Home » , » Hóa Thành Dụ

Hóa Thành Dụ

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012 | 08:18



Phẩm Hóa thành dụ thứ bảy trong kinh Pháp Hoađề cập đến hai vấn đề chính, đó là việc tu hành của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng trong thời quá khứ và ý nghĩa của 500 do tuần đường hiểm. Các vị Tổ sư khi kiến giải kinh Pháp Hoa thường đặt phẩm này vào phần nhân duyên thuyết pháp. 



Vì đã có nhân duyên sống với Phật pháp từ kiếp quá khứ, cho nên ngày nay chúng ta mới được gặp Phật pháp. Thật vậy, phát tâm tu học, sống trong pháp Phật trên cuộc đời này không phải là việc dễ làm. Kinh Nguyên thủy nói rõ việc gặp được Phật pháp rất khó, ví như con rùa mù mắt trồi lên trên mặt biển mà gặp được bộng cây nổi trôi qua. Chúng sinh trong sáu đường sinh tử luân hồi gặp Phật pháp cũng vô cùng khó khăn như vậy. Nhưng chúng ta ngày nay được tu hành theo Phật là biết chúng ta đã từng trồng căn lành với Phật pháp, đã học Phật pháp, nên tái sinh trong hiện đời mới được dìu dắt tiếp tục con đường tu hành. 

Vào thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, tiền thân của Đức Phật Thích Ca là một trong 16 vương tử tuy còn là Sa di, nhưng là Sa di Bồ tát. Nghĩa là các Ngài là Sa di nhưng đã có đủ khả năng thay Phật giáo hóa đại chúng. Thực tế chúng ta thấy có các thầy là Tỳ kheo, nhưng không giáo hóa được ai.

Tiền thân Phật Thích Ca còn là Sa di đã có tư cách và năng lực siêu phàm như vậy, gợi cho chúng ta nhận thức rằng khi tu hạnh viễn ly, hàng Thanh văn không giáo hóa chúng sinh, nhưng tự tìm đường giải thoát cho mình. Đi trên lộ trình của Nhị thừa, tu hành là cố gắng trừ phiền não, dứt trần lao và bỏ nghiệp chướng, nên chúng ta được giải thoát. Chỉ có bản thân ta được giải thoát và thậm chí chỉ có tâm ta giải thoát thôi, còn thân vẫn không giải thoát, vì không có phước đức, không bằng ai, bị thiên hạ xem thường. Trong khi tâm ta được giải thoát vì không còn tham cầu, không ham muốn, nên có sự nghiệp hay không cũng không cần; đó là giải thoát của hàng Nhị thừa. Nhưng theo kinh Pháp Hoa là giáo Bồ tát pháp, tức pháp dạy cho Bồ tát, không phải dạy Nhị thừa. Vì vậy, chúng ta thấy 16 vị vương tử của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng đã xuất gia thọ Sa di, nhưng là Sa di Bồ tát giới. Sa di giữ 10 giới khác với Sa di Bồ tát thực hành 10 giới trọng, 48 giới khinh và bước khỏi cửa quyền thừa Bồ tát, chỉ giữ tam tụ tịnh giới là thay thế được tất cả các giới. 

16 vị vương tử tuy xuất gia, nhưng là Sa di Bồ tát, nên việc chính là chuyên giáo hóa chúng sinh. Trước khi tu, các vị này làm vua lãnh đạo bốn châu thiên hạ, không phải là con nhà thứ dân tầm thường. Ở đây gợi ý về thành quả của người có phước báo đi tu khác với người có nghiệp chướng trần lao đi tu. Người có phước báo đi tu dễ làm được việc lớn. Người cung kính cúng dường họ thì cả đại chúng cùng hưởng, ví như một cây trổ hoa, cả vườn thơm hương, tiêu biểu cho hàng thượng căn. Chúng ta may mắn không có ác nghiệp, nên nương nhau tu, không tạo việc ác, làm được một số việc thiện cho đời, là bậc trung của hàng Thanh văn, như vậy cũng tốt. Còn hàng hạ căn là nghiệp chướng trần lao đi tu một người, nhưng làm khổ cả chúng, huống chi nhiều người ác nghiệp như vậy tham gia vào Tăng chúng thì phiền lắm. Thời Phật tại thế, có lục quần Tỳ kheo nghiệp nặng, nghèo đói, tham lam, hung dữ, thiếu hiểu biết, không thực hành lời Phật dạy, nên đã phạm nhiều tội lỗi. Nhiều người ác nghiệp hiện hữu trong đại chúng, chắc chắn Phật pháp phải suy yếu. Hàng hạ căn này phải khắc phục được ác nghiệp, nếu không họ gây rối loạn trong chúng. 

16 vị vương tử Sa di có phước đức và năng lực siêu tuyệt để lãnh trị bốn phương. Nghĩa là những vị này đã đầy đủ năm phước, một là tâm họ luôn hoan hỷ, an lành, không tranh chấp với bất cứ ai. Họ có khởi niệm là chỉ khởi tâm từ bi, nghĩ đến ai và nghĩ điều gì không ngoài tinh thần từ bi; nghĩ tức giận, phiền muộn không phải là Sa môn. Phước báo lớn nhất là có được tâm an lạc và lòng thương người. Không trang nghiêm đời tu bằng hai tâm này cũng giống như nấu cát muốn thành cơm và cuối cuộc đời còn phải trả giá đắt. 

Phước thứ hai là có ngoại hình dễ coi. 16 vương tử đều có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp hay còn gọi là tướng trượng phu. Trong kinh Pháp Hoa nói rõ Bồ tát Ngọc Nữ muốn thành Phật cũng phải chuyển từ thân nữ thành thân nam. Thực tế cho thấy người nữ xuất gia tự nhiên chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới, vì thiếu tướng trượng phu; ngoại trừ những vị vì hạnh nguyện mà mang thân nữ, kinh gọi là nội bí ngoại hiện, như Đức Quan Âm bên ngoài thị hiện tướng phụ nữ bình thường, nhưng bên trong đầy đủ hạnh Bồ tát. 

Người có ngoại hình dễ coi chắc chắn dễ làm đạo hơn. Tướng hảo quang minh là do phước báo đời trước mà 16 vị vương tử hiện thân trong đời này có đầy đủ; cho nên những vị này mới có sức thuyết phục nhiều người và lãnh đạo được bốn phương thiên hạ từ lúc chưa tu. Các vị này thị hiện phước tướng khiến người nhìn thấy phải kính nể. Ở ngoài đời chúng ta thấy những người có năng lực đã lãnh đạo từ lúc còn trẻ tuổi trong các hoạt động địa phương. Chúng ta đi tu cũng vậy; có năng lực lãnh đạo thì còn là Sa di đã làm được việc lớn, như cố Thượng tọa Minh Phát còn nhỏ tuổi, đã có uy tín lớn. 

Phước thứ ba là sức khỏe tốt, nên làm việc không biết mệt mỏi. Còn nay đau mai bệnh ở trong chúng khó thăng tiến. Tuy nhiên, nếu thông minh vẫn được chấp nhận. Thông minh là tướng phước thứ tư. 16 vương tử với trí thông minh nhạy bén, hiểu biết trọn vẹn mọi mặt, nên đã lãnh đạo bốn phương thái bình và thịnh vượng. 

Từ bốn phước này dễ dàng làm nên sự nghiệp, tạo thêm được phước thứ năm là có đồ chúng tài giỏi hỗ trợ. Phật dạy đức chúng như hải, vì có giỏi thì một mình cũng không làm được việc, phải có nhiều người hợp tác. Tuy nhiên, nhiều người mà không có lãnh đạo giỏi dễ trở thành loạn. 

16 vị vương tử đủ năm phước nên tu hành với tư cách là Sa di Bồ tát khác với Sa di giữ mười giới chỉ chấp tác bình thường. 16 vị Sa di Bồ tát này có thể thay Phật giáo hóa chúng sinh. Thật vậy, sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, các vị này chia nhau đi hành đạo ở tám hướng khác nhau. Đức Phật Thích Ca cũng thường dạy rằng mỗi Tỳ kheo phải đi một hướng để truyền bá Chánh pháp. 16 vị Sa di Bồ tát giáo hóa chúng sinh ở tám hướng cho đến khi đầy đủ hạnh Bồ tát thì thành tựu quả vị Phật, trong đó có tiền thân Phật Thích Ca vào thời đó đã thành Phật ở phương Đông Bắc.
Phật Thích Ca khẳng định rằng vào thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng khi tiền thân Ngài còn là Sa di đã từng giáo hóa nhiều người, mà chính những người này ngày nay họ hiện diện ở hội Linh Sơn gồm có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cho đến Thiên long Bát bộ. Đó chính là ý nghĩa “nhân duyên đời trước” mà phẩm Hóa thành dụ muốn nhắc đến. Trong sinh hoạt đạo pháp, chúng ta nhận thấy rõ ý này, có những người bình thường nhưng cảm hóa được người khác một cách dễ dàng; vì thật sự họ đã gặp nhau và giúp đỡ nhau từ kiếp trước rồi. Hòa thượng Giác Nhu cho biết ngài trông thấy Tổ sư Minh Đăng Quang là phát tâm xuất gia liền. 

Theo kinh Pháp Hoa, nhân duyên thầy trò đã có, nên khi gặp lại, thấy thầy là kính trọng và tiếp nhận được sự khai ngộ của thầy một cách nhanh chóng. Có nhân duyên với kinh Pháp Hoa, tôi đọc kinh này cảm nhận như đã đọc rồi, thậm chí chưa biết đọc chữ Hán mà được Hòa thượng Đạt Dương tặng cho bộ kinh Pháp Hoa, tôi rất cảm động và quý trọng giữ gìn bộ kinh này cẩn thận. Hoặc tôi gặp vị cao tăng nào mà cảm thấy như quen, nghĩa là đã gặp ở kiếp quá khứ rồi, nên trao đổi với nhau thì ý hợp tâm đầu.

Có nhân duyên thầy trò như vậy, nghe thầy nói pháp suốt ngày không biết chán. Điển hình như vua Trần Thái Tông khi rời bỏ triều đình trốn lên núi Yên Tử đã gặp Phù Vân quốc sư và thốt lên rằng: “Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận. Đội ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”. Vua gặp nhà sư nhưng cảm thấy gần gũi, thân thương và kính trọng. 

Tiếp nhận được lực quan hệ vô hình với một vị thầy nào từ quá khứ cho đến hiện tại và cảm thấy thấm thía, vui thích tình nghĩa thầy trò thì dễ tiến tu. Thiếu vắng tình nghĩa thầy trò, không thể tu được. Thật vậy, nhiều thầy cô than khổ vì không bằng lòng thầy mình và bất mãn với huynh đệ; vướng mắc như vậy thì cuộc đời tu sẽ bị mai một. Tôi khuyên những người này nên tìm nơi khác ở; vì không bằng lòng đại chúng, không hợp với thầy, thầy và mình giận nhau, làm sao tu được. Thầy trò, huynh đệ phải thương nhau thật sự mới có nghĩa thầy trò, tình huynh đệ. Tôi nhận rõ rằng mình đã bỏ cha mẹ anh em, xuất gia vào chùa tu hành, nhận thầy và pháp lữ làm quyến thuộc; nhưng lại không thương quý nhau làm sao sống yên vui được. Ý thức như vậy, tôi luôn gắn bó với Tăng Ni, Phật tử và Giáo hội để tồn tại, phát triển báo thân mình.

Những vị còn là Sa di đã được Phật giáo hóa từ thời xa xưa, nay gặp Phật thì Ngài mới tập trung, cảm hóa họ được. Điển hình là mười đại đệ tử của Phật đều có những hoàn cảnh riêng, suy nghĩ riêng; nhưng tất cả mười vị đều nghĩ tốt về Phật, nên Phật lãnh đạo họ dễ dàng. Nay chúng ta chưa làm được như Phật, vì chưa đủ hạnh Bồ tát, chưa đủ tâm đại bi, cho nên còn giận, còn khó chịu, từ đó vấn đề rắc rối với cuộc đời mới còn tồn tại, không thể hết. Đầy đủ tâm đại bi, tự động chấm dứt mọi thứ phiền phức đến với mình. 

Theo kinh nghiệm riêng tôi, gặp người không mến mình, tôi liền quán từ bi. Là đệ tử Phật phải nhớ quán từ bi. Quán từ bi là thế nào? Người không ưa ta, thường gây rắc rối với ta, nên dùng quán từ bi để xóa bỏ ác cảm này. Nghĩa là ta luôn tìm xem người đó cần gì, ta giúp đỡ. Họ nói xấu, mình cứ vui; vì nghĩ đây là túc nghiệp của mình, mình từng nói xấu họ, nên nay sẵn sàng trả xong món nợ này, cảm thấy sung sướng, nhẹ nhàng. Họ mắng chửi, mình sướng hơn là họ tử tế, vì nghĩ đã trả được nợ. Bị mắng chửi biết đó là ác nghiệp đời trước; oan gia này trả xong thì hết, nhưng làm sao biết hết? Mình vẫn an lạc và người xung quanh đánh giá tốt về mình thì tự nhiên người này không nói xấu được nữa là biết hết nghiệp. Còn bị nói xấu, mình khóc, bực tức, than thở là lộ rõ nghiệp tướng. Nếu tốt thật, không ai tác động được mình. Quán từ bi để thấy khi nào họ cần và cần gì. Khi họ sa cơ thất thế, cần được giúp đỡ, mình sẵn lòng. Làm được như vậy, người xấu hóa thành người tốt, người hung dữ hóa hiền lành. 

Lòng từ bi là mang an lạc cho người. Nay họ ghét muốn mình đi cho khuất mắt, mình đi cho họ vui, có sao đâu. Ở trong đại chúng, người ta không ưa mà càng ở càng tăng nghiệp, nhưng mình đi thì họ mừng, cảm thấy nhẹ. Nhưng ta đi xa, họ cảm thấy nhớ, không biết mình ra sao. Thiết nghĩ chúng ta bỏ đi cho họ bớt giận cũng là cách thể hiện tâm từ bi và cần thì chúng ta giúp đỡ. Hành Bồ tát đạo, chỉ giúp đỡ và xong việc rồi thì tránh mặt để lưu lại cảm tình tốt đẹp. Trên bước đường tu, sống với tâm từ bi là cách duy nhất giúp chúng ta an lạc.

Đức Phật khẳng định rằng tất cả những người ở hội Linh Sơn Pháp Hoa không phải tự nhiên đến với ngài, nhưng vì ngài đã từng giáo hóa họ trong những kiếp quá khứ. Vì thế những ai muốn thành Phật cũng nên hành Bồ tát đạo, phát huy tự thân; còn ở không mãi, cuối đời cũng mất trắng. Quý vị ngày nay xuất gia tu học cần phát Đại thừa tâm, hành Bồ tát đạo, tìm chúng sinh hữu duyên để giáo hóa; đừng nghĩ ở chùa này tốt rồi ở hoài. Cần chịu cực đi xa những nơi cần mình, cần Phật pháp. Ở đây mình không làm được gì, nhưng ở xa mình được việc. Phật dạy rằng trong chúng phàm phu, người chứng sơ quả Tu đà hoàn là nhất; nhưng trong chúng A la hán, Tu đà hoàn là thấp nhất. Quý vị ở đây thuộc hạng chót, nhưng về Bù Đăng giảng pháp là nhất. Tìm người kém phước đức hơn dạy họ dễ dàng. Tìm người hơn mình để dạy thì phiền não cứ sinh ra.
16 vị vương tử là Sa di Bồ tát đi khắp nơi giáo hóa độ sinh, còn ở mãi với Phật Đại Thông Trí Thắng, đại chúng chỉ nghe lời Phật thôi; vì hào quang Phật sáng quá, che hết cả trí tuệ của đại chúng, cho đến hào quang của Đại Phạm Thiên vương cũng bị mất. Dưới cây đại thọ, cây cỏ mọc không được. Muốn hành Bồ tát đạo, phải đi ra ngoài bóng mát để tiếp thu được ánh sáng mặt trời, mới trưởng thành được. Phật dạy 16 vương tử thành công cũng ngầm nhắc nhở chúng ta tìm nơi giáo hóa được, tìm người kém hơn để hướng dẫn. 

Có vị Tỳ kheo nói với Phật rằng ông chỉ còn một y một bát mà Phật ca ngợi pháp bố thí, làm sao ông thực hiện được. Phật dạy rằng tâm mới quan trọng, tâm thanh tịnh giải thoát là thánh tài vô tận tạng có sẵn đem ra giúp đời không bao giờ hết được. Phật chỉ rõ khi đi khất thực với tâm thanh tịnh, được người cúng dường, có thể dành một phần cơm cho người nghèo khổ hay cho con chim con kiến vẫn được. Nhìn lên không được, nhưng nhìn xuống người kém, cần giúp đỡ bao giờ cũng có. Đừng đợi phải chứng được quả vị nào mới giáo hóa. Phật nhắc lại chuyện tiền kiếp ngài đã từng giáo hóa những người trong đại chúng hiện nay khi ngài mới là Sa di; còn những người tu lâu không làm được việc này thì uổng phí đời tu. Nếu cứ nghĩ mình nhỏ, bao giờ mình cũng nhỏ, vì đứng cạnh Phật, cạnh cây đại thọ. Ra ngoài, so với cỏ, chúng ta vẫn cao hơn. Hiểu ý nghĩa này, ai cũng có thể hướng dẫn được chúng sinh, không phải chỉ có Phật. Quý vị mới thọ giới cũng dìu dắt được người khác, nếu phát tâm Đại thừa. 

Vấn đề thứ hai trong phẩm Hóa Thành Dụ thứ bảy của kinh Pháp Hoa là phải vượt qua 500 do tuần đường hiểm; đây cũng là một vấn đề lớn. Phật đưa ra thí dụ có một đạo sư dẫn đoàn người đi, nhưng mới đi được 300 do tuần, chúng nhân mệt mỏi, sợ sệt, không muốn đi tiếp mà xin quay về. Vị đạo sư liền tạo ra một hóa thành có đầy đủ tiện nghi cho chúng ở và khi họ nghỉ ngơi khỏe rồi, ngài liền diệt bỏ hóa thành, bảo mọi người tiếp tục lên đường, chỉ còn 200 do tuần nữa sẽ đến Bảo sở thì tha hồ hưởng thụ sự an lạc. 

Câu chuyện tuy đơn giản, nhưng chúng ta phải hiểu được nghĩa lý sâu xa ẩn chứa bên trong để có thể tiến tu đạo hạnh. Vị đạo sư dắt chúng nhân vượt 500 do tuần đường hiểm là chỉ cho Phật và chúng nhân là chúng ta hay chúng xuất gia đồng hành cùng một con đường với Phật. Nhưng Phật có phước đức lớn, đầy đủ năm phước, nên ngài làm việc gì cũng dễ dàng, tự tại. Trong khi các Tỳ kheo khác ốm yếu, bệnh hoạn, không sáng suốt, bị người lấn lướt, nên lúc nào cũng phải núp bóng Phật. Phật dạy phải vượt 200 do tuần đầu nghĩa là nhắc nhở trên bước đường tu thân cận với Phật, chứng được quả vị của Thanh văn, Duyên giác. Quả vị này là gì, chúng ta phải suy nghĩ để tu. 

Chưa theo Phật tu, chúng ta giống như người phàm, chẳng có ai nể trọng mình. Nhưng theo Phật, đắc quả vị A la hán là quả ưng cúng, được người kính quý cúng dường, nghĩa là chúng ta đã vượt 100 do tuần đầu tiên của đường hiểm trên bước đường xuất gia học đạo. Thật vậy, nhờ được gần Phật, nghe pháp, tu hành, chúng ta phát huy đạo hạnh để cuối cùng đạt được đỉnh cao của hàng Thanh văn là Bát chánh đạo. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã vượt được một giai đoạn khó khăn và vượt qua nguy hiểm nhất là sự cám dỗ của vật chất, sự chi phối của xã hội và thiên nhiên. Tu hành mà còn bị vật chất cám dỗ, còn bị người tác động gây buồn phiền, tức giận coi như chưa được gì cả. Vì vậy, cần thực hiện cho được sự xa rời vật chất và không để xã hội tác động khởi tâm. Tâm lắng yên là Thánh La hán.

Giai đoạn một chúng ta tu, phải đạt được sở đắc này. Bề ngoài cũng như mọi người, nhưng ta luôn sống với sự thật, nghĩa là ta có chánh kiến, khác với người tà kiến nhìn sự vật không chính xác, nên khởi vọng tâm gây đau khổ. Có chánh kiến, chúng ta nhìn khác. Có tà kiến thì nghe người khác nói xấu, chúng ta nghĩ lung tung. Có chánh kiến, nghe người nói xấu, tâm chúng ta vẫn thanh thản. Một là vì chúng ta đã quá rõ biết, không thể nào có chuyện đó và biết người này đặt chuyện. Người nói xấu, chúng ta cũng biết rõ lý do, nên chúng ta bình thường, thấy họ như vậy thì phải nói như vậy. Nhưng họ nói xấu, nói oan mình mà còn có người nghe theo là biết đời trước chúng ta có tội, nên sám hối tội này. Tốt thực thì không ai chê trách được, vì không ai nghe theo lời bịa đặt của họ. Phật dạy rằng người ác hại người tốt như tung bụi ngược gió, phải gánh lấy quả báo ác. Tôi trải qua giai đoạn này, nên nhận thấy rất rõ. Còn người tin theo điều bịa đặt là biết mình còn túc nghiệp, nhân đây sám hối, vì nghiệp khởi từ đâu thì sám hối từ đó. Không còn người nói xấu được là biết hết nghiệp. Họ nói mà chúng ta giận buồn là còn nghiệp, vì giận buồn là nghiệp. Thật sự mong cho người bươi móc cho chúng ta sạch nghiệp. Người đời thường nói không có lửa làm sao có khói. Khói vì lửa dục, lửa sân bên trong còn, không phải lửa ngọn bên ngoài. Chúng ta tu hành không dám phản ứng thì đè nén, nhưng đỏ mặt tía tai là không hành động bằng lời nói, nhưng hành động bằng tâm. Còn tệ hơn thì tức phải nói mới chịu được. 

Phật dạy thấy một việc xảy ra nên quán sát từ nhân đến quả và cũng thấy được duyên. Và thấy đúng nhân quả, nhân duyên là thấy chân lý không thể khác; cho nên chúng ta mỉm cười nhẹ nhàng. Thể nghiệm pháp Phật như vậy trên bước đường tu, nghiệp chướng trần lao sẽ tiêu trừ, vượt được 100 do tuần thứ nhất, đứng trên đỉnh cao của Bát chánh đạo.
Tu tứ Thánh đế, Phật dạy hàng Thanh văn chứng được quả vị của tứ Thánh đế, đi qua 100 do tuần đường hiểm rồi thì tu hành có phần dễ dàng hơn, nhẹ nhàng an vui hơn. Còn chưa vượt được đoạn đường hiểm này, việc xảy ra cho chúng ta quá ác, quá khổ. Tôi kinh nghiệm lúc còn là Sa di, nay sống ở chùa này, mai đi chùa khác, khổ vô cùng. Đến khi được vào tu học ở Phật học đường Nam Việt, chùa An Quang, cuộc đời đã đổi khác tốt đẹp hơn. Khi đi tu học ở Nhật Bản trở về, mọi việc chuyển đổi khác hơn trước nhiều và khi lãnh đạo lại càng khác nữa. Vượt qua được đoạn đường nào, tu hành được nhẹ nhàng thêm, từng bước đi bỏ lại phía sau những khó khăn, nguy hiểm, buồn phiền. 

Vượt tầng một, 100 do tuần đầu là A la hán và tầng thứ hai phát triển tri thức, quán sát rõ nhân duyên giữa ta và người. Ở giai đoạn hai, chuyển đổi được nhân duyên xấu ác tạo thành nhân duyên tốt đẹp. Hành đạo đến chùa nào quán nhân duyên giữa thầy trụ trì và ta. Chùa tốt và thích hợp, ta ở và sinh tâm hoan hỷ; nhưng đề phòng hoan hỷ dễ sinh ra tâm hưởng thụ sa đọa. Gặp cái tốt, cố gắng nuôi cái tốt lớn mạnh thêm; ở chùa cảnh đẹp, vun bồi cảnh đẹp hơn, gặp trụ trì tốt nỗ lực làm cho tâm niệm tốt này tăng thêm. Theo tôi, ở đâu làm lợi, họ thương, giữ chúng ta lại. Làm thiệt thòi, tất nhiên họ ghét. Họ tốt với chúng ta vì nhân duyên đời trước đã gieo trồng, hoặc vì chúng ta làm lợi cho họ. Thí dụ thuyết pháp, người đến nghe pháp, cúng dường nhiều hơn, nên trụ trì muốn lưu mình ở lại và Phật tử cũng muốn giữ mình để học hỏi. Còn nhiều thầy sử dụng của chùa lãng phí, làm cho trụ trì khổ tâm, phải canh chừng xem có xài phí điện nước hay không. Ở mà giúp được trụ trì, làm được lợi, nhẹ việc cho ông thì tất nhiên tốt rồi. Tuy nhiên, không thể phục vụ như vậy suốt đời, cho nên làm một giai đoạn nào đó thì phải ra đi để cuộc đời tu hành được thảnh thơi, giải thoát. Sang Nhật, tôi cố gắng làm việc cho chùa thật tốt, vì tự nghĩ mình không thể ở lâu làm thay cho họ được. 

Cố gắng phát triển, nuôi dưỡng cái tốt, tạo mối thiện cảm giữa ta với chùa quen biết được gắn bó sâu xa tốt đẹp thêm. Đó là tu quán nhân duyên của Duyên giác thừa vượt thêm 100 do tuần kế tiếp, nhận biết được người suy nghĩ điều gì, đáp ứng cho họ. Chính 500 vị A la hán theo Phật tu hành, đã vượt được 200 do tuần đường hiểm. Thật vậy, trước khi theo Phật, các ngài nhìn đời mờ mịt, nhưng khi nhận được sự dìu dắt của Phật, thể nghiệm pháp Phật chỉ dạy rồi, các ngài trở thành người đạo đức được cung kính cúng dường và trí sáng ra, biết được mối tương quan tương duyên với người. 

Chúng nhân theo Phật, chỉ còn trải qua 300 do tuần nữa là đến Bảo sở, tức thành Phật; nhưng nếu không tiếp tục đi mà quay trở về thì thật uổng phí công sức đã vượt được 200 do tuần đường hiểm trước đó. Đức Phật vì thương xót họ mà ngài hóa ra một cái thành để họ tạm dừng chân nghỉ ngơi cho đỡ mệt nhọc rồi đi tiếp. 

Hóa thành này của Phật nhằm chỉ hai Niết bàn của hàng nhị thừa Thanh văn và Duyên giác tu được. Tuy nhiên giải thoát mà Thanh văn Duyên giác tu chứng thật sự là giải thoát do đức Phật tạo ra, không phải bản thân họ tạo nên. Trên bước đường tu, cần biết rõ điều gì mình tu chứng được và điều gì của Phật cho mình. Nếu chỉ an phận hưởng thụ những gì Phật cho thì Phật nhập diệt hay Phật không che chở, chắc chắn cuộc sống khó được an lạc. 

Để chúng nhân không ỷ lại vào Phật, ngài diệt hóa thành, nghĩa là hành giả muốn đạt đến Vô thượng Bồ đề, tất yếu phải tự tiến bước lộ trình 300 do tuần đường hiểm còn lại. Đó chính là hành Bồ tát đạo trên nhân gian, làm người tốt và có ích thật sự cho đời, tức đã vượt thêm 100 do tuần thứ ba. Và còn lại 200 do tuần cuối cùng thì đến Bảo sở là con đường của các Bồ tát Pháp thân ở Thường Tịch Quang đạt được quả vị Phật hằng hữu, bất sinh bất diệt. 

Cầu mong tất cả mọi người đều tinh tấn dũng mãnh phát huy trí tuệ và đạo hạnh để vượt qua 500 do tuần đường hiểm sinh tử, đến Bảo sở, mãi mãi tỏa sáng ngọn đèn chánh pháp cho chúng hữu tình được an vui, giải thoát.

HT Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com