Home » , » Ý nghĩa bờ bên kia

Ý nghĩa bờ bên kia

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012 | 20:23


Bờ bên kia dịch từ chữ Hán là đáo bỉ ngạn, tức đến bờ bên kia. Có người dùng từ hồi đầu thị ngạn nghĩa là quay đầu là bờ, từ này cũng khó hiểu, ít có người hiểu đúng. Bờ bên kia ở đâu và hồi đầu là gì?

Trước nhất chúng ta phân ra hai bên, một bên là thử ngạn, tức bên này và bỉ ngạn là bên kia. Chúng ta đứng bên bờ này là bên bờ của sanh tử, cho nên đối với sanh tử, chúng ta có bờ bên kia là Niết bàn. Người tu Thiền còn gợi thêm một ý nữa là “Sanh tử Niết bàn đẳng không hoa”, tức sanh tử thuộc ảo, nhưng Niết bàn cũng ảo; đó là đỉnh cao của Bát Nhã. Đức Phật dạy rằng vì chúng ta đứng ở sanh tử, nên hướng về Niết bàn; nhưng đạt được Niết bàn thì Niết bàn đó cũng là ảo. Ý này mở ra cho chúng ta nhận biết được có một thế giới vượt trên Niết bàn.
Trước nhất, chúng ta đang đứng ở bờ sanh tử, hay sống trong sanh tử, tức có sanh thì phải có chấm dứt cuộc sống. Tuy nhiên, ý nghĩa mà chúng ta muốn nói đến là bờ bên kia, tức sau khi chết, chúng ta về đâu. Thông thường chúng ta nghĩ rằng sau khi chết, chúng ta về thế giới Phật, về Niết bàn, về thiên đường, hoặc tái sanh lại cõi người. Như vậy, cứu cánh Niết bàn là điểm tối hậu, còn phía bên kia có nhiều thứ, không nhất thiết có một. Khi chúng ta đến thế giới Ta bà này, mỗi người đều mang theo mình nghiệp riêng từ quá khứ. Có thể nói chúng ta hiện hữu ở thế giới này là thể hiện nghiệp quá khứ và hành vi tạo tác của chúng ta trong kiếp này là hạt nhân để tạo thành cuộc sống của kiếp sau. Vì vậy, chúng ta sống như thế nào trong hiện tại thì sau khi chết, sẽ có đời sau thể hiện cuộc sống hiện tại của chúng ta. 
Thật vậy, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta được đưa vào và lưu giữ lại trong tiềm thức, Duy thức học gọi là A lại da thức. Và tất cả những gì xảy ra  trong cuộc sống hiện tại đều được gom vào đầy đủ trong kho tiềm thức và chúng thường hiện ra trong giấc mơ khi chúng ta chìm vào giấc ngủ. Tiềm thức hay tâm thức của chúng ta đã nói lên được cuộc sống của chúng ta sau khi chết. Những người tham lam, hung dữ, độc ác, hơn thua tranh giành trong cuộc sống hàng ngày, những việc này phát xuất từ tâm tham vọng, nên tâm thức đó đã chất chứa hạt giống ác. Chính vì vậy mà khi còn sống, tâm trạng họ đã bất an và trong giấc ngủ, họ cũng mộng mị bất an, cho đến giấc ngủ dài là sau khi chết, tâm họ chắc chắn cũng rơi vào thế giới bên kia bất an là địa ngục. Những người sống trong trạng thái tâm như vậy, thì đối với họ “Dương gian là cảnh, âm phủ là quê, sống ở thác về”. Thác về là về địa ngục, nghĩa là họ phải trải qua từ tầng địa ngục thứ nhất cho đến tầng địa ngục thứ mười. Qua mười chặng đường của thế giới âm, đến chặng cuối cùng để giải quyết những việc mà con người đã làm trên trần gian và trước khi tái sanh lại cuộc đời, họ đến nhà bà lão do Ngọc hoàng gởi xuống. Bà lão này cho ăn bát cháo lú thì tái sanh trên cuộc đời, họ quên tất cả quá khứ và trở lại con người bình thường trần tục mà sống, để rồi kết cuộc chấm dứt cuộc sống cũng lại đi một vòng giống y như vậy, lại đi qua mười cửa ngục, rồi tái sanh… Đó là cuộc sống hẹp, lẩn quẩn trong địa ngục luân hồi, nhưng nếu mở rộng là lục đạo luân hồi, tức có sáu con đường luôn mở rộng là mở rộng tâm thức, không phải chỉ đi vào địa ngục; tùy theo suy nghĩ và hành động mà mỗi người có kết quả khác nhau sau khi chết. 
Đương nhiên tạo ác thì vào địa ngục, còn người tạo phước nhưng nhiều sân hận, họ có thể sanh lại thế giới A tu la. Hoặc người sống lương thiện không thể vào mười địa ngục, họ có hạt nhân làm người thì tái sanh làm người và nếu có phước cao, đã sống trọn mười điều lành, họ sẽ sanh lên cõi Trời dục, tức Tứ thiên, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, hay Hóa lạc thiên. Như vậy, đối với những người vừa nói, bờ bên kia được giới hạn trong phạm vi luân hồi tái sanh từ địa ngục cho đến cõi người, cõi trời. Những người không tu chưa hiểu đạo, chưa thực tập Thiền quán, chưa hạ thủ công phu thì chỉ đi vào lục đạo luân hồi này.
Còn bờ bên kia mà Đức Phật dạy xa hơn cho người có hạ thủ công phu thì như thế nào. Trước tiên, Phật dạy hàng Thanh văn thực tập 37 trợ đạo phẩm, bờ bên kia của họ hoàn toàn khác, vì họ tu hành sống cuộc đời khác với phàm phu,  họ không huân tập tâm xấu ác, không làm việc tội lỗi, kể cả tâm tốt, việc thiện cũng không huân tập. Họ chỉ muốn làm cho tâm thanh tịnh mà thôi. Khởi đầu tu, Phật dạy Thanh văn tu Tứ niệm xứ quán: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán thọ thì khổ, quán pháp vô ngã; cuối cùng đến bờ bên kia là Không. Và thế giới Không này theo tinh thần Bát Nhã mà Đức Quan Âm đã “Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách…”. Mở đầu Tâm kinh, Đức Phật giới thiệu Bồ tát Quan Âm nhờ thực tập Bát Nhã đến mức đào sâu ngũ uẩn, thấy tất cả đều là không, thì không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cũng không có cứu cánh Niết bàn; từ đó, tâm hoàn toàn trống không, đạt đạo giải thoát. 
Vì vậy, bước đầu tu hành của chúng ta là cứu cánh Niết bàn, giải thoát. Các Phật tử tu học Phật pháp cố gắng thực tập cho được giai đoạn một, phải nhận thấy rõ tất cả mọi người cuối cùng đều phải rời bỏ thân tứ đại, huống chi là vật sở hữu làm sao giữ được, mang theo được sau khi chết. Ý thức sâu sắc như vậy sẽ bỏ được tâm chấp trước, chúng ta liền có cuộc sống an lạc. 
Đầu tiên kinh Bát Nhã mở ra cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của đến bờ bên kia; nhưng chỗ này không phải là điểm dừng của chúng ta. Thật vậy, Bát Nhã là đỉnh cao của Tứ Thánh Đế mà Phật đã dạy. Người tu thành tựu giới, định, tuệ, mới thấy được thế giới không, không này là không chấp trước, không tham đắm. Còn chấp trước, còn tham đắm thì còn khổ. Đỉnh cao của người tu là tâm hoàn toàn thanh thản, vì không chấp trước, không tham đắm, nên tất cả mọi việc đối với chúng ta trở nên nhẹ nhàng. Nhưng chúng ta không dừng ở chỗ này, vì có thế giới không này để thoát ly bờ sanh tử mà thôi và sau cái không này còn có cái vi diệu hơn nữa. Vì vậy, khi mở được mắt trí huệ, chúng ta sẽ thấy rõ những gì bờ bên kia có, không phải KHÔNG là trống không.
Trên tinh thần này, Ngài Huệ Năng dạy rằng Bản lai vô nhất vật. Người không hiểu, chấp vào cái “vô” này, rồi thấy không là không suông, chẳng có gì cả. Phải hiểu rằng tất cả mọi sự mọi việc trên cuộc đời này đều là không, tức tất cả đều là ảo giác. Chúng ta đạt đến không là trạm dừng chân để thưởng thức được cuộc sống giải thoát so với khổ đau của phàm phu, chứ đó chưa phải là cứu cánh. 
Vì vậy, đạt được “Vô nhất vật” rồi, cánh cửa sanh tử bên này đóng thì cánh cửa Niết bàn bên kia mới mở ra, bấy giờ sẽ có “Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”, tức phía bên kia còn đẹp hơn gấp bội phần. Chúng ta thấy thế giới này đẹp, cho nên tham đắm; nhưng Lục tổ Huệ Năng dạy chúng ta rằng ở bờ bên kia còn đẹp hơn nhiều, không phải trống không, không phải không suông như mọi người nghĩ tưởng. Bờ bên kia có Cực lạc của Phật Di Đà, có Niết bàn của chư vị Thánh La hán, có cung Trời Đâu Suất của Đức Di Lặc, v.v…
Và khi nhận thức được bờ bên kia giải thoát còn có những điều kỳ diệu hơn, tốt đẹp hơn ở cõi này, chúng ta bắt đầu khám phá bờ bên kia để hướng tâm đến. Hành giả tu pháp môn Tịnh độ dễ nhận ra bờ bên kia. Đức Phật Di Đà xưa cũng làm vua là Vô Tránh Niệm, Ngài có tất cả những sở hữu vật chất lớn nhất trần gian, vì Ngài là Chuyển luân Thánh vương; nhưng Ngài cảm nhận được sở hữu vật chất này không tồn tại vĩnh viễn và khi hết phước báu, những sở hữu vật chất này liền trở thành trần lao nghiệp chướng cho mình. Thực tế cuộc sống cho thấy rõ khi có phước, người thân hết lòng với họ, người giúp việc cũng trung thành, thậm chí người chống đối không dám hại mà còn phải làm tốt. Nhờ phước như vậy, họ dễ dàng tạo sự nghiệp lớn lao trên cuộc đời; nhưng khi hết phước, người ủng hộ bắt đầu chống phá, thậm chí con cháu trong gia đình cũng phá hại. Đức Phật Di Đà nhận ra phước này chỉ là tạm bợ trong sanh tử, không đáng để quan tâm. Vua Trần Thái Tông cũng thể hiện ý này qua câu nói nổi tiếng “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách”.
Tất cả phước báu thế gian không đáng quan tâm, cho nên vua Vô Tránh Niệm mới quan tâm cái khác thì mới được Bảo Tạng Như Lai hướng dẫn tiến tu theo Phật đạo. Ngài liền từ bỏ cuộc sống tạm bợ thế gian, xuất gia làm Tỳ kheo Pháp Tạng, sống thánh thiện. Từ người có phước báu hữu lậu thế gian mà đánh đổi lấy phước báu vô lậu như vua Vô Tránh Niệm là người biết tu; không biết tu thì phước báu hữu lậu đã có tiêu xài phung phí sẽ hết.
Bảo Tạng Như Lai dạy vua Vô Tránh Niệm chuyển đổi phước báu hữu lậu thành vô lậu bằng cách nào ?   Tất cả những gì nhà vua có đều chuyển thành vô lậu, ví dụ như có tiền thì dùng bố thí, cúng dường; vì bố thí sẽ được người quý trọng, cúng dường sẽ có phước và có phước mới kết duyên được với cao Tăng, Thánh hiền. Kinh nói rõ rằng Ngài thường tham học với tất cả đại thiện tri thức, hay các Đức Như Lai. Nhờ những phước báu là thông minh, có tiền, sức khỏe tốt và sử dụng phước này để tham vấn cầu học, phước của Ngài càng tăng thêm, nên mới có tên là Pháp Tạng Tỳ kheo; nghĩa là Ngài đã đem phước thế gian đổi thành kho tàng quý báu vô giá, gọi là Pháp. Tu theo Phật, phải triển khai được như vậy. Pháp Tạng Tỳ kheo có kho báu là phước đức và trí tuệ; phước đức do bố thí, cúng dường và trí tuệ nhờ học được pháp của Như Lai. Đức Phật Di Đà khởi đầu cách tu như vậy. 
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật cũng dạy người tu  cần tri thức, không có Phật nào không xả thân học đạo cầu tri thức và chính Đức Phật Thích Ca cũng   đã từng làm như vậy. Tỳ kheo Pháp Tạng có kho phước mới dễ dàng tạo thêm phước và Ngài có khả năng hiểu biết mới thâm nhập được tri kiến Như Lai. Điều này chúng ta thấy rõ trong cuộc sống, những người không có khả năng hiểu biết thì không thể học được. Có thể nói rằng muốn trí thức hóa nông dân rất khó, nhưng lao động hóa trí thức không khó. Tôi nhận thấy tuy cùng học một lớp, nhưng người thành đạt dễ dàng, người không học nổi vì không có khả năng tiếp thu. 
Đức Phật Di Đà trở thành giáo chủ thế giới Tây phương Cực Lạc một cách nhẹ nhàng vì Ngài sở hữu kho tàng vô lậu và sử dụng kho báu này để phát huy lên. Thật vậy, mở đầu, Ngài khai mở một quốc gia gọi là An Dưỡng Quốc để làm nơi tập hợp những người có tri thức và khi tập hợp được nhiều thiện tri thức, Ngài sử dụng kho tàng pháp bảo này thành lập được An Dưỡng Quốc thật sự có toàn những người giỏi, tốt; vì thực tế một người giỏi đến đâu cũng không thể một mình làm được. Muốn được việc, phải tập trung được nhiều người có năng lực thật sự và có đạo đức mà kinh gọi là Đại thiện tri thức. 
Vì vậy, thế giới của Phật Di Đà xây dựng đầu tiên theo tiêu chuẩn là những người được Ngài mời tới là người sạch nghiệp, trong kinh gọi là hàng Thượng thiện nhân. Nếu tu theo Nhị thừa, thì phải là La hán, Bích chi Phật; nếu tu theo Đại thừa, phải là hàng Nhứt sanh bổ xứ A Bệ Bạt Trí. Đó là quy cách của Phật Di Đà, tập hợp những người có tri thức và đức hạnh. Ngài xây dựng được như vậy vì đã học được mô hình Tịnh độ của chư Phật mười phương; nói cách khác, có học và có phước mới làm được.
Từ thế giới Không của Bát Nhã bước qua, liền gặp các thế giới của Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Hương Tích, v.v… Có rất nhiều Tịnh độ của chư Phật cho chúng ta đến là bước đầu vào bờ bên kia. Và để đến bờ bên kia, mỗi pháp môn tu có hướng riêng chỉ rõ cho chúng ta; không phải có một con đường lên Niết bàn, hay về Cực lạc, về các Tịnh độ. Ví dụ tôi chuyên tu Bổn môn Pháp Hoa tất nhiên có hướng khác, có cái nhìn khác với những vị tu pháp môn khác. Con đường Phật đạo qua bờ bên kia theo kinh Bát Nhã, hay theo Tịnh độ của Phật Di Đà, hoặc bờ bên kia theo kinh Pháp Hoa đều có cách hành trì khác nhau và đạt đến kết quả cũng khác nhau.
Riêng tôi, thường xuyên lạy Hồng danh Pháp Hoa để tạo mối giao cảm với chư Phật và Bồ tát; vì tôi không biết các Ngài ở đâu, nhưng bằng niềm tin và tâm kính trọng của tôi đối với các Ngài, nên mỗi ngày tôi lễ bái, tạo mối tương thông với các Ngài. Tôi cảm giác chung quanh mình có Phật và Bồ tát, nhưng vì mang thân ngũ ấm, nên ta không thấy được các Ngài. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy các Ngài qua niềm tin. Ý này được kinh Pháp Hoa dạy rằng Xá Lợi Phất thuộc hàng trí tuệ bậc nhất mà cũng phải dùng niềm tin vào đạo; vì thật sự chúng ta khó thấy được những gì của bờ bên kia, người nói chưa thấy mà người  nghe cũng không thấy bờ bên kia. 
Vì vậy, với pháp môn hành trì là lễ lạy chư Phật, chư Bồ tát với tất cả niềm tin son sắt, đã tạo cho tôi sự bình an trong lòng. Ở bên bờ sanh tử này, trong thế giới đầy bất an này, nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn an lành, vì tâm tôi hướng về Phật, Bồ tát. Đem tâm mình gắn kết với Phật này, Phật kia, Bồ tát nọ, nhờ sự gắn kết sâu xa mật thiết như vậy, đã giúp cho tôi có được tâm bình an ở bước ban đầu. Và trải qua nhiều năm tu hành, từ độ cảm tâm trong lòng mà cuộc sống bên ngoài của tôi được thay đổi tốt đẹp theo. Những gì tôi thấy trong giấc mơ, trong thiền định, trong suy tư dần dần trở thành hiện thực.
Bước đầu tôi chỉ thấy mình đi nghe pháp ở các giảng đường, xa hơn, nghe pháp của các Bồ tát giảng. Trên bước đường tu, tuy thấy như vậy trong giấc mơ, nhưng ít nhất trong tâm thức chúng ta đã có hạt giống tốt lành rồi. Mơ thấy đi chùa, lễ Phật, nghe pháp là điều rất quý. Tôi có bạn đồng tu kể rằng trong giấc mơ ông không biết mình là thầy tu, mà lại thấy mình đi chài lưới bắt cá. Một khoảng thời gian sau, ông này trở thành người chài lưới thật. Vì túc nghiệp là chài lưới, nên tu hành, nghiệp này cứ hiện lên và ở trong tiềm thức lâu, nghiệp này trở thành hiện thực trong cuộc sống. Thưở mới tu, tôi thường mơ thấy chùa, thấy đang tu với Đại chúng, nghĩa là thế giới tiềm thức đã ghi đậm dấu ấn như vậy và xa hơn, tôi thấy trong giấc mơ, mình tụng kinh, thuyết pháp ở nhiều đạo tràng. Theo tôi, giấc mơ và cuộc sống thực tế phải gắn kết với nhau, tức giữa thế giới vô hình và thế giới vật chất hữu hình, giữa tiềm thức và hiện thực cuộc sống đã có một sự nối kết chặt chẽ; không phải ảo giác, nhưng là thật.
Tiến xa hơn nữa trên bước đường tu, hành giả Pháp Hoa nhận ra rằng đi vào cửa Phật tuy bằng pháp phương tiện, nhưng đi qua được bờ bên kia, mới thấy được thiên bá ức hóa thân Phật hiện vào tâm thức chúng ta và điều quan trọng là tất cả những hóa thân Phật lại hiện thành thiện tri thức của chúng ta trên cuộc đời này. Như Hòa thượng Thiện Trí ngồi kế bên tôi đã là thiện tri thức trong tiềm thức của tôi thì nay trong Ban Tổ chức khóa tu Một ngày an lạc, ngài cũng là thiện tri thức của tôi. Phải khẳng định rằng tu Pháp Hoa không phải là sống với cái ảo, những gì có trong tiềm thức phải có trong cuộc sống của chúng ta. 
Vào cửa Phật qua giáo pháp phương tiện và thực tập pháp phương tiện này, chúng ta nhận biết được rằng Phật có thiên bá ức hóa thân với vô số hành trạng khác nhau. Chẳng những chúng ta thấy ở Việt Nam mà cũng có thể mở rộng tầm nhìn khắp các quốc gia khác. Tùy theo sự tu hành của chúng ta đến mức độ nào thì giấc mơ cũng trải rộng như vậy. Vào cửa phương tiện thực tập để lần vào thế giới của bờ bên kia và nếu tu Bổn môn Pháp hoa, đạt đến đỉnh cao là vào thế giới Thường Tịch Quang, gọi là Bổn độ; đó là thế giới của Đức Phật Thích Ca hay của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, tức là Phật gốc.Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng từ ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thường ở ta bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp, giáo hóa vô số chúng sanh. 
Đến được bờ bên kia, chúng ta thấy thị hiện sanh thân Phật, thấy các hóa thân Phật cứu độ chúng sanh trong khắp pháp giới và tiến tu xa hơn nữa, chúng ta mới gặp được báo thân viên mãn của Phật Thích Ca, tức là phước đức và trí tuệ của Phật đã thành tựu trải qua suốt lộ trình Bồ tát đạo từ vô lượng kiếp. Đức Phật nói rằng: Ta tu Bồ tát đạo, cảm thành thọ mạng dài lâu, đến nay chưa hết mà còn lớn hơn nữa.
Tu hạnh Bồ tát để cảm thành thọ mạng, nghĩa là tạo thành thân phước đức trí tuệ mới là điều quan trọng đối với người tu, không phải chết là hết, nhưng càng tu thì phước đức trí tuệ càng lớn hơn. Phước đức trí tuệ của Đức Phật Thích Ca vẫn lớn lên mãi theo dòng thời gian vô tận, điều này thể hiện rõ trong Mạn đà la, ở giữa tâm có Đức Phật Lô Xá Na, bốn bên có bốn vị Phật, phía Tây có Phật Di Đà, phía Đông có Phật A Súc, phía Nam có Phật Bảo Sanh, phía Bắc có Phật Thành Tựu. Bốn vị Phật này tiêu biểu cho phước đức trí tuệ vẹn toàn của Đức Phật Lô Xá Na hiện hữu ở bốn phương. Tu Bổn môn Pháp Hoa, đi sâu vào thế giới tâm, sẽ nhận thấy được các vị Phật này. 
Trên bước đường tu, ở giai đoạn đầu, chúng ta cần học hiểu pháp Phật cho đúng. Sang giai đoạn hai, phải phát huy được đạo lực của chính mình, thấy được các thế giới Phật xung quanh chúng ta. Từ đó, dù có đọc tụng hay không đọc tụng kinh điển, nhưng tâm hành giả đã duyên được với thế giới Thật báo trang nghiêm của Đức Thích Ca, nên thường thấy chư Phật, chư Bồ tát, thường nghe pháp và thâm nhập vào đạo tràng của các Ngài. Đó chính là loại hình thế giới thứ hai là tâm thức của chính mình.
Thiết nghĩ bằng niềm tin dũng mãnh sẽ đi vào được các thế giới này và nhận ra những gì chúng ta đã nói. Bờ bên kia là thế giới tâm thức mà nơi đó, chúng ta diện kiến được một Phật cho đến nhiều Phật, vào được các thế giới Phật như Cực lạc của Phật Di Đà, hay Tịnh độ của Đức Di Lặc ở cung Trời Đâu Suất, v.v… và trở lại hiện thực cuộc sống này, chúng ta sẽ gặp được những người bạn tốt, đạo đức đến hợp tác với chúng ta trong các Phật sự. Cao hơn nữa, trên lộ trình hành Bồ tát đạo cho đến thành Phật còn có nhiều loại hình Tịnh độ khác nữa, điều này còn xa đối  với chúng ta, nên không bàn đến. Mong rằng mỗi hành giả trong khóa tu này học và thực hành Phật pháp, đều xây dựng được Tịnh độ riêng cho mình an trú để phát huy được phước đức và trí tuệ, nuôi lớn được báo thân của chính mình.
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com