không thấy lỗi của ngài, mặc dù ngài thấy lỗi của tôi. Ngài đã chẳng rời bỏ vương quốc và xuất gia, tự bảo: “Tại sao ta phải khuyến giáo kẻ khác? Ta muốn khuyến giáo bản thân ta mà thôi ư? Thế sao nay ngài lại đang khuyến giáo tôi đấy?".
Rồi vị ấy ngâm vần kệ thứ hai:
2. Ngài bỏ Gan-dha, mọi phố phường,
     Biết bao châu báu ở kho tàng,
     Không còn ban lệnh cho ai nữa,
     Nay lại truyền tôi lệnh ấy chăng?

Nghe vậy Bồ tát ngâm vần kệ thứ ba:
3. Chính vì chân chánh, ta khuyên răn,
     Vì ghét những gì chẳng chánh chân,
     Khi nói cho ông điều chánh hạnh,
     Lỗi lầm ta chẳng phạm vào thân.

Ẩn sĩ xứ Videha nghe Bồ tát nói, đáp lại:
- Bạch Tôn sư, thuyết giảng cho người khác sau khi đã làm kẻ ấy đau buồn giận dỗi là điều không thích hợp, dầu có thuyết giảng đúng vấn đề đi nữa. Tôn sư đang nặng lời gay gắt với tôi như thể cạo đầu tôi với con dao cùn!
Rồi vị ấy ngâm vần kệ thứ tư:
4. Bất cứ lời nào, nếu nói ra,
    Sẽ gây thương tổn đến người ta,
    Trí nhân không nói ra lời ấy,
    Cho dẫu tạo nên quả lớn mà!

Bồ tát liền đáp vần kệ thứ năm:
5. Người nghe ta rắc trấu hay không,
    Hay dẫu người kia bị tổn thương,
    Khi nói ra điều gì chánh hạnh,
    Lỗi lầm ta chẳng phạm vào thân.

Nói vậy xong, ngài tiếp tục bảo:
- Này Ananda, ta không cư xử với ông như người thợ gốm cư xử với đám nồi đất chưa nung đâu. Ta sẽ còn khiển trách nhiều lần nữa, vì “Cái gì là cốt lõi, cái ấy sẽ tồn tại”.
Do vậy, ngài cương quyết giữ cách xử sự phù hợp với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn. Ví như người thợ gốm giữa đám đồ gốm, sau một thời gian thường xuyên đập gõ lên chúng, chỉ chọn cái nồi đã nung kỹ, chứ không chọn cái nồi đất chưa nung, ngài cũng chọn người tốt như chiếc nồi được nung kỹ kia bằng cách khuyến giáo và khiển trách nhiều lần như thế. Rồi muốn thuyết giảng để nêu rõ cho vị ấy hiểu điều này, ngài ngâm vần kệ:
6. Nếu trí đức không được luyện rèn
    Trong đời sống để mãi tăng thêm,
    Nhiều người phiêu bạt chân buông thả,
    Như thể trâu mù cứ bước lên.

7. Song các trí nhân khéo luyện rèn
    Để cho thiện hạnh mãi tăng thêm,
    Chính nhờ đạo hạnh này thuần thục
    Nên các tha nhân bước tiếp liền.

Nghe lời này, ẩn sĩ xứ Videha nói:
- Bạch Tôn sư, từ nay về sau xin cứ giáo huấn đệ tử. Đệ tử trót lỡ nói lời bất nhã với ngài, xin tha thứ cho đệ tử.
Rồi cúi đầu đảnh lễ cung kính, vị ấy được Bồ tát thứ lỗi.
Như vậy hai vị đã sống hòa hợp với nhau và trở về Tuyết Sơn. Sau đó Bồ tát dạy ẩn sĩ xứ Videha cách chứng đắc Thiền định. Vị ấy tuân thủ và thành tựu các Thắng trí cùng các Thiền chứng. Hai vị không bao giờ gián đoạn Thiền định nên về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.
                                                               *
     Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, ẩn sĩ xứ Videha là Ànanda và Quốc vương Gandhàra chính là Ta.

      Nhận xét:     Nhân dịp các Tỷ kheo được cúng dường nhiều dược liệu và tích trữ chúng trong tinh xá, Đức Phật liền tùy nghi chế giới và kể một chuyện tiền thân liên hệ đến vấn đề trên.
Thời ấy, Bồ tát tiền thân Đức Phật là vị vua, từ giã kinh thành lên vùng Tuyết Sơn để tu tập khổ hạnh và chứng đắc Thiền định. Một vị vua khác là thân hữu của ngài, cũng xuất gia tu tập khổ hạnh dưới sự hướng dẫn của ngài.
Một hôm, vị đệ tử tích trữ một ít muối cho ngày hôm sau liền bị đạo sư khiển trách nghiêm khắc nên đã sinh tâm bất mãn. Nhưng khi được thầy phân tích rõ mục đích những lời giáo huấn của ngài chỉ nhằm giúp đệ tử giữ đúng chánh hạnh của người xuất gia, vị ấy giải hòa với thầy và xin thầy thứ lỗi. Sau đó Bồ tát dạy đệ tử cách chứng đắc Thiền định và sống đời thanh tịnh cho đến khi đạt các Thắng trí và tái sinh cõi Phạm Thiên.
Chuyện này cho ta thấy, Đức Phật chế giới luật căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, sát thực tiễn; để giúp Tăng chúng giữ đúng đức tính thiểu dục của đời phạm hạnh, tránh tích trữ tài sản có thể làm phát sinh luyến ái vật chất, gây chướng ngại cho đời sống xuất gia vì mục tiêu tu tập giải thoát giác ngộ.
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com