(Bài giảng
tại trường hạ chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình, 8-2008)
Kinh Pháp Hoa được gọi là Viên giáo, vì bao hàm được tất cả các kinh
điển mà Đức Phật đã thuyết trong suốt cuộc đời Ngài. Các pháp Phật dạy đều là
phương tiện để giúp chúng ta thâm nhập thế giới Phật, được kinh Pháp Hoa ví như
thuyền bè đưa người từ niềm an lạc này đến niềm an lạc khác, để sau cùng tất cả
hành giả đều chứng Nhứt thiết chủng trí. Vì vậy, nếu không thực hành giáo pháp,
chắc chắn đời đời kiếp kiếp ở trong Nhà lửa tam giới.
Ngoài ra, một ý khác trong kinh Pháp Hoa mà chúng ta cần lưu tâm.
Trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa, Ngài nói kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập Vô lượng
nghĩa xứ tam muội. Tại sao Phật phải nói kinh này trước và phải nhập tam muội
này.
Vì nếu không có kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập được định Vô lượng nghĩa
thì không thể nào nói kinh Pháp Hoa; đó là cốt lõi rất quan trọng. Không phải
tụng kinh Pháp Hoa văn tự là trở thành hành giả Pháp Hoa, phải tu Vô lượng nghĩa
và đắc định Vô lượng nghĩa mới có Pháp Hoa để tu hành.
Kinh Vô Lượng Nghĩa gồm có ba phần chính yếu: đức hạnh, trí tuệ và
công đức. Vì vậy, hành giả thể hiện được yếu nghĩa của Vô Lượng Nghĩa kinh là
người có đức hạnh, có trí tuệ và sống lợi ích cho cuộc đời; nói cách khác, đó là
tam thừa giáo, hay kinh Pháp Hoa xuất hiện sau tam thừa giáo : Thanh văn, Duyên
giác và Bồ tát. Phẩm Thí dụ thứ ba của kinh Pháp Hoa nói về ba xe và Nhà lửa.
Ba xe là xe dê, xe nai và xe trâu, dụ cho tam thừa giáo. Thanh văn, Duyên giác
và Bồ tát nương theo ba xe, hay tam thừa giáo để ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất
trống, mới có kinh Pháp Hoa gọi là đại bạch ngưu xa. Như vậy, sử dụng xe nào
cũng được, hay tu tất cả pháp môn sai biệt của tam thừa giáo, cũng đều ra khỏi
Nhà lửa, đến bãi đất trống và cuối cùng chứng Nhứt thiết chủng trí.
Tu pháp môn nào cũng được, nhưng phải chấm dứt phiền não, trần lao và
nghiệp chướng; không có pháp môn nào là tốt nhất. Pháp nào thích hơp với mình là
tốt; vì Phật dạy rằng chúng sinh nhiều bệnh, thầy thuốc phải có nhiều thuốc khác
nhau, quan trọng ở việc chẩn đoán đúng bệnh và sử dụng đúng thuốc. Thuốc hay,
nhưng dùng không đúng bệnh thì không khỏi bệnh, có khi còn tử vong.
Tìm được pháp môn thích hợp với mình thì phiền não, trần lao và
nghiệp chướng phải hết. Ví dụ người vừa nghèo, vừa dốt, lại bệnh hoạn, không thể
cứu nhân độ thế, giống như đi một mình không nổi mà muốn cõng người sao được.
Bản thân mình tự độ không xong mà đòi độ đời thu đệ tử để tất cả cùng sống nheo
nhóc, phiền não là hại mình và hại người. Người này phải đi xe dê trước, nhằm
nhắc nhở các thầy phải tu pháp tiểu thừa trước, phải lo cứu mình, tự độ mình
trước, lo cưu mang chi cho thêm phiền não.
Lo giải thoát cho chính mình là Phật dạy tu Thanh văn thừa, xuất gia,
buông bỏ tất cả, làm sao đoạn được mối quan hệ không tốt đẹp giữa mình và thế
tục, để họ không quấy rầy được cuộc đời tu hành của mình. Người ở nhà bị phiền
não gia đình trói buộc và đi làm việc cũng bị phiền não bao vây, làm cho tâm
bất an; nếu cứ tiếp tục ở đó tu thì không hết phiền não mà nghiệp chướng lại
tăng.
Thực tế cho thấy các thầy còn phiền não mà Phật tử lại mang phiền não
thêm trao cho. Một trăm người đến chùa thì chín mươi chín người có vấn đề. Vấn
đề của chính mình chưa gỡ được, làm sao tháo gỡ vấn đề cho người. Phải nói tu
hành của Thanh văn là yếm thế trốn đời. Các Tổ ngày xưa cũng vậy, phải vô núi
tu, sống với hoàn cảnh vật chất đạm bạc nhất, tâm mới yên tĩnh được. Tu Thanh
văn được lợi lạc như vậy, mới thực tập và thành tựu được 37 trợ đạo phẩm. Ở núi
rừng vắng vẻ mới dễ quán pháp Không, vì không có người, không có việc, không ai
quấy rầy, mới chứng được pháp Không, vô tác vô nguyện. Ở núi rừng thì còn gì mà
mong muốn, hay đúng hơn là có muốn cũng không được. Ở đây tu, nhưng vụt nghiệp
ham muốn khởi lên thì có thể leo lên xe, chạy đi tìm. Ngày xưa ở núi Thị Vải mà
xuống núi, ra được đường lớn thật là xa và rất vất vả, nên lâu lắm mới phải
xuống chợ mua muối thôi.
Hàng Thanh văn tu hành ở nơi thanh vắng, dễ thâm nhập pháp Không.
Kinh Pháp Hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa đến bãi đất trống; đất trống là tâm trống
không, Phật gọi là tâm địa. Trước kia, mảnh đất tâm của mình rất nhiều cỏ dại,
thử kiểm tra xem một ngày tâm, hay Thức mình linh hoạt, biến động vô cùng; giữ
tâm yên tĩnh không đơn giản. Vì vậy phải ngồi xe dê, hay nương theo 31 trợ đạo
phẩm để ra khòi Nhà lửa tam giới, đầu tiên là quán Không. Sẽ thấy tất cả mọi việc trên đời này chỉ là ảo giác thì không có gì
chi phối chúng ta được; từ đó, cuộc đời này đối với
chúng ta hoàn toàn vô nghĩa, chúng ta không bận tâm đến cuộc đời và cả việc sống
chết của mình, là đã chạy ra khỏi Nhà lửa bằng tâm, cắt đứt tâm lo lắng, buồn
phiền , hơn thua phải trái, đến được bãi đất trống.
Duyên giác đi xe nai. Nhờ có trí tuệ, mặc dù sức khỏe cũng yếu, nhưng
thông minh hơn Thanh văn, nên Phật dạy Duyên giác tu pháp quán để giải thoát,
không phải bỏ tất cả để thoát thân như Thanh văn. Họ chạy ra Nhà lửa, nhưng phải
nhìn kỹ trên đường đi, chỗ nào có rắn rít hùm sói làm hại, hoặc có kẻ cướp thì
phải tránh. Nói cách khác, Duyên giác quán biển Thức mênh mông, tầm nhìn được mở
rộng, thấu suốt mọi sự việc diễn tiến từ quá khứ đến vị lai. Ngồi yên, tất cả
bức tranh cuộc đời sẽ hiện ra trong tâm thức hành giả; chẳng hạn như tôi nhớ lại
thuở nhỏ lúc chưa tu, cuộc sống như thế nào, cho đến xuất gia, tu học trong
nước, ngoài nước và làm việc cho đến ngày nay; tất cả những cảnh sống quá khứ và
hiện tại, kể cả những dự tính tương lai sẽ làm gì, tất cả hiện ra đầy đủ trong
tâm thức tôi. Biển Thức rộng mênh mông thu nhiếp cả ba đời là vậy.
Đức Phật dạy người có trí tuệ nên quán sát. Gần nhất, chúng ta quán
sát những kinh nghiệm sống trong hiện đời. Thí dụ trên bước đường tu, tôi hồi
tưởng lại mình từ một cậu bé nhà quê đến nay đã trải qua 60 năm, phải vượt qua
không biết bao nhiêu sóng gió hiểm nguy, mới ra khỏi Nhà lửa, được như ngày nay,
thì không bao giờ tôi muốn, hay không dám trở lại Nhà lửa này nữa. Cuộc đời này
ớn quá, phải đối đầu trước bao nhiêu việc sống chết trong gang tấc. Nói cách
khác, trong biển Thức mênh mông, có những đợt sóng ngầm rất nguy hiểm sẵn sàng
nhận chìm mình; đó là mới nói một đời này thôi, chưa kể nhiều kiếp trước và gặp
không biết bao nhiêu người tà ác phá hại mình, ví như các loài thủy quái rất
đáng kinh sợ. Nhớ lại những người mình tin tưởng rằng họ tốt, nhưng quay lại hại
mình cho nên rất sợ gặp lại, nghĩa là sợ tái sinh trong Nhà lửa.
Trong biển Thức mênh mông có những trận cuồng phong làm người ta đảo
điên, mà Tô Đông Pha gọi là tám gió cuốn phăng con người; bao nhiêu cám dỗ của
cuộc đời lôi cuốn, không khéo là bị nhận chìm. Thật vậy, tôi nhìn lại những bạn
đồng tu bị gió nghiệp cuốn trôi; người thì bị tiền tài, người bị danh lợi, hoặc
bị tình cảm lôi kéo, hoàn tục, kiểm lại không còn được mấy người tu. Một bạn
đồng tu cùng tuổi với tôi, cùng học ở Phật học đường Nam Việt, thật là tội
nghiệp cho ông này, đi cúng đám ma ở nhà đàn bà góa chồng, cúng đến 49 ngày thì
ông 1ạy Hòa thượng Thiện Hòa xin về với bà nọ.
Khi nghiệp ái khởi lên, tình cảm thế tục sinh ra, phải hoàn tục;
nhưng lọt vào cái bẫy của cuộc đời rồi, mọi việc không đẹp như ông này lầm
tưởng; quả là nguy hiểm vô cùng. Một ông thầy khác làm chúng trưởng của tôi ở
Phật học đường Nam Việt, được Hòa thượng Thiện Hòa giao trông coi phòng phát
hành kinh sách chùa Ấn Quang. Làm một lúc, ông trở thành nhà kinh doanh có chút
tiền thì liền có người để ý ông, hay đúng hơn là ngắm túi bạc của ông. Một hôm,
ông ra đời với họ và mỉa mai thay, túi tiền ông đến lúc sạch bách thì liền bị họ
bỏ rơi, cuối cùng ông phải đi vác gạo mướn ở chợ An Đông, rồi bị ho lao chết;
kết thúc cuộc đời thật là thê thảm.
Sống trong biển Thức, người bị sóng ngầm, người bị cuồng phong, người
bị thú dữ xé nát. Vì vậy, Phật dạy người tu Duyên giác thừa phải quán sát cuộc
đời thật chính xác nhớ rõ trong kiếp luân hồi sinh tử, đã bị vùi dập khổ đau như
thế nào để dứt khoát không rơi trở lại Nhà lửa tam giới.
Chỉ có hàng Bồ tát được ví như người đi xe trâu có khả năng kéo nặng.
Nghĩa là Bồ tát vừa thông minh, vừa khỏe mạnh, vừa có phước đức, nên tự thân đã
thoát được phiền não sinh tử lại vừa có khả năng cứu đời, cầm đuốc soi đường để
dìu dắt người khác cùng đi với mình ra khỏi Nhà lửa tam giới, đến bãi đất trống.
Tóm lại, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát với ba hoàn cảnh khác nhau,
nên phải tu các pháp khác nhạu theo tam thừa giáo; nhưng cuối cùng, ba hạng đệ
tử này đều được giải thoát giống nhau.
Đạo đức, trí tuệ và công đức, ba điều cốt lõi này trong kinh Vô Lượng
Nghĩa đã bao gồm tất cả những gì Phật thuyết pháp trong suốt 49 năm, nhằm đưa ba
hạng người, người bình thường (Thanh văn), người thông minh (Duyên giác) và Bồ
tát luôn cứu nhân độ thế, ra khỏi sinh tử luân hồi của tam giới.
Kinh Pháp Hoa là điểm hội tụ của tất cả các pháp tu khác nhau, nhưng
giải thoát là một. Được giải thoát, tâm trống không, rồi cứu nhân độ thế bao
nhiêu cũng không bị vướng mắc. Phật dạy rằng Bổ tát độ vô số chúng sinh, nhưng
không thấy có chúng sinh nào bị độ, mới là độ tận chúng sinh. Còn tự cho rằng
mình tu Bồ tát hạnh, mà bố thí cái gì cũng ghi vào sổ sách, nhớ hoài; nếu người
nhận không nhớ ơn là khó chịu liền; đó là Bồ tát giả danh.
Tất cả các kinh điển Phật nói, từ A Hàm, Phương Đẳng, đến Bát Nhã,
đều được gộp lại trong kinh Pháp Hoa. Kinh A Hàm và Phương Đẳng là ba xe, hay
tam thừa giáo. Kinh Bát Nhã ví cho mảnh đất trống, phải quán Không: nhân Không,
ngã Không và tất cánh Không. Nghĩa là quán tứ đại ngũ uẩn không phải là mình,
nên không chấp thân này là mình, không chấp vật sở hữu là của mình, mọi thứ đều
hoàn toàn Không, đạt đến tất cánh Không.
Bồ tát Nguyệt Quang quán pháp Không như vậy mà đắc đạo quả Bồ tát.
Kinh Hoa Nghiêm diễn tả sở đắc của Bồ tát Nguyệt Quang bằng bài kệ sau:
Bồ tát Thanh Lương Nguyệt
Thường du tất cánh Không
Chúng sanh tâm cấu tịnh
Bồ tát ảnh hiện trung
Nghĩa là tâm chúng sinh thanh tịnh, hay nhơ bẩn đến mấy, Bồ tát cũng
hiện thân vô tâm họ để cứu độ, mà không bị dính mắc. Còn độ người mà mình bị
dính vô phiền não, nghiệp của họ, không phải là Bồ tát.
Nói chung, một đời giáo hóa của Phật giảng dạy tam thừa giáo, kết
thúc lại gọi là kinh Vô Lượng Nghĩa. Và trước khi nói kinh Pháp Hoa, Phật nói
kinh Vô Lượng Nghĩa. Theo Thiên Thai Trí Giả, Phật nói kinh Hoa Nghiêm trước rồi
đến kinh A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và sau cùng nói Niết bàn, Pháp Hoa. Nhưng
trong kinh Pháp Hoa, chỉ ghi một câu là trước khi nói Pháp Hoa, Phật nói kinh Vô
Lượng Nghĩa. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng kinh A Hàm, Phương Đẳng,
Bát Nhã, Niết Bàn tiêu biểu cho kinh Vô lượng nghĩa.
Nói kinh Vô Lượng Nghĩa xong, Phật nhập định Vô lượng nghĩa, vì Phật
nói Vô lượng nghĩa thì phải thực hành Vô lượng nghĩa cho mọi người thấy. Phật
chỉ nói những gì Ngài đã làm và Ngài làm những gì đã nói; cho nên Ngài có tôn
danh là bậc Minh Hạnh túc.
Vì vậy, nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội có ý nghĩa quan trọng. Chưa
nhập tam muội này cũng chưa có kinh Pháp Hoa. Nhập Vô Lượng Nghĩa xứ tam muội là
ngồi yên mà ba đời nhân quả hiện ra trong tâm chúng ta để tu Pháp Hoa. Ví
dụ, tôi tập trung tư tưởng, tất cả cuộc đời quá khứ hiện lên, cho tôi kinh
nghiệm tốt xấu và vẽ ra hướng tương lai, tôi sẽ làm gì cho tốt.
Tu hành mà không nhập định, không tập trung tư tưởng được thì cái
thấy không chính xác. Phật dạy các Tỳ kheo phải thường sống trong chánh định; vì
sống trong tạp niệm, nghĩa là sống với biển Thức thì không có Phật, không đến
với Phật được, còn sống với cuộc đời thì càng cách xa Phật hơn nữa.
Định, tiếng Phạn là Samadhi, Tàu dịch là tam ma địa, hay tam muội.
Thầy Tỳ kheo an trú trong chánh định thì thế giới Phật hiện ra. Người tu hơn
nhau ở trụ định. Tỳ kheo dở nhất là bị cuộc đời lôi cuốn, thứ hai là tâm tán
loạn. Tỳ kheo được kính trọng thường trụ định, ít nói, hoặc niệm Phật, tâm 1ắng
yên, mới có khả năng thay Phật độ đời. Trong các pháp sư nổi tiếng thời Phật tại
thế, có Mã Thắng Tỳ kheo được Phật ca ngợi. Vị này trụ định, không nói, yên lặng
vào làng khất thực, nhưng Xá Lợi Phất thấy tướng giải thoát của Ngài hền phát
tâm và đắc quả Tu đà hoàn, đi theo Ngài về gặp Phật thì đắc quả A la hán. Từ đó
về sau, Phật dạy các Tỳ kheo phải trụ định, trừ khi đến Phật nghe pháp, thời
gian còn lại ngồi trong hang đá, hoặc dưới gốc cây để nhập định. Thuyết kinh
quan trọng, nhưng trụ định quan trọng hơn, vì độ được nhiều người, tác động cho
họ giải thoát. Còn thuyết pháp hay, nhưng chưa chắc người nghe được giải thoát.
Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội rồi, trời mưa hoa Mạn đà la,
Mạn thù sa. Hoa Mạn đà la là hoa Trời, mà Trời tiêu biểu cho tâm an vui. Chư
Thiên lúc nào cũng vui, cũng trẻ đẹp, không biết buồn; khi nào biết buồn là chư
Thiên sắp bị đọa.
Khi Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội, trời mưa hoa Mạn đà la,
nghĩa là làm cho đại chúng an vui. Nhận thức ý nghĩa này, khi tập họp quần
chúng, tất cả được an lạc là Phật pháp hiện ra, là điềm lành; không phải tập họp
chúng để tranh cãi, để buôn bán. Hoặc tập họp chúng đến chùa để vui chơi theo
thế gian, nếu có thì tạm coi là phương tiện mà thôi; còn cái vui của đạo phải
khác, vui trong yên tĩnh. Người thích cảnh sống yên tĩnh của Sa môn, vui trong
khổ hạnh, vui trong Thiền định mới tu được; nhưng cảm thấy chùa vắng vẻ buồn,
từng nơi ồn náo để vui, sớm muộn gì người đó cũng hoàn tục.
Nhập định của Đức Phật ảnh hưởng cho đại chúng được an vui, tiêu biểu
bằng hoa Mạn đà la, thể hiện tinh thần Pháp Hoa, nhứt hoa chúng quả tu Thanh văn
là nhứt hoa nhứt quả; một mình tôi tu, một mình tôi nhập định, một mình tôi an
vui, các thầy khác không biết. Tu Thanh văn không ảnh hưởng tốt cho người khác
được Phật ví như thủy tinh không có công năng lóng nước trong như ma ni bảo
châu. Thanh văn thanh tịnh, nhưng không làm cho chúng thanh tịnh. Thực tế có
nhiều vị chân tu, đạo đức cao, nhưng không ảnh hưởng cho ai cả.
Hoa Mạn Thù Sa nghĩa là trong sạch, tinh khiết. Phật nhập định, có
hoa Mạn đà la và Mạn thù sa rơi xuống nhằm diễn tả tâm trạng của đại chúng được
lực Phật tác động cảm thấy an vui và thanh tịnh giải thoát, càng vui thì tâm
hành giả càng thanh tịnh và thâm nhập thế giới Phật.
Vui trong tham dục,
vui rồi khổ.
Khổ để tu hành,
khổ hóa vui;.
Người đời thấy người tự ăn chay, lễ sám, thiền định, cho rằng cực
khổ. Họ nào biết được cái vui của đạo đưa chúng ta vào con đường thanh tịnh,
giải thoát, con đường vui vô tận. Vua Trần Thái Tông thưởng thức được nguồn vui
vô hạn này khi học đạo với Phù Vân quốc sư trên non Yên Tử, đã thốt lên rằng:
Mùi Thiền trong ấy nào ai biết
Thức suốt đêm trường vui với Tăng.
Còn thú vui của thế gian do cuộc đời đưa cho sẽ dẫn vào con đường sa
đọa, vì sau cuộc vui là nỗi khổ niềm đau ập đến.
Sau khi hoa Mạn đà la và Mạn thù sa rơi xuống, đại chúng thấy bạch
hào tướng của Phật chiếu suốt 18.000 thế giới ở phương Đông. Điều này tiêu biểu
cho nhập định phải có trí tuệ Thầy Tỳ kheo tu giới, tâm thanh tịnh, tập trung tư
tưởng, mọi việc tự sáng lên, là định sanh tuệ, thấy biết những điều mà bình
thường không biết Tu định, ngày nay gọi là tu Thiền. Thiền sư quan sát Thiền
sinh để biết họ tu đúng hay sai. Những nguời ngồi Thiền ngủ gục thuộc hàng sơ
tâm, không tập trung tư tưởng được, nên dễ rơi vào hôn trầm. Cần dạy họ cách tu
để khắc phục. Nhớ lại lúc còn ngồi ghế nhà trường ở Phật học đường Nam Việt, Hòa
thượng Thiện Hòa giảng bài xong thì tẩt cả Tăng sinh đều ngủ. Ngủ vì bài học
không có sức thu hút. Nói đúng hơn, Phật đạo dài xa, nên chúng ta không cảm
được, không hiểu được, mới dễ ngủ. Nghe những gì mình ưa thích, liền có sức thu
hút, tập trung được. Vì vậy mà ngày nay, người đời bày ra nhiều trò chơi đề thu
hút người, mà người ta càng laọ theo các trò chơi càng tạo tội lỗi. Tổ Quy Sơn
từ xa xưa đã nói ý này: Vọng tình dị tập. Chí đạo nan văn; nghĩa là cám dỗ của
cuộc đời dễ lôi cuốn người ta theo, còn học đạo thì khó lắm. Và nghe pháp mà
không ngủ, vui được thì Tổ Quy Sơn cũng đã nói: Bạt tực siêu quần. Vạn trung vô
nhất; đối với việc học đạo, muôn người chưa được một người. Hòa thượng Thiện Hoa
thường nói rằng: Trứng cá, bông xoài. Cây xoài trổ ra
rất nhiều bông, nhưng kết thành trái thì không nhiều. Đến với đạo và sống được
trong đạo khó lắm, chúng ta phải nỗ lực.
Định lực, tức sức tập trung của Phật cao, làm cho đại chúng tập trung
theo, là thuyết pháp trong định. Đức Phật phóng tạo hào quang đi suốt 18.000 thế
giới, khiến tâm chúng thanh tịnh, cũng lôi theo đến 18.000 thế giới đó tạo thành
cảnh giới thanh tịnh mầu nhiệm, hay thế giới của kinh Pháp Hoa, là thế giới của
Tâm.
Trong ánh quang
của Phật, đại chúng thấy có Phật ra đời, Phật thuyết pháp giáo hóa. Điều này
nghĩa là gì. Trước kia, các Tỳ kheo thấy Phật là thái tử tu thành Phật; nhưng
nay thấy Phật trước khi sanh ra ở Ta bà. Ngài đã là Phật. Họ nghĩ Phật tu thành
Phật được thì họ cũng thành Phật, nhưng tu hoài mà sao không ai thành Phật. Vì
vậy nương theo ánh quang Phật, nhận ra Phật hiện thân lại cuộc đời hoàn toàn
khác thân phận của chúng ta. Trong ánh quang Phật, hay là nương trí tuệ Phật,
thấy rõ thân phận của tất cả chúng sinh bị trói buộc trong lục đạo tử sanh, từ
đĩa ngục A tỳ cho đến trời Hữu đảnh, đã trải qua biết bao nhiêu kiếp luân hồi,
chịu khổ não vô lượng. Rõ ràng chúng ta hay tất cả chúng sinh khác Phật xa, cho
nên tu mãi mà không thành Phật, hay còn lâu mới thành Phật, Đức Phật tu sáu năm
thành Phật, chúng ta tu bao nhiêu lâu rồi và thành gì. Cảm nhận yếu nghĩa này,
chúng ta ca ngợi các vị tôn túc rằng:
Từ chơn tánh
hiện thân Đại sĩ
Giữa hồng
trần chẳng nhiễm bụi trần
Các vị Tổ sư đạo
cao đức trọng là Bồ tát hiện thân lại thế gian này, nên cuộc đời tu hàng của các
Ngài khác hẳn phàm nhân mới tu, cái gì cũng tham đắm, không bị cá mập nuốt thì
cũng bị sóng lớn nhận chìm là phải thôi.
Trong mùa an cư
kiết hạ, quý vị được phước duyên tập trung tu hành ở trường hạ của Thành hội
Phật giáo thành phồ Hồ Chí Minh, cầu mong tất cả nỗ lực sống trong pháp Phật, để
không phí phạm đời tu của mình, không có phụ công đức giáo dưỡng của chư tôn
đức, không phụ lòng tin của đàn na tín thí, sớm được thanh tịnh giải thoát, xứng
đáng là trường tử của Như Lai, là phước điền của chúng sinh.
HT Thích Trí Quảng