Đức Phật Niết bàn, các Thầy tìm Phật ở đâu? Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời để lại cho chúng ta những dấu vết rất đặc biệt, đó là Đức Phật có một cơ thể rất khỏe mạnh, có trí tuệ tuyệt vời và một sự nghiệp vĩ đại là tám muôn bốn ngàn pháp chuyển hóa được tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sinh trong sanh tử.
Tích môn nói về Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên cuộc đời này và trong suốt 49 năm, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, sau đó, Đức Phật nhập diệt.
Bổn môn nói về Đức Phật vĩnh hằng bất tử ở Tịch Quang chơn cảnh và pháp của Ngài là chân lý tuyệt đối mà trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca khẳng định rằng “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng”, nghĩa là chỉ chư Phật mới có khả năng thấy được tướng chân thật của các pháp. Trong khi Bồ tát chỉ thấy được một phần tướng chân thật của các pháp; tất nhiên hàng phàm phu thì hoàn toàn tuyệt phần, không thể nào thấy được tướng chân thật. Vì vậy, có thể hiểu rằng chân lý tuyệt đối chỉ hiện hữu ở thế giới của chư Phật; còn tất cả những gì Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta trên cuộc đời này đều là phương tiện để Ngài dẫn chúng ta đến chân thật pháp.
Chính vì chỉ có chư Phật mới hiểu được pháp chân thật, hay chân lý tuyệt đối không thể dùng lời nói diễn tả cho chúng sinh ở trong sinh tử tiếp nhận được, cho nên sau khi thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Đức Phật Thích Ca muốn vào Niết bàn. Lúc bấy giờ, Trời Phạm Thiên hiện ra thỉnh Phật thuyết pháp đến ba lần. Đồng thời mười phương Phật cũng khuyên Đức Phật Thích Ca nên ở lại nhân gian và sử dụng pháp phương tiện để cứu độ chúng sinh. Nghe lời nhắc nhở của chư Phật và lời thỉnh cầu của Phạm Thiên, mà Đức Phật Thích Ca đã từ tịch diệt tướng trở lại Ta bà mang thân Tỳ kheo. Điều này cho thấy sự hiện hữu của hai thế giới, thế giới tu chứng của Phật là thế giới tịch diệt, tức Bổn môn là gốc và thế giới sinh tử của chúng ta đang tu tập theo Tích môn.
Tất cả các Đức Phật đều từ thế giới gốc là Bổn môn mà hiện thân trên cuộc đời và khi mãn duyên giáo hóa, các Ngài trở về nguồn cội đó. Vì vậy, khi có một vị cao Tăng viên tịch, các Hòa thượng thường đến kim quan và dùng tích trượng gõ ba tiếng để nhắc nhở vị đó rằng từ đâu đến đây thì hãy trở về nơi đó; nghĩa là các Ngài từ tịch diệt tướng hiện hữu trên cuộc đời để độ sinh rồi thì xin trở về thế giới không sanh diệt. Nhưng nếu người mất là một Tỳ kheo mới phát tâm tu, đang ở trong sanh diệt, không phải từ tịch diệt tướng hiện thân lại, thì chúng ta không thể nói câu này được; vì nếu nói như vậy, chẳng lẽ chúng ta bảo họ trở về thế giới sanh diệt hay sao.
Bổn môn phân ra thế giới sanh diệt và thế giới vô sanh. Chúng ta đang ở trong sanh diệt mà muốn tìm về thế giới vô sanh là truy tìm về cái gốc, tu Thiền gọi là tìm dấu chân trâu. Một Thiền sinh đi tìm mười con trâu khác nhau, nghĩa là từ thế giới sanh diệt này trở về tịch diệt tướng phải trải qua mười giai đoạn khác nhau. Vì vậy, phải tìm dấu chân trâu xem trâu về đâu để cuối cùng bắt được nó.
Đức Phật Niết bàn, các Thầy tìm Phật ở đâu? Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời để lại cho chúng ta những dấu vết rất đặc biệt, đó là Đức Phật có một cơ thể rất khỏe mạnh, có trí tuệ tuyệt vời và một sự nghiệp vĩ đại là tám muôn bốn ngàn pháp chuyển hóa được tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sinh trong sanh tử.
Chúng ta thường tán thán tư cách siêu tuyệt của Đức Phật trong thời kinh mỗi ngày rằng “Thế gian sở hữu ngã tận kiến. Nhứt thiết vô hữu như Phật giả”. Vì qua lịch sử văn minh của loài người, tức chúng ta tìm trong mười phương thấy rằng tất cả các vị Thánh trên cuộc đời này đều có điều cao cả, nhưng không ai có thể sánh bằng Đức Phật. Hòa thượng Minh Châu đã nói rằng Ngài sung sướng khi được làm đệ tử Phật. Tôi cũng vậy, rất tâm đắc được làm con của Phật và sung sướng tìm được dấu vết của Phật quá vĩ đại. Thiết nghĩ tu theo Phật mà không có được ý niệm đó thì khó đi xa trên đường đạo.
Đức Phật sanh ra đời đã vượt trội hơn tất cả mọi người :
"Sanh ra dòng họ cùng dung sắc
Tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ
Các ma, ngoại đạo không phá được
Kham làm phước điền cho ba cõi.
Mau đến cội Bồ đề thọ vương
Ngồi an hàng phục các chúng ma
Thành đạo Chánh giác nói pháp mầu
Khắp lợi tất cả loài hàm thức"
Phổ Hiền Bồ tát đã thấy được những tố chất siêu tuyệt của Đức Phật, nên Ngài ca ngợi Phật như vậy. Lịch sử cũng ghi rõ dòng giống hoàn hảo của Đức Phật là trong bảy đời liên tục, dòng tộc của Ngài đều là bậc minh vương hiền đức và đến thái tử Sĩ Đạt Ta là đời thứ tám, Ngài đã vứt bỏ tất cả quyền uy của thế nhân để đi tìm chân lý.
Phật Tổ của chúng ta tuyệt vời như vậy, làm sao mà không sung sướng được làm con của Ngài:
"Chim hót trên vai, sương phủ áo
Hưu kề bên gối, tuyết đơm hoa
Thử hỏi ai tìm chân lý ấy
Bên bờ sông giác Đức Thích Ca"
Đức Phật Thiền định, tâm hoàn toàn tịch diệt đến mức độ cầm thú không sợ, chim đến đậu trên vai Ngài cảm thấy hoàn toàn an lành. Tôi từng trải nghiệm pháp này khi tu ở núi rừng; nếu chúng ta sống trong vô thức thì chim muông coi mình như gỗ đá vậy.
Đức Phật tu khổ hạnh đến mức da bụng dính với xương sống, không ai sánh bằng Ngài về pháp hành này. Ngày nay nếu chúng ta muốn bắt chước Phật về pháp khổ hạnh thì nên cân nhắc. Lúc ở Nhật, Hòa thượng KoNo đã chỉ cho tôi xem những ngôi mộ của các Sa di không có năng lực nhưng muốn làm Thánh, nên phải bỏ thân mạng. Một Tỳ kheo bệnh mà muốn làm Thánh Tăng thì sẽ tự chuốc họa vào thân. Trên bước đường tu, chúng ta phân ra Thánh Tăng, Hiền Tăng, phàm Tăng và nghiệp Tăng. Tu hành mà bệnh hoạn liên miên là biểu hiện của nghiệp chướng cho đến phải bỏ thời khóa tụng niệm, tham Thiền. Khi còn là Sa di, tôi nhận ra mình là nghiệp Tăng, nên buổi chiều cần ăn cháo cho khỏe; còn bắt chước cao Tăng nhịn đói sẽ sanh ra bệnh cho đến mất mạng. Trước kia, Hòa thượng Quảng Đức tuyệt thực khác với mọi người, vì Hòa thượng đã trì kinh Pháp Hoa 49 năm và đúng vào năm đó, Ngài phát nguyện tự thiêu để trắc nghiệm Pháp Hoa tam muội mà Ngài đã chứng đắc. Mọi người đều kính trọng trước việc làm cao quý của Ngài, trong số đó Bác Hồ đã làm câu đối ca ngợi Ngài rằng:
"Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng uy thiên nhựt nguyệt
Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà"
Người ta đã ghi danh của Ngài vào sách danh nhân thế giới. Khi tôi sang Nhật tu học, Hòa thượng Viện trưởng Đại học Rissho hỏi tôi về việc Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu. Tôi giải thích rằng chính mắt tôi thấy lửa cháy bao phủ cả thân mà Ngài vẫn ngồi yên định tĩnh. Thuở nhỏ, tôi thọ Sa di có đốt một liều hương trên đầu để cúng dường Phật, nhưng tôi có cảm giác nóng đến 12 giờ đêm cũng không ngủ được. Còn Hòa thượng Trí Hữu đốt hương khắp cả hai cánh tay và đốt rụng một ngón tay mà không thấy nóng. Thiết nghĩ nếu chúng ta thực tu và có căn lành thì được Phật hộ niệm và làm được những điều mà người thường không thể làm. Từ sự tu chứng của các vị Thánh Tăng, cao Tăng giúp chúng ta hiểu Phật, thấy Phật cao cả dường nào. Hiểu Phật sâu sắc như vậy, các anh em mới phát tâm quyết lòng tu tập theo Phật, từ đó, cuộc đời này đối với chúng ta không có ý nghĩa và chỉ lo nỗ lực tu hành. Nếu không được như vậy, chắc chắn ở mãi trong sanh tử.
Theo tôi, giữa thế giới Phật và thế giới sanh tử này có khoảng chân không, cho nên chúng ta muốn vượt qua thế giới sanh tử để vào Niết bàn rất khó. Vì vậy, Phật đã nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng là phải tới cửa Không. Một Thiền sư đã nói ý này rằng:
"Không môn bất khẳng xuất
Đầu song giả đại si
Bá niên án cố chỉ
Hà nhựt xuất đầu thì"
Tu hành mà không vào được Không môn là “Đại si”, vì phí phạm cả cuộc đời mình một cách vô ích. Không môn, tức cánh cửa Không ngăn cách thế giới sanh tử và Niết bàn. Muốn tiến tu, phải dùng Thiền tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, nghĩa là cuối cùng chúng ta không có gì cả, để nhập Không môn.
Có thể lấy ví dụ cho dễ hiểu, giữa thế giới sanh tử và Niết bàn có một khoảng không ví như giữa trái đất và mặt trăng cũng có khoảng không và hỏa tiễn được phóng vào khoảng không này nằm ngoài sức hút của trái đất. Cũng vậy, người tu cần phải dụng công hết sức, dùng thân tứ đại tu gia hạnh ví như hỏa tiễn và dùng tâm dũng mãnh làm nhiên liệu để đốt hỏa tiễn đưa vào chơn Không. Còn tu chơi chơi, chắc chắn chẳng được gì, ở mãi trong sanh tử. Phải dùng toàn lực của thân tâm mới đẩy mình ra khỏi sự chi phối của ngũ ấm ma.
Trên bước đường tu, chúng ta luôn bị kẹt trong tứ ma, mà lớn nhất là ngũ ấm ma, tức thân vật chất. Đốt thân vật chất, hay thoát khỏi sự trói buộc của thân tứ đại để tạo sức mạnh đưa tâm linh chúng ta ra khỏi sanh tử, mới rớt vô chơn Không, không còn bị ngũ dục chi phối. Được như vậy là chứng sơ quả Tu đà hoàn, mới vào trong chơn Không, mới ra khỏi sức hút của ngũ dục, chứ chưa phải Niết bàn. Ở sơ quả Dự Lưu này, Hòa thượng Thanh Từ gọi là đứng ở cửa chùa. Đối với người tu Tịnh độ cũng phải ở trong tâm Không, tức tâm trí đứng yên như an trụ Thiền định, mới vào Cực Lạc được. Vì tới cửa Không này thì Phật Di Đà mới phóng quang tiếp độ. Chư Phật đều đến chỗ Không này để tiếp độ chúng sinh hữu duyên. Đến đây, Nguyên thủy gọi là Dự Lưu, Đại thừa gọi là thập trụ Bồ tát, không bị vật chất chi phối, quên cả vui buồn vinh nhục của thế nhân.
Hòa thượng Thiền Tâm đã nói :
"Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm,
Danh lợi lòng băng với bão đêm"
Hai câu này thật tuyệt vời mà người tu phải đạt cho được. Thấy thị phi, chúng ta coi như hoa sứ rơi rụng trên đất. Người ta nói đúng sai, mình không bận tâm, vì họ là người ở trong sanh tử, chúng ta nghe họ để ở trong sanh tử hay sao.
Chúng ta cố gắng nhập Không môn để nghe Phật, nghe Thánh Hiền, không cần nghe trần gian. Và vào được cửa Không rồi, thì bấy giờ Phật là Thầy của chúng ta, chư Bồ tát là bạn đồng tu với chúng ta. Còn ở trần gian, chúng ta có Thầy là phàm phu, bạn là nghiệp chướng; cho nên, có khi vui, có khi buồn, có lúc cãi nhau, đó là Thầy và bạn trong sanh tử.
Ý thức như vậy, khi tôi còn ở Phật học đường Nam Việt, tôi luôn tránh xa các Thầy cãi nhau; vì tôi nghĩ đường của mình cần phải đi thì còn xa, việc mình cần làm còn nhiều, phải cố gắng vượt đường xa và làm cho hết việc đáng làm. Ý này được Đức Phật nhắc rằng các Tỳ kheo phải vững tiến trên con đường phạm hạnh, bỏ lại phía sau những con ngựa ốm, ngựa què. Có lập chí như vậy, các anh em sẽ phục vụ được đạo pháp và tìm được nếp sống giải thoát cho mình.
Tôi đã 73 tuổi, nhưng chưa độ nổi một đệ tử, vì tôi đi xe nhỏ (xe dê), độ mình còn chưa xong. Thấy các Thầy trẻ dắt một đoàn đệ tử theo sau mà tôi khiếp sợ. Hòa thượng Trí Tịnh thường nhắc rằng mình hãy tự xét xem có phải là Bồ tát lớn hay không mà dám độ sanh. Phải cố gắng độ mình trước đã; không độ mình được thì độ đệ tử sớm, không khéo nửa chừng hoàn tục, bỏ học trò bơ vơ, khổ sở, đi tới không được mà thụt lui cũng không xong.
Riêng tôi một mạch lo tiến tu, để kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa mới độ người, thậm chí đối với những chúng sinh cang cường, tôi hẹn thành Phật sẽ độ họ, gọi là thệ nguyện an lạc. Điều này được Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa, phẩm An Lạc Hạnh về thân, khẩu, ý an lạc và thệ nguyện an lạc. Đầu tiên, chúng ta phải đem thân đặt vào chỗ an mới an được; nghĩa là đặt thân vô thiểu dục tri túc, hạn chế tối đa lòng ham muốn, để không lệ thuộc vật chất, vì càng ít lệ thuộc vật chất thì càng được giải thoát.
Đặt mình vô chỗ nguy là vô chỗ có vật chất quyền lợi nhiều, chắc chắn ở đó nhiều người tranh giành, thì làm sao mình yên được. Thực tế cho thấy một số Thầy tu chưa cao mà mua sắm đất, hoặc tự chiếm đất cất am cốc là tự đem mình vô chỗ bất an, làm sao tu. Về chùa Phổ Quang tu hành, cơm có sẵn, chùa có sẵn, đặt thân vô chỗ này an mà không chịu.
Có tinh thần tri túc là ta tu được, không bận tâm đến đời sống vật chất, dễ dàng đi sâu vào thế giới an lạc và dễ thấy Phật. Đem đặt mình vào chỗ an là chỗ Không. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa tới được chỗ Không, tâm chưa hoàn toàn đứng yên, nhưng chúng ta có thể hạn chế được chỗ nguy, để cho Phật và các vị Bồ tát lớn xuất hiện trong ta, thì bấy giờ, tứ sự cúng dường tự động có người lo. Tôi quan sát thấy Phật, Bồ tát và Thánh Tăng làm đơn giản, nhưng kết quả gặt hái được thì lớn lao vô cùng; trong khi phàm phu tranh giành từng chút, nhưng chẳng được gì. Đối với người tu, vấn đề quan trọng là tìm được cửa Không để vào thì phải hạn chế tối đa lòng ham muốn. Vì vậy, Đức Phật quy định một Tỳ kheo chỉ có một bát và một y phấn tảo để không lo sợ bị mất cắp, được giải thoát và Tỳ kheo không có chùa. Phật quy định Tỳ kheo ở một gốc cây không quá ba đêm, vì sợ tâm dính mắc vô gốc cây sẽ làm con đường giải thoát bị bế tắc. Ngày nay, quý Thầy xây dựng chùa là việc tốt, nhưng đừng quên đời sống tu hành. Riêng đối với các Thầy làm từ thiện, tôi thương và lo, vì rất dễ bị vật chất ràng buộc.
Trở lại vấn đề tìm dấu vết của Phật, chúng ta thấy Phật xuất hiện trên cuộc đời, Ngài xuất gia làm Sa môn, tu khổ hạnh và thành đạo dưới cội Bồ đề, sau đó Ngài hoằng hóa độ sanh suốt 49 năm. Điều này cho chúng ta hiểu rằng dù là Phật thị hiện lại cuộc đời này, Ngài cũng phải trải qua quá trình tu hành để xóa nghiệp. Thật vậy, Phật ở Niết bàn thì được an lạc giải thoát; nhưng Ngài mang thân tứ đại vẫn bị ngũ ấm chi phối. Ý thức như vậy, hành giả theo dấu chân Phật trên bước đường tu phải chuyển hóa được ngũ ấm thành ngũ phần Pháp thân.
Chúng ta thấy Phật làm như vậy rõ ràng. Với quyết tâm cao, Ngài từ bỏ tất cả sự nghiệp thế gian thì trong tâm Phật mới sáng lên. Học Phật, trước tiên, cái gì không phải của ta, ta không sanh vọng tâm tham đắm. Bước thứ hai, nếu là của ta, thì dù không bận tâm cũng không mất.
Đức Phật từ bỏ vật chất tối đa, cuối cùng Ngài quên cả thân vật chất, mới nhịn đói đến da bụng dính xương sống; nghĩa là Ngài quên ăn, quên ngủ, tức trụ tâm, phá được Thức uẩn, hay vượt được tầng Không. Và trong Không này còn có Thức; nếu Thức khởi vọng tâm thì sẽ khổ đau, nhưng nếu Thức khởi pháp Phật thì sẽ được Phật hộ niệm. Vì vậy, tu 37 trợ đạo phẩm thì được vào Dự Lưu là dòng Thánh. Còn theo Đại thừa, đến Bồ tát đệ bát địa sẽ thâm nhập vào chơn Không. Thế Thân Bồ tát nói rằng đến giai đoạn đệ bát địa Bồ tát, A lại da thức mới xả được, không còn suy tính nữa. Thức này biến thành Bạch Tịnh Thức, tức là trong A lại da thức không còn lưu lại bất cứ điều gì.
Chúng ta tìm dấu vết Phật, nếu thấy theo Nguyên thủy là tu 37 trợ đạo phẩm đắc A la hán; nếu tu theo Đại thừa thì phải tu thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Đó là con đường mà Đức Phật đã đi qua, tức còn dấu chân của Ngài để lại qua những gì Phật nói, những gì Phật đã làm và chúng ta đi theo dấu chân đó của Phật. Nếu theo dấu chân của Thanh văn, sẽ chứng quả vị A la hán và cuối cùng sống với Bát chánh đạo của hàng Thánh. Còn đi theo Đại thừa, chủ yếu là con đường của kinh Hoa Nghiêm vạch ra trải qua thập tín, thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng. Nhưng đây là con đường khó khăn và nguy hiểm vô cùng.
Vì vậy, muốn đi con đường lớn này, tức phải hành Bồ tát đạo thì phải tìm các vị Bồ tát mà làm quyến thuộc của các Ngài để hợp tác làm Phật sự. Còn tự làm, thì chúng ta là phàm phu ở trong sanh tử, không phải Bồ tát đạo. Hành Bồ tát đạo phải có Bồ tát lớn hiện hữu để chúng ta nương theo các Ngài, tạo được kho tư lương cho mình thì sau đó mới tự đi được. Còn là phàm phu mà làm một mình sẽ dễ bị đọa. Ví dụ một số Phật tử làm từ thiện đã gặp người tham lam ích kỷ, hoặc người xấu cản trở khiến họ bất mãn và bỏ cuộc; như vậy, người phát tâm bố thí và người nhận đều không được lợi ích.
Theo tôi, chủ yếu cúng dường Phật, Bồ tát, Thánh Tăng và cho người tốt để trở thành quyến thuộc của chúng ta, giúp mình nhẹ nhàng tiến tu. Khi nhận của bố thí, cúng dường, chúng ta nhận được ngay ý này, cùng một vật nhưng của Bồ tát thì quý, còn của người nghiệp chướng trần lao thì nó trở thành đất bùn. Điều này, ngày nay gọi là rửa tiền, tiền bất chính đem cho từ thiện, nếu ăn nhằm của phi nghĩa này là bị đọa. Các vị Bồ tát, Thánh Tăng trụ tâm Không mới có khả năng rửa sạch vật nhiễm ô bằng tâm đại bi và Bồ tát đem cho thì người thọ nhận mới giải thoát được. Vì vậy, làm quyến thuộc Bồ đề của Bồ tát lớn là việc rất quan trọng đối với chúng ta.
Tóm lại, tôi tu Pháp Hoa, tìm dấu vết của Phật, Bồ tát trong kinh Pháp Hoa và gom lại, tôi hình thành Hồng danh Pháp Hoa để lễ bái, cầu nguyện, suy nghĩ, nhằm tạo mối quan hệ mật thiết với các Ngài.
Trước khi tụng kinh, phải tới cửa Không, nghĩa là loại bỏ tất cả mọi việc trên cuộc đời này ra khỏi tâm trí chúng ta, bấy giờ đọc từng danh hiệu Phật, Bồ tát để tạo độ cảm sâu sắc giữa ta với các Ngài. Có thể khẳng định rằng Phật và Bồ tát chỉ xuất hiện ở cửa Không, cho nên phải thâm nhập Không môn mới thật sự đảnh lễ được Phật và Bồ tát và đó là sợi dây xuyên suốt nối liền tâm chúng ta với các Ngài, để các Ngài gia trì lực đến chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới được an lạc tự tại trên bước đường hành Bồ tát đạo đầy hiểm nguy trong Nhà lửa tam giới này.
Hòa thượng Thích Trí Quảng