Home » , » Tụng kinh, lạy Phật, sám hối và thiền quán

Tụng kinh, lạy Phật, sám hối và thiền quán

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012 | 20:26


Trong thời gian này, chúng ta siêng năng đọc tụng kinh điển và ngồi yên quán sát lời dạy đó để ứng dụng trong cuộc sống. Lúc ấy chúng ta chỉ mới tu trong tâm. Phương tiện này giúp tâm ta thanh tịnh dễ dàng.


Trong quá trình tiến tu, Thái tử Sĩ Ðạt Ta ngồi thiền định dưới cội bồ đề trong 21 ngày là đạt quả vị Vô thượng Ðẳng giác. Còn chúng ta đầy phiền não, nên ngồi yên thì trần lao hiện ra. Chẳng những không thành Phật, mà tu một lúc chúng ta trở thành hung ác, phiền muộn. Ðó là vì chúng ta chất chứa toàn nghiệp trần lao, nên khi tu, tâm phiền não này có sẵn và tự động bộc phát. Trái lại tâm đức Phật có toàn hột giống thanh tịnh, nó tự nảy mầm, kết thành quả Bồ đề khi Ngài tư duy, thâm nhập thiền định. Có thể ví tâm nhơ bẩn của chúng sinh như đất có sẵn hột cỏ, gặp phân, nước, cỏ lên nhanh. Chúng ta tự xác định mình là chúng sanh với đầy đủ chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, nên không thể nào làm như Phật. Từ thân phận chúng sanh phàm phu ấy khởi tu, chúng ta cần nỗ lực chuyển nghiệp trước. Ðức Phật dạy rằng quá trình tu tập để chuyển nghiệp không đơn giản, phải trải qua 3 a-tăng-kỳ kiếp mới chuyển được tất cả nghiệp ác của chúng ta.

Mỗi a-tăng-kỳ kiếp là thời gian vô định, tùy thộc vào năng lực tu hành của từng người khác nhau. A-tăng-kỳ thứ nhất, chúng ta làm sao cho sạch nghiệp, đắc được quả vị A La Hán, mới coi như hoàn tất giai đoạn một. Bước qua a-tăng-kỳ thứ hai, chúng ta tu quán nhân duyên và phát sanh được trí huệ vô lậu, thấy được quá khứ cùng mối tương quan của ta và người. Và ở a-tăng-kỳ thứ ba, chúng ta phải tu Bồ Tát đạo cho viên mãn. Như vậy, một đời người không thể nào thực hiện trọn vẹn 3 việc: thanh tịnh hóa thân tâm, phát sanh trí tuệ và thực hiện đầy đủ công đức. Thành tựu 3 việc này rồi, mới ngồi Bồ Ðề đạo tràng 21 ngày, phá ma quân, thành Vô thượng Ðẳng giác.

Ý thức tinh thần Phật dạy như thế, chúng ta tự biết không thể tu chân thật môn để tiếp cận được chân lý. Từ đó, chúng ta phải trở lại tu phương tiện của đức Phật, tức tạo điều kiện để chúng ta thâm nhập Phật đạo. Phương tiện mà chúng ta thường tu là đọc tụng kinh điển, kết hợp với tu thiền quán. Vì có đọc kinh điển chúng ta mới tâm đắc và suy nghĩ về lời Phật dạy. Chúng ta đọc tụng và quán sát 12 bộ kinh là 12 vấn đề lớn của đức Phật dạy, đó là bước đầu quán sát giáo pháp Pháp thân. Vì chúng ta không thể thấy trực tiếp Pháp thân Phật, nên coi lời dạy của Phật là Pháp thân Ngài.

Trong thời gian này, chúng ta siêng năng đọc tụng kinh điển và ngồi yên quán sát lời dạy đó để ứng dụng trong cuộc sống. Lúc ấy chúng ta chỉ mới tu trong tâm. Phương tiện này giúp tâm ta thanh tịnh dễ dàng. Thật vậy trên bước đường tu, chúng ta tự làm cho tâm thanh tịnh không đơn giản. Ðiển hình như Kiều Trần Như hay Xá lợi Phất tu trải qua 60 kiếp cũng không đắc được A La Hán. Nhưng có đức Phật đắc đạo rồi, giống như có người phát minh ra chân lý, chúng ta chỉ cần nghiên cứu chân lý thì dễ hơn, còn tự tìm ra không nỗi. Chúng ta dễ đắc đạo nhờ nương theo giáo pháp Phật có sẵn, suy nghĩ, chứng nghiệm trong cuộc sống. Tu theo pháp Phật, quán sát pháp, phiền não chúng ta tự lắng yên.

Tôi tâm đắc pháp tu này, vì khi đọc tụng lời Phật, tôi tự cảm thấy an lành, tức lấy hình ảnh đẹp để xóa hình ảnh xấu trong lòng. Tu đúng pháp như vậy, mỗi niệm tâm, ta cảm thấy thăng hoa cuộc sống tâm linh, dần dần đẹp, khỏe, giàu, được kính trọng thêm; vì đã lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm. Cách tu này có kết quả nhanh nhất. Thật vậy, ta là phàm phu, nhưng khoác áo Phật vào thân, đưa pháp Phật vào lời nói, lấy tâm Phật gắn vào tâm chúng ta, thì chúng ta trở thành biểu tượng của Phật.

Như vậy, chỉ mới quán pháp Phật, có giáo pháp Pháp thân thôi, mà chúng ta biến thành thường trú pháp thân Phật, vì lời nói, suy nghĩ, việc làm của chúng ta giống Phật, khiến người liên tưởng đến Phật. Không làm được như vậy, mà chúng ta tu mang hình thức tu, là phạm tội phá pháp. Suy nghĩ lời Phật dạy là Thiền và đọc tụng kinh điển là Giáo; kết hợp hai pháp phương tiện này lại để tu mới có kết quả tốt. Vì đọc kinh suông, không suy nghĩ, không hiểu nghĩa, cũng chẵng có tác dụng gì. Và không thiền thì làm sao phát sanh trí tuệ.
Trong quá trình tu đọc tụng kinh điển và thiền quán, mỗi ngày phiền não chúng ta lắng yên và tâm trí trở nên sáng suốt. Còn để nguyên phiền não mà đọc tụng kinh thì chúng ta quên lời Phật dạy, không áp dụng được trong cuộc sống lẫn lộn Phật và ma, tất nhiên đầu óc cũng u mê. Ngoài việc sử dụng pháp tụng kinh kèm với thiền quán, chúng ta còn có pháp phương tiện thứ hai là lạy Phật và thiền quán.

Người đọc tụng kinh điển, nhưng không đạt được kết quả tốt vì không kết hợp pháp đọc tụng kinh với thiền quán, tức miệng đọc mà tâm nghĩ sai trái, nên phước không sanh. Trong lúc đọc tụng kinh và nghĩ đến Phật thì phải hiện tướng bên ngoài tốt, dễ thương; vì Phật dạy tướng tùy tâm hiện. Căn cứ vào lời dạy ấy, nên chưa hiện hảo tướng là biết tâm chúng ta chưa tốt. Ngài Thiên Thai dạy chúng ta phải lạy Phật, sám hối cho đến thấy hảo tướng Phật và hảo tướng ta hiện ra. Thấy hảo tướng Phật, là Phật đã vào tâm ta và sẽ thể hiện ra hình tướng của ta, nên lúc ấy tâm ta mới là thiền, thân mới làm giống Phật. Tu ở giai đoạn hai, chúng ta vừa lạy Phật vừa quán tưởng với tất cả tâm thành. Lạy mà không quán tưởng thì lạy một cách máy móc, lạy hư không hay lạy khối xi măng, làm sao có phước được. Tệ hơn nữa, thân lạy Phật mà tâm khởi niệm ác, chắc chắn đọa.

Trên tinh thần quán tưởng mới là quan trọng, chúng ta phải thiền quán trước thì mới thấy thân ta ở trước Phật và có Phật để chúng ta lạy. Quán được một Phật hay nhiều Phật, hay nói khác nương được lực Phổ Hiền để "nhứt thân phục hiện sát trần thân", tức đảnh lễ không sót một vị Phật nào, thể hiện tâm thành đạt đến đỉnh cao nhất. Lạy Phật suông không có thiền quán chẳng khác gì chúng ta làm một động tác thể thao, không đạt được lợi lạc nào cho đời sống tâm linh. Lạy kèm theo thiền quán thì lạy xong nét mặt chúng ta sáng ra, vui tươi, không mệt. Mỗi lần tu, chúng ta kiểm chứng việc lạy Phật đúng hay sai bằng cách căn cứ vào kết quả sau khi lạy. Lạy nhẹ nhàng, không tháo mồ hôi, không thấy mệt, tâm hồn thanh thản, an lạc là biết chúng đã nhập tâm, cảm được mười phương Phật, nên hành lễ đạt đến siêu tự nhiên, không biết nóng lạnh, vượt được sự chi phối của ngoại duyên, thâm nhập đạo. Còn lạy Phật đổ mồ hôi đầm đìa, thở không ra hơi, tim đập dồn dập, đến mức sợ không dám lạy nữa là chúng ta đã tu sai pháp.

Người tu đúng phải có kết quả tốt. Chúng ta nỗ lực huân tu Phật pháp, càng đem giáo pháp nhiều vào tâm càng tốt. Riêng tôi, nhờ siêng năng đọc tụng kinh điển, suy gẫm những việc làm cao quý của Phật và Bồ Tát càng thấy thích tu. Và sử dụng phương tiện lạy Phật song hành với thiền quán, nên thấy Phật, mới lạy được Phật, công đức mới sanh, được những điều bất tư nghì như sức khỏe lại tăng theo tuổi đời, tâm hồn an vui theo nghịch cảnh. Tu a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất cho đến sạch nghiệp, tức đạt đến vị trí của Bồ Tát đệ bát địa, chuyển A lại da thức thành Bạch tịnh thức thì tâm không còn móng khởi điều gì nữa.

Ðến phương tiện thứ ba, chúng ta sám hối, nhưng cũng phải kèm thea gia công thiền quán. Chúng ta thường chọn ngày 15 và 30 làm lễ sám hối, Phật gọi là ngày trưởng tịnh. Ngày 15 trăng tỏ và 30 không có trăng là thời gian mà mặt trăng ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta, tạo thành nhiều chuyển đổI, kể cả tâm lý cũng đổi theo. Ngày ấy chúng ta không tu thì nghiệp ác dễ sanh trưởng. Vì vậy, đức Phật chọn ngày này để tu, không cho làm, sợ sanh phiền não, không phải chọn đó là ngày tốt.

Chúng ta ngồi yên để kiểm điểm lại là vừa sám hối vừa tu tập thiền quán mới thực là sám hối. Có người nghĩ lạy Phật sẽ hết tội, nhưng Phật không bắt tội cũng không tha tội cho ta được. Ngài không đẩy ta vào địa ngục, cũng không đưa ta lên thiên đàng. Chúng ta không cầu xin Phật. Nhưng tại sao chúng ta lạy Phật? Lạy Phật và sám hối chính là mượn hình ảnh thánh thiện trọn lành của Phật để thay thế hình ảnh xấu ác, tội lỗi. Vì thế, tu sám hối, chúng ta phải quán được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Ngài, 3.000 oai nghi, 80.000 tế hạnh, đem đức tướng ấy của Phật so với thân ô uế, tội lỗi, dễ ghét của chúng ta, để thấy rõ chúng ta phạm những sai lầm gì mà ra nông nỗi này và đức Phật tạo phước đức gì mà Ngài cao sang như vậy. Muốn biết tội đời trước, chúng ta nhìn thành quả đời này của mình. Ðời trước sát sanh hại mạng, gian tham nên đời này bệnh hoạn, yếu đuối, nghèo khó.

Chúng ta sám tiền khiên, hối hậu quá, nghĩa là nhận ra sai lầm quá khứ và ăn năn, không tái phạm. Chúng ta theo Phật, hiện tại cứ lo làm việc tốt thì hạt giống tốt tự lên, lâu ngày điều tốt này thay cho sai lầm xấu của quá khứ. Còn chúng ta cứ sống với xấu ác quá khứ thì một thời gian sau, xấu ấy sẽ bộc phát thành hiện tại. Nếu ác nghiệp cũ không khởi hiện hành thì nó cũng bị hư hoại luôn. Kiểm chứng kết quả tu thấy chúng ta không còn giận, không còn buồn là biết chúng ta đã tiêu hủy được hạt giống xấu. Muốn hạt giống ác mất, phải trồng hạt giống tốt, là trồng căn lành bằng cách lạy Phật, sám hối. Nghĩ về Phật, về Thánh hiền, tán thán công đức các Ngài thì những điều cao quý ấy trang nghiêm tâm ta, tội lần tiêu, lòng chúng ta tự thanh thản.

Tóm lại, tụng kinh, lạy Phật, sám hối song hành với thiền quán, chúng ta quan sát xem Phật, Bồ Tát, Thánh hiền làm gì, chúng ta tập làm theo, để điều chỉnh thân tâm chúng ta lần cho giống các Ngài. Chuyển hóa được tâm thành thánh thiện, chắc chắn hoàn cảnh cũng tự chuyển đổi tốt đẹp theo ; vì Phật dạy y báo tùy thuộc chánh báo. Nương theo những chiếc phao phương tiện mà đức Phật để lại, chúng ta hành xử lợi lạc cho mình và người để Phật pháp còn mãi trên thế gian lợi lạc chúng hữu tình.
HT. Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com