Khi còn là Thái tử, Đức Phật đã nhận thấy cuộc đời này là biển khổ. Thực tế cuộc sống phơi bày trước mắt Ngài những cảnh khổ của kiếp con người, ngay từ khi sinh ra đời, con người đã bắt đầu nếm mùi khổ và theo thời gian tuổi càng lớn, sức khỏe càng giảm sút, thì xác thân lẫn tinh thần đều khổ và con người càng khổ đau hơn nữa với đủ thứ bệnh tật không mời mà tới, bất chấp tuổi tác, để rồi sau cùng kết thúc cuộc sống của con người bằng cái chết cũng đầy nước mắt mà cũng không kể gì lớn nhỏ già trẻ. Đó là khổ đau tất cả mọi người mang thân tứ đại ngũ uẩn hiện hữu trên nhân gian đều phải cam chịu trước quy luật muôn đời là sanh già bệnh chết. Vì vậy, trong Tứ Thánh đế, Đức Phật đã đề cập đến Khổ đế trước nhất, tức khổ đau là chân lý thứ nhất mà Đức Phật nhận chân chính xác.
Đức Phật cũng thấy rõ cuộc sống của tất cả các loài trong sáu đường sinh tử, đối với những loài hạ đẳng sinh tồn theo bản năng thì chúng nhai nuốt lẫn nhau để sống. Còn loài người được coi là sinh vật có đẳng cấp tâm linh cao nhất, thì cuộc sống của họ khổ đau chẳng những vì bất lực trước vấn đề sanh, già, bệnh, chết, mà còn vì lòng tham vô bờ bến thúc giục, vì sự phẫn nộ vô giới hạn bùng lên và vì sự mê muội quyết đoán. Chính ba tánh độc hại là tham lam, bực tức, si mê khiến con người thường lừa dối nhau, hiếp đáp nhau, cướp đoạt của nhau, cho đến tàn sát lẫn nhau không thương tiếc, tạo nên vô số khổ đau cho chính mình và cho mọi người. Bức tranh sống trên khắp năm châu vẫn còn đang tô màu máu của không ít những cuộc chiến tranh, những cuộc kỳ thị, bóc lột, hiếp đáp, nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt, v.v… tất nhiên đã gây ra cho nhân loại biết bao nhiêu là nỗi thống khổ không kể xiết mà Đức Phật thường gọi thế giới khổ đau cùng cực ấy là Nhà lửa tam giới.
Đối trước biển khổ trầm luân trăm ngàn muôn kiếp tái diễn như thế, Đức Phật từ bỏ nếp sống cao sang và quyền uy của bậc đế vương, Ngài dấn thân trên con đường cát bụi để tìm cho được phương cách giúp Ngài và mọi người thoát khỏi kiếp sống khổ đau triền miên và sống an lạc giải thoát vĩnh hằng. Và Đức Phật đã thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề, nghĩa là Ngài tìm ra phương cách sống an vui, giải thoát mãi mãi, vĩnh viễn không có bóng dáng khổ đau. Ngài đã bước ra từ thế giới an lành vĩnh cửu để dìu dắt mọi người cùng đi trên con đường an bình thánh thiện trong từng giờ, từng ngày, từng kiếp sống hiện tại và nhiều kiếp tương lai, cho đến thâm nhập cõi giải thoát, an lành tuyệt đối ấy.
Trong biển khổ sinh tử của con người, Đức Phật không chỉ nhận thấy những hiện tượng vật chất là sanh già bệnh chết làm cho con người khổ đau, Ngài còn nhận ra nguồn gốc sâu xa vô hình gắn kết chặt chẽ đời này với kiếp trước đã tạo ra vô vàn khổ đau cho con người mà mắt thường không thể thấu tỏ. Thật vậy, bằng huệ nhãn, Đức Phật thấu rõ kiếp sống của chúng sinh trong sáu đường sinh tử luân hồi, từ địa ngục A tỳ cho đến trời Sắc Cứu cánh, luôn luôn đổi thay, dù có được hạnh phúc theo cái nhìn của thế gian, thì trong cái vui tạm bợ đó đã chứa sẵn mầm mống của khổ đau, đừng nói chi đến cái khổ, rõ ràng là từ cái khổ này làm nhân tạo ra cái khổ khác, khổ đau chồng chất lên đau khổ cho con người.
Chính vì thấu triệt tác nhân chính yếu gây khổ đau cho con người, Đức Phật đã đặt vấn đề giải thoát là trọng điểm trước nhất cần đạt cho được, nếu muốn thoát khổ. Và giải thoát không phải là chạy trốn khỏi cuộc đời này, không phải là giải thoát khổ đau trần thế, nhưng chính yếu là giải thoát khổ đau trong chính tâm con người và giải thoát luôn cả khổ đau trong sáu nẻo luân hồi; vì dù làm chư Thiên được hưởng hạnh phúc nhất trong sáu loài vẫn còn bị đọa, nên vẫn còn khổ đau.
Để giải thoát khỏi kiếp sống sinh tử luân hồi và đạt đến sự giải thoát hoàn toàn là Niết bàn hay Tịnh độ, theo Phật, chúng ta cần chuyển hóa thân tâm cho thanh tịnh, sáng suốt, không nhiễm ô tội lỗi, bằng cách thể nghiệm những giáo pháp căn bản thuộc 37 trợ đạo phẩm cho đến những thiện pháp của Bồ tát. Và khi cuộc sống chúng ta được trang nghiêm bằng phước đức và trí tuệ, tất nhiên tâm chúng ta hoàn toàn thanh thản, trong sáng, an lạc thì dù có còn sắc thân này, hay không còn sống trên cuộc đời và đang ở bất cứ cảnh giới nào, chắc chắn chúng ta vẫn luôn luôn được giải thoát, an lạc.
Chính vì vậy, thiết nghĩ đạo Phật không chấp nhận việc giải quyết tình trạng khổ đau vật lý của thân người theo cách mà khoa học hiện đại đang đề xướng, gọi là “an tử”; vì đó không phải là phương cách giúp cho người “được chết” chấm dứt khổ đau. Thật vậy, người bệnh không chỉ khổ đau vì bị thân bệnh hành hạ, như đã nói, nguyên nhân chính của khổ đau là ở tâm. Vì thế, nếu giúp họ “an tử” thì họ vẫn không thể “an” được sau khi chết; vì dù có chấm dứt được cái đau vật lý của thân xác, linh hồn của họ, hay thần thức của họ vẫn còn đau khổ, tức họ vẫn sống trong đau khổ ở trạng thái của trung ấm thân, sự khổ đau này càng đáng sợ hơn và càng khó chuyển hóa hơn nữa. Bởi lẽ “hồn ma” tự ý thức để chuyển hóa tâm của họ chắc chắn là việc khó làm, mà đối với chúng ta, việc an ủi và khuyến hóa một “hồn ma” chuyển hóa được tâm phiền não, thù hận, khổ đau, tuy có thể làm được, nhưng thật sự không đơn giản. Và với cái tâm khổ đau ấy làm tác nhân dẫn họ đi tái sinh vào bất cứ cảnh giới nào, thì cuộc sống của họ sẽ vẫn tiếp tục “hưởng khổ” nữa. Vì vậy, hóa giải nỗi khổ niềm đau trước khi chết mới quan trọng. Đức Phật đã từng thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn nghe trước khi chết và Ngài cũng dạy Mục Kiền Liên, A Nan đến ngục thuyết pháp cho Tần Bà Sa La để giải oan nghiệp với vua A Xà Thế.
Trên lộ trình bước theo dấu chân Phật, sống an lạc, chết mới siêu thoát; đó là vấn đề cần ý thức tường tận để mỗi người nỗ lực xây dựng nếp sống giải thoát, an lạc ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và đó chính là hành trang tốt đẹp nhất mà mỗi người chúng ta mang theo cho kiếp lai sinh ở bất cứ cảnh giới nào, chúng ta cũng luôn có cuộc sống giải thoát, an lạc cho chính mình và cho mọi người hữu duyên với mình.
HT. Thích Trí Quảng