Ý nghĩa chữ Hiếu

Written By Admin Nguyên Hạnh on Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012 | 01:04


                                             
         Có người nghĩ rằng đạo Phật chủ trương xuất gia, bỏ tất cả trách nhiệm đối với gia đình và xã hội là bất hiếu; vì họ không hiểu ý nghĩa sâu sắc theo Phật dạy về cách báo hiếu thế nào là đúng đắn và lợi ích nhất. Là người xuất gia hay tại gia thực hành đúng pháp Phật đều thể hiện được cách báo hiếu cao nhất trong xã hội. Thật vậy, công đức chúng ta tu tạo sẽ cứu được tất cả cửu huyền thất tổ và những người có mối liên hệ với chúng ta trong nhiều đời cũng nương theo phước đức chúng ta tu hành mà họ được giải thoát. Và khi chúng ta đắc đạo, thành tựu quả vị Phật, sẽ có năng lực cứu độ được muôn loài. Cách báo hiếu theo đạo Phật như vậy khác với báo hiếu thông thường theo quan niệm xã hội.


Đức Phật đã dành một thời pháp đặc biệt nói về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ đời này cho đến cha mẹ nhiều đời. Vì vậy, ý nghĩa báo hiếu đối với Phật giáo rất quan trọng. Đức Phật nói kinh Vu Lan trước, sau đó mới đặt vấn đề báo hiếu; cho nên tinh thần báo hiếu gắn liền với Lễ Vu lan.

Chúng ta tụng kinh Vu Lan, biết rõ người tiêu biểu cho tâm đại hiếu, hạnh đại hiếu là Mục Kiền Liên. Ngài là A la hán khơi dậy tinh thần báo hiếu và làm duyên khởi cho Đức Phật chỉ dạy phương cách báo hiếu theo đạo Phật. Trong mùa an cư, Mục Kiền Liên nỗ lực tu tập và thâm nhập trí tuệ Như Lai, đắc được lục thông, thấy được chúng sinh trong sáu đường sinh tử. Ngài cũng biết rõ tất cả thân bằng quyến thuộc và những người liên hệ với Ngài từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Sắc cứu cánh, đồng thời cũng thấy rõ những người thù oán với Ngài trong nhiều kiếp. 

Nhưng đối với những người chưa đắc quả vị A la hán, mà đắc từ tam quả trở xuống thuộc Hiền vị, tuy không biết bằng trí tuệ như A la hán, nhưng bằng cảm giác và niềm tin, có thể nhận biết tổ tiên, ông bà cha mẹ của họ trong hiện kiếp cho đến nhiều kiếp đang ở trong cảnh giới nào. 

Riêng tôi cũng vậy, hàng năm cứ đến mùa Vu lan, có cảm giác về thế giới mà ông bà cha mẹ tôi đang sống. Có cảm giác về người đã mất hiện hữu nơi nào khi chúng ta lắng lòng yên tĩnh, nghe được âm thanh của họ truyền thẳng vào tâm mình. Nếu họ ở thế giới Phật được an lạc thì sẽ tác động cho chúng ta được an lạc; nói cách khác, nghĩ nhớ đến họ, chúng ta cảm thấy an lạc. Nếu bị đọa lạc trong ba đường ác, họ cũng sẽ gởi tín hiệu khổ đau đến chúng ta.

Như vậy, ở trong Thiền định, chúng ta nhận biết tín hiệu của vong linh từ ba đường ác, từ cõi Trời, hay là từ cõi Phật bằng sự cảm nhận tâm linh. Và biết như vậy rồi, thì chúng ta làm sao? Họ gọi chúng ta bằng tín hiệu và chúng ta cũng truyền tâm niệm cho họ; nghĩa là chúng ta tụng kinh, niệm Phật, hoặc tham thiền và hồi  hướng công đức cho họ. Họ tiếp nhận được công đức thanh tịnh đó, sẽ phát tâm tu và tái sinh về thế giới an lành. Dấu hiệu cho chúng ta nhận biết rằng họ đã được chuyển kiếp về cảnh giới an lành, đó là chúng ta sẽ cảm nhận sự nhẹ nhàng, hân hoan và sự biết ơn của họ. 

Có thể nói sự nỗ lực tu hành của chúng ta tạo thành công đức có năng lực cứu giúp vong linh thoát khỏi cảnh giới khổ đau. Công đức tu hành và sự chứng đắc các quả vị của Thanh văn, hay Bồ tát lớn hơn tất cả các công đức khác. Cụ thể là Mục Kiền Liên đắc A la hán rồi, Ngài mới nhận được tín hiệu của người mẹ đang đọa lạc ở chốn ngạ quỷ. Ngài mới đưa tín hiệu cho mẹ là dâng bát cơm thơm ngon; nhưng nhận được bát cơm, lòng tham của bà nổi dậy mạnh mẽ, khiến cho bà không ăn được, vì cơm hóa thành than đỏ đốt cháy cổ họng của bà.

Mục Kiền Liên vội vàng cầu xin Phật cứu mẹ. Đức Phật dạy Mục Kiền Liên không nên gởi tín hiệu bằng thức ăn, mà nên gởi tín hiệu bằng tâm linh trong sáng thì người mẹ sẽ được sinh về cõi chư Thiên. Điều này cho thấy rằng việc cúng thức ăn là phụ, mà sử dụng tâm thanh tịnh để cầu nguyện mới là chính yếu, mới có thể cứu độ vong linh. Đa số người thế gian báo hiếu bằng cách chỉ dâng cúng thức ăn cho cha mẹ hiện tiền hoặc cha mẹ quá vãng mà thôi. Nhưng cúng thức ăn mà lòng tham của vong linh nổi lên thì càng làm cho họ bị đọa, trong khi thần thức của người chết rất cần sự thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Vì vậy, tâm chúng ta thanh tịnh thì vong linh tiếp nhận sự thanh tịnh này mới được an lạc theo. 

Đức Phật dạy Mục Kiền Liên nên cúng dường chư Tăng, vì tâm của người tu thanh tịnh và từ tâm thanh tịnh đó mới truyền được cho vong linh người mẹ mà ông muốn cúng. Điều này đòi hỏi chư Tăng cầu nguyện phải thanh tịnh. Lễ Vu lan đầu tiên do Mục Kiền Liên thiết đặt không phải là ngày rằm tháng Bảy, nhưng là ngày Tự tứ của chư Tăng. Ngày này quan trọng vì thời Đức Phật tại thế, các Tỳ kheo ở trong hang động nơi rừng núi. Sau ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng tập trung về một chỗ để đảnh lễ Đức Phật. Phật dạy rằng ngày Tự tứ, chư Tăng đã thanh tịnh, tập họp về, Mục Kiền Liên muốn báo hiếu phải sắm lễ vật cúng dường ngày thanh tịnh này. Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, chọn ngày Tự tứ cúng dường chư Tăng và bằng tâm thanh tịnh, chư Tăng chú nguyện, nên bà mẹ của Ngài được sinh về cõi Trời Đao Lợi. Mỗi cõi Trời có công đức khác nhau. Ở cõi Đao Lợi, muốn gì được nấy, muốn ăn thì có ăn, muốn bất cứ phương tiện nào cũng hiện ra đầy đủ và không có người già, người bệnh, người chết; vì không ai muốn già, bệnh, chết. 

Bà Thanh Đề từ ngạ quỷ sinh lên Đao Lợi thiên cung, nhờ công đức chú nguyện của chư Tăng, cho nên tất cả vong linh ở cảnh giới ngạ quỷ cũng nương theo đó mà sinh lên cõi Trời. Một người tu tác động cho nhiều người hưởng là vậy. 

Lễ Vu lan do Mục Kiền Liên thiết đặt là ngày Tự tứ của chư Tăng. Ngày nay, tất cả trường hạ của 24 quận huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh, chư Tăng an cư tại chỗ hoặc an cư tập trung đến ngày mùng 10 tháng 7 tập họp về chùa Phổ Quang, vì nơi đây có hội trường lớn với sức dung chứa trên một ngàn vị, có thể tổ chức Thiên Tăng hội. Vì vậy, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh hàng năm tổ chức Thiên Tăng hội để Tăng Ni toàn thành phố về đây làm lễ Tự tứ cùng nhau cảm thông, chia sẻ kinh nghiệm tu hành và chín tháng còn lại lên đường du hóa. Như vậy, chúng ta chọn ngày mùng 10 tháng 7 là ngày Tự tứ của chư Tăng Ni thành phố Hồ Chí Minh, không phải ngày 15 tháng 7 như trước kia. Sở dĩ Trung Quốc làm Lễ Vu lan vào ngày 15 tháng 7, vì họ có ngày lễ Trung nguyên và người ta đã kết hợp Lễ Vu lan với ngày Trung nguyên, chứ thật sự ngày này không phải là ngày Tự tứ. Ngày Tự tứ phải là ngày 15 tháng 9, tức cuối mùa mưa mới đúng truyền thống vì thời Phật tại thế, đầu mùa mưa là mùa an cư và an cư xong là cuối mùa mưa mới Tự tứ. Nhưng chúng ta theo truyền thống Đại thừa, lấy tinh thần Tự tứ là chính, tức ngày nào có chư Tăng tập họp và Tự tứ, chúng ta cúng dường; còn ngày tháng theo Đại thừa không quan trọng.

Mỗi năm, chúng ta đến đây cúng dường ngày Tự tứ để cầu nguyện, hồi hướng cho ông bà, cha mẹ chúng ta còn sanh tiền được trường thọ, không bệnh, không buồn; nếu đã quá vãng cũng hồi hướng cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, thất thế phụ mẫu sinh về thế giới an lành.

Về việc báo hiếu, chúng ta chỉ nhắm đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình; nhưng việc báo ân rộng hơn, tức nhớ nghĩ và đền đáp công ơn những người liên hệ mà ta đã thọ ơn. Ơn này theo Phật dạy, một là ơn cha mẹ, vì không có cha mẹ tạo nên hình hài này, ta đã không có mặt trên cuộc đời và cũng không thể tu hành được. Ngày nay, học đạo được, chúng ta phải nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mình. Ơn thứ hai là ơn thầy bạn. Sinh ra ta là cha mẹ, có được hiểu biết trưởng thành là nhờ thầy bạn. Vì vậy, không có thầy hiền bạn tốt, ta không nên người được; thầy tà bạn ác dẫn ta vào con đường tội lỗi khổ đau, hoặc cha vô minh, mẹ phiền não sinh con bất hiếu là thuộc về ma, là con đường tà. 

Tu theo Phật, chúng ta có cha là Phật, mẹ là kinh Pháp Hoa, hay cha là trí tuệ, mẹ là đạo đức. Cha là Phật, mẹ là Pháp, đương nhiên sinh con là Bồ tát. Thấu hiểu lý này, Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Tùng Phật khẩu sanh, tùng Pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần, cố danh Phật tử. Phật tử này là Bồ tát sinh ra từ miệng Phật, từ giáo pháp Phật, đắc được pháp Phật. 

Tuy nhiên, chúng ta còn có cha mẹ nhiều đời. Thật vậy, vì nhiều đời ở trong sinh tử luân hồi, chúng ta sống trong hệ vô minh, phiền não là hệ ác ma, nên thường quanh quẩn trong bốn loài ma, không có duyên lành được gặp Phật pháp. Bốn thứ ma là ma ngũ ấm, ma phiền não, ngoại ma và thiên ma. Chúng ta có thân ngũ ấm, mà thân ngũ ấm là thân ma. Vì vậy, nếu dùng ngũ ấm ma tu thì ở hoàn cảnh nào, gốc ma vẫn còn. Ma ngũ ấm thì tự sinh ra ma phiền não. Dù vào chùa hay vô giảng đường nghe pháp cũng phiền não, vì người có nhiều tham vọng, phải có nhiều bất mãn. Nếu phát xuất từ ma ngũ ấm tu hành, thì thường đòi hỏi cơm ăn, áo mặc, chỗ nghỉ, quyền lợi, danh vọng, v.v… Vì ôm ấp tham vọng, đòi hỏi quá nhiều, thường bất mãn, nên dù xuất gia cũng bị đọa. 

Ma ngũ ấm sinh ra ma phiền não, hai ma bên trong này gặp hai ma bên ngoài tác động vô. Thực tế là vì người có ham muốn, bất mãn, liền có người bên ngoài cũng ham muốn, bất mãn tìm đến để tác động làm họ u mê, hoặc dụ dỗ họ vào đường tội lỗi. Đó là bị ngoại ma chi phối và sau cùng là sự tác hại của thiên ma cao nhất. Người bị bốn ma này tác động, không thoát ra được ngục tù tam giới, hay nhà lửa tam giới, là họ đang tu trong pháp của ma, không bao giờ giải thoát, họ không thể tự cứu bản thân, tất nhiên không thể cứu giúp được người thân của họ mà nghiệp họ lại còn tăng thêm.

Quý vị đến đạo tràng này tu, mục tiêu là chuyển hóa cuộc sống phiền não khổ đau thành an lạc, giải thoát, nếu thực hành đúng Chánh pháp sẽ được kết quả tốt đẹp như vậy. Đệ tử Phật trước khi tu học với Phật, cũng phạm giới, nên tu suốt đời cũng vẫn khổ, như năm anh em Kiều Trần Như tu lâu mà không được gì, cũng chỉ ở trong trạng thái sinh già bệnh chết. Hoặc Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên tài hoa, nhưng chỉ có khổ chồng chất thêm.
Ngày nay, chúng ta được gặp Phật pháp, phát tâm Bồ đề, lấy Bồ đề tâm làm thân mạng chúng ta để sống, không sống với ngũ ấm như trước nữa. Hay nói khác, ngũ ấm đã chuyển thành tri thức và đức hạnh, là thấy biết đúng sự thật và hành đạo lợi ích cho đời. Tu trên căn bản Bồ đề tâm như vậy, mới thành tựu quả vị của A la hán, quả vị của Bồ tát, quả vị Phật, thì mới có năng lực cứu độ được tổ tiên, ông bà, cha mẹ hiện đời cho đến nhiều đời. Còn tu bằng tứ đại ngũ uẩn thì luôn tính toán, nhưng khổ vẫn hoàn khổ, không bao giờ vừa lòng, nên phải bị đọa và kéo theo người thân, người liên hệ cũng đọa.
Chúng ta lấy Bồ đề tâm làm thân mạng. Bồ đề tâm là đức hạnh và tri thức. Như vậy, chuyển hóa đầu tiên là chuyển hóa thân tứ đại thành thân đạo đức. Cũng người đó, nhưng trước khi phát Bồ đề tâm, ai cũng ghét họ; còn sau khi phát tâm trở thành người đức hạnh thì ai cũng thương họ. Vì vậy, chỉ  khác ở phát tâm mà có kết quả tốt hay xấu. Có người vừa gặp Phật, như Kiều Trần Như, tâm Bồ đề phát liền và trở thành người đức hạnh trước tiên trong Tăng đoàn. Phật mới dạy rằng Kiều Trần Như đã đắc đạo, được đi khất thực với Ngài. Phát Bồ đề tâm rất quan trọng và tu một thời gian ngắn, sanh ra công đức, thì trước kia là “Thức” của tứ đại, nay trở thành “Tuệ” của trực giác; từ đó nhìn cuộc đời, biết người liên hệ với mình như thế nào và làm được gì thì tùy theo đó chúng ta giáo hóa, không gặp trở ngại. 

Trên bước đường truyền bá Chánh pháp, gặp vô số khó khăn, Đức Phật vượt qua dễ dàng, khác với ngoại đạo thường âm mưu tính toán mà chuốc lấy khổ; vì họ không có giới thân huệ mạng, không có đức hạnh và không có trí tuệ, mang thân nghiệp đến đâu đều bị xua đuổi. 

Phật dạy, việc quan trọng nhất khi tu hành là phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm này sinh ra từ miệng Phật, từ pháp của Như Lai, nên gọi là Pháp thân Bồ tát. Có Pháp thân Bồ tát, hay có căn lành, tu được, không phải tu trên tứ đại ngũ uẩn. Người tu lâu mà không sinh công đức, vì không phát Bồ đề tâm, không chuyển hóa được tứ đại ngũ uẩn thành Pháp thân Bồ tát.
Chuyển hóa tứ đại ngũ uẩn thành Pháp thân Bồ tát là gì?  Trên bước đường tu, ta phá trừ được một phần vô minh, hay tu chứng được một pháp nào, hoặc diệt trừ được một ấm ma, thì sanh được Pháp thân đó. Và cứ như thế chúng ta chuyển đổi ngũ ấm ma thành ngũ phần Pháp thân gồm có giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Vì vậy, chúng ta tu hành là tu trên Pháp thân của chúng ta, không tu trên ngũ uẩn; hay nói cách khác, nhìn bề ngoài là ngũ uẩn thân, nhưng tu Pháp thân. Ý thức sâu sắc yếu nghĩa này, chúng ta dâng hương cúng Phật, nguyện rằng: 

Đốt nén tâm hương trước Phật đài
Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai

để Như Lai tiếp nhận lòng thành của chúng ta mà Ngài truyền cho năm phần Pháp thân, giúp chúng ta phát huy giới đức, tâm định tĩnh, có trực giác, biết tất cả mọi việc đúng như thật, không còn phiền não nhiễm ô tội lỗi, được tự tại giải thoát. Có thể khẳng định rằng chuyển hóa được ngũ uẩn thân thành năm phần Pháp thân và sử dụng năm Pháp thân này để hành đạo Bồ tát, mới có năng lực giải thoát cho mình và giúp người liên hệ được siêu thoát.

Như đã nói, chúng ta có cha là Phật, mẹ là Pháp, thì Pháp thân Bồ tát sinh ra, hay ngũ phần Pháp thân sinh ra. Và đứng ở vị trí Pháp thân mà hành đạo, Pháp thân chúng ta mỗi ngày lớn hơn. Thực tế cho thấy khi đức hạnh chúng ta cao, người chưa thương sẽ thương ta, người thương rồi sẽ thương nhiều hơn và người ghét sẽ không ghét, mà có thiện cảm với ta. Ngược lại, tu trên ngũ uẩn và phát triển ngũ uẩn, thì người thương bỏ chúng ta, người không thương sẽ chống đối chúng ta và người chống phá ta sẽ chống phá nhiều hơn. 

Thành tựu Pháp thân Bồ tát và Pháp thân Bồ tát này mới quan hệ với mười phương Như Lai và chư Hiền Thánh Tăng giải thoát, cho nên chúng ta nương nhờ được lực gia bị của các Ngài làm thành đạo lực của mình. Có như vậy, chúng ta mới đủ thần lực cứu khổ được muôn loài. 

Mùa Vu lan năm nay, khóa tu Một ngày an lạc của quý vị thay vì đúng ngày mùng 10 tháng 7 cúng dường Thiên Tăng hội; nhưng hôm nay, các Phật tử về đông, nên chúng tôi tổ chức dâng y hôm nay để cúng dường chư Tăng hiện tiền là những người mà quý vị đã mang ơn. Ban Thường trực Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh chủ quản tòa nhà này và đã tổ chức khóa tu cho quý Phật tử.  Nghĩ đến công ơn này, quý vị làm lễ báo ơn, dâng y cúng dường.
Ngoài ra, các vị giảng sư đã giúp quý Phật tử mở mang hiểu biết Phật pháp qua mười khóa tu. Cho nên nhân ngày Vu lan, quý vị muốn đền đáp công ơn Tam bảo đã hướng dẫn quý vị các pháp tu thoát khỏi kiếp sống mê mờ, khổ đau trong sinh tử luân hồi và đi theo con đường an lạc, thanh tịnh, giải thoát.

Để được kết duyên lành với đạo pháp, với chư Tăng, đời đời kiếp kiếp chung lo Phật sự, hành Bồ tát đạo, thăng hoa tri thức và đạo hạnh, tất cả quý Phật tử thành tâm thiết lễ dâng y cúng dường chư tôn đức trong Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và quý giảng sư trong Ban Hoằng pháp Trung ương. Chúng tôi cầu nguyện tất cả quý Phật tử cùng thân bằng quyến thuộc nhờ nhân lành cúng dường này trong mùa Vu lan Báo hiếu, người hiện tiền sẽ được tăng phước tăng thọ và người đã quá vãng sẽ được siêu sanh về thế giới an lành.
   HT.Thích Trí Quảng
Share this article :
 
Chủ nhiệm: HT. Thích Trí Quảng - Biên tập: Thích Nguyên Hạnh - Thiết kế: Trí Lưu
Email: daotrangphaphoa.vn@gmail.com - nguyenhanhvnn@gmail.com
www.ChuaPhoQuangTanBinh.com
DMCA.com