Home » , » Thành Công & Thất Bại

Thành Công & Thất Bại

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012 | 23:28


          (Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 33 tại chùa Phổ Quang ngày 13-08-2008)
 
          Đề tài chúng ta học hôm nay là thái độ của người Phật tử trước thành công và thất bại trong cuộc sống này. Nói đến người Phật tử, có Phật tử trên hình thức và Phật tử thật sự. Phật tử trên hình thức là những người có quy y Tam bảo, có pháp danh, trong khi người Phật tử thật sự là con của Phật lại có ý nghĩa khác. Trong khi kinh Pháp Hoa, Xá Lợi Phất định nghĩa Phật tử là người tùng Phật khẩu sanh, từng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần. Nghĩa là Phật tử thức sự từ khi nghe lời giảng dạy của Phật, hoặc đọc tụng kinh điển của Phật để lại và tâm đắc, cảm thấy sung sướng, liền phát tâm Bồ đề. Sau đó, từng bước theo Phật nghe pháp, thực tập giáo lý và đạt được sở đắc thì được một phần giải thoát, thấp nhất là có được giải thoát của hàng Dự lưu, mới được vào dòng thác trí tuệ của Phật.

          Thật vậy, khi cảm nhận sự thích thú sống trong Phật pháp nghĩa là chúng ta đã bước chân vào thế giới mà kinh điển gọi là thế giới Không và Giải thoát, một thế giới hoàn toàn khác xa thể giới hiện thực của chúng ta. Ở thế giới Không và Giải thoát, chúng ta không còn bị thế giới hiện tượng chi phối, không bị vui buồn vinh nhục dày vò làm cho điêu đứng khổ sở, thì tất nhiên thành công và thất bại không thể tồn tại trong lòng ta nữa.

         
 Vì vậy, thái độ của người đệ tử học Phật thường thành xem thành công và thất bại là gió thoảng mây bay, là giấc mộng; vì trụ thế giới Không và Giải thoát, xem tất cả mọi sự việc dù thất bại hay thành công đến cỡ nào, thì nhắm mắt xuôi tay rồi, cũng tan tành như mây khói, không thể nào còn được.

          Nhận chân được sự thật như vậy, muốn đi vào thế giới Phật, việc đều tiên chúng ta phải thực tập cho được pháp Không. Kinh Kim Cang dạy rằng nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán. Nghĩa là những gì chúng ta thấy, suy nghĩ, nắm bắt được, giống như chiêm bao, như bọt nước, như hạt sương mai, như làn chớp, không có gì là thật sự bền chắc mãi; thái độ của người Phật tử luôn quán sát như vậy để bước vào cửa giải thoát.

          Khi qua được cánh cửa Bát nhã, đã thấy cuộc đời là mộng huyễn và thâm nhập vào thế giới Pháp Hoa, sống được với tất cả các pháp lớn nhỏ theo tinh thần “Pháp nhĩ như thị”, thì thử nghĩ quý vị có còn lấy thất bại và thành công làm lẽ sống của mình nữa hay không? Chắc chắn là không và chúng ta sẽ rất thanh thản, mỉm cười được với cuộc sống của Ta bà nay. Tôi rất tâm đắc đoạn văn của cố Phật tử Võ Đình Cường, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN như sau:

“Ngồi trên thuyền thời gian, ta rong chơi trong biển không gian luôn biến đổi, không phải không đẹp đối với đạo sĩ, nhưng chỉ đáng ghét dưới con mắt dại khờ của kẻ cận thị mãi tìm kiếm bọt biển để khắc dấu trên mạn thuyền”.
Sống trong không gian là thế giới của chúng ta và sống với thời gian cứ trôi mãi, tất cả luôn thay đổi, thì thái độ của đạo sĩ nhìn cuộc đời đẹp biết bao. Sự đổi thay của muôn vật rất đẹp, nhưng vì chúng ta tham lam ích kỷ, nên cứ muốn thế này thế nọ, cứ đặt vấn đề thành bại mới bị phiền muộn khổ đau. Vì những người thiển cận như vậy mà Đức Phật nói đệ nhất khổ đế, cuộc đời này là khổ.

          Đọc truyện Tam Quốc Chí, chúng ta thấy Bắc Ngụy, Đông Ngô và Tây Thục luôn tính toán mưu kế hại nhau, làm khổ nhau, để rồi cuối cùng tất cả đều chết, chỉ còn ghi lại dấu ấn của khổ đau.

          Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông, mấy lớp sóng xô mấy lớp anh hùnh
          Ngoảnh mặt lại nhân tình thế thái, được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không

          Nếu nhìn trên ảo ảnh, tất cả mọi hiện tượng trên cuộc đời này luôn thay đổi, nhưng nhìn về sự thật cuộc sống, thì từ thời Tam Quốc tuy cách xa bây giờ cả ngàn năm, mà nay cũng cảnh đó, cũng con sông đó, nhưng thanh bình biết bao. Hay trong kinh Lăng Nghiêm, có lần Đức Phật chỉ dòng sông và hỏi vua Ba Tư Nặc rằng có bao giờ ông tắm cùng một dòng nước của con sông này hay không. Quan sát con sông, chúng ta thấy dòng nước luôn luôn chảy xiết, có biết bao lớp người thay đổi trong cuộc sống này, nhưng muôn đời dòng nước vẫn hiện hữu. Thật tướng cuộc đời là vậy, chỉ có ảo ảnh thay đổi mà thôi.

          Nhận chân được sự thật này, Phật tử tu hành tìm chân lý và sống với chân lý, phá được vô minh phiền não chấp trước nào, thì liền giải thoát theo. Tôi luôn chiêm nghiệm điều này, đối với tôi, được mất bại thành là ảo ảnh. Trải qua suốt 60 năm tu hành, tôi không thấy được mất, mà nghĩ rằng cuộc đời bao la, trong không gian vô cùng, thời gian vô tận, mình nên luôn luôn khám phá cái đẹp của muôn loài là Pháp giới, tức thế giới thật của cuộc sống, rồi mới phát hiện ra điều thật là những nguyên tố tạo nên ảo ảnh cuộc đời.

          Và khi biết được nguyên tố tạo nên ảnh ảo thì có thể tạo nên muôn hình vạn trạng tùy ý mình. Đó chính là Đức Phật khi thành đạo dưới cội Bồ đề, mỉm cười nói rằng Ngài đã tìm được người chủ tạo ra ngôi nhà ngũ ấm và ngũ ấm là gốc tạo nên thế gian và quốc độ. Vì vậy, Trí Giả đại sư dạy chúng ta phải quán sát kỹ ngũ ấm, thế gian và quốc độ, nói cách khác, ngũ ấm tạo ra con người, lãnh thổ quốc gia và vũ trụ.

          Đức Phật khám phá ra nguyên tố này, gọi là Như lai chuyển được vật, còn chúng ta bị vật chuyển, tức bị tham vọng chi phối nhưng không bao giờ thỏa mãn được mong ước, vì thực tế cuộc sống cho thấy cái chúng ta muốn không có, mà cái chúng ta không muốn luôn đến. Đức Phật biết rõ nguyên tố tạo nên vũ trụ, quốc độ và con người. Vì vậy, Đức Phật tự tạo cho Ngài cái gì thì cái đó hiện hữu. Điển hình như Đức Phật A Di Đà tạo thế giới Cực Lạc, Đức Phật Dược Sư tạo thế giới Tịnh Lưu Ly, Đức Phật hương tích tạo nước Chúng Hương.

          Tìm được nguyên tố rồi, chúng ta muốn tạo cái gì cũng được. Nghe điều này ghi trong kinh thấy khó hiểu, nhưng ngày nay nhờ khoa học phát triển, chúng ta hiểu được ý nghĩa Phật dạy. Ví dụ hiện nay nếu sang Đài Loan vào tiệm chay sẽ thấy tất cả thức ăn đều làm từ đậu nành, nhưng họ chế biến thành thức ăn có mùi thịt, cá… để chìu theo nghiệp lực khẩu vị của khách hàng.

          Đức Phật dạy rằng từ khi phát tâm Bồ đề cho đến thành tựu quả vị Phật, ngài chỉ đi một đường thẳng, không có thành bại nào cả, hay nói cách khác, thành bại nằm ngoài lộ trình của Ngài. Thật vậy, chúng ta thấy Đức Phật từ bỏ ngai vàng, dấn thân trên con đường cát bụi để hành đạo cứu độ sinh. Đối với người bình thường nhiều tham vọng, họ thấy tiếc những gì Phật vứt bỏ vì họ muốn mà không được. Đức vua Trần Nhân Tông cũng có thái độ giống như Phật, xem ngai vàng như chiếc giày rách bỏ lúc nào cũng được.

          Đức Phật xem nhẹ quyền lợi vật chất thế gian, vì Ngài mãi theo đuổi những gì cao quý hơn và Ngài đã tìm được cái quý báu vô ngần đó, tức tìm được nguyên lý tạo nên con người và vũ trụ. Chính và nắm vững quy luật chi phối con người và vũ trụ, nên cách giáo hóa của Đức Phật rất nhẹ nhàng đơn giản, không cực khổ mà tất cả mọi việc đều đi theo quỹ đạo của Ngài. Người chống đối hay người ủng hộ cũng đều ở trong quỹ đạo của Phật. Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này rằng thiện ác là một, mới xây dựng được Trung đạo. Thật vậy, con người chúng ta đi lên được nhờ có thiện và ác song hành cho chúng ta quán sát, lựa chọn. Điển hình là nhờ có những người ác hại Phật, chúng ta mới nhận thấy được thái độ thánh thiện của Phật và nhờ có những thuận duyên tốt đẹp, chúng ta mới thấy Phật đã thoát khỏi mọi sự cám dỗ, nhiễm ô của trần thế.

          Học Phật, chúng ta thấy rõ ý này. Khi chưa thành Phật, nghĩa là chưa khám phá được nguyên tố tạo nên con người và vũ trụ, giữa Phật và năm anh em Kiều Trần Như cũng có những bạn chế về tình cảm, họ không bằng lòng với Phật, nhất là khi Ngài nhận bát sữa của Su Già Ta, vì Ngài đã nhận ra sự sai lầm của cách sống cực đoan khổ hạnh. Họ đánh giá Phật thấp, cho rằng Ngài thất bại trên bước đường tu, không theo nổi pháp tu khổ hạnh. Nhưng Phật không thấy thất bại gì cả, Ngày chỉ thấy trên con đường thẳng đi tới chân lý, sự gục ngã vì thân xác bị bỏ đói cũng là sự thành công, không phải thất bại, vì nhờ đó mà Ngài nhận ra con đường Trung đạo là không nên sống ép xác, cũng không phải chìu chuộng thân xác này. Và sau khi thành đạo, họ Đức Phật tìm đến năm anh em Kiều Trần Như, Ngài đã cảm hoá được họ và chia sẻ được kinh nghiệm tu hành giúp họ đạt được Thánh quả A la hán. Đối với cái nhìn của phàm phu, hình thức bên ngoài có thành bại, tốt xấu, nhưng bên trong con người tâm linh của Đức Phật, tri giác siêu tuyệt và tâm từ bi vô hạn của Ngài không bao giờ có thể thay đổi, mới tạo nên sức cảm hoá của Phật lớn lao vô cùng, Đức Phật đã như thế, đệ tử Phật tất nhiên cũng phải giống Ngài, tối thiểu là phải vào được cửa giải thoát mới hưởng được một cuộc sống vĩnh hằng bất tử.

          Và bước đường du hoá của Đức Phật đầy cát bụi gai chông, nhưng đó là những yếu tố đưa Phật lên đỉnh cao nhất, không hề thất bại. Thực tế lịch sử cho thấy tất cả những nghịch duyên nghịch cảnh này đều trợ lực cho Phật trở thành bậc Toàn giác, một siêu vĩ nhân, nhờ thái độ của Ngài hoàn toàn thánh thiện.

          Theo Phật, chúng ta phát hiện những điều kì bí của Phật. Người đời còn tham vọng làm sao thấy được đạo lực vô song của Ngài, chỉ thấy khi Ngài gặp may mắn, có lúc bị rủi ro. Với đôi mắt sáng của đạo sĩ mới thấy được cách ứng xử của Đức Phật đối với mọi tình huống thuận hay nghịch đều đẹp vô cùng. Điển hình như vua Tần Bà Sa La dâng cúng thượng uyển cho Đức Phật, Ngài cũng không mừng. Ngài vẫn thanh thản, khiến cho vua và nhiều người phải kính trọng. Duy chỉ có một người đau khổ là quốc sư Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, nghĩ rằng suốt đời ông tham mưu cho vua, nhưng chẳng được gì, trong khi Phật không làm gì mà được vua dâng vườn thượng uyển. Vì ông đặt vấn đề được mất, thành bại, nên bực tức, khổ đau. Đối trước người ganh tỵ như vậy, Đức Phật đã giao cho ông vườn thượng uyển, với lý do ông có đồ chúng đông có thể quản lý khu vườn này. Tâm cao thượng và thái độ từ bi hỷ xả của Đức Phật đã cảm hóa ông và hai người em, khiến họ đã dẫn 1.000 đồ chúng xin làm đệ tử Phật. Cách tiếp độ của Đức Phật thật nhẹ nhàng, chỉ là một thái độ hỷ xả và cho tặng mà trong tích tắc có một ngàn người phát tâm theo Ngài.

          Kế tiếp, Đức Phật bảo Mã Thắng Tỳ Kheo đến độ Xá Lợi Phất. Mã Thắng không dùng lời nói để tranh luận với nhà hùng biện bậc nhất thời bấy giờ. Chỉ với đạo lực của một vị A la hán đã giải thoát khỏi mọi triền phược thế nhân, Ngài cũng dễ dàng cảm hóa được Xá Lợi Phất phát tâm và ngộ đạo, buông bỏ được mọi lý luân theo thế gian và trở thành đại đệ tử của Phật.

          Tóm lại, thế giới vật chất sanh diệt không thật mà chúng ta đang đeo đẳng sống với ảo ảnh phù du trong đó, chắc chắn phải vướng mắc, khổ đau với được mất thành bại. Trái lại, thế giới của Phật và Thánh chúng là thể giới tâm linh đẹp vô cùng, càng đi sâu vào đó, chúng ta càng thăng hoa trí giác và đạo lực. Nếu không thâm nhập vào thế giới an bình vĩnh cữu này quả là uổng phí cuộc đời tu của mình lắm thay.
HT. Thích Trí Quảng

Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com