Home » , » Tứ Chánh Cần

Tứ Chánh Cần

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 02:24



 Trong thế kỷ trước, có một số người chủ trương tu hành không cần học, khiến cho nhiều Tăng Ni rơi vô tình trạng thất học. Sau đó, việc tu hành được chấn chỉnh, Tăng Ni được học Phật pháp. Tuy nhiên, khi bắt đầu chủ trương học thì có nhiều Tăng Ni chỉ nghĩ đến học, theo đuổi cả thế học để có bằng cấp, mà không thực hành pháp tu, rơi vô tình trạng đời không ra đời, đạo không ra đạo. Và đến khi đất nước thống nhất, một số tu sĩ lại lao vào việc sản xuất, kinh doanh, hoặc chỉ lo làm từ thiện, mà không nỗ lực tu hành.


Thiết nghĩ ba hạng tu sĩ cực đoan nói trên không thể hiện đúng lời Phật dạy, đã làm cho Phật giáo suy yếu. Chúng ta phải học để hiểu biết đúng đắn giáo pháp, mới có thể áp dụng vào cuộc sống tu hành và trên bước đường tu, không phải chỉ hiểu biết suông mà phải thể hiện được yếu nghĩa của Phật pháp, tức có sở đắc, sở ngộ, mới sử dụng thành quả đó giáo hóa chúng sinh được. Không học thì biết gì để tu. Học giỏi có bằng cấp, nhưng thiếu tu chẳng khác gì người thế gian nói Phật pháp giỏi, nhưng cách sống của họ không cảm hóa được ai; làm như vậy là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật là đạo xuất thế, Tăng Ni học mà không hành trì, không giải thoát, khiến cho Phật pháp suy đồi. Tu sĩ là người thừa kế Phật về hình thức và về trí tuệ, nên thân trang nghiêm, trí sáng suốt, tâm an lạc. Vì thế, lao vào công tác xã hội một thời gian, lơ là việc tu hành, làm việc bên ngoài nhiều, sinh ra mệt mỏi, bệnh hoạn, dẫn đến buồn phiền. Một số tu sĩ làm từ thiện, không thực hành giáo pháp, tánh tình trở nên dữ dằn, nuôi trẻ mồ côi mà biến tâm hồn chúng thành lạnh lùng. Như vậy, làm cho chúng sinh, nhưng đã đánh mất tâm từ bi, chỉ còn chiếc áo tu, không thể hiện được tư chất của đạo Phật.

Theo tôi,  học, tu và làm việc cần luôn luôn gắn liền với nhau, đừng tách rời và đừng rơi vào cực đoan. Nhất là các thầy cô phải để tâm đến việc hành trì pháp Phật. Tôi giảng dạy được lâu dài là nhờ thể nghiệm giáo pháp liên tục. Thật vậy, một ngày tiếp xúc với cuộc đời, biết bao là điều bận rộn, phiền toái đem vào lòng. Thành thật mà nói, tối ngồi thiền, tất cả những gì trong ngày mà chúng ta đã đối diện, bắt đầu xuất hiện trong tâm mình. Nếu cứ để như vậy lâu ngày, tâm chúng ta sẽ chất chứa nhiều việc không vừa ý, nghĩa là toàn phiền não tràn ngập trong tâm rồi thì tướng phiền não sẽ theo đó hiện rõ.

Vì vậy, ban ngày làm việc mệt mỏi, phiền não; tối phải hành thiền, tụng kinh, lễ sám, v.v… để xóa sạch những thứ bợn nhơ này trong tâm và giải tỏa căng thẳng mệt mỏi của thân. Nếu thân còn mệt và tâm còn nhiều ưu phiền mà ngủ liền, chắc chắn trong chiêm bao sẽ thấy điều ác. Theo kinh nghiệm tu hành của riêng tôi, tôi thường điều chỉnh thân hết mệt mỏi và điều chỉnh tâm hết vướng mắc mới đi vào giấc ngủ.Trên bước đường tu, mang sự mệt mỏi và phiền não vào giấc ngủ, không thể nào tránh khỏi thân bệnh và tâm bất an, khổ đau.

Chúng ta xóa phiền não bằng nhiều cách, bằng nhiều pháp môn tu của Phật. Con đường trước tiên mà Phật đã dạy đương nhiên chúng ta phải theo là con đường Tiểu thừa, tức tự độ mình, học và thực hành giáo pháp trong cuộc sống để nuôi lớn giới thân huệ mạng của chính mình; nhờ đó, tâm trí sáng suốt mới có thể vào đời, hướng dẫn người khác được. Đương nhiên, chúng ta tự giác mới giác tha; đó là con đường Đại thừa kế tiếp mà Phật dạy cho các vị Bồ tát. Hai con đường này ứng dụng đúng đều mang đến kết quả lợi lạc cho chính mình, thân khỏe, tâm an, trí sáng và tác động cho người phát tâm tu theo Phật đạo.

Điểm đặc biệt của pháp Phật là dù thực hành pháp môn nào, cũng không ngoài hai chữ giải thoát.Trong mùa an cư, chúng ta cần suy nghĩ để thực hiện cho được giải thoát theo Phật dạy trong cuộc sống. Qua các cuộc trao đổi với những vị sư thuộc Phật giáo Nam tông ở hai Hội nghị Phật giáo thế giới vừa qua tại Trung Quốc và Thái Lan, chúng tôi rút ra quan điểm chung là pháp tu căn bản hướng đến giải thoát chính là Tứ Thánh đế, Thập nhị nhân duyên và Lục ba la mật. Tất cả những pháp này bao gồm cả Đại thừa, Trung thừa và Tiểu thừa.

Trước hết, pháp Tứ Thánh đế của Phật chủ yếu dành cho phàm tăng còn nghiệp chướng trần lao. Tu Tứ Thánh đế để khắc phục nghiệp chướng, diệt trừ phiền não trần lao. Người hết phiền não trần lao, nghiệp chướng, mới tu Trung thừa, thực hành pháp quán 12 nhân duyên. Còn phiền não, nghiệp chướng trần lao che khuất tâm, làm sao thấy được nhân duyên. Đời trước của mình còn nhận không ra, làm thế nào thấy được phần vi tế trong 12 nhân duyên. Thật sự chúng ta chỉ mới có khái niệm về 12 nhân duyên mà thôi.

Là phàm tăng, vì có thân ngũ ấm tứ đại, chúng ta còn bị nó ngăn che, nên cái thấy lúc đúng, lúc sai. Vì thế, ngũ ấm thân chưa khắc phục được, cộng với vô minh, thì trở thành ngũ ấm ma, ma này là ma phiền não, làm chúng ta không giải thoát, dù tu hành đã lâu. Trái lại, khắc phục được thân ngũ ấm, cộng với tuệ giác là đã chuyển đổi được phàm thân trở thành Pháp thân, giúp chúng ta giải thoát và tạo được công đức.

Hướng tâm về giải thoát, Phật dạy chúng ta tu Tứ Thánh đế, thực hành 37 phẩm trợ đạo, tức quán Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát chánh đạo. Thành tựu Bát chánh đạo, chấm dứt vị trí phàm tăng, chuyển sang Hiền Thánh tăng. Tất cả đệ tử Phật đều đi trên lộ trình Tứ Thánh đế, nhưng tu chậm hay nhanh có khác nhau, vì mỗi người khởi tu ở vị trí và hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, các thầy tu từ tuổi nhỏ, không lập gia đình và không tạo sự nghiệp vật chất, thì xuất gia tu hành, phá ngũ ấm, trừ phiền não có phần dễ dàng hơn. Những thầy tu mang theo tâm niệm đau khổ của cuộc đời, tất nhiên bị ngũ ấm quấy nhiễu thường xuyên; thực tế các thầy bán thế xuất gia khi ngồi thiền, khó định tâm, không giải thoát, vì cảnh gia đình thường xuất hiện ám ảnh tâm trí.

Đức Phật cũng cho biết khi Ngài thiền định ở Bồ đề đạo tràng, phá ma quân là phá ngũ ấm ma để đắc đạo. Ngài cũng thấy Gia Du Đà La, La Hầu La, cung phi mỹ nữ ca múa, binh tướng xuất hiện, v.v… Khi phá trừ hoàn toàn ngũ ấm ma trong tiềm thức, các hình ảnh này được quét sạch, vô minh bị diệt trừ, tâm trí thật sự thanh tịnh và ánh sáng giác ngộ chủ động hoàn toàn, Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề. Đức Phật đã nói rõ kinh nghiệm tu hành của Ngài như vậy, chúng ta bước theo dấu chân Phật, tin chắc lời Phật dạy, tất yếu cũng phải thể nghiệm trong cuộc sống mình.

Theo tinh thần Đại thừa Phật giáo, Đức Phật đã thị hiện nghiệp như vậy, không phải thọ nghiệp thật như chúng ta; cho nên chỉ trải qua một thời gian tu hành rất ngắn là Ngài đắc đạo. Vì là thị hiện nghiệp, nên nghiệp này không dính vô tâm, bỏ mới dễ dàng. Còn thọ nghiệp, tức túc nghiệp đã có, chắc chắn không thể từ bỏ ngũ dục một cách đơn giản như Phật. Thật vậy, Đức Phật tu hành, từ bỏ cung vàng, điện ngọc, gia đình hạnh phúc mà người đời mơ còn không dám, huống chi là bỏ. Phật có đủ tất cả sự nghiệp vật chất mà người đời ham thích, tìm kiếm, cố nắm giữ, nhưng Ngài vứt bỏ dễ dàng để tìm được cuộc sống vĩnh hằng, bất tử. Đó là sự thị hiện nghiệp của Phật nhằm giúp chúng ta đời sau nhận ra rằng so với Phật, chúng ta có gì để mất mát, có gì để nuối tiếc, nên quyết tâm tu.

Đối với Tăng Ni, thoát ly sinh tử là việc chính yếu trước nhất. Trong mùa an cư, nỗ lực đạt cho được giải thoát. Là phàm phu đầy đủ phiền não trần lao, nghiệp chướng, tất yếu phải sử dụng Tứ Thánh đế. Kinh Pháp Hoa đưa ra ví dụ vị đại lương y lên núi tuyết, tìm được bốn thứ cỏ thuốc và điều chế, chữa lành bệnh mù mắt cho chúng sinh. Đức Phật chính là vị đại lương y đã hiện thân trên cuộc đời, mang thân tứ đại ngũ uẩn như chúng ta để chữa bệnh chấp của chúng ta và pháp Tứ Thánh đế của Phật chỉ dạy có công năng làm chúng ta sáng tâm, giải thoát, giác ngộ ngay trên cuộc đời này.

Một vị sư Miến Điện tâm sự với tôi rằng, suốt đời ông chỉ tu Thiền Tứ niệm xứ. Nhiều người thường cho rằng họ đã học xong kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã, v.v…; trong khi vị Hòa thượng này một đời chỉ tu Tứ niệm xứ quán là pháp thấp nhất trong 37 trợ đạo phẩm. Và theo vị này, tu được Tứ niệm xứ quán là đã được giải thoát. Như vậy, ngày nào chưa giải thoát, chưa lên Niết bàn, tự biết còn là phàm phu, phải nỗ lực tu Tứ niệm xứ quán. Đó là điều mà quý vị cần suy nghĩ lại.

Tứ niệm xứ, hay bốn pháp quán nói lên cách nhìn đời của người tu khác với người thế tục, mà nhà thiền gọi là thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Người thế tục thấy núi là núi, thấy thức ăn này ngon, chùa này đẹp, người nọ dễ thương; cho nên họ khởi tâm si ái, mà si là vô minh rồi. Và khi tham ái nổi lên, liền chạy theo truy cầu, nên phải khổ, vì có bao giờ thỏa mãn được ham muốn.

Người tu thấy sự vật khác với người đời, suy nghĩ khác, quán tưởng khác, dẫn đến hành động khác. Tất cả mọi việc trên cuộc đời không để vọng tâm tham đắm, gọi là đoạn dục khử ái; đó là pháp đầu tiên chúng ta áp dụng, khi ham muốn khởi lên như ham ăn, ham ngủ, ham sắc, ham tiền, v.v… là cắt bỏ liền. Nhớ lại thời tuổi trẻ của tôi, đời sống kinh tế lúc đó rất khó khăn, thức ăn rất thiếu thốn. An cư cả tháng, may ra được một miếng đậu hủ cắt làm bốn. Lâu lắm người ta mới cúng một tai nấm rơm cho các vị Hòa thượng lớn như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa. Một tai nấm rất quý, xé nhỏ để nấu cháo cho tám thầy trong Ban Giám đốc dùng. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, nên thèm ăn; nhưng thật tu, mình phải có thay đổi. Tôi bưng bát cháo cho Hòa thượng Thiện Hoa, nói thực là ngài thấy tôi muốn ăn cho biết nấm rơm ra sao. Là bậc chân tu, ngài đã nhường phần cháo đó cho tôi. Thầy không ăn, mừng quá, bưng cháo xuống, nhưng rồi tự suy nghĩ rằng muốn ăn là tham, không tốt, nên tôi không ăn, đem cho thầy khác. Ít nhất, mình cũng khắc phục được nghiệp tham ăn, cũng làm cho một người vui; cònăn vào là hết rồi, cũng chẳng được gì mà còn thèm vì không có để ăn nữa. Tất cả đòi hỏi của tinh thần và vật chất, chúng ta hạn chế tối đa cho đến đoạn trừ, là pháp quán đầu tiên cần thực hiện, không phải chỉ đọc suông Tứ niệm xứ.

Thực hành Tứ niệm xứ, nếu có đệ tử thấy người khác phái mà tâm dao động, nên dạy họ quán thân bất tịnh bằng cách cho tiếp xúc với người bệnh, người chết đến mức ngán sợ, tâm tham dục sẽ biến mất. Còn người đã tự nhàm chán tham dục, thì khỏi cần quán thân bất tịnh. Đối với người mắc bệnh chấp, nên dạy họ quán vô thường, để luôn rõ biết tất cả mọi việc, mọi người trên cuộc đời đều thay đổi, không còn chấp vào lời hứa, không chấp vào việc gì, xả ly được thì không phải khổ. Người ý thức được “vô thường là thường”, không khổ sở trước sự thay đổi của ngoại cảnh, trước sự thay đổi của lòng dạ người khác thì không cần tu pháp quán này nữa. Cuối cùng quán được pháp vô ngã, vào được cửa Không, chứng được giải thoát. Mới tu, nên tập viết chữ “Không”. Vào cửa chùa, tức Không môn, người tu bỏ lại phía sau vinh nhục của cuộc đời, chỉ giữ lại chữ Không. Riêng tôi, rất thú vị với pháp danh thầy đặt cho là Tâm Không.

Nếu tâm an trụ pháp Không, chắc chắn chúng ta được tự tại trong mọi sinh hoạt, giải thoát trong mọi hoàn cảnh. Còn kẹt vật chất là còn chấp hữu, phải ở lại thế giới sinh tử khổ đau, không thể khác. Thật vậy, người quán thuần thục pháp Không, mọi việc vui buồn của thế gian không còn tác động họ. Không cố chấp vào thân này là tốt đẹp, không ham muốn thọ lãnh tiền tài, danh vọng, địa vị, v.v… là được giải thoát liền. Thiền Tứ niệm xứ do các nhà sư Thái Lan, Miến Điện, v.v… truyền sang các nước Tây phương, được nhiều người thực hành theo, vì ít nhất pháp này cũng giải tỏa được cho họ sự căng thẳng thần kinh vì áp lực của công việc, vì tính toan nhiều, nên họ không còn đau đầu, đau tim, đau dạ dày, v.v… và bớt phiền muộn trong đời sống hàng ngày. Chấp vật chất thì khổ vô cùng, buông bỏ thế giới vật chất, vào được cửa giải thoát, chứng được Không quán là bước đầu của Tỳ kheo tu chứng. Mùa an cư, chúng ta dành nhiều thì giờ để thể nghiệm sự tu chứng theo Phật dạy cho chính mình là quan trọng nhất của đạo Phật.

Thời gian mới tu, tôi thường viết chữ Không, tức thực hành Không quán. Mới bước chân vào Phật học đường Nam Việt, học kinh Bát Đại Nhân Giác, tôi đã nhận ra ý này, mọi việc đều trở thành không đối với tôi. Vì thế, dù hoàn cảnh sống lúc ấy thật hẩm hiu, nhưng tôi luôn cảm nhận niềm an lạc vô cùng. Và trải qua hơn 40 năm, tôi làm được việc cho Giáo hội cũng nhờ pháp Không. Đối với chúng ta, không có gì đáng quan tâm trên cuộc đời này, thì chúng ta mới hướng tâm đến đạo, mới vào Không môn. Vì thế, không qua cửa Không, không bao giờ thấy đạo được và phần nhiều kẹt ở thế giới vật chất mà nghĩ rằng hành Bồ tát đạo, tu Đại thừa, thành thật mà nói họ đã thế tục hóa đạo Phật. Chúng ta cũng làm một số việc từ thiện thì người đời còn làm nhiều hơn mình, có gì đáng nói. Phải đạt vô ngã, đứng ở Không môn, mà phát đại bi tâm mới thể hiện đúng nghĩa của hành Bồ tát đạo.

Làm công việc hoằng pháp mà trụ được pháp Không thì giáo hóa được. Còn kẹt Hữu là vật chất, không thể cảm hóa được người. Mọi việc chúng ta làm trên cuộc đời chỉ là mượn cảnh trong mộng để độ người mê. Ý thức như vậy, làm việc dạy dỗ xong, ta bỏ lại phía sau, vì  nếu bận tâm vướng mắc thì sẽ trải ra vô số việc không vừa ý. Ra hoằng pháp, gặp đủ thứ việc tốt xấu, tối chúng ta ngồi thiền, quán tưởng từng việc đã xảy ra, đi đâu, gặp ai, nói gì và phản ứng của người như thế nào, phân tích kỹ để nhận ra được sự thật của cuộc đời giả tạm, mộng huyễn, rồi tất cả đều mất hết, có gì tồn tại đâu. Hòa thượng Thiền sư Nhất Hạnh khi về thăm chùa Ấn Quang, ngài nhắc lại phòng này của vị nào trước kia đã ở, phòng nọ của ai để rồi ngài ngậm ngùi kết luận rằng bây giờ những vị Hòa thượng này chỉ còn bài vị trên bàn thờ. Cuộc đời mộng huyễn bào ảnh là như thế.

Chúng ta vừa hoằng pháp, vừa quán tưởng pháp Tứ niệm xứ, nên tuy làm đạo vẫn an trụ được giải thoát. Không phải theo đuổi công việc đến quên tu thì thất bại sẽ buồn nản, được việc sẽ vui mừng; như vậy chỉ lăn lộn trong sinh tử mà thôi. Làm việc rất tích cực, nhưng xong việc, phải trụ pháp Không.

Lấy pháp quán Tứ niệm xứ rửa sạch tâm nhơ, tu chứng được giải thoát Không là giải thoát đầu tiên mà Phật dạy các Tỳ kheo bước vào cửa Thánh. Chứng được pháp này, không ai làm phiền được ta, chọc không tức, cám dỗ không được và trụ pháp Không, công đức vô lậu sinh ra gắn liền với cuộc sống chúng ta từ kiếp này sang kiếp sau, không mất. Người tu bỏ nhà cửa, tiền bạc, sự nghiệp vật chất, chỉ giữ tâm Bồ đề thuộc phước báo vô lậu theo chúng ta suốt đời này và nhiều đời khác nữa, dùng không bao giờ cạn.

Thành tựu pháp quán Tứ niệm xứ, trong lòng chỉ nhớ một chữ Không, mới qua pháp Tứ chánh cần.Chưa được thuần thục pháp quán Tứ niệm xứ mà qua Tứ chánh cần, coi chừng rơi vào tình trạng siêng năng làm việc thiện bên ngoài, nhưng tâm ác bên trong tăng trưởng. Lẫn lộn hai pháp này như vậy, một thời gian việc tu hành sẽ bị mất trắng.

Quán tưởng Tứ niệm xứ, đạt được tâm Không là vào được cửa giải thoát, không còn vướng bận thế gian, bấy giờ vào Thiền, ngồi yên xem duyên khởi trong lòng chúng ta là thiện hay ác, để gạn lọc tâm ác và nuôi lớn tâm thiện. Tu pháp Tứ chánh cần, siêng năng làm việc thiện, việc thiện chưa sinh phải gieo trồng, việc thiện đã sinh phải tăng trưởng. Việc ác chưa sinh không cho sinh khởi, việc ác đã sinh phải đoạn trừ.

Trước hết, cần phân biệt thiện ác thế gian và thiện ác xuất thế gian. Thiện ác thế gian là thiện ác tương đối, còn trong vòng sinh tử. Trong khi chúng ta tu hành, có ý niệm thoát ly, nên pháp thiện ác xuất thế mới là chính yếu. Tuy nhiên, sống trên thế gian, muốn thành Thánh Hiền, Tiên, Phật, trước hết chúng ta phải làm người tốt trên cuộc đời, tức phải tôn trọng quan niệm thiện ác theo thế gian. Thiện ác theo thế gian thì tùy thuộc vào phong tục, tập quán của từng nước khác nhau, có nơi làm như vầy được coi là tốt, nhưng ở nơi khác lại bị lên án. Và quan niệm thiện ác của người đời cũng thay đổi tùy theo thời đại, ở thời cổ đại tất nhiên suy nghĩ và cách đánh giá khác với thời cận đại và thời hiện đại lại càng thay đổi hơn nữa. Như vậy, việc thiện ác thế gian tùy chỗ, tùy lúc, tùy người mà có phê phán khác nhau. Chúng ta tu hành, thường tùy thuận thế duyên, không khác với quan niệm sống của địa phương, để được mọi người chấp nhận, mới dễ dàng hành đạo.

Vì thế, đối với người tu, thiện ác xuất thế mới là pháp chúng ta thực hành. Có những việc mà người thế gian làm được, nhưng cấm kỵ với  người xuất thế. Thật vậy, nếu chúng ta quán Tứ chánh cần thuần thục, sẽ nhận thấy rõ tĩnh là thiện, mà động là ác. Vì người tu phải giữ tâm luôn thanh tịnh, cho nên tâm động loạn, nghĩ đủ thứ thì trở thành người ác. Còn theo thế gian, người nghĩ được nhiều là tốt.

 Phật dạy chúng ta tu hành, lúc nào cũng phải giữ tâm yên tĩnh; tâm không yên tĩnh không phải là người tuGiữ tâm yên tĩnh, không cho động loạn bằng cách tránh xa trần thế. Phật cũng quy định xây dựng tu viện trong rừng núi, cách xa nhà dân để chúng ta không thấy, không nghe việc của thế gian. Thuở nhỏ, tôi thích tu trên núi, không có người lên đó, không nghe tiếng người, nên những chuyện thế gian không chọc vào tai, không đâm vào mắt ta. Ngày nay, tu hành ở chùa trong thành phố, sát với nhà dân, tất nhiên gặp nhiều khó khăn. Ở trong hoàn cảnh tu như vậy, theo tôi, cố tránh tối đa bằng cách đóng năm giác quan, mắt tai mũi lưỡi thân lại, tức đóng kín năm cánh cửa đưa vào tâm mà Tổ dạy là “bất dữ chư trần tác đối”. Còn lắng nghe hàng xóm, làm sao tuChùa ở trong thành phố, sát nhà dân, phải tự xây dựng cho mình bức tường cách âm. Ngồi thiền ở đây, người kế bên nói gì mình cũng không nghe. Tôi tập pháp này, phát hiện ra “nghe mà không nghe”; nghĩa là tai nghe, nhưng tâm tôi không nghe. Họ nói tôi nghe, nhưng không biết họ nói gì; vì có lỗ tai phải nghe chứ, chẳng lẽ chọc cho điếc. Nghe bằng nhĩ căn, nhưng không nghe bằng ý, có nghe âm thanh ồn ào, mà không biết họ nói gì.

Tạo bức tường cách âm như vậy một khoảng thời gian, tâm thiện của chúng ta tăng trưởng, đi sâu vào Thiền định, chúng ta không nghe những việc bên ngoài. Một vị thầy Yoga cùng thời với Phật, ông ngồi yên, 500 chiếc xe chạy ngang qua cũng không động tâm, vì ông đã vào định, cắt được tiền ngũ thức rồi.

Ở giai đoạn một, chưa vào định, tuy nghe âm thanh, nhưng không đưa vô ý thức, nên không biết gì.Sang giai đoạn hai, chỉ sống với nội tâm, nội quán, tức nhìn ngược vào bên trong, dùng ý thức quan sát Alại da thức, cắt đứt tiền ngũ thức. Từ đó, âm thanh và hình ảnh không đưa vô ý thức, nên việc xảy ra bên ngoài không biết. Các vị A la hán rời bỏ xác thân mà không hay biết, vì đã vào diệt tận định, sáu giác quan không còn hoạt động, không còn cảm giác, không thấy, không nghe. Đó chính là việc thiện của người tu thực hành Tứ chánh cần, lần cắt bỏ trần duyên, cho đến cắt bỏ hoàn toàn, ở trạng thái diệt tận định.

Bước đầu, chúng ta có việc thiện nhỏ là nghe nhưng không để ý. Trước đó, không hề thiện vì lóngtai nghe để đem vào lòng, sinh buồn phiền. Tôi thực tập pháp này, ai nói gì, tôi cũng ừ, mà thật ra chẳng biết họ nói gì. Đây là việc thiện nhỏ chúng ta ráng nuôi, cho đến thành tựu được việc thiện đầy đủ, nghĩa là bên ngoài làm gì cũng không tác động được chúng ta.

Việc ác đã sinh, chúng ta đừng cho phát triển; việc ác chưa sinh, ngăn chặn lại. Ác đã sinh là thế nào? Ngồi yên vụt nhớ, vụt nghe điều gì đó, tự biết đó là điều ác, chúng ta không để tâm, vì để tâm nhiều làm chúng ta buồn phiền. Việc ác vừa khởi lên, chúng ta cắt đứt liền, nhiếp tâm lại. Thực tập như vậy một thời gian trở thành thói quen, tâm chúng ta không sinh khởi nữa; nghĩa là người xung quanh không tác động được, biết là việc ác của chúng ta đã hết. Người còn tác động được, chắc chắn là ác của mình còn.

Việc ác chưa sinh, chúng ta chặn lại, không cho sinh bằng cách tránh tiếp xúc với người, với sự việc, để không nghe không thấy thì không khởi niệm. Khi chúng ta tách rời các căn với duyên trần bên ngoài, ý thức không có cách gì sinh khởi được. Thực tế chúng ta thấy những người tu lâu trên núi không hề biết việc của trần thế là vậy.

Cần hiểu rằng làm việc thiện ác theo Tứ chánh cần là thiện ác khởi lên trong tâm, không phải hành động thiện ác bên ngoài. Vào Thiền định, kiểm tra lòng chúng ta khởi niệm thiện hay ác. Nếu nhớ đến hình ảnh Phật, Bồ tát hay lời dạy của các Ngài thì đó là khởi việc thiện. Còn nhớ đến vui buồn vinh nhục của trần thế khi làm công tác xã hội, là việc ác.

Đến giai đoạn cuối của pháp hành Tứ chánh cần, thì khởi niệm là ác, giữ tâm thanh tịnh là thiện.Thậm chí, nghĩ đến Phật vẫn là ác; vì Phật này do tiềm thức của chúng ta biến hiện ra mà thôi, gọi là ma giả Phật, do vọng tưởng sinh ra. Ma này là ma ngũ ấm từ thức hiện ra. Có một khoảng thời gian thiền định, tôi cũng thấy Phật, Bồ tát, nhưng tự biết đó là thức biến, không phải Phật thật.

Trên bước đường tu, phải khắc phục sự hoạt động của thức uẩn, đến mức tâm hoàn toàn lắng yên như mặt nước hồ thu phẳng lặng, trong suốt. Tâm người tu phải thanh tịnh thật sự, không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Bước đầu bỏ ác làm thiện, nhưng tu cao, bỏ cả thiện và ác, tâm mới thanh tịnh. Bỏ thiện ác, mới xả được thức uẩn. Không xả thức uẩn, không thể ra khỏi sinh tử luân hồi, dù có tu trăm kiếp ngàn đời.Đừng lầm, không dám xả thức. Có người sợ bỏ thức, thì không còn nhận thức được. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng xả được thức uẩn, tuệ giác mới hiện, tầm nhìn mới chính xác; còn hiểu biết phân biệt theo thức uẩn, chỉ đúng nhiều lắm là 40%.

Phân biệt hiểu biết là thức của người trong sinh tử; nhưng đoạn được thức, tâm bừng sáng có trực giác, thấy người thấy việc liền biết tốt xấu mà không cần suy nghĩ. Khi tâm đứng yên mới có trực giác.Thành tựu được pháp Tứ chánh cần, chúng ta có được chữ TĨNH, từ đây tâm chúng ta mới yên tĩnh thật sự, trước đó là tâm vọng động, dù là động thiện. Tâm tĩnh này là tâm chơn như, hay Phật tánh mà Hòa thượng Phước Huệ dạy rằng “Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như”.

Tóm lại, siêng năng thực hành bốn pháp Phật dạy trong Thiền định thì tâm chúng ta không sinh ra việc ác hiện tại và xóa được cả việc ác quá khứ, đồng thời xây dựng việc thiện đầy đủ. Được như vậy, tâm chúng ta chắc chắn yên tĩnh hoàn toàn. Mong rằng mùa an cư, chư Tăng Ni có điều kiện thể nghiệm và thành tựu pháp quán Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần  để quét sạch phiền não, tâm thanh tịnh thật sự, xứng đáng là sứ giả của Như Lai thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp tồn tại vĩnh hằng trên thế gian, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.

HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com