Vượt qua khổ đau

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012 | 01:15


      Tăng Ni, Phật tử nghe đề tài Vượt qua khổ đau thấy gần với xã hội, gần với cuộc đời, như vậy có trái với giáo lý đạo Phật hay không? Vượt qua khổ đau là cách nói theo ngôn ngữ hiện đại; nói theo giáo lý là Đạo đế trong Tứ Thánh đế mà Đức Phật đã chỉ dạy, vì Đạo đế là con đường vượt qua khổ đau để đến Niết bàn. Nhưng muốn thoát khỏi khổ đau, phải nhận diện khổ đau là gì và biết rõ nguyên nhân của khổ đau cùng phương cách vượt qua khổ đau để được an lạc, Niết bàn. Niết bàn hay Cực lạc là tên gọi khác, nhưng cùng một nghĩa là tâm và thân an lạc, hoàn cảnh cũng an lạc. Vì vậy, ở Cực lạc khác với Ta bà là nơi đó thân tâm và hoàn cảnh an  lạc trọn vẹn. 

Ở Ta bà muốn được an lạc hoàn toàn, trước nhất phải có an lạc từng phần. Đầu tiên, phải nhận diện khổ đau chúng ta đang có, nghĩa là nhận diện được con người thật chúng ta đang hiện hữu chính là sự kết hợp tất cả những việc làm của chúng ta từ quá khứ cho đến hiện tại, danh từ chuyên môn trong kinh điển gọi là Tập đế trong Tứ Thánh đế.
Thật vậy, sự hiện hữu của chúng ta, hay của tất cả mọi người trên cuộc đời này là sự tập hợp tất cả những gì chúng ta đã làm, gần nhất là từ khi mở mắt chào đời và xa hơn là từ những kiếp quá khứ cho đến ngày nay. Chúng ta sinh ra ở đâu, lớn lên thế nào và làm những việc gì, tiếp cận xã hội ra sao. Chính những hành vi tạo tác trong quá khứ của chúng ta cùng những việc làm trong hiện tại đã dẫn đến tâm trạng khổ đau hiện tiền. Bình tâm kiểm tra lại, rõ ràng cuộc sống khổ đau hay an lạc đều do chúng ta tạo ra, không phải đấng tạo hóa nào có quyền áp đặt. Ý này được kinh Hoa Nghiêm khẳng định rằng “Nhứt thiết pháp duy tâm tạo”, mà tâm là sự kết hợp của nghiệp nhân quá khứ được chất chứa trong A lại da thức của mỗi người. Nhân quá khứ là vô minh, từ vô minh khởi lên hành uẩn, “hành” này là hành động trong nội tâm. Chúng ta có thân thể khác nhau và cuộc sống khác nhau vì hành động trong nội tâm khác nhau. Ở Cực lạc, hay ở Niết bàn, tất cả mọi người đều suy nghĩ thánh thiện giống nhau, đều hành động tốt đẹp giống nhau, nên kết thành quả Hiền Thánh giống nhau. Còn ở Ta bà thì suy nghĩ và hành động của mỗi người đều khác nhau, được thúc đẩy theo nghiệp nhân sai biệt trong nội tâm của từng người, cho nên tạo thành vô số quả báo hoàn toàn khác nhau về thân thể, về trí tuệ, về hoàn cảnh sống.

Phật dạy khi thấy biết nhân duyên dẫn đến khổ đau, chúng ta tận diệt nhân duyên đó, khổ đau sẽ tự mất. Như vậy, khổ đau có vô số tập nhân của nó, nhưng vì sống trên cuộc đời này, người ta muốn không khổ mà cứ tạo thêm nhân khổ mải, thì làm thế nào hết khổ cho được. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật ví cái nghiệp của con người giống như cái đuôi của con trâu gắn liền với con trâu; nghĩa là nghiệp gắn liền một cách chặt chẽ với cuộc sống của con người khi họ còn trầm luân trong sinh tử, không thể nào thoát ra khỏi lực chi phối của nghiệp. Con trâu càng cố chạy nhanh đến đâu, tất nhiên cái đuôi của nó cũng theo đến đó. Nghiệp của con người cũng vậy, đã tạo nghiệp rồi thì nghiệp đeo dính họ từ kiếp này sang kiếp khác.

Để giúp chúng ta thoát khỏi cuộc sống khổ đau, Đức Phật đưa ra Đạo đế là con đường vượt qua khổ đau bằng cách thực hiện 37 trợ đạo phẩm trong đời sống tu hành. Tôi thấm nhuần giáo lý Phật từ năm 12 tuổi cho đến nay là 70 tuổi, trải qua 58 năm, tôi nỗ lực ứng dụng 37 phẩm trợ đạo trong đời tu; nhờ vậy, tôi đã có nếp sống an lạc; dù cho mới tu, dù tu ở đâu và tu lúc nào, cũng thấy an lạc trong từng phút giây, đó là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị.
Đầu tiên chúng ta vào đạo bằng cách nào. Bước theo dấu chân Phật, chúng ta nhận diện được Tập đế làm chúng ta chất chồng nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống này, nên hạ quyết tâm tu Đạo đế. Đạo đế là giáo pháp căn bản Phật dạy để thấy rõ sự thật của cuộc đời, đối diện với nó và khắc phục, hóa giải những khó khăn, giúp chúng ta có được sự sống trong sáng, thuần thiện. Chúng ta hóa giải nỗi khổ niềm đau bằng cách nào.

Khởi tu, Phật dạy các Tỳ kheo tu Thiền tứ niệm xứ, đó cũng chính là pháp Thiền căn bản của Phật giáo Nguyên thủy. Riêng tôi, thực tập một cách miên mật pháp Thiền này trong nhiều năm và thường an trụ trong pháp này. Dù trên thực tế cuộc sống, tôi sinh hoạt với chư Tăng ở chùa Ấn Quang, nhưng điều chính yếu là tôi sống với Tứ niệm xứ quán để hạn chế nguyên nhân gây ra khổ đau.

Phật dạy rằng muốn giải thoát, an lạc, phải nhìn đời bằng Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã, để cuối cùng thành tựu pháp Không, đạt được tâm Không, đó là Niết bàn giải thoát.

Thử nghĩ xem cái gì làm chúng ta đau khổ. Đối tượng trực tiếp nhất làm chúng ta đau khổ là những người hay những việc mà chúng ta chướng tai gai mắt, cũng như những người hay những việc hấp dẫn chúng ta mê đắm, như sắc tướng, âm thanh, xúc chạm, mùi vị… cũng làm chúng ta đau khổ. Nhận thức như vậy, tôi bước vào cửa an lạc bằng cách đóng kín sáu giác quan trong suốt mười năm tu hành; nghĩa là không cho sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ai nói gì, tôi cũng không bận tâm, không lóng tai nghe, vì biết đó là nghiệp nhân gây ra những việc rắc rối, phiền não. Mọi việc, hay mọi người tốt xấu trước mắt tôi không quan tâm đến. Một vị Tổ diễn tả sự an lạc này bằng hình ảnh người gỗ ngắm chim vẽ. Người gỗ và chim vẽ, cả hai đều là giả hoàn toàn, làm gì có khả năng tác động vui buồn cho mình. Người tu muốn giải thoát phải trụ vô tâm là qua được cửa Không, gọi là Không môn hay giải thoát môn. Sự giải thoát không ở đâu xa xôi, khi tâm chúng ta đứng yên, trụ pháp Không, quán tất cả mọi việc, mọi người trên cuộc đời này đều là Không, thì liền được giải thoát, tất cả khổ đau nhứt thời rơi rụng.

Từ giáo pháp Nguyên thủy phát triển sang pháp Đại thừa, chư vị Tổ sư đã thể nghiệm nhiều pháp khác nhau, nhưng cuối cùng đều phải chứng được pháp Không, lấy pháp Không làm nền tảng, tức sống giải thoát là điểm chính yếu của người tu theo Phật. Theo Đại thừa Trung quán luận của Tổ Long Thọ, Ngài dạy quán không, quán giả và quán trung. Trước nhất, quán các pháp do nhân duyên sinh ra, không thật có, nên chúng ta không chấp vào đó và các pháp đều chịu sự chi phối của định luật vô thường, thì bận tâm làm chi. Lời nói gì, chúng ta cũng cho qua; việc gì chúng ta cũng xả bỏ. Tổ Thiên Thai trong bài sám Thảo Lư dạy rằng “Thị phi phủi sạch luận đàm mặc ai”. Người tu muốn hết phiền muộn, cách tốt nhất là phủi sạch thị phi. Một vị Tổ khác cũng dạy rằng “Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm. Danh lợi lòng băng với bão đêm”. Thị phi chúng ta cho rơi như hoa sứ sau mỗi đêm rụng xuống đầy sân. Tiếng khen lời chê, ăn ngon ăn dở, chùa lớn chùa bé, việc thành việc bại… tất cả rồi cũng trôi qua, đâu còn mãi. Một ngày ăn uống vừa đủ sống, không cầu kỳ tốn kém, để khỏi phải vất vả nhiều cho mệt thân và khổ tâm. Phật dạy rõ về tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống rất thiết thực giúp chúng ta vượt qua khổ đau, không phải pháp cao xa không với tới được. Chỉ cần thực hiện cuộc sống tam thường bất túc là ăn ít, ngủ ít, tiêu dùng ít là được giải thoát liền. Vì vậy, khắc phục được phần nào cái nghiệp ham muốn, đòi hỏi của mình, mà Phật gọi là phiền não, thì ta giải thoát liền phần đó. Đơn giản như bỏ nghiệp hút thuốc lá, nghiệp uống cà phê sẽ đỡ tốn tiền, đỡ bệnh tật, đỡ khổ cho đến hết khổ, không còn bị bệnh ghiền đó hoành hành.

Trong Tứ niệm xứ quán, Phật dạy chúng ta quán thân bất tịnh để đoạn trừ ham muốn về sắc dục, vì nghiệp ái dục làm khổ biết bao nhiêu người thế gian. Đơn giản như say đắm với tóc, răng, mắt, mũi, v.v… của một người thì chỉ chuốc lấy cái khổ mà thôi. Tôi nhìn một người là thùng phân biết đi, hay là cái túi da đựng đồ hôi thúi, thấy ớn quá. Phật dạy những người bị nghiệp đam mê sắc dục hành hạ, nên ra nghĩa địa nhìn thây người chết để thấy rõ là sắc đẹp nào cũng dẫn đến kết thúc đáng ghê sợ như vậy. Quán tưởng thân bất tịnh, phá bỏ ái dục là dứt được một phần lớn khổ đau trên cuộc đời; vì nghiệp ái dục nhận chìm con người trong sinh tử nặng nhất.

Giai đoạn một quán thân bất tịnh, nhưng sang giai đoạn hai, nương theo kinh Hoa Nghiêm, thấy thân người là một cỗ máy kỳ diệu, phát hiện được những khả năng kỳ diệu trong con người, để ta sử dụng được nó cho việc tiến tu giải thoát giác ngộ hoàn toàn, gọi là Tỳ Lô Giá Na Pháp thân. Nhưng Tỳ Lô Giá Na Pháp thân từ đâu mà có. Phật dạy rằng từ ngũ ấm tạo nên chúng sinh và quốc độ. Và từ thân người đi xuất gia tu hành là Thanh văn thân, thể nghiệm pháp quán 12 nhân duyên thành Duyên giác thân và làm việc cứu đời là Bồ tát thân. Như vậy, cũng phát xuất từ con người, nhưng trải qua quá trình thăng hoa từ thân phàm sang thân Thanh văn, thân Duyên giác, thân Bồ tát và sau cùng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác là chứng Như Lai thân, có trí toàn giác tiêu biểu cho Trí thân. Và dùng trí toàn giác này quán chiếu tất cả các pháp, thấy được những pháp quý giá vô cùng trong cuộc sống và sử dụng được những khả năng kỳ diệu vô tận của thân người một cách tự tại là thành tựu Pháp thân Tỳ Lô Giá Na. Thật sự chúng ta tu hành vượt qua mọi khổ đau một cách trọn vẹn nhờ phát xuất từ cỗ máy kỳ diệu là thân người và phải trải qua quá trình thăng hoa thân tâm cho đến đỉnh cao, tạo thành Pháp thân Tỳ Lô Giá Na của chính chúng ta.
Nghe tôi tụng kinh Hoa Nghiêm, Hòa thượng Thuyên Ấn đã tặng tôi hai câu đối:

Giác Vô thượng giác, ngộ Tỳ Lô tánh, hiện Tỳ Lô thân, ứng Tỳ Lô dụng. Tánh, thân, dụng viên dung mạc trắc.
Hoàng siêu tuyệt hoàng, nhập Như Lai cung, trước Như Lai y, ngự Như Lai tòa. Cung, y, tòa vi diệu nan tư.

Ngộ Tỳ Lô tánh là tánh sáng suốt mà ba đời mười phương chư Phật đạt được, nhờ đó thấu suốt thật tướng các pháp, biết rõ tất cả các pháp Thánh phàm, chơn vọng, Phật hay chúng sinh đều do nhân duyên tạo nên. Kinh Pháp Hoa diễn tả đó là Thập như thị. Cũng là con người nhưng phải gánh chịu khổ đau, nếu không biết khai thác mặt tốt của thân mà chỉ phát triển mặt xấu ác, phiền não; trái lại, biết chuyển hóa cuộc sống khổ đau thành an lạc, giải thoát cho bản thân và làm lợi ích cho chúng sinh thì bấy giờ thân người quả là quý báu và kỳ diệu vô cùng.

Thật vậy, sử dụng thân tâm kỳ diệu này để quán sát tất cả các pháp trong vũ trụ, chúng ta thấy rõ có những việc mà người hữu hình mới làm được, còn Bồ tát vô hình mặc dù rất giỏi, nhưng không thể làm được, vì các Ngài không có thân, nên phải dùng lực vô hình hỗ trợ cho  người hữu hình để người hữu hình làm. Chính vì vậy, Đức Phật ở Niết bàn muốn cứu khổ độ sinh, Ngài phải hiện thân con người, tức phải có được cỗ máy kỳ diệu của thân tứ đại ngũ uẩn mới có thể gần gũi, giảng dạy, cứu độ được mọi người và mới thành tựu viên mãn Bồ tát hạnh, để đạt đến quả vị Phật.

         Người tu phải nhận ra tánh Tỳ Lô vạn năng tiềm ẩn trong sanh thân kỳ diệu để từ đó chúng ta phát hiện Pháp thân Tỳ Lô. Cũng sanh thân này, nhưng Chánh pháp đem vào thì Pháp thân hiện ra. Nghĩa là tuy mang thân người, nhưng biết nương theo Tứ Thánh đế tu tập, chuyển hóa thành người đức hạnh, thì thân người đó tiêu biểu cho giới đức Pháp thân. Tu hành mà không có giới đức thì chỉ là tu sĩ trên hình thức. 

Đức Phật lúc mới 8 tuổi, Ngài theo vua cha đi dự lễ hạ điền, thấy vua Tịnh Phạn cày xới đất làm đứt con trùng, Ngài cảm thấy đau xót và trông thấy con quạ đáp xuống ăn con trùng, Ngài cũng buồn, nên không dám nhìn nữa. Ngài đến ngồi dưới gốc cây và nhập Từ bi quán; lúc đó vua cha thấy Ngài hiện ra 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Cũng là thân Thái  tử, nhưng nhập Từ bi quán thì con người thuần thiện bên trong lộ ra, hay giới đức Pháp thân của Ngài  hiện ra. Ngày nay, điều này chúng ta dễ nhận thấy trên thực tế, nhiều vị nhập Từ bi quán trông thật dễ mến, nhưng lúc khởi ý niệm khác, thì hảo tướng biến mất. Trên bước đường tu, cần cố gắng nuôi tâm từ bi hiện hữu liên tục để không rớt trở lại cuộc sống khổ đau.

Ngài Huyền Giác dạy rằng huyễn hóa sanh thân tức Pháp thân. Sanh thân cũng là Pháp thân nếu biết sử dụng tánh sáng suốt và thanh tịnh; nhưng không biết vận dụng tánh sáng suốt, mà sống với vô minh phiền não thì khổ đau trầm luân cũng là ta, không ai khác.

Ngộ Tỳ Lô tánh, chuyển đổi thân tội lỗi này thành thân giới đức là được một phần của Pháp thân, thì tiếp theo phần thứ hai, đi vào định, tâm hoàn toàn đứng yên. Như đã nói, phút thứ nhất, Phật nhập từ bi quán, phút thứ hai, Ngài trụ Sơ thiền, đạt được Ly sanh hỷ lạc, thân ngũ uẩn không còn tác động tâm và 32 tướng tốt hiện ra, đó là Định pháp thân. Tu theo Phật, chúng ta luôn sống với định thì hoàn cảnh bên ngoài không tác động được, lòng chúng ta hoàn toàn rỗng lặng, thanh tịnh.

            Như vậy, từ quán Không và thành tựu Tứ niệm xứ quán của tụ thứ nhất, bước qua tụ thứ hai, đạt được đỉnh cao của Tứ chánh cần thì “tịnh” là thiện và “động” là ác; đây là thiện ác tuyệt đối. Vì vậy, hễ chúng ta khởi tâm động niệm, dù làm việc thiện cũng trở thành việc ác. Cái khó chính ở điểm này. Trên thực tế, nhiều người làm việc từ thiện, nhưng làm bằng tâm tính toán lợi hại, làm bằng tâm cầu danh, tức là tâm loạn động, không thanh tịnh, mà tâm động là tâm ác, nên phải kết thành quả báo xấu. Vì vậy, họ làm việc thiện nhưng cuộc sống của họ lại đi xuống và phiền muộn, bực tức nhiều thêm. Riêng tôi, nhận chân được cái lý này, trên bước đường hành đạo, bằng mọi cách tôi giữ tâm mình cho thật thanh tịnh, làm được Phật sự hay không cũng không sao; cố gắng trụ định, để tâm thanh tịnh, vì nếu ráng làm cho được việc mà dẫn đến tâm bị loạn động, không thanh tịnh, chắc chắn sẽ bị đọa lạc. Loại bỏ tâm khổ đau và gìn giữ tâm thanh tịnh là con đường của đệ tử bước theo dấu chân Phật.

         Thực hiện tụ thứ nhất là Tứ niệm xứ quán, chúng ta chỉ nhớ một chữ KHÔNG, tiến sang tụ thứ hai, thực hành Tứ chánh cần là nhớ chữ TỊNH. Và đạt được tâm thanh tịnh, chúng ta chứng được Định pháp thân. Cuộc sống của Tỳ kheo khác với người đời nhờ quán KHÔNG, không bị cuộc đời chi phối và quán được TỊNH, nên không bị phiền não nhiễm ô, được tự tại giải thoát. Có một lần Đức Phật hướng dẫn các Tỳ kheo đi hành đạo, gặp một ông chủ mất bò, ông ta khổ sở, hớt hơ hớt hải chạy đi tìm bò. Đức Phật mới chỉ ông này mà nói với các Tỳ kheo rằng các thầy được an lạc vì không có con bò nào để mất, vì tâm không vướng mắc vào sở hữu vật chất.

      Chúng ta trụ định để có cái THIỆN tuyệt đối, được giải thoát liền, không hề có bóng dáng của khổ đau. Chỉ mới thực hành pháp quán Không của Tứ niệm xứ và quán Tứ chánh cần, đệ tử Phật đã được an lạc, giải thoát trong cuộc sống cho bản thân mình và làm cho người hữu duyên được an lạc, giải thoát theo. Và còn rất nhiều các pháp khác cần thể nghiệm cho được trên lộ trình Bồ tát đạo để dẫn đến mục tiêu tối hậu là giải thoát hoàn toàn, đạt được  quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

          Tóm lại, con đường vượt khổ đau duy nhất là sống theo giáo pháp Phật. Kinh Pháp Hoa nói rằng có một cánh cửa nhỏ gọi là Không môn mở ra chân trời giải thoát, an lạc. Còn kẹt trong trần gian, không qua cửa giải thoát được thì muôn đời trầm luân trong khổ đau sinh tử. Và từ cánh cửa thứ nhất là Không môn giải thoát, hành giả từng bước thể hiện những pháp giải thoát siêu tuyệt hơn trên lộ trình Bồ tát đạo, cho đến giải thoát vĩnh hằng bất tử của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì hành giả hiện hữu ở nơi nào cũng là Cực lạc, hay Niết bàn của chính mình và cho mọi người.

HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com