Tỉnh Long An ở gần thành phố Hồ Chí Minh, nên cũng đang tiến theo nhịp phát triển của thành phố. Đặc biệt về phương diện tu hành, tỉnh nhà cũng đã tiến được một bước khá dài, Tăng Ni được tập họp về các trụ xứ để tu học và an cư kiết hạ, nhất là tỉnh chúng ta đã sắp xếp những điểm an cư riêng biệt, như trường hạ dành cho Tăng Ni trẻ tuổi còn đang theo học tại các trường Phật học, trường hạ dành cho người lớn tuổi và trường hạ dành cho người tu biệt truyền.
Với tổ chức những điểm an cư mẫu mực thích ứng với tuổi tác,với sức khỏe, với pháp tu biệt truyền như thế, tôi tin rằng việc tu hành sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Nhưng cần lưu ý rằng không phải sắp xếp riêng biệt để rồi chúng ta chấp vào phương tiện đó mà bị vướng mắc với pháp và dẫn đến tình trạng phân biệt đạo tràng này với đạo tràng khác, phân biệt pháp môn này với pháp môn khác, phân biệt người này với người khác, v.v… Vì mọi người đều có nghiệp chướng, sức khỏe, nhận thức không đồng nhau, cho nên chúng ta phải sử dụng pháp môn phương tiện của Phật dạy, để hợp nhất với nhau trong việc tu học và hành đạo; không phải đi theo những con đường riêng biệt để tạo thành tình trạng chống trái nhau. Thật vậy, chúng ta đều nhớ lời Phật dạy rằng nước ở các nguồn khác nhau, tức mọi người đều có nghiệp thức sai khác, nên việc tu học, hành đạo phải khác; nhưng khi nước hòa nhập vào biển thì chỉ có một vị mặn. Người tu cũng vậy, dù tu pháp gì cũng đều nhằm đạt được giải thoát.
Với tổ chức những điểm an cư mẫu mực thích ứng với tuổi tác,với sức khỏe, với pháp tu biệt truyền như thế, tôi tin rằng việc tu hành sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Nhưng cần lưu ý rằng không phải sắp xếp riêng biệt để rồi chúng ta chấp vào phương tiện đó mà bị vướng mắc với pháp và dẫn đến tình trạng phân biệt đạo tràng này với đạo tràng khác, phân biệt pháp môn này với pháp môn khác, phân biệt người này với người khác, v.v… Vì mọi người đều có nghiệp chướng, sức khỏe, nhận thức không đồng nhau, cho nên chúng ta phải sử dụng pháp môn phương tiện của Phật dạy, để hợp nhất với nhau trong việc tu học và hành đạo; không phải đi theo những con đường riêng biệt để tạo thành tình trạng chống trái nhau. Thật vậy, chúng ta đều nhớ lời Phật dạy rằng nước ở các nguồn khác nhau, tức mọi người đều có nghiệp thức sai khác, nên việc tu học, hành đạo phải khác; nhưng khi nước hòa nhập vào biển thì chỉ có một vị mặn. Người tu cũng vậy, dù tu pháp gì cũng đều nhằm đạt được giải thoát.
Đức Phật khai ra nhiều pháp môn tu, chúng ta cũng phải triển khai thành nhiều đạo tràng khác nhau. Đạo tràng dành cho Tăng Ni trẻ thì điều chính yếu là việc học, nên thời gian học cần nhiều và thời gian hành trì ít hơn. Nhưng đối với các vị lớn tuổi, việc hành trì pháp môn là chính, học là phụ và đến tuổi già, học không được và hành trì theo thời khóa mẫu mực cũng không nổi thì cần có sự an dưỡng tu tập riêng. Vì thế, tỉnh nhà chúng ta có tổ chức đạo tràng đặc biệt tại chùa Pháp Bảo dành cho những vị cao tuổi để tu hành riêng là điều tốt; nhưng không phải bỏ mặc họ, mà Ban Trị sự cần quan tâm chăm sóc những vị này, nếu không, họ khó thanh tịnh và khó thực hiện được pháp Phật. Có thể tóm gọn, lớp trẻ học nhiều, tu ít; lớp lớn tu nhiều, học ít và tuổi xế bóng chuẩn bị tinh thần về thế giới Phật.
Tăng Ni trẻ tuổi phải dành nhiều thì giờ học để tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước và mở mang trí tuệ của mình. Phải nỗ lực tạo hành trang như vậy để sau này vào đời hành đạo mới không đi lạc hướng. Riêng tôi, lúc tuổi trẻ cũng vậy, theo học tại Phật học đường Nam Việt và tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài trải qua thời gian dài hơn mười năm, mới hiểu được những gì mà các vị đi trước ở trong nước cũng như trên thế giới từng thể nghiệm. Nhờ học hành, tiếp thu tinh ba của các vị tiền bối, tôi mới có thể đóng góp được cho Giáo hội suốt chặng đường hơn 30 năm qua.
Không có thời gian học, chắc chắn không có đủ tư lương hành đạo. Tôi luôn khuyến khích Tăng Ni trẻ nên nỗ lực học và tôi cũng thường yêu cầu Ban chỉ đạo an cư cho phép Tăng Ni trẻ bớt hành trì để có thì giờ học. Ngoài ra, Tăng Ni trẻ nếu giữ thời khóa như người lớn, nhưng cách hành trì phải khác, mới đạt kết quả tốt. Vì trẻ thì sức khỏe tốt và trí nhạy bén, nên sử dụng hai lợi thế này để tiếp thu giáo lý; đó cũng chính là kinh nghiệm của riêng tôi.
Đối với những vị lớn tuổi, tụng kinh giống nhau, nhưng ngồi thiền có khác; vì người lớn tuổi đã trải qua thời gian làm đạo, tiếp cận nhiều với các thành phần xã hội, nên nhận thấy được những bức bách, những đòi hỏi của quần chúng, mà kinh gọi là nghiệp và phiền não. Khi biết rõ yêu cầu của mọi người, thì vào Thiền, các vị lãnh đạo tư duy, quán sát những việc xảy ra trong một ngày, cho đến những sự kiện đến với mình, với xã hội mình đang sống trong nhiều năm tháng. Trên bước đường hoằng pháp, nhờ thời gian sống trong Thiền định giúp tôi hiểu rõ và hóa giải được những khó khăn của từng nơi, từng lúc; không phải ngồi yên để thành than nguội củi mục, không lợi ích gì.
Thiền định có quán chiếu. Quán các pháp hành của chư Phật, tức những kinh nghiệm của Phật, của chư vị Tổ sư được ghi trong kinh điển và quán sát diễn biến của xã hội chúng ta đang sống, để cho chúng ta cái nhìn xác thực về sự sống hiện tiền; đó là ý nghĩa của Thiền Minh Sát Tuệ.
Quán sát sự sống này, gần nhất Phật dạy nên quán sát thân ngũ ấm của chúng ta, từ đó sẽ nhận ra quốc độ và chúng sinh đều phát xuất từ cái chung nhứt là ngũ ấm. Ngũ ấm, quốc độ và chúng sinh gọi là tam thế gian. Từ nghìn xưa, cho đến thời Đức Phật và đến tận ngày nay và mãi tận nghìn sau, tam thế gian này là nguyên lý không thay đổi, trong khi trên mặt hiện tượng chúng ta thấy nó thay đổi trong từng sát na. Thí dụ, các pháp tu của chúng ta không thay đổi, nhưng cái thấy của chúng ta luôn thay đổi trong từng sát na. Thời kỳ Phật tại thế, đến thời kỳ phát triển, ngày nay là thời kỳ văn minh, thì quốc độ và chúng sinh tất nhiên thay đổi rất nhiều, rất khác nhau; nhưng ngũ ấm vẫn là chung nhứt, không thay đổi.
Chúng ta quán sát xem quốc độ thay đổi thế nào và quốc độ thời kỳ Phật tại thế ra sao. Đất Ấn Độ chia ra nhiều quốc độ, mỗi nơi có cuộc sống và cách cai trị khác nhau. Đức Phật thấy biết rõ sự khác biệt của quốc độ, nên Ngài đã thuyết giảng các pháp khác nhau và hành xử mọi việc khác nhau để thích ứng với từng nơi, từng người, từng lúc. Thực tế cho thấy Đức Phật đến thành Xá Vệ, thành Vương Xá và thành Tỳ Da Ly, Ngài đều nói các pháp khác nhau, nhằm tạo hiệu quả tương ưng với quốc độ đó. Như vậy, khi Phật tại thế, phạm vi giáo hóa độ sinh của Ngài chỉ dọc theo triền sông Hằng, mà đã thấy có sự khác biệt rồi. Ngày nay, Phật giáo phát triển rộng khắp năm châu bốn biển. Mỗi lần họp Thượng đỉnh Phật giáo thế giới, đều có đại biểu các nước của năm châu lục trao đổi với nhau về sự khác biệt của việc hoằng pháp ở các lãnh thổ khác nhau. Ít nhất quan sát quốc độ hữu hình, chúng ta cũng phải thấy có trên 200 quốc gia khác nhau, nói rõ là phong tục, tập quán, luật pháp, chế độ, v.v… khác nhau. Người tu Thiền thấy như vậy, mới tạm đủ cho cái thấy toàn diện về quốc độ, không phải nhắm mắt lại không biết gì.
Đối với Đức Phật, gần Ngài thấy toàn nước Ấn Độ, xa Ngài thấy khắp Pháp giới, thấy phương Đông có một Đức Phật rất thân với Phật Thích Ca là Phật Vô Động, vị thầy của Ngài Duy Ma Cật gởi Duy Ma đến Ta bà giáo hóa, tạo thắng duyên cho Đức Phật Thích Ca thuyết kinh ở thành phố phát triển là thành Tỳ Da Ly. Thật vậy, đó là thành phố văn minh, tiếp thu những nền văn minh lớn đương thời từ Trung Đông truyền xuống là văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Đến thành phố này giáo hóa, phải có Duy Ma Cật đủ tư cách và năng lực chỉnh đốn lại tình trạng bảo thủ vào hình thức cố định để đưa ra tầm nhìn mới phù hợp với quốc độ phát triển; điển hình là sự triển khai giáo lý căn bản, từ sanh diệt Thánh đế được chuyển thành vô sanh Thánh đế. Và Đức Phật đã bảo mười đại đệ tử đến thăm bệnh Duy Ma, nhưng tất cả đều không dám đi, vì đã từng bị Duy Ma chỉnh sửa cái thấy hạn hẹp, chấp chặt. Điều này nhằm nói lên thành phố Tỳ Da Ly trù phú trong thời Phật tại thế, nên tầm hiểu biết của người dân ở đó khác với những nơi lạc hậu; vì thế đến đó thuyết pháp phải biết khai thác điểm mạnh là đời sống của họ đã phát triển cao độ, từ đó nói pháp tương ưng, hướng dẫn pháp tu thích hợp. Trong thời hiện đại, Hòa thượng Thiền sư Nhất Hạnh truyền bá giáo lý thành công ở Âu châu, vì ngài tiếp cận được với văn minh Âu châu và thuyết pháp thích hợp với phong cách của họ.
Và quốc độ khác nhau, nên sản sinh ra chúng sinh khác nhau, quốc độ như thế nào thì sẽ có chúng sinh như thế ấy. Dễ hiểu như nước nghèo vì dân nghèo, mà nghèo do thiếu hiểu biết và bệnh hoạn. Vùng đất Phi châu là nơi mà người Âu châu đến khai thác những quặng mỏ vàng để họ làm giàu, còn người dân ở đó chỉ sống kiếp nô lệ nghèo khổ vì kém hiểu biết và nhiều bệnh tật.
Trong Thiền định, tôi thường quan sát gần là xã hội Việt Nam và xa quan sát năm châu bốn biển với những dân tộc khác nhau, sinh hoạt theo phong tục tập quán khác nhau, có nền văn minh khác nhau, luật lệ khác nhau, v.v… Trong Thiền định, chúng ta suy nghĩ những điều này xong, thì đến nơi nào hành đạo, thuyết pháp, chứng nghiệm xem những cái thấy trong Thiền định của chúng ta và những gì diễn ra trên thực tế cuộc sống có giống nhau hay không. Nếu cái thấy trong Thiền định và cái thấy thực tế giống nhau, là biết tuệ chúng ta đã sinh. Tôi đã có kinh nghiệm rõ ràng rằng giáo lý Phật ứng dụng trong cuộc sống phải đạt được kết quả lợi lạc thật sự. Còn giáo lý quán chiếu trong Thiền định và sự sống thực tế khác nhau, thì biết chúng ta đã lạc Thiền, đi vào vọng tưởng điên đảo, tức không thấy thực, mà rơi vào ảo giác.
Tôi thường áp dụng Thiền quán để đối chiếu với thực tế cuộc sống, nếu hai thứ này khớp với nhau là biết Thiền đúng và tuệ sinh. Thí dụ trước khi đến chùa Kim Cang giảng kinh, tôi đã thấy chùa này đang đập phá để xây dựng lại, mà thầy Tắc Ngộ thỉnh tôi thuyết pháp thì thuyết ở đâu. Trong Thiền định, quán sát xem mình thuyết pháp ở đâu, cuối cùng thấy được giảng đường và Tăng Ni, Phật tử tề tựu. Và hôm nay đến đây, tôi cũng thấy như vậy; đó là Thiền định cho cái biết đúng và thực tế cũng phải xảy ra đúng như vậy. Nhưng trong Thiền định thấy có giảng đường và Tăng Ni, Phật tử, mà đến đó hoàn toàn không có, thì đó là cái thấy theo điên đảo vọng tưởng, thấy theo ký ức thuộc vọng thức, không phải tuệ giác.
Sở dĩ có cái thấy theo ký ức, vì mỗi năm tôi đến chùa này giảng kinh, nên hình ảnh về ngôi chùa này đã được lưu giữ trong tiềm thức, trong ký ức của tôi và khi ngồi yên trong Thiền định, tất cả hình ảnh cũ sẽ hiện ra cho tôi thấy. Thấy đó là vọng, không thực, nên không đúng với thực tế, dẫn đến việc làm không thành công. Xã hội luôn thay đổi trong từng sát na, nên quán sát của chúng ta cũng phải thay đổi tương ưng; còn chỉ sống với kinh nghiệm và ký ức không phải là Thiền. Quán sát kỹ trong Thiền định, nếu thực tế xảy ra trùng khớp là tuệ sinh từ Thiền đúng; nếu Thiền không đúng với thực tế là biết ký ức hiện, là điên đảo vọng tưởng. Phải phân biệt rõ điều này để tu hành, không bị lạc Thiền. Thấy biết xuất hiện từ ký ức thì thấy hôm qua và thấy hôm nay giống nhau; nhưng tuệ sinh thì thấy đúng sự thật, thấy hôm qua khác với hôm nay, hạ năm trước khác với hạ năm nay.
Thể hiện ý này, Phật dạy rằng sự vật luôn thay đổi và chúng ta phải thấy sự vật đúng như sự thật. Giáo sư Motai đưa ra ví dụ Đức Phật thấy con chim bay qua trong vườn và Ngài chỉ A Nan thấy hình ảnh con chim bay, A Nan ghi nhận đúng như vậy. Nhưng Phật Niết bàn, thực tế không còn hình ảnh này, không cần lập lại việc này nữa. Học Phật là học trí tuệ, tức thấy chính xác và nói chính xác, không lặp lại y khuôn. Kinh Bảo Tích dạy rằng Phật trước nói, Phật sau không lặp lại. Và ở kinh khác lại dạy rằng ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai nói không thay đổi. Hai điều này thoạt nghe thấy mâu thuẫn với nhau, nhưng thật sự không chống trái mà chỉ nhằm giúp cho chúng ta có được nhận thức đúng đắn là chân lý.
Một trong những tiền thân Đức Phật Thích Ca khi hành Bồ tát đạo tên là Thường Bất Khinh. Khi Ngài mạng chung, nghe được 200 muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương. Trong khi ngày nay, chúng ta đọc kinh Pháp Hoa của ngài Cưu Ma La Thập dịch, chưa có đến một ngàn bài kệ. Như vậy, thử nghĩ xem kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương mà Bồ tát Thường Bất Khinh nghe được và kinh Pháp Hoa của Phật Thích Ca nói là một hay khác.
Như đã nói ở phần trên, những gì Đức Phật Thích Ca chỉ dạy tương ưng với quốc độ và thời kỳ mà Ngài sống. Ngày nay, chúng ta cũng nói pháp thích hợp với quốc độ và thời đại của chúng ta. Nhưng phải giống nhau ở thường pháp, nghĩa là đồng nhau ở chứng ngộ và thuyết được kinh Pháp Hoa. Muốn thuyết được kinh Pháp Hoa, phải thành tựu ba điều trọng yếu của kinh Vô Lượng Nghĩa. Vì vậy, Phật Oai ÂmVương, Phật Thích Ca và chúng ta cũng đều phải thể hiện được ba điều cốt lõi này, đó chính là thường pháp. Ba đời chư Phật nói giống nhau ở thường pháp, nhưng diễn tả khác nhau.
Ba điều thường pháp phải có để thuyết được kinh Pháp Hoa là: được mọi người tôn kính, thấy được sự thật của tam thế gian và sống lợi ích cho chúng hữu tình. Trong phẩm Pháp sư thứ mười của kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rõ rằng người có nhân duyên tu trong Chánh pháp và chứng ngộ được pháp thì không hề chống trái với pháp sư. Tôi rất tâm đắc ý này. Đức Phật quá khứ Oai Âm Vương, Đức Phật Thích Ca hiện tại đã thể hiện trọn vẹn đạo đức cao tột, được mọi người tôn kính tuyệt đối và chúng ta ngày nay bước theo dấu chân Phật cũng phải có cuộc sống cao đẹp được người quý mến. Nói cách khác, những người nghe pháp đồng quan điểm với chúng ta, thì đó là yếu tố đạo đức cần thiết để tuyên nói chân lý Pháp Hoa. Không được quý kính vì không có phạm hạnh thanh tịnh thì chỉ giảng kinh trên văn tự mà thôi.
Điều thứ hai cần có để thuyết kinh Pháp Hoa là phải thấy được sự thật của tam thế gian, tức nhận thức sâu sắc rằng từ ngũ ấm tạo ra chúng sinh và quốc độ. Nghĩa là phải có tuệ giác thấy rõ chúng sinh ở thời đại nào, quốc độ nào, họ cần gì, nghĩ gì và tu pháp gì thích hợp. Không có tuệ giác không có Pháp Hoa. Thứ ba là hành giả Pháp Hoa hiện hữu nơi nào, phải mang lại lợi ích cho nơi đó; vì thế, Đức Phật cũng dạy rõ người trì kinh Pháp Hoa đến đâu là tà ma ngoại đạo tránh xa.
Thực hiện được ba điều nói trên, Bồ tát Đại Trang Nghiêm mới đem kinh Pháp Hoa đến. Đó là vô tự chân kinh mà ba đời chư Phật đều nói giống nhau, hay tất cả các Đức Phật tuy hiện hữu ở những thời kỳ khác nhau, sống ở những quốc độ khác nhau, cách hành đạo khác nhau, nhưng các Ngài đều giống nhau ở đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho chúng hữu tình. Còn chấp pháp thì chỉ đồng với Phật trên hình thức, lặp y lời Phật, nhưng tâm không sáng suốt, chúng hữu tình không kính ngưỡng và không làm lợi ích cho họ.
Thực tập Thiền quán, quý thầy cô thuyết pháp, nên quán sát kỹ tâm trạng và yêu cầu của quần chúng nơi mình đến giảng dạy, để đưa ra những bài pháp hữu ích cho cuộc sống thực tế của họ.
Đối với quý thầy cô trẻ tuổi còn theo học các Phật học đường, nên quán tưởng những gì mà quý tôn đức truyền trao tại trường lớp. Học trong Thiền định như vậy đạt được kết quả rất hữu hiệu. Đó là kinh nghiệm của riêng tôi khi còn ngồi ghế nhà trường, thường suy tư trong Thiền định về bài vở mà các thầy giảng dạy tại lớp, nên dễ dàng tiếp nhận được yếu nghĩa và nhớ rất chính xác, rất lâu, đạt được thành tích học tập vượt bậc. Còn vào Thiền, rồi xả Thiền thì xong, không được gì, e rằng bị lãng phí công phu tu hành. Vào Thiền, quán tưởng lời Phật dạy trong kinh điển, lời Tổ sư dạy, lời của pháp sư, của thân giáo sư thì cốt lõi của những lời chỉ dạy ấy được sáng ra, chúng ta không thể quên và từng bước thể nghiệm trên bước đường tu của mình được kết quả tốt đẹp thật sự.
Đối với những vị đã đến tuổi xế chiều, cuối cuộc đời, theo tôi, trong Thiền định nên suy nghĩ về các thế giới Phật để chọn loại hình thế giới Phật nào mình ưa thích và chuyên tâm vào việc thâm nhập thế giới đó. Chuyên nhứt hành trì như vậy, khi từ giã cõi đời này, chúng ta chắc chắn đã có chỗ đến và đi thẳng về thế giới thánh thiện ấy mà an trú; không bị phiền não nghiệp chướng lôi léo.
Tóm lại, trong quãng đời tuổi trẻ còn học, trong thời gian hành đạo khi trưởng thành và đến lúc tuổi già, ba giai đoạn này trong cuộc đời chúng ta cần có cách Thiền quán tương ưng khác nhau. Riêng tôi, đã trải qua hai giai đoạn Thiền của người trẻ khác với lúc tuổi lớn làm việc. Chỉ còn giai đoạn cuối, đưa tâm vào thế giới thích hợp với mình để an nhiên thâm nhập. Đó là một số kinh nghiệm tôi chia sẻ với quý vị. Mong rằng quý vị thực tập được trong Thiền quán để trở thành người hữu ích cho cuộc đời và là pháp khí Đại thừa, báo đáp công ân muôn một của Đức Phật, của chư vị tiền bối và đàn na tín thí.
HT.Thích Trí Quảng