Nói đến Bồ tát, chúng ta nhớ đến kinh Pháp Hoa là bộ kinh mà Đức Phật dạy cho các vị Bồ tát và được Đức Phật hộ niệm, nên kinh này còn có tên là Giáo Bồ tát pháp, Phật sở hộ niệm kinh.
Mở đầu kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa thứ nhất cho chúng ta thấy sự hiện hữu của Bồ tát mười phương như sau: “Tám vạn Bồ tát chuyển được pháp luân bất thối, tâm từ trải khắp trong các cõi nước, được Phật khen ngợi vì họ đã từng cứu độ vô số chúng sanh thoát khỏi khổ não”. Ngoài ra, trong phẩm Tùng địa dũng xuất thứ 15, còn có vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuất, thân màu hoàng kim, đủ các tướng tốt, đạo hạnh viên mãn xuất hiện ở Ta bà; nhưng tất cả chúng hội không thấy, không biết, kể cả Di Lặc Bồ tát là người thừa kế Đức Phật Thích Ca cũng không biết các vị Bồ tát này.
Đối với chúng ta, nhất là người tu Pháp Hoa, nếu thể hiện yếu nghĩa của Phật dạy trong cuộc sống, sẽ được chư vị Bồ tát mười phương và Bồ tát Tùng địa dũng xuất hộ niệm, mà chúng ta không thấy, không biết các Ngài, dù các Ngài luôn duy trì Phật pháp tại nhân gian tồn tại, làm lợi ích cho chúng hữu tình.
Riêng tôi, tin tưởng mãnh liệt vào sự gia bị của các vị Bồ tát. Thật vậy, các Phật sự mà tôi làm trên 50 năm, tôi luôn nghĩ rằng nhờ các vị Bồ tát này trợ lực, nên các Phật sự mới thành tựu viên mãn. Vì thế, tôi tâm đắc nhất khi nghe Tổ Huệ Đăng dạy rằng người trì tụng Pháp Hoa chỉ cần tụng quyển thứ bảy trong thời mạt pháp cũng được đầy đủ công đức. Và tôi nhận thấy nội dung quyển thứ bảy nói về mô hình hành Bồ tát đạo của những vị Đại Bồ tát kiểu mẫu là Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, Diệu Trang Nghiêm và Phổ Hiền.
Vì trang báo có giới hạn, tôi chỉ nói đôi nét chính yếu về công hạnh siêu tuyệt của Bồ tát Dược Vương và Bồ tát Quan Âm, hai vị Bồ tát rất dễ mến, được nhiều người kính trọng, tôn thờ ở thế giới Ta bà này. Qua phẩm Dược Vương Bồ tát bổn sự, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta hình ảnh Bồ tát Dược Vương, Ngài đã thể hiện tư chất của một hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu nổi bật với hạnh làm đạo không tiếc thân mạng.
Thật vậy, Bồ tát Dược Vương đã đốt tay và đốt thân để cúng dường Đức Phật. Thân ngũ uẩn của Bồ tát đã cháy, nhưng không phải là bị tiêu hủy rồi mất luôn, mà thân vật chất đốt cháy để chuyển đổi thành Pháp thân Bồ tát, cho nên chúng sinh luôn kính trọng Bồ tát và muốn gần gũi, muốn thấy Pháp thân Bồ tát, nên Ngài mới có tôn danh là Nhứt thiết chúng sanh Hỷ kiến Bồ tát.
Bồ tát Dược Vương còn chứng đắc Hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Nghĩa là Ngài hiện thân tương ưng với tâm niệm của chúng sinh, họ muốn thấy thân hình nào thì Bồ tát sẽ hiện hình đó; còn kẹt thân ngũ uẩn là thân hình cố định thì không thể tiếp độ chúng sinh. Nói cách khác, Bồ tát luôn đến với người đúng theo yêu cầu của họ, để từ đó Bồ tát chuyển hóa họ theo nếp sống Bồ tát, không phải thỏa mãn những đòi hỏi vô ích cho họ.
Ngoài ra, trong kinh Pháp Hoa nói Bồ tát Dược Vương tu chứng được pháp Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà la ni, cho nên Ngài hiểu tường tận chúng sinh nghĩ gì, muốn nói gì. Trong khi phàm phu thì thích bắt người khác nghe mình, hiểu mình, mà không chịu hiểu người ta muốn gì. Áp đặt người ta nghe theo, chẳng ai nghe đâu. Quan trọng là phải hiểu người, trong kinh gọi là đà la ni, hay huệ giải giúp chúng ta nhận ra được tâm niệm của chúng sinh. Đức Phật giới thiệu Bồ tát Dược Vương, nhằm chỉ dạy chúng ta tu Bồ tát đạo phải biết lóng nghe, thông cảm và giải quyết tốt đẹp cho người, mới tạo được công đức.
Hành Bồ tát đạo của Bồ tát Dược Vương với hai pháp sở đắc là Hiện nhứt thiết sắc thân tam muội và Giải nhứt thiết chúng sinh ngữ ngôn đà la ni, đã được triển khai cụ thể thành công hạnh cứu khổ độ sinh của Bồ tát Quan Âm qua 32 ứng hiện thân của Ngài.
32 ứng hiện thân của Bồ tát Quan Âm ở thế giới Ta bà, hay nói đúng hơn, chúng sinh cần gì thì Đức Quan Âm hiện thân đó đáp ứng. Bồ tát Quan Âm có thể hiện thân cao quý nhất là Phật thân hay hiện thân Bồ tát, Thanh văn, cho đến hiện thân Phạm Thiên, Đế Thích, hay tiểu vương..., thậm chí Ngài còn xuất hiện thân tầm thường như trẻ con. Tất cả hiện thân như vậy của Bồ tát để đáp ứng yêu cầu của mọi người ở mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Bồ tát Quan Âm được tôn thờ, kính lễ vì Ngài có tâm từ bi bao la vô cùng và quyền năng siêu phàm; cho nên Ngài cứu giúp mọi người vượt qua tai nạn hiểm nguy, hoặc đạt được sở nguyện như ý. Và điều quan trọng nhất là tiếp nhận được từ lực của Bồ tát Quan Âm gia hộ thì người đó sẽ dần dần phát triển tâm từ và làm lợi ích cho chúng sinh.
Tóm lại, từ hạnh nguyện của Bồ tát Dược Vương và Bồ tát Quan Âm với quyền năng vô hạn mà chúng ta kính ngưỡng, tôn thờ, trở lại thực tế cuộc sống, theo tôi, tất cả mọi người thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội có việc làm mang lại an vui cho đời và giúp đỡ người vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống tốt đẹp, thì họ chính là thị hiện của Bồ tát Dược Vương và Bồ tát Quan Âm.
Trì tụng Pháp Hoa, chúng ta cần hiểu rõ hành trạng của các vị Bồ tát. Học theo hạnh nguyện của các Ngài, tâm hồn chúng ta sẽ thanh tịnh, trong sáng giống như các Ngài và áp dụng được hạnh đức của các Ngài thì hành động và việc làm của chúng ta cũng lợi lạc cho mọi người giống như các Ngài. Thực hiện hạnh Bồ tát Dược Vương, Quan Âm và chư vị Bồ tát, để tự trang nghiêm thân tâm mình, chúng ta sẽ thành tựu công đức, sẽ là nơi nương tựa an lành cho chúng sinh và chúng ta sẽ tiến gần đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
HT ThíchTrí Quảng