Niệm Phật

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 02:20



Ngoài pháp Tam quy, còn có pháp tu khác theo Đại thừa, vẽ ra con đường đi tắt hơn nữa, đó là pháp môn Niệm Phật, tức tu Tịnh độ. Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, từ tam quy đi vào Pháp giới, không còn phiền não trần lao chi phối. Nhưng từ  niệm Phật đi vào Tịnh độ còn nhanh hơn một bước, vì tự nhiên cắt bỏ được trần lao nghiệp chướng dễ dàng. Ý này được một vị Tổ sư  tu Tịnh độ nhận chân được và diễn tả rằng:

Hay trừ tám vạn trần lao
Tham Thiền, quán tưởng pháp nào cũng thua

Tu Thiền, chúng ta dụng công nhiều, sử dụng nhiều cách để tự tịnh hóa tâm mình. Thí dụ Thiền Tứ niệm xứ buộc chúng ta phải quán tưởng, để cuối cùng thâm nhập được thế giới Không, tức trở về với bản thể của sự vật. Điều này trên thực tế  ít người đạt được. Tôi áp dụng pháp này nhiều, nhưng kết quả không được bao nhiêu; vì tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta diễn tiến ở thế giới hữu, mà chúng ta phải quán Không, cho đến thấu triệt được thực chất của sự vật ở mặt thể tánh và sống với thế giới Không ấy, chắc chắn không đơn giản. Do đó, chúng ta tu Thiền khó, nhưng tu được thì rất lợi ích.


Khi học ở Nhật, tôi áp dụng Thiền theo họ là xã hội Thiền. Nghĩa là chỉ tập trung tư tưởng để quán chiếu sự vật, cho ta cái nhìn sáng hơn, chính xác hơn và theo đó, xử sự tốt hơn. Gặp việc khó, tôi không tiếp xúc với mọi người, để cho tâm yên tĩnh, nghỉ ngơi hoàn toàn, đột nhiên tâm trí sáng lên, có đáp số đúng cho vấn đề.

Riêng Hòa thượng Trí Tịnh thường dạy rằng đối trước việc có suy nghĩ, trả lời đúng 60%, nhưng không suy nghĩ, tâm hòan toàn lắng yên thì trả lời đúng 90%. Hòa thượng tu Tịnh độ, ít tiếp xúc với cuộc đời, vìtheo ngài, càng nhiều việc, phiền não càng dễ phát sinh. Dù là bậc cao tăng mà ngài còn phải dè dặt như vậy.

Tu pháp môn Tịnh độ có thể trừ được tám vạn trần lao mà không cần phân tích, quán tưởng chúng để diệt trừ.  Chỉ quán tên của Đức Phật Di Đà, quán hình tượng của Ngài và thế giới Cực Lạc của Ngài.Chúng ta không dụng công gì khác nữa. Khi tu pháp môn Tịnh độ, tôi thường áp dụng trên bước chân đi.Đi nhanh hay chậm, một bước đi đều kèm theo một câu niệm Nam mô A Di Đà Phật thì cũng tập trung tâm được. Lấy tên Phật làm điểm tựa tập trung tâm mình và toàn tâm nghĩ đến danh hiệu Phật Di Đà, việc xảy ra xung quanh chúng ta không hề hay biết. Lúc đó, chúng ta không cần dẹp bỏ tám vạn trần lao, tự động chúng cũng lắng yên.

Cũng vậy, trong lòng chúng ta nghĩ việc ác, việc ác sẽ tăng; nhưng ta nghĩ việc thiện để xóa trừ việc ác thì việc ác cũng tự tiêu mất. Thuở nhỏ, tôi thường nhớ câu “Tránh ác không gì hơn là làm thiện”. Chúng ta sợ cái ác, tức đã nghĩ tới ác, ác đã hiện hữu trong tâm ta.  Ví dụ chúng ta sợ ma là đang nghĩ đến ma, ma ở trong lòng chúng ta, không phải ma ở bên ngoài.

Pháp đem Phật vào tâm để đuổi ma là tốt nhất. Nghĩ đến Phật, tin Phật, thì không còn sợ gì cả. Tôi nghĩ cuộc đời này không bền chắc, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào; nên tâm tôi luôn nghĩ nhớ đến Phật, niệm Phật. Nếu vô thường chợt đến, chúng ta đang niệm Phật, tất nhiên sẽ về với Phật. Còn nghĩ ác và tránh ác thì ác xấu đang ở ngay trong lòng chúng ta và lại đem thêm cái xấu bên ngoài vô nữa, phải đọa thôi.

Tu pháp môn Tịnh độ, niệm Phật thay cho niệm chúng sinh, niệm tội lỗi, niệm ác. Những niệm xấu được xóa sạch, trong lòng chúng ta chỉ có Phật. Và xa hơn nữa, chúng ta hiểu về pháp niệm Phật như thế nào? Thuở nhỏ, được dạy niệm Phật, tôi cứ niệm, nhưng tuổi lớn hơn, tôi nhận ra ý nghĩa khác.

Tiến xa trên bước đường tu Tịnh độ, phải hiểu Phật A Di Đà mà chúng ta niệm có nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Đức Phật Di Đà chúng ta kính trọng là Đức Phật Vô Lượng Quang, tức hiểu biết của Ngài rộng vô biên. Theo Phật Di Đà và niệm Di Đà là nương theo hiểu biết hoàn toàn của Ngài, chúng ta có hiểu biết sáng hơn, nhìn đời đúng hơn. Như vậy, vô lượng quang đã hiện hữu trong lòng chúng ta rồi, sẽ giúp chúng ta nhận ra được việc đáng làm, điều đáng nói, người đáng tiếp xúc.Như vậy, nhờ niệm Phật mà chúng ta được an lành.

Trì danh hiệu Phật, trí tuệ sáng, thấy biết đúng đắn. Nói cách khác, trí tuệ Phật đã truyền đến cho chúng ta và dùng trí tuệ đó mà thấy biết người, không phạm sai lầm. Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh, đã nhận lầm yêu tinh là Phật, nên thọ không biết bao nhiêu nạn tai. Nhưng thấy rõ theo Tôn Ngộ Không  thì dù ma quái có đóng vai nào, ông cũng biết rõ bộ mặt thực của chúng. Đó là nhờ Tôn Ngộ Không bị đốt trong lò bát quái của Thái Thượng lão quân, tinh luyện đôi mắt thành vàng ròng tiêu biểu cho sự thấy biết hoàn hảo, mới thấu tỏ được bề trái của cuộc đời, biết người muốn gì, nghĩ gì, làm được gì.

Từ niệm Phật là niệm vô lượng quang, tiếp nhận được ánh sáng trí tuệ Phật rọi vào, chúng ta biết mọi việc sáng suốt, mới phá bỏ được tai ách, xa rời phiền não trần lao, tâm chúng ta không còn buồn, giận, sợ, lo. Thật vậy, khi có trí tuệ, biết rõ rồi, thì còn gì mà lo; vì biết tất cả đều do nghiệp quyết định. Việc thiện đã làm, không mong cầu, quả lành cũng tự đến. Nghiệp ác tạo rồi, quả ác phải tới thôi. Ý thức như vậy, trước cái chết, chúng ta cũng thấy bình thường, vì có lo cũng không sống được. Tôi thường lo là lo chết rồi đi đâu, làm gì. Phật dạy làm sao bỏ xác thân này, phải được thân sau tốt hơn, cuộc sống sau tốt hơn mới là việc đáng lo. Còn sinh tử là việc bình thường; không lo thì chưa hết duyên cũng không chết; có lo thì cái chết đến cũng phải chết. Thậm chí có khi vì lo quá mà chết sớm.

Không lo vì ta thấy rõ lý nhân quả. Trên bước đường hành đạo, đối trước việc phải xảy đến, tôi quan sát kỹ để sống thích nghi và ứng xử từng trường hợp cho thật tốt đẹp. Nhân nào quả đó, không thể khác; thí dụ như tôi hạ quyết tâm học lúc nhỏ, tất nhiên phải thi đỗ. Và khi được ánh quang Phật soi rọi, mọi việc dường như được sắp xếp sẵn và quan trọng chúng ta đi đúng lộ trình này. Theo tôi, cố gắng tạo nhiều nhân tốt, quả tốt tự hưởng. Còn tính toán đủ thứ theo tham vọng cá nhân, quả lành không có mà còn đi vào đường tà, gặp nhiều khó khăn hơn.

Kế tiếp, niệm Phật Di Đà là niệm vô lượng thọ; vì người luôn niệm Phật, luôn có Phật ngự trong lòng, không còn bị buồn giận, lo sợ tác hại tinh thần và thể xác, tâm họ được an vui, thanh thản,  sức khỏe nhờ đó được tốt, chắc chắn được thọ mạng dài lâu.

Ngoài vô lượng quang, vô lượng thọ, A Di Đà còn có nghĩa là vô lượng công đức. Thực tế đời sống người tu không có tài sản, nhưng nhờ nương vào công đức của Phật và tu trong Chánh pháp Phật, công đức của chúng ta sinh ra. Thật vậy, các Phật tử quý mến những bậc chân tu vì họ mặc áo Phật, đang giảng nói pháp Phật và đang thể hiện tinh thần Phật dạy trong cuộc sống. Từ đó, công đức lần lần sinh ra thì thân của họ tiêu biểu cho thân công đức.

Có thể thấy rõ do niệm Phật mà trí tuệ sáng suốt, hành xử mọi việc tốt đẹp, đời sống tinh thần thăng hoa và thân vật chất theo đó khỏe mạnh, được sống lâu, làm bóng mát cho người nương theo tu hành, làm được nhiều việc lợi ích cho người nương nhờ. Như vậy là đã thể hiện ba nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức khi hành trì pháp niệm Phật.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng một đời người niệm Phật được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, niệm Phật là niệm vô lượng quang, thì phải cố gắng học, đừng lãng phí thì giờ. Học giáo lý là căn bản và hiểu biết thêm tất cả pháp thế gian càng nhiều càng tốt để không bị vướng mắc, sai lầm vì những thủ đoạn xấu ác của chúng sinh.

Tôi sang Nhật tu học cũng nhờ Hòa thượng Thiện Hoa khuyến khích tôi nên nghiên cứu sinh hoạt của Phật giáo Nhật. Học hỏi phương cách tu hành, cách tổ chức, cách quản lý của họ để rút ra những điều tốt đẹp mà ứng dụng cho Phật giáo Việt Nam, vì Phật giáo Nhật cũng theo tinh thần Đại thừa như chúng ta và phát triển được nhiều hoạt động ở mọi lãnh vực.

Giai đoạn thứ hai quan trọng là càng sống lâu, sống khỏe thì mới gánh vác được nhiều việc lợi ích cho đạo, tốt đẹp cho đời. Tu học ở Nhật, tôi thấy các thiền sư của họ đều phải tập luyện võ thuật để bảo đảm sức khỏe tốt, vì bệnh hoạn chẳng thể làm được gì. Người tu ăn ít, nhưng phải khỏe. Tham vấn Thiền sư Kono, đầu tiên ngài dạy tôi bằng cách dẫn tôi đến mộ địa của chùa và nói rằng đây là những người đi trước vì không có sức khỏe, không có trí tuệ, áp dụng pháp sai lầm, nên chết sớm. Vị thiền sư này có học vị tiến sĩ và đạt sáu đẳng về kiếm đạo. Vì thế ngài rất khỏe mạnh và thông minh.

Người cơ thể yếu đuối, học xong rồi chết, chưa sử dụng được sở học vào việc tu hành, chưa tạo được công đức, thì thật uổng phí công sức đã đầu . Hòa thượng Thiện Hoa nói rằng thầy Trí Minh xưakia ham học, mà không nghĩ đến giữ gìn sức khỏe, nên học chưa xong thì thân bị hoại. Có trí tuệ mới biết cách bảo đảm sức khỏe tốt. Điều này trong nhà Thiền thường nhắc rằng đói ăn, mệt ngủ. Tỉnh táo, sáng suốt sẽ tự biết cơ thể mình thiếu chất gì để bổ sung thì nó tự khỏe; không nên ép xác. Phật dạy chúng ta không ăn quá dư hoặc quá thiếu. Và ngài Trí Giả dạy không ăn thức ăn không thích hợp với cơ thể mình, vì không thích hợp sẽ gây ra bệnh tật thì không thể tu được.

Giai đoạn thứ ba là tạo vô lượng công đức. Nhờ có sức khỏe và trí sáng tức vô lượng quang và vô lượng thọ mới hướng dẫn, dạy dỗ người, cứu đời, giúp người được. Nhiều người thọ ơn chúng ta thì công đức sinh ra từ đó.

Tóm lại, người tu pháp môn Niệm Phật, áp dụng đúng đắn vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức, chắc chắn được an vui, giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại. Và khi mãn duyên ở Ta bà, đương nhiên về thế giới Phật, vì đó là cảnh giới của những hành giả đã diệt trừ được tám vạn trần lao và làm lợi ích cho nhiều người.
HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com