Đối trị nghịch cảnh là vấn đề vô cùng quan trọng đối với việc tu hành của chúng ta. Đương nhiên từ khi chúng ta phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo cho đến khi thành tựu quả vị Phật, phải trải qua không biết bao nhiêu là nghịch cảnh, mà nếu có trí tuệ thì mỗi lần nghịch cảnh xảy đến, chúng ta sẽ có cơ hội để phát huy trí tuệ và đạo đức của mình.
Đức Phật cho biết Ngài phát tâm Bồ đề từ địa ngục A tỳ, nghĩa là Ngài phải sống với nghịch cảnh lớn nhất trong lục đạo tứ sanh. Vì ở địa ngục vô gián này một trăm phần trăm cuộc sống toàn là nghịch cảnh diễn ra và phải luôn gánh chịu sự khổ nhục “thượng hạng”, mà chỉ có cách duy nhất là cúi đầu chấp nhận, chứ không có quyền có ý kiến, không có quyền phản đối.
Chúng ta tự nghĩ xem ngày nay tuy mình có gặp phải nghịch cảnh, nhưng chắc chắn không lớn bằng nghịch cảnh mà Đức Từ phụ chúng ta đã từng trải qua ở địa ngục A tỳ. Và bước ra từ nghịch cảnh sâu nặng vô cùng như thế, Đức Phật đã rút ra được những kinh nghiệm sống quý báu để từng bước Ngài thăng hoa trên con đường Thánh thiện. Là đệ tử Phật, bước theo dấu chân Phật, tất yếu chúng phải thể hiện lời Phật dạy được lưu lại trong tam tạng Thánh giáo.
Ý thức như vậy, trong mọi hoàn cảnh, từ sơ phát tâm cho đến ngày nay, mỗi lần gặp nghịch cảnh, tôi liền khởi nghĩ rằng Đức Phật và chư vị Bồ tát, Thánh Tăng đều đã từng trải qua những nghịch cảnh như thế và tôi đọc kinh sách, tìm xem các Ngài giải quyết cách nào để tôi làm theo; nhờ vậy từng bước tôi cũng vượt qua được những nghịch cảnh. Như vậy, nghịch cảnh quá khứ mà Đức Phật kể cho chúng ta nghe và chúng ta cũng biết nghịch cảnh hiện tại mà Đức Phật và Thánh Tăng vượt qua rồi, tất cả những bài học này cho chúng ta kinh nghiệm có giá trị lớn lao trên bước đường tu học.
Sau đây, tôi chia sẻ những kinh nghiệm về hoàn cảnh khó khăn tôi đã từng trải và khắc phục bằng cách nào, để giúp tất cả quý vị có thêm một ít hành trang vượt khó trên con đường tu học giác ngộ giải thoát. Tuy nhiên, tôi xuất gia từ lúc 12 tuổi, nên nghịch cảnh của tôi phần lớn là của người xuất gia; vì thế tôi chỉ có thể chia sẻ việc đối trị nghịch cảnh của người xuất gia, còn đối với nghịch cảnh của cư sĩ, tôi có kinh nghiệm một phần của kiếp quá khứ hoặc của Phật để lại trong kinh điển mà thôi.
Trong kinh điển, Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài phát tâm Bồ đề từ địa ngục A tỳ là nơi diễn ra sự cùng cực của mọi khổ đau. Nếu có đạo hữu nào nghĩ rằng mình cũng đã rơi vào thảm cảnh không còn gì để bám víu, để có thể sống nổi giữa đời này, thì cũng nên cảm thấy mình có được chút phần nào an ủi ban đầu; vì nếu so với Phật, quý vị chưa phải nếm mùi khổ đau cùng cực như Ngài đã từng ở địa ngục A tỳ, quý vị cũng đã thoát được một phần nỗi khổ niềm đau. Và thường nhìn xuống thấy người khác khổ hơn, chúng ta cũng an ủi đôi chút để phấn đấu hơn trong cuộc sống. Riêng tôi, luôn nhìn xuống, luôn thấy có người khổ hơn mình và có các loài khó khăn hơn con người. Tôi nhận ra mình có may mắn và tốt lành mà Đức Phật thường dạy rằng thân người khó được và chúng ta đã được cái khó này. Đầu tiên, trên bước đường tu, tôi nương tựa vào ý tưởng này để cố gắng đi lên. So với các loài hữu tình khác, loài người chiếm ưu thế nhất, chúng ta đã có được hạnh phúc làm người và chỉ loài người có não bộ đặc thù mới có khả năng thành tựu quả vị Phật. Đó là ưu thế quý báu nhất, chúng ta cần trân trọng và cố gắng giữ gìn, phát huy năng lực siêu việt của con người.
Thật vậy, Đức Phật cho biết Ngài ở địa ngục A tỳ chắc chắn khác xa với thế giới loài người chúng ta. Từ địa ngục, chuyển hóa lần cuộc sống mới thoát ra chốn khổ đau cùng cực ấy để đi vào thế giới của súc sinh, ngạ quỷ, rồi lần ra đến loài trùng dế, trâu bò, mới tái sinh làm người. Vì thế, dù là con người bất toàn, chúng ta vẫn thấy rõ mình hơn hẳn các loài khác. Nhận chân như vậy, tôi phấn đấu giữ gìn và phát huy “tánh người” của mình để từ đó thăng hoa con người tâm linh và phước trí của mình.
Từ góc độ nhận thức, phán đoán như thế và muốn bảo vệ thành quả của con người, chúng ta phải nương theo lời Phật dạy để vượt qua những nghịch cảnh, đừng để chúng nhận chìm mình. Và tự thấy mình mang thân phận con người rồi, nhưng phải thấy thêm vị trí xã hội của mình ở đâu, từ đó phấn đấu đi lên, dù cho ở giai cấp thấp nhất trong xã hội loài người thì vẫn có điều kiện sống tốt hơn là chúng sinh ở trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Nếu căn cứ vào giáo điển của Đức Phật có chia ra Ngũ thừa giáo là Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Tuy rằng mọi người đều bình đẳng trước chân lý, nhưng vì nghiệp quả của mỗi người khác nhau mới tạo cho chúng ta vị trí xã hội khác nhau. Vì vậy, ở trong thế giới sai biệt này, chúng ta phải nhận ra được thực chất sự sai biệt của chính mình, còn ở trên chân lý, thành Phật thì khác. Chưa thành Phật, tự xét xem mình có đủ tư chất giải thoát, sáng suốt của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát hay không.
Nếu xét thấy mình không thuộc ba hạng người này, thì trong loài người, ta có thuộc dòng họ cao quý hay không, ở Ấn Độ gọi là giai cấp Bà la môn và Sát đế lợi. Kinh Hoa Nghiêm nói về sự hiện thân của các vị Bồ tát thường là: “Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi”. Chúng ta ở trong loài người, không có tư cách cao quý này, hoặc không thông minh xuất chúng, không có huyết thống tốt đẹp, thì việc làm của chúng ta phải khác.
Định vị trí của mình không phải ở tầng lớp cao như vậy, mà là công nhân thợ thuyền, tức giới lao động chân tay thì đối trị nghịch cảnh của hạng người này phải khác với giới lao động trí óc, tức hạng người trí thức như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, v.v… Tôi thấy ngày nay đa số người thuộc thành phần lao động chân tay. Định vị trí xã hội như vậy, chúng ta sẽ thấy được đối lập của mình, nghịch cảnh của mình là gì. Và có cuộc sống thấp nhất ngày nay là những người làm thuê ở mướn cũng thuộc giới lao động tay chân, không còn giai cấp nô lệ bán thân như ngày xưa, nên không cần đặt vấn đề nghịch cảnh thành phần này.
Ngoài ra, ngày nay cũng có thành phần cần nói đến là những người thân thể bất toàn, hoặc trí não không bình thường. Cơ thể họ bị những sự chướng ngại trong việc đi lại, làm việc, suy nghĩ, v.v… Nhất là đất nước chúng ta trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đã gây ra sự tàn tật cho nhiều người, họ bị cụt tay chân, mù mắt, hoặc những dị tật bẩm sinh, trí não không phát triển bình thường … Những người bị chướng ngại về thân thể cũng phải có cách khắc phục nghịch cảnh đặc biệt để có thể sống bình thường, hoặc tiến lên một cách tốt đẹp. Nhưng muốn vượt qua những khó khăn của số phận nghiệt ngã đó, tất yếu họ cũng cần có trí tuệ nhận ra được những ưu khuyết điểm của bản thân, từ đó tìm cách tốt nhất để vươn lên trong cuộc sống. Giả sử có cơ thể bất toàn, nhưng bản chất thông minh và biết phát huy tài năng đó, thì người này vẫn hoàn thành được công việc một cách tốt đẹp bằng hay hơn người bình thường, cho nên họ vẫn được sử dụng, vẫn có vị trí tốt trong xã hội và có được cuộc sống an lạc. Còn người có sức khỏe tốt, nhưng trí óc chậm lụt thì phải làm việc khác, không thể làm việc giống như người thông minh.
Như vậy, từ những người lao động chân tay cho đến lao động trí óc và kể cả những người mà cơ thể bị chướng ngại, tất cả đều phải nhận ra ưu khuyết điểm của mình để khắc phục điểm yếu, vượt qua được hoàn cảnh khó khăn và phát huy thế mạnh của riêng mình. Nếu những người thuộc thành phần nghèo khó và gặp nhiều chướng ngại, mà không ý thức được nhược điểm để khắc phục, lại khởi tâm bực tức, thù đời, hận tạo hóa bất công, người này sẽ vừa khổ tâm cộng thêm với khổ thân và còn bị người ghét bỏ; kết quả là họ tự cô lập chính họ. Riêng tôi, sớm nhận ra điều này. Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân, gia đình nghèo, ít học. Thuở nhỏ tôi cũng thấy xã hội này bất công, những gì xấu nhất, tệ nhất, họ đẩy dồn cho mình. Lúc 6 tuổi vào học trường làng, nhà nghèo, nhiều khó khăn, tôi bị những học trò khác thuộc gia đình có vị trí cao trong xã hội bắt nạt, gây khó khăn thêm cho tôi. Năm 7 tuổi, tôi lên lớp 2, trong trường có một cậu ấm, cha làm Hương quản trong làng, được nhiều học trò khác làm tay chân cho nó sai biểu. Một hôm, tên cậu ấm này ức hiếp tôi và tôi lại bị các bạn khác kích động khiến sân hận mình nổi lên, tạo cho tôi sức mạnh lạ lùng, tôi đấm thẳng vào mặt tên này đến chảy máu mũi. Thầy giáo bắt nhốt tôi ở trường một ngày vì thầy sợ ông Hương quản làm khó. Từ đó tôi nhận ra nỗi khổ của người nghèo, nỗi bực tức của gia đình nghèo và càng nghĩ mình càng tức, lại thêm có sự kích động của những người có tâm trạng sân hận, như lửa đổ thêm dầu, khiến mình càng tức giận hơn. Thử nghĩ cách khắc phục nghiệp chướng này như thế nào.
Tu học theo Phật, điều đầu tiên và trên hết, chúng ta phải khắc phục sự sân hận của mình, vì biết đó là phiền não, là nghiệp khởi lên từ tâm mình. Khắc phục được tâm sân hận, chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ thở, tu được liền! Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với quý vị. Tâm bực tức cao độ sẽ dễ dàng đẩy chúng ta vào con đường tội ác và nếu người xung quanh tán thưởng, kích động tâm sân hận mình lên cao nữa sẽ đẩy chúng ta gánh lấy quả báo không lường được. Nhưng thức tỉnh, biết tâm phiền não này làm chướng ngăn đạo hạnh của mình thì thấy phiền não khởi lên trong lòng là phải tự dẹp bỏ ngay. Và chúng ta mới bắt đầu chấp nhận quả báo đến với chúng ta, chấp nhận trả giá vì những việc mà chúng ta đã làm trước mắt. Sau này, trên bước đường hành đạo, tôi nhận ra được những quả báo xảy ra và tự khắc phục, nên tiến tu được. Hòa thượng Trí Quang dạy tôi rằng nếu việc không do mình gây ra trong hiện đời mà phải gánh chịu thì nên giải quyết bằng cách quán tưởng những việc làm của mình trong các kiếp quá khứ. Đức Phật chứng Túc mạng minh là nhận chân được gốc rễ của kiếp quá khứ. Đời này mình tu hành, làm những việc tốt đẹp, nhưng người vẫn ức hiếp, đổ vấy những tội lỗi mình không làm, bị vu oan giá họa như vậy thì ức lắm chứ. Thực tế cho thấy nhiều người rơi vào nghịch cảnh này, người nhỏ hơn thì không nghe mình, người bằng mình thì luôn chống đối, còn người lớn hơn thì luôn trù dập mình.
Để tháo gỡ những việc oan trái như vậy, cách tốt nhất là quán tưởng nghiệp duyên quá khứ; đời này mình không tạo việc xấu ác, nhưng tại sao lại có quả báo xấu ác đến với mình. Nên nhận diện khổ đau hôm nay phát xuất từ nghiệp duyên quá khứ để hóa giải. Điển hình như Ngộ Đạt quốc sư tu hành nghiêm trang, sao lại gặp nạn lớn. Ngài nhận ra nghiệp quá khứ đã tạo từ đời Hán, Ngài đã giết Triệu Thố, nên đời này nhân duyên hội ngộ, kết thành quả báo không thể tránh. Từ Bi Thủy Sám dùng để giải oan nghiệp này.
Quán nghiệp duyên quá khứ, tôi thấy người nhỏ xử tệ với mình, biết quá khứ mình từng bất kính Sư trưởng. Gặp người làm việc chung thường chống phá, biết mình cũng từng chống phá đồng sự trong quá khứ. Gặp người lớn trù dập mình, quán nghiệp duyên quá khứ mình cũng từng như vậy. Nhận chân sâu sắc nghiệp quá khứ của chính mình, nở nụ cười nhẹ nhàng và chân thành sám hối tội căn, sám hối cho đến khi người trù dập thương mình, bạn không chống phá nữa và người dưới không hỗn với mình. Từ đó, thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn, người có thiện cảm với mình bắt đầu tìm đến, người giúp đỡ cũng xuất hiện hợp tác. Nhờ vậy, tôi làm được một số việc tốt đạo đẹp đời, từ việc nhỏ đến việc lớn. Trong khi những người đồng hành với tôi không áp dụng lời Phật dạy, không chấp nhận nghiệp quá khứ, không sám hối tội căn, thì cuộc đời chỉ gặp từ bất mãn này sang bất mãn khác, nghiệp chướng trùng trùng duyên khởi và đến cùng tột bất mãn thì chỉ có con đường duy nhất là bước vào vô gián địa ngục. Rõ ràng là đối diện với nghịch cảnh, nhưng phải không thấy “nghịch”, mà phải thấy là lỗi quá khứ của chính mình, phải tự sửa mình, khắc phục được ba nghiệp thanh tịnh thì ba đối tượng nói trên tự động xử sự tốt với mình.
Tụng kinh Pháp Hoa, nhận chân được yếu nghĩa của phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát nói lên kinh nghiệm của chính Đức Phật. Khi túc nghiệp còn, tiền thân Phật là Bồ tát Thường Bất Khinh khen ngợi mọi người là “Phật sẽ thành”, họ cũng không bằng lòng, chứ đừng nói là chê bai họ. Nhưng nhờ lãnh hội được hai muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Đức Phật quá khứ Oai Âm Vương, nghiệp chướng tiêu trừ thì những người từng ném đá, đánh mắng Bồ tát Thường Bất Khinh, nay trở thành đệ tử Phật là 500 Bồ tát đứng đầu là Bạt Đà Bà La Bồ tát và 500 Tỳ kheo Ni, tất cả đều kính trọng Phật theo Phật tu hành.
Học tấm gương vượt qua nghiệp chướng mà Đức Phật đã áp dụng khi còn là Thường Bất Khinh tu Bồ tát hạnh, mỗi ngày tôi lạy Hồng danh Pháp Hoa, đọc danh hiệu Phật và lời Phật dạy giúp tôi tiêu nghiệp quá khứ, thì đối tượng ác cũng trở thành tốt với tôi.
Đối trị nghịch cảnh theo Pháp Hoa khác với người đời xử sự. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người đời thường suy nghĩ, tính toán phải đối phó cách này, giải quyết cách nọ với người gây khổ đau. Phật pháp không dạy ta làm như vậy. Điều phải làm là chúng ta phải xóa bỏ sân hận, kiêu mạn, ganh ghét trong tâm chúng ta. Chuyển hóa được tâm trong sạch thì hoàn cảnh bên ngoài tự tốt đẹp theo; người đã gây khó khăn cho mình từng bước họ thân thiện, hợp tác với mình.
Quý vị tu một ngày an lạc, tập nhận thức rằng những gì người xử sự tệ là có sẵn trong lòng chúng ta, tức nghiệp duyên quá khứ của ta, cần phải đoạn trừ ngay tâm xấu ác của mình. Đức Phật đã dạy tâm thanh tịnh, quốc độ thanh tịnh, hoàn cảnh bên ngoài tự tốt. Càng thấy nghịch cảnh và càng bực tức với nghịch cảnh, cuộc đời chúng ta càng bế tắc. Tâm mình thanh tịnh, thông được nghịch cảnh, khó khăn tự tan mất. Mong rằng tất cả quý vị hóa giải được nghịch cảnh hiện tại và cũng xóa trừ được nghiệp duyên quá khứ để chúng ta thẳng tiến trên con đường Thánh thiện theo Phật.
HT.Thích Trí Quảng