Home » , » Cầu Siêu Bạt Độ

Cầu Siêu Bạt Độ

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 02:28



Người xuất gia từ bỏ gia đình, không làm việc phò vua giúp nước bị coi là trái với truyền thống phong tục của người Trung Hoa thời xưa. Vì vậy, khi Phật giáo mới du nhập vào nước Trung Hoa đã bị Nho gia đả kích mạnh. Nhưng các nhà tu hành Phật giáo bấy giờ đã cố gắng tạo mối quan hệ giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, tìm cách hài hòa tư tưởng xuất thế của Phật giáo với tư tưởng nhập thế của Nho giáo.

Với tài kết hợp khéo léo của các nhà truyền giáo đã tạo thành nét đặc sắc cho Phật giáo Trung Hoa thể hiện được sự hài hòa tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang của Trung Hoa với thế giới tâm linh của Ấn Độ và cũng tạo cho nền văn hóa Trung Hoa thêm phần phong phú. Xây dựng trên nền tảng như vậy, có thể nói ngày nay Phật giáo Trung Quốc đại diện cho ba nền văn minh, tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang, văn minh Ấn Độ và tư tưởng Phật giáo.

Về việc báo hiếu, báo ân, truyền thống Khổng Mạnh của Trung Hoa chủ trương phò vua, giúp nước, nối nghiệp hương khói của gia đình. Quan niệm này đã tạo thành khoảng trống không thể lấp đầy đối với người đã qua đời. Thật vậy, việc siêu độ cho vong linh của người quá cố trở thành quan trọng với mọi người. Người sống làm việc, đã có công với gia đình, với  xã hội, với dân tộc, với tổ quốc, nhưng khi họ chết, thì giải quyết cách nào đây. Nhớ đến nỗi khổ của họ, cần phải làm gì cho họ hết khổ.  Đó là vấn đề lớn được đặt ra cho người dân Trung Hoa và nỗi ám ảnh lớn nhất với họ là hình ảnh của những người đã tập hợp quần chúng khởi nghĩa phải chết trong oán hận, trong đau khổ của chiến tranh.

Bắt nguồn từ sự bức xúc về tâm linh như thế, Phật giáo đã đưa ra thuyết siêu độ vong linh và quả tình đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội Trung Hoa từ đời Đường. Đọc lịch sử, chúng ta còn nhớ chính vua Đường Thái Tông đã đem quân đi chinh phục nhiều nước, nhiều bộ tộc, tất nhiên đã sát hại rất nhiều người và ngay cả trong gia đình ông cũng giết hại lẫn nhau. Vì thế, ngồi trên ngai vàng hưởng thụ mọi thứ vật chất xa hoa, ông vẫn bị ám ảnh trầm trọng về cảnh tượng giết chóc do chính ông tạo ra. Bị lương tâm giày vò và sợ hãi đến cùng cực vì nhìn ở đâu cũng thấy hồn ma hiện ra đòi mạng, cho nên vào cuối cuộc đời, ông đã nhờ Pháp sư Huyền Trang làm lễ siêu độ cho tất cả hương linh của người thân thích với ông và cả những kẻ oán thù, với niềm mong mỏi rằng tất cả hương hồn đều rũ bỏ mọi ân oán để được sống an vui ở chốn thiên đường. Việc cầu siêu bạt độ cho hương linh đã xuất phát từ đời Đường như vậy và được dân chúng chấp nhận, tin theo, lưu truyền cho đến ngày nay.

 Ngoài ra, ngày rằm tháng 7 là mùa mưa dầm gió bấc làm cho người ta dễ liên tưởng đến tất cả vong linh đang bị đói lạnh, hoặc khổ đau trong những cảnh giới siêu hình. Vì thế, Phật giáo Trung Hoa đã khéo kết hợp ngày rằm tháng 7 với mùa Vu lan theo kinh Vu Lan Bồn. Thật ra ngày tự tứ của chư Tăng là rằm tháng 9, nhưng các nhà truyền giáo Trung Hoa đã cho tổ chức lễ cầu siêu độ vào rằm tháng 7 cho thích hợp với phong tục của dân chúng Trung Hoa vào lễ Trung nguyên. Nhờ sự vận dụng giáo pháp thích nghi với đời sống và nếp nghĩ của người Trung Hoa, Phật giáo mới tạo được vị trí vững chắc trong lòng xã hội và tồn tại đến ngày nay.

Mọi sinh hoạt, kể cả hoạt động tín ngưỡng được chấp nhận và tồn tại đương nhiên đều có lý do của nó. Lễ cầu siêu mà người dân tổ chức cho người thân thích hay để giải oan cho người đã khuất, có thể nói quả là cần thiết đối với họ; vì không làm lễ siêu độ, không hướng tâm cầu nguyện, thì chính họ cảm thấy nặng nề, không an lòng, không được nhẹ nhàng. Cảm giác đó của con người chính là thế giới tâm linh hiện hữu thật sự và đó cũng là lý do tồn tại của các lễ trai đàn cầu siêu bạt độ.

Tuy nhiên, kết quả cầu siêu có được hay không tùy thuộc ở niềm tin của người tổ chức trai đàn và cũng tùy thuộc ở đức hạnh của người chủ trì lễ cúng tế. Nếu người tổ chức có lòng thành và người chủ trì lễ cầu siêu có đời sống tâm linh trong sáng thật sự thì có thể hóa giải mọi oan gia nghiệp chướng cho người quá cố.

Trong mùa Vu lan, muốn hồi hướng cầu siêu cho tất cả hương linh, mong rằng người tổ chức trai đàn nên có niềm tin thật sự và mời được những vị chân tu đức hạnh, thanh tịnh và giải thoát để tạo thành đạo lực gia trì cho người quá vãng siêu sanh Tịnh độ và người hiện diện tăng tiến đạo Bồ đề. 


HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com