Chuyển hóa nỗi lo cũng là chuyển hóa nội tâm. Tâm có sáu phiền não căn bản và 20 phiền não phụ. Việc chính yếu chúng ta cần thực hiện trên bước đường tu là chuyển hóa nội tâm, tức chuyển đổi tâm phiền não thành tâm Bồ đề, hay tâm giác ngộ. Nói đúng hơn, người tu phải phát tâm Bồ đề, mới dùng tâm Bồ đề này để chuyển hóa phiền não.
Sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, nghĩa là từ nhận thức sai lầm, chúng ta tạo thêm: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, gộp chung lại thành thập triền là mười thứ phiền não ràng buộc, ngăn che chúng ta không thấy được chân lý, khiến chúng ta mắc phải sai lầm, dẫn vào con đường khổ đau. Ý này được diễn tả trong bài sám Quy mạng rằng: Thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhân.
Sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, nghĩa là từ nhận thức sai lầm, chúng ta tạo thêm: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, gộp chung lại thành thập triền là mười thứ phiền não ràng buộc, ngăn che chúng ta không thấy được chân lý, khiến chúng ta mắc phải sai lầm, dẫn vào con đường khổ đau. Ý này được diễn tả trong bài sám Quy mạng rằng: Thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhân.
Theo tôi, thập triền, thập sử, hay sáu căn bản phiền não, hoặc 20 phiền não phụ (gồm có phẫn, hận, phú, não, tật, san, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri) có thể thu gọn lại cho dễ nhớ dễ thực hành, đó là buồn giận, lo sợ luôn tác động chúng ta rất mãnh liệt. Riêng tôi, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, nên những sự mất mát về người thân, về mọi thứ làm mình dễ buồn giận lo sợ. Vì vậy, chuyển hóa nỗi lo, hay chuyển hóa buồn giận lo sợ là bài pháp tôi đã thực hiện trong một thời gian dài hơn 50 năm, muốn chia sẻ kinh nghiệm này với quý vị.
Sống trên cuộc đời này mà bảo không lo là điều khó làm. Năm 1975, sau khi đất nước mới giải phóng, còn rất nhiều vấn đề nan giải đối với mọi người. Ni sư Vĩnh Bửu đến thăm, thấy tôi bình thản, mới nói rằng “Chết đến nơi mà thầy không lo”. Tôi trả lời nếu thật sự chết thì có lo cũng chết, không lo cũng chết; nhưng không lo, chết trong an lạc vẫn tốt hơn là chết trong nỗi lo buồn. Tôi cảm giác càng lo càng bị phức tạp, rắc rối bao vây thì càng khổ sở hơn, nên tôi tập không lo lắng bất cứ điều gì xảy ra.
Tôi tin rằng cuộc đời tu học và hoằng pháp của tôi đã có Phật lo, nên tôi mới tu học được và hoằng pháp được; mình lo không được, còn gánh thêm phiền não, tội lỗi thì không phải là điều mà người chân tu hướng đến. Thật vậy, thực tế cho thấy một số người bạn đồng hành luôn lo cho cuộc sống của họ, làm sao có chỗ ở tốt, có chùa lớn; nhưng chưa được chùa thì mạng sống đã chấm dứt. Hoặc có người lo chuyện lớn, lo cho xã hội, lo cho cả thế giới, thậm chí lo hành tinh của chúng ta sẽ va chạm vào hành tinh khác thì cả nhân loại này sẽ tiêu tan thành tro bụi trong chớp mắt, v.v… Đừng hiểu lầm rằng không lo là bỏ mặc mọi việc cho hư. Không lo những việc không đáng lo hoặc những việc vượt ngoài khả năng mình. Thử nghĩ thân phận như con kiến mà đòi lo chuyện đội đá vá trời, rõ là ngông cuồng. Phải nói ít có người trong lòng được bình an, vì phần nhiều họ thường lo những điều không cần thiết. Trong khi Đức Phật dạy chúng ta những việc rất thực tế trong cuộc sống, được ví như người bị mũi tên độc, cần chữa trị ngay để lấy chất độc ra, đừng lo hỏi chất độc gồm có thành phần gì, người bắn mũi tên độc xuất thân từ đâu, v.v...
Đối với tôi, đặt niềm tin sâu sắc ở Đức Phật thì tất cả nỗi lo trong lòng tự nhiên tiêu tan. Được thức ăn, nghĩ rằng Phật cho mình; không có thức ăn, nghĩ là Phật thử thách mình. Tin Phật sắp xếp như vậy, tâm được an lạc liền. Đạo Phật là đạo giải thoát, an lạc, làm sao không bị hệ lụy vì thức ăn, hay nói chung, không để đời sống vật chất tác hại tâm mình.
Sống trong hoàn cảnh nào, cũng dùng tâm Bồ đề phân tích, lý giải, để đạt được kết quả tốt nhất, là kinh nghiệm của tôi. Còn mình chỉ lo việc không đáng lo, mất công nhiều, nhưng kết quả không được bao nhiêu mà chúng ta lại xa rời nếp sống giải thoát trong Chánh pháp. Nếu nghĩ mình tự lo được thì Phật khỏi lo; nhưng tin chắc rằng tất cả mọi việc do Phật sắp xếp một cách đúng đắn thì trở về Bồ đề tâm của chúng ta, theo sự đúng đắn đó mà hành xử. Tôi thường nói rằng ở nơi đâu và ngay lúc đó, dùng Bồ đề tâm mình giải quyết, xong rồi thì cho qua. Ngay lúc đó, có Bồ đề tâm, tức tâm sáng suốt là nhờ không lo không tính, mới trực nhận được giải pháp một cách tốt nhất; còn lo lắng quá, tính toán quá thì tâm trí rối bời, mờ tối, phiền não bao vây, việc chúng ta không thể thành tựu tốt đẹp.
Hóa giải nỗi lo đầu tiên của tôi là đem ký thác cho Phật, Bồ tát, Long thiên; xuất phát từ niềm tin kiên định như vậy, tôi vượt qua mọi khó khăn, phiền muộn. Trong phẩm Pháp sư thứ mười, kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng người trì kinh ở nơi vắng vẻ, Phật sẽ khiến hóa nhân đến nghe pháp; có người hại, Phật sẽ khiến Bát bộ Thiên long giữ gìn. Nếu chúng ta tin lời Phật dạy như vậy, thì còn sợ gì. Thí dụ hôm nay tôi thuyết pháp tại giảng đường này, Phật khiến Phật tử hữu duyên đến nghe pháp và thực hành Chánh pháp. Nếu tôi lo thì phải kêu gọi mọi người đến, nhưng họ thật sự có muốn nghe pháp, muốn tu hay không. Không muốn tu mà mời tới thì làm cho việc tu tập của chúng ta càng phức tạp, khó khăn thêm.
Các vị trong ban tổ chức khóa tu nói rằng tại một số giảng đường, thuyết pháp một tiếng đồng hồ còn không có nhiều người nghe, mà mở khóa tu Một ngày an lạc như chúng ta tại một giảng đường lớn thì e rằng khó thành công, lo quá. Tôi nói rằng quý vị đừng lo, có Phật lo thì tất cả mọi việc đều tốt đẹp. Chỉ có một điều quý thầy cần lo là giữ tâm thanh tịnh thì nhất định việc tu hành của Phật tử sẽ được tốt đẹp. Đại đức Nhật Từ cũng có ý tốt, có tinh thần trách nhiệm, nên lo ngại rằng sẽ không có nhiều người đến nghe pháp, nên đã vận động và rước những người mù và bệnh nhân ung bướu đến nghe pháp. Tôi bảo rằng nếu họ muốn nghe pháp, chúng ta tạo điều kiện cho họ đến để hiểu biết Chánh pháp, được tu hành và hóa giải được nghiệp của họ, thì khi rời bỏ xác thân, họ ra đi nhẹ nhàng. Chúng ta giúp họ thăng hoa trên hành trình tâm linh, nếu họ muốn. Còn họ không muốn tu, nhưng chúng ta cho đến để lấp đầy giảng đường là điều không nên. Tôi chủ trương trong khóa tu này, Phật tử “ăn pháp, ăn thiền” là chủ yếu; còn muốn ăn ngon thì đến nhà hàng, muốn ở tốt thì vào khách sạn. Giảng đường này chỉ phục vụ người tu.
Phật khiến các Phật tử đến tu học và việc hóa giải nỗi lo sợ buồn giận trong tâm Phật tử là nhiệm vụ của quý Tăng Ni trong Đoàn Giảng sư. Sau khi chết, chúng ta về đâu, đó là việc lớn nhất của hàng đệ tử Phật phải lo, phải sợ. Quý Tăng Ni có trách nhiệm thấy con đường đi của chính mình để hướng dẫn người khác và phải tìm được cuộc sống an lạc cho chính mình để chỉ dạy cho người được an lạc. Đó là việc làm thiết thực nhất; còn việc tập họp, tổ chức vui chơi, ngủ nghỉ ăn uống bình thường không cần thiết.
Như vậy, điều chúng ta lo là hóa giải được tâm phiền não của mình và hóa giải cho người. Và thực tế cho thấy quả đúng như vậy, đạo tràng chúng ta ăn trưa một hộp cơm năm ngàn đồng vẫn tu được, chứng tỏ Phật khiến những người đến đây nghe pháp, thực tập giáo pháp. Chúng ta phải có trách nhiệm hóa giải được nỗi lo sợ buồn giận của tất cả Phật tử về đây tu học.
Đối với người tu hành, việc quan trọng nhất là thiền thực và pháp thực; vì xóa bỏ nỗi lo sợ buồn giận trong lòng không gì hơn là thực tập thiền và ứng dụng giáo pháp. Tôi cũng nhờ thể nghiệm thiền và giáo pháp trên bước đường tu, lần lần phiền não được cắt bỏ. Đầu tiên, chúng ta tập vui với pháp, vui nghe pháp. Thuở còn là học Tăng, có pháp hội thuyết pháp, tôi hay để tâm nghe; có tác phẩm hay tôi thường tìm đọc. Tâm chúng ta để vào sách vở, kinh điển, tất cả việc khác tự nhiên không chi phối được. Còn ngồi không rồi buồn man mác, nhìn trời mưa hay mây bay cũng rầu rĩ và tâm buồn thì nhìn sự vật làm sao vui được.
Thực tế nhiều người muốn hóa giải nỗi buồn lo lại rơi vào sai lầm bằng cách tìm thuốc lá hút, tìm cà phê uống, lâu ngày tạo thành nghiệp nghiện thuốc lá, ghiền cà phê, là tạo cơ hội cho ma và nghiệp kéo họ vào đường tà một cách dễ dàng.
Như vậy, không được phép ngồi không để buồn, không cho nghiệp khởi, không cho ma dẫn, chúng ta phải có định hướng bằng cách để tâm vào việc đọc kinh sách, suy nghĩ lời Phật dạy. Trải qua một thời gian thực tập như vậy, trí tuệ phát sinh, Bồ đề tâm sáng lên, chúng ta thấy biết sự vật đúng như Phật dạy, tự động buồn giận lo sợ biến mất; đó là cách hóa giải phiền não hữu hiệu nhất. Tôi thường tâm niệm rằng đường còn xa, việc còn nhiều, cứ lo làm việc, lo nỗ lực đi mãi trên con đường giác ngộ; kinh nghiệm bản thân này tôi muốn chia sẻ cho tất cả Phật tử hữu duyên.
Những người để cho thì giờ rảnh rỗi nhiều, thường dễ bị ma kéo vào nhiều việc không tốt và từ những cái không tốt này sẽ sinh ra những điều không tốt khác, chắc chắn quả báo không tránh được. Sám Quy mạng diễn tả rằng "lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội". Để cho sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, dẫn đến tội lỗi sinh ra trùng trùng, khổ này làm nhân cho khổ khác phát sinh, khổ này chồng chất lên khổ khác và kiếp này khổ chồng chất lên kiếp khác khổ.
Đối với tôi, thuở còn trẻ tuổi, khởi tu bằng cách ép mình vào việc học, tập trung tư tưởng để tìm hiểu yếu nghĩa của pháp Phật, thì gần như tôi quên tất cả mọi việc, ngoài luận văn nghiên cứu, tôi không biết gì khác. Nhưng đến khi hoàn thành việc học, trí tuệ phát sinh, nhìn lại cuộc đời, tôi thấy cái gì cũng đẹp hơn. Còn giai đoạn trước, lo sợ tính toán mà không được gì. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng cỏ cây, mây bay, suối reo, chim hót… đều là Phật pháp, chỉ có tu học Phật pháp, thâm nhập Phật pháp là hóa giải được mọi phiền não.
Chúng ta còn nhớ câu chuyện giữa Phật Ấn và Tô Đông Pha. Tô Đông Pha làm quan và cũng là học giả thì bao nhiêu dữ kiện tốt xấu của cuộc đời, ông chất chứa đầy ắp trong tâm trí, nên có đủ buồn lo. Phật dạy biết nhiều phiền não nhiều là vậy. Cuộc đời của Tô Đông Pha lại quá thăng trầm, phải tính toán lo lắng đủ thứ; nhưng ông không được đãi ngộ. Làm quan, ông phải lo giải quyết sao cho dân vừa lòng, mà dân ủng hộ thì ông lại lo "búa tạ" triều đình đập xuống. Trong khi Thiền sư Phật Ấn không có gì để lo lắng, tính toán, nên tâm thanh tịnh, trong sáng, không phiền não.
Tô Đông Pha có người em gái là đệ tử của ngài Phật Ấn. Ông thấy người em lúc nào cũng sống an vui, khỏe mạnh. Học đạo để được như vậy, không phải học đạo để khổ, không phải học lý thuyết suông. Nhờ tâm giải thoát, bà này sống ung dung tự tại, không bệnh. Tâm buồn giận, lo sợ thì nội tạng phải hư tổn, phải bệnh và nhờ tâm an, hoàn cảnh cũng tốt theo. Bà này là nhà kinh doanh thành đạt tiêu biểu trong Phật giáo.
Tô Đông Pha thấy em gái tầm thường. Điều này dễ hiểu, vì người Trung Quốc xem thường phụ nữ; đối với họ, cái gì cũng nam tử hán là nhất; nhưng thử nghĩ nam tử mà khổ đau, rầu rĩ thì có nhất hay không. Người em gái của ông nhờ quy y với Phật Ấn Thiền sư mà có cuộc sống tốt đẹp như vậy. Tô Đông Pha cũng tìm Phật Ấn xem ra sao mà người em ca ngợi. Nhưng ông thấy Phật Ấn bề ngoài bình thường, nên ông hỏi “Ngài thấy tôi thế nào?”. Phật Ấn chỉ chắp tay cúi đầu chào ông hai tiếng Mô Phật. Ông mới nghĩ rằng Phật Ấn coi ông là Phật thì nhà sư này chắc là tâm thần. Phật Ấn hỏi lại Tô Đông Pha rằng “ông thấy tôi như thế nào?”. Tô Đông Pha đáp “tôi thấy ông như một bãi phân”. Câu này ám ảnh tôi mấy chục năm. Nếu chúng ta nghe câu nói như vậy dễ chạm tự ái lắm, nhưng tự ái nổi lên thì coi chừng nguy hiểm, coi chừng mình là bãi phân thật.
Đọc kỹ kinh Hoa Nghiêm, chỗ này cho chúng ta thấy điều gì, thấy Phật Ấn hay Tô Đông Pha là Phật? Phật Ấn là người tu hành không buồn giận lo sợ. Trong tâm ngài chỉ có Phật và tất cả mọi việc do Phật sắp xếp. Kinh Hoa Nghiêm dạy rõ rằng trong tâm mình có Phật thì nhìn đâu cũng là Phật, nhìn mây bay, núi cao cũng có dáng Phật, nhìn chim cá, muôn loài đều dễ thương. Vì tâm Phật là tâm từ bi hỷ xả, nên tâm mình có Phật ngự trị thì buồn giận lo sợ trong ta rơi rụng và đối với tất cả mọi người, mọi loài, chúng ta chỉ có tình thương bao la. Vì ngài Phật Ấn là bậc chân tu, đã đem Phật vô tâm, nên ngài thấy Tô Đông Pha cũng là Phật. Còn chúng ta, nếu thấy người nghịch, người đáng ghét cũng dễ thương là đã nhìn thấy được Phật.
Trong khi Tô Đông Pha là học giả, trong tâm chất chứa nhiều sự kiện, cái gì cũng biết, nên tâm phân biệt, cố chấp đã khiến ông thấy Phật Ấn dở, xấu; ông mới nói ngài là bãi phân. Điểm này cần lưu ý rằng tất cả những gì xấu ác do chúng ta nghĩ ra, nói ra là phát xuất từ trong tâm mình đã chứa nhóm sẵn những điều xấu ác đó. Và mình không bằng lòng với những cái xấu ác trong tâm mình sẵn có là điều khổ nhất. Vì vậy, đem Phật pháp vào tâm, chúng ta thấy an lạc vô cùng. Hình ảnh của Phật, Bồ tát, Thánh tăng đặt vô tâm thì hình ảnh cao quý của các ngài hiện lên, chắc chắn chúng ta cảm thấy an vui tự tại. Đó là pháp hành mỗi ngày của tôi. Mỗi sáng sớm tôi tụng kinh rồi mới làm việc và tối tụng kinh rồi mới ngủ. Buổi sáng đem kinh vào tâm để ngăn chặn những ác xấu thâm nhập; tối tụng kinh để rửa sạch những trần lao đã tiếp xúc trong ngày làm việc, để cho tâm thanh thản vào Thiền, hay vào giấc ngủ. Nhờ vậy, tôi an lạc trong cuộc sống hành đạo và an lạc trong giấc ngủ.
Đem Phật pháp vào lòng để rửa sạch trần tâm, giống như lấy nước rửa thân cho sạch. Điều này gợi tôi nhớ đến câu chuyện về Bồ tát Quan Âm ở đời Thanh rất dễ thương. Có một vị Hòa thượng đi hóa duyên, một hôm Ngài gặp một người ác lấy thùng phân ụp lên đầu Ngài. Hòa thượng vẫn vui vẻ để y nguyên thùng phân trên đầu, vừa đi vừa nói “Thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ”. Mọi người thấy vậy đi theo xem Ngài làm gì. Hòa thượng đi đến dòng sông, tắm rửa xong, Ngài nói rằng phân bên ngoài lấy nước rửa sạch được; sợ nhất là phân trong lòng khó tẩy sạch.
Việc làm của Hòa thượng là bài thuyết pháp sống động, hóa giải được kẻ ác này trở thành Phật tử thuần thành, một lòng tu theo Hòa thượng. Ngài là biểu tượng phạm hạnh dạy cho chúng ta hiểu rõ thế nào là rửa sạch phân nhơ trong tâm mình. Chúng ta thường sai lầm, đem phân nhơ để vô tâm mình, nên nghiệp và phiền não cứ tăng thêm. Tăng Ni và Phật tử nỗ lực tu tập, đừng đem phiền não vào tâm; cần đưa pháp vào tâm để rửa sạch lòng trần. Và khi tẩy sạch phiền não, mới tiến sang giai đoạn hai là hành Thiền. Nhiều người nghĩ rằng tu Thiền quan trọng nhất, nhưng quên mất Trí Giả đại sư dạy rằng muốn tu Thiền, phải sám hối hết nghiệp mới được, ví như một bình phân nhơ muốn đựng cam lồ thì phải rửa bình cho sạch. Người tội lỗi phải sám hối tiêu tội mới vào Thiền được; nếu không, dễ bị đọa lạc.
Ngài Trí Giả e ngại chúng ta không hiểu, mới nói thêm trong Ma ha chỉ quán để chúng ta nhận biết thế nào là sám hối hết tội. Đem Phật vào tâm được phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, phải sám hối đến khi chúng ta thấy hảo tướng, nghĩa là lòng chúng ta chỉ thấy Phật, không thấy người ác xấu để buồn giận, là mình hết nghiệp. Nhưng qua giai đoạn hai, cao hơn để tu Thiền, tất cả chúng sinh phải thấy ta là Phật thì mới thật sự hết nghiệp. Như vậy, Phật hiện trong tâm ta trước và sau đó Phật hiện lên thân chúng ta, thì mới thực tập Thiền được. Còn các giai đoạn trước, chúng ta chỉ sử dụng được Thiền tứ niệm xứ quán là quét dọn phân nhơ trong tâm, chứ chưa làm được gì lớn lao hơn.
Tóm lại, thể nghiệm Phật pháp trong cuộc sống theo đúng tinh thần Phật dạy và ứng dụng Thiền quán trên bước đường tu làm cho trí tuệ chúng ta sáng lên, hiểu biết mọi việc đúng như thật, làm cho tâm chúng ta thanh tịnh, giải thoát, an vui và tác động cho mọi người cũng được an vui, giải thoát, sáng suốt. Được như vậy thì tất cả buồn giận lo sợ, phiền não, trần lao, nghiệp chướng đã được chuyển hóa thật sự tốt đẹp, mà kinh Pháp Hoa ví như hoa sen vươn lên từ bùn nhơ, tỏa hương thơm ngát cho đời.
HT. Thích Trí Quảng