Ăn chay đang thành xu hướng ẩm thực trong giới trẻ. Giữa cuộc sống
xô bồ, hối hả, giới trẻ hiện đại thích đến những quán cơm chay để tìm cho mình
giây phút bình yên, hay tự chế biến món ăn chay dinh dưỡng, ấm cúng để cùng
thưởng thức với bạn bè và người thân.
Phong trào
“ăn chay vì môi trường” trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên đang diễn ra khá
rầm rộ.
Thực phẩm chay ngày càng phổ biến |
Vì
sao giới trẻ thích?
Không chỉ
những người theo tín ngưỡng tôn giáo hay giảm cân mới thực hiện ăn chay. Ai cũng
có thể lựa chọn ăn chay như một phương pháp phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc
dáng, kéo dài tuổi thọ, chưa kể quan niệm ăn chay là để tâm hồn thanh tịnh, bình
an.
Các bạn trẻ
đang ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường và nhận biết được những
tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đối với môi trường sống, để từ đó thấy
được rằng việc giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn sẽ là một cách bảo vệ
cân bằng sinh thái.
Ý tưởng “ăn
chay vì môi trường” được bắt đầu từ bạn Đỗ Thị Thu Trang- sinh viên cao học
thuộc chương trình cao học Quốc tế Huế- Okayama và các sứ giả xanh của diễn đàn
Thanh niên và phát triển bền vững 2010.
Hiện nay, ý
tưởng này đã trở thành một chiến dịch trên cả nước, hưởng ứng phong trào 350
trong ngày hội hành động toàn cầu vì khí hậu 10-10-2010. Chiến dịch “ăn chay vì
môi trường” đang được thực hiện với sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, với mục
tiêu giúp người dân hiểu và duy trì thói quen ăn chay hằng ngày và thực hiện
điều đó ngay cả khi kết thúc chiến dịch.
Năm 2010 là
Năm Quốc tế Thanh niên nên các bạn trẻ Việt Nam đang rầm rộ hòa cùng không khí
chung của thanh niên thế giới trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu từ
việc làm đơn giản nhất là ăn chay mỗi tuần một ngày, mỗi ngày một
bữa.
Gần đây, tại
làng Đại học Thủ Đức (TPHCM), nhiều quán ăn chay mới khai trương đã thu hút rất
đông sinh viên. Ở Hà Nội, những quán ăn chay mọc lên như nấm, và rất đông khách
dịp cuối tuần.
Ăn
chay bảo vệ môi trường?
TS. Nguyễn
Thọ Nhân - tác giả cuốn Biến đổi khí hậu và năng lượng (NXB Trí thức 2009) đang
ấp ủ trình làng một cuốn sách riêng về ăn chay. Nhìn nhận về phong trào ăn chay
trong giới trẻ, TS Nguyễn Thọ Nhân khẳng định: “Hiện nay, thế giới có bốn tỷ
người ăn các loại thực vật so với hai tỷ người ăn thịt động vật tập trung ở các
nước giàu có. Vì thế phong trào ăn chay đang nhắm vào các nước phát triển là chủ
yếu”.
Xét từ mối
quan hệ giữa ăn chay và môi trường, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được
rằng ngành chăn nuôi là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và là tác
nhân tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc
ăn chay cũng như việc giảm lượng thịt trong bữa ăn là việc làm cần thiết và khả
thi nhất trong việc giảm thiểu tác động xấu của ngành chăn nuôi đối với môi
trường.
Mới đây,
trong Festival cầu Long Biên, khu văn hóa ẩm thực rộn ràng đón những đợt khách
tham quan ra vào thưởng thức tất cả các món ăn từ dân dã cổ truyền đến hiện đại
của dân tộc như, bánh đúc, bánh cuốn, nem cuốn Ngũ Xã…
Bên cạnh
những món ăn truyền thống của một phiên chợ quê, du khách còn được thưởng thức
những món ăn chay ngon và độc đáo với hơn 82 món của hơn 20 đầu bếp từ khắp 3
miền. Có thể nói, các món ăn chay đã tạo ra một không gian đặc biệt và mới mẻ
cho Festival này.
Linh Nga
(theo Tiền Phong)